Bữa Sáng Ở Tiffany’s

Chương 3




Tôi thường bị cuốn hút bởi những nơi mình từng sống, ngôi nhà và vùng lân cận. Ví dụ như khu nhà xây đá nâu đường 70 Đông, nơi vào những năm đầu chiến tranh, tôi đã có căn hộ đầu tiên của mình ở New York. Đấy là một căn phòng chật ních đồ đạc kiểu cổ, một cái sofa và mấy chiếc ghế tựa bọc nhung đỏ rực, làm ta ngứa ngáy nghĩ đến những hôm nóng nực ngồi trên tàu. Tường nhà trát vữa, có màu như bã thuốc lá khạc ra. Khắp nơi, kể cả trong toilet, treo những bức tranh thành Rome đổ nát, loang lổ vết ố thời gian. Cửa sổ duy nhất trông ra lối thoát hiểm. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn hân hoan mỗi khi lục túi thấy chìa khóa căn hộ ấy; dù tối tăm thế nào thì nó vẫn là chỗ ở đầu tiên của riêng tôi, ở đó có tất cả, sách vở, cái hũ cắm bút chì để vót, mọi thứ tôi cần - tôi cứ tưởng thế, để trở thành nhà văn như tôi muốn.

Hồi đó, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện viết về Holly Nhẹ Dạ, và cả đến bây giờ cũng thế, nếu không có cuộc nói chuyện với Joe Bell gợi lên mọi ký ức về cô.

Holly Nhẹ Dạ ở trọ tại khu nhà đá nâu đó; cô sống ở căn hộ dưới phòng tôi. Joe Bell mở một quán bar ngay góc đường Lexington; đến giờ vẫn vậy. Cả Holly và tôi thường tới đó 6, 7 lần trong ngày, không phải để uống, mà thường là để gọi điện thoại, thời chiến tranh, điện thoại riêng hiếm có lắm. Hơn nữa, Joe Bell chịu khó làm bồ câu đưa thư, mà trong trường hợp của Holly thì rất tiện, vì cô cực kỳ lắm thư từ.

Tất nhiên, chuyện đã lâu lắm rồi, tính đến tuần trước thì tôi không gặp Joe Bell đã bảy năm. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng liên hệ, đôi lần đi ngang qua khu này tôi có tạt vào bar, nhưng thực ra chúng tôi chẳng phải bạn bè thân thiết gì, trừ mỗi chuyện cả hai đều chơi với Holly Nhẹ Dạ. Joe Bell khó tính, chính anh ta cũng thừa nhận thế, bảo là vì sống độc thân và bị chứng ợ chua. Ai mà biết Joe cũng phải xếp anh ta thuộc loại khó bắt chuyện. Không thể cạy mồm Joe nếu không chia sẻ được những thứ anh ta gắn bó, trong đó có Holly và ngoài ra là: môn khúc côn cầu trên băng, lũ chó săn giống Weimaraner, Các cô gái Chủ nhật của chúng ta (một bộ phim dài tập mà anh ta theo dõi suốt mười lăm năm), Gilbert và Sullivan[1] - anh ta nói có họ hàng với một trong hai người mà tôi không nhớ là ai.

[1] Hai tác giả phần lời ca và nhạc của 14 vở opera hài thời kỳ Victoria cuối thế kỷ 19 ở Anh.

Và thế là, chiều thứ Ba tuần trước, khi điện thoại reo, nghe “Joe Bell đây” tôi biết ngay thể nào cũng về chuyện Holly. Nhưng anh ta không nói thế, chỉ bảo: “Cậu có thể chạy đến đây ngay được không? Quan trọng đấy” có vẻ gì kích động trong cái giọng uồm uồm của anh ta.

Tôi bắt taxi trong trận mưa tháng Mười như trút nước, và trên đường đi tôi còn nghĩ có khi cô ấy sẽ ở đó, tôi sẽ gặp lại Holly.

Nhưng chẳng có ma nào ngoài chủ nhà. So với các bar khác trên đường Lexington thì quán của Joe Bell khá vắng vẻ. Không đèn neon cũng chẳng có tivi. Hai tấm gương cũ kỹ phản chiếu thời tiết bên ngoài; và sau quầy bar, ở hốc tường, xung quanh là ảnh các ngôi sao khúc côn cầu, luôn có một bát hoa tươi lớn Joe Bell tự tay cắm với sự chăm chút rất cẩn thận. Khi tôi bước vào, anh ta đang cắm hoa.

“Lẽ ra,” anh ta vừa nói vừa cắm một nhánh layơn sâu xuống bát, “lẽ ra tôi chẳng gọi cậu đến nếu không vì muốn nghe ý kiến của cậu. Đặc biệt lắm. Một chuyện rất lạ lùng đã xảy ra.”

“Anh nghe gì về Holly à?”

Anh ta mân mê một chiếc lá, vẻ như không biết trả lời sao. Người nhỏ, đầu khá đẹp với mái tóc bạc xơ xác, anh ta có gương mặt xương xương, vạc từng nét, hợp với khổ người phải cao hơn nhiều; da anh ta lúc nào cũng như bị cháy nắng: lúc này thậm chí càng đỏ hơn. “Cũng không hẳn là tôi nghe tin gì của cô ấy. Ý tôi là, tôi không biết. Vì thế mà tôi muốn nghe ý kiến của cậu. Để tôi làm cho cậu một ly. Có thứ mới đây. Người ta gọi đó là Thiên thần Trắng,” anh ta nói, trộn một phần rưỡi vodka, một phần rưỡi gin, không bỏ thêm rượu cốc-tai. Trong khi tôi uống món đó, Joe Bell đứng ngậm một viên kẹo Tums chống ợ chua và căng óc nghĩ xem phải kể gì cho tôi. Và rồi: “Cậu còn nhớ ông I.Y. Yunioshi không? Cái tay người Nhật ấy.”

“Ở California chứ gì” tôi đáp, nhớ ngay ra ông Yunioshi. Ông ta là người chụp hình cho một tạp chí ảnh, và khi quen tôi thì ông ta sống ở căn hộ tầng cao nhất của khu nhà đá nâu.

“Đừng làm tôi rối trí. Tôi chỉ hỏi là cậu có biết tôi đang nói về ai không? Ok. Đêm qua chính cái ông I.Y. Yunioshi đã lượn qua đây. Tôi không gặp ông ta có dễ đến hơn hai năm rồi. Thế cậu nghĩ ông ta ở đâu trong hai năm đó?”

“Châu Phi.”

Joe Bell ngừng nhai kẹo Tums, mắt nheo lại. “Làm sao cậu biết?”

“Tôi đọc trên tờ Winchell.” Đúng thế thật.

Anh ta chạy đến mở máy đếm tiền, lôi ra một cái phong bì đựng giấy tờ. “Thử xem cậu đã thấy cái này trên tờ Winchell chưa.”

Trong phong bì có ba bức ảnh, từa tựa giống nhau mặc dù được chụp từ những góc hơi khác: một người đàn ông Phi châu cao, thanh tú, quấn xà rông vải thô in hoa, môi nở nụ cười ngượng ngùng nhưng vẫn có vẻ tự đắc, tay nâng một bức tượng gỗ khá kỳ quặc, tạc hình đầu một cô gái tóc mượt và ngắn như con trai, đôi mắt gỗ trơn tuột của cô quá to và xếch trên khuôn mặt thon thon, cái miệng rộng, cường điệu nhưng không phải kiểu như hề. Nhìn thoáng qua nó có vẻ là một bức điêu khắc rất thô sơ; nhưng lại không phải, vì nó giống hệt Holly Nhẹ Dạ, ít nhất thì cũng tựa như thế khi nhìn trong bóng tối.

“Nó làm cậu nghĩ đến cái gì?” Joe Bell hỏi, hài lòng với vẻ bối rối của tôi.

“Trông giống cô ấy.”

“Nghe này, anh bạn,” anh ta đập tay lên quầy bar, “đó chính là cô ấy. Chắc như bắp vậy. Tay Nhật này nhận ra ngay khi vừa nhìn thấy cô ấy.”

“Ông ta gặp cô ấy ư? Ở Phi châu?”

“Ờ. Chỉ là bức tượng ở đó thôi. Nhưng nó cũng có nghĩa như thế. Cậu đọc ghi chú mà xem,” anh ta nói, lật lại một bức ảnh. Mặt sau của nó ghi: Khắc gỗ, Bộ lạc S, Tribe, Tococul, East Anglia, Ngày Giáng sinh, 1956.

Anh ta nói, “tay Nhật kể thế này,” và câu chuyện là: Vào ngày Giáng sinh, ông Yunioshi vác máy ảnh qua Tococul, một cái làng giữa đồng không mông quạnh, chẳng có gì để xem ngoài mấy túp lều đắp bằng bùn, khỉ nhảy trong vườn và ó đậu trên nóc nhà. Ông ta quyết định đi luôn, nhưng rồi chợt thấy một thổ dân ngồi chồm hỗm giữa cửa tạc hình bọn khỉ trên một cái ba-toong. Ông Yunioshi thấy khá ấn tượng nên hỏi xem các tác phẩm khác của anh ta. Trong số đó, ông ta thấy bức tượng đầu cô gái: và, như kể với Joe Bell, ông ta ngỡ mình đang nằm mơ. Nhưng khi ông ta đòi mua thì anh chàng thổ dân khum tay quanh của quý của mình (có lẽ là một cử chỉ tế nhị, kiểu như vỗ đầu ai đó) rồi bảo không. Nửa cân muối và mười đô; rồi tăng lên cả cân muối và hai mươi đô; kèm thêm cái đồng hồ đeo tay, không gì lung lạc được anh ta. Ông Yunioshi rốt cuộc đành cố tìm hiểu xem bức tượng đó được làm như thế nào. Ông cũng mất chỗ muối và cái đồng hồ để nghe được câu chuyện bằng thổ ngữ châu Phi xen với thứ tiếng Anh lởm khởm và ra hiệu bằng tay. Có vẻ như mùa xuân năm ấy, một nhóm ba người da trắng đã cưỡi ngựa ra khỏi rừng. Một phụ nữ trẻ và hai người đàn ông. Hai người đàn ông mắt đỏ rực vì sốt, bị buộc phải nằm run cầm cập trong một cái lều biệt lập, trong khi người phụ nữ trẻ chợt khoái anh chàng khắc gỗ và nằm chung chiếu với anh ta.

“Tôi không tin chuyện đó “ Joe đắn đo bảo. “Tôi biết cái kiểu của cô ấy, nhưng tôi không nghĩ là cô ấy đi xa đến mức đó.”

“Rồi sao nữa?”

“Chẳng sao cả,” anh ta nhún vai. “Cô ấy đến thế nào thì đi như thế, trên lưng ngựa.”

“Một mình hay với hai ông kia?”

Joe Bell chớp mắt. “Với hai gã kia, chắc thế. Rồi tay Nhật dò hỏi về cô ấy khắp cả nước đó. Nhưng chẳng ai thấy cô ấy đâu cả.” Và như cảm thấy sự thất vọng của tôi truyền sang, anh ta cố vớt vát. “Phải thừa nhận một điều, đó là thông tin chắc chắn duy nhất trong vòng, tôi không biết là” - anh ta đếm ngón tay, nó không đủ - “bao nhiêu năm. Tôi chỉ hi vọng một điều là cô ấy giàu. Chắc cô ấy phải giàu. Chỉ có người giàu mới đi chơi bời khắp châu Phi như thế”

“Có lẽ cô ấy chưa từng đặt chân đến châu Phi,” tôi đáp, bụng bảo dạ như thế; nhưng tôi vẫn có thể hình dung ra Holly ở đó, đấy là nơi cô dám tới lắm. Và cái đầu tượng: tôi nhìn lại bức ảnh lần nữa.

“Cậu biết hay nhỉ, thế cô ấy đang ở đâu?”

“Đã chết. Hay ở nhà thương điên. Hay đã lấy chồng. Tôi chắc cô ấy đã kết hôn, yên ổn và có khi ở ngay thành phố này cũng nên.”

Anh ta ngẫm nghĩ giây lát. “Không,” anh ta thốt lên, lắc lắc đầu. “Tại sao ư. Nếu cô ấy ở thành phố này thì tôi đã gặp rồi. Một người đàn ông thích đi dạo như tôi, suốt mười đến mười hai năm nay bước dọc các phố và trong chừng ấy năm chỉ để mắt tìm kiếm một người, mà không ai giống cô ấy cả, thế thì hẳn là cô ấy không ở đây chứ? Tôi thường hay bắt gặp chút bóng dáng của cô ấy, một cặp mông tròn nhỏ, hay cô gái nào đó gầy gầy, bước nhanh và thẳng-” Anh ta ngừng lời, có lẽ để ý thấy tôi đang nhìn anh chằm chặp. “Cậu nghĩ tôi mất trí à?”

“Chỉ là tôi không biết anh lại yêu cô ấy. Không có vẻ như thế.”

Tôi tiếc là mình đã nói ra; nó làm Joe lúng túng. Anh ta vơ mấy tấm ảnh rồi nhét lại vào phong bì. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Tôi chẳng biết đi đâu, nhưng có lẽ nên rút khỏi chỗ này.

“Khoan đã,” anh ta tóm lấy cổ tay tôi. “Chắc chắn là tôi yêu cô ấy. Nhưng không phải là tôi muốn chạm vào cô ấy.” Anh ta nói thêm, không cười: “Không phải tôi không nghĩ đến chuyện đó. Ngay cả ở tuổi này, ngày 10 tháng Giêng này tôi sẽ tròn 67 tuổi. Đó là một sự thật lạ lùng - nhưng, càng già, tôi càng bị ám ảnh bởi chuyện đó nhiều hơn. Hồi còn trẻ ranh tôi cũng không nghĩ về nó nhiều như bây giờ. Có lẽ càng già, càng khó thực hiện thì nó càng đeo đẳng trong đầu mình, trở thành một gánh nặng. Mỗi khi tôi đọc báo về một lão già làm chuyện ô nhục, tôi biết là vì gánh nặng đó. Nhưng” - anh ta tự rót cho mình một ly whisky và uống cạn - “Tôi không bao giờ hạ thấp mình. Và tôi thề, không bao giờ ý nghĩ đó về Holly thoáng qua óc tôi. Ta có thể yêu một người không theo cách đó. Ta xem người ấy như người lạ, như bạn.”

Hai người đàn ông bước vào quán, có lẽ đến lúc nên rút lui. Joe Bell đưa tôi ra cửa. Anh ta tóm tay tôi lần nữa. “Cậu có tin chuyện đó không?”

“Rằng anh không muốn chạm vào cô ấy ư?”

“Ý tôi là về châu Phi ấy.”

Lúc đó tôi không thể nhớ nổi câu chuyện, chỉ nhớ hình ảnh cô nàng cưỡi ngựa ra đi. “Dù sao thì cô ấy cũng đi mất rồi.”

“Phải,” anh ta nói, mở cửa ra. “Đi mất rồi.”

Bên ngoài, mưa đã tạnh, chỉ còn một chút sương mù trong không trung, nên tôi rẽ ở khúc quanh và bước dọc con phố có tòa nhà đá nâu. Phố đó có hàng cây vào mùa hè tỏa bóng mát xuống vỉa hè; nhưng giờ thì lá vàng và rụng gần hết, mưa làm chúng trơn trượt dưới gót giày. Tòa nhà đá nâu nằm ở giữa đoạn phố, gần một nhà thờ có cái đồng hồ tháp chuông màu xanh mỗi giờ lại rung lên. Nó đã được sửa mới từ thời của tôi; một cái cửa màu đen đẹp đẽ thay thế lớp kính mờ cũ và cửa sổ lắp thêm cánh chớp màu xám trang nhã. Tôi không nhớ còn ai sống ở đó, trừ Madam Sapphia Spanella, một bà có giọng khàn khàn chiều chiều vẫn đi trượt patanh ở Công viên Trung Tâm. Tôi biết bà vẫn ở đó vì đã trèo lên mấy bậc cầu thang nhòm vào hòm thư. Đó là một trong những hòm thư gây cho tôi ấn tượng đầu tiên về Holly Nhẹ Dạ.

Sống trong ngôi nhà đó chừng một tuần thì tôi để ý thấy hòm thư của căn hộ số 2 có gắn tấm biển rất gây tò mò ở chỗ để tên. Nó được in rất điệu: Cô Nhẹ Dạ Nghỉ Hè; và ở góc dưới, Du Lịch. Nó đeo bám lấy tôi như một giai điệu: Cô Nhẹ Dạ Nghỉ Hè Đi Du Lịch.

Một đêm, phải quá mười hai giờ, tôi choàng tỉnh bởi tiếng ông Yunioshi gọi vọng xuống cầu thang. Vì ông ta ở tầng trên cùng nên tiếng ông ta truyền khắp tòa nhà, giận dữ và nghiêm khắc. “Cô Nhẹ Dạ! Tôi phản đối!”

Tiếng trả lời từ tít phía dưới cầu thang nghe trẻ trung non nớt và rất dễ thương. “Ôi, anh yêu, em xin lỗi. Em đánh mất cái chìa khóa chết tiệt ấy rồi.”

“Cô không thể cứ nhấn chuông phòng tôi mãi thế. Cô làm ơn làm phúc tự đánh lấy chìa khóa cho mình đi.”

“Nhưng em làm mất hết rồi.”

“Tôi làm việc, tôi phải ngủ.” Ông Yunioshi gào lên. “Còn cô thì cứ nhè chuông nhà tôi mà nhấn...”

“Ôi, xin đừng giận mà, anh yêu bé nhỏ: em sẽ không làm thế nữa” - giọng nữ đến gần hơn, cô ta đang lên cầu thang - “Em có thể để anh chụp những bức ảnh mà mình nói chuyện ấy.”

Lúc đó tôi mò ra khỏi giường và mở hé cánh cửa chừng vài phân. Tôi có thể nghe thấy ông Yunioshi im lặng, nói là nghe, vì có tiếng thở phập phồng rõ mồn một.

“Khi nào?” ông ta hỏi.

Cô gái cười. “Một lúc nào đó,” cô đáp giọng bôi ra nhõng nhẽo.

“Lúc nào cũng được,” ông ta nói và đóng cửa lại.

Tôi bước ra sảnh, nhoài người qua lan can, vừa đủ để nhìn thoáng thấy. Cô gái vẫn còn đó, đang đến chỗ đầu cầu thang, mái tóc cô kiểu con trai, nhiều màu sắc, từng vệt hung hung xen những món tóc sáng trắng và vàng óng, bắt ánh đèn ở sảnh. Đó là một đêm ấm áp, gần như mùa hè, và cô mặc một chiếc váy đen mỏng, đi sandal đen, đeo chuỗi ngọc. Với dáng mỏng manh thanh lịch, cô có vẻ lành mạnh của ngũ cốc cho bữa sáng, sạch tinh như xà phòng và chanh, hai vệt hồng ửng lên trên má. Miệng cô rộng, mũi hếch. Một cặp kính râm che mắt. Đó là một gương mặt nửa trẻ con, nửa đàn bà. Tôi đoán cô khoảng từ 16 đến 30 tuổi; và hóa ra hai tháng nữa cô mới tròn mười chín.

Cô không đi một mình. Có một gã đàn ông theo sau cô. Bàn tay nung núc của gã bám lấy hông cô có vẻ không đàng hoàng, kiểu mất dạy, khó coi. Gã lùn và đô con, rám nắng nhân tạo, vuốt sáp thơm, mặc một bộ vest sọc chìm rất hộp, với bông cẩm chướng đỏ cài cẩu thả nơi ve áo. Khi họ đến cửa phòng cô, cô lục ví tìm chìa khóa, chẳng buồn để ý đến cặp môi dày của gã đang hít hà gáy mình. Rốt cuộc cô cũng tìm thấy chìa khóa, mở cửa phòng, rồi thân ái quay sang gã: “Chúa phù hộ anh yêu - anh thật tử tế tiễn em về tận nhà.”

“Này, bé ơi!” gã thốt lên trước khi cánh cửa đóng lại trước mũi.

“Gì cơ, anh Harry?”

“Harry là thằng khác. Anh là Sid. Sid Arbuck. Em thích anh mà.”

“Em ngưỡng mộ anh, anh Arbuck. Thôi ngủ ngon nhé anh Arbuck.”

Arbuck trợn mắt nhìn cánh cửa đóng sập lại, không tin nổi. “Này, bé ơi, cho anh vào. Em thích anh mà, bé ơi. Anh là người dễ thương. Chẳng phải anh đã trả tiền cho cả năm người bạn em mà anh chưa gặp bao giờ? Thế thì em phải thích anh chứ? Em thích anh mà, bé cưng.”

Gã gõ nhẹ lên cánh cửa, rồi mạnh dần; cuối cùng, gã lùi lại vài bước, gập người thấp xuống như thể định tấn công. Nhưng thay vì thế, gã lao xuống cầu thang, đấm tay vào tường. Ngay khi gã vừa tới chân cầu thang, cửa phòng cô gái bật mở và cô thò đầu ra.

“Ô, anh Arbuck...”

Gã quay lại, mặt bóng lên nụ cười phớn phở: cô gái chỉ đùa thôi.

“Lần sau nếu có em gái nào xin anh xu lẻ để đi vệ sinh,” cô nói vọng xuống, không đùa chút nào, “em khuyên anh đừng có cho người ta hai mươi xu!”

images

Cô giữ lời hứa với ông Yunioshi; hoặc tôi đoán cô không nhấn chuông nhà ông ta nữa, vì những ngày sau đó, cô bắt đầu nhấn chuông nhà tôi, đôi khi vào lúc hai, ba hoặc bốn giờ sáng: chẳng chút áy náy là đã dựng cổ tôi ra khỏi giường lúc mấy giờ để nhấn nút mở cửa cầu thang cho cô. Vì tôi có ít bạn bè và chẳng ai đến vào giờ ấy nên tôi luôn biết chắc đấy là cô. Nhưng lần đầu tiên chuyện đó xảy ra, tôi đã nhảy bổ ra khỏi cửa, tưởng có điện tín báo tin dữ; và cô Nhẹ Dạ gọi với lên: “Xin lỗi anh yêu - em quên chìa khóa.”

Tất nhiên chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau. Mặc dù chúng tôi thường chạm mặt ở cầu thang hoặc trên phố, nhưng cố có vẻ như không nhìn thấy tôi. Bao giờ cô cũng đeo cặp kính râm, ăn mặc chải chuốt, trang phục giản dị nhưng rất có gu, chỉ màu xanh và màu xám, không có gì rực rỡ nhưng lại khiến chính cô tỏa sáng. Người ta có thể nghĩ cô là người mẫu ảnh, hoặc một nữ diễn viên trẻ, mặc dù qua giờ giấc của cô thì rành rành là cô chẳng có lúc nào để làm hai việc đó.

Thỉnh thoảng tôi tình cờ gặp cô bên ngoài khu này. Một lần, người họ hàng đưa tôi đến quán “21”, ở đó, bên một cái bàn rộng mênh mông, ngồi giữa bốn người đàn ông, không phải Anh Arbuck nhưng đều có vẻ từa tựa thế, cô Nhẹ Dạ đang lười biếng, điềm nhiên chải tóc, và vẻ mặt cô, cái ngáp kín đáo khó nhận thấy làm tôi đâm cụt hứng trước bữa tối ở một chốn sang trọng như vậy. Một đêm khác, vào giữa mùa hè, cái nóng nực trong phòng buộc tôi nhào ra phố. Tôi đi bộ từ Đại lộ Ba đến phố 51, nơi có một tiệm đồ cổ bày ở cửa sổ món đồ tôi rất thích: một cái cung điện - lồng chim kiểu tháp chuông nhà thờ Hồi giáo với những phòng nhỏ bằng tre như đang mời gọi bọn vẹt lắm điều vào. Nhưng giá của nó tới ba trăm năm mươi đô. Trên đường về nhà, tôi để ý thấy một đám đông lái xe taxi túm tụm trước saloon P. J. Clarke, họ có vẻ bị lôi cuốn bởi một nhóm sĩ quan người Úc hân hoan và say mèm, đang rống lên bài “Waltzing Matilda.” Vừa hát, họ vừa thay phiên nhảy xoay vòng với một cô gái trên đám sỏi dưới mái hiên; và cô gái, chắc chắn là Cô Nhẹ Dạ, bay lướt trong tay họ nhẹ như một tấm khăn quàng.

images

Nhưng cho dù Cô Nhẹ Dạ tiếp tục lờ đi sự tồn tại của tôi, trừ phi cần mở cửa, thì qua mùa hè đó, tôi trở thành một “chuyên gia” về cô. Quan sát thùng rác ngoài cửa phòng cô, tôi phát hiện ra cô thường xuyên đọc báo khổ nhỏ, quảng cáo du lịch và bản đồ chiêm tinh; cô hút một loại thuốc lá kỳ dị tên là Picayunes, chỉ cần ăn pho mát không kem và bánh mì sấy khô; và mái tóc lắm màu sắc của cô là tự chế ra. Cũng thùng rác tố rằng cô hay nhận những bức thư của lính kèm theo kiện hàng. Thư luôn luôn bị xé nhỏ như miếng đánh dấu sách. Thỉnh thoảng tôi lại phải phủi đi một mẩu thư như thế khi đi ngang. Nhớ đến, nhớ em, mưa và hãy viết thư, khốn kiếp và đáng nguyền rủa là những từ trở đi trở lại nhiều nhất trên những mẩu giấy đó; ngoài ra còn cô đơn và yêu nữa.

Cô cũng nuôi một con mèo và chơi guitar. Vào những ngày nắng gắt, cô gội đầu rồi ngồi với con mèo tam thể trên lối thoát hiểm, gẩy guitair trong khi hong tóc cho khô. Mỗi khi nghe tiếng đàn, tôi lại lặng lẽ đến bên cửa sổ. cỏ chơi rất hay, đôi khi còn hát nữa. Hát bằng giọng khàn của cậu con trai đang vỡ tiếng. Cô biết tất cả các bài hát trong những show nổi tiếng, Cole Porter và Kurt Weill; cô đặc biệt ưa thích các bài hát trong vở nhạc kịch Oklahoma! mới ra trong mùa hè đó và phổ biến khắp nơi. Nhưng có những lúc cô chơi bản nhạc khiến ta băn khoăn không biết cô học nó từ đâu, và thật ra cô đến từ đâu? Những giai điệu lãng du, vừa thô tháp, vừa dịu dàng với ca từ mang hương vị của rừng thông và thảo nguyên. Có câu: không muốn ngủ, không muốn chết, chỉ muốn lãng du qua những cánh đồng trời; và bài này có vẻ cô ưa nhất vì cô cứ hát mãi, khi tóc đã khô lâu rồi, khi mặt trời đã lặn và những ô cửa sổ sáng lên trong màn đêm.

Nhưng mối quen biết của chúng tôi chẳng tiến triển chút nào cho đến tận tháng Chín, vào một buổi tối khi cái lạnh se se đầu tiên của mùa thu luồn về. Tôi đi xem phim về nhà, chui vào giường với một chai whisky ngô và tác phẩm mới nhất của Simenon: hoàn toàn thư giãn đúng ý tôi, cho nên tôi không thể hiểu nổi vì sao mình lại có cảm giác bất an, và nó cứ tăng dần đến lúc tôi nghe tiếng tim mình đập thình thịch. Đấy là một cảm giác tôi có đọc đâu đó, được người ta viết ra, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ trải qua. Cảm giác bị theo dõi. Hoặc có ai đó trong phòng. Và rồi: có tiếng gõ cành cạch lên cửa sổ, một bóng xám ma quái lướt qua: tôi phun ngụm rượu ra. Phải mất một lúc tôi mới dám ra mở cửa sổ, và hỏi Cô Nhẹ Dạ muốn gì.

images

“Em gặp phải một gã kinh khủng ở dưới nhà,” cô đáp, bước từ lối thoát hiểm vào phòng. “Ý em là lúc không say thì hắn ta cũng tử tế, nhưng khi hắn nốc vang vào, ôi Chúa ơi, thành quái vật! Em sợ nhất là đàn ông cắn.” Cô trật chiếc váy vải flanen khỏi vai để chỉ cho tôi xem bị đàn ông cắn thì làm sao. Cô chỉ mặc mỗi chiếc váy đó trên người. “Em xin lỗi nếu em làm anh sợ. Nhưng con thú rầy rà quá làm em phải trốn qua cửa sổ. Chắc hắn nghĩ em vẫn còn trong phòng tắm, mặc xác hắn nghĩ gì, quỷ tha ma bắt hắn đi, hắn sẽ mệt rồi lăn ra ngủ, Chúa ơi, lẽ ra hắn phải thế rồi, 8 ly Martini trước bữa tối và chỗ vang đủ tắm cho cả con voi. Nghe này, anh có thể quẳng em ra ngoài nếu muốn. Em thật trơ tráo đột nhập vào chỗ anh như thế này. Nhưng lối thoát hiểm kia lạnh cóng. Và trông anh thật ấm áp. Cứ như anh Fred anh trai em vậy. Bọn em từng ngủ bốn đứa chung nhau trên giường, và anh ấy là người duy nhất chịu để cho em ôm trong đêm lạnh giá. À mà anh có phiền nếu em gọi anh là Fred không?” Giờ thì cô đã vào hẳn trong phòng, ngừng lại ở đấy và nhìn tôi chằm chằm. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô không đeo kính râm, chắc nó là bắt buộc vì không có kính, mắt cô bị lác như mắt thợ kim hoàn. Đôi mắt to, pha màu xanh biếc, một chút xanh lục và điểm những đốm nâu: đầy màu sắc, giống như tóc cô; và cũng như tóc cô, nó tỏa ánh sáng ấm áp. “Em chắc anh nghĩ em thật trơ tráo. Hay très fou[2]. Hay đại loại như thế.”

[2] Tiếng Pháp: điên rồ.