Bác Sĩ Zhivago

Chương 156




Trong những ngày ấy, bác sĩ có gặp Palyk và gia đình anh ta. Suốt mùa hè vừa rồi, vợ con anh ta đã phải long đong vất vả trên những con đường làm bụi, trong cảnh màn trời chiếu đất như bao kẻ tị nạn khác. Họ khiếp đảm vì những cảnh tượng đáng sợ từng phải chứng kiến và nơm nớp đợi chờ những nỗi truân chuyên mới. Tình cảnh lang thang dãi dầu để lại dấu vết khó phai mờ trên cơ thể họ. Người vợ và ba đứa con của Palyk, một trai, hai gái, đều có mái tóc sáng, cứng kèo, cháy nắng và hai hàng lông mày rậm trắng bệch trên bộ mặt rám nắng đen đủi, sạm màu sương gió. Trong khi mấy đứa con còn quá bé để mang những nét phong trần nào đấy, thì khuôn mặt người mẹ lại mất hết sắc màu của cuộc sống, những nỗi hiểm nguy và chấn động từng trải qua chỉ để lại vẻ cân xứng khô héo của đường nét, cặp môi mím chặt mỏng như sợi chỉ và vẻ bất động căng thẳng của một nỗi đau khổ luôn sẵn sàng tự vệ

Palyk yêu thương vợ con, nhất là ba đứa con, đến mức quẫn trí, và với một sự khéo tay khiến Zhivago phải ngạc nhiên, anh ta dùng một góc lưỡi rìu được mài sắc đẽo gọt gỗ thành các thứ đồ chơi cho con - thành các chú thỏ, chú gấu và gà trống. Khi vợ con mới đến, Palyk phấn khởi, vui lên đôi chút, sức khỏe khá dần. Nhưng mới nghe tin, rằng thế nào người ta cũng tách các gia đình ra khỏi dịch vụ du kích, vì sự hiện diện của họ có ảnh hưởng xấu tới tinh thần trong căn cứ, rằng ban chỉ huy sẽ đưa hết số thường dân vô dụng cùng đoàn xe chớ dân tị nạn đến một địa điểm khác xa hơn, có lực lượng bảo vệ hẳn hoi. Người ta nói về sự phân ly ấy nhiều hơn là thiết thực chuẩn bị cho nó. Bác sĩ Zhivago không tin rằng biện pháp ấy có khả năng thực hiện. Nhưng Palyk thì đâm ra ủ dột và lại thấy lũ ma trơi ngày trước hiện ra.

Ở ngưỡng cửa mùa đông, có mấy nguyên nhân làm cho tình hình trong căn cứ bất bình thường, đầy những lo âu, bất định phức tạp, rắc rối, lạ lùng và vô lý.

Bọn bạch vệ đã hoàn tất kế hoạch bao vây đoàn quân du kích. Cầm đầu chiến dịch bao vây là các tướng Visyn, Kvadri và Basalygo. Ba viên tướng này khét tiếng vì cứng rắn và cương quyết. Chỉ riêng tên của chúng đã làm khiếp vía vợ, con du kích trong khu căn cứ và số dân cư còn lại làng quê nằm trong vùng địch kiểm soát.

Như đã nói, thực khó tưởng tượng địch có cách gì khả dĩ siết chặt thêm vòng vây. Về điểm này, có thể yên tâm. Tuy nhiên, cũng không thể thụ động trước cuộc bao vây ấy. Thái độ phó mặc hoàn cảnh sẽ tăng thêm nhuệ khí cho kẻ thù. Dẫu cái bẫy không nguy hiểm, cũng nên thoát ra để biểu dương sức mạnh quân sự của mình.

Nhằm mục đích ấy, người ta tách ra một lực lượng lớn và tập trung ở vòng cung phía Tây. Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, du kích đánh bại quân địch, chọc thẳng vòng vây ở khúc đó và thọc vào sau lưng địch.

Khoảng trống do mũi dùi chọc thủng này tạo ra đã mở đường vào miền rừng taiga, tới khu căn cứ du kích. Từng đoàn người tị nạn mới đổ xô vào đó. Dòng người tị nạn đông đảo ấy không chỉ bao gồm các thân nhân của anh em du kích. Toàn bộ nông dân trong vùng hoảng sợ trước các biện pháp trừng phạt của bọn bạch vệ, liền rời bỏ xóm làng tan hoang của mình và tự nhiên hướng tới đoàn quân nông dân ở rừng mà họ coi là lực lượng bảo vệ họ.

Nhưng trong khu căn cứ, du kích đang cố tìm cách thoát ra khỏi thân quyến của mình chưa xong, thì còn bụng dạ nào lo cho những người xa lạ hoặc mới tới nữa. Họ bèn ra chặn dòng người tị nạn, hướng dẫn dân đi về phía nhà máy xay ở khu vực rừng thưa Chilin nằm trên bờ con sông nhỏ Chilimca.

Ở đó, xung quanh nhà máy xay, có nhiều trại ấp, dân địa phương gọi chúng là ấp Dvory. Đấy chính là nơi du kích trù tính làm chỗ trú đông cho dân tị nạn và đặt kho lương thực dành cho họ.

Trong khi giải quyết các việc đó, tình hình vẫn diễn biến theo cách của nó mà ban chỉ huy khu căn cứ không theo kịp.

Thắng lợi giành được đang trở nên phức tạp, sau khi để cho lực lượng du kích đánh bại chúng lọt vào vùng sau lưng, bọn bạch vệ liền khép chặt lại vòng vây như cũ. Các đơn vị du kích thọc vào hậu phương địch nay bị cắt mất đường trở về khu căn cứ trong rừng taiga.

Dòng người tị nạn cũng gây chuyện rắc rối. Giữa miền taiga mênh mông, người ta rất dễ không trông thấy nhau. Số du kích được cử ra đón đường không gặp dân tị nạn, trở về tay không, trong khi cánh phụ nữ cứ dồn nhau đi sâu vào rừng taiga như thác lũ, và dọc đường đi qua, họ hoàn thành những kỳ công khéo léo, họ đốn cây mở lối, họ bắc cầu mà đi.

Tất cả những chuyện đó đều trái với dự kiến của ban tham mưu du kích và làm đảo lộn hoàn toàn các ý định cùng kế hoạch của Liveri.