Định Mệnh Là Những Chiếc Giày

Chương 29: Điều em không biết




Đúng 4h sáng chuông báo thức của tôi reo inh ỏi. Tôi đưa tay lên quờ quạng để tắt chuông trong tình trạng mắt thì vẫn nhắm tịt còn đầu óc thì vẫn mơ mơ màng màng. Tôi uể oải ngồi dậy chuẩn bị đồ để đi tham quan. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tôi chạy ra cửa chào mẹ và chuẩn bị đi. Mẹ tôi đang tập yoga theo mấy bài phát trên ti vi, thấy tôi chào thì đáp lại và hỏi:

– Ừ đi cẩn thận đấy mà mẹ tưởng anh Quân nhà bác Lâm sang đón con? Nó không qua đây à?

– Không ạ. mà tự nhiên mẹ nhắc thầy ý làm gì con tự đi được rồi mà.

– Thì mẹ hỏi thế vì mọi lần nó vẫn qua mà. Thôi đi đi.

Tôi dạ vâng vài câu rồi đi thẳng. Chẳng hiểu từ đâu mà mẹ tôi tự nhiên nhắc đến Anh Quân. Đối với mẹ tôi thì Anh Quân chẳng khác nào con cháu trong nhà, ngay cả việc xưng hô cũng không câu nệ này nọ nhưng tôi thì chẳng thể tự nhiên được như thế.

5h hơn tôi có mặt ở cổng trường. Trong sân trường có khoảng chục cái xe để chuẩn bị cho học sinh đi tham quan. Tôi lượn lờ một vòng sân trường tìm kiếm mấy đứa Lam, Thùy, Chi nhưng lượn đến mấy vòng cũng chẳng thấy mặt mũi chúng nó đâu thế là tôi đành lê lết ở một góc sân trường. Đặt túi đồ xuống ghế đá dưới một cái gốc cây, tôi rút tai nghe và điện thoại ra nghe nhạc. Lúc này tôi mới để ý rằng sân trường ngoài mấy cái xe và một vài thầy cô ra thì vẫn con rất vắng vẻ, cũng có một số bạn đến sớm như tôi nhưng họ đều có bạn bè đứng cùng còn tôi thì bơ vơ với cái túi đồ cùng với tai phone nghe nhạc.

Tôi hít thở không khí trong lành của ngày mới, cái cảm giác lành lạnh trong lành của buổi sáng sớm khiến tôi cảm thấy khoan khoái. Những nốt nhạc vẫn ngân lên đều đều từ tai nghe. Bỗng nhiên tôi cảm thấy mọi thứ thật yên bình, từng giây phút lặng lẽ trôi qua nhẹ nhàng không vướng bận điều gì hết cho đến khi Anh Quân xuất hiện trước mắt tôi, vẫn khuôn mặt bình thản nhưng lại khiến cho người ta cảm giác khó gần.

– Cô Ánh chủ nhiệm đã đến chưa?

– Em không biết. – Tôi nhìn anh hơi dè chừng rồi lắc đầu.

– Được rồi.

Anh nói ngắn gọn rồi rời đi. Lúc nãy tôi có thấy bóng dáng cô chủ nhiệm ở nhà để xe của giáo viên nhưng vẫn trả lời anh rằng không biết. Tôi chợt nghĩ, câu trả lời “không biết” là câu trả lời ngắn gọn và phổ biến nhất trong các cuộc trò chuyện mà có một trong hai người đó không muốn nói gì với người kia. Tôi chẳng muốn nói gì với anh cả, bởi vì cái vẻ khó gần ấy của anh khiến tôi khó chịu và vẻ mặt khó chịu đó chỉ xuất hiện khi anh gặp và nói chuyện với tôi, ngay cả khi đứng trước mặt Bảo Khánh anh cũng không trở nên lạnh lẽo đến như thế. Cảm giác như Bảo Khánh đối với anh là một người quen cũ, là một người đã phạm phải một lỗi lầm to lớn không thể sửa chữa, anh mặc dù có thể hay không thể tha thứ cho chị ấy nhưng vẫn còn chút gì đó không nỡ, vẫn còn vương vấn về kí ức ngọt ngào của những chuyện trong quá khứ. Đó là lí do tại sao anh chẳng thể và sẽ không bao giờ có thể vô tình với Bảo Khánh, bởi anh đâu thể vô tình với quá khứ của chính mình. Còn tôi thì lại khác, tôi không phải quá khứ, không phải hiện tại và cũng chẳng phải là tương lai của anh. Về mọi mặt tôi chẳng có gì khiến anh phải vướng bận hay luyến tiếc. Đối với anh tôi không phải nguời dưng, với anh tôi chẳng có nghĩa gì cả, có cũng được mà không có thì càng tốt hơn.

Tôi quay mặt đi chỗ khác, lòng chua xót nghĩ thầm: Rồi sẽ có lúc em hiểu rằng sợ hãi hay tiếc nuối thì cũng chẳng giúp ích được gì. Bởi nếu người khác đã trở nên vô nghĩa thì họ cũng đâu thể trách em vô tình?

Một lát sau lớp tôi đến đông đủ, đứa nào đứa đấy mặt mày hớn hở, miệng cười không ngớt. Chúng tôi xếp thành hai hàng, cô chủ nhiệm điểm danh một lượt, kiểm tra sĩ số lớp rồi mới sắp xếp học sinh lên xe. Do lớp tôi quá đông nên phải ghép chung xe với lớp 11A3. Xe của lớp tôi là xe số 10 còn xe lớp a3 là xe số 01. Bên này lớp tôi đang nghe cô dặn dò thì bên lớp a3 Anh Quân đang cho học sinh lên xe. Thật may mắn thay tôi không phải đi chung xe với lớp a3, mấy đứa chúng tôi vui vẻ xách balo trèo lên xe tìm chỗ ngồi, riêng Lam, đứa muốn đi chung với lớp a3 thì miệng kêu ca liên tục vì không thể ngồi chung với cậu bạn trai của nó. Nhưng nó cũng chỉ kêu ca một lúc rồi cũng hùa vào cuộc vui. Chúng tôi ngồi trên xe, đứa thì chụp ảnh tự sướng, đứa thì đã vội bóc bim bim với kẹo ra nhai chóp chép. Tôi vừa ăn, vừa chụp ảnh cùng chúng nó nhưng ánh mắt thì lại hướng ra phía ngoài cửa sổ nhìn các thầy cô giáo đang đứng ở một góc sân để thống nhất về hành trình tham quan.

Xe chuyển bánh đầu tiên rời khỏi trường là xe số 01 xe lớp a3, tiếp theo đó là xe số 02 rồi xe số 03… Các xe cứ lần lượt lần lượt rời khỏi cổng trường nhưng mãi mà chẳng thấy cô chủ nhiệm lớp tôi lên xe thay vào đó là một vị thầy giáo trẻ tuổi, người này lại chính là người mà tôi muốn tránh nhất, chính là Anh Quân.

Anh Quân trèo lên xe, anh trao đổi gì đó với bác lái xe rồi quay về phía chúng tôi. Lúc bấy giờ anh mới ngẩn mặt ra.

– Ơ, sao lại là lớp này????

– Ơ thầy Quân? Em tưởng lớp em đi với cô Ánh mà??

Mấy đứa ngồi trên cũng ngỡ ngàng. Anh vội vã lôi điện thoại ra rồi ấn số.

– Alo? Chị Ánh à?..Sao lại thế?…Ôi giời ạ…vâng vâng….chị quản lí bên đó nhé….danh sách ấy hả….à vâng….em gửi qua inbox facebook nhé chị bật facebook trên điện thoại mà xem…….

Anh vẫn cứ “hồn nhiên” nói chuyện điện thoại trước bao nhiêu ánh nhìn hiếu kì của lớp tôi. Mấy đứa con gái thì hớn hở vì nhìn thấy anh thầy hotboy của họ, đến cả cái Lam lúc nãy còn vùng vằng vì không được đi chung với lớp a3 bây giờ cũng hớn hở. Còn tôi vài giây trước vẫn đang cười nói toe toét còn bây giờ thì mặt tôi đần ra.

– Thầy sẽ quản lý xe lớp mình nhé. – Anh thông báo ngắn gọn.

– Ơ cô Ánh đâu ạ? – Có đứa lên tiếng hỏi.

– Cô Ánh lên nhầm xe 01 rồi, hiện giờ thì cô đang trông chừng lớp a3. Thế nên là thầy sẽ đi chung với 11a6 nhé.

– Cả đi cả về ạ?

– Có lẽ thế.

Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Tôi cứ tưởng sẽ không phải trông thấy vẻ xa cách của anh nhưng rốt cục thì chạy trời không khỏi nắng, tôi càng có ý trốn tránh thì lại càng gặp nhiều. Suy cho cùng tôi không muốn nhìn thấy anh cũng chỉ vì tôi sợ, sợ phải thừa nhận rằng cuộc sống của anh không đủ rộng để chứa chấp thêm một đứa vô tích sự là tôi, sợ phải thừa nhận rằng tôi đã thích anh rất nhiều, sợ phải thừa nhận cái khoảng cách đang ngày một xa xôi giữa tôi và anh. Tôi sợ cũng chỉ vì tôi đã hy vọng quá nhiều để giờ đây khi phải đối diện với sự thất vọng thì tôi lại muốn lẩn tránh.

Tôi nhắm mắt, đầu tựa vào ô cửa kính. Phía bên ngoài cảnh vật cứ trôi tuột lại phía sau một cách nhẹ nhàng còn lòng tôi thì rối như tơ vò, sự ngột ngạt chẳng thể trôi đi nhanh như cảnh vật phía ngoài kia ấy.

Anh Quân ngồi ở hàng ghế thứ 2 từ dưới lên còn tôi thì ngồi ở hàng ghế giữa. Cả xe im phăng phắc sau một hồi cười đùa chán chê còn bây giờ thì lăn ra ngủ ngon lành. Không gian bị bó hẹp trong một chiếc xe khách cùng với 35 con người đang say giấc, trong đó có một con bé là tôi, mắt nhằm hờ, tai nghe nhạc đang hết việc làm sau khi đã ngủ no mắt. Tôi muốn quay xuống ghế sau để xem Lam và Chi đã dậy chưa nhưng lại không muốn để anh trông thấy. Sau một hồi đấu tranh tư tưởng tôi tự thuyết phục mình rằng cả xe đã ngủ rồi thì chắc anh cũng ngủ thôi hơn nữa tôi quay xuống gọi Lam chứ có liên quan gì đến anh. Và thế là tôi ngồi xích sang một bên để có thể dễ dàng quay lại phía sau. Để yên tâm hơn, tôi kiểm tra bằng cách giơ chiếc điện thoại của mình lên và nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của anh, anh đang ngủ. Tôi len lén quay xuống, Lam và Chi đang tựa vào nhau, mỗi đứa quay ra một hướng ngủ như chết. Tôi chẹp miệng định quay lên nhưng cái giây phút tôi định quay lên ấy thì ánh mắt lại vô tình bắt gặp hình ảnh Anh Quân qua khe hở giữa hai chiếc ghế. Anh đang nhắm mắt, tay khoanh trước ngực, đầu tựa vào ghế một cách rất tự nhiên, nhìn như thể anh chỉ đang nhắm mắt suy nghĩ chứ không phải đang ngủ. Dáng vẻ này hiền của anh khác hẳn so với lúc anh còn thức, gương mặt ấy hiện tại không lạnh lùng cũng không ấm áp. Anh Quân lúc ngủ trông hiền và dễ tính hơn nhiều. Tôi vội quay lên khi cảm nhận được tim mình vừa đập lệch một nhịp. Tôi một tay giữ chặt lồng ngực, cố gắng điều chỉnh nhịp thở, cảm giác quay trở lại cái thời mà tôi còn mới thích anh, cái gì đó cứ lâng lâng bay bổng. Sau khi ổn định nhịp thở trong đầu tôi vẫn còn tồn tại cái suy nghĩ muốn được nhìn hình ảnh anh hiền từ như thế. Tôi nắm chặt tay, chậm rãi quay qua phía sau nhìn anh qua khe ghế. Nhưng lần này khác lần trước, ngay khi tôi vừa hí một mắt để nhìn trộm anh ngủ thì cái tôi thấy lại là anh đang mở mắt và nhìn chằm chằm về phía tôi. Tôi giật mình quay ngoắt lên trước, cái cảm giác lén lút làm việc gì đó mà bị phát hiện thật đáng sợ. Và thế là tôi cứ ngoan ngoãn ngồi im thin thít, đển cả việc cử động cũng không dám.

Tôi cứ ngồi im nhìn khung cảnh hiện ra trước mắt rồi lại trôi tuột về phía sau, trong lòng tôi hiện tại chẳng có gì cả, không rối ren nhưng cũng không phải là không có chuyện gì để phiền muộn, chỉ là mọi chuyện tạm gác sang một bên, chừa chỗ cho sự rung động nhất thời ban nãy. Lam, Thùy và Chi tất cả đều đã tỉnh giấc. Nhóm mấy đứa chúng tôi đều ngồi đông đủ ở xe 10 này, có mỗi Việt Anh là ngồi bên xe 01 cùng với mấy đứa lớp tôi. Thùy ngồi ăn hết gói bim bim rồi thở dài.

– Ôi trời ơi lâu quá đi mất, nãy giờ tao ăn hết 3 gói bim bim rồi mà sao vẫn chưa đến nơi vậy trời.

– Ăn như lợn rồi suốt ngày than béo. – Tôi ngó mấy cái vỏ nó cầm trên tay rồi lèm bèm.

– Công nhận là lâu thật. Chán quá đi mất, tao ngủ đến mức không thể ngủ nổi nữa rồi. – Chi dụi mắt.

– Haizz, không biết giờ này “bạn ấy” của tao đang làm gì? – Lam thở dài.

– Bạn ấy bạn ó gì gì cũng gạt qua một bên. Mày là cái con duy nhất có “gấu” nên là mày mà còn nhắc đến nó trước mặt chị em là mày cẩn thận bọn tao tống mày qua cửa sổ đấy. – Thùy quay xuống lườm.

– Được rồi được rồi. – Lam giơ hai tay đầu hàng. Nó nói tiếp – Mà chán quá. À chúng mày chơi trò nói thật không? Đang rảnh.

– Thật thà cái gì? Là sao?

– Nghĩa là sẽ có một câu hỏi và người bị hỏi sẽ phải trả lời thật. Nếu không trả lời được thì phải bị sai khiến làm một hành động gì đấy.

– Là sao? Như kiểu đố vui ấy hả?

– Không, hỏi về bản thân mày ý.

– Như kiểu hỏi: Lam ơi ngoài “shit” ra mày có ăn gì nữa không ấy hả? – Tôi cười.

– Có mày “shit” ý người ta đang nghiêm túc mà cứ phá đám. – Lam nhéo tôi một cái rõ đau.

– Ờ thì chơi. Nhưng mà ai là người bị hỏi đây? – Chi nói với vẻ hào hứng.

– Chọn ngẫu nhiên, tao có tờ giấy này, ghi tên mấy đứa bọn mình vào, mỗi đứa bốc một lượt. Đứa nào bốc sẽ được hỏi đứa bị bốc. – Thùy giơ ra một tờ giấy rồi hớn hở.

– Thế mày mang bút không? – Tôi hỏi.

– Cái đó thì….

Cả đám im lặng, mấy đứa nhìn nhau một hồi rồi đồng loạt chẳng ai bảo ai tất cả nhìn về phía Anh Quân đang cầm bút để gạch gạch gì đó trong tờ danh sách. Anh Quân đang viết cũng phải ngưng lại nhìn chúng tôi. Anh nhìn thấy chúng tôi, ba đứa nhìn anh thẳng mặt còn tôi thì nhìn qua khe ghế thì không khỏi bật cười.

– Mấy đứa nhìn cái gì?

– Thầy ơi bọn em mượn bút. – Ánh mắt của tất cả đổ dồn vào cái bút trên tay anh. Nếu tôi là cái bút đó chắc tôi cũng sởn da gà vì bị nhìn chằm chằm như thế.

Anh chẹp miệng rồi đưa bút cho chúng tôi. Ba đứa kia thì tủm tỉm cười vì anh thầy còn tôi thì vẫn nhìn chúng nó qua cái khe ghế mà không nói gì cả chỉ cười góp vui. Sau một hồi xé xé ghi ghi Lam cầm trong tay mấy mảnh giấy có tên của mỗi đứa chúng tôi. Đứa đầu tiên bốc là Chi. Nó nhắm mắt cười cười thò tay bốc lấy một mảnh giấy rồi cười ra vẻ bí hiểm. Tên cái đứa mà nó bốc được là Thùy.

– Thùy, mày đã cảm nắng anh nào chưa?

– Rồi. – Thùy cười đau khổ.

– Là ai? – Lam tròn mắt.

– Mày chỉ được hỏi một câu thôi cơ mà. – Thùy gân cổ lên cãi.

Lam đuối lí, lườm Thùy một cái rồi tiếp tục trò chơi. Chúng tôi cứ bốc qua bốc lại, hỏi hết câu này đến câu hỏi khác, lúc thì thầm thầm thì thì như buôn bạc giả, lúc lại phá lên cười như mấy con trốn trại không ít lần khiến Anh Quân phải nhắc nhở. Tôi cũng để ý rằng từ khi chúng tôi trả bút anh đã không còn quan tâm cái đến cái thứ đang ghi dở trong tờ giấy mà thay vào đó là trò chơi giết thời gian của chúng tôi. Anh ngồi cách chỗ chúng tôi không xa nhưng đủ để nghe thấy khi chúng tôi nói chuyện với âm lượng bình thường.

Từ đầu tới cuối tôi chỉ là đứa bốc nhưng chẳng bao giờ là đứa phải trả lời mấy câu hỏi nguy hiểm của chúng nó, ngay cả cái luật nếu ai không trả lời được thì bị sai khiến cũng bị bác bỏ bởi những thứ chúng nó sai khiến đều quá là không thể-thực-hiện-nổi.

Tôi đang hớn hở vì chưa bị hỏi câu nào chợt nhiên đùng một cái như bị đẩy xuống hố sâu bởi mảnh giấy nham nhở trong tay Dương Thùy vỏn vẹn hai chữ: Tú An.

– Mày chết với tao. – Thùy cười nham hiển. – Xem nào, hỏi mày cái gì bây giờ nhỉ.

– Hỏi nó ngày xưa với anh Duy Khang đi mày. – Làm gợi ý.

– Khang là thằng cha nào? – Chi hỏi.

– Là thằng cha hồi trước thích con An nhà mình. Cơ mà cái đấy cũ rồi không nhắc lại nữa. – Thùy giải thích. – Xem nào. À, có rồi. Trịnh Tú An, hiện tại mày đang thích ai?

Nghe câu hỏi của nó tôi rùng mình một cái. Tất cả đều nhìn tôi như thể tôi là người nổi tiếng vĩ đại mà chúng nó hâm mộ, ai cũng nhìn tôi chằm chằm, ngay cả Anh Quân cũng chăm chú lắng tai nghe câu trả lời của tôi. Tôi đưa tay vuốt mặt rồi cười ngây ngốc.

– Hờ hờ….hờ cho tao… cho tao dùng quyền giải thoát đi. Bị sai khiến cũng được.

– Thôi được rồi, nể tình mày là bạn 16 năm quấn tã với tao, nếu mày nhảy xuống xe tao sẽ không bắt mày trả lời câu hỏi nữa.

– Được rồi, lát xe dừng tao nhảy, ha. giờ thì chơi tiếp, chơi tiếp. Đến ai bốc rồi nhỉ?

– Thế thì “nếch”, trả lời đê.

– Ờ thì….

– Mày thích ai mày cứ nói đại một câu đi tò mò quá đi mất, tốn thời giờ. Mày thích ai?

Tôi nín thở, cảm giác mình bị dồn vào chân tường bởi con bạn nối khố và đám bạn “thân khốn nạn”. Phía đâu đó vẫn có một người đang yên lặng theo dõi trò chơi ngu xuẩn của chúng tôi.

Đang lúc không biết làm thế nào để thoát thân thì chiếc xe đang chạy bon bon bỗng dừng khựng, bác tài xế nói lớn.

– Đến nơi rồi, tất cả xuống đi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, trong lòng không ngừng cảm ơn trời đất đã ra tay cứu giúp. Tôi nhanh chóng xách balo lên vai rồi chen ra ngoài chạy xuống trước. Tiếng Lam và Thùy nói với theo gì đó nhưng tôi cũng chẳng dở hơi tự dưng đứng lại cho chúng nó bắt.

Chúng tôi đứng thành một hàng dọc và đi theo thầy cô giáo quản lí đi cùng. Lúc này Anh Quân mới gặp lại cô chủ nhiệm để trao đổi về danh sách học sinh bởi anh sẽ là người đi cùng lớp tôi trong lượt về. Trường tôi trước khi đi tham quan có quy định rõ ràng rằng lúc xe khởi hành giáo viên đi cùng xe lớp nào thì sẽ về cùng xe lớp đó. Tôi thở dài, vậy là lúc về còn phải đi chung xe với anh nữa hả. Mới nghĩ thôi cũng thấy mệt rồi.

Chúng tôi xếp hàng theo lớp như lúc đứng ở sân trường. Tôi chớp chớp mắt nhìn Thùy vô tội còn nó thì giơ nắm đấm lên, gương mặt nó sặc mùi dọa dẫm. Sau khi nghe các thầy cô phổ biển một hồi cả trường bắt đầu đứng thành từng hàng rồi theo sau thầy cô. Rốt cục tôi cũng chẳng hiểu mục đích của buổi ngoại khóa ngày hôm nay là để làm gì. Đi thì rõ là mệt, vừa đi tới đỉnh núi tất cả lại lục đục đi xuống trở lại nơi tập kết để chuẩn bị bữa trưa. Tôi mệt mỏi lau đi những giọt mồ hôi đang rịn trên trán. Dương Thùy đã không đeo bám tôi để hỏi về câu hỏi ấy nữa, thay vào đó nó coi tôi như cái gậy chống của nó, cứ vin vào người tôi để đi.

– Trời đất tao sắp đi không nổi nữa mà mày còn bám vào tao thế này à. – Tôi than.

– Cho tao tựa nhờ một chút xíu xíu xíu thôi mà.

– Cho mày tựa thế tao đi kiểu gì. Nóng phát điên được mà bà còn túm với chả tựa. Đường dốc mà, đi không mệt như lúc leo lên đâu. – Tôi trấn an Thùy rồi lựa lựa gỡ cái tay đang quàng qua cổ tôi.

– Nhưng tao vẫn rất là mệt.

Thùy không quàng vai mà quay sang bám lấy tay tôi. Nhìn nó hai má đỏ ửng, đôi măt lờ đờ trong đến là tội nghiệp nên thôi không càu nhàu nữa mà để cho nó đeo bám tới khi xuống tới nơi. Đi được gần xuống tới chỗ tập kết Thùy đi không vững vấp phải một hòn đá kéo theo tôi ngã nhào. Đường xuống núi thì dốc, tôi và nó may mắn không lăn xuống. Thùy thì chỉ bị bẩn quần áp nhưng còn chân tôi thì bị mài xuống đường một đoàn khá dài chảy be bét máu. Tôi hay có thói quen ôm lấy chỗ đau rồi cúi gằm mặt kêu than một mình, lần này cũng không phải ngoại lệ.

– An ơi, An tao xin lỗi. Mày có sao không? Tao xin lỗi. Mày ơi mày có sao không? An ơi….

Thùy thấy chân tôi chảy máu thì hốt hoảng quên cả phủi bụi bám trên người mà chạy tới chỗ tôi. Nó nhìn thấy chỗ đầu gối be bét máu của tôi mà phát hoảng, câu nói cũng lộn xộn theo. Thấy hai đứa tôi ngã mấy học sinh đi xung quanh cũng chạy lại xem, các thầy cô giáo cũng hốt hoảng chạy tới. Trong số những lời hỏi của các thầy cô tôi nghe rõ nhất là giọng của Anh Quân.

– Ai bị làm sao? Tất cả trách ra xem nào.

Ai đó tách đám đông chen vào. Anh lặng đi khoảng 2 giây rồi nói với giọng khẩn trương.

– Được rồi tất cả các em học sinh còn lại tiếp tục theo các thầy cô xuống trước đi. Tất cả đi theo cặp và không được túm hay bám vào nhau nhé, tránh gây ùn tắc hay lặp lại trường hợp này lần 2.

Thùy nhìn anh mắt rơm rớm, anh không nói không rằng bế thốc tôi lên. Mùi hương quen thuộc pha trộn với mùi mồ hôi xộc thẳng vào mũi tôi. Tôi tự hỏi mình đã bao nhiêu lâu rồi tôi không được ngửi thấy mùi hương quen thuộc ấy? Tôi gục mặt vào lòng bàn tay để che đi giọt nước mắt đang trào ra. Tại sao tôi lại khóc chứ? Vì đau à? Hay là vì anh đang bế tôi?

Các học sinh khác người thì nhìn tôi thương hại, người thì lo lắng, người thì ghen tị vì được bế nhưng tôi chẳng còn quan tâm xem người ta nhìn mình vì lí do gì nữa, đột nhiên tôi chỉ muốn khóc òa lên, khóc cho hết những mệt mỏi suốt bao nhiêu lâu qua, khóc cho hết cái vết thương đang chảy máu ở đầu gối. Tôi muốn anh quan tâm tôi. Bỗng dưng tôi thấy mình thật nhỏ bé trong vòng tay ấy. Dù chỉ là vì tôi bị ngã nên mới được bế, dù là chỉ vì thương hại nên anh mới chấp nhận vác con nợ đời là tôi đây đi nốt quãng đường xuống núi còn lại, dù là vì gì đi nữa thì tôi cũng không nên nghĩ nhiều như vậy. Chỉ cần biết rằng ít ra anh cũng không bỏ mặc tôi ở lại đó mà đi tiếp là được rồi.

– Đừng khóc nữa. Đau đến thế à? – Anh hỏi.

Tôi vẫn sụt sịt, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi và nước mắt chẳng có vẻ là sẽ trả lời câu hỏi đó.

– Tôi biết cô khóc rồi cô nương ạ. Không phải che tay nữa. Tay dính toàn đất với cát xong lại bôi mèo lên mặt ý.

Tôi vẫn giữ hai tay trên mặt không chịu bỏ xuống, anh cũng không nói thêm gì mà chỉ tập trung vào đoạn đường phía trước. Còn Dương Thùy, con bé ngốc nghếch ấy đã xuống tới nơi, mắt mũi nó đỏ hoe nhìn Anh Quân bế tôi xuống. Anh vừa đặt tôi ngồi xuống một góc khuất học sinh thì nó cùng với mấy đứa lớp tôi chạy ra, mỗi đứa một câu tôi chẳng biết trả lời ai trước nên cứ im lặng. Mặt tôi đều đã khô nước mắt, chỉ còn mỗi cái mũi là đỏ hoe như quả cà chua nhìn chúng nó. Anh Quân lau mồ hôi trên trán rồi bảo với tất cả.

– Thôi nào, tất cả ra kia chuẩn bị bữa trưa đi, Chi lên xe lấy cho thầy hộp thuốc cứu thương ở sau ghế tài xế ấy, còn mấy đứa này đi lấy nước cho thầy. Còn Thùy lần sau rút kinh nghiệm đấy.

Anh nói nhưng chỉ có một mình Chi là vội vã làm theo, Lam thấy thế cũng chạy đi cùng Mai Chi. Tôi nhìn Thùy đang đứng cắn rứt lương tâm thì khẽ cười.

– Tao chỉ bị xước chân thôi chứ có phải lăn xuống vực đâu. Bọn mày cứ ra kia đi, lát tao ra. Nhớ chuẩn bị đồ ăn cho tao luôn đấy he he.

Thùy cười cười lau nước mắt nước mũi tèm nhem rồi quay ra làm cùng với lớp. Chi và Lam sau khi mang hộp cứu thương đến, hai đứa nó ngồi lại một lúc rồi cũng chạy ra khu tập trung của lớp. Một vài thầy cô cũng qua chỗ tôi và anh hỏi thăm rồi sau đó lại quay trở lại với lớp mình. Sau khi mọi người đi cả tôi vẫn im lặng nhìn từng cử động nhẹ nhàng của Anh Quân.

– Có xót không? – Anh hỏi nhưng không nhìn tôi.

Tôi gật gật vài cái thay cho câu trả lời.

– Lần sau phải cẩn thận hơn. Cũng may là không liên quan gì đến gân cốt.

Anh khéo léo rửa vết thương rồi băng lại cho tôi rồi nói bâng quơ.

– Hôm nay Bảo Khánh không đi cùng được, tôi băng lại cho em em cũng không cần phải lo lắng. Hồi nhỏ tôi hay ngã, phải tự túc nên băng bó những vết thương kiểu này cũng thành nghề. Có khi băng còn đẹp hơn cả Bảo Khánh ấy chứ.

Tôi đang trong trạng thái lâng lâng nghe anh nhắc một câu Bảo Khánh hai câu Bảo Khánh đâm ra bực. Anh vừa băng xong, nhìn tôi định nói gì đó thì đến lượt tôi cáu bẳn đứng phắt dậy định đi ra chỗ lớp tập trung nhưng đi không vững chạm phải chỗ đau suýt chút nữa lại ngã. Anh Quân vội vàng túm tay tôi đỡ lên, mắng.

– Muốn bướng thì cũng phải chọn lúc mà bướng, không phải lúc nào cũng làm theo ý mình.

Tôi dằng tay mình ra khỏi tay anh nhưng anh thì vẫn giữ chặt lấy, im lặng dìu tôi về chỗ ngồi của lớp, dặn dò vài ba câu gì gì đó rồi ra chỗ ngồi của mấy thầy cô giáo. Tôi thẫn thờ nhìn theo bóng lưng cao lớn đó, con người đó vừa quan tâm mày đấy Tú An ạ.

Tôi là tâm điểm của mọi ánh nhìn, họ nhìn chằm chằm vào cái đầu gối được băng bó kĩ lưỡng của tôi rồi nhanh chóng quay mặt đi. Lớp tôi đứa nào cũng hỏi thăm rồi lo lắng tôi sẽ không chơi bóng nước cùng chúng nó được. Thùy thì ngồi túc trực bên cạnh nhìn tôi bằng ánh mắt tội lỗi, Lam và Chi thì thi nhau tiếp đồ ăn cho tôi. Tôi cười rồi bảo chúng nó.

– Tao không chết vì đau chân thì cũng chết vì bục dạ dày mất thôi.

– Còn đau không mày? – Chi nhìn tôi lo lắng.

– Bây giờ thì cũng quen rồi, chỉ thấy tê tê thôi. Yên tâm, tập tễnh thì vẫn đi được. Bị xước thôi chứ có bong gân hay liên quan đến xương cốt đâu. Thôi bọn mày cứ ăn đi, tao no quá rồi.

Mấy đứa gật gật đầu rồi bắt đầu ăn tiếp. Thùy ăn mấy miếng rồi cũng thôi. Tôi với nó ngồi nói chuyện một lúc rồi hai đứa rủ nhau đi lấy mấy túi bóng đã “thủ” sẵn ở trong balo đem đi bơm nước. Thùy cầm mấy túi bóng đi trước, tôi tập tễnh lếch thếch đi sau nó. Trong một giây phút nào đó tôi đã định nói cho Thùy biết bí mật to lớn nhất đời tôi nhưng rồi ngập ngừng mãi lại thôi. Chúng tôi ngồi bơm bóng rồi cười hô hố ha há. Thùy nhìn cái đầu gối của tôi với vẻ e ngại.

– Cái chỗ chân mày làm sao mà chơi được bóng nước?

– Không sao. Bọc cái gì đó vào là được mà. Lấy túi ni lông cuốn đè ra ngoài không để cho nước thấm vào là được mà.

Lam giơ ra một cái túi trong suốt, nó đưa cho Chi để bọc vào chân giúp tôi bởi nó không giỏi trong mấy cái việc này. Sau một hồi chắc chắn rằng đầu gối của tôi sẽ không bị thấm nước chúng nó mới thì thầm bảo mấy đứa con gái khác ra di chuyển số bóng mà tôi và Thùy vừa bơm nước vào. Ngay khi bọn tôi vừa bê được đống bóng vào tới nơi thì bọn con trai đã chuẩn bị sẵn súng phun nước và bóng. Cuộc chiến bóng nước của lớp 11A6 nổ ra trong khi tất cả các lớp khác thì vừa ăn xong và đang chuẩn bị dọn rác. Tôi vì chân đau nên chỉ có thể ngồi bơm nước vào bóng “tiếp đạn” cho chúng nó ném, đôi khi buồn tay thì ném vài quả cho bõ ghét. Mấy đứa con gái lớp tôi ném rất hăng, bọn con trai cũng chẳng nể nang gì mấy đứa con gái, cứ ném bóng rồi hắt nước. Có đứa không biết tìm được ở đâu cái cốc nhựa làm “vũ khí” hắt nước. Tất cả lớp chúng tôi cười đùa ầm cả một khu, đứa nào đứa đấy ướt như chuột lột. Ngay cả tôi đang được coi là bệnh nhân chúng nó cũng không tha. Thấy lâu lâu đám học sinh mới có một hôm vui thả ga như hôm nay nên các thầy cô cũng chẳng nói gì, thực ra là có nhắc nhở nhưng chỉ “nhắc nhở” thôi thì đối với lớp tôi thì đó là lời cổ vũ cho chúng nó tiếp tục bày trò.

Tôi để ý nãy giờ các thầy cô đều nhắc nhở nhưng rồi sau đó vẫn là mỉm cười rồi lắc đầu chịu bó tay với lớp tôi nhưng riêng Anh Quân, vẻ mặt của anh khiến tôi không hiểu đó là kiểu biểu cảm cho loại cảm xúc nào. Anh ngồi im nhìn lớp tôi nghịch ngợm mà không nói một lời. Mấy lần tôi để ý thấy ánh mắt ấy đang nhìn theo mình mỗi khi tôi tập tễnh như con thọt chạy qua chạy lại, đôi lông mày khẽ nhíu lại mỗi khi tôi bị ăn nguyên mấy quả bóng nước. Nhưng những cử động nhỏ nhặt ấy của anh cũng không khiến tôi bận tâm lâu, tôi cứ vô tư cười đùa, vui hết mình, chạy hết mình, cười hết mình rồi thì tập tễnh cũng hết mình.

Cuộc chiến bóng nước của lớp 11A6 trở thành cuộc chiến hắt nước của tất cả học sinh trong trường. Đến lúc này thì các thầy cô giáo không thể làm ngơ thêm nữa và thế là chúng tôi bắt buộc phải dừng lại cuộc vui tại đây. Chúng tôi bị phạt lao động, phải thu dọn bãi chiến trường mà tất cả vừa gây ra. Tôi ướt sũng tập tễnh đi nhặt từng chiếc túi nilong đựng bóng bỏ vào trong thùng, ai cũng ướt sũng nhưng bù lại ai cũng vui. Tôi vừa dọn rác vừa cười cười nói nói với Lam thì bỗng dưng hắt xì một cái, Lam nhìn tôi rồi bảo.

– Thôi mày đi thay đồ đi không lạnh đấy.

– Lạnh gì đâu tao khỏe mà. – Tôi cười rồi giơ tay lên chứng tỏ là mình khỏe nhưng rồi lạ hắt xì thêm cái nữa.

– Thôi đi bà. Bày đặt quá, đi thay quần áo đi. Mà mày có mang đồ đi thay không đấy?

– Có mà, hôm nay chơi bóng nước tất nhiên tao phải mang rồi . Mà mày đi cùng tao đi.

Thế là tôi với Lam, hai con rủ nhau đi thay đồ. Sau khi tất cả đã dọn dẹp xong xuôi cũng là lúc bọn tôi thay đồ xong. Bây giờ mới là đến hoạt động ngoại khóa của trường, nào là đố vui, nào là văn nghệ giao lưu, nào là kéo co gì gì đó… Các trò chơi được tổ chức với mục đích gắn kết cả trường, tạo cơ hội để học sinh làm quen và giao lưu nhưng tôi nghĩ mấy cái chương trình này vừa nhàm chán mà chẳng biết có làm quen được ai hay không, cứ như vừa rồi, tất cả cùng nghịch nước cùng chịu phạt với nhau một trận có khi làm quen còn nhanh hơn.

Chúng tôi tự tìm chỗ ngồi cho mình, tôi tự nhiên thấy hơi chóng mặt nhưng cũng vẫn ngồi chung với chúng nó. Chi đang chỉ chỏ gì đó lên cái bảng gán câu đố vừa nêu lên thì cũng là lúc Việt Anh vỗ vỗ vai tôi nói nhỏ.

– Thầy Quân gọi mày kìa.

Tôi nhìn theo hướng tay Việt Anh thấy Anh Quân đang ngồi ở một bệ cây, tay đang ấn ấn gì đó trên điện thoại. Tôi nhìn Việt Anh dè chừng.

– Mày chắc chứ?

– Thầy ý vừa nhờ tao ra gọi mày xong chứ không mày nghĩ tao thừa bơ à mà đang ngồi ở tít bên kia chạy qua đây gọi mày con dở hơi.

Tôi cau có lườm lườm nó rồi đứng dậy đi về phía Anh Quân. Bước đi hơi loạng choạng, tôi thấy chóng mặt, đầu quay mòng mòng nhưng vẫn có gắng lết về phía anh. Anh thấy tôi đi tới thì cất điện thoại rồi chỉ vào chỗ bên cạnh ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Sau khi tôi ngồi xuống anh mới lôi hộp cứu thương ban nãy vừa dùng để băng bó vết thương cho tôi khẽ nói gì đó mà tai tôi cứ lùng bùng chẳng thể nghe rõ.

– Đã bị thế này rồi mà còn chơi nước. Ẩm hết cả gạc rồi, nhiễm trùng thì sao?

– Em buộc nó lại rồi mà. – Tôi nói nhỏ, phần do mệt, phần do sợ bị anh mắng.

– Buộc lại mà không ướt chắc.

Anh nhẹ nhàng gỡ lớp gạc ẩm ra rồi lau vết thương sau đó băng lại cho tôi cái mới. Anh vẫn nói gì đó nhưng mắt tôi thì cứ nặng trĩu. Anh thấy tôi cứ gà gật mà không chú ý nghe lời anh nói thì cau mày lại.

– Này tôi nói em có chú ý gì không thế?

Anh hươ hươ tay trước mặt tôi rồi sờ lên trán.

– Sao lại nóng thế này hả. Nghịch nước cho lắm vào xong bây giờ sốt rồi đây này.

Tôi đưa tay lên dụi dụi mắt rồi lắc lắc đầu.

– Em. Không sao. Em lạnh.

– Không không cái đầu nhà cô ấy. Đã yếu còn hay đòi ra gió.

Anh lầm bầm trong miệng nhưng tôi vẫn nghe thấy.

– Vâng… vâng cái đầu nhà em. – Tôi lảm nhảm.

Tôi nghe thấy tiếng thở dài bất lực của Anh Quân, chắc chắn rằng anh đang muốn củng cho tôi một cái vào đầu nhưng không thể. Sau đó tôi cảm thấy cơ thể mình ấm hơn, có cái gì đó mềm mềm ấm ấm choàng qua vai tôi, thứ đó còn có một mùi hương quá đỗi quen thuộc mà có lẽ sau này tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên nổi.

Tôi khoác áo của anh, ngồi cạnh anh, tựa đầu vào vai anh. Tôi và anh, một con bé thì đang sốt đùng đùng, người nóng như cái bếp lò, đang tựa đầu vào vai anh, người với bao nhiêu suy nghĩ luẩn quẩn trong đầu. Chúng tôi ngồi ở một bệ cây cách khá xa chỗ mọi người đang tập trung. Tôi mệt quá nên thiếp đi trên vai ai đó, khẽ cọ cọ đầu vào bờ vai đó ngủ một giấc li bì. Trong giấc ngủ, tôi cảm nhận được có một gì thứ gì đó ngọt ngào và ấm áp rơi xuống đôi mắt, hàng mi đang nhắm nghiềm cũng khẽ rung động. Tôi cảm giác toàn thân nhẹ bẫng, rồi mùi xe ô tô, mùi xăng, mùi da bọc ghế khó chịu nhưng rồi tất cả cũng lướt qua thật nhanh. Khi tôi tỉnh dậy thì tất cả đã về tới Hà Nội. Cảm giác như tôi vừa bỏ qua một chi tiết nào đó nhưng vì mệt nên cũng chẳng muốn hành hạ bộ não cá của mình thêm nữa.

_____________________________________________________________________________

Anh lặng lẽ nhấp một ngụm cafe, như thường lệ, đó thường là cafe đen đặc. Cũng đã khá lâu rồi anh không uống thứ gì đắng như cafe. Anh chẹp miệng rồi đặt tách cafe xuống bàn. Có một sự thật còn đắng hơn cả thứ chất lỏng màu đen ấy đó là con bé ngốc kia có lẽ thích thằng nhóc bạn của nó. Suốt mấy tuần gần đây anh lảng tránh nó, anh thực lòng muốn gạt nó ra khỏi cuộc sống của anh. Nhưng cái ‘thực lòng” đó có phải là quyết định cuối cùng của anh không?

Anh Quân bất đắc dĩ phải đi cùng xe lớp 11A6 cũng chỉ vì bà chị đồng nghiệp hậu đậu lên nhầm xe. Anh thực sự hơi bực mình vì chuyện đó, anh nghĩ thầm không biết đám cưới của bà ấy lúc đón dâu bà ấy có lên nhầm xe giống hôm nay không. Càng nghĩ càng thấy bực mình, anh thở hắt ra đầy bực bội rồi tựa đầu vào ghế, khoanh hai tay trước ngực rồi nhắm mắt, cố gắng dỗ mình vào giấc ngủ nhưng rồi chẳng hiểu sao anh vẫn cảm thấy không thoái mái. Lúc anh mở mắt thì cũng là lúc ai đó đang nhìn anh qua cái khe giữa hai chiếc ghế. Nó thấy anh mở mắt thì quay ngoắt lên và chẳng thấy nhúc nhích gì hết. Anh muốn phì cười nhưng rồi lại cố gắng giữ cho khóe miệng không được cười.

Sự bực bội và cả nụ cười kìm nén khi nãy của anh cũng cuốn đi đâu mất khi mà anh bị nhìn chằm chằm bởi 4 đứa học sinh ngốc nghếch ngồi ghế trước. Anh mau chóng bị hút vào trò chơi trẻ con của chúng nó, trò chơi mang tên “Nói Thật”. Anh ngồi lắng tai nghe những điều chúng nó hỏi nhau rồi cả những câu trả lời quái đản, chỉ có khi nào chúng nó thầm thì bé quá thì anh không nghe thấy, còn lại anh đều nghe từ đầu đến cuối không sót một từ. Anh lắc đầu ngán ngẩm với lũ học sinh dở dở ương ương này, định lôi điện thoại ra chơi game nhưng khi nghe tên người tiếp theo bị hỏi tay anh lại khựng lại.

– Trịnh Tú An, hiện tại mày đang thích ai?

Cô bé học trò đó hỏi trúng phóc cái mà anh đang muốn biết. Anh im lặng lắng tai nghe nó trả lời, đôi mắt cũng thôi nhìn bâng quơ mà tập trung trên khuôn mặt của Tú An. Con bé cứ thoái thác hết lần này đến lần khác để không phải trả lời câu hỏi khiến cho người khác sốt ruột nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời từ miệng nó. “Nó thích ai” chính là câu hỏi mà anh muốn biết nhất nhưng cũng là câu hỏi mà anh sợ nghe câu trả lời nhất. Cô bé tên Dương Thùy vẫn kiên quyết một mực bắt nó nói ra câu trả lời, bên cạnh đó còn có Hồng Lam và Mai Chi tạo sức ép. Tú An bị dồn vào thế chân tường đang lúc không biết phải làm thế nào thì xe đến nơi. Nó nhanh chóng xách đồ chạy khỏi xe và thoát nạn, mặc cho 3 cô bạn ngẩn tò te thì nó vẫn cứ chuồn thật nhanh. Anh lắc đầu rồi đưa tay lên day day trán. Anh đã tự nhủ là phải tống nó khỏi cuộc đời anh mà tại sao anh vẫn cứ quan tâm nó làm gì vậy?

Anh càng trở nên mâu thuẫn hơn khi đi xuống núi. Anh đi trước nhưng khi nghe thấy tiếng của đám học trò ở phía sau nói rằng có ai đó bị ngã thì bước chân anh vốn đang bước đều đều chợt khựng đứng lại. Anh nghe thấy tiếng xin lỗi, tiếng khóc của cô bé học sinh nào đó, cái tên lặp đi lặp lại khiến anh giật mình.

– An ơi, An tao xin lỗi. Mày có sao không? Tao xin lỗi. Mày ơi mày có sao không? An ơi….

Cả trường này có bao nhiêu người tên An? Chịu, anh không biết nhưng cứ tên “An” là anh không thể tiếp tục xuống núi được rồi. Anh Quân nhanh chóng quay ngược lên chỗ học sinh đang đứng tụ tập. Anh nhanh chóng chen vào đám học sinh để có thể nhìn thấy cô bé tên “An”. Nhìn thấy cái dáng nhỏ bé dưới nền đất với cái đầu gối thì be bét máu anh như lặng người đi. Sau khi giải tán đám đông anh chẳng nghĩ ngợi nhiều mà bế thốc nó lên rồi đi tiếp. Anh hoàn toàn có thể bắt một thằng con trai nào đó cõng hoặc đưa nó xuống nhưng anh lại không làm thế, anh muốn là người đích thân mang nó xuống. Còn nó vì không muốn để anh trông thấy nó khóc mà cứ đưa tay lên che mặt. Quả thực anh rất không thích nhìn thấy nó khóc nhưng bàn tay đang đặt trên mặt nó lấm lem toàn đất với cát, rồi từ kẽ tay đã rỉ ra mấy giọt nước mắt, nhìn hình ảnh đó anh còn không thích hơn.

– Đừng khóc nữa. Đau đến thế à? – Anh nhìn chỗ đầu gối nó đang chảy máu mà bản thân cũng thấy đau. Anh muốn làm gì đó để giúp nó bớt đau nhưng rốt cục lại chẳng thể làm gì đành thở dài một tiếng. – Tôi biết cô khóc rồi cô nương ạ. Không phải che tay nữa. Tay dính toàn đất với cát xong lại bôi mèo lên mặt ý.

Nhưng nó cũng chẳng nói gì, anh cũng im lặng mà đi tiếp. Xuống tới nơi anh băng bó lại cho nó thật cẩn thận. Băng bó vết thương cho người khác làm anh nhớ lại ngày xưa anh cũng rất hay bị trầy xước mấy vết như thế này nhưng cảm giác hồi đó không đau giống như cảm giác của anh hiện tại. Vết thương khiến anh đau nhất hóa ra không phải nằm trên cơ thể anh mà nó nằm ở trên cơ thể người mà anh thương yêu. Anh chợt nhớ đến Bảo Khánh của mấy năm về trước, khi mà anh và cô còn là một cặp hoàn hảo. Anh nhớ có lần Bảo Khánh không cẩn thận cũng để bị ngã, không bị trầy xước mà bị bong gân. Ngày đó có lần anh phải băng lại cho cô, hiện tại việc băng bó cho Tú An làm anh nhớ đến ngày đó. Đây cũng là lần thứ hai anh phải băng bó cho người mà anh yêu, cảm giác như thể ahn đang băng bó cho chính trái tim của mình vậy.

Sau khi việc băng bó được hoàn thành nó lại nô đùa với đám bạn còn anh thì chỉ im lặng ngồi một góc nhìn theo nó. Tự nhiên anh thấy bực bội khi nó chân thì đau mà vẫn ham vui chạy nhảy như thế, bực bội khi mà anh thì lo lắng gần chết còn nó thì chẳng mảy may quan tâm đến cái chân vừa được băng bó. Hình như chỉ có một mình anh quan tâm đến cái chân đau của ai đó. Anh Quân giật mình, ơ kìa, tại sao anh lại nghĩ cho nó nhiều như thế? Anh đã tự dặn bẳn thân là phải tống khứ nó khỏi cuộc sống của anh cơ mà, thế mà tại sao anh lo lắng cho nó còn hơn cả nó lo lắng cho bản thân mình, thế mà ngay khi nghe thấy học sinh nào đó tên “An” bị ngã anh vẫn vội vã quay lại mặc dù không biết “An” đó có phải là “An” mà anh hay nghĩ tới hay không, thế mà anh vẫn cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy nó khóc, thế mà anh vẫn ngồi tự chửi rủa bản thân vì lại trót nghĩ đến nó nhiều đến thế. Anh tự cho mình là người hoàn hảo, hoặc ít nhất là hoàn mĩ hơn đa số những người khác, chính vì thế mà đôi khi anh tự cho phép mình hơi kiêu căng một chút nhưng anh càng tỏ ra kiêu kì lạnh lùng bao nhiêu thì sự thật khốc liệt lại biến anh trở thành thằng ngốc bấy nhiêu. Cứ nghĩ rằng chỉ cần lạnh lùng một chút, xa cách một chút là anh có thể tách nó khỏi cuộc đời mình nhưng thật là sai lầm khi nghĩ như vậy. Giờ đây cả thế giới sẽ cười nhạo anh vì không quên nổi một đứa con gái lóc cha lóc chóc mà còn tỏ vẻ này nọ, hoặc nếu không thì anh cũng sẽ tự cười vào mặt mình.

– Đúng là ghét của nào trời trao của ấy. – Anh cười khổ.

Anh nhìn nó tập tễnh vầy nước mà ngán ngẩm. Thật hết biết mà, nó vốn nghịch ngợm từ ngày bé, điều đó đâu phải là anh không biết nhưng nghịch đến mức này thì anh chưa ngờ tới. Tú An vẫn chẳng thèm để ý gì đến xung quanh, vẫn cứ nghịch nước với cái chân thì được “cách nước” bằng một lớp nilong. Thật là chẳng cái gì có thể ngăn cho nó không được nghịch.

Anh ngồi tán phét với mấy thầy cô nhưng ánh mắt thì vẫn liếc nhìn ai đó. Mãi đến khi cuộc chiến của chúng nó kết thúc, cả trường chuẩn bị cho các hoạt động ngoại khóa anh mới ôm hộp cứu thương ngồi một góc khuất rồi nhờ ai đó gọi cái con bé hâm hâm dở dở kia ra. Anh dám chắc rằng chỗ băng gạc ở chân nó sau một hồi nghịch nước như vậy nếu không ướt sũng thì cũng bị ẩm cho nên lại vác hộp thuốc ra đây để thay băng gạc cho nó.

Tú An thất thểu đi tới gặp anh. Anh khẽ mắng nó vài câu, nó cãi lại vài câu, anh bực nhưng cũng nén sự bực bội đó lại mà gỡ tấm gạc ẩm nước ra để bôi thuốc cho nó.

– Chân cẳng đã thế này mà còn ham vui. Em không thấy đau à? Em không nghĩ rằng vết thương lớn thế này rất dễ bị nhiễm trùng sao? Gọi là xước thôi chứ cũng mất cả tảng thịt đấy chứ ít à.

Anh thì lầm bầm mắng nó còn nó thì cứ gà gật, đôi mắt lờ đờ. Anh hươ hươ tay trước mặt nó rồi bỗng nhiên thấy người nó nóng bừng. Con bé này đã yếu lại còn ham vui, vừa nãy dầm nước thì rõ lâu để bây giờ sốt đùng đùng. Nó kêu lạnh, anh liền lấy áo khoác của mình choàng qua vai nó rồi để nó ngồi tựa đầu vào vai mình thiếp đi. Người nó thì vẫn cứ hầm hập như cái túi sưởi, ở đây lại không có thuốc nên đành bó tay. Anh cứ để nó ngồi tựa vào vai mình dẫu sao chỗ này cũng khuất tầm nhìn của mọi người, hơn nữa bây giờ tất cả đều tập trung ở bãi đất trống để tham gia hoạt động ngoại khóa, sẽ chẳng ai muốn bỏ cuộc vui để đến chỗ hai người họ ngồi làm gì.

Anh nhìn nó ngủ, đôi mắt nhắm nghiền, đôi lông mày hơi nhíu lại, chắc nó đang rất mệt. Anh nhẹ nhàng cúi xuống hôn lên mí mắt nó. Xem ra cái ý định gạt Tú An ra khỏi cuộc sông của anh coi như tiêu tùng rồi. Thôi thì anh vẫn sẽ thích nó, mặc kệ no có thích anh hay không thì anh cũng vẫn sẽ thích nó. Nhưng sẽ chỉ là một người luôn lặng lẽ dõi theo nó. Anh biết hiện tại Tú An đang thích cậu bạn của nó nên tất cả những gì anh có thể làm là âm thầm nhìn theo nó mà thôi.

Anh Quân nhẹ nhàng bế Tú An lên xe trước khi mọi người giải tán sau đó quay trở lại để điểm danh học sinh rồi cùng mọi người lên xe. Về đến Hà Nội anh gọi điện cho lão anh trai của nó đến đón nó về bởi với sức khỏe của nó bây giờ đứng còn chẳng vững nói gì tới về nhà. Anh gập điện thoại, nhìn nó ngồi cạnh bạn bè rồi quay lưng đi.

Tất cả những gì nó biết đó là nó đã về tới Hà Nội và giờ thì chỉ việc đợi anh trai tới đón thôi. Nó đâu biết rằng ở đâu đó, lúc nó đang vô tư đùa nghịch thì lại có một người đã lo lắng cho nó nguyên cả một ngày. Nó cũng đâu thể biết được ai đó giữ khoảng cách với nó chỉ vì người đó thích nó quá nhiều, thích tới mức anh ấy chấp nhận đứng từ xa nhìn nó hạnh phúc bên bạn bè. Những điều mà Tú An sẽ chẳng thể nào biết được, những điều ấy có lẽ bao hàm rất nhiều ý nghĩa và tình cảm của ai đó. Những điều mà nó không biết lại chính là điều mà anh có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể nói ra được.