Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Chương 26




Đến gần cuối tháng Chín - giờ đã thấy giá lạnh trong hơi gió - Giancarlo nhận được điện thoại của ông Kaufmann từ Amsterdam; có một chỗ khuyết cần người chơi cello trong một nhóm nhạc thính phòng nhỏ ở một khách sạn năm sao giữa trung tâm thành phố. Nhóm nhạc chơi trên ban công nhìn xuống phòng ăn một tuần bốn tối, và các nhạc công cũng có những “công việc nhẹ nhàng ngoài âm nhạc” khác trong khách sạn. Chỗ ăn chỗ ở đều có đủ. Ông Kaufmann đã nhớ ngay đến Tibor và chỗ làm này đang để ngỏ chờ cậu. Chúng tôi đem tin cho Tibor tức khắc - trong quán ngay buổi chiều ông Kaufmann gọi đến - và tôi nghĩ tất cả đều bất ngờ vì phản ứng lạnh nhạt của Tibor. Đấy hẳn nhiên là ngược lại hoàn toàn với thái độ của cậu hồi đầu mùa hè, khi chúng tôi sắp đặt buổi “diễn thử” trước ông Kaufmann. Giancarlo là người đặc biệt giận dữ.

“Thế thì cậu cần suy nghĩ cẩn thận đến thế là vì sao?” anh ta nạt cậu thanh niên. “Cậu còn muốn cái gì? Carnegie Hall hả?”

“Không phải là tôi không biết ơn. Nhưng dù sao tôi cũng cần nghĩ kỹ đã. Chơi cho người ta vừa nghe vừa nói chuyện vừa ăn. Rồi lại những công việc khách sạn nữa. Có thật như thế thích hợp với một người như tôi không?”

Giancarlo vốn là một người nóng tính, nên lúc này chúng tôi phải giữ không cho anh túm cổ áo Tibor và hét vào mặt cậu. Một số còn cảm thấy cần thiết phải đứng về phía cậu bé, nói rằng suy cho cùng đấy là cuộc đời cậu, cậu không việc gì phải bắt buộc nhận một công việc cậu không thích. Tình hình dần dần dịu lại, và Tibor đến lúc đó lại thừa nhận rằng công việc này cũng có những điểm lợi nếu coi là biện pháp trước mắt. Và thành phố chúng tôi, theo cậu ta nhận xét có phần vô tâm, rồi sẽ thành tù túng khi mùa du lịch đã qua. Amsterdam ít ra cũng là một trung tâm văn hóa.

“Tôi sẽ suy nghĩ việc này cẩn thận,” cuối cùng cậu nói. “Có lẽ anh có thể giúp tôi nhắn với ông Kaufmann là tôi sẽ báo lại quyết định trong vòng ba ngày.”

Giancarlo không thể nói là hài lòng vì thế - dù gì thì anh cũng đã trông đợi lòng biết ơn dạt dào - nhưng vẫn đi gọi lại cho ông Kaufmann. Trong cả cuộc tranh luận tối hôm đó, Eloise McCormack không được nhắc đến lấy một lần, nhưng chúng tôi đều rõ ảnh hưởng của bà là nguyên do mọi lý lẽ của Tibor.

“Con mụ đó đã biến thằng bé thành một đứa ngạo mạn,” Ernesto nói sau khi Tibor đi. “Cứ để nó mang thái độ ấy đến Amsterdam. Rồi nó sẽ được giũa cho nhẵn.”

Tibor chưa bao giờ nói với Eloise về lần diễn thử cho ông Kaufmann. Cậu đã định tâm kể hàng bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng rụt lại, và tình bạn của họ càng sâu đậm thì việc cậu từng đồng ý làm thế càng giống một sự bội ước. Thế nên tất nhiên Tibor không hề có ý định hỏi ý Eloise về diễn biến mới nhất này, hoặc kể cả để hở cho bà biết. Nhưng cậu chưa bao giờ giỏi giấu giếm, cho nên quyết định giữ bí mật với bà lại thành ra có những kết quả không ngờ.

Chiều hôm đó ấm một cách bất thường. Cậu đã đến khách sạn bà ở như lệ thường, và bắt đầu chơi vài bản mới mà cậu đang chuẩn bị. Nhưng chỉ vừa sau ba phút, bà đã bảo cậu dừng và nói:

“Có chuyện gì đó không ổn. Tôi đã nghi từ lúc anh mới vào. Tôi đã hiểu anh rõ lắm rồi, Tibor, tôi đoán được, gần như từ lúc nghe anh gõ cửa. Bây giờ khi anh chơi thì tôi biết chắc. Không ích gì đâu, anh không thể giấu tôi đâu.”

Cậu đã cảm thấy rầu lòng, liền cụp mắt xuống, đã định thổ lộ can tràng mọi việc, thì bà giơ tay lên và bảo:

“Đây là một chuyện chúng ta không thể cứ chạy trốn mãi. Anh cứ luôn tìm cách lẩn tránh, nhưng không được gì đâu. Tôi muốn nói về chuyện đó. Cả tuần vừa qua này, tôi đã muốn nói về chuyện đó.”

“Thật ư?” Cậu nhìn bà kinh ngạc.

“Phải,” bà nói, và xoay ghế để quay mặt về phía cậu lần đầu tiên. “Tôi chưa bao giờ có ý định lừa anh, Tibor. Mấy tuần vừa qua, đối với tôi thật không dễ dàng, và anh lại là một người bạn thân thiết. Tôi sẽ phật lòng vô cùng nếu anh nghĩ tôi có bao giờ định giở mánh khóe nào với anh. Không, làm ơn, đừng tìm cách ngăn tôi lại lần này. Tôi muốn nói điều này. Nếu anh đưa tôi cây đàn ngay bây giờ và bảo tôi chơi, tôi sẽ phải nói không, tôi không thể chơi được. Không phải vì cây đàn không đủ tốt, không phải như thế. Nhưng nếu bây giờ mà anh nghĩ tôi nói dối, nghĩ tôi giả vờ đóng một vai không phải của tôi, thì tôi muốn nói anh đã nhầm. Hãy nhìn những thứ chúng ta đã cùng đạt được. Chẳng lẽ đấy không phải bằng chứng rằng tôi không nói dối? Phải, tôi đã bảo anh tôi là một bậc thầy. Chà, hãy để tôi giải thích ý tôi là thế nào. Ý tôi là tôi được ban cho một tài năng, cũng như anh. Anh và tôi, chúng ta có một thứ mà hầu hết các nhạc công cello khác không bao giờ có được, dù họ có tập luyện cực khổ thế nào. Tôi đã nhận ra được ở anh, từ phút đầu tiên nghe anh chơi trong cái nhà thờ ấy. Và cách nào đó, anh chắc cũng đã nhận ra ở tôi. Vì thế anh mới quyết định đến khách sạn này hôm ấy.

“Người như chúng ta không có nhiều, Tibor ạ, và chúng ta nhận ra được nhau. Chuyện tôi vẫn chưa học cách chơi cello chẳng thay đổi gì cả. Anh phải hiểu, tôi là một bậc thầy. Nhưng tôi là một người vẫn chưa lột xác. Cả anh nữa, anh vẫn chưa lột xác hoàn toàn, và đấy là điều tôi đã làm mấy tuần vừa rồi. Tôi đã cố giúp anh trút bỏ những lớp vỏ đó. Nhưng tôi chưa bao giờ định lừa dối anh. Chín mươi chín phần trăm người chơi cello không có gì bên trong những lớp vỏ, không có gì cần thoát ra. Thế nên những người như chúng ta, ta phải giúp đỡ nhau. Khi chúng ta nhìn thấy nhau trong quảng trường đông đúc, dù ở đâu, chúng ta phải đến với nhau, bởi những người như chúng ta quá ít.”

Cậu nhận thấy mắt bà có những giọt lệ, nhưng giọng bà vẫn vững vàng. Đến đây bà lặng yên và lại quay mặt đi.

“Thế nên bà tin mình là một nghệ sĩ cello đặc biệt,” sau một chốc cậu nói. “Một bậc thầy. Đám còn lại chúng tôi, Miss Eloise ạ, chúng tôi phải gom góp can đảm và tìm cách lột xác, như cách bà nói, lúc nào cũng nơm nớp không biết sẽ tìm thấy gì bên trong. Nhưng còn bà, bà không thèm quan tâm đến việc lột xác này. Bà không làm gì cả. Nhưng bà vẫn tin chắc bà là một bậc thầy…”

“Xin anh đừng bực tức. Tôi biết nghe có vẻ điên khùng. Nhưng chuyện là thế, đấy là sự thực. Mẹ tôi, bà nhận ra tài năng của tôi từ sớm, từ khi tôi còn nhỏ. Ít nhất tôi biết ơn bà vì thế. Nhưng những giáo viên bà tìm về cho tôi, khi tôi lên bốn, khi tôi lên bảy, khi tôi mười một, họ chẳng ra gì. Mẹ không biết thế, nhưng tôi biết. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có bản năng này. Tôi biết mình phải bảo vệ tài năng của mình khỏi những người, dù thiện ý đến đâu, có thể hoàn toàn tiêu diệt nó. Thế nên tôi tránh họ. Anh cũng phải làm thế, Tibor. Tài năng của anh là điều quý giá.”

“Xin lỗi bà,” Tibor ngắt lời, lần này nhẹ nhàng hơn. “Bà nói bà đã chơi cello hồi còn nhỏ. Nhưng bây giờ…”

“Tôi đã không chạm vào đàn từ hồi mười một tuổi. Từ cái ngày tôi nói với mẹ mình không thể tiếp tục học ông Roth. Và mẹ tôi hiểu. Bà đồng ý là tốt hơn nên không làm gì cả và ngồi đợi. Điều cốt yếu là không được làm hỏng tài năng của tôi. Thời của tôi vẫn có thể sẽ đến. Được rồi, có những lúc tôi nghĩ mình đã để quá muộn. Tôi đã bốn mươi mốt tuổi rồi. Nhưng ít nhất tôi vẫn chưa làm hỏng những gì mình có từ lúc sinh ra. Tôi đã gặp rất nhiều giáo viên qua năm tháng, những người nói họ sẽ giúp tôi, nhưng tôi nhìn thấu họ. Đôi lúc khó mà nói được, Tibor ạ, ngay cả với chúng ta. Những thầy giáo ấy, họ quá… chuyên nghiệp, họ nói quá hay, anh nghe họ và ban đầu anh bị lừa phỉnh. Anh nghĩ,phải, cuối cùng cũng có người có thể giúp mình, có người thuộc về chúng ta. Rồi anh nhận ra họ chẳng phải là người ấy. Và đấy là lúc anh phải cứng cỏi mà tách mình ra. Nhớ lấy, Tibor, tốt nhất luôn là đợi. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó chịu, rằng tôi vẫn còn bọc kín tài năng của mình. Nhưng tôi chưa làm hỏng nó, và đấy là điều quan trọng.”

Cuối cùng cậu cũng chơi cho bà nghe vài bản cậu đã chuẩn bị, nhưng họ không thể khôi phục tâm trạng thường ngày và kết thúc buổi tập sớm. Xuống đến quảng trường, họ uống cà phê, nói chuyện ít, đến lúc cậu cho bà biết kế hoạch rời thành phố một vài ngày. Cậu vẫn luôn mong muốn khám phá vùng quê quanh đây, cậu nói, thế nên cậu đã lên một kỳ nghỉ ngắn ngày cho mình.

“Kỳ nghỉ sẽ có lợi cho anh,” bà nói nhỏ. “Nhưng đừng đi lâu quá. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.”

Cậu trấn an bà rằng cậu sẽ về sau một tuần là nhiều nhất. Dù thế, trong dáng vẻ bà vẫn còn gì đó không vui khi họ chia tay.

Cậu không hoàn toàn thành thực về chuyến đi: cậu chưa lên kế hoạch gì cả. Nhưng sau khi chào Eloise chiều hôm đó, cậu về nhà và gọi vài cú điện, cuối cùng cũng đặt được một giường ở một nhà nghỉ thanh niên trong vùng núi gần biên giới vùng Umbria. Cậu đến gặp chúng tôi trong quán tối hôm ấy, và ngoài việc nói với chúng tôi về chuyến đi - chúng tôi đưa ra đủ lời khuyên mâu thuẫn về việc xem gì ở đâu - cậu còn gần như bẽn lẽn nhờ Giancarlo nhắn với ông Kaufmann cậu đồng ý nhận làm.

“Tôi còn làm thế nào được?” cậu bảo chúng tôi. “Đến khi quay lại, tôi sẽ chẳng còn một xu.”