Chân Ngắn, Sao Phải Xoắn

Chương 21




Một buổi tối rất muộn, khi tôi đang co ro trong mớ chăn ấm thì có tiếng gõ cửa rất nhẹ. Kỳ lạ, chẳng nhẽ có ai khác trong nhà này sao? Mẹ tôi không bao giờ gõ cửa một cách rụt rè như thế, bà chỉ đập cửa thôi. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa thận trọng trùm kín chăn ra mở cửa.

Mẹ đứng trước mặt tôi, dường như mắt mẹ có những quầng thâm mà trước giờ tôi chưa từng nhìn thấy. Mẹ ngồi xuống giường và tự nhiên ít nói hơn thường lệ. Những cử chỉ đó của mẹ khiến tôi lo sợ, phải chăng có chuyện gì đã xảy ra với mẹ? Tôi đánh bạo hỏi.

“Mẹ và chú ấy có chuyện gì à?”

Mẹ lắc đầu, tôi sà xuống bên mẹ, mẹ nắm tay hỏi nhỏ.

“Thế đã hết buồn chưa?”

“Con hết buồn lâu rồi mẹ ạ.”

Mẹ lại gật đầu, mẹ nhìn đi đâu đó, rồi chợt nhiên nói.

“Phương này, nếu mẹ nói dối con chuyện gì đó, con có ghét mẹ không?”

Tôi kinh ngạc nhìn mẹ, đến lúc này thì tôi mới hiểu đã có chuyện gì đó xảy ra thật rồi. Ôi, mẹ của tôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ trăn trở nhiều như thế. Tôi đáp lại một cách vui vẻ nhất có thể để mẹ an lòng.

“Mẹ làm sao đấy, chẳng có ai lại ghét mẹ mình cả, ai trên đời này chẳng nói dối một lần, mẹ không biết chứ con nói dối mẹ cả trăm lần rồi ấy chứ.”

Mẹ tôi bật cười.

Tôi sà vào lòng mẹ, mẹ vuốt tóc tôi, lâu lắm rồi tôi không có được cảm giác được mẹ âu yếm như thế. Tôi nằm im để từng ngón tay dịu dàng, thon thon của mẹ vuốt từng sợi tóc của mình, lòng ấm áp hẳn. Tôi đã chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Sáng tỉnh dậy, tôi tự trách mình sao đêm qua lại ngủ nhanh quá, không kịp hỏi mẹ cho rõ ngọn ngành câu chuyện.

Những ngày sau đó, mẹ không nhắc lại chuyện từ hôm trước nữa, tôi cũng sợ mẹ buồn nên không hỏi, mặc dù trong lòng không thôi băn khoăn. Tôi để ý đến mẹ nhiều hơn, mẹ thường nhìn trộm tôi rồi thở dài. Tôi không hiểu những gì mẹ đang trải qua, nhưng bằng trực giác của một đứa con, tôi cảm thấy như mẹ đang cất giấu một bí mật nào đó thật khủng khiếp. Đôi khi, nhìn thấy mẹ băn khoăn, tôi chỉ muốn hét lên rằng, mẹ ơi, có gì mẹ cứ trút hết lên con đây này, dù mẹ có làm gì xấu xa, dù mẹ có gây lên tội lỗi với bất kỳ ai thì con vẫn bên mẹ, vẫn yêu mẹ, vẫn tôn thờ mẹ như bất kỳ một đứa trẻ nào. Những lúc đó, mẹ thường nhìn tôi thảng thốt rồi cười một cách gượng gạo. Nhìn mẹ buồn phiền tôi thấy xót lòng quá. Ký ức của ngày xưa ùa về, năm đó, tôi – cô bé mười tám tuổi, vô tình nhìn thấy mẹ ngồi khóc một mình trong đêm tối, tiếng khóc kìm nén trong lồng ngực đã theo tôi đi suốt tuổi thơ thiếu vắng người bố của mình. Tôi chưa bao giờ gặp bố, mẹ nói ông ấy đã bỏ mẹ con tôi ra nước ngoài với người đàn bà khác khi tôi mới tượng hình trong bụng mẹ. Cả tuổi thơ, tôi sống trong sự trêu chọc vì không có bố, nhưng tôi không giống những đứa trẻ khác, tôi không buồn vì điều đó. Tôi cảm thấy cuộc sống rất vui vẻ vì có sự chở che của mẹ. Mặc dù, đôi lúc trong giấc mơ tôi mường tượng ra khuôn mặt của bố và cười một mình. Tôi tự nhủ, sau này nếu có thêm một tên đàn ông nào làm mẹ tôi rơi nước mắt nữa, tôi sẽ không tha cho hắn. Vì thế, tôi quyết định tìm đến sếp Tam Mao để hỏi cho ra nhẽ.

Tôi hùng hổ đi vào phòng sếp Tam Mao, nhưng nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu của ông ấy, khí thế trong tôi xẹp lép xuống. Tôi vội vàng nhỏ giọng.

“Giữa hai người đang có chuyện gì à?”

Sếp lắc đầu. Khổ, sếp tôi bình thường đã xấu, nay mặt buồn buồn trông càng thảm hại hơn, nhìn ông ấy mà tôi không khỏi xót lòng.

“Thế tại sao cả hai người nhìn cứ như người chết trôi thế?”

Sếp Tam Mao phì cười, sếp cốc đầu tôi.

“Thực ra thì có một vài chuyện cần phải làm rõ ràng thôi.”

“Ý sếp là mẹ cháu vẫn loằng ngoằng với người khác à?”

Sếp Tam Mao lại cười to hơn, trời ạ, sao lúc nào người đàn ông này cười tôi cũng nghĩ đến cá trê thế nhỉ? Sếp vừa lấy tay vuốt vuốt khuôn mặt mất ngủ của mình vừa nói.

“Không, không hề, mẹ cháu không có ai và chú cũng thế, chỉ có điều chuyện chưa đến mức ấy mà thôi.”

Là sao? Chuyện chưa đến mức ấy thì việc gì mặt cả hai người lại sưng vù như bị ong đốt thế chứ, yêu thì nói là yêu, không yêu thì thôi, cứ làm tình làm tội nhau mãi. Sếp Tam Mao nhìn tôi trìu mến.

“Mọi việc không có gì nghiêm trọng đâu, nếu đó là sự thật thì rất vui.”

Vui à? Vui mà mẹ tôi cứ như người mất hồn thế thì tôi chả cần. Tôi nhã nhặn nhắc nhở sếp Tam Mao rằng không được làm mẹ tôi buồn, nếu ông nhỡ làm mẹ tôi rơi nước mắt thì tôi sẽ san phẳng cái văn phòng này. Sếp Tam Mao nghe xong câu đó thì cười khoái trá. Trần đời, tôi chưa thấy ai như ông ấy, người ta đang đe dọa như thế mà ông còn cười được, thật là giàu quá nên hóa rồ rồi.

Tóm lại, việc xảy ra giữa mẹ và sếp Tam Mao vẫn là bí ẩn đối với tôi. Trái với sự lo lắng nhưng có phần thong dong của sếp Tam Mao, mẹ tôi lại hết sức căng thẳng bà phiền não. Trời ạ, sao người già yêu cũng phức tạp thế cơ chứ. Mẹ tôi vốn xinh đẹp, giỏi giang với lòng kiêu hãnh ngất trời thế này mà nay cứ như kẻ ăn trộm dáo dác sợ người khác bắt gặp ấy. Kỳ thực, tôi có cảm giác giữa hai người không phải có chuyện yêu đương thường tình, nhưng nó là chuyện gì thì tôi thật sự không thể nào đoán ra nổi. Lần đầu tiên trong đời, trí tưởng tượng của tôi chịu đầu hàng trước sự phức tạp này.

Sau rất nhiều trăn trở, tôi quyết định mở hội nghị “Tam gia” để bàn bạc và cùng nhau tìm hiểu. Đương nhiên, thành phần tham gia hội nghị gồm có tôi, Bi Ve, Cây Sậy và …có thêm một khách mời mà đến nữa là thằng bé “ông giời con” của Cây Sậy. Chúng tôi bàn bạc rôm rả trong tiếng oe oe không ngừng của “ông giời con”. Thằng Cây Sậy vừa bế con, vừa dỗ, vừa chõ mồm vào câu chuyện của tôi. Nhìn bộ dạng quần xắn, áo nhão, khăn lau mũi vắt ngang vai của nó, tôi và Bi Ve cảm thấy tiếc nuối ột đời trai “tài hoa” quá. Bi Ve cười hỉ hả vì dù nó có thất tình hàng vạn lần vẫn còn thấy hạnh phúc chán so với hình ảnh lúc này của Cây Sậy. Cây Sậy thì vẫn vui như thường, nó luôn miệng khoe thằng “ông giời con” của nó biết lẫy rồi, biết hét rồi… Câu chuyện của tôi cứ bị gián đoạn thường xuyên vì “ông giời con” khi thì tè, khi thì khóc, khi thì … ị… Thằng Cây Sậy vừa chùi đít cho con vừa lớn giọng.

“Tóm lại, sếp mày và mẹ mày có tí tình cảm với nhau, nhưng các cụ già rồi, thích làm mình làm mẩy nhau tí thôi, không có gì nghiệm trọng.”

Bi Ve vừa bịt mũi vừa phản bác.

“Vớ vẩn, chuyện như thế mà mày bảo không có gì nghiêm trọng, theo tao thì nó rất nghiêm trọng…”

Tôi ngơ ngác nhìn hai thằng bạn nối khố, thằng Bi Ve chém tiếp.

“Thế này đi, mày nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với mẹ mày, hãy nói cho bà biết là mày rất vui vẻ khi bà có người khác, không thì bà lại e dè với mày, sợ mày buồn.”

Tôi gật gù, nó nói cũng đúng, lần đầu tiên thấy thằng Bi Ve chốt được câu thấu tình đạt lý đến thế, đến nỗi chính thằng Cây Sậy còn gật gù.

“Ờ, được đấy, mày phải tỏ thái độ hân hoan chờ đón hạnh phúc của mẹ mày, đừng có mà cay cú, khó chịu làm bà khó xử.”

Duyệt! Lâu không gặp, thấy hai thằng bạn mình một đứa thì nhếch nhác hơn, đứa kia thì chín chắn hơn, tôi cũng thấy vui. Dù sao, khi khó khăn, khi mệt mỏi tôi vẫn có hai đứa đó mà ăn vạ và hành hạ, ngẫm lại, cuộc đời quả không lấy đi của ai mọi thứ. Dù tôi thiếu hơi ấm của bố từ bé, nhưng bên cạnh tôi không bao giờ thiếu “những người đàn ông” sẵn sàng chìa vai cho tôi dựa khi cần đến, mặc dù, chả bao giờ nhận lại được gì từ tôi. Hội nghị đang rôm rả đành kết thúc khi thằng “ông giời con” buồn ngủ và khóc to tướng, cả ba xúm lại dỗ không được đành tính đến phương án mang trả về ẹ Chuối Hột của nó. Haizzz… Nhìn cảnh tượng đó, tôi mới thấy mình thật sáng suốt vì chưa lấy chồng.

Buổi tối hôm đó, khi vừa ăn cơm xong, tôi định nói chuyện với mẹ thì Hoành Tá Tràng gọi điện, chả biết lại có chuyện gì oan gia nữa đây. Tôi nhấc máy, Hoành Tá Tràng hét toáng lên trong điện thoại.

“Cô đến đón tôi đi, tôi vừa được ra viện.”

Cái khỉ gì thế này? Từ bao giờ tôi trở thành người có trách nhiệm với anh ta thế nhỉ? Đã thế lại còn mất lịch sự nữa chứ, tôi mới há có một nửa chu vi mồm đã bị anh ta chặn lại và cúp máy rồi. Điên đến thế là cùng, đã thế nhá, bà chẳng tội gì mà vác xác đến đón cả, bà ở nhà chơi điện tử cho sướng.

Nói là làm, tôi phi lên phòng, mở máy tính ra chơi bán gà chíu chíu. Sau cú điện thoại của Hoành Tá Tràng, tôi ức lên tận cổ nên không thể nói chuyện với mẹ được. Tôi nghĩ, nếu nói chuyện với khuôn mặt cau có như bây giờ, rất có thể mẹ tôi sẽ hiểu lầm, như thế mọi việc lại tanh bành ra hết. Nhưng, bắn gà chíu chíu được một lúc, tôi chợt chột dạ, chết, nhỡ anh ta đứng chờ mình ở cổng bệnh viện, tay bị băng, còn chân đi cà nhắc thế mà ngã thêm phát nữa thì sao? Nhỡ anh ta không còn ai để nhờ nên mới phải gọi điện cầu cứu mình, mà mình lại bỏ anh ta giữa lúc nguy nan thế này thì thật là thất đức. Chưa kể, anh đã từng phải phục vụ mình khi mình bị đau chân mà. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình quá bất nhân khi ngồi rung đùi chơi điện tử thế này, tôi đành đứng dậy, cầm chìa khóa xe ra khỏi nhà.

Đúng như tôi dự đoán, Hoành Tá Tràng đang đứng ngơ ngác trước cổng bệnh viện, một tay vẫn treo lủng lẳng bằng sợi dây tròng qua cổ, anh ta vẫn vậy, chẳng gầy đi một lạng nào. Thấy tôi lượn xe đến gần, anh ta cười cười vẫy cái tay còn lại, vẻ mặt đẹp trai và nụ cười sát gái hàng loạt của anh ta khiến cơn bực tức trong tôi tan biến, chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào mà tôi lại cười lại với anh ta mới chết chứ. Anh ta chẳng nói chẳng rằng thả ngay cái túi đồ xuống chỗ để chân, rồi kéo cái mũ bảo hiểm tôi đang treo phía trước đội lên đầu. Hoành Tá Tràng chìa mặt về phía tôi, hai cái quai mũ đung đưa trước mặt, vẻ mặt anh ta như chờ đợi.

“Cài vào cho tôi!”

Ơ hơ, ở đâu ra cái ngữ bắt người khác phải phục vụ như mình là ông chủ ấy nhỉ? Tôi định đập bốp lên đầu anh ta một cái, nhưng sực nhớ đến cái tay băng bó nên đành miễn cưỡng cài lại quai cho anh ta. Hoành Tá Tràng mỉm cười nhìn tôi đang luống cuống cài quai mũ. Trong thoáng chốc, người tôi như bị điện giật khi tay vô tình chạm vào má anh ta, cảm giác tê tê ở đầu ngón tay khiến tôi bối rối. Hoành Tá Tràng cứ nhìn thẳng vào mặt tôi, cái nhìn đầy mưu mô. Tôi rụt tay lại, nói một câu cụt ngủn.

“Được rồi, lên xe đi.”

Hoành Tá Tràng lại khuyến mại cho tôi thêm một nụ cười nữa, nụ cười mê hồn nhất mà tôi từng thấy. Thật khổ cho cái tính háo sắc của tôi quá.

Khi Hoành Tá Tràng ngồi yên vị trên xe, tôi mới phóng vút đi. Hoành Tá Tràng hét toáng lên.

“Đi từ từ, cô làm gì mà chạy như ma đuổi thế!”

Đáng đời, sao mấy lần trước tôi ngồi sau xe anh, cũng hét khản cổ câu tương tự thế mà anh có thèm ngó ngàng đâu, giờ anh mới biết cảm giác của tôi lúc đó nhé. Tôi chẳng nói gì, vẫn phóng tiếp, Hoành Tá Tràng ghế vào tai tôi.

“Cô mà chạy nhanh nữa là tôi sẽ ôm cô đấy!”

Cái gì? Ôm á? Thật là trơ trẽn, còn một tay mà vẫn đòi ôm tôi á? Tôi đi chậm lại, miệng thở ra một câu đầy sát khí.

“Cứ ôm đi, rồi anh treo nốt cái tay còn lại.”

Hoành Tá Tràng cười ha ha, còn tôi mặt có tí đo đỏ.

Đi được một đoạn, tôi mới nhớ là mình đang bon bọn chạy xe về … phía nhà mình, trong khi nhà Hoành Tá Tràng ở đâu tôi nào có biết. Tôi ngoái lại hỏi.

“Này, nhà anh ở hướng nào thế?”

“Cùng hướng với nhà cô!”

“Thế á? Ngạc nhiên nhỉ? Nhưng mà ở đường nào?”

“Cùng đường với nhà cô!”

Tôi bắt đầu bực mình với cách trả lời tưng tửng của anh ta.

“Anh điên à, chẳng nhẽ anh là hàng xóm của tôi chắc?”

“Ờ, thì đúng thế mà, giờ cô mới biết à?”

What? Tôi lập tức phanh kít xe lại, nhìn chòng chọc vào mặt anh ta. Không thể nào, tôi làm gì có lão hàng xóm nào như thế này. Tôi cố lục lại trí nhớ của mình, rõ ràng, bên phải nhà tôi là đôi vợ chồng trẻ, còn đối diện là một đôi vợ chồng trung niên làm ngân hàng. Thế làm gì có chuyện anh ta là hàng xóm của tôi được. Tôi lắc đầu.

“Đồ bốc phét! Tôi làm gì có hàng xóm nào khó chịu như anh!”

Hoành Tá Tràng cười tủm tỉm.

“Tôi mới là người phải nói câu đó chứ, chẳng phải cô từng lấy sào chọc khế nhà tôi và ném đá vào đầu tôi à?”

“Hả???”

Tôi choáng váng, nhìn lại Hoành Tá Tràng! Trời ơi, không lẽ … không lẽ… là anh ta? Đúng là oan gia ngõ hẹp … Hoành Tá Tràng thấy tôi sửng sốt thì cười khoái trá.

“Thế nào? Nhớ ra chưa?”

Khỏi phải hỏi, giờ thì tôi nhớ ra rồi, nhưng tôi vẫn không thể tin được, người hay nói là duyên kỳ ngộ, nhưng giữa tôi và Hoành Tá Tràng thì phải gọi là oan gia kỳ ngộ mới đúng…

Số là, hồi bé, khi nhà tôi mới chuyển đến khu này sống, tôi phát hiện ra nhà hàng xóm sau lưng nhà mình có một cây khế rất sai quả. Nhà đó cách nhà tôi một hàng rào thấp, nhưng vì hai nhà xây kiểu quay lưng vào nhau nên chẳng bao giờ giao lưu với nhau… Từ khi phát hiện ra cây khế, ngày nào tôi cũng thò sào qua cửa sổ phòng mẹ tôi để chọc khế. Tôi chẳng ăn mấy, chỉ chọc cho vui thôi. Hồi đó, tôi bị thằng bé nhà đó (Gọi là thằng bé chứ thực ra nó cũng hơn tôi vài tuổi) mắng mấy lần nhưng tôi chả sợ. Đã thế, tôi còn chọc tức nó nhiều hơn, tôi dùng gậy đập đập cho khế rụng xuống, có hôm khua gậy thế nào sém tí là vào đầu nó. Nó cũng chẳng vừa, lấy đá ném lại tôi. Thế là chiến tranh nổ ra, nó ném đá thì tôi cũng ném đá. Tôi nhặt cục đá to đùng lên và nhắm mắt ném một phát. Tôi nghe thằng bé hét lên một tiếng “Á”, nó giơ tay ôm đầu, tôi thấy mấy giọt máu tứa ra….

Tôi hoảng hồn bỏ chạy, còn thằng bé thì gào lên khóc. Tối hôm đó, mẹ nó trèo qua hàng rào với cái áo đầy máu của nó đưa ẹ tôi, mẹ tôi đánh tôi một trận trối chết rồi xin lỗi và hứa sẽ lo tiền thuốc thang. Từ đó, tôi chả thèm ngó ngàng đến cây khế nữa và nhà hàng xóm kia cũng xây tường cao phải đến hơn ba mét để “bảo toàn tính mạng” cho con trai họ. Bức tường được dựng lên, cây khế bị chặt đi và hàng xóm lại quay lưng vào nhau như chính hai ngôi nhà đã xây từ trước như vậy.

Trời, không lẽ … Hoành Tá Tràng… là nó… là cái thằng bé đành hanh dám ném đá tôi đó? Tôi nhìn anh ta ngỡ ngàng, thảng thốt. Hoành Tá Tràng cười híp mắt, chìa đầu ra hỏi.

“Này, có phải kiểm tra không? Cô ném tôi chảy máu đầu mà!”

Ôi trời, đúng rồi! Thế là khỏi phải bàn cãi gì nữa, Hoành Tá Tràng và tôi có mối thù không đội trời chung từ thời … bọ xít!!! Hoành Tá Tràng như kiểu hớn hở lắm khi thấy tôi bối rối.

“Giờ nhớ chưa? Thực ra tôi cũng mới nhận ra điều đó khi đưa cô về nhà hôm bị đau chân.”

“Oan gia! Đúng là oan gia!”

Hoành Tá Tràng cãi lại.

“Phải là duyên số mới đúng chứ!”

Duyên số cái con khỉ! Nếu bố mẹ anh mà biết tôi là cái đứa ném chảy máu đầu thằng con trai quý tử của ông bà thì chắc ông bà ấy sẽ đá văng tôi ra ngoài cửa mất. Vì thế, tôi khẽ khàng nói với Hoàng Tá Tràng.

“Thế tôi chở anh về đầu ngõ thôi nhé, nhà anh đi hướng ngõ khác nhà tôi mà.”

Hoành Tá Tràng nhất định không chịu, anh ta nói, lần trước anh ta đã chở tôi về tận nhà, còn dìu vào nhà nữa thì lần này tôi phải như thế với anh ta. Trời ơi! Biết thế này thì lần trước tôi đừng ăn vạ làm gì. Anh ta nhất định bám trụ trên xe, tôi đành chở anh ta về, với điều kiện không được hở ra chuyện là tôi ở cạnh nhà anh ta. Hoành Tá Tràng gật đầu, mặt rất gian xảo.