Anna Karenina

Quyển 8 - Chương 8




Kể từ lần đầu tiên, bên người anh hấp hối, Levin chuyển sang nhìn vấn đề sống và chết theo cái quan điểm mới (chàng gọi như vậy), mà, vào khoảng từ hai mươi đến ba mươi tư tuổi, đã dần dà thay thế cho tín ngưỡng hồi thơ ấu và thanh niên, chàng thấy cái chết không làm cho chàng hoang mang bằng sự sống. Chàng hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc, mục đích và bản chất sự sống. Cơ thể, sự huỷ diệt của cơ thể, sự bất diệt của vật chất, luật bảo tồn năng lượng, sự tiến hoá: đó là những danh từ đã thay thế cho tín ngưỡng cũ của chàng. Những danh từ đó cùng những khái niệm liên quan đều rất tốt về phương diện tri thức; nhưng trong cuộc sống, những danh từ đó thật vô ích và Levin cảm thấy như đột nhiên rơi vào cảnh huống một người vừa đem đổi cái áo choàng lót lông ấm áp lấy một cái áo the và lần đầu tiên, trong không khí giá buốt, đành phải thừa nhận, không phải qua suy luận mà bằng cảm giác toàn thân, rằng mình gần như trần truồng và không thể tránh khỏi cái chết đau đớn.

Kể từ đó, mặc dầu không tự giác và vẫn tiếp tục sống như trước, Levin luôn luôn hiếp sợ vì sự ngu dốt của mình.

Hơn nữa, chàng mơ hồ cảm thấy cái mà chàng gọi là quan điểm mới, ngoài sự bất tri, còn thể hiện một chiều hướng tư duy khiến chàng không hiểu nổi những điều cần hiểu.

Lúc đầu, việc hôn nhân cùng những niềm vui và bổn phận mới mẻ đã lấn át những ý nghĩ đó; nhưng thời gian gần đây sống nhàn rỗi ở Moskva, sau lần sinh đứa con, Levin cảm thấy một nhu cầu ngày càng thường xuyên và cấp bách là phải giải quyết vấn đề kia.

Vấn đề đặt ra như sau: "Nếu ta không thừa nhận sự giải đáp của đạo Cơ đốc đối với các vấn đề của cuộc sống thì ta sẽ thừa nhận cách giải đáp nào?". Và trong cả cái kho tín niệm của mình, không những chàng không thể tìm được câu giải đáp nào mà ngay cả một cái gì từa tựa như thế cũng chẳng có nốt.

Chàng giống như người đi tìm thức ăn ở một cửa hàng đồ chơi hoặc một kho vũ khí.

Giờ đây, một cách không tự giác và vô ý thức, chàng đi tìm trong mỗi cuốn sách, mỗi lần trò chuyện, mỗi con người, những mối liên quan và cách giải đáp những vấn đề kia.

Điều làm chàng ngạc nhiên và thất vọng hơn cả, là đa số những người cùng môi trường và cùng lứa tuổi với chàng, sau khi đánh đổi tín ngưỡng cũ lấy quan điểm mới như chàng, vẫn không hề vì thế mà khổ hơn, vẫn hoàn toàn an tâm và mãn nguyện. Cho nên, bên cạnh vấn đề trung tâm đó, Levin còn băn khoăn với những câu hỏi khác: những người đó có thành thực không? Họ có đóng kịch không hoặc giả, khác với chàng, họ đã hiểu rành rọt hơn những câu giải đáp do khoa học mang lại cho những vấn đề chàng đang quan tâm chưa? Và chàng lao vào chuyên tâm nghiên cứu cả những ý kiến của họ lẫn những sách báo nêu lên các câu giải đáp.

Từ khi lăn vào tìm tòi, chàng chỉ phát hiện ra một điều duy nhất: chàng đã lầm khi cùng các bạn đồng môn ở Đại học võ đoán là tôn giáo hết thời rồi. Tất cả những người thân thuộc mà đời sống khiến chàng khâm phục đều có tín ngưỡng. Cả lão quận công, cả Lvov, cả Xergei Ivanovich và tất cả phụ nữ đều tín ngưỡng; vợ chàng cũng tín ngưỡng như bản thân chàng lúc thiếu thời đã từng tín ngưỡng; chín mươi chín phần trăm nhân dân Nga, toàn thể dân tộc mà cuộc sống gợi cho chàng niềm tôn kính chân thành, đều tín ngưỡng.

Sau khi đọc rất nhiều sách, chàng có thể yên trí là những người đồng ý với mình đều không coi quan điểm đó có ý nghĩa gì đặc biệt cả: họ chỉ cần phủ nhận những vấn đề đó là đủ, trong khi chàng cảm thấy mình không thể sống nổi nếu không tìm ra cách giải đáp, và họ ra sức giải quyết những vấn đề khác mà chàng không hơi đâu quan tâm tới, thí dụ sự tiến hoá của cơ thể, cách giải thích cơ học về linh hồn, v.v…

Hơn nữa, trong thời gian vợ đẻ, một điều kì lạ đã xảy ra. Chàng, con người vô tín ngưỡng, chàng đã cầu nguyện và trong lúc cầu nguyện, chàng đã tín ngưỡng. Nhưng giây phút đó vụt qua đi và chàng không thể gán cho cái tâm trạng thoáng qua đó một vị trí nào trong cuộc sống hiện nay của mình.

Chàng không thể thừa nhận là hồi đó mình đã nắm được chân lí rồi trở lại sai lầm, vì mỗi lần bình tĩnh nghĩ lại thì tất cả đều vụn ra như cám; chàng cũng không thể thừa nhận là lúc đó mình lầm lẫn vì chàng luôn quý trọng những giờ phút quá khứ đó: nếu coi đó là yếu đuối, chẳng hoá ra bôi nhọ giây phút đó sao. Chàng đau đớn thấy mình tự mâu thuẫn với mình, và vươn hết sức lực tâm hồn để thoát khỏi tình trạng đó.