Cửu Dung

Quyển 2 - Chương 19: Khanh [1] hãy tạm thời về nhà (1)




[1] Thời cổ đại, “khanh” còn là cách xưng hô giữa những cặp vợ phu thê hòa thuận, ý hợp tâm đầu

Tôi nhìn theo Minh Nguyệt Hân Nhi rời đi, thở dài thườn thượt, mối lo trong lòng cuối cùng cũng đã được giải tỏa, tôi có thể ra đi rồi.

Băng Ngưng là người biết võ công, tôi không lo lắng lắm. Bảo Bảo xử sự thận trọng, cũng không khiến người ta nghĩ ngợi. Chỉ riêng Minh Nguyệt Hân Nhi, tôi hy vọng con bé thật sự có thể nghe theo lời khuyên của tôi, từ nay về sau rời khỏi Thẩm gia thị phi này.

Bóng đêm dần trầm lắng, ánh đom đóm như bạc như tơ, lặng lẽ làm lạnh tấm bình phong. Cơn tịch mịch bất đắc dĩ này, ai người thu lại nỗi buồn phiền muộn nghìn năm?

Tôi đứng lặng trong phòng thật lâu, chờ đến khi đêm thanh người vắng, cả khu vườn tràn ngập hoang hoài trong trẻo nhưng lạnh lùng thì mới khoác tay nải, nhẹ nhàng đi ra ngoài, đóng cửa lại.

Trong sân lóe lên mấy chiếc đèn lồng, giữa bóng đêm tĩnh lặng tỏa ra thứ ánh sáng khi chớp khi tắt. Tiếng kêu Kinh trập [2] từ lùm cỏ truyền đến, trong lòng tôi nhất thời đâm có phần ngẩn ngơ. Mùa hè sắp sửa qua đi, mùa thu thời ngắn ngủi, ngay sau đó là mùa đông giá rét sương lạnh buốt xương.

[2] Một trong hai mươi tư tiết khí và được xếp là tiết khí thứ năm. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường rơi vào ngày mùng Năm, mùng Sáu tháng Ba Dương lịch tùy theo từng năm và kết thúc vào ngày Hai mươi hoặc Hai mươi mốt tháng Ba. Kinh cỏ nghĩa là “làm kinh sợ”, Trập chỉ các loài côn trùng đang trú đông dưới đất, đến tiết Kinh trập sẽ có tiếng sấm đầu tiên, đánh thức các loài côn trùng thức dậy bò lên mặt đất kiếm thức ăn và phát ra tiếng kêu của chúng.

Ra đến cửa chính, Cúc ma ma và A Thanh đã chờ sẵn. Thấy tôi, Cúc ma ma cười quái dị một tiếng, nói móc: “Tiểu thiếu phu nhân, người khác gọi cô một tiếng Thiếu phu nhân, nhưng trong mắt Cúc ma ma ta, cô mãi mãi cũng chỉ là tiểu thiếp. Ngày đó ta đón cô vào cửa, hôm nay lại là ta đưa cô ra ngoài. Quả nhiên là lẽ trời vằng vặc, báo ứng xác đáng mà”. A Thanh thì lạnh lùng đứng đó không nói tiếng nào.

Tôi mặt không đổi sắc, cũng không nhìn hai người bọn họ lấy một cái, chậm rãi ra khỏi Thẩm gia. Chỉ nghe “ầm” một tiếng, cửa chính Thẩm gia đã nặng nề đóng lại phía sau lưng. Từ giờ trở đi, tôi đã không còn là người của Thẩm gia nữa.

Trong lòng tôi khe khẽ thở dài. Trên đường trong đêm tối không có lấy một bóng người. Cái bóng của tôi bị ánh đèn vàng vọt kéo dài ra mãi, thui thủi bước đi, tĩnh mịch và cô đơn.

Cũng không phải là chặng đường quá dài, tôi đi mất ngót nghét một đêm. Cả người cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, mãi đến khi sắc trời tang tảng, tôi mới đi đến trước cửa nhà mình. Cửa nhà đóng chặt. Tôi gõ vào cái, không ai lên tiếng. Giờ tôi mới nhìn thấy cái khóa trên cửa. Thì ra cha tôi cũng không có nhà. Nếu cha tôi thấy tôi bỗng nhiên bị Thẩm gia đuổi về, ông sẽ có vẻ mặt thế nào đây?

Tôi nghĩ ngợi lung tung, không biết bao lâu sau, thì thấy cha đang hát mấy đoạn Lỗ kịch [3] trở về từ đằng xa. Ông uống say bí tỉ, trong tay còn cầm một bầu rượu, chân nam đá chân chiêu mà đi tới, thân mình lảo đảo.

[3] Chỉ tuồng Sơn Đông – một loại hí kịch chỉ có ở tỉnh Sơn Đông. Ngày nay, từ này được dùng để chỉ các tác phẩm truyền hình hoặc điện ảnh của Trung tâm chế tác phim truyền hình điện ảnh Sơn Đông.

Đi đến gần, cha mới nhìn thấy tôi. Ông có phần mơ màng không rõ, hỏi: “Dung Nhi, sao sáng sớm thế này mà con lại về nhà? Sao… sao ngay cả một nhà đầu cũng không mang theo? Tướng công con cũng thật là, không đi cũng con. Cũng không cho người báo trước thời gian với cha, để cha ở nhà chờ con”.

Tôi cười xót xa. Một năm trôi qua, nhà tôi vẫn là nhà tranh vách đất như trước. Hiện giờ dù là Chính hạ, nhưng sáng sớm vẫn hơi lạnh, tôi bất giác khẽ rùng mình một cái.

“Con nhìn con đi con gái, sáng sớm về nhà mẹ đẻ, cũng không mặc thêm nhiều quần áo một chút. Lạnh rồi phải không. Nào, vào trong nhà cho ấm”. Tuy rằng cha đã ngà ngà say, nói chuyện cũng ngọng líu ngọng lô, nhưng suy nghĩ vẫn còn tỉnh táo. Ông vừa nói vừa mở khóa trên cửa, mà không làm sao tra được chìa vào trong khóa.

Tôi lẳng lặng đón lấy chìa khóa, mở khóa cửa, đỡ cha vào nhà.

Giờ cha mới nhìn rõ tay nải trên tay tôi. Sắc mặt ông khẽ thay đổi, nói: “Dung Nhi, con và tướng công cãi nhau à? Cha nói với con này, phu thê còn son, đầu giường đánh nhau cuối giường hòa giải, việc này cũng không đáng ngại gì. Nhớ năm xưa cha và mẹ con, đúng thật là cãi nhau trận lớn ba năm bảy, cãi nhau trận nhỏ cãi hằng ngày. Người khác đều nói cha mẹ không thể ở bên nhau lâu dài, kết quả thì sao? Kết quả là tình cảm giữa chúng ta vẫn rất tốt. Đó gọi là phu thê mà không cãi nhau thì không phải phu thê chân chính, đó là một đạo lý đấy…”. Cha tôi cứ thao thao bất tuyệt, tôi chờ ông nói kha khá rồi mới lạnh nhạt: “Cha, con bị Thẩm gia đuổi ra ngoài”.

Cha tôi nghe vậy, sắc mặt nhất thời thay đổi, bầu rượu trên tay rơi xuống đất “cạch” một tiếng.

“Con gái, thế rốt cục là chuyện gì? Chẳng lẽ do Thẩm lão phu nhân kia xử oan cho con?”. Cha tôi vừa che giấu sự kích động trong lòng, vừa nhặt bầu rượu rơi xuống đất lên, vừa hỏi tôi. Nhưng ông liên tiếp nhặt vài lần, vẫn không tài nào nhặt lên được. Tôi ngồi xổm xuống, giúp ông cầm bầu rượu lên, đặt vào tay ông, đáp: “Lão phu nhân không xử oan cho con”.

“Vậy thì… đã xảy ra chuyện gì?” Cha tôi có phần nghi ngờ hỏi: “Chẳng lẽ là tiểu tử Thẩm Hồng kia đã nhắm trúng người khác? Nhưng cha đã gặp nó mấy lần, nó không giống hạng người như thế”.

Nhắc tới Thẩm Hồng, trong lòng tôi chỉ cảm thấy khẽ run lên. Tôi nói: “Cha, cũng không phải. Là Lão phu nhân cưới con gái của Đỗ tri phủ Đỗ Linh Nhược cho Thẩm Hồng, Đỗ Linh Nhược từng nói rằng, trượng phu chỉ có thể cưới một mình cô ta, không thể có thêm một tiểu thiếp nào khác. Cho nên Lão phu nhân đuổi con về nhà”.

Cha tôi nghe không đầu không đuôi, hỏi: “Vì sao đương yên đương lành, Thẩm Hồng lại muốn tục huyền? Chẳng phải trước kia nói là muốn lập con làm chính thất sao?”.

Tôi gật gật đầu, kể đại khái chuyện lúc tỷ thí tửu vĩ công, Thẩm gia suýt chút nữa gặp họa diệt môn, nói: “Lão phu nhân cũng chỉ muốn tìm cho Thẩm gia một chỗ dựa vững chắc thôi. Đứng trên khía cạnh lợi ích của Thẩm gia, bà làm vậy không hề sai”.

“Khốn nạn! Khốn nạn! mẹ kiếp, thật khốn nạn!” Cha tôi mắng to: “Lúc cần đến chúng ta thì coi chúng ta như báu vật, đến lúc không cần thì coi chúng ta không bằng cả rơm rác! Mẹ nó chứ, khốn nạn thật, chả ra cái gì! Tên tiểu tử Thẩm Hồng kia nói thế nào? Cũng nghe lời mẹ nó à?”.

“Chàng còn chưa biết chuyện, có điều sáng mai sẽ biết thôi. Cho dù trong lòng chàng có gì đi chăng nữa, chung quy cũng không lay chuyển được Lão phu nhân. Với lại, ngay từ đầu đến cuối, chàng chỉ biết có mình Liễu Vũ Tương, sẽ không đặt những người khác vào lòng đâu.” Tôi hờ hững nói, trong dạ lại có chút đau đớn.

Cha tôi nhổ nước bọt, mắng: “Khốn nạn! Mẹ nó chứ, thật khốn nạn! Cả nhà Thẩm gia đều là bọn khốn! Già thì là lão khốn nạn! Lớn thì là đại khốn nạn! Nhỏ thì là tiểu khốn nạn!”. Cha tôi lải nhải liên miên mắng cả nửa buổi, nói: “Dung Nhi, giờ con có dự định gì không? Con cứ quyết định không về Thẩm gia nữa à?”.

Tôi gật gật đầu, đáp: “Lúc trước cũng đâu phải bản thân con cam tâm tình nguyện đi đâu”.

Cha tôi nghe tôi nói xong mấy câu này, hơi xấu hổ mà cười bảo: “Không về cũng tốt. Sau này cha sẽ tìm cho con một đám còn tốt hơn nhà họ Thẩm”.

Tôi im lặng không nói gì. Cha tôi an ủi: “Con còn nhớ hồi xưa vì sao đặt tên cho con là Cửu Dung không? Ông thầy tướng xem bói nói con mệnh ngạnh, thế gian khó chứa, chỉ ông trời mới có thể dung nạp. Trời chính là Cửu tiêu cơ mà, trời mới là Hoàng đế. Con gái nhà chúng ta mới không thèm làm thiếp của Thẩm gia gì đó kia, sau này con gái nhà chúng ta sẽ làm phi tử của Hoàng đế”. Cha tôi nói xong, chính ông lại nở nụ cười trước.

Tôi lại không thấy những điều ông nói có gì buồn cười, chỉ bảo: “Cha, con hơi mệt một chút, con muốn đi nghỉ”.

“Được được được! Phòng của con trước đây thế nào thì giờ vẫn vậy, chưa từng suy chuyển gì cả”. Cha tôi nói xong, thu dọn phòng ốc cho tôi, để tôi đi nghỉ tạm.