Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 33: Gió chẳng muốn đừng




Cái tin Trường-sinh hầu, trấn viễn đại tướng quân, lĩnh hàm Thái-tử thiếu bảo Nùng Tồn-Phúc cùng con trai là Nùng Trí-Thông bị giết chết ở tửu lầu Động-đình trên bãi Ngọc-thụy làm trấn động kinh thành Thăng-long. Vì Tồn-Phúc là một đại thần, hơn nữa một đại cao thủ lừng danh suốt hai mươi năm qua. Hầu đang trên đường từ Bắc-biên về triều kiến Thông-Thụy hoàng đế, cho nên phủ Thăng-long tiết độ sứ phải đích thân đứng ra thụ lý điều tra.

Tửu lầu Động-đình là một con thuyền rất lớn, có đến ba tầng, được đóng vào thời Thuận-Thiên. Thông thường tửu lầu di chuyển trên sông, khi xuôi giòng thì thuận theo nước chảy. Khi ngược giòng thì phải cần đến gần trăm tay chèo. Chủ nhân đầu tiên là Trịnh-Hồ, một người nhã lượng, cao trí, kết giao với hầu hết danh sĩ, võ lâm. Từ sau khi đại hội Lộc-hà, Hội-phụ giỗ Bắc-bình vương Đào Kỳ, Trịnh Hồ lộ chân tướng là trưởng lão Hồng-thiết giáo tên Phạm Hổ, rồi bị tiên cô Bảo-Hòa giết chết. Hồng-thiết giáo đổi thành Lạc-long giáo, tửu lầu được bán cho khách phú thương Sử Anh, bang trưởng bang Hồng-hà.

Mấy năm trước đây, Sử Anh qua đời, con là Sử Hùng tiếp nối sự nghiệp cha. Tửu lầu là nơi lui tới của khách phong lưu nhất đế đô Thăng-long, trên cao là thân vương, rồi tới đại thần đều lấy tửu lầu làm nơi hội họp, ngâm vịnh, bàn luận võ công. Từ hồi ra đời đến giờ, chưa bao giờ tửu lầu có án mạng xẩy ra. Mà nay có cái chết của một võ lâm cao thủ, hơn nữa là một biên cương đại thần.

Quan Thăng-long tiết độ sứ lại chính là Thái-phó Dương Bình với quan Tổng-trấn Thăng-long là Tạ Đức-Sơn thân tới nơi đều tra. Việc đầu tiên, người cho câu lưu toàn thể đầu bếp, ca nhi, cùng tiểu nhị trên tửu lầu để thẩm vấn. Chỉ trong nửa ngày, quan Thái-phó Dương Bình cùng Khu-mật viện đã tìm ra manh mối, rõ ràng, nhưng không biết hung thủ là ai.

Thông-Thụy hoàng đế vội cho thiết đại triều, để nghe Khu-mật viện tâu trình về án mạng trên. Cổ-loa hầu, Tả-kim ngô lãnh vệ đại tướng quân, tổng-quản Khu-mật-viện kiêm tổng trấn Thăng-long Tạ Đức-Sơn tâu rằng:

" Trường-sinh hầu Nùng Tồn-Phúc, cùng con là Nùng Trí-Thông từ Bắc-biên về tới Thăng-long với năm người tùy tùng. Hầu mang theo một cặp ngà voi, mười cân hương liệu, cùng một khối vàng nặng 112 lượng (4,321 kg ), một con ngựa bằng bạc nặng 1000 lượng (37 kg ) là những sản phẩm của Trường-sinh để dâng lên hoàng đế. Hầu cùng đoàn tùy tùng đến tửu lầu Động-đình vào giờ Thân ngày 20 tháng hai. Tồn-Phúc và Trí-Thông trọ ở hai phòng thượng-hạng hạng nhất trên lầu hai. Còn cận vệ thì trọ ở năm phòng hạng nhì tại lầu một. Tối hôm đó, họn ăn uống xong rồi cùng lên đại sảnh đường nghe hát. Nhân chứng là bọn tiểu nhị không thấy họ nói chuyện hay tiếp xúc với ai. Đến khuya, tất cả đều đi ngủ.

Sáng hôm sau, năm người hầu ăn điểm tâm xong, chờ mãi không thấy cha con Tồn-Phúc thức giấc, thì lên gõ cửa phòng, nhưng không có tiếng đáp lại. Chờ đến trưa cũng không thấy cha con Tồn-Phúc thức giấc. Đám tùy tùng đẩy cửa vào, thì thấy rõ ràng cửa không cài then. Tồn-Phúc nằm trong chăn, máu chan hòa khắp giường, đầu bị đứt lìa với thân bởi vết chém trên cổ. Còn Trí-Thông thì nằm giữa phòng, người bị chém làm hai khúc.

Bộ khoái phủ Thăng-long tới nơi giảo nghiệm, thấy Tồn-Phúc bị chém bằng kiếm trong lúc ngủ say. Sát nhân võ công rất cao, nên vết chém rất ngọt, chỉ đứt cổ, mà không làm hại đến chăn nệm. Còn Trí-Thông bị chặt làm hai khúc, hung thủ đứng phía sau chém xéo từ trên xuống, nên không có cuộc giao chiến.

Khám nghiệm lại hành lý, thì vàng, bạc, châu báu còn nguyên, chứng tỏ cha con Tồn-Phúc không phải do trộm cướp ra tay, mà hung thủ ám sát vì một lý do khác. Bộ khoái giải đoán rằng: hung thủ lén nhập phòng cha con Tồn-Phúc, khi hai người nghe hát, đợi sau khi hai người về phòng, Tồn-Phúc ngủ say, rồi ra tay. Còn hung thủ giết Trí-Thông thì ẩn ở cánh cửa, chém từ phía sau".

Thái-sư Khai-Quốc vương ban dụ cho Khu-mật viện:

- Phải điều tra tiếp, tìm ra manh mối, ai giết? Giết để làm gì? Giết cha con Nùng hầu thì ai có lợi, ai bị thiệt hại. Bởi giữa Trường-sinh với triều đình đang có sự nghi ngờ. Cha con Nùng hầu về kinh yết kiến Thiên-tử để được ủy lạo về việc Dương gia phạm quốc pháp. Nếu không ra manh mối, e các khê động Bắc-biên sẽ nghi ngờ rằng triều đình ra tay.

Triều đình vội sai chim ưng lên Bắc-biên báo cho phu nhân của Trường-sinh hầu Nùng Tồn-Phúc biết hung tín; gọi phu nhân với thứ tử là Nùng Trí-Cao về nhìn mặt người quá cố rồi cho khâm liệm. Nhưng chim ưng đi đã ba lần, mà không có tin tức phúc đáp. Phò-mã Thân Thiệu-Thái phải dùng chim ưng báo cho công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh để nhờ liên lạc với Trường-sinh xem việc gì đã xẩy ra.

Sau nửa ngày, chim ưng báo cho biết, Trường-sinh đóng cửa, quan quân, dân chúng đều để tang. Trên lá cờ của Trường-sinh có chữ viết bằng máu Thế thiên hành đạo, báo cừu tuyết hận. Ngoài ra, tất cả nam, nữ trong động Trường-sinh đều được kêu gọi, xung vào đội ngũ, dường như để chuẩn bị chinh chiến.

Phò-mã Thân Thiệu-Thái than:

- Như vậy là động Trường-sinh cho rằng triều đình giết Tồn-Phúc, Trí-Thông, nên họ chuẩn bị làm phản, chống triều đình. Trong lúc phẫn hận vì người thân chết, ta có cử sứ giả lên, khó mà họ tiếp. Dù có tiếp, họ cũng không tin lời của ta. Việc này phải tế nhị lắm mới được, bằng không chiến tranh sẽ diễn ra. Khi toàn thể sắc dân Nùng làm phản, thì khó mà dẹp được. Phải triệu hồi Thiệu-Cực về để hỏi xem, nên đối phó ra sao.

Phò mã cho chim ưng lên Lạng-châu ngay, thì chiều hôm đó, Phụ-quốc đại tướng quân Thân Thiệu-Cực về tới Thăng-long. Hôm sau Hoàng-đế thiết đại triều, để đối phó với tình hình.

Từ hôm xẩy xa vụ án Bắc-ngạn, thì Tả-bộc-xạ chiêu-văn-quan đại học sĩ Dương Đức-Thành vốn ác cảm với thái tử Nhật-Tông, nay được dịp trả thù, lão nói:

- Thái-tử là trừ quân, hôm rồi tuân chỉ lên Bắc-biên hòa giải với họ Nùng chắc biết rõ tình hình Bắc-cương, xin Thái-tử ban chỉ dụ rõ hơn về biên cương.

Triều đình thấy ngay ác ý của họ Dương. Bởi nếu muốn hỏi về tình hình Bắc-cương thì phải hỏi Thái-sư hiện lĩnh phụ quốc Thái-úy hay quản Khu-mật-viện, chứ có đâu hỏi Thái-tử. Hơn nữa, tổng trấn Bắc-cương là công chúa Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái, hiện diện tại triều, mà lão lờ đi để hỏi Thái-tử, thì ác ý đã rõ ràng.

Không ngờ sư phụ của Thái-tử là trưởng công chúa Bảo-Hòa ra lệnh:

- Nhật-Tông, em trình bày về tình hình Bắc-cương cho Dương Tể-tướng hiểu đôi chút vấn đề.

Câu này, công chúa móc lại họ Dương: người là Tể-tướng, thì trong thống bách quan, ngoài bình thứ chính, nhất nhất phải biết rõ tình hình, sao lại hỏi thái-tử?

Thái-tử Nhật-Tông bước ra tiếp lời Thái-sư:

_- Lực lượng Trường-sinh rất lớn, bao gồm tới ba mươi sáu châu, động thuộc sắc dân Nùng. Thời Nam-Hán, sắc dân Nùng đã thống nhất lại được, nên hùng cứ một phương. Thủ lĩnh là Nùng Dân-Phú quy phục Nam-Hán, được phong đại tướng quân, tiết độ sứ, ban cho cai quản thêm mười châu Quảng-nguyên. Đến thời thời Đinh, sắc dân Nùng chia ra làm hai. Một nửa theo Tống, một nửa theo Việt. Nửa theo Tống đông hơn, bao gồm hai mươi lăm khê-động. Nửa theo Việt chỉ có mười một khê động. Các biên thần Tống ra sức chiêu dụ, đe dọa những khê động theo Việt. Vì vậy có đến năm khê động theo Tống. Nùng Dân-Phú theo Tống được phong làm Kiểm-hiệu tư-không. Khi cô mẫu Lĩnh-Nam Bảo-Quốc hòa dân làm vua bà Bắc-biên, Dân-Phú theo về với Việt. Dân-Phú là người yêu nước, tự hào là giòng dõi An-Dương vương, được cử giữ chức Thái-úy Bắc-biên. Đến hồi Khai-Quốc vương cầm binh quyền, đưa ra chính sách cứng rắn với biên thần Tống, mà mềm với Tống triều thì năm khê động theo Tống lại trở về Đại-Việt. Như thế Việt vẫn chỉ có mười một, mà Tống có hai mươi lăm khê động.

Triều đình đều gật đầu phục Nhật-Tông, họ nghĩ thầm:

- Ông vua con này, tài cai trị không biết có bằng Thông-thụy hoàng đế không thì chưa biết, chứ về vấn đề thông hiểu dân tình, cùng thu phục nhân tâm có phần hơn phụ hoàng, đâu kém Khai-Quốc vương?

Nhật-Tông tiếp:

- Sau này nhờ lần đi sứ Trung-nguyên, thái sư với Yên-vương Nguyên-Nghiễm có một chính sách rõ ràng về cương thổ hai nước: khê động là người Việt, trả cho Việt. Triều Tống cử Ngô-quốc quận vương cùng công chúa Huệ-Nhu làm tổng trấn Nam-thùy, để hai vị phân định rõ biên giới Hoa-Việt, thì cái nạn hôm nay động này theo Tống, ngày mai động kia bỏ Tống về với Việt chấm dứt.

Nhật-Tông vỗ tay, hai thái giám đem ra một cái khung lớn, trên có bản đồ khu Bắc-biên vẽ bằng lụa, rồi chỉ lên nói tiếp:

- Trước kia thì Bắc-biên hoàn toàn do cô mẫu Lĩnh-Nam Bảo-Hòa thống lĩnh. Sau này công chúa Bình-Dương cùng phò mã Thân Thiệu-Thái làm thống lĩnh Bắc-cương, thấy rằng trực tiếp thống lĩnh một lúc mấy trăm khê động, e không hiểu hết dân tình. Công chúa cùng triều đình Bắc-cương họp các khê động, phân chia làm bốn khu khác nhau. Khu trung ương trực thuộc động Giáp có mấy chục khê động; Phụ-quốc đại tướng quân, Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực thống lĩnh. Khu phía Đông, do công chúa Kim-Thành cùng phò mã Lê Thuận-Tông thống lĩnh. Khu phía Tây, do công chúa Trường-Ninh cùng phò mã Hà Thiện-Lãm thống lĩnh. Khu phía Bắc gồm khu vực Tả-giang về phía Tây do Nùng Tồn-Phúc thống lĩnh. Nhưng ta vẫn chỉ làm chủ được khu Bắc-biên. Còn khu rừng núi phía Tây thuộc Quảng-Tây lộ, tuy Tống triều nhận là của Việt, dù có Ngô-quốc quận vương bên cạnh, mà các quan Tống cho rằng dân tại đây theo Tống lâu rồi, lại nói tiếng Quảng, nên để cho Tống cai quản.

Nhật-Tông kết luận:

- Do đề nghị của Trấn-viễn đại tướng quân Nùng Tồn-Phúc; công chúa Bình-Dương cùng phò mã Thân Thiệu-Thái tổ chức một cuộc Bắc-tiến ôn hòa, đem quân của Động-giáp, Phong-châu, Thượng-oai cùng quân của các động thuộc sắc Nùng là Thất-nguyên, Quảng-nguyên, Tư-lãng, Bảo-lạc. Quân Nùng đi tiên phong. Quân Bắc-cương tiến lên dọc phía Tây vùng Tả-giang, Hữu-giang. Các khê động Nùng tại đây vui vẻ trở về với Đại-Việt. Không những hơn hai mươi động thuộc Nùng về với ta, mà những động thuộc họ khác như Ôn-nhuận, Qui-hóa, Tây-bình, Lộc-châu, Tư-minh, Như-tích đều trở về với Đại-Việt. Trong trận tấn công này lạc-hầu Vạn-nhai là Tồn-Lộc em của Tồn-Phúc; lạc hầu Vũ-lặc là em vợ của Tồn-Phúc tử trận. Cho đến nay, trọn vẹn 207 khê động, hoàn toàn nằm trong cương thổ Đại-Việt.

Thái tử đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Dương Tể tướng:

- Trước khi tiến quân, sứ giả của Bắc-cương đã tới thuyết phục các quan trấn Nam-thùy Tống cùng các động chủ. Đa số họ đều đồng ý trở về với Đại-Việt. Chỉ có số ít tỏ ý sẽ đem quân chống lại. Nhưng trước ngày quân Việt tiến lên, thì những biên quan Tống cùng động chủ chống đối đều bị giết chết. Riêng quan Tống còn bị giết cả nhà gồm bố mẹ, vợ con, trâu bò, chó mèo, gà vịt; mồ mả tại quê quán còn bị đào bới lên, xương cốt bị đập nát hết. Tại phạm trường đều thấy để lại một mũi tên, trên khắc hình chim ưng bay qua núi.

Cả triều đình cùng bật lên tiếng:

- Ưng sơn song hiệp.

Rồi đưa mắt nhìn Dương Tể tướng. Mặt Dương Đức-Thành tái xanh, nhưng lão nói gượng:

- Tàn ác quá, không phải đức nhân của người quân tử.

Nhật-Tông tiếp:

- Sau khi thống nhất, tất cả các động Nùng được gọi là nước Trường-sinh. Như vậy nước Trường sinh bao gồm hoàn toàn phía Tây lộ Quảng-Tây. Nếu sau này Trung-nguyên có truyện với Đại-Việt, thì ta có thể dùng Trường-sinh làm cứ địa tràn lên phía Bắc chiếm lại vùng núi Ngũ-lĩnh, tiến về phía Đông chiếm lại vùng Lưỡng-quảng. Bây giờ 207 khê động được chia làm bốn nước do bốn vị vua cai trị. Lạng-châu do Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực; Phong-châu do Phong-châu hầu Lê Thuận-Tông; Trường-sinh do Trường-sinh hầu Nùng Tồn-Phúc; Thượng-oai do Thượng-oai hầu Hà Thiện-Lãm; bốn vị trực thuộc vua bà Bình-Dương.

Vua bà Bình-Dương đưa mắt cho Nhật-Tông:

- Thái-tử trình bày tiếp về tài nguyên của Trường-sinh đi.

- Dân số Trường-sinh cho đến đầu năm nay là năm mươi ba vạn, tám nghìn, chín trăm ba mươi sáu nhân khẩu ( 538.936 ), dân số nam nữ bằng nhau. Theo chính sách binh bị của vua bà Bình-Dương, thì nam, nữ từ sáu tuổi đều được học ngang nhau, học cả văn lẫn võ. Đến năm mười tám tuổi, dù nam, dù nữ đều phải xung quân hai năm. Sau hai năm thì về làm ăn như thường, nhưng vẫn được tổ chức thành đội ngũ, mỗi tháng họ phải trở lại đội ngũ luyện tập hai ngày. Tính chung, lớp tuổi từ mười tám tới bốn mươi lăm của Trường-sinh tới nay là hai trăm mười một nghìn, một trăm hai mươi ba người ( 211.123 ) có thể cầm vũ khí. Còn quân thường trực có một quân bộ, một sư kị, một sư thủy, tổng số bẩy nghìn năm trăm mười hai người ( 7.512 ). Về tài nguyên, nước Trường-sinh giầu nhất trong bốn nước Bắc-cương, vì có mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ sắt. Thú rừng thì nhiều nhất là hổ, báo, voi. Nông sản súc tích nhờ vùng lưu vực sông Tả-giang, ngũ cốc dư thừa, thường bán sang vùng Quảng-Tây, Quảng-Đông.

Nhà vua hỏi:

- Sự việc Trường-sinh như vậy, làm sao bây giờ.

Dương- Đức-Thành tâu:

- Theo như ngu ý thần, thì họ Nùng tỏ rõ ý làm phản rồi. Triều đình phải đem quân chinh phạt. Xét hình thể nước Trường-sinh giống như một quả chuối nằm dài theo Nam-Bắc. Phía Tây giáp Đại-lý, phía Đông giáp Quảng-Tây của Tống. Phía Nam giáp Lạng-châu. Nếu ta tiến quân từ Nam lên Bắc, thì phải đánh chiếm từng khê động một, quân phải qua vùng rừng núi cheo leo cực kỳ vất cả. Ta nên thư cho An-vũ sứ Quảng-Tây, để họ mang quân Tống ép phía Đông; lại nhờ Đại-lý mang quân ép phía Tây, trong khi ta đem quân của Lạng-châu, Phong-châu, Thượng-oai tiến lên chinh phạt.

Thái-tử thiếu sư, phụ quốc đại tướng quân, Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực xua tay, tỏ ý phản đối:

- Từ mấy trăm năm nay, các khê động thường ở trạng thái nay theo Trung-quốc, mai theo Đại-Việt, nhưng họ rất thương yêu, đoàn kết với nhau. Nay tộc Nùng mới theo về Đại-Việt, vì Đại-Việt ta có nền chính sự đặt trên đức từ bi của nhà Phật, đức nhân nghĩa của nhà Khổng. Tuy vậy trong dân chúng không phải ai cũng hướng về Đại-Việt. Tính chung cứ mười người, thì ba bốn người muốn theo Tống. Ta cần phải làm sao cho họ thấy giữa giống Việt với các giống Thái, Nùng, Mèo, Tày, Mán, Mường đều như nhau. Nay thủ lĩnh tộc Nùng bị vu oan, rồi bị quân triều tiến lên định uy hiếp; đó là một điều lòng họ phẫn uất. Cho đến khi Thái-tử mang chỉ dụ lên ủy lạo, nhận lỗi về triều đình, thủ lĩnh của họ tuy không tội, nhưng cũng mang bảo vật cùng đặc sản về dâng triều đình, lại bị giết oan khuất; đó là hai điều họ phẫn uất. Bây giờ họ kéo cờ thế thiên hành đạo, báo hận huyết cừu, có nghĩa họ cho rằng triều đình giết thủ lĩnh của họ thực, triều đình lại đem quân lên đánh, thì có khác gì lửa cháy lại đổ dầu thêm? Đó là ba điều họ phẫn hận.

Từ trước đến giờ triều đình Đại-Việt thường nghĩ như nhau: Thông-Thụy hoàng đế có tài cai trị, nên ngồi vào ngôi vua, chứ thực quyền do Thái-sư Khai-Quốc vương. Bắc-biên cũng vậy, vua bà Bình-Dương nhờ đức nên được làm vua, mà thực quyền ở Lạng-châu công Thân- Thiệu-Cực. Quốc công là người tinh minh mẫn cán số hai thời Thuận-Thiên, chỉ thua có Khai-Quốc vương mà thôi. Cho nên khi quốc công nói gì, trên từ Thiên-tử cho đến các quan cấp nhỏ ai cũng lắng tai nghe.

Quốc công ngưng lại suy nghĩ, rồi tiếp:

- Khi họ phẫn hận, ta đem quân đánh họ, với lực lượng gần mười vạn nam nữ liều mạng, lại dựa vào núi rừng, ta đánh đến bao giờ? Không lẽ ta giết hết sắc dân Nùng? Hơn nữa vật cùng tắc phản, uốn quá hóa cong, ta mà đánh họ, họ theo Tống, ta sẽ mất phần đất lớn giầu có, với mấy chục vạn dân trung thành. Vô tình ta đẩy họ về với Tống. Vả khi tộc Nùng theo Tống, sẽ kéo theo các tộc khác, chẳng mấy chốc ta mất hết các khê động Bắc-biên, thì cái phên trấn Bắc của ta mất đi; Tống chỉ cần đem mấy đội kị mã, đánh một tiếng trống, thì Thăng-long này không còn nữa.

Hầu đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Dương Tể tướng:

- Nay quốc trượng làm Tể-tướng, nhiệm phụ tá Thiên-tử, thống bách quan, bình thứ chính. Đáng lẽ phải có kế hoạch vẹn toàn, thì lại muốn dùng binh lực. Như thế là ý gì? Thần thấy rõ ràng việc này gốc từ Dương gia giáo bất nghiêm, con cháu hống hách, định giết Trí-Cao mà ra. Rồi lại lạm quyền bắt trói trừ quân cùng thế tử phủ Khai-Quốc vương, giả hịch vu vạ cho họ Nùng. Thần nghĩ rằng vụ ám sát cha con Nùng hầu hẳn do Dương gia chủ mưu. Việc này đến tai Ưng-sơn song hiệp, thì e hơn nghìn nhân mạng Dương phủ khó toàn. Để trấn an biên dân, để làm mát lòng sắc dân Nùng, để cứu sinh mệnh Dương gia, thần dám xin bệ hạ cho chặt đầu Dương Tể-tướng đem tế vong hồn cha con Nùng hầu.

Sử tả dáng người Thân Thiệu-Cực hơi gầy, da đen, mắt sáng như kim cương, tiếng nói sang sảng, mỗi khi dự triều, bất cứ đại thần lớn nhỏ phạm lỗi, ông đều thẳng thắn kết tội.

Quan Lại-bộ thượng thư Hoàng Tá, cùng phe cánh với Dương Đức-Thành tâu:

_- Thân quốc công sao lại có giọng đe dọa đại thần như vậy ? Sát nhân hiện chưa biết là ai, mà quốc công đã đổ hết cho Dương gia, chẳng hóa ra áp đảo, vu oan cho đại thần ư?

Đến đây, nhà vua thấy tình hình căng thẳng quá, tuyên chỉ:

- Thôi, ta hãy nghỉ, ăn trưa đã. Có thực mới vực được đạo.

Triều Lý khác hẳn với tất cả các triều Đại-Việt, là khi thiết đại triều, thì buổi trưa nhà vua ban yến cho quần thần, để chúa tôi cùng ăn với nhau. Vua thiết đại triều tại điện Càn-nguyên, khi nghỉ ăn trưa, thì vua với quần thần di chuyển sang điện Long-an ăn yến.

Viên tổng thái giám Trịnh Quang-Thạch có nhiệm vụ sắp xếp chỗ ngồi. Ngoài những mâm, những cỗ cố định cho hoàng đế, thân vương, tể tướng, thượng thư, tham-tri, văn võ chư quan; lần này còn có chỗ cho vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái, Lạng-châu công Thân Thiệu-Cực. Cỗ của thái sư Khai-Quốc vương là cỗ chay, bởi từ khi vương phi ra đi, vương nguyện ăn chay trường, đọc kinh sám hối, xin chuộc tội do các em gây ra. Vương chỉ ăn mặn khi gặp lại vương phi. Cỗ của vương rất đạm bạc: một đĩa rau cải bẹ xanh luộc, mấy quả cà muối với đĩa tương, một bát canh rau ngót.

Sau khi nhà vua cùng bách quan an tọa, Tể-tướng Dương Đức-Thành đứng dậy hướng nhà vua, thay bách quan tạ ơn được ban yến. Lúc Tể-tướng ngồi xuống, vừa lật cái bát ăn cơm lên, chân tay lão rụng rời, vì dưới cái bát có con chuột chết, đầu, chân, đuôi bị cắt mất. Lão hỏi gã họ Trịnh:

- Trịnh công công, thế này là thế nào?

Gã thái giám Trịnh Quang-Thạch vốn là tôi tớ cũ nhà họ Dương, nghe chủ cũ kêu, vội chạy lại. Gã nhìn con chuột chết, thì kinh hãi vô cùng. Vì những ngự trù, cung nữ phụ trách dọn yến xong, báo cho gã, đích thân gã đi kiểm điểm từng cỗ một. Riêng cỗ của nhà vua, thân vương, Tể-tướng chính gã dọn ra, mà không hiểu ai đã nhanh tay bỏ con chuột chết vào dưới cái bát ăn cơm như vậy?

Bách quan ngừng ăn, cùng nhìn Tể-tướng họ Dương. Gã họ Trịnh vội thay bát, đũa khác cho lão. Lão cầm muỗm múc mấy muỗm yến vi cá húp thử. Thấy có mùi vị lạ, lão cầm muỗm đảo mấy cái, thì hỡi ôi, dưới đáy bát canh yến vi cá có ba con dán, và mấy chục viên cứt chuột. Lão buông muỗm lắc đầu. Một lần nữa các quan không nhịn được, đều bật cười.

Nhà vua đứng dậy, thân đến quan sát, lấy đũa lật con cá chép rán lên, thì trong bụng cá đầy mảnh sành chai đập nát ra. Nếu không biết mà ăn vào e rách lưỡi. Rồi dưới đĩa rau xào, có con cóc chết.

Tên Tổng thái giam run lật bật quì gối rập đầu:

- Thần đắc tội sơ xuất. Thần xin điều tra xem ai đã hại Quốc-trượng.

Nhưng nhà vua vẫy tay, tỏ ý miễn tội cho gã, vì khi ngài cầm đũa lật mấy miếng bánh gai lên, thì bên dưới hiện ra đồng tiền bằng bạc, trên có khắc hình con chim ưng bay qua ngọn núi.

Vua bà Bình-Dương bảo gã họ Trịnh:

- Người vô tội. Khi Ưng-sơn song hiệp ra tay, thì người có trăm mắt, nghìn tai cũng không phòng được. Hôm nay ta ăn chay, vậy người dọn cỗ của ta cho quốc trượng xơi. Ta chỉ ăn mấy miếng bánh bên cỗ của phò mã được rồi.

Bà thấy Dương Đức-Thành run lật bật thì an ủi:

- Quốc trượng cứ bình tĩnh mà xơi yến. Tôi đã sống gần Tần-vương Tự-Mai rất lâu, tình nghĩa còn hơn chị em ruột. Bất cứ vương nghĩ gì, làm gì, tôi chỉ nói nhẹ là vương đổi ý nghe theo tôi ngay. Người xử tử Dương tham tri với Dương công tử dù không phải Tần-vương Tự-Mai, thì cũng là thuộc hạ của vương. Đến vương hiện diện, mà không nỡ làm tôi buồn huống hồ người của vương. Tôi xử án toàn gia quốc trượng phải quét dọn đền thờ Quốc-tổ với vua Trưng, như vậy đủ rồi. Sở dĩ quốc trượng bị trêu chọc thế này, vì ban nãy quốc trượng mạ lị Thái-sư và cô mẫu của tôi mà ra.

Đức-Thành vẫn còn run:

- Khải vua Bà, thần dù có trăm cái đầu cũng không dám xung chàng với Thái-sư và công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, sao... sao vua Bà lại phán rằng thần mạ lị.

Vua Bà vẫn nhỏ nhẹ:

- Quốc trượng nói trước, quên sau rồi. Ban nãy Thái-tử thuật lại việc Bắc tiến của chúng tôi, có nói đến người của Ưng-sơn giết cả nhà, cùng đào mồ cuốc mả bọn biên quan Tống; quốc trượng chẳng nói : Tàn ác quá, không phải đức nhân của người quân tử đó sao.

- Nhưng câu đó thần đâu có ám chỉ vào Thái-sư cùng vua bà?

- Quốc-trượng ơi, Quốc-trượng nên biết rằng Ưng-sơn hành hiệp, nhưng xử tội người nào cũng theo đúng luật Đại-Việt cả. Hơn chục năm trước, cô mẫu cùng Thái-sư bàn định chính sách Bắc-cương, đã quyết rằng : đối với bọn vong quốc Việt đem đất dâng cho Tống, đối với bọn biên quan Tống chủ xâm Đại-Việt thì nên thẳng tay giết cả nhà, nếu cần thì về quê chúng đào mồ cuốc mả lên. Nay Ưng-sơn thi hành chính sách của cô mẫu với Thái-sư, mà quốc trượng phê phán là tàn ác, không phải đức nhân của người quân tử; thì có khác gì mạ lị Thái-sư với cô mẫu, nên Ưng-sơn cảnh cáo Quốc-trượng mà thôi.

Dương Đức-Thành vẫn chống đối:

- Hồi ấy thần chưa dự triều chính nên không biết việc đó.

Thân Thiệu-Cực lắc đầu:

- Quốc trượng nói vậy là không được. Quốc trượng có phải tả-bộc-xạ, chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử không? Phàm làm Tể-tướng, thì quốc sách Bắc-cương phải theo dõi, ghi nhớ chứ? Ví dù quốc sách đó có lỗi thời chăng nữa, người là giám tu quốc sử, thì không điển nào, lệ nào từ khai quốc đến giờ mà không biết, huống hồ việc mới đây?

Sau khi ăn yến triều đình lại bàn tiếp về việc cha con họ Nùng bị sát hại. Vua bà Bình-Dương tâu:

- Theo thần nhi, một mặt Khu-mật-viện tiếp tục điều tra tìm hung phạm, triều đình truy phong cho cha con Nùng hầu, rồi cử người hộ tống thi thể về Trường-sinh. Mặt khác, triều đình ban sắc phong cho Trí-Cao được nối nghiệp cha làm chúa Trường-sinh. Như vậy dù giận dỗi, dù nổi loạn, thì khi linh cữu cha, anh được đưa về, Trí-Cao cũng phải ra đón, mà khi ra đón phải nhận sắc phong. Khi nhận sắc phong rồi thì e khó làm phản được.

Triều đình đều công nhận lý luận của vua Bà. Bà tiếp:

- Nhưng ai đi sứ được bây giờ? Trước kia giữa Dương thái phó với Nùng hầu có tình giao hảo, thì thái phó đi sứ được. Bây giờ Nùng hầu qua đời rồi ắt Nùng phu nhân Thuần-Anh cầm quyền. Đối với phụ nữ ta không thể dùng sức, dùng quan chức, mà phải dùng tình. Khắp triều đình đây, không ai có mối thâm tình với Thuần-Anh, Trí-Cao bằng Thường-Kiệt, vậy nên sai Thường-Kiệt đi sứ. Ngặt vì Thường-Kiệt chưa có chức tước gì, lại đang dự thi võ.

Quan hiệp-biện đại học sĩ Phan Công-Minh góp ý:

- Tâu bệ hạ, điều này không khó. Thế tử Thường-Kiệt chưa có chức tước thì triều đình phong cho thế tử. Còn việc thi võ, nếu thế tử thành công trong sứ mạng chiêu an sắc dân Nùng, thì có thể cho thế tử đỗ trạng cũng xứng đáng.

Nhà vua sai thái giám sang phủ Thái-sư tuyên triệu Lý Thường-Kiệt. Lát sau Thường-Kiệt tới rập đầu tung hô vạn tuế. Nhà vua truyền cho Thường-Kiệt bình thân rồi tóm lược những biến cố cùng luận bàn của triều đình rồi tuyên chỉ:

- Người tuy còn nhỏ tuổi, nhưng thừa hưởng công lao của phụ thân để lại không nhỏ, vừa rồi người theo Thái-tử lên Trường-sinh đã lập được công trạng. Bây giờ nước nhà đang có chuyện rắc rối với Trường-sinh. Lạng-châu công tiến cử người đi sứ Trường-sinh. Vậy người hãy lĩnh chỉ lên đường ngay. Người có cần tâu gì không?

Thường-Kiệt khảng khái:

- Bệ hạ đã tuyên chỉ, thần đâu dám quản ngại. Nhưng thần xin bệ hạ chuẩn cho ba điều, để việc vỗ an Trường-sinh thành công.

- Người cứ tâu.

- Một là xin bệ hạ cho phép thần được mời sư thúc Tôn Đản cùng đi. Tôn sư thúc nói tiếng Nùng, tiếng Quảng rất giỏi. Hơn nữa trên mười năm qua, người hành hiệp ở vùng Bắc-cương sắc dân Nùng coi sư thúc như thần. Nay có sự hiện diện của sư thúc thì sứ đoàn tăng uy tín.

Nhà vua gật đầu:

- Tôn đại hiệp cùng phu nhân hiện đang ở trong căn nhà lá bên hồ Tây. Trẫm sẽ nhờ công chúa Bình-Dương mời Tôn đại hiệp.

- Thứ nhì, Trí-Cao cực kỳ kính trọng sư phụ của thần. Thần sẽ xin thỉnh sư phụ đi theo. Có sự hiện diện của sư phụ, nhất định Trí-Cao sẽ nguôi cơn sầu.

Được, trẫm chuẩn tấu.

- Thứ ba, xin bệ hạ giáng chỉ truyền Dương tiểu thư theo sứ đoàn. Dương tiểu thư sẽ tạ lỗi Trí-Cao về việc người định giết y ở Bắc-ngạn.

Dương Đức-Thành bước ra tâu:

- Bệ hạ minh xét, đang lúc Trí-Cao hờn giận, mà cho Dương Hồng-Hạc lên gặp y, tất y sẽ giết Hồng-Hạc mất.

Quan Thái-phó Dương Bình tâu:

- Xin bệ hạ chuẩn lời Thường-Kiệt, thần hiện là chưởng môn phái Sài-sơn thần biết rất rõ các sư huynh sư đệ cũng như chư đệ tử. Thần dám quyết Trí-Cao không thể vượt võ đạo của thánh Gióng mà giết Dương tiểu thư.

Lý Thường-Kiệt chỉ huy sứ đoàn, gồm một vị văn quan ở tòa Trung-thư-lệnh mang sắc chỉ của Hoàng-đế. Hai xe chở linh cữu Nùng Tồn-Phúc, Nùng Trí-Thông, và một đội thị-vệ trăm người. Chàng cỡi con bạch-mã của Thuần-Anh cho. Cạnh chàng là sư thúc Tôn Đản cùng sư thẩm Ngô Cẩm-Thi. Dương Hồng-Hạc cỡi ngựa theo sau. Cả sứ đoàn trực chỉ Bắc-biên.

Dù là chánh sứ, nhưng ở thân phận con cháu, nên Thường-Kiệt gò cho ngựa đi sau ngựa Tôn-Đản, Cẩm-Thi một bước. Chàng lắng tai nghe sư thúc kể truyện về Thuận-Thiên thập hùng. Chàng thích nghe nhất những giai thoại về sư thúc Tự-Mai, Lê Văn. Thời thơ ấu, ngoài cha mẹ ra, chàng được sư thúc Thông-Mai, Thanh-Mai, Tự-Mai yêu thương cực kỳ. Nay cha mẹ đều qua đời, sư thúc Thông-Mai, Thanh-Mai ở đâu chàng nào có biết? Sư thúc Tự-Mai thì viễn trấn Tây-biên cho Tống. Dọc đường, chàng cùng sư thúc Tôn Đản, Cẩm-Thi bàn mãi về tông tích thầy đồ ở Bắc-ngạn, mà không nghĩ ra.

Cẩm-Thi nói với Tôn Đản:

- Anh thử nhìn Thường-Kiệt mà xem. Hồi đánh trận Trường-yên chúng mình bàn tán, rồi cho rằng Tự-Mai, Lê Văn là hai mỹ nam tử. Sau nhờ tập thiền công, mà Thiệu-Thái đang từ một người ụt ịt như lợn, trở thành cây ngọc trước gió, đẹp hơn Tự-Mai, Lê Văn. Bấy giờ chị Thanh-Mai nói: tất cả sau này đều thua Thường-Kiệt. Bây giờ quả đúng. Thường-Kiệt đẹp thực.

Được sư thẩm khen, Thường-Kiệt than:

- Hồi trước cháu gặp bà Huệ-Phương, bà xem tướng cho cháu rồi nói rằng sau này nếu cháu gặp tai nạn mà trở thành xấu thì sự nghiệp vẹn toàn. Còn cứ với bộ mặt mỹ nam tử thì e bị đàn bà lừa cho mà tan nát sự nghiệp.

Tôn Đản đùa:

- Để ta cho cháu đấu với người nào đó, nó cắn cháu mấy miếng trên mặt như sư thúc Thông-Mai, thì sau khỏi tai nạn.

Từ lúc rời Thăng-long, Dương Hồng-Hạc không nói một câu, bây giờ thêm vào:

- Tôn đại hiệp làm như vậy cháu e không thành, vì võ công của học trò tiên cô Bảo-Hòa, dễ gì ai tới gần được? Cháu nghĩ có hai cách, vẫn giữ được nét mỹ nam tử của anh Thường-Kiệt, mà không sợ đàn bà lừa dối.

Cẩm-Thi hỏi:

- Cách nào vậy?

- Một là cho anh ấy làm hòa thượng. Khi làm hoà thượng ắt phải giữ giới, sao đàn bà lừa được?

Tôn Đản lắc đầu:

- Cháu tôi mà tu thì không ổn rồi. Đi tu cần giới sát, giới sát sao làm đại tướng quân ? Còn cách thứ nhì?

- Cách thứ nhì dễ thôi, là anh ấy tĩnh thân làm thái giám. Như vậy hỏi con gái nào dụ dỗ được nữa.

Tôn Đản, Cẩm-Thi đều bật cười. Tôn Đản hỏi cháu:

- Sao, cháu nghĩ sao về lời của Dương tiểu thư?

- Cháu nghĩ nếu phải thiến, phải mất một chân, một mắt hay một tay, mà làm lên sự nghiệp anh hùng đâu đấy tỏ, cháu cũng chịu. Cái thân còn chẳng tiếc, huống hồ một phần cái thân.

Dương Hồng-Hạc mỉm cười:

-- Thực anh hùng! Thực hào kiệt. Này anh Thường-Kiệt, em xin lỗi anh về chuyện láo lếu ở Bắc-ngạn nghe.

Thấy Hồng-Hạc đổi cách xưng hô đột ngột, Tôn Đản nghĩ thầm:

- Cô này cảm thằng cháu mình rồi đây. Như vậy may ra có thể xóa bỏ dấu vết không đẹp giữa Dương gia với nó.

Ông đưa mắt cho Thường-Kiệt:

- Trời chiều rồi, chúng ta kiếm chỗ nào qua đêm, chứ đừng vào vào quận huyện, bắt quan nha phục thị, chú không thích.

Thường-Kiệt gọi viên đội trưởng thị-vệ:

- Trước mặt kia có khu rừng ven suối. Vậy chúng ta hãy vào đó ăn uống qua đêm, rồi mai lên đường tiếp.

Sau khi cắm trại xong, Tôn Đản đến trước linh cữu cha con họ Nùng thắp hương, rồi khấn:

"Nùng hầu sống làm anh hùng Bắc-cương, chết ắt linh thiêng, xin phù hộ cho tiểu bối, để tiểu bối tìm ra kẻ đã sát hại Nùng hầu".

Dương Hồng-Hạc quỳ gối khóc:

- Nếu Nùng hầu linh thiêng, xin giúp Tôn đại hiệp tìm ra kẻ sát hại Nùng hầu, bằng không gia đình cháu sẽ phải chịu oan khuất, hơn nữa còn làm cho tộc Nùng phẫn hận. Nùng hầu ơi ! Xin tha thứ cho cháu cái tội đành hanh đỏ mỏ hôm ở Bắc-ngạn.

Sau khi cắt đặt canh gác cẩn thận linh cữu cha con họ Nùng, Thường-Kiệt không thấy Hồng-Hạc đâu, chàng hỏi viên đội trưởng, thì y chỉ ra phía bờ suối:

- Thưa thế tử, tiểu thư đi ra lối kia từ nãy rồi.

Lo sợ có biến cố xẩy ra, Thường-Kiệt lần tới bờ suối. Bấy giờ đang tiết cuối tháng hai, trăm hoa đua nở rực rỡ, chim hót véo von trên cành. Nhìn hoa nở, Thường-Kiệt lại nhớ năm trước cùng Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh đi từ Thanh-hóa ra Trường-yên ghé thăm Vạn-hoa sơn trang, bạt ngàn hàng vạn loài hoa, nhưng chàng không thích thú bằng nhìn hoa trong cảnh thiên nhiên này.

Đảo mắt một vòng, chàng thấy Hồng-Hạc đang ngồi ủ rũ bên phiến đá, quay lưng về phía chàng, vai rung rung. Nàng mặc chiếc quần đen, áo cánh lụa mầu hoàng yến, trên cổ quàng chiếc khăn hồng. Ngạc nhiên, Thường-Kiệt tự hỏi:

- Dương tiểu thư thuộc loại cứng đầu số một, mà sao lại ra đây ngồi khóc? Trời lạnh thế này mà mặc quần áo lụa thì sao chịu cho nổi?

Chàng lần tới phía sau, mà Hồng-Hạc không hay. Từ hồi thơ ấu Thường-Kiệt được cha mẹ, rồi thái sư phụ, sư thúc trong phái Đông-a yêu thương, huấn luyện cực kỳ chu đáo về chủ đạo tộc Việt, về đạo lý, về võ công về văn học. Chàng chưa từng có chút thời giờ mộng mơ. Từ năm bẩy tuổi chàng chỉ có người em họ, cũng là người bạn gái duy nhất là Tạ Thuần-Khanh bên cạnh. Rồi năm trước đây, Khai-Quốc vương với Tạ Đức-Sơn đã làm lễ đính hôn cho chàng với Thuần-Khanh, sau đó thỉnh thoảng chàng theo sư mẫu Bảo-Hòa xuống động Giáp, hai người lại gặp nhau. Trong tâm, chàng nghĩ rằng Thuần-Khanh là vợ mình, nhưng tình cảm thì vẫn như anh đối với một cô em.

Từ sau hôm gặp Hồng-Hạc ở Bắc-ngạn, sự va chạm cơ thể ngoài ý muốn, nhưng mỗi lần nghĩ đến, máu trong người lại chạy rần rật, rồi một cảm giác kỳ lạ chạy khắp người. Bây giờ thấy nàng khóc, Thường-Kiệt không biết làm sao. Chàng lên tiếng hỏi:

- Dương cô nương. Tại sao cô nương lại khóc? Cô nương có điều gì khổ tâm chăng?

Hồng-Hạc chỉ viên đá đối diện:

- Đại ca ngồi đó đi. Tiểu muội muốn nói chuyện nhiều với đại ca.

Thường-Kiệt lưỡng lự, rồi ngồi xuống. Đây là lần đầu tiên chàng có dịp quan sát Hồng-Hạc. Chàng nhủ thầm:

- Cô nàng này đẹp thực.

Chàng so sánh Hồng-Hạc với những người đẹp chàng đã gặp. Vua bà Bình-Dương có vẻ đẹp trong sáng dịu dàng, giống như tượng Nam-hải Quan-Âm. Vẻ đẹp của sư mẫu Bảo-Hòa là vẻ đẹp thanh cao, nhẹ nhàng như vẻ đẹp của tiên nữ. Vẻ đẹp của sư thúc Thanh-Mai là vẻ đẹp tươi hồng, trong sáng của người tập võ, của người đầy nghị lực. Vẻ đẹp của Huệ-Phương là vẻ đẹp của bông ngọc lan trong buổi sương mai, như có gì huyền bí, muốn thu người nhìn vào trong con mắt. Vẻ đẹp của Đào Hà-Thanh là vẻ đẹp ủy mị, u sầu, yếu đuối. Hồng-Hạc vừa có vẻ đẹp của Huệ-Phương pha lẫn với Hà-Thanh. Nhất là bây giờ nàng đang khóc, giống như bông hoa nhài đẫm sương đêm.

Hồng-Hạc nói:

- Tiểu muội sinh ra trong gia đình quyền quý. Ông làm tới Tể-tướng. Cha làm tới Tham-tri. Cô là Hoàng-hậu. Như vậy chỉ còn ước mơ duy nhất là gặp được người chồng có khí tiết, có chí lớn như Bắc-bình vương Đào Kỳ, như vua Ngô Quyền, như vua Đinh Tiên-Hoàng.

Thường-Kiệt rùng mình:

- Người có chí lớn trong thiên hạ đâu thiếu. Không-Tử chẳng nói : Trong một ấp mười nhà, ắt có người trung tín đó sao ?

- Dĩ nhiên tiểu muội biết, nhưng hỡi ơi, anh hùng chí lớn lại như hoa trong gương, như bóng chim dưới nước.

Thình lình nàng ngước mắt nhìn lên:

- Chỉ tại trên Bắc-ngạn, vì kiêu căng, vì hống hách, mà anh tiểu muội bị giết chết; tiếp theo ông tiểu muội muốn cứu cháu, mà sa lầy thành quốc phạm, đưa đến cha tiểu muội bị giết. Rồi bây giờ, tuy được hoàng thượng ân xá, nhưng Ưng-sơn luôn kề lưỡi gươm vào cổ toàn gia tiểu muội. Đại ca có cách nào cứu gia đình tiểu muội không?

Lòng Thường-Kiệt nhũn ra:

- Dương tiểu thư ơi, việc vua bà Bình-Dương về Thăng-long chính là để cứu toàn thể Dương gia rồi đó. Nay tôi được chỉ đem tiểu thư lên Trường-sinh, thì cũng vẫn mục đích trên mà thôi. Tiểu thư khỏi cần lo nghĩ làm chi cho tổn hại vóc ngọc.

- Nhưng, nhưng vĩnh viễn em là đứa con gái điêu ngoa, dữ tợn đối với anh rồi. Chỉ riêng điều này nhiều lúc em muốn chết đi cho rảnh.

Nhìn khuôn mặt thanh tú, nghe tiếng nói ngọt ngào của Hồng-Hạc, Thường-Kiệt như người bay bổng trên vòm trời đầy hoa, chàng luống cuống:

- Không, muôn ngàn lần tôi không thù oán, không ghét bỏ tiểu thư. Tôi mà thù oán tiểu thư thì trời tru, đất diệt tôi.

Hồng-Hạc ngồi ngay ngắn lại:

- Đa tạ đại ca. À quên, cảm ơn anh.

Hồng-Hạc đứng dậy, sang ngồi cạnh Thường-Kiệt. Hương thơm trinh nữ thoang thoảng làm Thường-Kiệt ngây ngất. Nàng nói nhỏ vào tai chàng:

- Anh à, có lẽ là duyên số trời định, cho nên anh mới chạm vào em. Kể từ hôm đó, em nguyện rằng sẽ dâng cả cuộc đời cho anh. Anh nghĩ sao?

Thường-Kiệt rùng mình:

- Dương cô nương! Tôi thực có lỗi trong vụ này. Đúng ra với gia thế, với nhan sắc của cô nương thì làm Hoàng-hậu cũng xứng đáng. Nhưng cô nương ơi, sư mẫu đã làm lễ đính hôn cho tôi với Tạ Thuần-Khanh rồi. Khanh là em con cô của tôi, chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ. Nên dù tôi có yêu cô nương đến đâu, cũng không thể...

Thình lình Hồng-Hạc vung tay tát Thường-Kiệt hai cái. Nếu muốn tránh, hay đỡ, với võ công của Thường-Kiệt đâu có khó? Nhưng chàng nảy ra ý muốn được Hồng-Hạc tát. Bốp, bốp, Thường-Kiệt vẫn ngồi ngồi bất động.

- Em hận anh ! Em thù anh. Một ngày kia em sẽ giết anh, nếu anh không cưới em làm vợ.

Rồi nàng ôm mặt khóc nức nở, ngồi xuống bên Thường-Kiệt. Thường-Kiệt cầm lòng không được, chàng quàng tay ra ôm lấy Hồng-Hạc, rồi hôn lên môi nàng.

Rừng núi về đêm, tiếng dể kêu, tiếng chim đánh ống vẫn kéo dài lê thê trong bầu trời Xuân.

Chợt có tiếng chân người đâu đó, Thường-Kiệt buông Hồng-Hạc ra, để tay lên môi:

- Sụyt! Dường như có người lại gần phía chúng ta.

Chàng đưa mắt nhìn sang bên kia suối. Tuy trời đã tối, không gian, núi rừng biến thành mầu tím, nhưng chàng cũng nhìn rõ ba người đang lần ra bờ suối, định lội suối sang phía chàng. Chàng ra hiệu cho Hồng-Hạc cùng núp vào bụi cỏ. Hai người nằm sát bên nhau.

Bên kia bờ suối hiện ra ba người, họ đều mặc quần áo đen. Một người béo, một người gầy, và một người cao lớn. Cả ba quan sát nghe ngóng một lúc, rồi lần mò lội qua. Vô tình ba người lên đúng chỗ Thường-Kiệt núp. Người béo nói tiếng Quảng:

- Phải cẩn thận lắm mới được, võ công thằng nhỏ Thường-Kiệt không đáng kể, nhưng võ công của vợ chồng Tôn Đản thực không tầm thường. Chúng ta núp chờ ở đây, đợi khuya rồi sẽ xông thuốc mê bắt con lỏi họ Dương.

Thường-Kiệt thấy Hồng-Hạc run bần bật, chàng dùng lăng không truyền ngữ hỏi:

- Em, em có biết tiếng Quảng không?

- Biết chứ. Hai tên này bàn nhau bắt cóc em.

- Em đừng sợ.

Tên gầy nào biết có hai người đang ở bên cạnh, y nói:

- Mưu kế Vương đại nhân như thần, chúng ta chỉ một lần ra tay, mà làm cho bọn Lý, bọn Nùng sắp đâm chém nhau túi bụi. Đêm nay chúng ta thành công nữa thì coi như kế hoạch hoàn tất.

Thường-Kiệt rùng mình, sẽ thúc cùi chỏ vào hông Hồng-Hạc, ngụ ý muốn nói : Có lẽ bọn này liên quan đến việc cha con Nùng Tồn-Phúc bị giết cũng nên.

Tiếng chim đánh ống dài dặc, pha lẫn tiếng cú kêu, tiếng côn trùng rên rỉ. Đêm mỗi lúc một sâu. Thường-Kiệt mặc quần áo ngự hàn, mà còn cảm thấy cái lạnh rừng thấm vào da thịt, chàng phải vận công chống lại, trong lòng nghĩ thầm: Người xưa nói tháng ba bà già chết rét thực không sai. Có ai ngờ cuối tháng hai, ban ngày nắng như vậy, mà đêm xuống lại lạnh thấu xương. Trong khi cạnh chàng, Hồng-Hạc chỉ mặc bộ quần áo lụa mong manh. Nàng cũng vận công chống lạnh. Nhưng nội công nàng không thâm hậu, nên người vẫn run rẩy. Rồi như không chịu nổi cái lạnh, nàng ép sát người hào Thường-Kiệt. Người Thường-Kiệt nóng bừng lên, chàng quàng tay ra ôm lấy Hồng-Hạc. Chàng nghiến răng cố xua đuổi cái cảm giác ma quái, nhưng chỉ được một lúc, người chàng lại run lên. Khi thì chàng mong cho ba tên gian tế rời đi chỗ khác, để chàng thoát khỏi cái tai nạn này, khi thì chàng lại muốn tình trạng kéo dài mãi mãi.

Thấy Hồng-Hạc run quá, chàng nắm lấy bàn tay trái nàng, rồi vận khí truyền sang. Nội công phái Tản-viên vốn là loại nội công thuần dương, nên chân khí Thường-Kiệt tràn vào người Hồng-Hạc, người nàng nóng bừng lên như bị ném vào thùng nước nóng, cảm giác kỳ lạ làm người nàng lảo đảo như say rượu, nàng cọ má mình vào vai Thường-Kiệt.

Cứ như vậy, hai người mê mê tỉnh tỉnh trong khoảng thời gian bao lâu họ cũng không biết nữa. Cho đến lúc ba tên gian tế biến mình về phía doanh trại, hai người mới vội đứng lên theo bén gót. Chúng qua trạm canh của thị-vệ, một thị vệ hô mật khẩu. Thường-Kiệt kinh ngạc vô cùng, vì chúng trả lời không sai.

Ba người đến trước lều của Hồng-Hạc thì ngừng lại lắng tai nghe ngóng, một tên móc từ bọc ra bình thuốc bột, đổ bột lên bàn tay, rồi vạch cửa lều, dùng nội công phóng vào. Sau khi đám bụi thuốc tan hết, y mở cửa lều lách mình vào trong.

Nhanh nhẹn Thường-Kiệt điểm vào huyệt Đại-trùy hai tên núp bên ngoài, chúng tê liệt toàn thân, ngã xuống. Chàng phất hai chiêu chưởng hất chúng ra xa, rơi xuống bãi cỏ êm đềm như chúng nằm xuống vậy.

Chàng định vào lều thanh toán tên thứ ba, thì một luồng kình phong từ trong lều chụp xuống đầu chàng. Kinh hoảng, Thường-Kiệt nhảy lui liền hai bước để giải bớt áp lực. Nhưng một, rồi hai luồng khác tập kích theo. Chàng vội lăn mình xuống đất, đẩy ngược lên một chiêu Phục-ngưu thần chưởng. Bình một tiếng, chàng cảm thấy lồng ngực muốn nổ tung ra. Uốn cong người một cái, Thường-Kiệt vọt mình lên cao, thì người kia lại tung vào người chàng chưởng khác. Lấy lại được bình tĩnh, chàng phát chiêu trả đòn.

Thị vệ đã đốt đuốc sáng chưng, bao vây tên thích khách vào giữa. Thấy y có cánh cũng không chạy nổi, Thường-Kiệt nhảy lui lại hô:

- Ngừng tay.

Nhưng người kia vẫn phát chiêu. Thường-Kiệt nhận thấy võ công của y là võ công Hoa-sơn thuộc Trung-quốc, chàng chưa biết cách nào thắng y thì có tiếng Tôn Đản hô:

- Đông hải lưu phong, Phong-ba hợp bích.

Nghe sư thúc nhắc, Thường-Kiệt đổi từ võ công Tản-viên sang võ công Đông-a, tay phát chiêu Đông-hải lưu phong. Bình một tiếng, tên béo mập lảo đảo lui lại. Thường-Kiệt lại phát chiêu Phong-ba hợp bích, binh một tiếng, người kia lại lảo đảo nữa. Thường-Kiệt điểm một chủ vào huyệt Đản-trung trước ngực y. Y ngãn lăn xuống đất.

Cẩm-Thi nhìn Hồng-Hạc như mẹ nhìn con, như thầy nhìn trò:

- Cháu vào lấy quần áo mặc thêm đi, trời lạnh thế này mà chỉ mang áo lụa mong manh thế kia, thì chịu sao nổi.

Thường-Kiệt đồ chừng sư thúc đã biết hết mọi chuyện, chàng cảm thấy xấu hổ, cúi mặt xuống. Cẩm-Thi nhắc:

- Con cho thị vệ đem ba tên này về lều thẩm vấn chúng, để biết rõ chi tiết hơn.

Thị-vệ thắp đèn sáng rực, Thường-Kiệt mời Tôn Đản, Cẩm-Thi ngồi lên ghế trên. Hồng-Hạc đã mặc quần áo tiểu thư ngồi bên cạnh. Chàng cúi xuống lột khăn bịt mặt tên to béo ra. Đó là một người đàn ông tuổi khoảng ba mươi lăm, ba mươi sáu. Chàng lục trên người y, thấy một thẻ bài, chứng nhận y coi cơ quan tế-tác thuộc Quảng-Tây lộ tên Trần Thự. Chàng nhắc y để ngồi đựa vào cột lều.

Chàng lột mặt lạ tên thứ hai ra, bất giác Hồng-Hạc kêu lên:

- Phùng Lộc! Người chẳng là đô thống trong đội thị vệ ư?

Nàng lột khăn bị mặt tên còn lại, bất gác nàng kinh hoảng:

- Đinh Luật! Đinh đô thống, sao người lại hại ta?

Thường-Kiệt điểm vào huyệt Phong-thị cả ba người, để chúng không chạy được, rồi giải khai huyệt đạo cho chúng. Chưa có kinh nghiệm giang hồ nhiều, chàng đưa mắt như hỏi ý kiến Tôn Đản. Tôn Đản vỗ vai chàng:

- Cháu trao cho thị vệ thẩm vấn chúng.

Hồng-Hạc nói với Thường-Kiệt:

- Anh à ! Theo em nghĩ, trước khi thẩm vấn, mình hãy chặt mỗi đứa một chân, một tay đã, như vậy chúng sẽ khai thực hơn.

Trần Thự có lẽ không hiểu tiếng Việt nên y nín thinh. Còn Đinh, Phùng thì kinh hãi, chúng chắp tay hướng Hồng-Hạc:

- Trăm lạy tiểu thư, nghìn lạy tiểu thư, tiểu nhân xin khai hết, xin tiểu thư đừng chặt chân, chặt tay tiểu nhân.

Hồng-Hạc rút kiếm của Thường-Kiệt nhắm cánh tay gã họ Phùng chém xuống. Cả hai tên lẫn Thường-Kiệt đều la lớn:

- Không nên.

Tôn Đản, Cẩm-Thi biết Hồng-Hạc dọa hai tên Phùng, Đinh nên im lặng. Ánh kiếm tới sát cánh tay gã họ Phùng, gã kêu thét lên hãi hùng, thì kiếm dừng lại. Hồng-Hạc hỏi:

- Người rõ ràng là đô thống trong đội thị vệ, được ông nội ta rất tin tưởng sai đi hộ vệ ta mấy lần. Tại sao người lại xông thuốc mê định bắt ta?

- Tiểu nhân tuân lệnh Đinh đại nhân.

- Láo, người đừng nói láo. Người đâu có làm dưới quyền Đinh lão sư mà bảo phải tuân lệnh người?

Thường-Kiệt biết thị vệ là bọn chuyên đò thám, thẩm cung vì vậy bản lĩnh gian trá của chúng có thừa, chàng với Hồng-Hạc khó mà bắt chúng nói thực sự. Chàng trao ba tên cho ba toán thị vệ khác nhau, và dặn:

- Các vị nhân huynh hỏi cung chúng, xong trình cho tôi. Hễ ba tên đều khai giống nhau, thì thôi. Bằng ba tên khai khác nhau một câu, tôi sẽ chặt mỗi đứa một tay. Chúng khai khác nhau hai câu, tôi sẽ chặt hai tay. Chúng khai khác nhau ba câu, tôi sẽ chặt một chân.

Tôn Đản đưa mắt nhìn Thường-Kiệt:

- Cháu có biết tông tích tên Trần Thự ra sao không?

- Thưa sư thúc không.

- Y hiện lĩnh chức trưởng ty Tế-tác ở Quảng-Tây lộ, trực tiếp dưới quyền tên Vương Duy-Chính Tuyên-vũ sứ ; Dương Điền Chuyển vận sứ; An-vũ sứ Tôn Miễn. Ngoài ra còn tên Tiêu Chú, tổng trấn biên thùy Hoa-Việt. Việc tên Trần Thự sang đây ám sát cha con họ Nùng rồi định bắt cóc Hồng-Hạc, không biết là tự ý hay tuân lệnh quan trên; cũng có thể y nhận chỉ dụ từ triều đình.

Hồng-Hạc run run hỏi:

- Sao sư thúc biết y ra tay giết cha con họ Nùng?

- Dễ hiểu. Người của Ưng-sơn theo sát Dương phủ, nếu như Dương phủ giết cha con họ Nùng, thì liệu toàn thể Dương gia có còn sống đến nay không? Vì vậy ngay khi vụ án họ Nùng nổ ra, ta biết rằng có một thế lực nào đó đã ra tay, để chia rẽ giữa triều đình với Trường-sinh. Hồi đầu ta tưởng là Chiêm-thành, không ngờ nay là bọn biên thần Tống.

Thường-Kiệt rùng mình:

- Theo sư thúc, liệu bây giờ Ưng-sơn đã biết vụ Tống ra tay hại cha con họ Nùng chưa?

Cẩm-Thi mỉm cười:

- Trong túi cháu có tờ giấy nhỏ, cháu lấy ra xem sẽ biết.

Thường-Kiệt kinh hãi, vội thọc tay vào túi, thì quả có tờ giấy hoa tiên góc hình chim ưng bay qua núi. Trên tờ giấy vẽ hình Thường-Kiệt nằm dài, trên mông có cây roi. Chàng ngẩn người ra suy nghĩ:

- Như vậy thầy đồ biết chuyện ta với Hồng-Hạc nằm bên cạnh nhau. Người là sư thúc, nên trách phạt ta đây.

Bất giác chàng cúi mặt xuống xấu hổ. Cẩm-Thi an ủi cháu:

- Xưa nay anh hùng thường đa tình. Chính Tần-vương khi trước say mê công chúa Huệ-Nhu đến điên đảo thần hồn, hồi ấy chúng ta trêu chọc khổ sở vô cùng. Với nội công của cháu, dễ gì ai tới gần được trong ba trượng mà không bị khám phá? Chẳng qua lúc cháu với Dương tiểu thư tam hồn thất phách thăng thiên nên bị thầy đồ bỏ giấy vào túi mà không biết.

Tôn Đản nhìn Thường-Kiệt mỉm cười tha thứ:

- Triều đình ban sắc chỉ treo thưởng cho ai bắt được kẻ sát Nùng hầu sẽ được tam ân. Nay cháu đã bắt được chính phạm, thì cháu sẽ được hưởng tam-ân. Thế cháu có biết tam-ân là gì không?

- Thưa sư thúc, một là ân-xá. Nếu cháu muốn xin ân xá cho bất cứ ai, dù người đó bị tội nặng đến đâu cũng được tha. Hai là ân-vinh, cháu đi thi thì được chấm đậu trạng nguyên. Ba là ân-huệ, nếu cháu muốn cưới bất cứ cô gái nào, triều đình cũng gả cho.

Cẩm-Thi nhìn Thường-Kiệt bằng con mắt tinh quái:

- Cháu hãy nghĩ kỹ, rồi tâu lên nhà vua để xin tam-ân. Dịp may này không đến hai lần trong đời đâu.