Anna Karenina

Quyển 7 - Chương 6




- Có lẽ không phải ngày tiếp khách thật chăng? - Levin nói khi bước vào phòng chờ nhà nữ bá tước Bôn.

- Có chứ, xin mời ông vào, - người gác cửa nói và quả quyết cởi áo khoác cho chàng.

"Chán quá! Levin thở dài nghĩ bụng, tháo một chiếc găng tay và nắn lại mũ. Tại sao mình lại đến đây nhỉ? Biế nói chuyện gì với họ đây?"

Khi qua phòng khách thứ nhất, Levin gặp nữ bá tước Bon đang sai đầy tớ, vẻ bận rộn và nghiêm khắc. Bà mỉm cười khi thấy Levin và mời sang phòng khách nhỏ bên cạnh, nơi đang có tiếng người vẳng ra. Ở đây có hai cô con gái nữ bá tước đang ngồi ghế bành và một quan chức Moskva vốn là chỗ quen biết với Levin. Chàng lại gần ông ta, chào và ngồi xuống cạnh đi-văng, mũ đặt trên đầu gối.

- Bà nhà ta thế nào? Ông có đi nghe hoà nhạc không? Chúng tôi không đi được. Mẹ tôi vừa phải đi đưa đám ma.

- Vâng, tôi có nghe nói… cái chết đột ngột quá! - Levin nói.

Nữ bá tước trở vào, ngồi xuống đi văng và cũng lại hỏi Levin về vợ chàng và cuộc hoà nhạc.

Levin đáp và nhắc lại câu về cái chết đột ngột của bà Apraxina.

- Với lại, bà ta xưa nay vẫn yếu. - Hôm qua ông có đến nhà hát ca kịch không?

- Có ạ.

- Đào Luicca cừ thật!

- Vâng, - Levin nói, và nhắc lại những điều đã nghe thấy hàng trăm lần về những đặc điểm tài năng của cô đào hát ấy, mặc cho người ta muốn nghĩ thế nào về mình cũng được. Nữ bá tước Bon làm như chú ý nghe. Tiếp đó, khi Levin nói đủ rồi và ngồi im, đến lượt ông đại tá vẫn nín lặng từ nãy lên tiếng. Ông nói về nhà hát ca kịch và cách bố trí ánh sáng kiểu mới. Cuối cùng, sau khi nhắc đến ngày vui nhộn dự định tổ chức ở nhà Tuirin, ông đại tá cười ầm ĩ, đứng dậy và cáo lui.

Levin cũng đứng lên, nhưng nhìn mặt bà bá tước, chàng hiểu chưa phải lúc cáo từ. Cần ở lại thêm vài phút nữa. Chàng lại ngồi xuống.

Nhưng vì chỉ một mực nghĩ là toàn bộ cái trò đi thăm này thật ngu xuẩn, nên chàng không tìm ra chuyện mà nói.

- Ông không đi dự phiên họp của uỷ hội à? Nghe nói cuộc họp thú vị lắm đấy, - nữ bá tước nói.

- Không ạ, tôi đã hứa với bà chị vợ sẽ tạt vào đón thôi, - Levin nói. Một phút im lặng. Bà mẹ và mấy cô con gái đưa mắt nhìn nhau.

"Thôi, chắc đến lúc rồi đấy", Levin nghĩ bụng và đứng lên. Các bà bèn bắt tay chàng và nhờ chuyển đến vợ chàng lời thăm hỏi thân ái.

Người gác cửa, khi đưa áo khoác, hỏi chàng địa chỉ và ghi ngay vàomột quyển sổ to đóng gáy thật đẹp.

"Tất nhiên mình chẳng cần gì, nhưng dù sao cũng khó chịu, và hết sức lố bịch!", Levin vừa nghĩ, vừa tự an ủi rằng ai nấy đều làm như vậy, và chàng đến chỗ uỷ hội họp, tìm bà chị vợ đưa về nhà mình.

Cuộc họp của uỷ hội rất đông và gần đủ mặt giới thượng lưu.

Levin đến vừa kịp nghe một bản tường trình rất bổ ích, theo ý kiến chung của mọi người. Bản tường trình chấm dứt, người ta đi tìm nhau và Levin gặp lại Xvyajxki, ông mời chàng ngay tối đó đến hội nông học dự một cuộc thuyết trình đáng chú ý; chàng cũng gặp Stepan Ackađich vừa ở trường đua về, và nhiều người khác; thế là chàng lại phải vừa phát biểu vừa nghe nhiều nhận xét khác nhau về phiên họp, về nhà hát ca kịch và về một vụ kiện đang xảy ra. Nhưng hẳn vì đã bắt đầu thấm mệt, nên khi nói về vụ kiện, chàng đã phạm một điều sai lầm mà sau đó chàng cứ bực bội nhớ tới luôn. Khi bàn về hình phạt đối với một người nước ngoài bị xử ở Nga mà người ta cho rằng kết án trục xuất cũng chưa đủ, Levin bèn nhắc lại điều hôm trước đã nghe một người bạn nói tới.

- Theo tôi, trục xuất anh ta thì cũng giống như trừng trị một con cá măng bằng cách thả nó xuống nước, - Levin nói. Nhưng sau đó, chàng mới sực nhớ cái ý vừa phát biểu như ý riêng của mình, hôm trước thốt ra từ miệng một người bạn, lại chính là ý lấy ở một bài ngụ ngôn của Krưlôp và anh bạn kia đã mượn nó trong một bài báo.

Levin cùng chị vợ ra về, thấy Kitty vui và khoẻ, chàng lại tới câu lạc bộ.