Anna Karenina

Quyển 3 - Chương 14




Khi đến gần Peterburg, Alecxei Alecxandrovitr không những nhất quyết như vậy, mà còn thảo sẵn trong đầu một bức thư cho vợ. Trong buồng người gác cổng, ông lướt qua thư từ, báo chí, công văn từ Bộ mang lại và sai người đưa lên phòng làm việc của mình.

- Cho tháo ngựa và không tiếp ai cả, - ông trả lời câu hỏi của gã gác cổng, nhấn mạnh một cách khá thích thú vào chữ "ai", chứng tỏ ông đang vui.

Alecxei Alecxandrovitr đi bách bộ hai lần trong phòng làm việc, và dừng lại trước bàn giấy đồ sộ trên đó gã hầu phòng đã thắp sẵn sáu ngọn nến, ông bẻ khục ngón tay, ngồi xuống và lấy ra mọi thứ cần thiết để viết thư. Ông chống khuỷu tay lên bàn nghiêng đầu sang bên, suy nghĩ một lát và bắt đầu viết một mạch. Ông viết cho Anna bằng tiếng Pháp, không gọi tên, mà dùng đại từ "cô" đỡ lạnh nhạt hơn trong tiếng Nga.

Trong lần nói chuyện vừa rồi, tôi đã phát biểu ý định sẽ báo cho cô biết quyết định của tôi về vấn đề đã bàn bạc. Sau khi suy nghĩ kỹ, giờ đây tôi viết thư này cho cô nhằm giữ trọn lời hứa. Quyết định của tôi như sau: bất kể tư cách cô thế nào, tôi tự thấy không có quyền cắt đứt sợi dây liên hệ mà một quyền năng tối cao đã ràng buộc ta với nhau. Gia đình không thể tan vỡ vì thói ngông cuồng, phóng túng hay thậm chí tội lỗi của vợ hoặc chồng, và cuộc sống chúng ta vẫn phải tiếp tục như cũ. Điều đó cần cho tôi, cho cô, cho con chúng ta.

Tôi tin rằng cô đã hối lỗi và hiện đang ăn năn về sự việc buộc tôi phải viết thư này, và tin rằng cô sẽ giúp tôi loại trừ tận gốc rễ nguyên nhân bất hòa và quên hẳn dĩ vãng. Trong trường hợp ngược lại, tự cô cũng có thể đoán trước những điều chờ đợi cô và con cô đấy. Tôi hy vọng sẽ có dịp bàn kỹ hơn vấn đề này trong cuộc gặp sau. Vì nghỉ hè sắp hết, tôi mời cô về ngay Peterburg càng sớm càng hay, chậm nhất là thứ ba này. Mọi sự cần thiết sẽ được chuẩn bị để cô dọn nhà. Mong cô chú ý là tôi đặc biệt coi trọng việc cô đồng ý thực hiện lời yêu cầu của tôi.

A. Carenin T.B. - Kèm theo là số tiền cô có thể cần đến.

Ông hài lòng đọc lại thư và mãn ý nhất là đã nghĩ đến việc gửi tiền kèm theo; không một lời tàn tệ, không một lời trách mắng, nhưng cũng không hề khoan nhượng. Và nhất là ông đã tạo cho nàng một cái cầu bằng vàng để quay lại. Ông gấp thư, lấy con dao rọc giấy lớn bằng ngà miết cho xẹp nếp, bỏ vào phong bì cùng số tiền, và, với niềm vui thích thường cảm thấy khi thấy dụng cụ văn phòng ngăn nắp gọn gàng, ông lắc chuông.

- Anh cầm thư này bảo tên chạy giấy mai đưa cho bà Anna Arcadievna ở ngoài biệt thự, - ông nói và đứng dậy.

- Thưa quan lớn, vâng. Tôi có phải bưng trà ra hầu ngài không?

Alecxei Alecxandrovitr sai bưng trà vào phòng làm việc và tay mân mê con dao rọc giấy, ông bước lại ghế bành, cạnh đó có để sẵn đèn và quyển sách tiếng Pháp đọc dở viết về nền văn tự tượng hình Ai Cập.

Một bức chân dung đẹp của Anna, tác phẩm của họa sĩ trứ danh, lồng trong khung bầu dục thiếp vàng, treo phía trên ghế bành. Alecxei Alecxandrovitr ngắm tranh. Đôi mắt bí ẩn đăm đăm nhìn ông nhạo báng và hỗn xược, y như tối vừa rồi khi nàng nói rõ mọi chuyện với ông. Chiếc khăn ren đen được nghệ sĩ thể hiện tuyệt vời, mái tóc đen và bàn tay xinh đẹp trắng muốt với ngón thứ tư đeo nhẫn, mọi cái đều hỗn xược và thách thức đối với Alecxei Alecxandrovitr. Sau khi dừng lại gần một phút ngắm bức chân dung, Alecxei Alecxandrovitr run bắn người, đến nỗi môi bật lên một tiếng rên và ông quay đi. Ông vội ngồi xuống ghế bành và mở sách ra. Ông thử đọc nhưng không sao tìm lại được niềm thích thú rất sôi nổi đối với nền văn tự tượng hình Ai Cập như trước. Ông nhìn vào sách nhưng lại nghĩ tới việc khác. Ông không nghĩ tới vợ nữa, mà nghĩ tới một việc rắc rối xảy ra gần đây trong công vụ, hiện đã trở thành điều quan tâm chính. Ông cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mình đã đi sâu vào trung tâm vấn đề phức tạp đó và đã vận dụng trí tuệ nghĩ ra (ông có thể nói vậy mà không sợ lầm, ý kiến cơ bản có thể dàn xếp toàn bộ vấn đề, làm ông có thể thăng một cấp mới trên bước đường hoạn lộ, làm những kẻ kình địch phải chưng hửng, và do đó góp phần vĩ đại cống hiến cho quốc gia. Khi người hầu mang trà đã ra khỏi phòng, Alecxei Alecxandrovitr liền đứng dậy và đi tới bàn giấy. Ông kéo hồ sơ đựng công văn hàng ngày ra, cầm bút chì, và thoáng mỉm cười mãn nguyện, vùi đầu đọc những tài liệu liên quan đến việc rắc rối ông đã dự kiến trước. Việc rắc rối đó như sau: với tư cách là chính khách, Alecxei Alecxandrovitr cũng như tất cả các quan lại đang làm nên, có một số đặc tính đã góp phần cùng lòng tham vọng dai dẳng, sự dè dặt, chính trực và tự tin, giúp ông thành đạt trên đường công danh; đó là: sự khinh miệt mọi giấy tờ hành chính, khuynh hướng giảm bớt thư từ công văn, để đi thẳng vào công việc thực tế và đức tiết kiệm. Cái tiểu ban nổi tiếng lập ngày mồng 2 tháng 6 đã bàn đến việc dẫn thủy nhập điền cho đất đai cày cấy của tỉnh Zaraixc, công trình này, do Bộ của Alecxei Alecxandrovitr quản lý, đã cung cấp một thí dụ rất rõ về tệ lãng phí quan liêu. Công việc do người tiền nhiệm của người tiền nhiệm của Alecxei Alecxandrovitr khởi sự. Và quả thực, người ta đã tiêu tốn rất nhiều tiền vô ích và sáng kiến đó hình như không đưa đến kết quả gì. Lúc mới nhận chức, Alecxei Alecxandrovitr hiểu ngay điều đó và định tự mình bắt tay vào trông nom; nhưng ông cảm thấy địa vị chưa vững vàng, vấn đề lại dính dáng quá nhiều đến quyền lợi người khác, làm như vậy sẽ tỏ ra không biết điều, sau đấy bận vấn đề khác, ông quên bẵng vấn đề ruộng đất ở Zaraixc, chuyện đó cũng như mọi việc khác cứ theo luật quán tính mà tự động tiến hành.

(Nhiều người sống nhờ vào đó, và đặc biệt là một gia đình rất gia giáo và rất giỏi nhạc có bốn con gái đều chơi đàn dây. Alecxei Alecxandrovitr quen gia đình đó và từng làm chủ hôn cho đám cưới một cô lớn). Alecxei Alecxandrovitr cho cái Bộ kình địch nêu vấn đề lên là đã hành động bất lương, vì mỗi Bộ đều che giấu những việc còn gai góc hơn, mà vì lịch thiệp nên không ai vạch ra. Nhưng vì họ khiêu khích, nên ông mạnh dạn nhận thách thức và yêu cầu chỉ định một tiểu ban dẫn thủy nhập điền cho đất đai cày cấy của tỉnh Zaraixc, đồng thời cũng không tha gì các vị kia. Ông yêu cầu chỉ định một tiểu ban đặc biệt mới nữa để trông coi việc tổ chức các dị tộc. Vấn đề tổ chức các dị tộc đã ngẫu nhiên được nêu lên tại ủy hội ngày mồng 2 tháng 6 và được Alecxei Alecxandrovitr kiên quyết ủng hộ với lý do tình hình của những dị tộc bi đát, không thể chậm trễ phút nào. Vấn đề đó gây ra tranh luận giữa các Bộ. Bộ kình địch với Alecxei Alecxandrovitr đã chứng minh tình hình những dị tộc rất phồn vinh và những đề nghị cải cách có thể làm hại đến sự thịnh vượng của họ, và mặt khác, nếu có điều gì đáng phàn nàn thì đó chỉ là do Bộ của Alecxei Alecxandrovitr đã sao lãng không chấp hành những biện pháp do luật pháp quy định. Giờ đây, Alecxei Alecxandrovitr muốn:

1. Yêu cầu thành lập một tiểu ban mới có nhiệm vụ điều tra tình hình các dị tộc;

2. Nếu tình hình các dị tộc quả thực đúng như số liệu chính thức mà ủy hội nắm trong tay, sẽ đòi chỉ định một tiểu ban nghiên cứu để tìm nguyên nhân tình hình bi đát của các dị tộc về các phương diện:

a) chính trị, b) hành chính, c) kinh tế, d) dân tộc, đ) vật chất và e) tôn giáo;

3. Yêu sách Bộ đối địch phải cung cấp:

a) báo cáo cụ thể những biện pháp mười năm qua do chính Bộ đó đã tiến hành để cải thiện hoàn cảnh bi đát của các dị tộc; b) giải thích tại sao đã hành động hoàn toàn trái ngược với đạo luật căn bản của Đế chế, trang 18 quyển... và chú thích ở trang 36, và để chứng minh điều đó, còn có tài liệu số 17015 và 18308 ngày 5 tháng 12 năm 1863 và ngày 7 tháng 6 năm 1864 trong số tài liệu đã gửi đến uỷ hội.

Mặt Alecxei Alecxandrovitr hồng lên khi ghi tóm tắt những ý nghĩ đó. Sau khi viết kín cả trang giấy, ông đứng dậy, lắc chuông, sai mang một mảnh giấy đến trưởng phòng, yêu cầu cung cấp ít tài liệu.

Lúc đi qua phòng, ông lại liếc nhìn bức chân dung lần nữa, cau mày và mỉm cười khinh bỉ. Ông đọc vài trang sách viết về văn tự hình tượng Ai cập, lại thấy hứng thú như trước và đến mười một giờ thì đi ngủ. Nằm vào giường, ông nhớ lại câu chuyện lục đục giữa hai vợ chồng: nó hiện lên trước mắt với màu sắc bớt u ám đi nhiều.