Đại Đường Song Long Truyện

Chương 668: Nằm ngoài dự liệu




Trên núi ánh đuốc chiếu khắp nơi, những tán cây chập chờn sáng tối, nhìn từ xa tựa như vô số con rồng lửa kéo dài về phía Tây Nam, cả bầu trời đêm cũng bị biến thành màu đỏ.

Vô Danh từ trên cao lao xuống đậu trên vai Khấu Trọng. Chủ nhân của nó sắc mặt lầm lỳ ngưng thần nhìn về phía xa xa dưới chân núi, những cánh rừng rậm xanh bạt ngàn đầy sức sống trước kia giờ đã bị thiêu trụi thành một dải đất hoang khô cằn đầy tro tàn.

Bạt Dã Cương, Úc Nguyên Chân và gần ngàn quân tinh nhuệ đứng sau lưng gã đợi lệnh. Người người đều nắm chắc dây cương, chỉ cần lệnh được ban ra, họ sẽ lập tức lên ngựa ra trận quyết chiến với kẻ thù.

Khấu Trọng tay cầm cương ngựa, trong lòng lại nhớ đến Thiên Lý Mộng đã thảm tử sa trường. Nó đã cùng gã đi khắp thiên sơn vạn thủy, từ thảo nguyên cho tới hoang mạc, nhiều lần vào sinh ra tử, rốt cuộc cũng không tránh khỏi kiếp nạn.

Gã có thể đàm tiếu dụng binh khi đối diện với Lý Thế Dân, có thể tỏ ra kiên cường bất khuất và tự tin tuyệt đối khi đứng trước với thủ hạ. Thế nhưng thực chất tinh thần Khấu Trọng đã sớm bị những nỗi đau trước cảnh sinh ly tử biệt trên chiến trường làm cho kiệt quệ, có điều gã không thể không tiếp tục gắng sức cho đến khi đạt được thắng lợi cuối cùng.

Đột nhiên Khấu Trọng cảm thấy thèm rượu, thèm cái cảm giác nốc cạn từng chung, uống cho đến khi bất tỉnh nhân sự, khi đó mới có thể tạm quên đi thế gian lãnh khốc vô tình này.

Cái chết của Dương Công Khanh đã khiến gã suy nghĩ cả đêm, hoài nghi những quyết định mang tính chiến lược của mình. Giả như gã không đến Lạc Dương, Đậu Kiến Đức phải chăng sẽ có một vận mệnh khác?

Thế nhưng gạo đã thành cơm, có hối hận đến đâu cũng không bù đắp lại được. Gã chỉ có thể tiếp tục kiên trì, toàn lực chống cự quân Đường.

Được Khấu Trọng đích thân soái lĩnh, đội quân đoạn hậu đã phục kích và đánh tan hai cánh quân tiên phong của địch. Điều đáng mừng là gã dám khẳng định đối phương không đem theo ba con ác thứu còn lại. Thế nên Vô Danh có thể phát huy hết khả năng trinh sát trên không, khiến gã nắm được tình thế của truy binh, thi triển chiến thuật tới lui như gió, dĩ kỳ chế thắng, đánh nhanh rút gọn của người Đột Quyết.

Ánh lửa chợt xuất hiện dưới chân núi, lại thêm một cánh kỵ binh nữa của quân Đường đuổi đến. Căn cứ vào đường bay trên không của Vô Danh, đây chính là toán quân đuổi theo cuối cùng của địch. Nếu như loại trừ được sự uy hiếp này, gã sẽ chia quân thành nhiều đường rút chạy rồi tập kết tại một địa điểm, sau đó cùng vượt qua Ẩn Đàm sơn, tiến về Thiên Thành hiệp.

Cho dù Lý Thế Dân tài cao hơn Gia Cát cũng không thể ngờ được gã lại có chiêu này. Tuy nhiên thành công hay thất bại còn phải chờ xem viện quân của Bạt Phong Hàn đến sớm hay muộn, ngoài ra lại càng phải trông vào việc gã có thể thiết lập những tuyến phòng thủ đủ mạnh để chống cự lại địch nhân với binh lực đông hơn nhiều lần trước khi đại quân của Lý Thế Dân kéo đến hay không.

Địch nhân từ dưới núi nhanh chóng tới gần.

Phóng mình lên ngựa, Khấu Trọng điên cuồng thét lớn:

- Các huynh đệ, giết!

Gần một ngàn người từ chỗ ẩn nấp trong rừng cây lao xuống sườn núi tựa như gió cuốn, xông về phía địch nhân còn đang lúng ta lúng túng.

o0o

Dương Hư Ngạn từ phía sau dãy nhà thứ hai phóng người bay lên, chân điểm xuống mái ngói mượn lực nhảy qua một khoảng không gian gần sáu trượng, vững vàng đáp xuống phía trước Thạch Chi Hiên và Lý Nguyên Cát khoảng mười bộ. Hắn quỳ một chân xuống cung kính nói:

- Bái kiến sư phụ! Đồ nhi thua mà tâm phục khẩu phục, xin sư phụ xử trí!

Thạch Chi Hiên ngửa mặt lên trời cười dài:

- Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, quả nhiên là cao đồ của Thạch mỗ! Thế nhưng ngươi làm sao biết vi sư sẽ không giết ngươi nhỉ?

Bọn Từ Tử Lăng nghe vậy trong lòng thầm kêu lợi hại. Mấy lời này của Thạch Chi Hiên vô cùng âm hiểm. Lão ám chỉ Dương Hư Ngạn biết rõ mình sẽ không bị giết nên mới xuất hiện, chứ không phải hắn thực sự vì Lý Nguyên Cát mà chịu dâng tính mạng. Đương nhiên nếu lúc này Thạch Chi Hiên lộ ra sát ý, hắn sẽ lập tức liều mạng bỏ chạy. Bất quá nếu Thạch Chi Hiên bức Dương Hư Ngạn tự sát mới thả Lý Nguyên Cát thì sẽ khiến hắn rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Từ Tử Lăng dám khẳng định Thạch Chi Hiên sẽ không đưa Dương Hư Ngạn vào chỗ chết, vì như vậy sẽ đảo lộn kế hoạch làm rối loạn Lý gia từ trong nội bộ của Ma môn. Cho dù Thạch Chi Hiên bất mãn Dương Hư Ngạn thế nào cũng sẽ không vì chuyện nhỏ mà làm hỏng việc lớn.

Dương Hư Ngạn từ từ đứng dậy, giọng nói sang sảng hiên ngang:

- Nếu một mạng của Hư Ngạn có thể đổi được sự sống cho Tề Vương, Hư Ngạn chết không hối tiếc.

Ánh mắt Lý Nguyên Cát lộ ra thần sắc cảm kích, song vì huyệt đạo bị kềm chế nên không sao nói được thành lời.

Thạch Chi Hiên cất giọng lạnh lùng:

- Ta chịu bao cực khổ mới dạy được một đồ đệ tốt, làm sao nỡ lòng đích thân giết chết. Thế nhưng từ giờ phút này ngươi không còn là đệ tử của Thạch mỗ nữa, lần sau gặp mặt đừng trách ta hạ thủ vô tình. Ngươi để Ngự Tận Vạn Pháp Căn Nguyên Trí Kinh lại thì có thể cùng Tề Vương lập tức cút đi thật xa, thực ra như vậy là Thạch mỗ đã giúp ngươi một việc lớn, sau này ta và ngươi không còn gì để nói nữa.

Dương Hư Ngạn không hề do dự rút từ trong bọc sau lưng ra một chiếc hộp sắt, cung kính nâng cao quá đầu rồi cúi người đặt xuống đất. Lui về phía sau đứng chung với bọn Lý Nam Thiên, hắn lớn tiếng nói:

- Xin Thạch đại sư hãy kiểm tra lại!

Cụm từ “Thạch đại sư” chính là để vạch rõ giới tuyến với Thạch Chi Hiên trước mặt mọi người. Đây cũng là điều mà Thạch Chi Hiên nói đã giúp đỡ Dương Hư Ngạn, khiến Lý gia không còn đề phòng hắn nữa.

Lý Nguyên Cát hự lên một tiếng rồi ngã gục xuống đất.

Bọn Lý Nam Thiên và Mai Tuần người người thất kinh. Thạch Chi Hiên vọt đến bên cạnh chiếc hộp, dùng chân hất lên rồi đưa tay đón lấy. Lão thản nhiên nói:

- Lý Nguyên Cát đã bị ta dùng thủ pháp độc môn phong bế huyệt đạo, khoảng hai canh giờ nữa sẽ tự động tỉnh lại. Nếu các ngươi dám cuồng vọng cùng các phương pháp vụng về của mình để giải huyệt, nói không chừng hắn sẽ biến thành phế nhân, lúc đó đừng trách ta không báo trước.

Đám người Lý Nam Thiên nghe vậy không khỏi cảm thấy thất vọng.

Bọn chúng vốn đang tính toán sau khi Thạch Chi Hiên thả Lý Nguyên Cát sẽ liên thủ với Dương Hư Ngạn quyết tranh hùng lần nữa với lão. Hiện tại ném chuột sợ vỡ đồ quý, cả bọn chỉ đành tiu nghỉu kéo quân về.

Mở chiếc hộp sắt xem qua một lượt các thứ bên trong rồi mới cất vào bọc, Thạch Chi Hiên cất giọng lạnh lùng:

- Cút!

Bọn Lý Nam Thiên thu lại binh khí, đi vòng qua hai bên Thạch Chi Hiên, cẩn thận đỡ Lý Nguyên Cát đang hôn mê dậy rồi nhanh chóng bỏ đi tựa như một bầy gà thua trận.

Thạch Chi Hiên không buồn để mắt đến đám thủ hạ bại tướng, hai tay chắp sau lưng ung dung đi tới phía trước Hầu Hi Bạch, Từ Tử Lăng và Loan Loan. Ánh mắt lão lướt về phía bọn Tích Thủ Huyền, cuối cùng dừng lại ở chỗ Hầu Hi Bạch.

Biên Bất Phụ nói với giọng bi thiết:

- Yêu nữ này đã phế một tay của ta, xin Tà Vương hãy chủ trì công đạo.

Không hề quay đầu lại, Thạch Chi Hiên lạnh lùng nói:

- Câm mồm, ta tự có chủ trương! Nếu không phải ngươi tửu sắc quá độ, cho dù Loan Loan có luyện thành Thiên Ma đại pháp cũng không đến nỗi ngươi chỉ đánh vài chiêu đã thảm bại. Muốn trách hãy tự trách mình đi!

Biên Bất Phụ lộ ra thần sắc oán hận, khóe môi giật giật liên hồi nhưng rốt cuộc cũng không dám lên tiếng.

Hầu Hi Bạch đấu không lại mục quang của Thạch Chi Hiên, đành cúi đầu ủ rũ nói:

- Hi Bạch xin thỉnh an sư phụ!

Thạch Chi Hiên mỉm cười đáp:

- Ngươi nên coi chừng Dương Hư Ngạn. Bụng dạ nó hẹp hòi, có cơ hội nhất định sẽ không bỏ qua đâu, bởi vì Hi Bạch ngươi đã trở thành người kế thừa duy nhất của Thạch Chi Hiên ta.

Hầu Hi Bạch ấp úng:

- Ừm… Đa tạ sư phụ chỉ điểm…

Thạch Chi Hiên chau mày hỏi:

- Đồ nhi vì sao lại ngập ngừng như thế? Có chuyện gì thì cứ nói ra, sư phụ không trách ngươi đâu.

Loan Loan và Từ Tử Lăng nghe vậy chỉ biết nhìn nhau, không hiểu nổi Thạch Chi Hiên thực sự đang nghĩ đến điều gì, càng không đoán được lão sẽ có hành động ra sao.

Ánh mắt hướng về bọn Tích Thủ Huyền, Hầu Hi Bạch hạ giọng:

- Đồ nhi bạo gan thỉnh sư phụ cùng rời bước ra đằng kia nói chuyện.

Thạch Chi Hiên ngạc nhiên hỏi:

- Cần gì phải thậm thà thậm thụt như vậy?

Đoạn lão quay về phía Tích Thủ Huyền nói tỉnh bơ:

- Các ngươi đi đi!

Tích Thủ Huyền, Vinh Phụng Tường và bọn Văn Thái Đình đồng thời thất thanh la lên:

- Sao cơ?

Thạch Chi Hiên trả lời như thể đó là chuyện đương nhiên:

- Ta muốn đơn phương xử lý việc này. Nói vậy đã rõ ràng chưa?

Đám người Tích Thủ Huyền chỉ biết nhìn nhau. Hiểu rõ tính cách từ trước đến nay của Thạch Chi Hiên là thuận lão thì sống chống lão thì chết, Đại Minh tôn giáo chính là một ví dụ điển hình, bọn chúng đành lặng lẽ bước đi.

Đến khi chỉ còn lại Loan Loan, Từ Tử Lăng và Hầu Hi Bạch ba người, Thạch Chi Hiên mới lên tiếng:

- Hi Bạch nói coi!

Hầu Hi Bạch lấy hết dũng khí hỏi:

- Phải chăng sư phụ đã đem Bất Tử Ấn Pháp truyền cho Dương Hư Ngạn?

Thạch Chi Hiên lộ vẻ ngạc nhiên:

- Sao Hi Bạch lại suy đoán như vậy? Vi sư có thể đảm bảo là không có chuyện đó.

Đưa mắt nhìn sang Từ Tử Lăng, Hầu Hi Bạch nói:

- Thế nhưng Tử Lăng khẳng định là Dương Hư Ngạn đã luyện thành Bất Tử Ấn Pháp.

Thạch Chi Hiên nhìn về phía Từ Tử Lăng.

Trong lòng Từ Tử Lăng chợt cảm thấy hoang đường, không ngờ rằng bọn họ lại có lúc đứng đây bàn chuyện phiếm với Thạch Chi Hiên. Gã nghiêm mặt nói:

- Khi ta đối chưởng với hắn, trong thân thể liền có cảm giác như bị vặn vẹo vô cùng khó chịu, tựa như lần đầu tiên giao thủ với tiền bối ở Thành Môn vậy.

Lộ ra thần sắc trầm tư, Thạch Chi Hiên gật đầu đáp:

- Đó đúng là hiện tượng khi Bất Tử Ấn Pháp xâm nhập vào cơ thể đối phương. Để ta suy nghĩ xem sao, có đáp án sẽ nói với Hi Bạch. Hảo tiểu tử! Thật không đơn giản chút nào.

Ba người đều không cảm thấy lạ, ngầm đoán được rằng Thạch Chi Hiên đã nắm được đầu mối, chỉ là không chịu nói ra thôi.

Hai câu bình luận sau cùng của Thạch Chi Hiên chứng tỏ một điều, rằng Dương Hư Ngạn đã có thể làm cho kẻ có võ công cao cường như lão phải sinh lòng cảnh giác.

Mục quang của Thạch Chi Hiên hướng đến gương mặt xinh đẹp của Loan Loan, lão thở dài hỏi:

- Phải chăng ngươi căm thù ta đến tận xương tủy?

Loan Loan bình tĩnh đáp:

- Xin Tà Vương đừng nói lời thừa nữa, Loan nhi nguyện lĩnh giáo cao chiêu.

Thạch Chi Hiên lộ ra nét cười cay đắng đầy nhân tình thế thái:

- Ta không hề giết chết Ngọc Nghiên! Họ Thạch này sao có thể hạ sát thủ với nàng để đã sai rồi lại tiếp tục sai thêm một lần nữa!

Loan Loan cúi đầu không lên tiếng, thân hình mềm mại khẽ run lên.

Ngửa mặt nhìn bầu trời tối đen, Thạch Chi Hiên thở dài một hơi rồi nhẹ giọng nói:

- Ta khuyên ngươi lần cuối cùng, Ngọc Nghiên ra đi như vậy chính là hợp với tâm nguyện, bởi vì nàng sống quá khổ sở, khổ sở tới mức không thể chịu đựng được, thế nên mới muốn cùng ta li khai chốn nhân gian đau thương này. Ngọc Thạch Câu Phần ta đã trải nghiệm một lần, sợ gì thử thêm lần nữa. Với công lực của ngươi tuyệt không có cơ hội cùng ta đồng quy ư tận, bởi vì ta sẽ không để ngươi sống đến lúc ra được chiêu đó. Hiện tại Âm Quý phái với ngươi đã không còn quan hệ gì, nên để vật quy nguyên chủ. Bỏ Thiên Ma quyết lại và ngươi có thể ra đi.

Từ Tử Lăng thầm nghĩ Thạch Chi Hiên quả không hổ danh Tà Vương, tài hùng biện chẳng hề thua kém Phục Nan Đà, chỉ vài câu nói đã dập tắt ý chí liều chết của Loan Loan, khiến nàng do dự có nên dùng Ngọc Thạch Câu Phần để cùng chết với lão hay không. Nếu cùng Thạch Chi Hiên giao thủ lúc này, Loan Loan chắc chắn sẽ rơi vào thế hạ phong.

Gã mỉm cười nói:

- Những lời này của Tà Vương dường như hơi thiếu cân nhắc. Loan Loan là người kế thừa mà Chúc hậu đã chỉ định, chuyện này ta có thể làm chứng, bởi vì chính miệng Chúc hậu đã nói với ta. Thế nên không ai có tư cách làm chủ Thiên Ma quyết hơn nàng.

Thạch Chi Hiên chẳng những không tức giận mà còn bật cười đáp:

- Được! Vậy ta sẽ nể mặt Ngọc Nghiên, cũng là để tạ lỗi với bà ấy, phá lệ một lần cho Loan nhi ngươi được bảo lưu Thiên Ma quyết đến khi bách niên quy lão.

Chân mày Loan Loan hơi nhếch lên, nàng thở dài hỏi:

- Loan nhi có thể hỏi Tà Vương một vấn đề không?

Thạch Chi Hiên xoay người từng bước đi về đầu thôn phía Nam, miệng ngân nga đầy cảm khái:

*Liễu xanh rủ bóng la đà

Cỏ cây như khói tình là như sương

Ngày xưa đây chốn vấn vương

Ngựa Hồ uống nước, tắm sương vui vầy

Đêm thanh trăng sáng như say

Hồ cầm văng vẳng như lay lòng người

Hỏi ai ở giữa cõi đời

Anh hùng dựa kiếm bên trời ngắm mây

Quanh co đường núi là đây

Băng hàn ba thước đóng dày quanh năm

Tiết xuân, Sứ Hán đến thăm

Băng kia thành nước, theo dòng về đông

Người đi dãi gió dầm sương

Chớ nên soi bóng trong gương làm gì

Trải bao khó nhọc gian nguy

Thân tâm tiều tuỵ, chỉ vì vạn dân

Lời thơ nhỏ dần, bóng dáng Thạch Chi Hiên cũng biến mất tại một lối rẽ vào rừng.

o0o

Khấu Trọng soái lĩnh binh sĩ tới lui xung sát trong địch trận, Tĩnh Trung Nguyệt biến thành bùa đòi mạng của địch nhân, kẻ nào trúng phải đao của gã chỉ có chết chứ không có chuyện bị thương. Trong thời khắc Lý Nguyên Cát một chưởng hạ sát Đậu Kiến Đức, gã đã thực sự hiểu thấu được ý nghĩa câu nói “kẻ nào đủ tàn nhẫn mới có thể sống sót” của Bạt Phong Hàn. Từ xưa tới nay, những người làm nên đại sự chẳng ai là không như vậy.

Trước đây gã vẫn biết đạo lý trên chiến trường không có chỗ cho lòng nhân từ, thế nhưng biết là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác.

Chính con đường đầy đau thương bi thảm từ Lạc Dương đến đây đã làm Khấu Trọng thay đổi. Sau khi tận mắt nhìn thấy Dương Công Khanh quy thiên, gã rốt cuộc đã bị chiến tranh cải biến thành một vị tướng soái lạnh lùng, hiểu được rằng muốn giành thắng lợi thì phải bất chấp thủ đoạn, dốc sức sát thương đả kích địch nhân cho đến khi đối phương không còn sức chống cự.

“Choang! Choang!”

Tĩnh Trung Nguyệt bạt trái quét phải. Khấu Trọng không nhìn bằng mắt, chỉ bằng thân ý sử dụng thủ pháp nặng chém hai tên địch bắn khỏi lưng ngựa, người chưa chạm đất đã chết vì nội tạng vỡ nát.

Thấy đối phương dũng mãnh đến điên cuồng, khí thế không thể chống đỡ, quân địch vừa kéo đến đã hoảng sợ thúc ngựa bỏ chạy toán loạn.

Khấu Trọng được thế không tha, lập tức dẫn đầu đội hùng sư dùng chiến thuật tạc xuyên lao về nơi địch nhân tập trung đông nhất. Một ngàn người tựa như mũi dùi xuyên thẳng tới, đánh cho kẻ địch thất điên bát đảo. Những ngọn đuốc rơi xuống đất bắt lửa vào cây cỏ cháy bùng lên khắp nơi, khói bốc mù mịt.

Kỵ binh của địch có đến ba ngàn người, thực lực nhiều hơn gấp ba, song chỉ một lần đối mặt đã bị phe Khấu Trọng chia cắt ra làm đôi, đầu đuôi không thể tiếp ứng. Lại thêm vài lần ngược xuôi xung sát, gã đã khiến quân địch rơi vào tình cảnh cực kỳ hỗn loạn. Ta tập trung còn địch phân tán, Khấu Trọng chiếm hết mọi ưu thế, nắm vững chiến thuật dĩ kì chế thắng và lấy nhanh đánh chậm của người Đột Quyết, cuộc chiến cứ thế tiếp tục diễn ra.

Đột nhiên có một đội nhân mã từ bên trái đánh tới. Giao phong cho đến lúc này, lần đầu tiên đối phương mới tổ chức được một đợt phản kích có quy mô.

Khấu Trọng hét lớn, dẫn đầu binh sĩ chuyển hướng xông về phía quân thù, sắc vàng trên Tỉnh Trung Nguyệt tỏa ra sáng rực. Tinh thần Khấu Trọng tiến nhập cảnh giới tập trung vô cùng vi diệu, đối với động tĩnh mạnh yếu của địch nhân nắm vững như lòng bàn tay, không bỏ qua bất kì điểm yếu hay ngón đòn nguy hiểm nào của đối phương giống như khi cao thủ quyết chiến.

“Choang!”

Tĩnh Trung Nguyệt nhanh như thiểm điện chém tới phía trước, một tên địch lập tức ộc máu mồm bắn ngược về phía sau. Khấu Trọng triển khai đao thế, dùng thuật nhân mã như nhất linh hoạt như thần đánh phá trận địch, triệt để phá tan thế tấn công mà chúng vừa lập được. Nhất thời cục diện biến thành hỗn chiến.

Lấy đầu ngựa của Khấu Trọng làm chuẩn, Úc Nguyên Chân, Bạt Dã Cương và chúng thủ hạ giữ vững cự ly bám theo gã tiến vào địch trận. Cuộc chiến kịch liệt như lửa lan dần, máu tươi vãi đầy mặt đất, xác chết la liệt khắp nơi, chiến mã mất chủ sợ hãi lồng lên càng khiến quang cảnh thêm hoảng loạn.

Đột nhiên hàn quang lóe sáng, một ngọn trường kích nhắm vào hông trái của Khấu Trọng đâm tới. Kích còn chưa đến mà kình khí đã khóa kín gã, công lực khá thâm hậu, là thế đánh có uy hiếp nhất đối với gã từ đầu cuộc chiến phục kích đến giờ.

Biết bị cao thủ tập kích, Khấu Trọng trước hết dùng cung hất ngã hai tên địch đang công đến từ phía trước, tiếp đó thuần bằng thân ý hồi đao chém trúng vào mũi kích lúc này chỉ còn cách eo gã có ba thốn.

Trường kích bị hất văng ra ngoài.

Khấu Trọng quay đầu sang phải mặt đối mặt với kẻ vừa tấn công, trong lòng lập tức dấy lên trăm ngàn cảm giác khó diễn đạt bằng lời.

Trường kích của đối phương lại lay động, theo một góc độ khác nhanh như thiểm điện đâm vào mặt Khấu Trọng.

Gã than thầm trong lòng, miệng cất tiếng chào:

- Sài huynh!

Loa Hoàn Kình phát ra, Tỉnh Trung Nguyệt bạt chéo về phía trước. Lưỡi đao chém mạnh vào đầu kích, chấn cho thế công hoàn toàn tiêu biến, tiếp đó kình lực chạy theo đường xoáy tựa như độc xà quấn chặt vũ khí đối phương. Trường kích theo đó mà bị cuốn lên cao, Sài Thiệu lập tức để hở toàn bộ phần ngực.

Cho dù đang ở trên chiến trường giao tranh khốc liệt không có chỗ cho những thứ tình cảm ủy mị, Khấu Trọng gặp phải tình địch này cũng không thể kềm chế được bản thân.

Nếu không phải vì Sài Thiệu, gã có thể đã sớm đi theo Lý Thế Dân, trở thành một mãnh tướng dưới cờ của hắn, vận mệnh sẽ theo đó mà đổi sang hướng khác.

Nếu gã giết chết Sài Thiệu, đối với Lý Thế Dân sẽ là một đả kích nghiêm trọng về mặt tâm lý. Đây chính là bản chất thực sự của cách đánh tiêu hao, tận lực làm cho đối phương thương vong càng nặng nề càng tốt.

Thế nhưng gã làm sao đối mặt với Lý Tú Ninh, làm sao đối diện với lương tâm của mình. Gã có thể hạ sát Lý Thế Dân không chút lưu tình, nhưng lại không thể nào nhẫn tâm giết chết phu quân của người tình đầu tiên.

Khấu Trọng thầm than “Bỏ đi” rồi thu lại Tĩnh Trung Nguyệt.

Sài Thiệu vốn đã cầm chắc cái chết, thấy Khấu Trọng đột nhiên dừng lại bèn ngây người nhìn gã, nhất thời quên cả phản kích.

Khấu Trọng cười nói:

- Sài Thiệu huynh, mời!

Đoạn hét lớn một tiếng quay ngựa chém giết xông về phía Đông.

Địch nhân sớm đã tan nát đội hình, quân của Khấu Trọng thế như chẻ tre xé toang trận địa đối phương, hướng về phía Tương thành ở phía Đông mà tiến.

(

(*)

Dịch thơ: Damma!

Đây là bài “Diêm châu quá hồ nhân ẩm mã tuyền” (Qua Ẩm Mã Tuyền của người Hồ ở Diêm Châu) của Lý Ích (748-829).