Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 38




"Tại sao chúng ta thực hành Yoga?"

Tôi có ông thầy đã từng hỏi câu hỏi đó trong một lớp Yoga mang tính thử thách đặc biệt, hồi còn ở New York. Tất cả chúng tôi uốn mình thành những tam giác nghiêng sang một bên đến mệt lả, và ông thầy bắt chúng tôi giữ tư thế đó lâu hơn bất kỳ ai trong chúng tôi có thể muốn.

"Tại sao chúng ta thực hành Yoga?" ông hỏi lần nữa. "Phải chăng để chúng ta có thể trở nên dẻo hơn hàng xóm của mình một chút? Hay còn có một mục đích nào đó cao hơn?".

Yoga, trong tiếng Phạn, có thể dịch là "hợp nhất". Khởi đầu nó bắt nguồn từ từ gốc là yuj, có nghĩa là "ràng buộc", gắn chặt ta với một nhiệm vụ có thể với tới trong một kỷ luật như của loài bò. Và nhiệm vụ trong tầm tay của Yoga là tìm thấy sự hợp nhất - giữa thân và tâm, giữa cá thể và Thượng Đế của mình, giữa những tư tưởng của ta và cội nguồn của tư tưởng, giữa sư phụ và môn đệ, thậm chí giữa ta và những người hàng xóm của ta. Ở phương Tây, chúng ta bắt đầu biết Yoga chủ yếu qua các bài tập luyện uốn dẻo cơ thể như bánh quy xoắn giờ đã nổi tiếng, nhưng đó chỉ là Hatha Yoga, một nhánh của triết lý này. Các tác giả cổ điển đã phát triển những bài tập duỗi cơ thể này không phải cho tình trạng sức khỏe cá nhân mà là để thả lỏng các cơ và tâm trí để chuẩn bị cho việc thiền quán. Suy cho cùng, ngồi trong tĩnh lặng suốt nhiều giờ sẽ khó khăn nếu mông ta đau nhức, điều đó ngăn cản ta trầm tư về thiêng liêng nội tại của mình vì ta đang quá bận rộn quán tưởng, "Ôi chao... cái mông mình đau thật."

Nhưng Yoga còn có thể có nghĩa là cố gắng tìm thấy Thượng Đế qua thiền định, qua nghiên cứu học thuật, qua thực hành tĩnh lặng, qua các lễ sùng bái hay niệm chú - lặp đi lặp lại những từ linh thiêng bằng tiếng Phạn. Dù một số thực hành này trong nguồn gốc của chúng thường có vẻ khá giống đạo Hindu, Yoga không đồng nghĩa với đạo Hindu, tất cả các hành giả Ấn giáo khác cũng thế. Yoga chân chính không đua tranh mà cũng không cản trở bất kỳ tôn giáo nào khác. Ta có thể dùng Yoga của mình - các thực hành hợp nhất với linh thiêng một cách có kỷ luật - để đến gần hơn với Krishna, Jesus, Muhammad, Đức Phật hay Yahweh. Trong thời gian ở Ashram, tôi đã gặp những người mộ đạo tự xác định mình là những tín đồ Cơ Đốc, Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn giáo và thậm chí là Hồi giáo. Tôi cũng gặp những người khác hoàn toàn không muốn đề cập gì đến tín ngưỡng tinh thần của mình, điều đó thì, trong cái thế giới hay sinh sự này, ta không thể trách họ được.

Con đường Yoga liên quan đến việc gỡ rối những khiếm khuyết gắn liền với thân phân con người, mà ở đây tôi sẽ định nghĩa một cách vô cùng sơ sài là sự bất lực đến nhức nhối không thể duy trì trạng thái mãn nguyện. Các trường phái tư tưởng khác nhau qua nhiều thế kỷ đã tìm thấy những lý giải khác nhau cho trạng thái bất toàn cố hữu rõ ràng ở con người. Đạo Lão gọi đó là mất cân bằng, đạo Phật gọi là vô minh, đạo Hồi đổ lỗi khổ đau của chúng ta cho việc chống lại Thượng đế, còn truyền thống Do Thái - Cơ đốc quy tất cả đau khổ của chúng ta cho tội tổ tông. Những người theo học thuyết Freud nói rằng bất hạnh là kết quả không thể tránh khỏi từ mâu thuẫn giữa các xung lực bản năng của ta với các đòi hỏi của nền văn minh. (Như cô bạn nhà tâm lý học Deborah của tôi giải thích: "Dục vọng là lỗi thiết kế.") Tuy nhiên, các hành giả lại nói rằng bất mãn của con người chỉ là một trường hợp đơn giản của việc ngộ nhận về chính mình. Ta đáng thương vì tưởng ta chỉ là những cá thể, đơn độc trong nỗi sợ hãi, khiếm khuyết, oán giận, và vòng đời ngắn ngủi của mình. Ta lầm tưởng cái bản ngã bé nhỏ hạn hẹp của ta cấu thành toàn thể bản tính ta. Ta đã không nhận ra được tính chất thiêng liêng sâu kín trong ta. Ta không ngộ ra rằng, đâu đó bên trong mình còn tồn tại một Ngã tối thượng an nhiên trường cửu. Ngã tối thượng mới là bản thể chân thật của ta, phổ quát và thiêng liêng. Các hành giả nói, trước khi ta chứng ngộ được chân lý này, ta sẽ luôn luôn thất vọng, ý niệm này được thể hiện một cách duyên dáng trong câu nói đầy bực tức này của nhà hiền triết khắc kỷ Hy Lạp Epicteutus, "Hỡi những kẻ khốn khổ, các người mang Thượng Đế bên trong mình mà không biết."

Yoga là nỗ lực tự chứng nghiệm thiêng liêng của mình và rồi duy trì chứng nghiệm đó mãi mãi. Yoga là sự tự điều ngự và nỗ lực chuyên chú kéo sự chú ý của ta ra khỏi những nghiền ngẫm bất tận về quá khứ và lo lắng triền miên về tương lai để thay vì vậy, ta khả dĩ tìm kiếm một nơi hiện diện vĩnh hằng mà từ nơi ấy ta có thể nhìn bản thân mình và xung quanh ta với sự điềm tĩnh. Chỉ từ phút giây tự tại đó chân tính của thế giới (và của chính ta) mới phát lộ cho ta. Từ tư thế ngồi cân bằng của mình, những hành giả chân chính thấy toàn thể thế giới này là một thị hiện bình đẳng năng lực sáng tạo của Thượng Đế - đàn ông, đàn bà, trẻ con, củ cải, rệp, san hô: tất cả đều là Thượng Đế cải trang. Nhưng hành giả cũng tin rằng kiếp người là một cơ hội rất đặc biệt, và chỉ có trong thể dạng người và chỉ với một trí tuệ người thì chứng ngộ Thượng Đế mới có thể xảy ra. Củ cải, rệp, san hô - chúng không bao giờ có được cơ hội khám phá ra chúng thật sự là ai. Nhưng chúng ta thì có cơ hội đó.

Thánh Augustine đã viết, khá giống thuyết Yoga, "Do vậy toàn thể công việc của chúng ta trong đời này là hồi phục nhãn lực của trái tim, nơi từ đó ta có thể nhìn thấy Thượng Đế".

Cũng như tất cả các tư tưởng triết học lớn, điều này rất đơn giản dễ hiểu nhưng gần như không thể hấp thụ. Đồng ý - vậy tất cả chúng ta là một, và sự thiêng liêng ngụ trong chúng ta như nhau. Không thành vấn đề. Đã hiểu. Nhưng giờ hãy thử sống từ nơi đó. Hãy thử đưa tri kiến đó vào thực hành hai mươi bốn giờ một ngày. Không đơn giản như vậy. Vì thế mà ở Ấn Độ người ta xem việc ta cần có một vị thầy để học Yoga là đương nhiên. Trừ phi ta sinh ra đã là một trong những bậc thánh sáng rạng hiếm hoi đã chứng đắc trước khi bước vào cõi nhân gian, nếu không ta sẽ cần sự dìu dắt nào đó suốt hành trình đi đến giác ngộ của mình. Nếu đủ may mắn, ta sẽ tìm thấy một Sư phụ còn sống. Đây là điều những người hành hương đã đến Ấn Độ tìm kiếm hàng bao nhiêu năm. Vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, Alexandre Đại Đế đã cử một sứ thần đến Ấn Độ, với yêu cầu tìm một trong những hành giả nổi tiếng và đưa ông cùng về triều đình. (Sứ thần tâu lại là đã tìm thấy một hành giả, nhưng không thể thuyết phục được ông du hành.) Trong thế kỷ thứ nhất đầu Công nguyên, Apollonius xứ Tyrana, một sứ thần Hy Lạp khác, viết về cuộc hành trình khắp Ấn Độ của mình: "Tôi đã thấy những người Bà La Môn Ấn sống trên mặt đất nhưng không phải dựa vào nó,vững vàng mà không cần thành lũy, không sở hữu gì, nhưng vẫn có sự giàu có của loài người". Chính Gandhi cũng luôn muốn học hỏi với một Sư phụ, nhưng ông tiếc là đã không bao giờ có thời gian hay cơ hội để tìm thấy một Sư phụ. Ông viết, "Tôi nghĩ có một phần lớn sự thật trong học thuyết này nói rằng không thể đạt được tri kiến đích thực nếu thiếu một Sư phụ".

Một hành giả vĩ đại là bất kỳ ai đã đạt được trạng thái tuyệt phúc giác ngộ thường hằng. Sư phụ là một hành giả vĩ đại, người có thể thực sự truyền lại trạng thái ấy cho những người khác. Trong tiếng Phạn, từ Sư phụ (Guru) bao gồm hai âm tiết. Âm tiết đầu nghĩa là "sự tối tăm", âm tiết thứ hai là "ánh sáng". Ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng. Sư phụ truyền cho môn đệ cái gọi là mantravirya: "Uy lực của ý thức giác ngộ". Thế thì, ta đến với Sư phụ, không chỉ để nhận được những bài học, như từ bất kỳ vị thầy nào, mà còn để thực sự nhận được trạng thái ân huệ của Sư phụ.

Việc trao truyền ân huệ như vậy có thể xảy ra ngay cả trong cuộc gặp gỡ bất ngờ thoáng qua nhất với một bậc đại nhân. Có lần tôi đã nói đến nghe nhà sư vĩ đại người Việt Nam, nhà thơ và sứ giả hòa bình Thích Nhất Hạnh nói chuyện ở New York. Đó là một buổi tối thường nhật cuồng nhiệt đặc trưng của thành phố, và khi đám đông chen lấn xô đẩy vào chính phòng, bầu không khí ở ngay chính nơi đây đã bị dồn ép vào sự căng thẳng đến loạn óc của cơn stress tập thể. Rồi nhà sư bước lên sân khấu. Thầy ngồi trong tĩnh lặng khá lâu trước khi bắt đầu nói, và cử tọa - ta có thể cảm thấy điều đó đang diễn ra, lần lượt từng dãy người New York đang trong trạng thái dễ kích động - an định trở lại nhờ sự tĩnh lặng của thầy. Chẳng mấy chốc, trong khán phòng không còn lấy một tiếng động nhỏ. Trong khoảng thời gian có lẽ chừng mười phút, người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói là thầy đã đưa mỗi người chúng tôi vào trong yên tĩnh của chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc, nhưng chưa khám phá hay khẳng định. Khả năng thầy phát khởi trạng thái này trong tất cả chúng tôi, chỉ bằng sự hiện diện của thầy trong căn phòng - đây là một năng lực thiêng liêng. Và đấy là lý do ta tìm đến một Sư phụ: với hy vọng là công đức của thầy sẽ soi rạng cho ta sự cao quý khuất lấp của chính mình.

Các nhà hiền triết Ấn Độ cổ điển đã viết rằng có ba yếu tố để biết một linh hồn đã được ban cho may mắn tột độ và tốt lành nhất trong vũ trụ hay chưa:

Được sinh ra là người, có thể thực hiện tìm hiểu bằng ý thức. Được sinh ra đã có - hoặc đã vun trồng - một khát khao hiểu biết bản thể của vũ trụ. Đã tìm thấy một đạo sư đang còn sống. Có một lý thuyết là nếu ta đủ khát khao chân thành, ta sẽ tìm thấy một Sư phụ. Vũ trụ sẽ xoay vần, các phân tử định mệnh sẽ tự sắp xếp và con đường của ta và con đường của người thầy ta mong cầu sẽ sớm giao nhau. Chỉ một tháng sau cái đêm tôi lần đầu tiên cầu nguyện khẩn thiết giữa sàn nhà tắm - một đêm đầy nước mắt cầu xin Thượng Đế cho câu trả lời - tôi đã tìm thấy vị thầy của mình, sau khi bước vào căn hộ của David và bất ngờ nhìn thấy bức hình người phụ nữ Ấn gây ấn tượng sâu sắc này. Tất nhiên, tôi đã khá do dự với ý niệm có một Sư phụ. Nói chung, người Tây phương không thoải mái với từ đó.

Chúng tôi có một dạng lược sử mới đây về điều này. Trong thập niên 1970, một số người tìm kiếm Tây phương trẻ, giàu có, nhạy cảm và hăm hở xung đột với một nhóm Sư phụ Ấn Độ có sức lôi cuốn quần chúng nhưng đáng ngờ. Hầu hết các hỗn loạn giờ đã lắng xuống, nhưng sự ngờ vực vẫn còn dư âm. Ngay cả với tôi, ngay cả sau toàn bộ thời gian ấy, tôi vẫn thấy mình đôi khi ngần ngại trước từ Sư phụ. Điều này không thành vấn đề đối với bạn bè tôi ở Ấn Độ; họ lớn lên với nguyên tắc về Sư phụ, họ thoải mái với điều đó. Như một cô gái trẻ người Ấn đã nói với tôi, "Tất cả mọi người ở Ấn đều gần như có Sư phụ!" Tôi hiểu điều cô muốn nói (là gần như tất cả mọi người ở Ấn đều có Sư phụ) nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến phát biểu không chủ tâm của cô, vì đó là điều đôi khi tôi cảm thấy - như thể tôi gần như có một Sư phụ. Đôi khi, dường như tôi không thể thừa nhận điều đó vì, là một người New England chân chính, hoài nghi và thực dụng là di sản trí tuệ của tôi. Dầu sao chăng nữa, không giống như tôi có chủ ý đi sắm một Sư phụ. Chính bà đã đến. Và lần đầu tiên tôi thấy bà, dường như bà nhìn tôi qua bức hình - đôi mắt đen nồng đượm lòng bi mẫn thông tuệ - và Sư phụ nói, "Con đã kêu gọi ta và giờ thì ta đây. Vậy thì con có muốn làm điều ấy hay không?"

Gác qua một bên những trò đùa căng thẳng và sự bất ổn xuyên văn hóa, tôi sẽ luôn nhớ điều mình đã đáp lại tối hôm đó: một chữ VÂNG thẳng thắn và khôn dò.