Diary In Grey Tower

Chương 1




Trước chiến tranh London thật là sầm uất, người ta theo nhau lui tới rạp hát và quán bar, giá rượu Brandy lẫn rượu nho chưa bao giờ đắt đỏ đến như những năm 1940. Mà Cambridge, cách London chỉ chín mươi dặm ấy, trong trí nhớ của tôi vẫn là một thiên đường trong mơ.

Ngày tôi trúng tuyển vào King’s College Cambridge chú ruột tôi bảo rõ là trò đùa. Ổng nổi giận đùng đùng, thiếu chút nữa thì liệng luôn lá thư còn nguyên dấu xi Cambridge vào lò lửa. Nhưng hai tháng sau đó, tôi vẫn đáp xe lửa từ quận Bedford lên London, ôm rương hành lý ra khỏi nhà ga, nhảy xe ca đường dài, và xuống giữa đường ở Cambridge. Khoảnh khắc xuống xe, hoàng hôn ngợp mắt, đỉnh tháp cao tít đằng xa và tòa hội trường được rải đẫm màu cam thần diệu, chói lóa đến nỗi tôi phải giơ tay chắn bớt mắt mình. Dưới mây chiều, thế giới sao mà bình yên tươi đẹp.

Cầm thư giới thiệu, tôi trầy trật tìm được nhà số 72 đường Bồ Câu Xám. Chủ nhà là người quen của cô tôi, một quý bà London độc thân hiền hậu. Nhà gạch đỏ hai tầng, trước cửa có hàng rào trắng quây thành một khu vườn nho nhỏ, trồng đủ loại hoa kim tước. Trên rào treo xiêu xiêu một thùng gỗ đựng sữa giao ban sáng.

Tôi sống ở nơi này năm năm, năm thứ hai tôi gặp Andemund, năm thứ tư anh ấy bỏ tôi. Một năm sau đó tôi ở đây đợi anh ấy.

Ở King’s College Cambridge tôi học số học, thành tích không hề tệ. Chú tôi từng nói rằng, ngoài số học ra cái gì tôi cũng dốt. Gặp Andemund xong thì tôi ngộ ra, đi so với anh ấy, số học mình cũng dốt nốt.

Lần đầu tiên tôi thấy Andemund là ở dưới tàng cây táo đang trổ đầy hoa hồng nhạt li ti trước thư viện. Cambridge mùa xuân rất đẹp, tôi ôm hai cuốn tiểu thuyết diễm tình đi ra khỏi cổng vòm thư viện, chần chừ nghĩ có nên bùng tiết Tân Giáo của năm thứ hai hôm ấy không. Trong khoa số học của trường cao đẳng người ta nói rằng, có vị nọ học thuật cao siêu không không chỉ sở hữu tài năng về số học logic, cơ học lượng tử mà còn nghiên cứu thêm cả mật mã học, rồi vinh dự được mấy giải thưởng đủ đè chết người. Tôi thì không thèm hứng thú với ông già râu ria xồm xoàm ấy, thành ra đã bùng liền bốn buổi. Edgar đi điểm danh giùm tôi lại bị bắt được, về rồi cậu ta nói lại rằng ông thầy bảo không đi học cũng được, nhưng luận văn cuối kỳ nộp nhất định phải mang tận nơi trình ổng. (Ờ phải, Edgar là bạn tôi, học mỹ thuật, bình thường hay đi điểm danh lớp số học giùm tôi.)

Cây táo không cao lắm, Andemund đứng dưới dựa vào thân cây, tay đút túi quần, trên vai lắc rắc vụn hoa rụng. Dáng người ảnh cao gầy, mặc sơ-mi trắng đường hoàng chỉn chu, ánh nắng len qua hoa lẫn những lớp lá hình oval để chiếu trên mình anh ấy, trông như tranh của Edgar, màu dịu dàng mà ấm áp. Cạnh ảnh lúc ấy là một vòng vây sinh viên, hình như đang hỏi bài số học, Edgar cũng đứng trong đám đó. Vậy là tôi chen chân lách qua.

Tôi nhập học là năm 1936, lúc ấy tình hình chính trị đã khá nhạy cảm, những chuyện mật mã hay gì gì giống vậy thường rất ít người bàn luận công khai. Thấy tôi qua Edgar mới dúi cho một mảnh giấy, cầm đọc thì thấy một hàng chữ dài. Tôi cau mày nhìn một hồi, thuận miệng đọc luôn: “I love Professor Andemund Wilson.”

Đám đông xung quanh lập tức cười phá lên. Edgar mặt trắng bệch lắp bắp nói: “Alan, cậu đừng có giỡn kiểu đó.”

Tôi vội vàng liệng tờ giấy đi: “Nó viết thế mà, chứ đời nào tôi thèm cái ông già đó.”

Người đang đứng dựa cây đột nhiên lên tiếng: “Cậu ta dịch đúng rồi, đó là mật mã Ceasar dịch lùi sáu bước, thêm một vòng rào. Nó là của một nữ sinh đưa cho giáo sư Wilson hôm nay. Cậu là?”

“Alan. Alan Castor.” Tôi nhìn mặt anh ta, đáp nhanh như chớp.

Có thể vì quanh năm nhốt mình trong phòng tư liệu không gặp ánh mặt trời, gương mặt anh ta hình như trắng nhợt hơn người thường. Xương gò má hơi cao, lông mi mảnh dài, cặp mắt màu lục thẫm bên dưới xinh đẹp như những viên ngọc mắt mèo trong tiệm đồ cổ. Khi anh ta cười khóe miệng cong cong thành một đường vòng cung hoàn hảo, vừa đủ để tôi nhìn muốn thất thần.

Đợi tôi sực tỉnh, thì chúng tôi đã ngồi cùng nhau trong quán cà phê.

Anh ta tự tay rót cà phê, rồi nhẹ nhàng nhấp một ngụm: “Bình thường cậu có nghiên cứu mật mã sao?”

Giọng anh ta rất nhẹ, khiến tôi tự dưng mơ tưởng đến chùm chuông gió vẫn lung lay ngày này qua ngày khác trước cửa quán cà phê.

Tôi nhún nhún vai: “Không, ba mẹ tôi từng nghiên cứu mật mã, họ để lại cho tôi ít sách… hồi bé có đọc thôi. Với lại cái mã ban nãy đâu có khó… các chữ dịch lùi năm vị trí, chia làm hai hàng dọc mà đọc thôi.”

“Đúng là nó không khó.” Hình như anh ta đột nhiên thấy rất hứng thú, hai mắt màu lục bắt đầu hấp háy: “Tha lỗi cho tôi tò mò, ba mẹ cậu làm việc cho cơ quan nào vậy?”

“Không biết. Họ mất hồi tôi năm tuổi rồi.” Tôi thực tình không muốn nói chuyện này nữa: “Hi, chứ anh tên gì? Học bên nào vậy?”

“Cậu họ Castor.” Anh ta trầm ngâm một lát: “Vợ chồng Castor… hình như đã nghe ở đâu rồi.”

Anh ta vội vã đứng dậy, bắt tay tôi một cái rồi bỏ đi. Tôi lẳng lặng gọi bồi bàn ra thanh toán, mới biết anh ta đã kịp trả tiền rồi.

Mà nản hơn nữa là, tôi nhận ra mình còn chẳng biết anh ta tên là gì.

Nhưng rất nhanh sau đó tôi đã biết. Đi học tiết số học đầu tiên trong kỳ, tôi thấy anh ta xách sổ da bìa đen bước vào giảng đường. Anh ta là vị giáo sư mới, cái người đã vinh dự được giải thưởng đè chết, tên nguyên văn là Andemund Wilson, đang danh tiếng lẫy lừng trong giới số học. Đi qua bàn tôi anh ta dừng lại một chút, nhướn mi trái nói: “Alan, em chưa nộp bài tập lớp năm. Chắc em vui lòng ở lại nói chuyện với tôi sau giờ học chứ?”

Tôi bi đát hỏi Edgar: “Này cậu nghĩ hôm bữa ổng nghe thấy tôi gọi ổng là ông già không?”

Mấy tháng sau đó Andemund đì tôi mới thật kinh người. Anh ta là giáo sư, đi học điểm danh người đầu tiên được xướng tên là Alan Castor, bài tập nộp lên được chữa tỉ mỉ chưa từng thấy, mỗi ngày tính bùng học liền bị gọi lên hỏi một loạt tràng giang đại hải các loại câu.

Tôi kiệt sức bảo Edgar: “Chắc tôi không dám tán ổng nữa.”

Mặt Edgar lại trắng bệch: “Cậu đừng có đùa.”

Bọn tôi bùng học ngồi cà phê trưa ngoài trời bên bờ sông Cam: “Tôi nghĩ cục cưng Andemund yêu quý ghét tôi rồi, vì lần trước tôi kêu ổng là ông già. Mà tình yêu à, cậu không biết bị sét đánh nó như nào đâu, lòng dạ người ta tan nát lắm ấy.”

Edgar rất chi nghiêm túc bảo: “Đồng tính luyến ái là phạm pháp đấy!”

Cậu ta là một người thật chỉn chu, đối đãi với bạn bè thì câu nệ, dáng người cao hơn tôi một chút xíu, tóc lọn quăn màu hạt dẻ, mũi Hy Lạp điển hình, rất được mắt các cô gái. Bọn tôi cũng gặp nhau trên bờ sông Cam, tôi làm người mẫu miễn phí cho cậu ta, cậu ta đi học điểm danh giùm tôi.

Tôi chọc ghẹo nhỏ bồi bàn mặc váy ngắn ca-rô, cậu ta ngồi cặm cụi vẽ; tôi nằm trên cỏ đọc sách, cậu ta cặm cụi vẽ; tôi ngồi lải nhải về Andemund, cậu ta vẫn cặm cụi cặm cụi vẽ… đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao thứ người tỉ mỉ cẩn thận như cậu ta lại đánh bạn với tôi được, mà lại còn thành bạn thân.

Lúc ấy thiệt tình tôi cũng chỉ tính giỡn chơi với Andemund mà thôi, Edgar cũng chẳng định coi chuyện ấy là thật. Tôi bình thường mỗi tuần tán một em, bất quá lần này em đổi thành anh.

Tôi nằm dài ra băng ghế trắng thật thoải mái, đắp cái áo khoác cũ trên ngực. Vừa lười biếng mở mắt nhìn trời thì thấy mặt Andemund, sợ đến thiếu điều bay lên gặp Thượng Đế.

Đã sang mùa xuân, anh ta vẫn mặc áo măng-tô màu xám nhạt, tay cầm sổ bìa đen như mọi khi. Anh ta đã nghe được không thiếu chữ nào, vậy là cúi xuống tủm tỉm cười nhìn tôi: “Alan, đồng tính luyến ái ở nước ta là luật cấm đó.”

Anh ta rút một mảnh giấy trong sổ ra đưa cho tôi, bảo tôi đi cùng anh ta. Tôi tiu nghỉu lê gót theo, thấy cái cổ trắng trắng lộ trên lai áo măng-tô, sao mà tinh tế động lòng~ Tôi chạy thất thểu lên chắn phía trước ảnh: “Giáo sư à, em nói thiệt đó. Em thích thầy mà.”

Anh ta không đáp, chỉ cười cười, bước qua tôi để lấy chìa khóa gắn trên dây đồng hồ ra mở cửa ban công, để tôi đứng ngoài, một mình vào trong gọi điện thoại.

Tôi nghe câu được câu mất.

“… cha mẹ đều từng là chuyên viên giải mã… đơn giản thôi, nhưng đúng là nhìn qua đã dịch được, nên tôi muốn cho cậu ta xem thử mã mười ba. Tôi sẽ biết chừng mực.”

Anh ta gác máy, gọi tôi vào. Tôi tưởng tính phạt tôi tội bùng học, cơ mà anh ta chỉ bảo tôi xem tờ giấy trên tay. Nãy giờ chỉ lo để ý anh ta, giờ mới thấy tờ giấy toàn những hình tròn hình vuông, mặt trăng sao hỏa khó hiểu. Hình vẽ bằng mực xanh chi chit kín đầy một mặt giấy. “Alan.” Andemund ra hiệu cho tôi ngồi xuống: “Nếu em thật sự không muốn làm bài phân tích định lý Godel hôm nay, vậy thử xem em có thể giải giúp tôi mật mã đó không. Đó là tang vật của một vụ giết người tại London, thủ phạm gửi nó cho một tòa soạn. Bạn tôi ở Scotland Yard biết tôi có nghiên cứu về mật mã nên giao nó cho tôi.”

Anh ta rung chuông gọi cà phê, rồi nhìn tôi mỉm cười: “Tôi chưa giải được, có lẽ em nên thử xem.”