Anna Karenina

Quyển 5 - Chương 7




Anna và Vronxki đi du lịch châu Âu từ ba tháng nay. Họ thăm Vơnizơ, Rom, Naple và vừa tới một thành phố nhỏ nước Ý, họ định lưu lại đó ít lâu. Một gã đầu bếp bệ vệ, mái tóc dày chải sáp rẽ đường ngôi suốt đến tận gáy, mặc áo đuôi tôm và yếm sơ mi bằng vải nõn, bụng phệ, đầy dây chuyền, hai tay đút túi quần, đang hấp háy mắt ra vẻ khinh khỉnh trả lời một ông đang hỏi. Nghe tiếng chân trên thềm, hắn quay lại và thấy vị bá tước người Nga trọ ở phòng sang trọng nhất khách sạn. Hắn liền cung kính rút tay ra khỏi túi, cúi chào và thưa với bá tước là có thư gửi đến và viên quản lí cái biệt thự 1 họ đang điều đình thuê, đã bằng lòng kí giao kèo.

- Ồ! Tốt lắm, - Vronxki nói.

- Phu nhân có nhà không?

- Phu nhân đi dạo chơi, nhưng vừa về xong, - gã đầu bếp trả lời.

Vronxki bỏ chiếc mũ mềm rộng vành ra rồi lấy khăn tay lau trán đẫm mồ hôi và mớ tóc dài chải lật ra đằng sau để che chỗ đầu hói. Chàng lơ đãng đưa mắt về phía vị khách đang đứng đó nhìn chàng và định đi.

- Ông khách đây là người Nga và muốn hỏi ngài, - gã đầu bếp nói.

Với cái cảm giác pha trộn cả bực bội vì không sao thoát khỏi người quen lẫn mong muốn tìm một thú tiêu khiển cho đời sống đơn điệu của mình, Vronxki một lần nữa quay lại nhìn ông khách và cùng một lúc cặp mắt cả hai người đều sáng ngời lên. - Golenichsev! - Vronxki!

Đúng là Golenichsev thực, một người bạn học của Vronxki ở trường Hoàng tộc thiếu sinh quân: hồi đó, ông ta gia nhập Đảng tự do rồi tốt nghiệp với một chức vụ dân sự và không chịu phục vụ trong quân đội. Từ khi ra trường, họ xa nhau và chỉ gặp nhau độc có một lần.

Trong lần gặp đó, Vronxki hiểu Golenichsev đã chọn một công cuộc hoạt động tự do với khát vọng cao quý khiến ông ta thật tình khinh bỉ địa vị của Vronxki. Cho nên Vronxki đã đối phó lại bằng thái độ lạnh lùng và kiêu kì, bộc lộ rất khéo như muốn nói: "anh có thể thích hay không thích lối sống của tôi, cái đó tôi hoàn toàn không đếm xỉa tới. Nếu anh muốn chúng ta tiếp tục giao thiệp với nhau thì cần phải tôn trọng tôi". Thái độ đó khiến Golenichsev coi khinh và dửng dưng. Cuộc gặp gỡ tưởng mãi mãi chia rẽ họ. Thế mà giờ đây khi nhận ra nhau, khuôn mặt họ sáng lên và họ buột miệng reo lên vui sướng.

Vronxki hẳn không thể ngờ mình lại vui thích đến thế khi gặp lại Golenichsev, nhưng có lẽ đó là vì chính bản thân chàng không nhận ra mình đang sống chán ngấy đến mức nào. Chàng quên bẵng cảm giác nặng nề của lần gặp gỡ cuối cùng và chìa tay bắt tay người bạn cũ với vẻ mặt cởi mở, vui sướng. Cũng vẻ vui mừng đó làm nở nang nét mặt mới đó còn băn khoăn của Golenichsev.

- Tôi rất sung sướng được gặp lại anh! - Vronxki nói và thân ái mỉm cười, để lộ hàm răng trắng đẹp.

- Tôi nghe nói có một người tên là Vronxki, nhưng không ngờ lại là anh. Tôi rất mừng.

- Vào đây đã. Anh làm gì ở đây?

- Tôi ở đây được hơn một năm rồi. Tôi làm việc.

- Ồ! - Vronxki niềm nở nói. Mời anh vào đây đã.

Và theo tập quán đặc biệt của người Nga, họ lại nói chuyện bằng tiếng Pháp để đầy tớ không hiểu được.

- Anh có biết Karenina không? Chúng tôi cùng đi du lịch với nhau. Tôi đến phòng bà ta ở đây, - chàng nói với bạn bằng tiếng Pháp, vừa chăm chú nhìn kĩ vẻ mặt Golenichsev.

- Ô, tôi không biết bà ta, - Golenichsev trả lời bằng một giọng hờ hững (tuyệt nhiên không phải ông không biết). - Anh tới đây lâu chưa? - ông hỏi thêm.

- Tôi ấy à? Được ba ngày rồi, - Vronxki trả lời, vẫn theo dõi vẻ mặt bạn. "Phải, đây là người có học có thể nhìn sự việc đúng đắn được, Vronxki tự nhủ, bằng lòng về cách Golenichsev chuyển đầu đề câu chuyện. Có thể giới thiệu anh ta với Anna, anh ta là người trải đời".

Trong ba tháng vừa qua sống với Anna ở nước ngoài, mỗi lần có thêm người quen mới, Vronxki luôn tự hỏi không biết họ nhìn nhận sự dan díu của chàng với Anna như thế nào và chàng thường thấy mọi người đều hiểu thích đáng cả. Nhưng nếu người ta hỏi chàng cũng như các người đó rằng cách hiểu đó là thế nào, cả chàng lẫn họ hẳn sẽ rất lúng túng.

Thực ra, những người hiểu sự việc "thích đáng" theo ý Vronxki, đều không hiểu gì cả, nhưng nói chung, họ đều xử sự như người lịch thiệp thường xử sự trước những vấn đề phức tạp và nan giải luôn vấp phải trên từng bước đi trong cuộc sống; họ giữ một thái độ dè dặt, kín đáo, tránh những lời bóng gió và câu hỏi khó chịu. Họ làm ra vẻ hiểu thấu đáo hoàn cảnh, thừa nhận và thậm chí còn tán thành nữa, nhưng đồng thời lại cho việc thanh minh là thừa và không hợp.

Vronxki đoán ngay Golenichsev thuộc loại người đó, nên chàng càng vui lòng gấp bội được gặp lại ông ta. Và quả thực, khi được đưa vào gặp Karenina, Golenichsev đối xử với nàng đúng như Vronxki mong muốn. Rất thoải mái, ông ta tránh nói đến những chuyện phiền toái.

Ông ta không quen Anna và sững sờ trước sắc đẹp của nàng, nhất là vì thấy nàng bằng lòng tiếp nhận hoàn cảnh một cách thật bình dị. Nàng đỏ mặt khi được Vronxki giới thiệu với Golenichsev và màu đỏ trẻ thơ ửng trên khuôn mặt đẹp và chân thật ấy làm ông càng vô cùng cảm mến. Nhưng ông thích nhất là thấy nàng gọi ngay Vronxki bằng Alecxei trước mặt ông như để tránh mọi hiểu lầm và nàng kể là hai người sẽ đến ở căn nhà vừa thuê xong mà ở đây họ gọi là palazzo. Thái độ giản dị và thẳng thắn đó đã chinh phục ông. Trước người đàn bà đầy nghị lực, hoà nhã và vui vẻ đó, Golenichsev, vốn quen cả Alecxei Alecxandrovitr lẫn Vronxki, cảm thấy mình đồng tình với nàng. Ông hình như hiểu được điều mà chính bản thân nàng không bao giờ hiểu nổi: là sau khi gieo tai hoạ cho chồng, sau khi bỏ chồng bỏ con và tự làm mất hết thanh danh, nàng vẫn có thể sung sướng, kiên nghị và vui vẻ được.

- Cái nhà đó có ghi trong quyển chỉ dẫn du lãm đấy, - Golenichsev nói, khi Vronxki nhắc đến tên biệt thự.

- Ở đó có một bức hoạ tuyệt đẹp của Tanhtore 2, phong cách rất mới.

- Này, trời đẹp lắm, hay ta đến đó xem qua lượt nữa? - Vronxki quay lại bảo Anna.

- Rất vui lòng, em đi đội mũ ngay bây giờ. Anh bảo trời nóng à? - nàng nói, dừng lại ở ngưỡng cửa và nhìn Vronxki, vẻ dò hỏi. Một lần nữa mặt nàng lại đỏ ửng lên.

Qua cái nhìn, Vronxki hiểu nàng không biết chàng muốn nàng cần có thái độ như thế nào với Golenichsev và nàng sợ mình đã không cư xử đúng ý chàng. Chàng trả lời bằng một cái nhìn âu yếm, đắm đuối.

- Không, không nóng lắm đâu, - chàng nói. Anna đoán là chàng đã vừa ý, nàng mỉm cười với chàng và nhanh nhẹn bước ra.

Hai người bạn nhìn nhau và nét mặt họ đều tỏ vẻ bối rối; Golenichsev rõ ràng là thích thú nhưng không tìm ra lời để nói lên sự thán phục của mình, còn Vronxki vừa muốn lại vừa sợ nghe ông nhắc tới Anna.

- Thế nào, - Vronxki nói, bắt sang chuyện khác, - thế ra anh ở đây à? Anh vẫn bận bịu với những chuyện đó đấy chứ? - chàng hỏi, sực nhớ có người bảo là Golenichsev đang viết lách gì đó.

- Phải, tôi đang viết phần hai của cuốn "Hai nguồn gốc", - Golenichsev nói, mặt đỏ lên vui thích vì câu hỏi đó, - hoặc nói đúng hơn là tôi chưa viết mà đang chuẩn bị viết, đang thu thập tài liệu. Phạm vi của nó sẽ rộng hơn nhiều và bao quát hầu hết mọi vấn đế. Ở nước Nga chúng ta, mọi người không muốn hiểu rằng chúng ta là những kẻ kế thừa của Bidăngxơ 3, - ông nói, bắt đầu chứng minh dài dòng sôi nổi.

Vronxki thoạt tiên thấy lúng túng, vì không hề biết tới phần đầu của cuốn "Hai nguồn gốc" mà tác giả nói tới như một tác phẩm nổi tiếng. Nhưng khi Golenichsev đã trình bày ý kiến và Vronxki theo dõi được rồi, tuy không biết gì về cuốn "Hai nguồn gốc", chàng cũng thấy thích thích nghe ông vì Golenichsev nói giỏi. Nhưng chàng lấy làm ngạc nhiên và phiền lòng trước sự khích động bực dọc của Golenichsev trong khi trình bày vấn đề mình quan tâm. Mắt long lên, ông tuôn ra dồn dập những câu trả lời bọn địch thủ tưởng tượng và nét mặt lộ vẻ xao xuyến và xúc phạm. Nhớ lại trước kia, Golenichsev là một đứa trẻ nhanh nhẹn, gầy yếu, đầy thiện ý và tình cảm cao quý, bao giờ cũng đứng đầu lớp, Vronxki không sao hiểu nổi nguyên nhân nỗi bực bội đó và không tán thành thái độ của bạn. Điều làm chàng bực mình nhất là Golenichsev, một nhân vật của giới thượng lưu, lại tự hạ mình xuống ngang hàng với loại văn sĩ quèn đã làm ông tức tối và ông còn nổi giận với bọn họ nữa. Thật có bõ công không chứ? Việc này làm Vronxki không vừa lòng, nhưng chàng cảm thấy Golenichsev đang bị dằn vặt và thương hại ông ta. Sự khổ não, gần như điên khùng, lộ rõ trên khuôn mặt sinh động và khá đẹp trong khi ông vẫn tiếp tục trình bày thao thao bất tuyệt ý kiến mình, không để ý đến Anna đang đi vào.

Khi Anna, mũ áo chỉnh tề, dừng lại bên, bàn tay đẹp thoăn thoắt xoay xoay chiếc dù, Vronxki nhẹ hẳn người, dứt khỏi cặp mắt bồn chồn của Golenichsev đang đăm đăm dán vào chàng để âu yếm nhìn người bạn tình kiều diễm ngời ngợi sức sống và hạnh phúc. Golenichsev cố trấn tĩnh và mấy phút đầu vẫn còn lầm lì và buồn rầu; nhưng Anna đang sẵn sàng niềm nở với mọi người (dạo này nói là những kẻ kế thừa chủ nghĩa quan liêu chuyên chế, những nghi lễ tôn giáo, bạo lực và đời sống xa hoa nàng thường như vậy) trong chốc lát đã làm ông tươi tỉnh lại bằng thái độ giản dị và vui vẻ của nàng.

Sau khi gợi nhiều chuyện linh tinh, nàng lái ông bàn tới hội hoạ mà ông nói rất giỏi và nàng chăm chú nghe. Họ đi bộ tới căn nhà mới thuê và dạo thăm xung quanh.

- Tôi thích nhất là Alecxei sẽ có một xưởng hoạ xinh đẹp, - Anna nói với Golenichsev trên đường về.

- Nhất định mình phải dùng căn buồng đó, - nàng nói với Vronxki bằng tiếng Nga và gọi chàng là mình vì hiểu trong cảnh cô độc của họ, Golenichsev sẽ trở thành một người bạn thân thiết và không cần giấu giếm ông ta.

- Anh cũng vẽ à? - Golenichsev quay phắt lại hỏi Vronxki.

- Vâng, trước kia tôi có vẽ và nay định thử vẽ lại xem sao, - Vronxki đỏ mặt nói.

- Anh ấy nhiều tài năng lắm đấy. - Anna mỉm cười hớn hở nói.

- Tất nhiên tôi nhận xét cũng chẳng tinh gì. Nhưng đó là ý kiến những người sành sỏi.

--- ------ ------ ------ -------

1 Palazzo (tiếng ý trong nguyên bản).

2 Tintoret: hoạ sĩ ý (1518-1594).

3 Bizance, tên cũ của Conxtantinople, tức Istambul hoặc Stamboul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.