Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 10: PHẦN 4: Đếm cừu




Chúng ta có thể lang thang không mục đích trên lục địa của sự tùy hứng, nếu chúng ta chọn thế. Không gốc rễ như mấy hạt giống có cánh được một ngọn gió xuân tình cờ thổi đi khắp nơi.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phủ nhận ngay sau đó rằng không có thứ gọi là ngẫu nhiên. Những gì đã qua là đã qua, những gì chưa tới thì hiển nhiên chưa tới. Nói cách khác, bị kẹp giữa "mọi thứ" đằng sau chúng ta và "số không" phía trước chúng ta, sự tồn tại của chúng ta là phù du, trong đó không hề có sự ngẫu nhiên cũng chẳng có khả năng.

Tuy nhiên, trong thực tế, sự khác biệt giữa hai cách giải thích hết sức ít ỏi. Một tình thế (như hầu hết các cuộc đấu giữa các cách giải thích) chẳng khác nào gọi cùng một loại thức ăn bằng hai tên.

Thôi đủ rồi ẩn dụ ơi.

Việc tôi đưa bức ảnh cừu vào trong bản tin PR của công ty bảo hiểm nhân thọ có thể được nhìn nhận từ một góc độ, (a) ngẫu nhiên, nhưng từ một góc độ khác, (b) không có sự ngẫu nhiên nào hết.

(a) Tôi đang tìm một bức ảnh thích hợp cho bản tin PR. Rất ngẫu nhiên, tôi tình cờ có một bức ảnh cừu trong ngăn kéo. Tôi quyết định dùng bức ảnh đó. Một bức ảnh ngây thơ trong một thế giới ngây thơ.

(b) Bức ảnh cừu trong ngăn kéo đã đợi tôi ngần ấy thời gian. Nếu không được dùng trong bản tin ấy thì cũng sẽ dùng cho một việc khác tại một thời điểm nào đó sau này.

Càng nghĩ về điều đó, tôi càng thấy công thức này áp dụng cho tất cả mọi thức thuộc mọi phương diện mà tôi đã trải nghiệm cho đến lúc này trong đời. Chỉ cần luyện tập một chút, tôi chắc chắn mình có thể điều khiển, (a) một cuộc đời với tay phải và, (b) một cuộc đời với tay trái. Nói vậy không có nghĩa điều đó làm nên cái gì khác biệt. Nó giống như cái lỗ trong bánh vòng. Liệu người ta coi cái lỗ trong chiếc bánh vòng như một khoảng trống hay như một thực thể là chính bản thân nó, đó đơn thuần là một câu hỏi siêu hình và không ảnh hưởng chút nào đến vị bánh vòng.

Ngồi trên xô pha uống whisky, được máy điều hòa không khí thổi khẽ khàng như một hạt bồ công anh đưa đẩy theo cơn gió nhẹ, tôi nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ điện tử treo tường. Chừng nào tôi còn nhìn vào chiếc đồng hồ, ít ra là thế giới vẫn còn chuyển động. Chẳng phải một thế giới ý nghĩa gì, nhưng dẫu sao vẫn đang chuyển động. Và chừng nào tôi biết là thế giới vẫn chuyển động, tôi biết là tôi tồn tại. Không phải một sự tồn tại có ý nghĩa gì, nhưng vẫn là một sự tồn tại. Tôi chợt thấy dường như ai đó nên xác nhận sự tồn tại của chính mình chỉ bằng kim giờ kim phút của chiếc đồng hồ điện tử treo tường. Phải có một phương thức xác nhận mang tính nhận thức hơn. Nhưng dù cố đến mấy tôi cũng chẳng nảy ra được cách gì dễ dàng hơn.

Tôi từ bỏ và làm một ngụm whisky nữa. Một cảm giác rát bỏng truyền qua cổ họng tôi, xuống đến thành thực quản vào trong lõm thượng vị. Bên ngoài cửa sổ, bầu trời mùa hè xanh rực rỡ và những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Một bầu trời đẹp đẽ song cũ kỹ báo trước sự hao mòn. Tôi làm một ngụm whisky nữa để chúc cho cái bầu trời mới tinh khôi trước kia. Rượu Scotch không đến nỗi nào. Bầu trời cũng không đến nỗi nào, một khi người ta đã quen với nó. Một chiếc máy bay phản lực lớn bay ngang qua bầu trời từ trái qua phải như con bọ lập lòe.

Khi vừa uống cạn ly whisky thứ hai, tôi chợt nghĩ: mình đang làm cái quái gì ở đây thế này?

Cừu.

Tôi đứng dậy khỏi xô pha, nhặt bản sao của bức ảnh từ bên bàn tay đối tác rồi quay trở về ghế. Trong hai mươi giây tôi nhìn chằm chằm vào nó, mút những viên đá có vị whisky, vắt óc suy nghĩ tìm xem điều gì đang diễn ra trong bức ảnh.

Bức ảnh cho thấy một đàn cừu trên đồng cỏ. Trên một cạnh, đồng cỏ dính liền với một rừng cây bu lô. Loại cây bu lô khổng lồ người ta tìm thấy ở tận Hokkaido, chứ không phải loại bé teo còi cọc trồng bên lối ra vào văn phòng ông nha sĩ nào đó. Đây là loại cây bu lô mà bốn con gấu có thể mài vuốt lên thân cây cùng một lúc. Tuyết vẫn còn sót lại trên đỉnh núi sau nền bức ảnh, cả trên khe núi nữa. Tháng Tư hoặc tháng Năm. Khi mặt đất ướt át đầy tuyết tan. Bầu trời xanh (hay đúng ra là tôi nghĩ nó màu xanh từ bức ảnh tuyền màu xám – cũng rất có thể là màu hồng nhạt), với mây trắng nhẹ nhàng bay qua đỉnh núi. Sau khi đã cân nhắc mọi điều, bầy cừu chỉ có thể được nhìn nhận như một bầy cừu, rừng bu lô chỉ có thể được nhìn nhận như rừng bu lô, mây trắng chỉ có thể chỉ được nhìn nhận như mây trắng. Đơn giản như vậy và không có gì hơn.

Tôi quẳng bức ảnh lên bàn, hút một điếu thuốc rồi ngáp. Sau đó tôi cầm bức ảnh lên, cố đếm đàn cừu. Đồng cỏ rộng mênh mông, những con cừu rải rác thành đốm lớn như những người đi picnic, đến nỗi khó có thể nói được những đốm trắng ở đằng xa là cừu hay chỉ là những đốm trắng. Càng nhìn kỹ bao nhiêu tôi càng khó đoán bấy nhiêu, liệu những đốm trắng có thật sự là những đốm trắng hay là mắt tôi đang giở trò với tôi, cho tới khi cuối cùng tôi không thể chắc về bất kỳ điều gì nữa. Tôi cầm một cây bút bi trong tay đánh dấu mọi chỗ tôi có thể chắc là cừu. Tổng số là ba mươi hai. Ba mươi hai con cừu. Một bức ảnh dễ hiểu một cách hoàn hảo. Không có gì khác lạ về bố cục, không gì đặc biệt về phong cách.

Tuy thế lại có một cái gì đó trong ảnh. Một cái gì đó khang khác. Tôi nghĩ mình đã cảm được điều đó lần đầu tôi trông thấy bức ảnh cách đây ba tháng, và lúc này cảm giác ấy quay trở lại.

Tôi lăn mình trên xô pha, giơ bức ảnh qua đầu, tôi đếm lại tổng số một lần nữa.

Ba mươi ba.

Ba mươi ba sao?

Tôi nhắm mắt và lắc đầu. Trí óc tôi trống rỗng. Tôi cố đếm số cừu một lần cuối, rồi trôi vào giấc ngủ sâu của buổi-chiều-hai-ly-whisky. Điều cuối cùng tôi nhớ là mình đã nghĩ về đôi tai của cô bạn gái.