Cuộc Sống Bình Dị

Chương 4




Sau vài ngày vất vả, một số lượng măng tươi lớn đã sơ chế xong, bây giờ chỉ cần phơi và chăm chỉ lật măng cho nó khô nữa là xong. Cả gia đình cảm thấy vô cùng phấn khích và háo hức, trông mong từng ngày, từng giờ đến ngày thu hoạch.

Bởi vì rảnh rỗi cho nên An Nhi tỷ lại lôi mớ khăn tay, hà bao đang thêu dở ra bắt đầu làm, hy vọng cuối tuần này sẽ xong để qua tuần phụ thân với nương đi bán măng khô nhân tiện bán chúng luôn, kiếm thêm chút tiền. Diệu Nhi ngồi trên ghế nhỏ, bên phải là cái đuôi tiểu Sơn, cả hai ngồi nhìn chằm chằm An Nhi tỷ thêu thùa. Diệu Nhi nghiêng nghiêng đầu bẹo má ngó ngó hình ảnh dần dần hiện ra trên khăn tay, rồi hơi nhíu mày nghĩ ngợi, nói:

”Đại tỷ, sao tỷ không thêu hoa mai, hoa hồng hay cúc gì đó, hoặc thêu mấy hình khác mà chỉ thêu mỗi một mình hoa mẫu đơn thôi vậy?”

An Nhi tỷ hơi giật mình, nhưng rất nhanh đã lấy lại bình tĩnh chăm chú thêu, đáp:

”Vì cô gái nào cũng thích hoa này a.”

”Đẹp thì có đẹp nhưng nhìn hoài cũng nhàm chán, nhất là ai ai cũng có sẽ không còn độc nhất vô nhị nữa. Tỷ tỷ, tỷ thử thêu hình muội với tiểu Sơn lên coi sao.” Đột nhiên nhớ đến những hình ảnh chipi ở thời hiện đại, cô cảm thấy với trình độ của An Nhi tỷ khả năng là thêu được, biết đâu lại kiếm được tiền.

An Nhi tỷ hơi sửng sốt hỏi:

”Thêu hình muội với tiểu Sơn á? Làm sao có thể chứ? Muội đừng quậy phá nữa được không?”

”Muội vẽ cho tỷ xem nha. Sau khi làm xong nếu đẹp thì mình mang đi bán, rủi mà không đẹp thì tỷ cứ coi như thêu tặng muội một cái khăn thôi mà.”

Vừa nói, Diệu Nhi vừa cầm một cây que nhỏ vẽ hình chipi của bản thân và tiểu Sơn đang vui đùa với nhau. Hình ảnh rất ngộ nghĩnh, dễ thương khiến An Nhi tỷ cũng cảm thấy hứng thú hỏi:

”Đây là muội vẽ muội và tiểu Sơn hả?”

”Đúng thế, bọn muội đang vui chơi đó.” Diệu Nhi đáp.

Cái đuôi tiểu Sơn bên cạnh vội vàng nhìn, lại vàng vội hào hứng hô:

”Nhị tỷ, tỷ vẽ đẹp quá!”

Diệu Nhi nghe vậy, cái cằm nhỏ khẽ hếch lên kiêu ngạo đáp:

”Đó là đương nhiên.”

Nói xong hai tỷ đệ hâm này nhìn nhau phá ra cười. Tiếp đó sau khi nhận được cái gật đầu chấp thuận là sẽ thêu hình vẽ này lên một túi hà bao nhỏ để tặng cho hai tỷ đệ, Diệu Nhi mới thuận theo sự lôi kéo của tiểu Sơn tiếp tục công cuộc vẽ vời. Haiz, cổ đại, nhà nghèo không có giấy bút thật bất tiện a.

Lại qua thêm vài ngày nữa, măng đã gần được, mẻ cuối cùng cũng chỉ cần phơi thêm một hai nắng nữa là có thể mang lên trấn bán. Trong khoảng thời gian này, sau khi mang chiếc hà bao thêu hình tỷ đệ Diệu Nhi chơi đùa cho cả nhà xem, ai cũng tấm tắc khen dễ thương, nương Lâm thị là một phụ nhân cũng coi như có chút tầm nhìn, nghĩ mấy thứ này sẽ bán được tiền vì trông lạ mắt, nên huy động Diệu Nhi vẽ, bà và An Nhi thêu.

Ngoài vẽ hình chipi người, Diệu Nhi còn vẽ cả hình con vật và hoa lá đủ loại mới lạ khiến hai người kia hận không thể mọc thêm ba đầu sáu tay để thêu cho hết. Mãi cho đến khi năm cái hà bao, sáu cái khăn ra đời thì Diệu Nhi mới khuyên nhủ hai người không nên gấp gáp, để bán thử xem có được không, nếu bán được thì mua vài miếng vải loại tốt tốt một chút, thêu cẩn thận bán cho mấy người nhà giàu, giá sẽ cao hơn. Hai người ngẫm lại lời của Diệu Nhi thấy cũng đúng nên mới thôi, nghỉ ngơi một ngày.

Hôm nay mới đầu giờ Dần cả nhà ngoại trừ tiểu Sơn đều dậy, tất bật chuẩn bị cho chuyến đi buôn bán đầu tiên. Tối qua Diệu Nhi dùng hết vốn liếng mồm miệng của mình để năn nỉ phụ thân với nương cho cô đi theo lên trấn, nên hôm nay dù phải dậy sớm cô vẫn thấy thật háo hức.

Măng khô gom hết lại cũng chỉ được một bao tải lớn, may mà tối qua phụ thân có mượn xe trâu nhà Thành thúc nên hôm nay việc đi lại cũng không quá khó khăn. Trong khi mọi người bận rộn bỏ thêm vài thứ lên xe, thì Diệu Nhi lấy một cái hũ nhỏ múc ít măng chua đem theo, có gì quảng bá luôn. Sau khi phụ thân và nương dặn dò đại ca với đại tỷ xong, chiếc xe trâu trở một nhà ba người kèm theo một đống đồ linh tinh bắt đầu đi.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Diệu Nhi xuất hiện ở thế giới này mới được đi ra ngoài, đi khỏi thôn nhỏ nơi cô ở, cho nên nếu bảo cô không háo hức là nói dối. Bất chấp thời tiết rạng sáng vẫn còn hơi lạnh và trời còn khá tối không nhìn rõ được gì cả nhưng cô vẫn mở to mắt, hết nhìn đông lại nhìn tây. Gió nhẹ táp vào mặt, lạnh, vài sợi tóc rối bay bay, hít một hơi tràn đầy không khí trong lành và ngọt ngào, cô thầm nghĩ: môi trường không có ô nhiễm thật thích.

Đi khoảng hơn một canh giờ mới đến nơi, đập vào mắt Diệu Nhi đầu tiên là cửa cổng trấn. Rất to, tuy không xa hoa bằng những gì cô thấy trong tivi nhưng so với thôn nhỏ nơi cô ở đã là cực kỳ tốt rồi. Sau khi báo danh tính thì được cho vào, Diệu Nhi nghi hoặc nghĩ ở trong đầu, không phải nộp lộ phí hả? Nhưng vì thời điểm không tiện nên cô cũng không mở miệng hỏi nương.

Phụ thân đánh xe trâu đến thẳng một tửu lâu khá to. Nhìn kiến trúc và cách trang trí vẫn còn thô sơ, tuy nhiên cũng đã làm cho trí tò mò của Diệu Nhi được thõa mãn. Cô bây giờ được thấy hình thật, việc thật tửu lâu của cổ đại a.

Dừng xe lại, ba người đi xuống, chỉnh sửa quần áo một chút, phụ thân Trương Tranh đi tới cửa tửu lâu. Một tiểu nhị vội vàng đi ra tiếp đón, nhìn thấy ba người hơi nghi hoặc một chút, tuy nhiên không hề có ánh mắt khinh thường hay miệt thị nào như trong các tiểu thuyết xuyên không khác, hỏi:

”Có chuyện gì vậy?”

Phụ thân Trương Thanh khẽ cười hàm hậu đáp:

”Vị tiểu nhị ca, chuyện là thế này nhà chúng tôi có chút món ăn thôn quê muốn bán cho tửu lâu của mình, không biết chúng tôi có thể gặp chưởng quầy để thương lượng được không?”

Nghe phụ thân nói xong vẻ mặt tiểu nhị như đã hiểu ra, nhanh chóng cười nói:

”Vậy phiền mấy vị chờ cho một lát.”

Diệu Nhi nháy nháy mắt mấy cái, cảm thấy rất lạ. Có lẽ nơi này người nông dân thường xuyên đi bán mấy món ăn dân dã cho tửu lâu đi, nên họ mới có thói quen dễ nói chuyện như vậy.

Thật không ngờ, điểm này bị Diệu Nhi của chúng ta đoán đúng rồi.

Ba người chờ không lâu lắm thì chưởng quầy đi ra, đó là một người đàn ông trung niên tầm trên ba mươi, gương mặt bình thường, nhưng lại có một đôi mắt rất khôn khéo, và tinh ranh. Tuy là người có tiền nhưng khi nhìn thấy ba người nhà Diệu Nhi, nụ cười xã giao trên môi ông không hề tắt, trên gương mặt cũng không có một chút khinh thường nào.

Ông đứng trước mặt phụ thân Trương Tranh, chấp tay hỏi:

”Vị huynh đệ này muốn gặp Chu mỗ đúng không?”

Phụ thân Trương Tranh có chút khẩn trương, giọng hơi run, thật thà đáp:

”Đúng vậy! Gia đình tôi có chút đồ ăn thôn quê muốn hỏi thử chưởng quầy xem tửu lâu có cần không?”

Chu chưởng quầy khẽ cười, cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên gì lớn lắm, hỏi:

”Là cái gì vậy?”

”Măng khô.”

Phụ thân Trương Tranh đáp xong, lấy một cái giỏ đựng chút măng khô đưa cho Chu chưởng quầy xem. Biện pháp này là do Diệu Nhi nghĩ ra, thay vì mỗi lần chào hàng cứ phải mở bao tải ra thì khá bất tiện, nên cô nói với phụ thân và nương bỏ riêng một ít ra bên ngoài, để những người muốn mua xem thử.

”Ồ.” Chu chưởng quầy khá ngạc nhiên, bàn tay cho vào giỏ nhỏ cầm lên một nắm măng khô ngắm nghía. Diệu Nhi vẫn luôn nhìn chăm chú nên không khó để bắt gặp sự ngạc nhiên xen lẫn với vui mừng vừa lóe qua trong mắt ông ta. Trong lòng cô thầm nghĩ, vụ mua bán này chắc sẽ thành công đây.

Sau khi nhìn ngó kỹ càng một hồi, Chu trưởng quầy quay qua nói với phụ thân Trương Tranh:

”Măng khô này là...”

Phụ thân Trương Thanh thấy vẻ ngập ngừng của trưởng quầy sợ là nghi ngờ xuất xứ nên vội vàng đáp:

”Cái này là do thê tử của tôi làm, chỉ là bí quyết gia truyền thôi, cũng không có gì cao sang cả. Nếu Chu trưởng quầy thấy được thì cứ cho một cái giá, coi như là giúp đỡ phu thê nghèo chúng tôi kiếm chút bạc mua gạo sống qua ngày.”

Lại bàn bạc thêm một hồi, Chu chưởng quầy đồng ý mua, nhưng với một điều kiện, sau này họ cần nữa thì bên nhà cô phải cung ứng tiếp, cũng may phụ thân Trương Tranh không phải là người quá thành thật không biết suy nghĩ sâu xa, cũng biết cách đáp:

”Nếu lúc đó còn măng tươi, chúng tôi sẽ làm và bán cho một mình tửu lâu của ngài.”

Nguyên một bao bự nhồi thật chắc vậy mà cũng chỉ được có mười cân, Chu chưởng quầy trả hai mươi ba văn tiền một cân, tổng thu được là hai trăm ba mươi văn. Bận rộn cả tuần chỉ thu được nhiêu đây, haiz, đúng là kiếm tiền khó ghê. Tuy Diệu Nhi thấy khá ít, nhưng với cha nương thì lại cảm thấy không sai, bởi vì nhà nông thời gian này cũng khá rảnh rỗi, nhiều khi cả ngày cũng không kiếm được mười văn nữa, chứ đừng nói là hơn ba mươi văn thế này.

Trước khi về, Diệu Nhi nhanh nhẹn bê hủ măng chua nho nhỏ đi đến trước mặt Chu trưởng quầy cười nói:

”Chu thúc thúc, đây là một ít măng chua nhà con tự làm, biếu chú một ít ăn lấy thảo. Nếu thấy ngon thì chú mua ủng hộ gia đình con nhé.”

Chu trưởng quầy nhận lấy hủ mang chua từ tay Diệu Nhi, mở ra xem thử, một mùi măng chua xộc ra, rất thơm. Ông ta hơi nghi ngờ nhìn qua ba người và hỏi:

”Cái này... là măng chua sao?”

Diệu Nhi cười đáp:

”Đúng ạ. Cái này mà nấu canh chua, ếch xào măng chua, thịt kho măng chua,... rất rất nhiều món khác nữa, vị nó hơi chua chua nên khiến món ăn càng thêm hấp dẫn và lạ miệng đó ạ.”

Chu trưởng quầy vẻ mặt như tỉnh ngộ, nói:

”Thì ra là thế. Được rồi, cái này ta nhận, nếu thật sự buôn bán được ta sẽ mua của nhà các ngươi.”

”Vậy con đa tạ Chu thúc thúc trước ạ.” Diệu Nhi nhanh miệng, cười ngọt ngào nói.

Chu trưởng quầy thấy vậy, vươn tay xoa nhẹ đầu cô, rồi quay qua phụ thân với nương đứng bên cạnh nói:

”Hai người thật có phúc, có một tiểu nữ nhi thông minh, tinh quái như vậy.”

Phụ thân Trương Tranh cười hàm hậu đáp:

”Chu trưởng quầy quá khen.”

Bán măng xong, cả nhà cùng đi đến một cửa hàng chuyên bán đồ thêu thùa, may vá để bán mấy cái hà bao và khăn tay nương cùng An Nhi tỷ làm mấy ngày qua. Vì hình vẽ khá mới lạ nên lần này người ta mua giá cao hơn mấy cái lần trước tận ba văn, vậy là một cái hà bao giá tám văn, một cái khăn tay giá mười văn, tổng cộng thu về được một trăm văn. Nương lại mua thêm một ít vải và chỉ thêu về để thêu. Diệu Nhi đứng trong cửa hàng, ngó quanh một hồi thấy không có bán vòng tay tết bằng các sợi dây màu, nên trong lòng cô âm thầm quyết định mua một ít về làm. Mấy cái trò tết dây màu thành vòng tay này ở hiện đại cô gái nào cũng biết tết vài kiểu hết a.

Sau một hồi năn nỉ ôi nương mua cho một bó dây màu nhỏ với giá mười văn, Diệu Nhi vui vẻ ra về, trong khi nương vẫn còn cằn nhằn đủ điều.