Bữa Sáng Ở Tiffany’s

Chương 4




BỮA SÁNG Ở TIFFANY'S (tt)

images

“Không hề.”

Cô có vẻ thất vọng. “Có, anh nghĩ thế mà. Ai cũng nghĩ thế. Em chẳng giận đâu. Thế cũng tốt.”

Cô ngồi xuống một trong mấy chiếc ghế tựa bọc nhung đỏ ọp ẹp, co đôi chân vào, và liếc nhìn quanh phòng, mắt cô nhíu lại mỗi lúc một rõ. “Làm sao anh chịu đựng nổi chỗ này? Một cái phòng khủng khiếp.”

“Ổ, rồi cũng quen cả thôi,” tôi đáp, bản thân hơi khó chịu vì thực ra tôi tự hào về chỗ này.

“Em không thể. Em chẳng bao giờ quen dần với cái gì cả. Ai mà quen nổi thì chết đi cho rồi.” Đôi mắt khinh khi của cô quan sát căn phòng lần nữa. “Anh làm cái gì ở đây suốt ngày?”

Tôi ra hiệu về phía cái bàn chất đầy sách vở và giấy tờ. “Viết lách.”

“Em cứ tưởng nhà văn thường già khụ. Tất nhiên Saroyan thì không già. Em gặp anh ta ở một bữa tiệc, thực sự là anh ta không già tẹo nào cả. Thật ra” cô mơ màng, “nếu anh ta chịu khó cạo râu thật kỹ... à mà Hemingway có già không nhỉ?”

“Khoảng hơn bốn mươi, chắc thế.”

“Cũng không tệ lắm. Em chẳng bao giờ hứng thú với đàn ông dưới bốn mươi hai tuổi. Em biết một con bé ngốc cứ bảo là em phải đi gặp bác sĩ tâm thần; nó nói em bị ám ảnh về bố. Đúng là dở hơi. Em chỉ đơn giản là luyện cho mình phải thích đàn ông lớn tuổi, và đó là điều khôn ngoan nhất mà em từng làm đấy. W. Somerset Maugham bao nhiêu tuổi nhỉ?”

“Tôi không rõ lắm. Khoảng sáu mươi gì đấy.”

“Cũng không tệ. Em chưa bao giờ lên giường với một nhà văn cả. Không, đợi đã: anh có biết Benny Shacklett không?” Cô sững người khi tôi lắc đầu. “Buồn cười thật. Ông ta viết đủ thứ cho radio mà. Nhưng dở hơi cám hấp lắm. Nói cho em nghe đi, anh là nhà văn xịn à?”

“Còn tùy xem cô định nghĩa xịn là thế nào.”

“Ờ thì, anh yêu, đã có ai mua tác phẩm anh viết chưa?”

“Chưa.”

“Em sẽ giúp anh” cô nói. “Em có thể đấy. Nghĩ đến tất cả những người em quen và họ lại quen những người khác. Em sẽ giúp anh vì trông anh giống anh Fred của em. Chỉ có nhỏ hơn thôi. Em không gặp anh ấy từ năm em mười bốn tuổi, lúc em đi khỏi nhà, anh ấy đã cao hơn một mét tám. Em có ông anh khác cũng còi như anh. Fred cao thế là vì ăn nhiều bơ lạc. Ai cũng cười anh ấy ngốc vì ních quá nhiều bơ lạc; anh ấy chẳng quan tâm đến cái gì khác trên đời ngoài ngựa và bơ lạc. Nhưng anh ấy không ngốc đâu, chỉ hiền, lơ đãng và cực kỳ chậm chạp thôi; anh ấy bị đúp lớp Tám ba năm liền, lúc em trốn đi ấy. Tội nghiệp Fred. Em không biết trong quân đội người ta có cho ăn bơ lạc thoải mái không? Nhắc đến làm em thấy đói quá.” Tôi vừa chỉ vào bát táo, vừa hỏi tại sao và như thế nào mà cô lại bỏ nhà đi khi còn nhỏ thế. Cô nhìn tôi trừng trừng, xoa xoa mũi như thể bị ngứa: một cử chỉ hay lặp lại, tôi nhận ra đấy là dấu hiệu khi cô bị xâm phạm. Cô rất cảnh giác với những người có cái thú trơ trẽn là tọc mạch chuyện riêng tư, cũng như với bất kỳ cái gì đại loại như một câu hỏi trực diện hay nài ép. Cô cắn một miếng táo rồi nói: “Kể em nghe anh đã viết gì đi. Câu chuyện ấy.”

“Gay nhỉ. Đấy không phải là loại truyện có thể kể lại được.”

“Quá bẩn thỉu à?”

“Có lẽ lúc nào đó tôi sẽ để cô đọc vậy.”

“Táo phải đi với whisky mới hợp. Rót cho em một ly đi anh yêu. Rồi anh có thể tự đọc cho em một truyện.”

Rất hiếm tác giả, đặc biệt là những người chưa bao giờ được in, có thể cưỡng lại lời để nghị đọc tác phẩm của mình lên. Tôi làm cho mỗi người một ly rượu và ngồi xuống ghế đối diện, bắt đầu đọc cô nghe, giọng tôi hơi run, pha trộn giữa lo sợ và phấn khích: đây là một truyện mới tôi vừa viết xong hôm trước, chưa đủ thời gian để kịp thấy những sai sót dớ dẩn. Nó là về hai người đàn bà sống cùng nhà, chung thầy cô giáo, một người, khi người kia đính hôn, đã tung ra thư nặc danh gây scandal để ngăn cản đám cưới. Khi đọc truyện, mỗi lẩn liếc sang Holly, tim tôi thắt lại. Cô bồn chồn cựa quậy. Cô xé toạc các đầu mẩu thuốc lá trong cái gạt tàn, ngơ ngẩn ngắm móng tay như thể đang muốn kiếm cái giũa; tệ hơn nữa, khi dường như tôi bắt được sự chú ý của cô thì té ra nó chỉ là ánh thẫn thờ trong mắt như thể cô đang băn khoăn không biết có nên mua đôi giày mà mình đã thấy ở một gian bày hàng nào đó.

“Đã hết chưa ạ?” cô hỏi, choàng tỉnh. Cô lúng búng nói thêm. “Tất nhiên là em thích người đồng tính. Họ chẳng làm em sợ tí nào đâu. Nhưng truyện về đồng tính làm em chán chết đi được. Đơn giản là em không thể tưởng tượng mình giống họ được. Thật đấy anh yêu,” cô hỏi, vì thấy tôi hoang mang ra mặt, “nếu đấy không phải truyện về cặp đồng tính nữ thì nó là về cái quái gì cơ chứ?” Nhưng đọc truyện đã quê lắm rồi, tôi chẳng hơi đâu làm mọi chuyện tôi tệ hơn bằng cách giải thích về nó nữa. Sự rỗng tuếch được phơi bày ra đấy buộc tôi phải xếp cô vào dạng chân dài óc ngắn và vô cảm.

“Nhân tiện,” cô bảo, “anh có quen một chị đồng tính dễ thương nào không? Em đang tìm người chung phòng. Nào nào, đừng có cười. Em vốn bừa bãi, mà lại không đủ tiền thuê ôsin; và thật sự là các chị les chăm sóc nhà cửa thì tuyệt vời, họ thích làm mọi việc, mình chẳng bao giờ phải sờ đến cái chổi, ăn đồ đông lạnh hay ra tiệm giặt là cả. Hồi ở Hollywood em có chị bạn cùng phòng, đóng trong phim Miền Tây ấy, người ta gọi chị ấy là Cao Bồi Già; nhưng em phải công nhận chị ấy còn hơn đàn ông trong nhà. Có lẽ mọi người cứ tưởng em cũng có một tí máu đồng tính trong người. Và tất nhiên là em có thật đấy. Ai chẳng có tí ti. Thế thì đã sao? Nó chẳng bao giờ làm đàn ông mất hứng, mà thực tế còn kích thích họ thêm. Cứ nhìn vào chị Cao Bồi Già mà xem, lấy chồng hai lần rồi. Thường thì dân les chỉ cưới một lần để lấy tiếng thôi. Kiểu như để sau này được đóng dấu xác nhận là Bà Quái Gì Đó ấy. Không thể tin được!” Cô nhìn chằm chằm vào cái đồng hổ báo thức trên bàn. “Chẳng nhẽ đã bốn rưỡi rồi!”

Khung cửa sổ đã chuyển màu xanh. Làn gió sớm lùa qua rèm. “Hôm nay là thứ mấy nhỉ?”

“Thứ Năm.”

“Thứ Năm,” cô đứng bật dậy. “Chúa ơi” cô thốt lên rồi lại ngồi xuống rên rỉ. “Dã man quá.”

Tôi mệt đến mức hết cả tò mò. Tôi nằm dài xuống giường, nhắm mắt lại. Nhưng rồi vẫn không dừng lại được: “Thứ Năm thì làm sao mà dã man?”

“Chẳng có gì cả. Mỗi tội là em không bao giờ nhớ nổi. Anh biết không, thứ Năm thì em phải dậy lúc tám giờ bốn nhăm phút. Bọn họ rất nguyên tắc về giờ giấc đến thăm, nếu có mặt ở đấy lúc mười giờ thì em còn một tiếng trước khi mấy gã tội nghiệp đó ăn trưa. Anh thử tưởng tượng xem, ăn trưa lúc mười một giờ. Kể ra đến đấy lúc hai giờ chiều cũng được, mà em thích thế hơn nhiều, nhưng anh ấy cứ muốn em đến vào buổi sáng cơ, bảo là nó làm anh ấy vui cả ngày. Em đành phải thức vầy,” cô nói, véo má mình đến khi đỏ lên, “chẳng có thời gian để ngủ nữa, em trông như bị ho lao, em sẽ xuống cấp như một cái nhà trọ, thật chẳng công bằng tí nào: con gái không thể đến Sing Sing[3] với gương mặt xanh xao được.”

[3] Sing Sing: tên một nhà tù ở New York, nằm bên bờ sông Hudson.

“Chắc thế.” Tôi đã nguôi giận cô vì cái truyện của mình; cô lại lôi cuốn tôi.

“Ai đến thăm cũng cố làm mình trông đẹp nhất, mà cái cách đàn bà diện đồ đẹp nhất của mình nó thật dịu dàng, ngọt ngào phát điên lên được, ý em là cả bà già lẫn người thật nghèo cũng vậy, họ cố hết sức để trông dễ thương và có mùi dễ chịu, và em yêu họ vì thế. Em yêu cả bọn trẻ con nữa, nhất là các bé da màu. Ý em là bọn trẻ mà các bà vợ mang theo ấy. Lẽ ra thấy trẻ con ở chỗ đó cũng chẳng hay ho gì, nhưng mà cách tụi nhỏ tóc cài nơ; giày chúng sáng bóng, làm mình nghĩ sẽ có kem đây; và đôi khi phòng thăm nuôi giống như một buổi tiệc ấy. Ít nhất thì nó cũng không giống trong phim: anh biết không, những lời thầm thì cay độc qua lưới sắt. Không có lưới sắt nào cả, chỉ có một quầy ngăn giữa mình và họ, và bọn trẻ con có thể đứng lên đó để được ôm ấp; chỉ việc ngả người tới là có thể hôn ai đó được rồi. Điều em thích nhất là họ rất vui sướng khi gặp nhau, có bao nhiêu điều để dành để nói ra, ngây ngô cũng được, họ cứ cười và nắm tay nhau. Sau đấy thì khác,” cô kể. “Em thấy họ trên tàu. Họ ngồi lặng lẽ nhìn sông trôi.” Cô kéo một sợi tóc xuống khóe miệng và nhấm nhấm nó, tư lự. “Em cứ làm anh phải thức. Anh ngủ đi.”

“Không sao, tôi thích nghe mà.”

“Em biết. Nhưng vì thế mà em muốn anh đi ngủ đi. Nếu cứ đà này, em sẽ kể với anh về Sally. Em chẳng biết như thế có phải là chơi gian không.” Cô lặng lẽ nhai tóc mình. “Họ chẳng bao giờ bảo em đừng kể với ai. Bao nhiêu là chuyện. Buồn cười lắm. Có khi anh có thể đưa nó vào trong truyện với tên khác và các thứ linh tinh. Nghe này, anh Fred,” cô nói, với lấy một quả táo nữa, “anh phải làm dấu thánh giá ở chỗ tim anh và hôn khuỷu tay đi-”

Chắc chỉ có dân xiếc uốn dẻo mới hôn nổi khuỷu tay mình; cô đành phải chấp nhận một cử chỉ na ná thế.

“Thôi được” cô tuyến bố với cái miệng đầy táo, “có lẽ anh đã đọc về anh ấy trên báo. Tên anh ấy là Sally Cà Chua, em nói tiếng Yiddish[4] còn giỏi hơn anh ta nói tiếng Anh; nhưng anh ấy là một ông già rất đáng yếu, sùng đạo kinh khủng. Trông anh ấy giống sư lắm nếu không có răng vàng; anh ấy bảo anh ấy cầu nguyện cho em mỗi ngày đấy. Tất nhiên anh ấy chưa bao giờ là người yêu của em cả; cho đến nay thì em chỉ biết anh ấy từ khi anh ấy ngồi tù. Nhưng giờ thì em ngưỡng mộ anh ấy, suốt bảy tháng nay, thứ Năm nào em cũng đi gặp anh này và em nghĩ minh vẫn đi ngay cả nếu anh ấy không trả tiền em. Quả này xốp quá,” cô nói, ném chỗ táo còn lại ra ngoài cửa sổ. “À mà em đã nhìn thấy Sally trước đó. Anh ấy từng đến bar của Joe Bell, cái quán ở góc đường ấy: chẳng bao giờ nói chuyện với ai, chỉ đứng đó, kiểu như mấy ông sống ở khách sạn ấy. Nhưng buồn cười ghê cơ, bây giờ nhớ lại em mới biết anh ấy đã để ý đến mình, vì ngay sau khi họ tống anh ấy vào đấy (Joe Bell đã cho tôi xem bức ảnh trên báo. Tống tiền. Mafia. Vì các tội trạng đó ông ta bị kết án năm năm tù) thì một luật sư gửi điện tín cho em. Rằng em phải lập tức liên hệ với anh ấy vì quyền lợi của mình.”

[4] Yiddish: tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu.

“Cô tưởng ai đó để lại cho mình triệu đô sao?”

“Không hề. Em biết ngay là Bergdorf chỉ cố thu thập thông tin thôi. Nhưng em cứ vào cuộc và đến gặp luật sư (mà em cũng không chắc ông ta là luật sư thật không, vì chẳng thấy có văn phòng, chỉ dùng dịch vụ trả lời, và luôn luôn gặp em ở tiệm Thiên Đường Hamburg: vì ông ta mập ú nên có thể chén cả mười cái bánh hamburger, hai bát gia vị và nguyên một cái bánh trứng vị chanh). Ông ta hỏi liệu em có muốn giúp vui cho một ông già cô đơn và mỗi tuần nhận một trăm đô không. Em bảo ông ta, này anh yêu, anh hiểu nhầm về Cô Nhẹ Dạ rồi, em không phải là y tá kiêm làm trò mèo. Em cũng chẳng thèm món tiền thưởng đó; có thể kiếm thế trên đường tới nhà vệ sinh: bất kỳ quý ông lịch lãm nào cũng sẵn sàng tặng cô em năm mươi đô phí vệ sinh và em thường xin thêm tiền taxi năm mươi đô nữa. Nhưng rồi ông ta bảo em khách hàng là Sally Cà Chua. Ông ta nói Sally già tội nghiệp đã ngưỡng mộ em từ xa lâu lắm rồi, cho nên đó sẽ là quyết định sáng suốt nếu em đến gặp anh ấy tuần một lần. Ôi, em không thể nói không được: nó quá là lãng mạn.”

“Tôi không biết. Nghe có vẻ không ổn lắm”

Cô mỉm cười. “Anh nghĩ em nói dối à?”

“Ít nhất thì người ta cũng không để bất kỳ ai được phép thăm tù nhân.”

“Ô, đúng thế. Thật sự là họ bày trò nhặng xị chán mớ đời. Em giả vờ làm cháu anh ấy.”

“Dễ thế sao? Nói chuyện một giờ anh ta tặng cô một trăm đô?”

“Không phải anh ấy, mà là luật sư của anh ấy. Ông O’Shaughnessy gửi tiền mặt cho em ngay khi em để lại một bản báo cáo thời tiết.”

“Tôi nghĩ cô có thể gặp rắc rối đấy,” tôi nói, tắt đèn; chẳng cần nữa vì ánh bình minh đã ùa vào phòng và lũ chim bồ câu gù ầm ĩ trên lối thoát hiểm.

“Sao lại thế?” cô hỏi nghiêm túc.

“Sách luật phải có quy định gì đó về tội mạo danh. Vì cô có phải cháu ông ta đâu. Còn bản báo cáo thời tiết thì sao?”

Cô vỗ vỗ miệng nén cái ngáp. “Có gì đâu. Chỉ là một tin nhắn em gửi lại chỗ dịch vụ trả lời để ông O’Shaughnessy biết chắc là em đã đến đấy. Sally bảo em phải nói gì, kiểu như là, ồ ‘có bão ở Cuba’ và ‘tuyết rơi ở Palermo’. Đừng lo, anh yêu,” cô nói, nhích về phía cái giường, “em đã tự lo cho bản thân từ lâu rồi.” Ánh sớm mai dường như khúc xạ qua người cô: khi kéo cái chăn đến tận cằm tôi, cô lung linh, trong veo như một em bé; rồi cô nằm xuống bên tôi. “Anh có phiền không? Em chỉ muốn nghỉ một lúc thôi. Anh đừng nói gì nữa nhé. Ngủ đi.”

Tôi giả vờ ngủ, tôi thở mạnh và đều. Chuông trên tháp nhà thờ bên cạnh đổ nửa tiếng, rồi một tiếng. Vào lúc sáu giờ, cô đặt tay lên cánh tay tôi, một cái chạm mong manh như sợ làm tôi thức giấc. “Anh Fred tội nghiệp,” cô thì thầm, tưởng như cô nói với tồi, nhưng không phải. “Anh đang ở đâu, Fred? Trời thì lạnh rồi. Có tuyết trong gió đấy.” Cằm cô gác lên vai tôi, nằng nặng, âm ấm nước.

“Sao cô khóc thế?”

Cô bật lùi lại, ngồi lên. “Ôi, Chúa ơi,” cô đáp, bắt đầu đi về phía cửa sổ và lối thoát hiểm. “Mình ghét những kẻ tọc mạch thế.”

Hôm sau, ngày thứ Sáu, tôi về nhà đã thấy ngoài cửa có một giỏ quà lớn hiệu Charles & Co. với tấm thiệp: Cô Nhẹ Dạ Nghỉ Hè, Đi Du Lịch: và phía sau là mấy dòng viết tay nét chữ trẻ con, vụng về kỳ quặc: Chúc may mắn anh Fred thân yêu. Xin lỗi anh về đêm qua. Anh cứ như một thiên thần trong mọi chuyện. Ngàn lần âu yếm - Holly. TB. Em sẽ không làm phiền anh nữa đâu. Tôi trả lời, Cứ làm nhé, không phiền đâu và để mẩu giấy ở cửa nhà cô với một bó violet tôi mua được từ xe hàng rong. Nhưng hóa ra cô giữ đúng lời hứa; tôi không thấy hay nghe gì về cô nữa, tôi đi đến kết luận là thậm chí cô đã đánh riêng một cái chìa khóa cầu thang. Ít nhất thì cô không bao giờ nhấn chuông nhà tôi nữa. Tôi đâm nhớ nó; và ngày lại ngày, tôi bắt đầu cảm thấy dâng lên nỗi giận hờn vô cớ với cô, như thể tôi đã bị người bạn thân nhất bỏ rơi. Một nỗi cô đơn xáo động len vào đời tôi, nhưng nó không khiến tôi mong nhớ bạn bè quen biết cũ: chỉ giống như một đợt ăn kiêng nhạt thếch không đường, không muối. Đến thứ Tư, những ý nghĩ về Holly, về Sing Sing và Sally Cà Chua, về cái thế giới mà đàn ông xòe ra hơn năm mươi đô làm phí đi vệ sinh, trở nên nung nấu đến mức tôi không thể làm ăn gì. Đêm đó, tôi để lại một tin nhắn trong hòm thư của cô: Mai là thứ Năm. Sáng hôm sau, tôi nhận được mẩu giấy thứ hai nét nguệch ngoạc trẻ con: Chúa phù hộ anh vì đã nhắc em. Tối mai khoảng 6 giờ anh ghé vào uống gì được không?

Tôi đợi đến sáu giờ mười, rồi buộc mình đợi thêm năm phút nữa.

Một sinh vật ra mở cửa. Gã tỏa mùi xì gà và nước hoa Knize. Giày của gã có đóng thêm đế; không có mấy phân thêm vào này, người ta có thể gọi gã là Tí Hon. Cái đầu hói lốm đốm tàn nhang của gã to như đầu chú lùn: gắn vào đó là đôi tai nhọn hoắt đúng của yêu tinh. Gã có đôi mắt người Tàu, tàn nhẫn và hơi lồi ra. Từng túm lông thòi ra từ tai và lỗ mũi; hàm dưới của gã lởm chởm râu bạc và cái bắt tay gần như lông lá.

“Con bé đang tắm” gã nói, chỉ điếu xì gà về phía tiếng nước chảy róc rách từ một phòng khác. Phòng chúng tôi đang đứng (đứng vì chẳng có cái gì để ngồi lên) có vẻ như mới được dọn vào; ngỡ còn ngửi thấy mùi sơn ướt. Đồ đạc duy nhất là vali và các thùng đồ chưa mở. Mấy cái thùng được dùng làm bàn. Một cái để ly martini trộn; cái khác để đèn, một cái điện thoại Liberty; con mèo tam thể của Holly và một bát hoa hồng vàng. Giá sách choáng hết một bức tường, phô ra một nửa là sách văn học. Tôi thấy gần gũi với căn phòng ngay lập tức, thích cái vẻ tàu nhanh của nó.

Người đàn ông hắng giọng. “Cậu có hẹn à?”

Gã thấy cái gật đầu của tôi có vẻ không chắc chắn lắm. Đôi mắt lạnh lùng của gã quét lên tôi cái nhìn thăm dò sắc sảo. “Rất nhiều nhân vật không mời mà đến đây. Cậu biết con bé lâu chưa?”

“Không lâu lắm.”

“Tức là cậu quen con bé chưa lâu.”

“Tôi sống ở tầng trên.”

Câu trả lời có vẻ đủ lí do làm gã dịu xuống. “Phòng cậu cũng thế chứ?”

“Nhỏ hơn rất nhiều.”

Gã búng tàn thuốc xuống sàn. “Đây là một cái ổ chuột. Không thể tin nổi. Nhưng con bé không biết cách sống ngay cả khi nó có tiền.” Giọng gã có nhịp điệu gằn xóc, khô lạnh như máy đánh chữ. “Thế,” gã bảo, “cậu có nghĩ con bé như thế hay không?”

“Như thế nào ạ?”

“Rởm đời.”

“Tôi không nghĩ thế.”

“Cậu nhầm rồi. Con bé rởm đời lắm. Nhưng mặt khác cậu nói cũng đúng. Nó không hẳn là rởm mà là rởm thật. Nó tin vào tất cả những thứ vớ vẩn mà nó tin. Nói thế nào nó cũng không nghe. Tôi đã cố đến chảy cả nước mắt. Benny Polan, được kính trọng ở khắp nơi, Benny Polan cũng cố gắng lắm. Benny đã định cưới con bé, nó không chịu, Benny tiêu tốn hàng ngàn đô gửi nó đến các bác sĩ tâm thần. Thậm chí cả người nổi tiếng nhất, chỉ nói được tiếng Đức, và ông ta cũng bó tay. Không thể nào khuyên bảo nó từ bỏ” – gã xiết nắm đấm như muốn nghiền nát cái gì đó vô hình - “những ý tưởng đó được. Thử mà xem. Bảo nó kể với cậu những thứ nó tin. Lưu ý cậu rằng,” gã nói, “tôi thích con bé. Ai cũng ra vẻ thế, nhưng rất nhiều người không thật. Tôi thì có. Tôi thật lòng thích con bé. Vì tôi rất nhạy cảm. Phải nhạy cảm thì mới biết quý nó: có cái nét của nhà thơ. Nhưng tôi nói thật với cậu điều này. Cậu có thể đặt cược cả khối óc mình cho con bé, đổi lại nó sẽ đưa cậu một đĩa đầy phân ngựa. Ví dụ như - hôm nay cậu sẽ thấy con bé là người thế nào. Nó đúng là loại con gái mà cậu sẽ đọc thấy tàn đời ở đâu đó sau khi uống hết một chai Seconal[5]. Tôi từng thấy chuyện đấy xảy ra nhiều lần hơn số ngón chân của cậu: và bọn trẻ đó thậm chí còn chưa điên đâu. Con bé mới là điên.”

[5] Seconal: tên một loại dược phẩm dùng để giảm đau và chống co giật.

“Nhưng cô ấy trẻ. Và còn cả một tuổi thanh xuân phía trước.”

“Nếu cậu định nói là tương lai thì lại càng nhầm nữa. Vài năm trước đây, ở vùng Bờ Biển, có lần nó đã có thể khác đi. Con bé đã làm được vài thứ gây chú ý, lẽ ra nó có thể nổi như cồn. Nhưng một khi đã bỏ mất một cơ hội như vậy thì không trở lại được. Cứ hỏi Luise Rainer mà xem. Rainer là một ngôi sao. Chắc chắn Holly không phải sao; nó chưa bao giờ ra khỏi đám vô danh. Nhưng đó là trước phim Câu chuyện của bác sĩ Wassell. Lúc đó nó đã có thể thực sự nổi lên. Tôi biết, vì tôi chính là người đã đẩy con bé lên.” Gã chỉ điếu xì gà vào mình. “O.J. Berman.”

Gã tưởng tôi nhận ra ngay, và tôi cũng chẳng mất gì nếu tán dương gã tí chút, nhưng thật sự là tôi chưa bao giờ nghe về O.J. Berman. Hóa ra gã là một ông bầu cho các diễn viên Hollywood.

“Tôi là người đầu tiên nhìn ra con bé. Ở Santa Anita. Ngày nào nó cũng lượn lờ quanh một cung đường. Tôi để ý: hoàn toàn nghề nghiệp thôi. Tôi phát hiện ra con bé là khách quen của một gã vận động viên, nó sống với thằng tép riu đó. Tôi bảo gã vận động viên Thôi đi nếu không muốn cảnh sát tệ nạn sờ gáy: con bé mới mười lăm. Nhưng về phong cách: con bé khá ổn, nó có cái gì đó. Ngay cả khi nó đeo cặp kính dày cộp chừng này; thậm chí khi nó mở miệng và ta không biết nó là một kẻ man rợ, nhà quê hay cái giống gì nữa. Tôi vẫn không biết. Mà chắc không ai biết được nó từ đâu ra. Nó là một đứa nói dối kinh hoàng, có lẽ chính nó cũng không biết mình là ai nữa. Nhưng mất chừng một năm thì chúng tôi chuốt được cái giọng của nó. Bằng cách dạy nó tiếng Pháp: sau khi nó bắt chước được tiếng Pháp rồi thì chẳng bao lâu sau cũng bắt chước được tiếng Anh. Chúng tôi tập cho nó theo mẫu của Margaret Sullavan, nhưng nó thể hiện được vài nét riêng, mọi người để ý, cả những nhân vật quan trọng, và đỉnh nhất là Benny Polan, một người rất đáng kính, Benny muốn cưới nó. Một ông bầu còn muốn gì hơn thế? Rồi bùm! Câu chuyện của bác sĩ Wassell. Cậu có thể thấy cảnh tượng đó không? Cecil B. DeMille. Gary Cooper[6]. Chúa ơi. Tôi chết mất, tất cả đã đâu vào đấy: họ sắp mời nó thử vai cô y tá của bác sĩ Wassell. Ít nhất thì cũng là một trong các cô y tá của bác sĩ đó. Rồi, bùm! Điện thoại reo” Gã nhấc một cái điện thoại tưởng tượng lên, gí vào tai. “Nó nói, Holly đây, Tôi bảo, cưng ơi, sao giọng em nghe xa xôi vậy, nó nói em đang ở New York, tôi hỏi em làm cái quỉ tha ma bắt gì ở tận New York trong khi hôm nay là Chủ nhật, và ngày mai em phải thử vai? Nó đáp em ở New York vì em chưa bao giờ đến New York. Tôi bảo nhấc đít lên máy bay và về đây ngay, nó nói nó không muốn thế. Tôi hỏi vì cớ gì hả đồ ngốc? Con bé đáp anh cứ muốn chuyện phải tốt đẹp, còn em không muốn, tôi bảo được, thế thì cô muốn cái quỉ gì, và nó trả lời, em sẽ báo cho anh đầu tiên khi nào em phát hiện ra. Cậu hiểu ý tôi chứ: một đĩa đầy phân ngựa.”

[6] Cecil B. DeMille, Gary Cooper: tên một đạo diễn và một ngôi sao màn bạc của Hollywood.

Con mèo tam thể nhảy ra khỏi cái thùng của nó, dụi dụi vào chân gã. Gã nhấc con mèo lên mũi giày rồi hất tung lên đầy căm tức, nhưng không phải vì con mèo mà vì nỗi cáu kỉnh trong lòng.

“Đây là cái nó muốn à?” gã thốt lên, giang tay ra. “Hàng đống khách không mời? Sống bằng tiền boa. Đàn đúm với một lũ ăn hại. Hay là nó có thể cưới Rusty Trawler? Cậu phải gắn huân chương cho nó vì thành tích đó?”

Gã ngừng lại, nhìn trừng trừng.

“Xin lỗi, tôi không biết ông ta.”

“Cậu không biết Rusty Trawler, cậu chẳng hiểu bao nhiêu về con bé. Nhầm cửa rồi,” gã nói, tặc lưỡi trong cái đầu vĩ đại. “tôi đã hi vọng cậu có chút ảnh hưởng nào. Có thể trao đổi với con bé trước khi quá muộn.”

“Nhưng mà theo ông thì nó đã lỡ rồi mà.”

Gã thở ra một vòng khói, chờ nó tan đi rồi mỉm cười, nụ cười làm khuốn mặt gã thay đổi, có vẻ dịu dàng. “Tôi có thể làm nó nổi lên trở lại. Tôi đã bảo với cậu rằng” gã nói, bây giờ nghe rất thật, “tôi thương con bé thật lòng.”

“Anh đang tung scandal nào đấy, O.J.?” Holly lao vào phòng, quấn hờ hững một cái khăn tắm quanh người, đôi bàn chân ướt rượt rỏ nước thành vệt trên sàn.

“Như mọi khi thôi. Rằng em bị điên.”

“Fred biết điều đó rồi”

“Nhưng em thì chưa.”

“Châm cho em điếu thuốc đi, anh yêu” cô nói, lột cái mũ tắm ra, lắc lắc mái tóc. “Em không bảo anh đâu, O.J. Anh là đồ thô lỗ. Lúc nào cũng hút thâm cả môi.”

Cô túm lấy con mèo, hất nó lên vai mình. Nó đáp xuống đó thăng bằng như một con chim, móng nó làm tóc cô xới lên tựa chỉ rối; và mặc dù mấy trò dễ thương đó, nó vẫn là một con mèo dữ tợn với bộ mặt sát nhân của cướp biển; một mắt chột nhờ nhờ, con mắt kia lấp lóe mưu mô đen tối.

“OJ. là một kẻ thô lỗ” cô bảo tôi, đón điếu thuốc tôi vừa châm. “Nhưng anh ấy biết cả tỉ số phôn. Số của David O. Selznickla gì hả anh O.J.”

“Thôi đi.”

“Em không đùa đâu, anh yêu. Em muốn anh gọi điện cho ông ta, và bảo với ông ta rằng Fred là một thiên tài. Anh ấy viết hàng đống những truyện tuyệt vời nhất. Nào, anh đừng đỏ mặt, Fred: anh có tự nhận mình là thiên tài đâu, em nói đấy chứ. Thối nào, O.J. Anh sẽ làm gì để Fred trở nên giàu có?”

“Nếu em để anh sắp xếp chuyện đó với Fred.”

“Hãy nhớ rằng” cô nói, rời khỏi chúng tôi, “Em là bầu của anh ấy. Một điều khác nữa: nếu em gào lên, cứ việc khóa mồm em lại. Và nếu ai gõ cửa, cứ để họ vào”