Cô Nàng Mộ Bên

Chương 43: Désirée




Nếu có ai nói chuyện đó vào ngày chúng tôi cưới nhau, chắc tôi đã bật cười. Rằng Benny và tôi…

Rằng hai chúng tôi đã trở thành hai kẻ hoàn toàn xa lạ.

Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua bao nhiêu là khó khăn, nhảy qua cả đống hố sâu và leo qua hàng loạt rào cản. Chúng tôi biết nhau quá rõ, đã có hai đứa trẻ rất yêu thương nhau. Chúng tôi đã suýt nữa chia tay hẳn, để rồi nhận ra cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì khi sống thiếu nhau kia mà?

Bây giờ chúng tôi có thể ngồi trơ ra trên ghế xalông khi bọn trẻ đã ngủ và lơ đãng xem các chương trình tivi. Ít nhất chúng cũng thỏa mãn một trong hai chúng tôi - tôi thờ ơ theo dõi các trận khúc côn cầu trên băng và các cuộc đua xe hơi của Benny, trong khi anh hừ mũi với tất cả những chương trình còn lại. Cuối cùng, một trong hai chúng tôi sẽ ngáp dài và đánh răng đi ngủ. Chúng tôi vẫn còn làm tình, nhưng sáng hôm sau chỉ trao nhau những cái ôm vụng về và ngắn ngủi nếu tình cờ nằm lấn sang phía giường của nhau.

Giờ đây việc trải qua những buổi tối thứ Sáu vui vẻ đọc Chuyện nông trại đã trở thành dĩ vãng. Chúng tôi không tài nào tìm ra chuyện để nói với nhau nữa. Tôi có cảm giác đã nghe hết các mẩu chuyện trong làng, những lời phàn nàn dai dẳng về sai lầm của chính phủ và Liên minh châu Âu khiến tôi mệt mỏi. Tôi gần như lên cơn dị ứng mỗi khi anh nhắc đến hai chữ “nông dân”. Nông dân luôn là người phải nhận hậu quả. Làm nông dân thật khốn khổ. Thế còn Hội Nông dân, họ làm gì kia chứ?... Anh không sai, thật ra tôi khó chịu vì anh cứ xem tôi như một cái thùng rác để trút mọi bực dọc không thể rũ bỏ mà chẳng buồn hỏi xem tôi có muốn lắng nghe hay không. Anh tự cho mình cái quyền đó. Thế đấy.

Benny nói rất nhiều về khả năng sinh lãi đã sút giảm xuống đến mức chẳng bao lâu nữa mọi thứ sẽ hỏng bét. Nhưng anh không tin vào sự thật ấy. Làm sao anh có thể tự cho phép mình tin điều đó kia chứ? Còn tôi thì ngược lại, tôi tin rằng sau hai mươi năm nữa Thụy Điển sẽ chẳng còn người nông dân nào. Nhưng tôi không bao giờ nói thẳng như thế. Không thể được.

Một đôi lần hiếm hoi khi tôi cố gắng phàn nàn để tìm chút đồng cảm cho công việc của mình, chẳng hạn như về mối bất hòa với Liliane. Lúc đó Benny ngáp dài, đưa mắt đọc trang thể thao và lẩm bẩm: “Em chỉ việc nói chuyện với chị ta là xong!”

Vậy nên mỗi khi cần nói chuyện tôi lại gọi điện cho Märta. Những lúc đó Benny thường đi ngang qua và rít lên khó chịu: “Em còn nói chuyện lâu không đấy? Nhỡ có người cần gọi đến thì sao?”. Anh ta nghĩ tôi nên ngoan ngoãn ngồi vào một góc xalông để nghe những lời ca thán của anh ta, thay vì tám chuyện qua điện thoại.

Tôi không thể có cách nào khiến Benny quan tâm đến những thứ thuộc lĩnh vực văn hóa mà tôi đã đọc, nghe, hoặc xem. Lúc nào anh ta cũng đóng vai chàng nông dân quê mùa, lơ nhơ chẳng biết gì trong lĩnh vực văn hóa.

Thỉnh thoảng Violet mang sang cho tôi một chồng tạp chí cũ mà cô ta đã đọc xong. Đó là cách cô ta cảm ơn tôi thỉnh thoảng tặng cho thằng bé Kurt-Ingvar mấy quyển sách thiếu nhi. Trong các mục tư vấn bạn đọc, không ít các bà vợ đã phàn nàn tương tự như tôi về chồng mình. Mấy ông chồng toàn nói chuyện của mình, trong khi các bà vợ phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Khi các bà cố gắng đề cập đến chuyện của mình thì các ông vội vàng đi sửa xe. Nhưng tôi không muốn thấy mình trở thành một phần của mô hình xã hội thông thường. Benny và tôi, chúng tôi là những người duy nhất cơ mà!

Vào tháng Chín, chúng tôi đã quyết định phải xốc lại tình hình. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều đang chìm vào một cuộc khủng hoảng cô đơn và quá xa cách nhau. Chúng tôi quyết định hai vợ chồng sẽ đi nghỉ trong bốn ngày, sau đợt cày ải mùa thu. Nils sang ở với Bengt-Göran và Violet, trong khi Arvid được gửi gắm cho Märta và Magnus. Benny đã vội vàng vào thành phố đặt một chuyến du lịch giá rẻ đến Costa del Sol để làm tôi bất ngờ. Chắc anh thấy cái tên “Bãi biển ngập nắng” tỏ ra rất hứa hẹn. Tuy vậy, ở châu Âu vào cuối tháng Mười thì mặt trời thường xuyên lỗi hẹn. Trời mưa như trút nước trong hai ngày đầu. Hai ngày còn lại sương mù dày đặc. Dẫu vậy chúng tôi vẫn cố gắng đi dạo trên bãi biển trong trang phục mùa hè và nhúng mấy ngón chân xuống nước. Những người dân Tây Ban Nha co ro quấn mình trong áo gió nhìn chúng tôi bằng đôi mắt đầy lo ngại. Trong mắt tôi, Costa del Sol là một nơi rất buồn tẻ, nhạt nhẽo và bị khai thác quá mức sau ngần ấy năm làm du lịch.

Buổi tối cuối cùng trong khu nhà nghỉ, chúng tôi ngồi với nhau, trước mặt là hai chiếc cốc có trang trí cây dù bé tẹo. Chúng tôi là hai khách hàng duy nhất cứng đầu ra ngoài sân của quán cà phê để ngồi. Đột nhiên trời đổ mưa rào. Mái tóc của Benny bị ướt, và tôi bất giác đưa tay vén mớ tóc trên trán anh. Tôi đã không nhận ra anh mất đi khá nhiều sợi tóc trong năm vừa rồi.

- Thế đấy, Désirée! Ngoài những chuyện khác, gã chồng của em còn đang hói dần nữa! – Anh nói với một giọng buồn bã tới mức khiến tôi cảm thấy mủi lòng.

- Em thích đàn ông tóc thưa mà! – Tôi tuyên bố. – Hói dần là do thừa testosterone, em nghe nói chuyện đó rất thường gặp ở những người cực kỳ nam tính!

Benny nhìn tôi nghi ngờ.

- Việc hôn cái sọ bóng loáng của một người đàn ông, – tôi khăng khăng, - rất là kích thích, thật đấy!

Một nụ cười ranh mãnh xuất hiện trên gương mặt anh.

- Anh dám cá là em luôn nói câu đó với mọi anh chàng!

Hai chúng tôi nhìn nhau rồi cười vang. Cơn mưa càng nặng hạt hơn. Món đồ uống của chúng tôi bị nước mưa hòa loãng và cả hai đứa ướt như chuột lột. Rồi chúng tôi quay về khách sạn, trút bỏ bộ quần áo ướt sũng, cùng nhau chui vào buồng tắm, và làm tình thật lâu, như trước kia.

Tôi đã có bầu Klara trong lần ấy.

Năm thứ sáu: Trời quang, nắng ráo