Để Hôn Em Lần Nữa

Chương 35




Anh chàng phục vụ quay lại thật đúng lúc. Hành động nghiêng người đưa đồ uống mà anh ta thực hiện với vẻ lễ phép hơi thái quá đã tránh cho hai vị khách một khoảnh khắc khó xử khi bắt gặp ánh mắt của nhau. Khi tách cà phê bốc khói và ly nước quả có cắm ống hút uốn hình trái tim đã nằm yên trên bàn còn người mang chúng đến đã đứng yên ở góc tường đằng xa, Quỳnh dường như vẫn chưa giữ yên được những ngón tay. Hai lần cô định cầm cốc nước quả lên uống nhưng bàn tay chỉ lập cập chạm vào lớp thuỷ tinh lấm tấm hơi nước rồi lại lập cập buông ra. Lần thứ ba, cô mới chỉ giơ tay lên, Đăng đã đẩy chiếc cốc về phía cô, nhưng anh không đẩy cốc nước quả sáng màu mát lạnh mà là cốc cà phê sẫm màu vẫn còn ấm sực. Có lẽ một thứ toả hơi nóng và hương thơm nồng đượm như cốc cà phê mới chính là thứ Quỳnh cần. Cô nhanh chóng ổn định tinh thần và cuối cùng cũng thực sự lưu ý đến tờ giấy trên bàn. Đăng chỉ chờ có vậy, anh đẩy nó thêm một chút về phía cô, nói nhỏ:

- Em cất đi. Tôi không cần đâu.

- Em cũng nghĩ là anh không cần. Nhưng mà em…

- Em khái tính, tôi biết – Đăng thoáng mỉm cười, không thể không nhớ về vẻ mặt của cô trước đây, khi nói câu “nhưng mà em ngại” để từ chối ngồi sau xe anh – Nhưng không cần phải rạch ròi đến mức làm giấy nợ như thế.

Quỳnh đáp lại thái độ ấm áp và êm dịu đến khó tin của Đăng bằng một nét mỉm cười gượng gạo. Lúc cầm bút ký tên dưới chữ “bên vay”, cô không nghĩ anh sẽ phản ứng dữ dội như ban nãy; còn ban nãy, khi thấy anh lao đến với ánh mắt toé lửa, cô không nghĩ anh sẽ phản ứng nhẹ nhàng như bây giờ. Chưa thể nghĩ ra cách giải thích cũng lời đáp cho biểu hiện “tốt mà chẳng tốt” của Đăng, cô lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng đã thôi quết lớp sơn vàng óng ánh lên những khối bê tông và kính ở hai bên đường nhưng trời vẫn còn sáng rõ. Trong dòng xe xuôi ngược, hầu như chưa thấy chiếc nào bật đèn. Ngày mùa hè thật dài!

Đăng bỏ cái ống hút uốn hình trái tim cùng miếng cà rốt cắt tỉa điệu đà ra khỏi chiếc ly thuỷ tinh chứa hỗn hợp vitamin C và beta-carotene sặc sỡ trước mặt. Không có gì trang trí, chiếc ly trông trống trải đến mức vô duyên, nhưng anh chỉ cần nó đơn điệu, ít chi tiết như vậy, để nâng lên đặt xuống cho thuận tiện. Khi đột nhiên thấy bản thân ở giữa một cuộc đối thoại có thể gọi là bế tắc thế này, bất cứ ai cũng sẽ chọn cách im lặng uống nước giống hệt anh mà thôi. Nhấp từng ngụm chất lỏng mang vị chua ngọt đầy nữ tính thay cho tách cà phê mình gọi nhưng lại đang nguội dần trong bàn tay vẫn chưa hết run rẩy của người đối diện, anh nhìn chăm chú về phía mà ánh mắt Quỳnh đang lơ đãng hướng ra. Ngoài kia, cách hai người một lớp kính, “thành phố đầy bụi bặm/ những mặt người lì nhẵn chen nhau”*.

Khi Đăng còn mải lục lọi trí nhớ xem hai câu thơ anh vừa sực nghĩ ra ấy là của tác giả nào, nằm trong tác phẩm gì, Quỳnh chợt rời mắt khỏi khung cảnh giờ cao điểm hối hả ở bên kia lớp kính. Cô im lặng quan sát không gian đang tối mờ dần đi của quán cà phê rồi ngập ngừng hắng giọng. Nhận được tín hiệu xin tiếp tục cuộc đối thoại, Đăng chậm rãi quay vào, không nói gì, chỉ đặt cốc nước đã vơi quá nửa xuống bàn và chăm chú nhìn cô chờ đợi. Quỳnh tránh ánh mắt dễ khiến người khác hụt nhịp tim ấy bằng cách cúi đầu, đưa tay đẩy tờ giấy về phía đối diện.

- Anh cứ cầm nó và coi đấy là thiệp cảm ơn của em, được không ạ? – cô nói nhanh, gần như hấp tấp.

Đăng không biết phải cau mặt hay cười sặc lên khi nghe những lời vừa giống nằn nì vừa giống mặc cả mà ngoài cô gái này chẳng ai có thể nghĩ và nói ra được . Anh đưa mắt ngó xung quanh để gạt đi những ý tưởng mơ hồ về một cái gì đó rất nồng, rất ngọt. Quán cà phê đã bị bóng tối xâm chiếm gần như tuyệt đối, nó càng lúc càng không phù hợp với những khách hàng không phải tình nhân của nhau. Nếu vẫn ngồi đây, trong ánh sáng lung linh hắt xuống từ những dây đèn trang trí nhỏ li ti giăng ngoài vỉa hè và trong những hồi ức cảm xúc lẫn lộn do từng cử chỉ lời nói của người ngồi đối diện đem tới, Đăng không dám chắc mình sẽ không hành động giống bốn năm trước, quăng sự tự chủ của bản thân đi xa hàng cây số! Khi ấy, anh có thể bảo là vì rượu, vì mưa rừng gió núi. Còn bây giờ, chẳng lẽ lại đổ lỗi cho nước hoa quả và điều hoà nhiệt độ hay sao?