Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 10 - Chương 32




Cuộc chiến tranh chính trong trận Borodino đang diễn ra trong khi đất hai dặm ở giữa Borodino và các công sự hình mũi tên của Bagration (ở ngoài khu vực này, một bên là đạo kỵ binh của Uvarov biểu dương lực lượng vào giữa trưa, và bên kia, đằng sau Utitxa thì xảy ra cuộc giao chiến giữa Ponyatovxki và Tutikov nhưng đó chỉ là những trận chiến đấu lẻ tẻ và yếu ớt so với trận diễn ra ở trung tâm chiến trường). Ở khu vực giữa Borodino và các công sự hình mũi tên, cạnh ven rừng, trên một khoảng đất có thể nhìn thấy từ cả hai phía, trận chiến đấu chính đã diễn ra một cách đơn giản và bình dị.

Trong chiến đấu mở đầu bằng cuộc pháo kích dữ dội của mấy trăm khẩu pháo bắn từ cả hai bên.

Sau đó, khi khói đã bao phủ khắp chiến trường, trong đám khói này (về phía quân Pháp). Ở bên phải có hai sư đoàn xe của Dexe và Compăng tiến về phía các công sự hình mũi tên, và ở bên trái thì các trung đoàn của phó vương tiến về phía Borodino.

Cứ điểm Sevardino, nơi Napoléon đứng, cách xa các công sự hình mũi tên đến một dặm và cách Borodino đến hơn hai dặm theo đường thẳng, vì vậy Napoléon không thể thấy những sự việc đã diễn ra ở đấy, đã thế khói lại hoà lẫn với sương mù che phủ khắp nơi này. Chỉ trông thấy binh sĩ của sư đoàn Dexe đánh vào các công sự hình mũi tên khi họ chưa tiến vào các khe núi ngăn cách họ với công sự ấy. Họ vừa vào khe núi thì những đám khói súng trường và khói pháo ở trên các công sự hình mũi tên đã bắt đầu dày đặc đến nỗi phủ kín cả dốc núi bên kia khe. Qua bức màn khói dày đặc chỉ thấy một cái gì đen đen, chắc hẳn là một đám người, và đôi khi cũng thấy những ánh lưỡi lê lấp loáng. Nhưng họ đang tiến lên hay đã dừng lại, đó là quân Pháp hay là quân Nga thì từ cứ điểm Savardino không thể nào phân biệt được.

Mặt trời đã lên cao, và những tia nắng rực rỡ chiếu chênh chếch vào mặt Napoléon khi ông ta giơ tay che mặt nhìn các công sự hình mũi tên. Khói treo lơ lửng ở trước mặt các công sự này, khi thì người ta có cảm giác như lớp khói đang bay đi, khi thì lại có cảm giác như quân lính đang di chuyển. Thỉnh thoảng xen lẫn với tiếng súng lại có tiếng người quát tháo, nhưng không thể nào biết sự tình ở đấy ra sao.

Napoléon đứng trên gò nhìn qua kính viễn vọng. Trong cái vòng tròn nhỏ hẹp của ống kính, ông nhìn thấy lố nhố những khói và người, lúc thì người Pháp, lúc thì người Nga; nhưng khi nhìn lại bằng mắt trần thì ông không thể biết những điều vừa thấy xảy ra ở đâu.

Ông xuống chân gò và bắt đầu đi đi lại lại trước gò. Chốc chốc ông lại dừng chân, lắng nghe súng nổ và đưa mắt nhìn bãi chiến trường.

Nhưng không những ở chân gò là nơi ông đứng, hay ở trên đỉnh gò là nơi đang có vài viên tướng của ông đứng, mà ngay tại các công sự hình mũi tên, nơi mà quân Pháp và quân Nga, người thì chết, người thì bị thương hay còn lành lặn, hốt hoảng điên cuồng đang đồng thời chiếm lĩnh hay lần lượt chiếm lĩnh, người ta cũng không thể nào hiểu được sự việc đang xảy ra. Suốt mấy giờ liền ở nơi này, giữa tiếng súng trường và tiếng đại bác liên hồi, quân Pháp và quân Nga lần lượt xuất hiện, khi thì bộ binh, khi thì pháo binh.

Họ xông lên, họ gục xuống, họ bắn giết, không biết phải làm gì nhau, quát tháo và chạy lùi lại.

Từ chiến trường, những sĩ quan phụ tá do Napoléon phái đi, những sĩ quan tuỳ tùng của các vị thống chế của ông luôn luôn phi ngựa đến trước mặt Napôpêông để báo cáo về quá trình diễn biến của trận đánh. Nhưng tất cả những báo cáo này đều không đúng sự thật: một phần vì trong lúc chiến đấu kịch liệt không thể nào nói rõ việc gì đã xảy ra vào lúc gỉây phút quyết định, một phần vì nhiều sĩ quan phụ tá không đến tận nơi đang thực sự chiến đấu mà chỉ truyền đạt lại những điều họ nghe những người khác nói lại và một phần nữa vì trong khi viên sĩ quan phụ tá đi đoạn đường hai ba dặm đến chỗ Napoléon đứng thì tình hình đã thay đổi, và những tin tức mà họ mang tới không còn xác thực nữa.

Chẳng hạn một sĩ quan phụ tá của phó vương đến báo tin đã chiếm được làng Borodino và cái cầu trên sông Kolotsa đã lọt vào tay quân Pháp. Viên sĩ quan hỏi Napoléon xem ông ta có ra lệnh cho quân đội qua sông hay không. Napoléon ra lệnh bố trí bên kia sông và đợi lệnh mới. Nhưng ngay lúc Napoléon ra lệnh này, hay đúng hơn là ngay lúc viên sĩ quan phụ tá rời khỏi Borođino thì cái cầu đã bị quân Nga chiếm lại và đốt cháy trong trận giao chiến mà Piotr đã chứng kiến lúc giao tranh mới bắt đầu. Một sĩ quan phụ tá, mặt tái xanh, hoảng hốt phi ngựa từ các công sự hình mũi tên về báo với Napoléon rằng cuộc tấn công đã bị đánh bật, Compăng đã bị thương và Davu đã tử trận. Nhưng trong lúc đó thì các công sự này đã bị một đơn vị Pháp khác chiếm ngay khi người ta nói với viên sĩ quan phụ tá rằng quân Pháp bị đánh lui, còn Davu thì vẫn còn sống và chỉ bị bầm nhẹ. Căn cứ vào những báo cáo nhất định là sai như vậy, Napoléon ra mệnh lệnh, nhưng những mệnh lệnh này đã được thực hiện trước khi ông ta ban bố, hoặc không thể thực hiện được và không hề được thực hiện.

Các thống chế và các tướng ở gần chiến trường hơn, cũng như Napoléon, họ không tham dự vào trận đánh mà chỉ thỉnh thoảng cưỡi ngựa đi dưới làn lửa đạn, và không hề hỏi ý kiến của Napoléon, họ tự ý ra những mệnh lệnh cho biết phải bắn vào đâu và đứng ở đâu mà bắn, kỵ binh và bộ binh phải chạy đến đâu.

Nhưng cũng như mệnh lệnh của Napoléon, những mệnh lệnh của họ cũng rất ít khi được thực hiện, và có chăng cũng chỉ trong phạm vi tối thiểu. Thường thường thì sự việc xảy ra trái với mệnh lệnh của họ. Binh sĩ được lệnh tiến về phía trước và lại lùi trở lại vì gặp phải đạn ria bắn ra như mưa, còn binh sĩ được lệnh dừng lại ở nguyên chỗ cũ, thì đột nhiên thấy quân Nga hiện ra trước mặt liền chạy lùi lại hoặc xông lên phía trước, còn kỵ binh thì đuổi theo quân Nga đang bỏ chạy mà không hề được lệnh gì cả. Chẳng hạn hai trung đoàn kỵ binh được lệnh vượt qua khe núi Xemenovxkoye vừa mới lên núi thì đã phải quay xuống và hối hả phi ngựa chạy về. Bộ binh cũng di động như vậy: đôi khi họ chạy đến một nơi hoàn toàn không phải nơi họ được lệnh đến. Tất cả những mệnh lệnh cho biết phải đưa các khẩu pháo đi đâu và lúc nào, lúc nào bộ binh phải bắn, lúc nào kỵ binh phải đuổi theo bộ binh Nga, tất cả những mệnh lệnh ấy đều do những viên chỉ huy trực tiếp của các đơn vị ở trong hàng quân ban bố mà không hề hỏi ý kiến Ney, Davu, Mura chứ đừng nói đến Napoléon nữa. Họ không sợ bị phạt mà không thực hiện mệnh lệnh trên hay vì tự tiện ra mệnh lệnh, bởi vì trong một trận đánh, vấn đề được đặt ra, vấn đề quan trọng nhất đối với con người, đó là tính mạng của bản thân họ; và đôi khi người ta cảm thấy muốn sống thì phải chạy lùi, nhưng đôi khi người ta cảm thấy cần chạy lên phía trước, và cứ tuỳ theo tình hình từng giây, từng phút mà những con người này hành động một khi đã ở trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Thật ra, tất cả những sự di động hay lùi, không hề cải thiện mà cũng không hề thay đổi tình hình của các đạo quân.

Tất cả những cuộc tấn công và xung phong vào hàng ngũ của Nga hầu như không hề gây nên thiệt hại gì cho họ so với những thiệt hại, những tổn thất và thương vong do những viên đạn súng trường bay khắp trận địa, nơi họ đang đi động. Những con người ấy vừa ra khỏi tầm tạc đạn và đạn súng trường, thì các vị chỉ huy ở phía sau đã lập tức tập hợp lại, chấn chỉnh kỷ luật, rồi dùng cái kỷ luật đó để đưa họ vào vòng lửa đạn, rồi khi vào đến đấy, vì sợ chết, họ lại mất kỷ luật và chạy đi chạy lại loạn xạ tuỳ theo tâm trạng nhất thời của đám đông.