Cuộc Sống Bình Dị

Chương 2




Nhoáng cái Diệu Nhi đã sống ở đây được một tuần rồi, cơ thể này cũng khỏi bệnh và có thể làm vài việc lặt vặt phụ giúp gia đình. Việc đầu tiên sau khi khỏi ốm Diệu Nhi làm đó là tổng vệ sinh từ trong ra ngoài căn nhà đất ba gian và nhà bếp nho nhỏ, sau đó cô làm nũng với đại ca và phụ thân nhờ hai người sửa sang lại hàng rào quanh nhà, đóng lại cánh cửa cổng cho vững chắc, cạnh ven hàng rào thì trồng mấy cây hoa dại do cô và đại tỷ đi nhổ ở chân núi, lúc này đã nở hoa rất đẹp.

Lúc này, Diệu Nhi đang cầm một cái chổi que nhỏ tự chế và quét sân, quét cổng, đột nhiên Tiểu Sơn từ ngoài chạy vào hớn hở gọi:

”Nhị tỷ, nhị tỷ, mọi người tính lên núi tìm quả dại, tỷ đi không?”

Diệu Nhi nhìn đứa nhỏ bé xíu gầy gò nhưng lại có một đôi mắt rất sáng trước mặt. Trong nhà này có lẽ người cô thích nhất và thương nhất chính là đứa bé này đây. Nhìn đệ đệ gầy gò của mình, lần thứ một ngàn Diệu Nhi tự nhủ trong lòng là phải kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để mua thịt ăn. Nhưng giờ cô mới có sáu tuổi, hơn nữa kiếm tiền ở thời đại nào cũng không hề dễ dàng a. Phụ thân và nương đi làm thuê quần quật cả ngày mới được trả công ba mươi văn, những ai đi phụ xây nhà trên trấn hoặc làm những công việc nặng nhọc khác mới được tầm ba mươi lăm đến bốn mươi văn.

Mọi tiểu thuyết điền văn xuyên qua trên mạng cô đọc toàn là giả dối. Cái gì mà bán phương pháp nấu món ăn, làm điểm tâm, xà phòng, kem dưỡng da, ủ rượu... cái gì mà chỉ cần nhìn sơ qua là về cổ đại liền biết làm. Giả dối! Cô đây đã từng đọc kỹ qua, từng làm thử ở hiện đại nhưng về thế giới cổ đại thiếu thốn nguyên vật liệu và máy móc,, chỉ có một đống lý thuyết suông mơ hồ thì làm được gì a. Haiz, lần thứ hai ngàn lẻ một Diệu Nhi thở dài trong lòng, con đường kiếm tiền sao mà gian nan quá.

Quay trở về hiện tại, nhìn gương mặt háo hức của đệ đệ, Diệu Nhi đang tính trả lời là không, bỗng khựng lại. Đến nơi này một tuần rồi nhưng cô chỉ mới đi ra ngoài có một lần. Hơn nữa cô đang tính canh tác một vườn rau nho nhỏ sau nhà để ăn thì cần phải có giống, mà ở nơi này rau dại nhiều nhất là mọc trên núi a. Nghĩ vậy, Diệu nhi nhanh chóng mỉm cười nói:

”Tiểu Sơn chờ tỷ tỷ một chút nha. Tỷ lấy cái rổ nhỏ để đựng quả dại nhé.”

Tiểu Sơn ngoan ngoãn gật đầu: “Vâng ạ.”

Diệu Nhi đóng cửa cẩn thận xong, một tay cầm rổ, một tay nắm bàn tay nhỏ bé của Tiểu Sơn. Hai tỷ đệ đi về phía đám trẻ con trong thôn đang tụ tập. Vì không hề biết một đứa bé nào nhưng nhờ có Tiểu Sơn bên cạnh liến thoắng lia lịa mà cô mới biết được bản thân trước kia chỉ chơi thân với hai bé là, Kim Hoa bảy tuổi, nữ nhi thứ ba của Nguyệt thẩm và Dương thúc thúc, Lý Lệ bằng tuổi cô, con gái út của Lương bá bá. Tính tình Diệu Nhi vốn khá hoà đồng, lại có quyết tâm sống tốt ở nơi này, một lần nữa làm đứa bé sáu tuổi nên chỉ một chặng đường ngắn đã trở nên thân thiết hơn với hai cô bé này. Ba đứa bé và một tiểu nhóc lập thành một nhóm đi ở phía sau cùng, do tuổi nhỏ sức khoẻ yếu không đi nhanh như các nhóm khác được.

Vừa tới bìa rừng Diệu Nhi nhìn về phía đệ đệ đang cười hớn hở dặn:

”Tiểu Sơn, nhớ đi theo tỷ kẻo lạc nha.”

Tiểu Sơn vốn là một đứa bé ngoan, lại rất nghe lời Diệu Nhi, nên cô vừa dặn, bé đã chạy đến bên cạnh cô đáp bằng giọng non nớt rất đáng yêu của trẻ con:

”Tiểu Sơn biết rồi ạ.”

Vì ý thức rõ ràng bản thân chỉ mới sáu tuổi, lại còn gầy nhẵng, yếu ớt dắt thêm một đứa bé ba tuổi nên Diệu Nhi không thể học mấy thằng nhóc trong thôn leo trèo lên cây hái quả, hoặc đi sâu vào trong núi hơn một chút, tránh tình trạng chưa kiếm được giống rau nào đã gây ra họa khiến người thân lo lắng. Nhìn quanh một hồi Diệu Nhi nói với Kim Hoa và Lý Lệ:

”Chúng ta chia nhau ra mỗi người một hướng nhé, chịu khó nhặt những quả mà tên nhóc kia làm rơi dưới gốc cũng được. Đừng đi vào sâu nhé. Ta nghe người lớn nói nguy hiểm lắm.”

”Chúng ta biết rồi.” Kim Hoa và Lý Lệ đồng thanh đáp.

Chia địa bàn xong, Diệu Nhi dắt Tiểu Sơn đi về phía Đông - nơi nàng chọn. Hai tỷ đệ đi loanh quanh một hồi, Diệu Nhi nhặt được một ít quả sơn trà, cô cắn thử. Má ơi, vừa chua vừa chát chẳng ngon lành gì mà sao bọn trẻ ở đây thích ăn thế nhỉ? Diệu Nhi nào biết, trẻ con nơi này làm gì có tiền mua quà vặt, có những trái cây dại này để ăn là may lắm rồi. Hơn nữa mùa này quả sơn trà chưa chín nên mới vừa chua vừa chát như vậy thôi, chứ chín rồi ăn rất ngọt.

Cũng may sau đó Diệu Nhi phát hiện ra một đám hoa cúc dại, nở rộ, vàng rực cả một khoảng đất. Hoa này hái được nè, mang về phơi khô nhét vào gối giúp giấc ngủ sâu và ngon hơn, có tác dụng an thần mà, hoặc đun nước uống làm thành trà thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, hoặc cắm vào bình trưng cho đẹp. Ha ha có rất nhiều công dụng nha.

Hái hơn nửa rổ hoa cúc, Diệu Nhi kéo Tiểu Sơn đi vào phía trong một chút, chợt cô phát hiện ra một cây dâu rừng, quả chín mọng trông ngon vô cùng. Quá phấn khích, cô vội vàng buông tay Tiểu Sơn chạy vội đến và hái luôn tay.

Tiểu Sơn lảo đảo chạy theo cô, nhìn mấy trái này ngây ngô hỏi:

”Tỷ tỷ, quả này ăn được không?”

”Được chứ!” Diệu Nhi vui vẻ đáp, không những ăn tươi mà còn có thể làm mứt dâu a, đáng tiếc nhà quá nghèo không có tiền mua đường, hic hic. Nụ cười trên môi cô hơi cương lại, sau đó cô nhanh chóng lấy lại tinh thần, cái gì cũng từ từ sẽ có tiền mua thôi, mỉm cười đưa cho tiểu Sơn một nắm trái dâu rừng chín mọng, và nói:

”Này, đệ ăn thử đi. Ngọt lắm!”

Tiểu Sơn nhận lấy và ăn ngấu nghiến, cái miệng nhanh chóng trở nên đen thui, vừa ăn vừa ngọng ngịu khen:

”Ngon quá! Ngọt quá!”

Lấy trong người ra một cái túi vải nhỏ do đại tỷ An Nhi may cho, Diệu Nhi cẩn thận bỏ dâu rừng vào, gói kín nhẹ nhàng đặt vào rổ, vừa làm vừa dặn đệ đệ:

”Cái này mang về cho phụ thân, nương, đại ca và đại tỷ nha.”

Tiểu Sơn nhanh chóng gật đầu, tay nhỏ bé còn cầm thêm mấy trái dâu rừng, vừa đi vừa ăn.

Có vẻ như vận khí ngày hôm nay của Diệu Nhi không tệ, ngay cạnh cây dâu rừng là một cây nhọ nồi. Đúng vậy, chính xác là cây nhọ nồi, cô không có nhìn lầm. Loại cây này ngoài công dụng chính là cầm máu ra thì còn có thể chữa các bệnh như viêm họng, mề đay, phát ban hay bị sốt nữa đấy. Trời ơi, lạc về thế giới cổ đại này thì việc phát hiện một cây thuốc nhiều công dụng thế này còn vui vẻ hơn việc có mười lượng bạc đấy. Ai chẳng biết nếu mà bị bệnh, dù là cảm nhẹ nhưng không có tiền đi lang trung thì cũng chỉ có nước nằm chờ chết a.

Vô cùng cẩn thận đào cả gốc rễ của cây nhọ nồi, dùng một lá cây dại to gói cả rễ và đất của nó lại bỏ vào rổ, sau đó Diệu Nhi đi loang quanh xem có phát hiện thêm cây nào nữa không, nhưng cuối cùng, may mắn chỉ có một lần thôi, cô không hề tìm thấy một cây nào khác nữa. Haiz, đành cố về chăm cây này cho nó sống vậy.

Lúc về Diệu Nhi thu hoạch thêm một loại rau cải dại nữa, nhìn có vẻ như lai giữa cây ngải cứu và xà lách ở hiện đại vậy, tuy nhiên cô đã bứt thử vài lá, vò nát và ngửi đúng là mùi cải nha. Thật là hạnh phúc quá đi!

Về đến nhà cũng gần trưa, đại tỷ đi giặt quần áo đã về, đang ngồi dưới mái hiên thêu thùa. Ôi, đây mới là một cô gái cổ đại chính hiệu a, nếu là đưa cho Diệu Nhi, cô chỉ có nước khóc thét lên mất. May vá còn tàm tạm chứ thêu thùa là thứ cô dở nhất đó.

Đại tỷ An Nhi thấy hai người về liền bỏ đồ trong tay xuống, đi nhanh ra đón. Vươn tay bê giúp Diệu Nhi chiếc rổ, lại liếc nhìn gương mặt lem luốc của tiểu Sơn, An Nhiên cau mày, khuôn mặt nhỏ ra vẻ trưởng thành nhăn lại:

”Muội làm gì mà tiểu Sơn lem luốc thế này? Nếu để phụ thân với nương biết sẽ đánh đòn muội đó. Mau vào đây, tỷ rửa mặt cho.”

Diệu Nhi nào có sợ hãi lời đe dọa này chứ, cười he he ôm lấy cánh tay đại tỷ nhà mình bắt đầu tỷ tê kể truyện sáng nay lên núi, rồi về những thứ mà cô mang về. Mới đầu An Nhi cũng chỉ cười mỉm cho qua, nhưng khi nghe đến tác dụng cầm máu của cây nhọ nồi thì trợn tròn mắt, ngạc nhiên hỏi:

”Diệu Nhi, điều muội mới nói là thật sao? Thứ này... thứ này là cây thuốc hả?”

Diệu Nhi nghiêm túc gật đầu xác nhận: “Đúng vậy, Tiểu Hổ bị gai cào rách tay chảy máu muội hái lá này đắp lên thì không hề chảy máu nữa, chẳng là thuốc còn gì. Có cây này, mai sau nhà chúng ta mà bị thương sẽ không lo lắng nhiều nữa.”

A men, xin chúa đừng trách con nói dối. Nàng chỉ dám nói ra một công dụng phổ biến nhất của cây nhọ nồi thôi, dù sao thân thể này sống ở đây từ nhỏ làm sao biết được những công dụng kia chứ. Nhưng nhìn vẻ mặt đại tỷ thì có lẽ chỉ mình công dụng nhỏ là cầm máu cũng khiến tỷ ấy choáng váng rồi.

Sau khi giúp Diệu Nhi trồng cây thuốc và mấy cây rau dại xong, cả hai tỷ muội thống nhất giữ bí mật cây này cho đến khi nó sống được đã, mất côn khoe ra mà nó chết thì mọi người thất vọng lắm. An Nhi dắt tiểu Sơn đi rửa mặt, còn Diệu Nhi mang hoa cúc bỏ vào cái sàng tre phơi ngoài sân, một bó khác thì mang vào cắm trong ống tre to được chính tay cô khắc hoa văn, tuy xiên xiên vẹo vẹo nhưng cũng lạ chứ bộ, đặt trên bàn trong phòng khách, trông khá là đẹp. Mấy trái dâu rừng thì Diệu Nhi rửa sạch bỏ vào rổ nhỏ cho ráo nước, để trưa nay làm trái cây tráng miệng.

Tiếp đó Diệu Nhi giúp đại tỷ An Nhi làm cơm trưa. Chiên mỗi người hai cái bánh bột ngô, riêng phụ thân và nương thêm một cái, một bát canh cá nấu rau dại, cá này do đại ca bắt hôm qua còn dư, dưa leo và cà chua hái trong vườn cắt lát trộn tỏi và muối. Ai ai ai, Diệu Nhi cảm thấy rất rất nhớ vị cay của ớt a, hy vọng lần sau vào núi có thể tìm thấy cây ớt dại.

Buổi trưa phụ thân, nương và đại ca đi làm về, trong nhà liền náo nhiệt hẳn lên. Diệu Nhi lăng xăng múc nước giếng mát lành cho phụ thân, nương và đại ca rửa mặt, rửa tay. Sau đó liền rót cho ba người mỗi người một bát nước hoa cúc loãng vừa nấu lúc trưa. Phụ thân uống một hơi hết cả bát nước to, xong nhíu nhíu mày hỏi:

”Mùi vị nước này hơi lạ, uống vào cảm thấy rất thoải mái.”

Nương và đại ca sau khi uống xong cũng gật đầu phụ họa. Lúc này đại tỷ từ trong bếp đi ra nhìn vẻ mặt nghi hoặc của ba người, và gương mặt vui vẻ của Diệu Nhi thì cười trả lời:

”Đây là nước hoa cúc dại Diệu Nhi hái về đấy. Uống nước này giúp cơ thể mát hơn và khỏe hơn đó ạ.”

”Thật sao?” Phụ thân vẫn còn hồ nghi hết nhìn An Nhi lại nhìn qua cô. “Không phải con hái bậy bạ gì đó chứ?”

”Thật mà, lần trước con có nghe Lý lang trung nói qua đó.” Diệu Nhi lại trổ tài nói dối không chớp mắt.

Nghe Diệu Nhi bảo do Lý lang trung nói thì phụ thân liền tin vì Lý lang trung là một đại phu có tiếng trên trấn Thanh Bắc. Sau khi hóa giải khúc mắc, ba người đồng loạt chìa bát xin thêm nước. Diệu Nhi thấy vậy, cười híp cả mắt.

Cơm trưa cả nhà ăn rất là vui vẻ, lại còn được tráng miệng bằng dâu rừng chín mọng do Diệu Nhi hái, uống nước trà hoa cúc tự chế, tuy có đơn sơ, mùi vị hơi nhạt nhẽo nhưng so với uống nước đun sôi để nguội thì đã là không tệ rồi.

Nhìn người một nhà cười nói vui vẻ, trong lòng Diệu Nhi tự động viên bản thân rằng: mọi thứ rồi sẽ tốt dần lên thôi.