Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 28: Vương miện và ngôi giáo hoàng




Aramis bước xuống xe trước và để cửa mở. Ông thấy chàng trai trẻ tuổi đặt chân lên đất rêu và đi quanh xe vài vòng, bước chân lúng túng, loạng quạng nữa là khác, rõ ràng người tù khốn khổ vẫn chưa quen bước đi trên mặt đất của con người.

Hôm nay là 15-8, khoảng 11 giờ đêm. Những đám mây lớn nặng bao phủ cả bầu trời, báo hiệu cơn giông bão tới, che hết cả ánh sáng, tầm nhìn. Nhìn kỹ một lúc mới thấy các đầu lối đi tách ra khỏi các lùm cây theo một màu mờ xám đục nổi lên giữa cảnh tối đen dày kịt. Nhưng các hương cỏ thơm, hương tinh dầu cây sồi đượm hơn, mát hơn, bầu không khí ấm và nhờn đã bao nhiêu năm nay mới lại bao quanh ông hoàng, sự tự do được hưởng thụ say mê ngay giữa vùng khoáng đạt, tất cả đều hấp dẫn khiến cho ông dù hết sức dè dặt cũng phải bật lộ ra cảm xúc và để thở một hơi dài sung sướng.

Rồi từ từ và nặng nhọc, ông ta ngẩng đầu lên và hít thở từng không khí phả vào khuôn mặt rực rỡ những làn hương nồng đượm. Ông ta khoanh tay trước ngực như muốn ngăn nó khỏi vỡ ra trước niềm hạnh phúc mới mẻ, và khoái trá hít vào luồng không khí chạy luồn dưới rừng cây, trong đêm. Bầu trời ông ta đang ngắm nhìn, tiếng nước nghe róc rách kia, bầy sinh vật đang khuấy động đó, tất cả có thực hay không? Aramis có điên không khi nói rằng trong thế giới này còn có điều đáng mơ ước hơn?

Ông hoàng trẻ tuổi như mê đi, chân chạm đất mà tâm hồn vút lên đến chân Chúa, để cầu xin ngài ban cho một tia sáng giải quyết phân vân trước sự quyết định sống chết.

Aramis vẫn đứng yên tại chỗ vì khổ tâm hoài nghi, và ngắm nhìn Philippe như đang giãy giụa hấp hối để chống đối lại hai thiên thần kỳ bí. Cực hình đó kéo dài đến mười phút như chàng tuổi trẻ đã yêu cầu. Trong khoảng thời gian dằng dặc ấy, Philippe vẫn mải ngước đôi mắt nhìn trời, còn Aramis không ngừng nhìn Philippe mắt tóe lửa, như muốn nuốt sống ăn tươi ai đấy Đầu người trẻ tuổi bỗng chúc xuống. Tâm tư ông đã trở về trần thế rồi. Đôi mắt ông đanh lại, trán có nếp, miệng hằn lên nét can trường táo bạo. Rồi mắt ông lại sững lại một lần nữa, lần này thì không giống cái nhìn của Satan lúc lên núi, đứng điểm duyệt các vương quốc các quyền uy trần thế để tìm cách quyến rũ được Jesus.

Mắt Aramis u tối lại trở thành hiền dịu. Thế rồi Philippe vội vã nắm chặt tay ông:

- Đi, chúng ta đi tìm chiếc ngai vàng của nước Pháp!

Aramis hỏi lại:

- Quyết định của ngài đấy phải không?

Philippe nhìn vị giám mục, vẻ kiên quyết như muốn hỏi làm sao, người ta lại có thể thay đổi khi đã định?

- Chúng ta hãy trở lại câu chuyện bỏ dở. Tôi nhớ đã nói với ông là tôi đồng ý với ông về hai điểm: những nỗi nguy hiểm hay những trở ngại thì đã tính xong rồi. Còn lại là những điều kiện của ông đưa ra. Ông De Herblay ạ, bây giờ là đến lượt ông bầy tỏ đó.

- Điều kiện nào, thưa Hoàng tử?

- Nhất định có. Ông không cho xe dừng giữa đường như thế này chỉ vì một chuyện vặt vãnh đâu và tôi cũng không chịu để ông nghĩ rằng tôi tin trong chuyện này ông không có chút quyền lợi nào hết. Cho nên, thôi đừng quanh co, đừng sợ sệt ông giãi bầy hết tâm sự ra đi.

- Thưa Đức ông, như thế này. Một khi làm vua.

- Lúc nào.

- Tối mai. Tôi muốn nói là đêm mai.

- Ông hãy giải thích bước tiến như thế nào?

- Chừng nào tôi hỏi Điện hạ xong. Tôi đã gởi một người tin cẩn đưa cho Điện hạ một quyển vở ghi chữ rất nhỏ, một bản danh sách có sắp xếp kỹ lưỡng để ngài biết rõ những người đảm nhiệm triều chính bây giờ và cả về sau nữa.

- Tôi đã đọc rồi.

- Kỹ không?

- Tôi thuộc lòng rồi.

- Và hiểu không? Xin lỗi, tôi nói được điều đó với con người khốn khổ trong ngục Bastille. Chẳng cần phải nói là trong tám ngày nữa, tôi sẽ không phải đòi hỏi gì nơi một trí óc sáng suốt như của ngài, sau khi đã phát triển hết mực trong cuộc đời tự do.

- Thôi ông cứ hỏi đi. Tôi muốn làm người học trò được ông thầy thông thái bắt lặp lại bài học.

- Đầu tiên là về gia đình ngài.

- Mẹ tôi, Anne d Autriche?

- Về những nỗi buồn khổ của bà, về căn bệnh đáng buồn của bà?

- Ô, tôi biết, tôi biết hết!

- Người em thứ hai của ngài? - Aramis nghiêng mình nói.

- Ông có gửi kèm theo những bức hình phác hoạ, và vẽ rõ cho nên tôi có thể theo đó mà nhận ra những người ông ghi chép, tả rõ tính tình, lối sống và tiểu sử, ông em tôi là một người đẹp trai, da sậm, mặt xanh xao. Hắn không yêu Henriette vợ hắn như tôi. Louis XIV, đã yêu nàng qua quít và còn yêu làm duyên đến bây giờ mặc dù nàng đã làm tôi khóc nhiều vào ngày nàng muốn đuổi tiểu thư De La Vallière.

Aramis nói:

- Ngài phải coi chừng đôi mắt của cô gái này. Nàng yêu thật tình ông vua hiện tại. Người ta khó đánh lừa trước đôi mắt người đàn bà đang yêu đó.

- Nàng có mái tóc nâu, mắt xanh, hơi thọt một chút. Mỗi ngày nàng viết một bức thư và tôi nhờ ông De St. Aignan trả lời.

- Ngài có biết người đó không?

- Biết như là đã thấy vậy. Tôi thuộc những câu thơ ông ta mới làm cho tôi đây, cũng như những câu tôi làm trả lời ông.

- Tốt lắm. Còn các đại thần?

- Colbert mặt mày xấu xí, u buồn nhưng thông minh, tóc phủ trán, đầu to, nặng nề, nhiều ý tưởng, kẻ thù không đội trời chung với ông Fouquet.

- Về phần người này chúng ta không phải lo ngại gì cả.

- Không, bởi vì ông xin tôi cần phải đầy hắn đi phải không?

Aramis đầy thán phục, nhưng chỉ nói:

- Đức ông sẽ thật là vĩ đại.

Ông hoàng nói tiếp:

- Ông thấy không, tôi thuộc bài kinh khủng và nhờ ơn Chúa, nhờ sự giúp đỡ của ông, tôi sẽ không lầm.

- Ngài còn có một cặp mắt quấy rầy bên cạnh.

- Vâng, viên chưởng quan ngự lâm quân. Ông d Artagnan bạn ông.

- Tôi phải nhận đó là bạn thân của tôi.

- Còn người bắt Monck dâng cho Charles II, người đã giúp việc đắc lực cho mẹ tôi, con người mà ngai vàng nước Pháp phải chịu ơn thật nhiều. Ông muốn cho tôi đầy hắn đi không?

- Không bao giờ, thưa ngài, d Artagnan là người tôi quan tâm, tôi sẽ nói cho hắn biết khi có dịp. Nhưng ngài phải coi chừng vì nếu hắn biết trước khi ta nói ra thì cả ngài lẫn tôi đều bị bắt hoặc bị giết hết. Tay sừng sỏ đấy.

- Tôi sẽ nghĩ tới hắn. Ông cho biết về ông Fouquet đi. Ông muốn ta làm gì hắn?

- Xin đợi một chút, xin lỗi, tôi cứ hỏi ngài hoài thành như là vô lễ

- Bổn phận của ông là thế thôi. Mà đó cũng là quyền của ông nữa.

- Trước khi nói về ông Fouquet, tôi muốn dè dặt nói về một người bạn riêng của tôi.

- Ông Du Vallon, dũng sĩ Hercule của nước Pháp chứ gì?

- Tài sản người này sẽ vẫn được giữ nguyên.

- Không, không phải tôi muốn nói về người này đâu.

- Thế thì chắc là Bá tước De La Fère?

- Và con ông ta, con của cả bốn chúng tôi.

- Cậu bé đang yêu say đắm tiểu thư La Vallière bị người em của tôi cướp đoạt! Ông yên lòng đi, tôi sẽ trả nàng lại cho hắn. Thôi bây giờ nói đến ông Fouquet. Ông bảo tôi làm thế nào?

- Làm tổng giám như xưa thôi.

- Được rồi! Bây giờ ông ta đang là tể tướng mà.

- Chẳng phải vậy đâu.

- Phải có một tể tướng cho một ông vua dốt nát và lúng túng như tôi đây. Hoàng thượng cần có một người bạn thân.

- Tôi đã có rồi, ông đây.

Sau này, ngài sẽ có nhiều người khác. Chẳng ai tin cẩn, chẳng ai trung thành cho sự nghiệp của ngài hơn những người ấy nữa.

- Ông sẽ là tể tướng của tôi.

- Thưa Đức ông, chưa ngay đâu. Làm như thế sẽ gây xì xào ngạc nhiên lắm lắm.

- Ngài Richelieu tể tướng của bà tôi là Marie De Medicis chỉ là giám mục Lucon, cũng như ông là giám mục Vannes vậy thôi.

- Đúng là Điện hạ đã sử dụng được hết những lời ghi chép của tôi rồi. Tôi thật vui mừng khi thấy ngài rất sáng suốt.

- Tôi biết rằng ngài De Richelieu nhờ sự che chở của Hoàng hậu nên mau chóng trở thành Hồng y.

Aramis nghiêng mình, nói:

- Tốt hơn là Điện hạ đưa tôi lên chức Hồng y rồi hãy phong tôi làm tể tướng.

- Ông sẽ làm Hồng y trong hai tháng nữa, ông De Herblay ạ. Nhưng chuyện chẳng quan trọng gì. Ông đòi xin nữa đi tôi cũng không giận đâu, ông không xin thêm tôi giận đấy.

- Cho nên tôi muốn xin vài điều nữa.

- Nói đi, nói đi!

- Ông Fouquet sẽ không giữ chức vụ lâu vì ông ta già đi mau quá. Ông ta ưu hưởng khoái lạc, điều này hợp với công việc bây giờ của ông ta, nhờ chút thanh xuân còn sót lại để ông hưởng thụ. Nhưng cái tuổi trẻ này phải lưu ý đề phòng nỗi đau buồn hay căn bệnh đầu tiên nào ông ta mắc phải. Chúng ta sẽ tránh cho ông ta nỗi buồn rầu vì ông ta là một con người lịch sự và có tâm hồn cao quý. Chúng ta không cứu được ông ta khỏi bệnh tật đâu. Thế thôi, vấn đề đã giải quyết rồi. Khi ngài trả nợ hết cho ông Fouquet thành vua trong nhóm thi sĩ, hoạ sĩ của ông ta. Chúng ta đem giầu có cho ông ta. Thế thì khi tôi làm tể tướng của Điện hạ, tôi sẽ nghĩ tới quyền lợi của tôi và của ngài. Ngài Richelieu, chúng ta vừa nói, có cái sai lớn là dành quyền cai trị nước Pháp một mình. Ông ta để hai ông vua, vua Louis XIII và ông ta, ngồi chung trên một chiếc ngai. Đáng lẽ là nên để hai người ngồi hai ngai khác nhau.

- Hai chiếc ngai vàng! - ông hoàng bâng khuâng nói.

Aramis thản nhiên tiếp tục:

- Đúng vậy, một Hồng y - Tể tướng của nước Pháp được ân sủng và trợ lực của ông vua rất sùng đạo, một Hồng y được bậc nhân chủ sẵn sàng đưa kho tàng, quân đội, lời khuyên bảo cho hắn, con người ấy phải làm một công việc hai nhiệm vụ thật đáng ghét khi đem cả tài sản phục vụ chỉ riêng cho nước Pháp thôi. Còn ngài, - Aramis nói thêm trong khi nhìn sâu vào mắt Philippe, - ngài sẽ không phải là một ông vua như cha ngài, yếu ớt, chậm chạp, mệt mỏi đủ thứ. Ngài không phải mệt vì các dẳng cấp nữa: tôi ngăn chặn cho ngài. Và chẳng bao giờ tình bạn của chúng ta phải suy chuyển,- tôi muốn nói là chúng ta chẳng có chút nghi kị nào với nhau hết. Tôi chắc sẽ đem lại cho ngài ngôi vua nước Pháp còn ngài sẽ đưa tôi lên ngôi của thánh Pierre. Khi bàn tay trung thực, cương quyết và cầm vũ khí của ngài có bàn tay anh em của tôi là bàn tay của một giáo hoàng tương lai thì dù Charles Quin, người được hai phần ba thế giới dù Charlemagne, người được cả thế gian, cũng không ai có tầm cao được tới thắt lưng của ngài. Tôi không có đồng minh, tôi không có thành kiến, tôi không đẩy ngài vào công việc trừng trị kẻ lạc đạo, tôi chỉ nói: "Cả hai chúng ta cai trị thế giới, ngài lấy phần xác, tôi lấy phần hồn". Và nếu tôi chết trước khi ngài hưởng gia tài. Thế nào, Đức ông nghĩ sao về chương trình của tôi đấy?

- Tôi muốn nói rằng ông đã khiến tôi sung sướng và hãnh diện, ông D Herblay ạ chỉ nghe lời ông nói thôi thì ông sẽ là Hồng y; từ Hồng y ông sẽ là tể tướng của tôi. Rồi ông sẽ chỉ cho tôi cách nào làm cho ông thành Giáo hoàng, tôi làm ngay. Bây giờ ông hãy đòi tôi bảo đảm đi.

- Vô ích, tôi luôn luôn chỉ hành động vì lợi ích nào đó của ngài thôi: tôi không bao giờ leo lên mà không lôi ngài lên một bậc cấp cao hơn; tôi lúc nào cũng đứng xa xa một chút để ngài khỏi ghen ghét, đứng gần gần một chút để trông nom quyền lợi của ngài và trông chừng tình bạn của ngài. Mọi giao ước trên đời này sở dĩ tan vỡ vì quyền lợi trong đó thường nghiêng về một phía. Không bao giờ giữa chúng ta có chuyện đó. Tôi không cần bảo đảm.

- Như thế nào… người anh của tôi… sẽ biến đi phải không?

- Thật giản dị. Chúng ta bắt cóc ông ta từ trên giường có một tấm ván tụt đi khi ta bấm vào một cái nút. Lúc ngủ thì làm vua, nhưng thức dậy ông ta sẽ là tù nhân. Chỉ còn mình ngài điều khiển, ngài sẽ chẳng có công việc thiết thân nào hơn là giữ tôi ở bên mình.

- Đúng vậy. Bắt tay tôi đi, ông D Herblay.

- Xin cho phép tôi quỳ trước mặt ngài, thật là kính cẩn, thưa ngài. Chúng ta sẽ hôn nhau ngày mà chúng ta đội trên đầu ngài cái vương miện còn tôi đội chiếc mũ Giáo hoàng.

- Hãy hôn nhau ngay bây giờ đi. Cầu ngài vĩ đại hơn, khéo léo hơn, tinh anh sâu sắc hơn: xin ngài hãy tốt với tôi, hãy là cha của tôi!

Aramis xúc động khi nghe ông ta nói. Ông tưởng chừng trong tim ông đang có một chuyển động chưa hề biết đến.

Nhưng cảm giác này đã mau chóng tan biến đi.

Và rồi họ leo lên xe chạy nhanh trên đường đến lâu đài Vaux le Vicomte.

Lúc bấy giờ Louis XIV đến lâu đài Vaux được Fouquet mở tiệc lớn đón tiếp. Aramis đã tìm cách cho người ta dành căn phòng bên trên của nhà vua, nên đem Philippe vào đấy. Từ chỗ này, qua một bí mật mở nơi trần, hai người theo dò động tĩnh của Louis XIV và nghe nhà vua bảo d Artagnan đi bắt Fouquet.

Ông này, ngoài các tội danh ghê gớm còn mắc một tội không thể tha thứ được là gửi thư tình cho tiểu thư De La Vallière, bị Colbert chặn lấy được. Nhà vua điên cuồng tuyệt vọng run rẩy ném mình lăn lên giường không buồn thay trang phục.