Chiến Tranh Và Hòa Bình

Quyển 9 - Chương 2




Ngày 29-5-1812, Napoléon rời Dresden, nơi ông đã sống ba tuần lễ giữa một cung đình gồm những vị công hầu, các vị quốc vương và vị hoàng đế đã làm cho ông hài lòng, và quở mắng các vị quốc vương và các vị công hầu đã làm cho ông phật ý, lấy những mớ châu ngọc và kim cương của mình - Tức là cướp được của các vua khác - Đem tặng hoàng hậu nước Áo, rồi sau âu yếm ôm hôn hoàng hậu Mary - Luyz, ông ta đã đòi bỏ lại bà vợ - Mary Luyz được coi là vợ ông ta, mặc dù bà vợ khác vẫn còn ở Paris - và theo người viết sử của Napoléon thì trong cuộc chia ly này Mary vô cùng đau khổ, tưởng chừng không sao chịu đựng nổi. Tuy các nhà ngoại giao vẫn tin chắc vào khả năng hoà bình và ra sức làm việc cho mục đích ấy, tuy hoàng đế Napoléon tự tay viết thư cho hoàng đế Alekxandr, gọi vui Nga là nhân huynh bệ hạ và thành thật quả quyết rằng mình không muốn chiến tranh và mãi mãi yêu mến và kính trọng ông ta, - Napoléon cũng vẫn trở về quân đội và đến trạm nào cũng ra thêm những mệnh lệnh mới không ngoài mục đích xúc tiến cuộc chuyển quân từ Tây sang Đông. Ông ta đi một cỗ xe kiệu sáu ngựa vốn dùng để đi đường, với một đám thị đồng, sĩ quan phụ tá và một đội hộ tống dọc theo con đường thiên lý đi qua Pozen, Torn, Dantxig và Quenigsberg. Ở mỗi thành phố đó hàng nghìn người nô nức và xúc động ra đón ông ta.

Quân đội kéo từ Tây sang Đông, và bó ngựa sáu con luôn luôn thay đổi ở các trạm cũng đưa ông ta đi theo hướng đó. Ngày mồng mười tháng sáu, ông ta đuổi kịp quân đội và nghỉ đêm tại trang viên của một bá tước Ba Lan ở giữa khu rừng Villonvixki, trong một hành dinh dọn riêng cho ông ta.

Thấy bên kia sông có những người cô-dắc và những cánh thảo nguyên toả rộng bao bọc Moskva, thành phố thần thánh, thủ đô của cái vương quốc giống như xứ sở của người Skyth(1), nơi Alekxandr hoàng đế Makedoni(2) đã đi qua, Napoléon trước sự ngạc nhiên của mọi người và trái với mọi điều suy xét về chiến lược cũng như về ngoại giao, đã ra lệnh tiến quân, và hôm sau quân đội của Napoléon bắt đầu vượt sông Neman.

Sáng sớm ngày mười hai, ông ra khỏi túp lều vải hôm ấy dựng trên tả ngạn dốc đứng của sông Neman, và dùng viễn kính nhìn những dòng quân sĩ của mình từ rừng Vikovixki kéo ra, đang trẩy đi trên ba chiếc cầu bắc trên sông Neman. Quân lính biết rằng hoàng đế có mặt ở đây, họ đưa mắt tìm ông ta, và khi họ trông thấy trên sườn đồi, trước túp lều vải và tách ra khỏi đoàn tuỳ tùng một quãng, cái bóng dáng của hoàng đế đội chiếc mũ con con và mặc chiếc áo vạt dài, họ tung mũ lên trời hò reo: "Hoàng đế vạn tuế!"(3), rồi đơn vị này tiếp theo đơn vị nọ, họ rời khỏi khu rừng mênh mông vừa mới đây đã che giấu họ và lũ lượt đổ ra, đổ mãi không ngừng và chia ra làm ba mũi tiến sang sông qua ba chiếc cầu.

- Chuyến này đi xa phải biết đây. Ôi! Ngài mà đã nhúng tay vào thì thế nào cũng có chuyện … Mẹ kiếp… Ngài kia rồi! Hoàng đế vạn tuế! Nó đây rồi, những cánh thảo nguyên của châu Á! Xứ này cũng chán thật. Thôi chào cậu Bose nhé, tớ sẽ giành cho cậu loà lâu đài đẹp nhất Moskva. Thôi chào nhé! Chúc cậu may mắn… Mày có trông thấy hoàng đế đâu không? Hoàng đế vạn tuế!… uế! Nếu tớ được làm tổng trấn Ấn Độ thì tớ sẽ cho cậu làm tổng đốc Cashmir, nhất định như thế Tổng thống đấy, Zerar ạ. Hoàng đế vạn thế! Vạn thế! Vạn tuế! Cái bọn cô-dắc chết liệt kia, chúng nó phóng nhanh thật. Hoàng đế vạn tuế! Ngài kia rồi! Mày có trông thấy không? Tao đã trông thấy ngài hai lần, gần như sát tao với mày thế này. Ông cai bé nhỏ(4)… Tớ đã thấy Ngài gắn Huân chương chữ thập cho một chiến binh… Hoàng đế vạn tuế!…

Đó là những câu thốt ra từ miệng quân sĩ, già có, trẻ có tính tình rất khác nhau và thuộc đủ các tấng lớp trong xã hội. Gương mặt tất cả những người đó đều cùng phản chiếu nỗi vui mừng vì cái chiến dịch lâu nay mong đợi đã mở màn, lòng hâm mộ và tinh thần tận tuỵ đối với con người mặc áo xám đang đứng trên đồi.

Ngày mười ba tháng sáu, người ta đem lại cho Napoléon một con ngựa Ả Rập thuần giống. Napoléon lên ngựa và phi về phía một trong ba cái cầu bắc qua sông Neman, bên tai luôn luôn nghe những tiếng tung hô phấn khởi làm cho ông ta nhức óc, hiển nhiên là ông cố chịu đựng những tiếng hoan hô này cũng chỉ vì không thể nào ngăn cấm binh sĩ tỏ lòng hâm mộ mình như vậy; nhưng rồi nơi nào đó cũng cứ inh ỏi bên tai ông, làm ông khó chịu và làm xao lãng trí óc của ông đang mải suy nghĩ về việc quân từ khi trở về với quân đội. Napoléon đi qua sông trên chiếc cầu phao đập dềnh, rồi ngoặt sang trái và phi nước đại về phía Kovno, sau một đội khinh kỵ cận vệ bấy giờ nhưng đang lịm đi vì hân hoan sung sướng trong khi phi ngựa để dẹp đường cho hoàng đế giữa đám quân sĩ. Đến bên bờ con sông Vilna rộng bát ngát, ông đứng ngựa bên cạnh một trung đoàn kỵ binh U-lan người Ba Lan đang đứng đợi giờ xuất phát.

- Vivat!(5) - binh sĩ Ba Lan cũng nô nức reo vang và phá vỡ hàng ngũ, giẫm đạp lên nhau để được nhìn thấy ông ta.

Napoléon xem xét dòng sông, xuống ngựa và đến ngồi trên một thân cây ở bờ sông. Ông ta lặng lẽ vẫy tay ra hiệu một cái, tức thì họ đưa cho ông ta một chiếc viễn kính. Ông kê ống nhìn lên lưng một chú thị đồng vừa mừng rỡ chạy lại, và bắt đầu nhìn sang bên kia sông. Rồi chăm chú xem xét những tấm bản đổ trải ra ở giữa các súc gỗ. Không ngẩng đầu lên, ông nói mấy câu và hai viên sĩ quan phụ tá lập tức phi ngựa về phía đoàn kỵ binh Ba Lan. Khi một trong hai người đã đến gần trung đoàn, trong hàng ngũ kỵ binh Ba Lan có tiếng hỏi xôn xao:

- Gì thế? Ngài nói gì thế?

- Hoàng đế ra lệnh tìm một chỗ nông để lội sang bên kia sông.

Viên đại tá chỉ huy trung đoàn kỵ binh Ba Lan, một ông già đẹp lão mặt đỏ bừng, nói ấp a ấp úng vì quá xúc động, hỏi viên phụ tá xem liệu hoàng đế có cho phép ông ta đưa trung đoàn bơi qua sông, không cần tìm chỗ cạn không. Rõ ràng là ông ta rất sợ bị từ chối; như một đứa bé xin phép cưỡi ngựa, ông xin phép cho đơn vị bơi qua sông dưới mắt hoàng đế. Viên sĩ quan phụ tá nói rằng chắc hoàng đế cũng sẽ không phật ý vì hành động nhiệt tình quá mức ấy.

Viên sĩ quan phụ tá vừa nói dứt lời thì viên đại tá già có bộ ria mép, vẻ mặt hớn hớ, mặt sáng quắc, vung gươm lên quát lớn "Vivat!", và sau khi ra lệnh cho đoàn kỵ binh theo mình, ông ta thúc ngựa phi xuống sông. Viên đại tá giận dữ thúc con ngựa bấy giờ đang ngập ngừng dưới mình ông ta, lao xuống nước và cho ngựa bơi ra giữa sông, nơi nước chảy xiết. Mấy trăm kỵ binh U-lan lao theo ông ta. Ra đến giữa sông, nước chảy rất mạnh, họ thấy rét và sợ. Các kỵ binh vướng vào nhau, ngã ngựa. Đã có mấy con sợ. Các kỵ binh vướng vào nhau, ngã ngựa. Đã có mấy con ngựa chết đuối, kỵ binh cũng đã mấy người bị cuốn đi. Những người còn lại cố sức thúc ngựa bơi về phía trước, sang bên kia sông, và mặc dầu chỗ sông có thể lội qua được chỉ cách đấy có nửa dặm, họ cũng lấy làm hãnh diện được bơi và chết đuối dưới mắt con người đang ngồi trên súc gỗ, lúc này thậm chí cũng chẳng thèm nhìn về phía họ nữa.

Viên sĩ quan phụ tá đã trở về, và chọn một chút thuận tiện, ông ta đánh bạo và xin hoàng đế lưu ý đến lòng tận tuỵ của quân lính Ba Lan đối với ngài. Con người thấp bé mặc áo khoác xám đứng dậy, gọi Bertie lại và bắt đầu đi đi lại lại trên bờ sông với Bertie, rồi vừa đi vừa ra mệnh lệnh và thỉnh thoảng lại nhìn về phía đoàn kỵ binh U-lan đang chết đuối, có vẻ không bằng lòng vì họ làm cho sự chú ý của ông bị xao lãng.

Xưa nay Napoléon vẫn biết rằng dù ở nơi nào trên địa cầu, từ sa mạc châu Phi cho đến thảo nguyên của xứ Makedoni, sự có mặt của ông đều làm cho người ta nô nức đến mức điên rồ, quên hẳn cả thân mình. Đói với ông chẳng còn mới lạ gì nữa. Ông ra lệnh dắt ngựa lại và lên ngựa trở về bản doanh.

Lúc bấy giờ khoảng bốn mươi người U-lan đã chết đuối dưới sông, mặc dầu đã cho thuyền ra vớt. Phần lớn những người còn lại đều quay trở về bên này. Viên đại tá cùng với mấy người nữa bơi được qua sông và khó nhọc leo lên bờ bên kia. Nhưng vừa lóp ngóp leo lên đến nơi, trong những bộ quân phục ướt sũng nước chảy như suối họ đã cất tiếng hô: "Vivat!", hân hoan nhìn về chỗ lúc nãy có Napoléon đứng nhưng bây giờ không còn thấy ông ta nữa trong giây phút ấy họ cho mình là những người diễm phúc.

Đến tối, vào khoảng giữa hai mệnh lệnh - một mệnh lệnh về việc vận chuyển số giấy bạc Nga giả mạo đến cho thật nhanh để đưa vào nước Nga, và một mệnh lệnh nữa về việc xử bắn một người Xắc-xôn mang một bức thư trong đó có những tài liệu về cuộc chuyện quân của Pháp, - Napoléon ra một mệnh lệnh thứ ba là ghi tên viên đại tá Ba Lan đã nhảy xuống sông một cách vô ích kia vào Đoàn Danh Dự (Légion d'Honneur) mà chính Napoléon là người đứng đầu.

Quos vult predere - dementat.(6)

Chú thích:(1)Một nhóm dân tộc du mục miền Bắc Hắc Hải vào thời cổ đại (Scythes)

(2) Tướng lĩnh vĩ đại nhất của thế giới Hy Lạp cổ đại đã chinh phục một khu vực rộng mêng mông kéo dài đến tận biên giới Ấn Độ (356 - 323 trước công nguyên)

(3) Vive Empereur - Tên gọi của binh sĩ đặt cho Napoléon

(4) Tên gọi đầu của binh sĩ đặt cho Napoléon

(5) Vạn tuế (tiếng Ba Lan)

(6) (Thần linh) muốn hại người nào: thì làm cho người ấy mất trí khôn. (tiếng La tinh)