Anna Karenina

Quyển 7 - Chương 20




Như thường lệ, Stepan Ackađich đã phân bố thời gian ở Petersburg rất khéo. Ngoài công việc: chuyện li dị của cô em và chỗ làm đang ngấp nghé, ông còn cần giải nồng - như lời ông nói - sau thời gian nằm mốc meo ở Moskva.

Moskva tuy có những tiệm cà phê ca nhạc và ô tô chở khách trong thành phố, nhưng dù sao vẫn chỉ là nơi đầm lầy nước đọng. Stepan Ackađich bao giờ cũng cảm thấy thế. Cứ ở đó một thời gian, nhất là gần gia đình là ông đâm mất hết nhuệ khí. Sau một thời gian dài ở Moskva, ông đi đến chỗ lo lắng về tính tình cáu kỉnh và những lời trách móc của vợ, về sức khoẻ và việc học hành của con cái, về những điểm vặt vãnh trong công việc; thậm chí ông lo đến cả nợ nần nữa. Nhưng chỉ cần đến Petersburg và ở vài ngày trong cái giới ông thường lui tới, nơi người ta sống thật sự chứ không phải sống mòn mỏi như ở Moskva, là lập tức những suy tư của ông biến mất và tan đi như sáp để cạnh lửa vậy.

Vợ ư?… Hôm nay nữa, ông lại nói chuyện với hoàng thân Tsetxenxki. Ông này, ngoài vợ con, còn có một gia đình khác, không chính thức, cũng có con cái hẳn hoi. Và mặc dầu gia đình chính thức rất dễ chịu, hoàng thân Tsetxenxki vẫn cảm thấy sung sướng hơn khi ở với gia đình thứ hai. Ông đã đưa con trai lớn nhập tịch gia đình thứ hai và nói với Stepan Ackađich là, theo ông, điều đó rất có lợi cho sự phát triển của đứa bé. Chuyện ấy mà ở Moskva, liệu còn thiếu điều gì người ta không nói nữa?

Con ư?… Ở đây, con cái không ngăn trở người ta sống. Người ta nuôi dạy chúng trong trường học và tại Petersburg, không hề thấy cái ý nghĩ kì quặc rất phổ biến ở Moskva(ở gia đình Lvov chẳng hạn) cho rằng con cái có quyền hưởng xa hoa, còn cha mẹ phải chịu phần làm lụng và lo lắng. Ở đây, người ta hiểu là người đàn ông, với tư cách người văn minh, phải có bổn phận sống cho mình.

Công vụ ư?… Ở đây, công vụ chẳng phải là cái gánh nặng tuyệt vọng mà ở Moskva, bao giờ người ta cũng phải đeo đẳng sau lưng; nơi đây, làm việc thật thú vị. Một cuộc gặp mặt, một việc giúp kẻ khác, một câu nói đùa, có tài ra điệu bộ, thế là nên cơ đồ rực rỡ, như Brianxev mà Stepan Ackađich vừa gặp hôm qua, hiện đang giữ một địa vị hành chính cao cấp. Công việc đó xem ra thích thú thật.

Và đặc biệt quan niệm của người Petersburg về chuyện tiền nong, khiến Stepan Ackađich an tâm hơn cả. Barnianxki, thường phung phí ít ra năm vạn rúp với cái đà sinh hoạt của y, khiến ông suy nghĩ sáng mắt ra vấn đề này.

Ngay trước bữa ăn, trong khi trò chuyện, Stepan Ackađich đã nói với Barnianxki:

- Tôi chắc anh thân với Mordvinxki lắm thì phải, anh có thể giúp tôi một việc quan trọng bằng cách nói hộ tôi một câu với ông ta. Tôi muốn kiếm chân uỷ viên của hãng…

- Tôi chẳng nhớ được cái tên ấy đâu… Nhưng anh nghĩ thế nào mà lại dính vào chuyện hoả xa với tụi Do Thái ấy!… Anh muốn nói gì thì nói, chứ cái đó tởm lắm.

Stepan Ackađich không nói đó là một công việc thú vị: Barnianxki sẽ không hiểu.

- Tôi cần tiền, tôi chẳng còn gì để sống.

- Tuy nhiên anh vẫn sống đấy thôi?

- Phải, nhưng tôi phải vay nợ.

- Thế à! Nhiều không? - Barnianxki hỏi, ra vẻ thương hại.

- Nhiều, khoảng hai vạn rúp.

Barnianxki phá lên cười vui vẻ.

- Ôi! Con người sung sướng! - y kêu lên.

- Tôi đây, tôi nợ triệu rưỡi rúp mà tôi chẳng có xu nào; như anh thấy đó, tôi vẫn không vì thế mà khốn khổ hơn!

Và Stepan Ackađich đã có dịp nhận thấy lời nói đó là đúng. Jivakhov nợ ba vạn rúp, không có một đồng một chữ mà vẫn sống rất hoang tàng! Bá tước Crivxov đã khánh kiệt từ lâu, vẫn bao hai cô nhân tình. Petrovxki sau khi ném qua cửa sổ năm triệu rúp, vẫn giữ nếp sống cũ và còn quản lí một cơ sở tài chính, mỗi năm thu hai vạn rúp. Ngoài tất cả những thứ đó, Petersburg còn tác động tốt đến sức khoẻ Stepan Ackađich. Ở đó ông trẻ ra. Ở Moskva, thỉnh thoảng ông lại nhìn mái tóc hoa râm của mình, sau bữa chiều là đi ngủ, lên gác thì kéo lê chân và thở hổn hển, đã bắt đầu không thích gần gũi các thiếu phụ trẻ và không nhảy trong các cuộc khiêu vũ nữa. Trái lại ở Petersburg, bao giờ ông cũng thấy trẻ ra đến mười tuổi.

Ông có cảm giác hệt như lời ông hoàng sáu mươi tuổi Petr Oblonxki, vừa ở nước ngoài về, đã tâm sự với ông hôm qua.

- Ở đây, chúng ta không biết sống, Petr Oblonxki bảo ông. - Anh muốn tin hay không thì tuỳ, chú nghỉ hè ở Bađen mà cảm thấy như mình là thanh niên vậy. Trông thấy đàn bà đẹp là chú phát sinh tư tưởng… Một bữa ăn có tí rượu khiến chú lanh trai thêm. Về tới Nga, chú phải đến thăm thím, hơn nữa lại ở nhà quê… Được mười lăm hôm, chú lại mặc áo ngủ, thôi không đóng bộ khi ăn chiều nữa. Thế là hết, những ý nghĩ trẻ trung! Chú lại trở thành lão già. Chú chỉ còn việc nghĩ đến chuyện siêu thoát linh hồn nữa thôi. Chú vừa đi Pari, thế là lại hồi xuân một lần nữa.

Stepan Ackađich cũng cảm thấy đổi khác như thế. Ở Moskva, ông suy sụp đến nỗi nếu quả thực phải sống lâu dài ở đó, có lẽ cả ông nữa (mọi sự đều có thể xảy ra) cũng đi đến chỗ lo lắng chuyện siêu thoát linh hồn thôi; trái lại, ở Petersburg, ông lại trở nên một con người hợp thời.

Giữa quận chúa Betxy Tverxcaia và Stepan Ackađich từ lâu vẫn có những quan hệ rất kì dị.

Stepan Ackađich xưa nay vẫn ve vãn mụ để mua vui và tán tỉnh hết sức sỗ sàng - cũng để mua vui thôi - vì ông biết đó chính là điều mụ thích nhất. Đến chơi mụ sau hôm nói chuyện với Alecxei Alecxandrovich, Stepan Ackađich cảm thấy mình quá trẻ trung và dấn quá sâu vào trò đùa tục tĩu ấy đến nỗi không còn biết thoái lui ra sao, vì khốn thay, chẳng những ông không thích mà còn thấy ghê tởm mụ nữa. Cái giọng điệu ấy sở dĩ hình thành giữa hai người là vì, ngược lại, Betxy thấy Oblonxki rất hợp "gu" mình. Ông rất mừng thấy quận chúa Miagcaia đến chấm dứt cảnh đầu kề đầu của họ.

- À, cả ông cũng ở đây à? - bà ta nói khi thấy ông. - Cô em gái đáng thương của ông ra sao rồi! Đừng nhìn tôi như thế, - bà nói thêm. - Từ khi những phụ nữ tồi tệ gấp nghìn lần đổ xô vào công kích chị ấy, tôi thấy thái độ chị ấy xử sự thật đáng phục. Tôi vẫn giận Vronxki đã không báo trước cho tôi biết chị ấy qua Petersburg. Nếu không, tôi đã đến gặp và đưa chị ấy đi khắp nơi rồi. Nhờ ông chuyển tới chị ấy lời chào thân mến của tôi. Ông hãy kể chuyện chị ấy cho tôi nghe đi.

- Hoàn cảnh cô ấy thật khổ tâm, cô ấy… - Stepan Ackađich mở đầu, thật thà tin ngay lời quận chúa Miagcaia: "Hãy kể cho tôi nghe về em gái ông đi". Nhưng quận chúa, theo thói quen, lập tức ngắt lời và tự mình kể lể:

- Chị ấy đã làm cái điều mà mọi phụ nữ, trừ tôi ra, đều làm vụng trộm; còn chị ấy, chị ấy không muốn gian dối, thế là tốt. Và chị ấy càng hành động đúng hơn khi bỏ ông em rể ngu xuẩn của ông. Xin ông thứ lỗi. Ai cũng bảo ông ấy thông minh, riêng có mình tôi, bao giờ cũng khẳng định ông ta là đồ ngốc. Giờ đây, khi ông ta kết thân với Lidia Ivanovna và Lăngđô, mọi người đều bảo ông ta dở người; tôi sẽ rất sung sướng nếu không phải đồng ý với dư luận chung, nhưng lần này thì không thể được.

- Xin bà cắt nghĩa cho tôi điều này là thế nào, - Stepan Ackađich nói. - Hôm qua, tôi đến gặp ông ta bàn chuyện cô em tôi, yêu cầu trả lời dứt khoát. Ông ta chưa trả lời và bảo sẽ suy nghĩ; vậy mà, sáng nay, thay vào câu trả lời, tôi nhận được thiếp mời tối nay đến nhà nữ bá tước Lidia Ivanovna.

- Phải, đúng rồi! - quận chúa Miagcaia reo lên, mừng rỡ.

- Họ hay thỉnh thị Lăngđô đấy.

- Lăngđô à? Tại sao? Đó là ai vậy?

- Sao kia, ông không biết Jules Lăngđô ư? Juyles Lăngđô trứ danh, con người sáng suốt. Cả hắn ta cũng dở người, nhưng số phận em gái ông chính là tuỳ thuộc ở hắn ta đấy. ấy, sống ở tỉnh lẻ là thế đó, ông chẳng hay biết tình hình gì cả. Ông biết không, Lăngđô trước kia là người chào hàng tại một cửa hiệu ở Pari. Một hôm, hắn đến thầy thuốc khám bệnh. Trong phòng đợi, hắn thiếp đi và giữa lúc ngủ mê mệt, hắn bắt đầu mách thuốc những bệnh nhân khác. Những lời mách bảo kì dị. Sau đó, vợ Yuiri Meledinxki (ông biết chứ, cái ông ốm ấy mà?) nghe nói có tên Lăngđô ấy và cho mời hắn đến chỗ chồng mình. Hắn chữa bệnh cho ông ta. Theo tôi, hắn chẳng giúp ích gì vì ông ta vẫn ốm yếu như cũ, nhưng họ tin hắn và mang hắn đi khắp nơi. Họ đưa hắn về Nga. Ở đây, ai nấy đều vồ lấy hắn nhờ chữa bệnh. Nữ bá tước Betzubova được hắn chữa khỏi, đâm mến đến nỗi đã nhận đỡ đầu hắn.

- Đỡ đầu à?

- Hoàn toàn đúng thế. Hắn không còn là Lăngđô nữa, mà là bá tước Betzubov. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Tất nhiên Lidia cũng vồ vập tên Lăngđô ấy (tôi rất mến chị ta nhưng chị ta không biết suy xét phải trái gì cả); không có việc gì ở nhà chị ta cũng như ở nhà Alecxei Alecxandrovich được quyết định mà không qua ý kiến hắn, và chính vì thế hiện nay số phận em gái ông đang nằm trong tay tên Lăngđô, gọi cách khác là bá tước Betzubov.