Đại Ca

Chương 26




Ngụy Khiêm thoạt đầu sửng sốt, rồi trong lòng dâng lên cảm giác khó nói thành lời, như có một mối liên hệ không máu mủ dính dấp trong tim gã.

Gã thả lỏng người, dựa lên bồn rửa mặt lạnh ngắt, thấy cảm giác lạnh giá ấy gần như là nén đau.

“Nói nhảm gì thế?” Ngụy Khiêm nhìn nó, đột nhiên bật cười, hỏi đùa, “Nhóc con, mày thì đáng mấy đồng? Bé gái mua về còn có thể làm con dâu nuôi từ bé, mua một thằng nhãi choai choai như mày làm gì? Ăn cơm hộ người ta à?”

Ngụy Chi Viễn nhận ra rằng mình đã nói một câu ngu xuẩn, nó đột nhiên phát hiện hễ mở miệng là mình sẽ vô thức bắt chước trẻ thiểu năng Tống Tiểu Bảo, chọn những lời ngu xuẩn nhất, sắp hết sửa nổi rồi.

Ngụy Chi Viễn quyết định không thể tiếp tục như vậy, đáng yêu là không đủ, làm nũng giả bộ dễ thương cũng không đủ.

Nó đứng ngay ngắn, nói năng hùng hồn như đội viên thiếu niên tiền phong tuyên thệ trước quốc kỳ: “Chờ em lớn lên, em sẽ chăm sóc anh, em đi kiếm tiền nuôi anh được không?”

Ngụy Khiêm bỗng hơi mềm lòng, lần đầu tiên cảm thấy rõ ràng tim mình đã bị chiếm một phần, thế nên không biết phải làm sao, gần như không thể biểu đạt, đành phải ra vẻ người lớn cười nhạo Ngụy Chi Viễn: “Vậy mày mau lớn lên đi, tao thấy củ cải cũng sắp cao hơn mày rồi đấy.”

Ngụy Chi Viễn thề nguyền son sắt: “Em muốn lớn lên ngay ngày mai, em… em cả đời đều tốt với anh, sau này không để anh phải chịu khổ nữa.”

“Lớn lên ngay ngày mai?” Ngụy Khiêm khom lưng bế Ngụy Chi Viễn lên chỉ bằng một tay, ném tên nhóc con không đi giày lên giường, “Tao phải đi đâu tìm phân hóa học có tác dụng ngay lập tức như vậy?”

Cơ bắp trên tay gã run rẩy không tự chủ được, thậm chí một tay không vững lắm, Ngụy Chi Viễn ôm cổ gã theo bản năng, giây tiếp theo lại ngượng ngùng rụt về – nó đột nhiên cảm thấy động tác này hơi bị xấu hổ, giống như chỉ trong chớp mắt mà nó đã đến giai đoạn khó thích ứng được với sự thân cận của trẻ nhỏ.

Ngụy Khiêm tắt đèn, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Một mặt gã thật sự mệt mỏi, một mặt được em trai truyền cho sức mạnh thuộc về người trưởng thành chân chính, nguồn sức mạnh này chèo chống giúp gã thản nhiên mà bình tĩnh.

Muốn mạng của gã? Nào dễ như vậy, Nhạc Hiểu Đông không chừng còn chưa kịp đầu thai đâu.

Ngụy Chi Viễn ngậm miệng, trong bóng đêm, nó căng mắt nhìn khuôn mặt nghiêng đường nét mơ hồ của anh hai.

Gã khẽ nhắm mắt, nét mặt an bình, bóng mũi và môi tựa như tranh vẽ, tóc hơi dài, một lọn buông xuống trán, mang máng hiện ra vài phần trẻ con sắp mất đi.

Trong thẩm mỹ quan bước đầu hình thành của Ngụy Chi Viễn, nó cảm thấy trên thế giới không còn người thứ hai đẹp như anh trai mình, anh nó tựa như thiên thần duy nhất trên đời, gánh vác hết những gian khổ vốn nên rơi xuống đầu nó, chống lên một mái che nho nhỏ giữa mưa gió.

Hôm sau Ngụy Khiêm vẫn không dám ăn quá nhiều, dạ dày còn đang đau âm ỉ.

Ngụy Chi Viễn chạy đến quán cơm xin nghỉ một ngày, sau đó bắt đầu quấy rầy Ngụy Khiêm, khăng khăng đòi về nhà, thằng bé này mới hôm qua còn liều mạng đắp nặn mình thành hình tượng một chàng trai mà hiện giờ đã giở lại thói cũ, bắt đầu không từ trò nào kể cả làm nũng lẫn chơi xấu… có lẽ nó cũng chẳng biết dùng chiêu khác để đối phó anh hai.

… Kết quả của cuộc đấu tranh là, nó bị Ngụy Khiêm dùng băng keo trong dán miệng.

Ngụy Khiêm hoạt động đơn giản một chút rồi ngồi xuống đọc hai quyển sách giáo khoa mang theo.

Sách giáo khoa cấp ba là thứ cực kỳ ngược đời, tóm lại là muốn nhàm chán bao nhiêu cũng được, nhưng Ngụy Khiêm không thấy thế, gã xem ngấu nghiến như đói như khát vậy.

Ngụy Khiêm bỏ học đã quá lâu, gã không muốn lúc quay về không theo kịp chương trình.

Mỗi lần mở sách là lòng gã sẽ yên bình như kỳ tích… Huống hồ xem cũng rất vui, chủ cũ của sách là một người kỳ lạ rất thích phát biểu cảm tưởng, ngay cả hàm số lượng giác cũng có thể biên thành các đoạn ngắn, cậu này còn cực giỏi vẽ rùa nữa, trừ bài học và bút ký thì mỗi góc trống đều bị vẽ đủ các loại rùa với rất nhiều tư thế.

A, đúng rồi, cậu chàng kỳ lạ kia ghi chú trên tờ cuối cùng là: “Thần quy nhất xuất, thùy dữ tranh phong, dục thành quy công, tất tiên tự cung.”(1)

Không biết cậu này rốt cuộc học hành đến cảnh giới nào đây.

Ngụy Khiêm bình tĩnh đến tận buổi trưa khi người đưa cơm tới.

Người này mang theo hai phần thức ăn – Ngụy Chi Viễn bình thường làm thuê ở đối diện, buổi trưa không về ăn, cơm cũng chỉ đưa cho mình gã, hôm nay bởi vì không muốn ăn nên Ngụy Khiêm căn bản không dặn đối phương đưa thêm một phần… Điều này chứng minh rằng có người đang theo dõi hai anh em.

Khách sạn do Triệu Lão Cửu đặt, không chừng là tài sản của chính họ, nếu vậy ngay cả trong phòng cũng chưa chắc được an toàn, bởi vì rất có khả năng có camera.

Nghĩ đến đây, Ngụy Khiêm lập tức giữ nguyên nét mặt điềm nhiên, im lặng về ngồi trên chiếc sofa nhỏ, rút tờ giấy ghi chú, một mặt giống như vô công rồi nghề vẽ “thần quy” trên quyển sách giáo khoa cũ, đồng thời lòng chùng xuống mà cân nhắc.

Ngụy Khiêm quá quen suy đoán lòng người, gã biết phần lớn quyền thủ tầng dưới chót đều giống gã, thiếu tiền, muốn kiếm một khoản rồi đi; với những người này mà nói, cầm được khoản lên sàn rồi thì hầu hết không cầu mong thêm tiền thưởng, cũng có nghĩa là chẳng ai liều mạng để chiến thắng.

Nếu trận thứ hai họ yên ổn qua được thì trận thứ ba chắc chắn sẽ đến, nhưng rất ít có khả năng dùng thuốc kích thích – bởi vì thua thì thôi, thua thì đầu hàng xin tha, chịu vài đòn, chẳng có gì ghê gớm cả.

Nhưng nếu trận thứ hai đã bức họ đến bước đường cùng thì trận thứ ba chắc hẳn những người này sẽ không đánh nữa.

Ngụy Khiêm không biết đối phương theo dõi chặt chẽ đến mức nào, gã cơ bản có thể đoán được khách sạn là của đối phương, nhưng trong phòng liệu có bị theo dõi, di động liệu có bị nghe trộm, ra ngoài phải chăng bị bám đuôi, thì Ngụy Khiêm không thể xác định – có thể có một hoặc hai mục, nhưng ít có khả năng chu đáo mọi mặt, bọn Triệu Lão Cửu không thể nào dư thời gian như vậy.

Vả lại, giả dụ Triệu Lão Cửu thật sự có thể chu đáo mọi mặt, cả thành phố đều nằm trong tay họ, những người này không thể rút lui, ít nhất trận thứ ba còn có thể giả chết.

Ngắc ngoải cố lết lên đài, bị đập một phát ngã luôn, dù sao cũng có thể lý giải chứ?

Ngụy Khiêm vẽ một cái đuôi rùa nom buồn cười, ngòi bút chợt khựng lại, gã thầm nghĩ, cần phải sắp xếp thế nào để những đả thủ nghèo vừa tiếc mạng vừa tham tài này hăm hở liều mạng?

Nắm giữ nhược điểm? Thí dụ như bắt cóc người nhà?

Hình như cũng không khả thi lắm, theo những gì mấy ngày qua gã biết thì rất nhiều quyền thủ cấp thấp đều không gia đình không nghề ngỗng, chỉ có một thân một mình, vả lại giọng Nam điệu Bắc, vùng nào cũng có, kế hoạch quá lớn như vậy, khoan nói đến mất công mất sức, không ở trên địa bàn của mình còn dễ xảy ra chuyện nữa.

Cho nên Ngụy Khiêm kết luận, nhân tố mấu chốt phải đơn giản và rõ ràng hơn nhiều – hoặc là tiền, hoặc là huyết tính.

Gã đoán, thời gian giữa trận thứ hai và trận thứ ba chắc chắn cực kỳ ngắn, thậm chí có khả năng những người đó sẽ ép gã một ngày đánh hai trận… nhưng ép kiểu nào đây?

Cách thức cụ thể nhất định cực kỳ đơn giản, nhưng vừa khéo léo vừa hiệu quả.

Ngụy Khiêm phác họa cái đuôi rùa, thầm nghĩ lòng tham với tiền gã có thể khống chế được, trong lòng tự biết chừng mực, kiếm đủ là đi. Hơn nữa Ngụy Khiêm tin rằng rất nhiều người cũng nghĩ như mình, về phần huyết tính… Ai trong số họ chưa từng gặp đủ mọi hạng người, với lại một số người đâu còn nhỏ dại gì, huyết tính không dễ bị kích thích như vậy.

Gã tạm thời chưa nghĩ ra được, bèn buông bút, vẫy tay gọi Ngụy Chi Viễn: “Đi, theo tao ra ngoài một chuyến để gửi tiền cho bà nội.”

Ngụy Khiêm ăn mặc chỉnh tề, thoạt đầu làm bộ không quen đường sá xung quanh, mua một tấm bản đồ ở ven đường cầm xem, còn không ngừng dẫn Ngụy Chi Viễn đi lòng vòng, sau hai vòng, Ngụy Chi Viễn liền hiểu.

Thằng bé nhạy cảm cực kỳ, lập tức cảnh giác muốn quay đầu lại, bị Ngụy Khiêm ôm đầu ngăn cản.

Gã dẫn Ngụy Chi Viễn đến bưu điện, giữ cho mình năm trăm, ba ngàn rưỡi còn lại gửi cho bà Tống, sau đó lấy một mớ tiền lẻ mua hai cây kem ven đường, mình một Ngụy Chi Viễn một. Hai anh em đi mãi đến một đoạn đường khá trống trải, bốn bề vắng vẻ, Ngụy Khiêm mới nói khẽ với Ngụy Chi Viễn: “Về sau không được nói lung tung, nghĩ cách liên lạc với anh Tam, nhưng đừng để bị bắt gặp, bảo ổng sau khi đến cũng không được tới tìm chúng ta.”

Ngụy Chi Viễn hiểu ý như kỳ tích, cũng hỏi khẽ: “Gọi ảnh tới làm gì ạ?”

“Tao còn chưa biết, chờ tao nghĩ đã.” Ngụy Khiêm liếc thấy chỗ giao lộ có một người dáng vẻ khả nghi, dường như đang đánh giá hai anh em, đụng phải ánh mắt gã lại nhanh chóng làm bộ nhìn nơi khác.

Là một người theo dõi chẳng cao minh lắm.

Ngụy Khiêm bình tĩnh nhìn xuống, hơi lên giọng đổi chủ đề, “Đúng rồi, tao còn chưa hỏi mày, kết quả thi cuối kỳ thế nào?”

Ngụy Chi Viễn trong chớp mắt mặt tươi như hoa, nói rõ to: “Hạng nhất ạ!”

Bởi nó thường xuyên cố ý thay đổi nhanh chóng giữa hai biểu hiện mình “rất ngốc rất ngây thơ” và “rất thông minh rất hữu dụng”, kinh nghiệm tâm thần phân liệt phong phú, cho nên Ngụy Chi Viễn đổi vai cực nhanh, khiến Ngụy Khiêm cũng phải sửng sốt.

Ngụy Khiêm dừng một chút mới thuận miệng hỏi: “Có ai đồng hạng không?”

Lúc này hai anh em đã đi qua giao lộ, lướt qua người theo dõi, giống như đều chẳng mảy may chú ý tới đối phương.

Mà Ngụy Chi Viễn cũng giống một đứa trẻ thực sự ngu ngốc, ưỡn ngực ngẩng đầu, chẳng hề luống cuống biểu diễn “học sinh giỏi khoe khoang” là gì: “Lớp em chưa từng có ai đồng hạng với em cả! A, đúng rồi, anh hai, em quên nói, Tiểu Bảo lần này xếp thứ mười từ dưới đếm lên, cô giáo chỉ đích danh phê bình, còn nói học kỳ sau phải mời anh đến nói chuyện đó.”

“… Vậy hả,” Ngụy Khiêm cười gượng, “Sao tao vẻ vang quá vậy?”

Giữa nguy cơ bốn bề làm bộ làm tịch thích hợp như thế, lại còn không quên tiện thể mách lẻo vụ Tống Tiểu Bảo!

Ngụy Khiêm nghĩ, thằng oắt con này thật là không ai bằng mà.

Chập tối, Ngụy Khiêm nhận được lời thăm hỏi của Triệu Lão Cửu, mới đầu hắn hỏi han ân cần một phen, dặn gã thích ăn gì thì kêu người đi mua, đánh xong trận đầu, cho gã một tuần để thích ứng, muốn đi dạo ở vùng này thì có thể nhờ người đưa cơm làm hướng dẫn viên.

Triệu Lão Cửu còn cố ý nhắc đến Ngụy Chi Viễn: “Em trai cậu lớn nhanh thật, tôi thấy quần nó lúc mới đến còn ổn mà chớp mắt đã cộc một đoạn rồi… Ôi, tuổi này thật phí quần áo, mà cũng đành thế thôi.”

Hắn nói như vậy, buổi chiều cùng ngày người đưa cơm liền mang đến một bộ quần áo, mặc rất vừa vặn.

Họ vừa đến chưa đầy nửa tháng, Ngụy Chi Viễn không ăn phân hóa học hiệu quả cao, cũng chẳng hóa thành hạt đậu biến đổi gen một đêm là mọc tận trời, sao có thể làm ngược ông trời đến mức chớp mắt quần đã cộc một đoạn?

Ngụy Khiêm biết Triệu Lão Cửu đang dùng Ngụy Chi Viễn để cảnh cáo gã.

Để báo đáp, Ngụy Khiêm không chút khách sáo nhận quần áo, sau đó hỏi thiếu niên đưa cơm nơi được nhất vùng này, cuối cùng chọn một nhà hàng Pháp, dẫn Tiểu Viễn đi ăn sang một bữa.

Gã tỏ ra là một kẻ mù đường không phân được phương hướng, dọc đường giơ bản đồ hỏi lung tung không ngừng, thỉnh thoảng ném ra mấy vấn đề rất thiếu thường thức, dùng hết mọi cách moi chuyện từ thiếu niên nọ.

Ngụy Khiêm không biết đồ ăn Pháp có ngon không, gã chọn nhà hàng này là bởi vì vừa vặn phải đi ngang qua sàn đấu ngầm.

Lúc đi qua, Ngụy Khiêm nhìn bên đó, đồng thời bóp tay Ngụy Chi Viễn.

Ngụy Chi Viễn lập tức hiểu ý, giả ngu hỏi: “Anh, anh nhìn gì vậy? Đó là nơi nào thế?”

Ngụy Khiêm cũng làm bộ xấu hổ nhìn thiếu niên dẫn đường rồi thấp giọng nói: “Đừng hỏi linh tinh, đó là nơi người ta làm việc.”

Thiếu niên dẫn đường thoáng qua nụ cười trào phúng, nhưng nhanh chóng thu lại, theo lời Ngụy Khiêm tán dóc với Ngụy Chi Viễn: “Đúng vậy em trai, người lợi hại nhất mới có thể vào làm việc, em hãy mau mau lớn lên đi, lớn rồi là cũng được vào đó.”

Đang nói thì làn gió ẩm ướt thổi đến mùi hôi thối, Ngụy Chi Viễn bịt mũi, ngô nghê nói với gã thiếu niên dẫn đường: “Hai anh chỉ lừa con nít, hôi muốn chết, em cảm thấy nơi đó chẳng lợi hại chút nào hết!”

Chỉ thấy một cái xe rác to chạy ra từ một giao lộ cực nhỏ, bên trên chất mấy thùng rác cỡ lớn và những bịch rác nhỏ to nhiều vô kể.

Ngụy Khiêm dụi mũi, đột nhiên giật mình – đúng, những người bị chết đi đâu rồi?

Kẻ có thân nhân tự nhiên có người nhận đi, vậy còn những kẻ không thân thuộc, thậm chí không nói tên thật, xác họ đi đến nơi nào?

Ngụy Khiêm suy tính nhanh chóng, làm bộ quê mùa ngạc nhiên nói: “Ồ, các cậu có cả người chuyên quét dọn rác thải cơ à, chỗ chúng tôi chả có, toàn phải tự mình xử lý thôi, mấy điểm đổ rác hôi chết được.”

Thiếu niên dẫn đường trông cũng không giống nhân vật nòng cốt, liền thuận miệng đáp: “Vâng, có người thu rác, chở đến vùng ngoại thành phía Tây, chai lon nọ kia bán được thì bán, còn lại thì đốt – ôi, sắp ăn cơm rồi, nói chuyện buồn nôn như vậy làm gì?”

Phía Tây thành phố?

Ngụy Khiêm xem bản đồ, chỉ thấy đó là một dải đất trống, không có kiến trúc nào có cơ cấu và dễ thấy, đại khái là một khu vực hoang vắng hiếm ai thèm tới, lân cận có một con sông nhỏ, uốn lượn chảy qua từ trung tâm thành phố.

Trong lòng gã tích tắc đã có một phỏng đoán.

Mà một tuần cũng trôi qua trong chớp mắt.

  1. Câu này nhại Ỷ Thiên Đồ Long ký và Tiếu ngạo giang hồ. “Thần quy nhất xuất, thùy dữ tranh phong” (thần rùa xuất hiện rồi thằng nào dám đấu) nguyên gốc là “Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong” (Ỷ Thiên không xuất hiện thì lấy gì đấu với Đồ Long). Đoạn sau thì mình không nhớ nguyên văn, chỉ biết nó là câu đầu tiên khi mở Tịch Tà kiếm phổ, nghĩa là muốn luyện môn võ công này thì phải tự cung trước. Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi đều đã luyện.