Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 13 - Chương 1




Trí tuệ con người không bao quát hết được các nguyên nhân của một hiện tượng. Nhưng nhu cầu tìm hiểu nguyên nhân là một nhu cầu bẩm sinh của tâm hồn. Và vì không thấu triệt được những điều kiện tách rời ra đều có thể tưởng là một nguyên nhân, cho nên hễ gặp một mối liên hệ nào dễ hiểu là trí tuệ con người vội chộp lấy mà nói: nguyên nhân đây rồi. Trong các biến cố lịch sử (trong đó đối tượng quan sát là hành động của những con người) vào thời đại nguyên thuỷ người ta đi tìm nguyên nhân ở ý muốn của thần thánh, rồi về sau, người ta lại tìm ở ý muốn của những người đứng ở vị trí lịch sử để dễ thấy nhất, - ý muốn của các nhân vật lịch sử.

Nhưng chỉ cần đi sâu vào thực chất của mỗi biến cố lịch sử, tức là vào sự hoạt động của khối quần chúng có tham gia vào biến cố ấy cũng đủ thấy rõ rằng ý muốn của nhân vật lịch sử không những không chỉ đạo các hành động của quần chúng, mà chính nó còn bị chỉ đạo nữa là đằng khác. Có thể tưởng rằng quan niệm ý nghĩa của biến cố lịch sử theo cách này hay theo cách khác thì cũng thế thôi.

Nhưng giữa một người nói rằng các dân tộc phương Tây đi sang phương Đông vì Napoléon muốn thế với một người nói rằng sự việc đó diễn ra vì nó tất phải diễn ra, cũng có một sự khác nhau xa như giữa những người khẳng định rằng quả đất đứng yên một chỗ và các hành tinh xoay chung quanh nó với những người nói rằng mình không biết quả đất dựa vào cái gì, nhưng biết rằng có những quy luật chi phối sự chuyển động của quả đất cũng như của các hành tinh khác. Một biến cố lịch sử không có và không thể có nguyên nhân. Nhưng có những quy luật chi phối các biến cố, trong đó có quy luật ta không biết mà cũng có quy luật ta có thể mò mẫm ra được nào ngoài cái nguyên nhân duy nhất của mọi nguyên nhân.

Những quy luật này có thể khám phá được khi nào ta hoàn toàn từ bỏ việc tìm tòi nguyên nhân trong ý muốn của một con người, cũng như việc khám phá quy luật chuyển động của các hành tinh chỉ có thể thực hiện được khi nào người ta từ bỏ quan niệm cho rằng quả đất là cố định.

Sau trận Borodino, sau khi quân địch chiếm Moskva và kinh đô này bốc cháy, sự kiện mà các nhà sử học cho là quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh năm 1812 là cuộc hành quân của quân đội Nga từ con đường Ryazan ra con đường Kaluga tiến về doanh trại Tarutino, thường gọi là cuộc hành quân đường chéo sau con sông Kranaya Pakhra. Các nhà sử học gán công lao thực hiện cái chiến công oanh liệt này cho nhiều nhân vật khác nhau và tranh cãi nhau về chỗ công ấy cụ thể là công của ai. Ngay cả các sở gia ngoại quốc các sử gia Pháp, cũng thừa nhận thiên tài của các nhà cầm quân Nga khi nói đến cuộc hành quân chéo này. Nhưng tại sao các tác gia quân sự (và tất những người khác cũng nghe theo họ) lại cho rằng cuộc hành quân đường chéo này là một sáng kiến đầy mưu trí của một nhân vật nào đó, một sáng kiến đã cứu nước Nga và đưa Napoléon đến thất bại, thì thật khó lòng mà hiểu nổi. Thứ nhất, khó lòng mà hiểu được cuộc hành quân này mưu trí và thiên tài ở chỗ nào; vì chẳng cần nghĩ ngợi gì sâu xa lắm cũng có thể đoán ra rằng khi đạo quân không bị tấn công thì vị trí tốt nhất của nó là chỗ nào có nhiều lương thực hơn cả. Và bất cứ người nào, ngay cả một thằng bé mười ba tuổi khờ khạo cũng có thể dễ dàng đoán ra rằng năm 1812 vị trí có lợi nhất của quân đội sau khi rút lui quá Moskva là con đường Kaluga. Cho nên trước hết không thể hiểu được các nhà sử học đã suy luận như thế nào để đi đến chỗ cho rằng cuộc hành quân này là cao mưu. Sau đó, càng khó lòng hiểu nổi các nhà sử học căn cứ vào đâu mà cho rằng cuộc hành quân này có tác dụng cứu vãn quân Nga và đưa quân Pháp đến diệt vong; vì cuộc hành quân đường chéo này, trong những điều kiện có trước, đồng thời và có sau nó, có thể rất tai hại cho quân Nga và có lợi cho quân Pháp.

Nếu từ khi tiến hành cuộc chuyển quân này tình hình quân đội Nga bắt đầu khá lớn hơn, thì quyết không phải vì thế mà ta có thể kết luận rằng cuộc chuyển quân đó chính là nguyên nhân đã làm cho tình hình khá hơn.

Cuộc hành quân đường chéo này sẽ không thể nào đưa đến lợi ích gì hết mà sẽ làm cho quân đội Nga bị tiêu diệt nếu hồi ấy không có sự đồng quy của những điều kiện khác. Giả sử nếu Moskva không bị cháy, nếu Mura không mất hút bóng quân Nga, nếu Napoléon không khoanh tay ngồi không, nếu ở gần vùng Kraxnaya Pakhra quân đội Nga mở một trận đánh theo như đề nghị của Benrigxen và Barclay, thì sẽ ra sao? Nếu sau đó Napoléon khi tiến đến gần Tanltino, mở cuộc tấn công vào quân Nga dù chỉ với một sức mạnh bằng một cuộc tấn công vào quân Nga ở Smolensk, thì sẽ ra sao? Nếu quân Pháp tiến đánh Petersburg thì sẽ ra sao? Nếu những việc đó xảy ra thì các tác dụng cứu vãn của cuộc hành quân đường chéo có thể biến thành một tác dụng tai hại không cùng.

Thứ ba, điều khó hiểu nhất là những người nghiên cứu lịch sử cố tình không muốn thấy rằng cuộc hành quân đường chéo không thể gán riêng cho một người, nào, rằng chưa hề bao giờ có một người nào dự kiến được cuộc hành quân này, và cũng như cuộc rút lui ở Fili, cuộc hành quân này chưa bao giờ được người nào hình dung ra một cách toàn vẹn; sự thật là nó toát ra dần dần, từng bước một, qua từng biến cố, qua từng thời đại, từ vô số những điều kiện hết sức đa dạng, và chỉ lộ rõ toàn bộ khi nó đã diễn ra trọn vẹn và trở thành việc đã qua.

Trong buổi hội nghị ở Fili ý kiến chiếm ưu thế trong bộ tư lệnh Nga là ý kiến dựa trên một sự tất yếu hiển nhiên, chủ trương rút lui theo hướng thẳng về phía sau, tức là theo con đường Nizegorod.

Chứng cớ là đa số các ý kiến trong hội đồng đều phát biểu theo hướng này và cái chính là cuộc nói chuyện nổi tiếng giữa vị tổng tư lệnh với Lanxkoy, trưởng phòng quân lương. Lanxkoy cho biết số lượng thực dành cho quân đội phần lớn được tập trung dọc sông Oka trong hai tỉnh Tula và Kaluga, và nếu rút lui về phía Nizni, thì quân đội sẽ bị con sông Oka, một con sông lớn, ngăn cách với các kho lương thực, và đầu mùa đông sẽ không thể nào vận chuyển lương thực qua sông được. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cần phải bỏ hướng đi cũ về phía Nizni, mà trước kia người ta cho là dĩ nhiên. Quân đội bèn đi chếch về phía nam, theo con đường Ryazan nhích gần về phía các kho lương. Vì quân Pháp cứ khoanh tay ngồi không và thậm chí còn để mất hút bóng quân Nga, vì cần phải lo phòng thủ nhà máy Tula(1) và chủ yếu là vì cần nhích gần tới các kho lương quân đội Nga lại càng đi chếch về phía nam hơn nữa, tiến ra con đường Tula, nên các vị tư lệnh của quân đội Nga trù tính dừng lại ở Podolsk và không hề nghĩ đến vị trí Tatunino, nhưng đã có vô số tình huống như việc quân Pháp trước đây mất hút bóng quân Nga nay bỗng lại xuất hiện ở sau lưng họ, rồi những dự kiến tác chiến, và cái chính là số lương thực dồi dào ở Kaluga đã khiến cho quân ta đi chếch thêm về phía Nam và chuyển vào chính giữa những con đường tiếp tế lương thực của nó, từ con đường Tula chuyển sang con đường Kaluga, về phía Tarutino. Nếu đã không thể nào trả lời được câu hỏi Moskva đã bị bỏ rơi như thế nào, thì cũng không thể nói rõ việc đổi hướng rút quân về phía Tarutino được quyết định vào lúc vô số những động lực khác nhau, người ta mới bắt đầu quả quyết tin rằng chính mình đã muốn như thế và đã dự kiến việc này từ lâu.

Chú thích:

(1) Nhà máy vũ khí nổi tiếng của Nga