Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 63: Kho tàng trên núi (1)




Không tiện cùng nàng đôi có chuyện này, có tới năm cặp mắt đang nhìn bọn họ, Tả Thiếu Dương thấy Miêu Bội Lan về nhà nhưng chưa bỏ dao chẻ củi xuống, nhớ hôm qua nàng nói một ngày lấy năm gánh củi, nhân cơ hội nói: - Cô nương còn phải lên núi chặt củi phải không? Cho ta đi cùng nhé.

- Huynh đi làm cái gì? Miêu Bội Lan nhíu mày hỏi:

- Hái ít thuốc chữa mắt cho Nhị Tử. Tả Thiếu Dương mặt dày lấy lý do:

Miêu Bội Lan đoán chừng được y chỉ kiếm cớ, mặt thoáng hồng, nói: - Được, vậy thì đi. Nói rồi vào nhà bếp lấy ra một cái cuốc nhỏ và cái gùi đưa cho Tả Thiếu Dương.

Nha đầu này thật khó chơi, Tả Thiếu Dương đành gửi lại rương thuốc, cầm lấy gùi và cuốc, sau đó theo nàng rời thôn lên núi. Mai Thôn cách đỉnh núi chỉ vài trăm mét, trong thôn tất nhiên có cây, nhưng không thể chặt được.

Sơn đạo quanh co khúc khuỷu, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, hết sức nguy hiểm, nhưng phong cảnh không gì chê trách được, tuyết trắng, thông xanh, thấp thoáng những gốc mai nở rộ làm khung cảnh thêm rực rỡ muôn màu.

Miêu Bội Lan như mọi khi chỉ lầm lũi bước đi, không nói gì cả, Tả Thiếu Dương đi chậm hơn theo sau, mặc dù có cái lợi là thoải mái ngửi hương thơm cơ thể nàng do gió đưa tới, hơn nữa trải qua chuyện đêm qua ánh mắt nhìn Miêu Bội Lan không khỏi thêm vài phần xấu xa, cứ chăm chú vào ặp mông nhỏ tròn trịa đong đưa trước mặt, có điều lúc đầu là thế, khi Miêu Bội Lan đi hơi nhanh, làm y vất vả bám theo bắt đầu thở dốc thì chỉ còn ý nghĩ tìm cách hãm bớt tốc độ của nàng lại, sức đâu để mà lòng hươu dạ vượn nữa: Cứ im lặng mà đi thế này thì thành mình kiếm cớ đi hành xác sao, Tả Thiếu Dương kiếm đề tài bắt chuyện: - Cô nương có đọc sách không?

Miêu Bội Lan lắc đầu.

Hỏi ra khỏi miệng Tả Thiếu Dương thấy mình ngốc rồi, tuy chưa rõ tình hình thời Đường thế nào cũng biết hồi xưa chuyện đi học không phải dễ dàng, nam tử đã thế khỏi nói nữ tử, gãi đầu nói: - Cô nương muốn học không? Ta có thể dạy cô, ít nhất có thể biết chữ.

Miêu Bội Lan chợt dừng lại, quay đầu nhìn thẳng vào mắt y một lúc, sau đó lại lắc đầu bước đi.

Tả Thiếu Dương chửi rủa bản thân không thôi, chỉ sợ nàng hiểu lầm là mình coi thường nàng không biết chữ, với lại cả nhà nàng chỉ dựa vào một mình nàng, nàng mà đi học thì chuyện đồng ruộng, chuyện trong nhà lấy ai lo liệu, cả nhà sống thế nào?

Không hiểu sao ở bên cạnh Miêu Bội Lan, lắm lúc Tả Thiếu Dương thấy mình hành động như thằng ngốc vậy: - Nhà cô nương có mấy mẫu ruộng?

Đoán chừng Miêu Bội Lan thấy để y độc thoại như vậy cũng tội, nên trả lời: - Ba mẫu, ruộng thuê của Giả lão gia.

- Ba mẫu? Tả Thiếu Dương không có khái niệm gì về hoa màu, hỏi: - Một năm thu hoạch được bao nhiêu?

- Khoảng 30 đấu.

- Ba mươi đấu à? Ở xã hội hiện đại tuy nhà không phải giàu có nhưng cũng thuộc loại áo giơ tay ra là tới, cơm há mồm ra là có, làm sao hiểu một người mỗi ngày ăn hết bao nhiêu cơm gạo, đây là cơ hội cho y tìm hiểu xã hội này, hứng thú hỏi: - Nhà cô nương 6 người, vậy có đủ ăn không?

Miêu Bội Lan lại quay đầu nhìn y, không trả lời thẳng: - Còn phải nộp tô nữa.

Tả Thiếu Dương vỗ đầu, phải rồi, Miêu Bội Lan vừa mới nói là thuê ruộng của Giả tài chủ làm ruộng mà, tất nhiên nộp tô, nghĩ tới nộp tô là là liên tưởng tới đám địa chủ xã hội cũ, mặt mày nham hiểm tay cầm bàn tính dẫn theo đám tay chân tay thừng tay gậy hùng hổ đi thu tô, không ngờ mình có lúc được trải nghiệm. Nhưng vị Giả tài chủ đó xem chừng không phải loại hung ác, chẳng lẽ là lão tiếu diện hổ? Chợt nhớ ra một chuyện: - Vậy sao phải thuê ruộng, đất hoang nhiều như thế cơ mà, sao không khai hoang trồng trọt, nghe nói khai hoang được giảm thuế mấy năm.

Đại khái nhận định Tả Thiếu Dương là thư sinh mọt sách không hiểu chuyện gì, Miêu Bội Lan nói nhiều hơn: - Ruộng mới khai hoang không đủ độ phì, không trồng được hoa màu, phải nuôi vài năm mới được.

Tả Thiếu Dương nửa hiểu nửa không, chỉ thấy nhà Miêu Bội Lan nghèo như vậy nếu có ruộng của mình thì cuộc sống sẽ tốt hơn là đi thuê ruộng, y ham học hỏi, nên không vì sĩ diện mà dấu dốt, hỏi tiếp: - Ta thấy rất nhiều ruộng để hoang không có người cày cấy, không thể tự mình cày được à?

- Không được, nhà nào nhân đinh chết hết không có người thừa kế thì thuộc về triều đình, không thể trồng cấy tùy tiện, nếu không sẽ bị đem lên nha môn đánh đòn.

Đám quan viên này đầu óc bị sơ cứng hết rồi, chia cho dân cày có phải tốt hơn bắt người ta khai hoang không, dù sao cũng là ruộng hoang mà. Có điều ở góc độ nhà quản lý hay kẻ thống trị chắc là có cái nhìn khác, không thể lấy tiêu chuẩn đời sau áp đặt được: - Vậy thuê ruộng nộp bao nhiêu?

- Một mẫu nộp một thạch lương.

Cái này Tả Thiếu Dương biết, một thạch còn gọi là một đảm hay một gánh, bằng mười đấu, bằng 120 cân, làm tròn là 60 kg, Miêu Bội Lan có ba mẫu, phải nộp ba thạch à? Là ba mươi đấu, chỉ còn lại hơn ba đấu để ăn, sao có thể, không chắc nên y hỏi: - Vậy nộp tô xong còn được bao nhiêu?

Thấy Tả Thiếu Dương hỏi toàn câu ngốc ngốc nghếch nghếch, Miêu Bội Lan lại vui vui trong lòng, vì có thứ nàng biết mà y chẳng biết: - Cái đó phải xem ông trời, năm được mua thì còn chừng 20 đấu lúa, giã ra gạo chừng 15 đấu. Nếu mà mất mùa, có khi chỉ được mấy đấu.

- Thứ tô này là quy định chết à? Tả Thiếu Dương thấy hơi đau đầu:

- Đúng thế, bất kể được mùa hay không đều phải nộp tô như vậy, ai cũng thế. Giả lão gia được xem là tài chủ tốt bụng rồi, năm nào hạn hán thu hoạch không tốt cũng giảm tô.

- Ồ ra thế. Điều này làm Tả Thiếu Dương có thiện cảm với Giả gia chủ hơn, bất tri bất giác câu chuyện cứ vậy làm hai người thoải mái hơn nhiều, không còn lúng túng ngượng ngùng như mọi khi nữa, Miêu Bội Lan cũng bước chậm lại, hai người đi sóng vai nhau tiện nói chuyện. Tả Thiếu Dương tính nhẩm: - Vậy năm được mùa thì tính ra mỗi tháng nhà cô nương chỉ được hơn một đấu gạo, vậy làm sao mà đủ ăn?

- Ừm, đúng là không đủ ăn.

- Vậy thì phải làm sao?

- Thêm vào rau dại các loại, thi thoảng bắt được ít thú trên rừng. Miêu Bội Lan nói rất nhẹ nhàng, tựa hồ không thấy chuyện này có gì là lạ.

Xem ra so với nhà Miêu Bội Lan, e nhà mình sinh hoạt vẫn khá hơn, có ý muốn giúp nàng, không thể nói là ốc không mang nổi mình ốc còn muốn làm cọc cho rêu, Tả Thiếu Dương cho rằng, cho y thêm thời gian hiểu rõ hơn về Đại Đường, y nhất định làm cuộc sống trong nhà tốt lên, hơn nữa còn tốt lên rất nhiều, mọi khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời thôi, tự tin này y vẫn có: - Làm ruộng vất vả như thế, đến nuôi cái bụng cũng khó khăn, không bằng nghĩ cách khác, ví như trồng dược liệu.

Nói tới y học, dược liệu là nghề của y rồi, am hiểu hơn hoa màu nhiều, vừa rồi nói thế chỉ là thuận miệng thôi, nói ra thấy đây là chủ ý hay, nếu trồng tốt kiếm tiền vô cùng, đặc biệt y có hơn nghìn năm kiến thức y dược, hẳn là sẽ trồng tốt, hít một hơi tự tin nói: - Tin ta đi, cô nương bỏ ra một mẫu trồng dược liệu, ta có thể dạy cô nương trồng, chắc chắn lợi ích thu được hơn xa trồng lúa.

Miêu Bội Lan quay sang nhìn y, đôi mắt to long lanh, mấy nốt tàn nhang trên chóp mũi hết sức đáng yêu, nhất thời nhìn ngây ra, làm Miêu Bội Lan mặt đỏ dừ, quay đi nói: - Không được đâu.

Tả Thiếu Dương vừa rồi thộn mặt ra không để ý bản thân làm nàng xấu hổ, nghe nói thế thì ngạc nhiên: - Vì sao?

Miêu Bội Lan mặt cúi gằm xuống: - Giả lão gia không cho đâu, ruộng thuê chỉ được trồng lúa, cái khác không cho, tránh hại độ phì của đất.