Đơn Kiếm Diệt Quần Ma

Chương 26: Lầu Thanh Phong cưỡng bách phó hội Thái Sơn




Thì ra mấy người ở dưới nhà lên là Ác Sư Gia Thẩm Thượng Cửu và Thiên Ngoại Tam Tôn Giả, ba tên này đã bị sư phụ chúng đánh rơi xuống vực thẳm, rồi mất tích luôn. Không ngờ bây giờ chúng lại xuất hiện ở nơi đây.

Sau mấy tên đó là Cao Ly Cống Sơn Tứ Lão, Tần Trung Song Quái, còn người đi sau cùng là Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha.

Người mà khiến thiếu niên xấu xí kinh hãi, không phải là Thiên Ngoại Tam Tôn Giả và Cao Ly Cống Sơn Tứ Lão mà lại là Tam Tuyệt Quái Khất Mạnh Trọng Kha vì chàng không biết lập trường của y ra sao, hay là bề ngoài thì y đứng về phe Thẩm Thượng Cửu rồi ngấm ngầm làm việc cho Cái Bang hoặc y bắt cá hai tay, đứng giữa thủ lợi. Nhưng chàng nghĩ kỹ lại:

- Trước khi ta hiểu lập trường của y thì ta nên cẩn thận thì hơn.

Thấy Cao Ly Cống Sơn Tứ Lão hiện thân, Lâm Mông và Mục Hành Dị cùng mấy tên thủ hạ vội đứng dậy nghênh đón còn các người khác vẫn ngồi yên như thường.

Cao Ly Cống Sơn Tứ Lão thấy vậy không vui, đưa mắt liếc các bàn có bốn sư và bảy đạo sĩ ngồi, tỏ vẻ hậm hực và mắt của chúng đều lộ sát khí.

Tứ Lão đó vốn là người Mèo, anh em cùng cha khác mẹ, sau chúng được một dị nhân thâu làm môn hạ. Dị nhân thấy họ Mèo của chúng khó nghe, nên mới đổi thành họ Hoa và lấy Vũ Trụ Hồng Hoang làm bốn cái tên của bốn anh em.

Hoa Vũ đưa mắt nhìn Pháp Nhất đại sư cười nhạt và nói:

- Thế ra con lừa Pháp Nhất cũng ở đây đỡ đầu cho chúng, thảo nào những tay tiểu bối kia mới vô lễ với anh em lão như vậy?

Ngờ đâu Tứ Tăng Thất Đạo vẫn nhắm mắt nhập định, làm như không nghe thấy mấy câu nói vừa rồi của Hoa Vũ vậy. Hoa Vũ liếc thấy Hồ Cương mặt hơi lộ kinh ngạc, nhưng y lại hớn hở cả cười và nói:

- Không ngờ Hồ cư sĩ lại chịu bước chân ra cửa rồi. Tại sao người bạn thân của Hồ cư sĩ là Tưởng Thái Hư sao không thấy có mặt ở đây thế?

Hồ cư sĩ vẫn ngồi yên, mỉm cười đáp:

- Nếu Tưởng Đồ Long tới đây thì các ngươi đã sớm cụp đuôi chuồn thẳng rồi đâu dám lên Thanh Phong Lầu này nữa.

Hoa Vũ cười nhạt một tiếng rồi đáp:

- Chưa chắc!

Lâm Mông với Mục Hành Dị đã sửa soạn sẵn một mâm tiệc cho những người tới sau đó. Lúc ấy Kim Nguyệt Tôn Giả dùng tiếng Hán rất thông thạo, lên tiếng nói:

- Nghe nói Mục Bảo Chủ với Lâm lão sư vì Chưởng Kinh Đồ bỏ sọt rác mà xảy ra sự tranh chấp như vậy. Sự thật các người hà tất phải mất thì giờ một cách vô ích như thế làm gì?

Các người nên biết hiện giờ võ học của Thiếu Lâm đã đi đến chốn suy đồi, khi nào bằng được Thiền Môn tuyệt học của Thượng Môn Thiên Trúc chúng ta. Riêng ba tờ Bồ Đề Bối Diệp Chân Kinh của tiên sư ta nhặt được mới thực là tinh anh, tập trung hết mọi võ học của thiên hạ. Không may tiên sư Đàm Thượng Nhân ở trên Tửu Lâu Phong bị tẩu hỏa nhập ma.

Lúc bấy giờ có tên Quái Thủ Thư Sinh người mà đã bị các giới võ lâm của quý quốc khinh thị thừa cơ lấy trộm mất ba tờ chân kinh ấy đi, và y còn lén giở độc thủ khiến tiên sư bất trị mà chết.

Nếu có vị lão sư nào vui lòng chỉ điểm hành tung của tên Dư Vân đó, hay là bằng lòng liên hiệp với anh em bần tăng, bắt sống được y, thì bần tăng bằng lòng chia ba tờ Diệp Chân Kinh để cùng nhau hưởng, vậy quí vị nghĩ sao?

Thiếu niên xấu xí, mắt lộ sát khí, khiến ai trông thấy cũng phải sợ. Không cần nói rõ, quí vị cũng biết thiếu niên xấu xí đó là hóa thân của Vân Nhạc rồi. Trong hai năm nay chàng lăn lộn trong giang hồ cũng thâu lượm khá nhiều kinh nghiệm và lịch duyệt cũng tăng không ít. Tuy chàng có tính tự cao tự đại, nhưng đó cũng là tính chung của mọi người tuổi trẻ, khi làm việc thường không kiềm chế nổi tình cảm của mình. Đôi mắt lóng lánh của chàng khiến ai cũng sinh nghi.

Thẩm Thượng Cửu vừa vào đã luôn luôn chú ý đến thiếu niên mặt xấu xí đó, vì y thấy tại sao chỉ có một mình thiếu niên này ngồi một bàn như vậy.

Đồng thời y lại thấy đôi mắt thiếu niên đó thật lợi hại, nhưng y không biết thiếu niên nọ là ai. Y vội hỏi khẽ Mục Hành Dị rằng:

- Thiếu niên này là ai thế?

Mục Hành Dị lắc đầu tỏ vẻ không biết. Thẩm Thượng Cửu liếc mắt nhìn thiếu niên xấu xí hai lần, rồi cúi đầu ngẫm nghĩ:

- Không biết y nghĩ quỷ kế gì đây?

Lúc ấy Nhất Nguyên cư sĩ Hồi Cương bỗng ha hả cười nói:

- Mục Bảo Chủ ngày hôm nay là chủ nhân buổi họp này, sao không giới thiệu cho lão được biết ba vị đại sư này, vì lão mắt kém không nhận ra lai lịch ba vị ấy, xin thứ lỗi cho.

Mục Hành Dị “ừ” một tiếng rồi tự mắng:

- Mục mỗ đáng chết thực, chỉ vì cao hứng nhất thời mà quên giới thiệu với các vị.

Nói xong y cả cười một hồi rồi nói tiếp:

- Thưa các quí vị, ba vị này là nhất đại tôn sư ở chùa Kim Lưu Ly tại Trung Thiên Trúc đã vang danh Tây Vực, tức là Thiên Ngoại Tam Tôn Giả Kim Nguyệt, Minh Nguyệt và Ngân Nguyệt ba vị đại sư.

Y vừa nói dứt đã nghe thấy Kim Nguyệt Tôn Giả thét một tiếng, tiếng thét đó có vẻ đau đớn vô cùng, khiến ai nghe thấy cũng phải kinh hồn. Mọi người thấy y nhảy lên cao rồi như chiếc diều đứt dây ngã nằm sấp xuống ván lầu.

Y rơi xuống quá mạnh, làm cả Thanh Phong Lầu rung động, bụi bay tứ tung.

Ngân Nguyệt, Minh Nguyệt hai tôn giả thấy người anh như vậy, sợ Kim Nguyệt có xảy ra chuyện gì hay bị người ám hại. Hai người định đến gần khám, nhưng chưa đến đã thấy Kim Nguyệt nhảy phắt lên cười. Tiếng cười đau khổ rồi lẳng lặng quay về chỗ cũ.

Ngân Nguyệt thấy người anh như vậy trong lòng ngờ vực vô cùng, nhưng chưa tiện lên tiếng hỏi, chỉ chăm chú nhìn vào mặt Kim Nguyệt như chờ đợi y cho biết nguyên nhân tại sao.

Trong lúc ấy thiếu nữ diễm lệ khúc khích cười và nói:

- Nhất đại tôn sư ở Tây Vực khiến Trung Nguyên hậu học này kính ngưỡng vô sự cùng, nhưng theo sự vừa rồi mà xét đoán thì ba vị đại sư không nên tranh với các môn phái ở Trung Nguyên vì khí hậu và phong thổ ở nơi đây hình như không hợp với ba vị thì phải. Nhỡ lúc đang chiến đấu mà bị kinh phong nổi lên, mất hết công lực thì bị đả thương ngay, võ lâm Trung Nguyên không sao gánh vác nổi trách nhiệm nặng nề đó.

Quần hào nghe nàng nói như vậy đều cả cười, Thiên Ngoại Tam Tôn Giả xấu hổ vô cùng, sắc mặt lúc đỏ lúc xanh biến đổi luôn luôn. Tứ Tăng Thất Đạo vì cái ngã của Kim

Nguyệt Tôn Giả rất mạnh nên mười một vị đó đều mở mắt ra và mồm tủm tỉm cười. Kim Nguyệt Tôn Giả xấu hổ quá, cả giận quát lớn một tiếng, giương hai tay nhảy tới bàn của thiếu nữ diễm lệ, vỗ luôn vào vai nàng, thân hình nhanh như điện. Ngờ đâu Thẩm Thượng Cửu còn nhanh hơn Kim Nguyệt Tôn Giả đã nhảy đến trước và giơ hai tay lên đỡ lấy cánh tay Kim Nguyệt Tôn Giả, vì dùng sức quá mạnh nên cả hai cũng đều bắn ra sau hai bước và đồng thời khí huyết bị đảo ngược lên nữa.

Thiếu nữ diễm lệ đã đề phòng trước, cho nên khi thấy Kim Nguyệt Tôn Giả vừa giương tay ra định tấn công mình, thì nàng đã lẻn tới phía sau Pháp Nhất đại sư. Với vẻ mặt trông rất hiền từ, Trưởng Pháp Đại Sư nói:

- Con bé này thông minh, không trốn ở sau lệnh tôn mà núp ở sau bần tăng, chắc cô có dụng ý khác phải không?

Thiếu nữ diễm lệ vừa vuốt mái tóc vừa nũng nịu cười đáp:

- Hậu bối không muốn giấu giếm lão sư phụ, hậu bối chỉ muốn kiến thức võ học của phái Thiếu Lâm thôi chớ không có dụng ý gì khác cả.

Pháp Nhất đại sư ha hả cả cười rồi đứng dậy đi đến trước Thẩm Thượng Cửu và Kim Nguyệt Tôn Giả.

Thượng Cửu và Kim Nguyệt vị vừa rồi cả hai dùng quá sức, khí huyết đảo lộn nên cả hai đứng yên vận lại chân khí. Dù sao Pháp Nhất đại sư cũng là cao tăng nhất đời, không muốn nhân lúc người ta đang nguy hiểm mà tấn công ngay, cho nên lão tăng đến cách hai người năm bước dừng lại và vuốt râu cười.

Quần hào có mặt tại đó đều là những tay cao thủ trứ danh lúc này thấy Thiếu Lâm cao tăng có một mình bước ra như vậy tất không phải chuyện tầm thường, nên ai nấy cũng đều yên lặng chờ xem sự thể ra sao?

Thẩm Thượng Cửu đã điều vận chân khí xong, nhếch mép cười giọng gian xảo và hỏi:

- Ngày hôm nay được gặp mặt đại sư lần này nữa là hai lần, kể ra chúng ta có duyên với nhau đấy. Có phải đại sư có lời chỉ bảo tại hạ phải không?

Pháp Nhất đại sư vái chào:

- A di đà Phật, bần tăng là người tu hành, không tranh chấp với người đời bao giờ, chỉ tự hổ thẹn linh đài chưa được thanh tịnh lại bước chân vào trần thế đa sự này, bần tăng có tài ba gì đâu mà dám chỉ điểm thí chủ. Bần tăng chợt nhớ ra một việc phải nói với thí chủ mà thôi.

Nói xong Pháp Nhất mỉm cười. Thẩm Thượng Cửu nghi ngờ vô cùng, không hiểu lão tăng Thiếu Lâm định nói gì với mình. Pháp Nhất đại sư mỉm cười nói tiếp:

- Mười năm trước ngẫu nhiên bần tăng lên Thiên Sơn du ngoạn vừa gặp được danh túc của phái Thiên Sơn là Vô Lượng đại sư. Lúc ấy bần đạo đang vào tuổi tráng niên, được đại sư chỉ điểm cho phật lý, nhờ vậy bần đạo mới khỏi lạc đường, lầm lỗi nên mới có được ngày nay.

Những điều đó đều được Vô Lượng đại sư ban cho. Ngay hôm đại sư tọa hóa bần đạo cũng được may mắn đứng hầu tại đó. Trước khi thành Phật, đại sư có trăng trối lại với bần tăng rằng đại sư chỉ có một đồ đệ thôi, nhưng vì thấy tính y bất chính, nên mới đuổi xuống núi, sau nghe phong phanh người đó đã giúp việc cho những kẻ gian ác.

Sở dĩ y được ung dung ở pháp ngoại là vì Vô Lượng đại sư không muốn bước chân vào giới tục trần nữa. Đại sư mới nhờ bần tăng chuyển cáo cho người đó. Xưa nay bần tăng chỉ nghĩ đến hai chữ từ bi thôi, nên mới nghĩ trên đời không có kẻ ác nào không biết hối cải cả, cho nên bần tăng không đi kiếm người đó mà chuyển cáo là thế. Người đó là ai chắc thí chủ đã biết rồi.

Nói xong Đại sư mỉm cười, Thẩm Thượng Cửu nghe hòa thượng nói xong, y xám mặt lại.

Quần hùng nghe xong biết ngay đó là Thẩm Thượng Cửu, Pháp Nhất đại sư là người trung hậu cho nên không nói trắng ra thôi.

Thiếu niên mặt xấu xí nghĩ thầm:

- Giả sử Vô Lượng đại sư là sư huynh của sư tổ ta thì Thẩm Thượng Cửu cũng là bề trên của ta. Lạ nhất là ân sư của ta sao không nhắc nhở đến chuyện của sư môn cho ta hay.

Vả lại võ học của bổn môn uyên bác tinh thâm như vậy tại sao từ xưa đến nay võ lâm không nhắc đến phái Thiên Sơn như thế, hay là sư tổ mình không muốn sáng lập môn phái sợ dây dưa vào trong tục trần nên mới kín đáo như thế để khỏi phiền lụy.

Lúc ấy Thẩm Thượng Cửu đã định thần lại, vẫn cười gian xảo như trước và đáp:

- Đại sư nói rất có lý nhưng Thẩm mỗ không phải là người đó. Nhưng dù sao Thẩm mỗ cũng cám ơn đại sư có lòng tốt như vậy.

Pháp Nhất đại sư hơi cau đôi mày, quay lại nói với Mục Hành Dị rằng:

- Mục thí chủ, nếu cuốn chưởng kinh thí chủ có lấy được cũng vô dụng, xin ban lại cho bần tăng sẽ lên núi ngay.

Cao Ly Cống Sơn Đại Ma đột nhiên cười khà khà một cách quái dị và nói:

- Pháp Nhất, ngươi nói như đùa vậy, lúc đầu thì bảo chúng ta là tà ma ngoại đạo, cần phải đuổi ra ngoài giới võ lâm. Lúc này lại biết sự khó dễ mà rút lui, nhưng việc này không để cho ngươi muốn sao thì được đâu, trừ phi ngươi phải đấu một trận, xem ai mạnh thì sống mà yếu thì chết, bằng không cửu đại môn phái của các ngươi từ nay không được yên đâu.

Pháp Nhất cũng lớn tiếng cười, hai mắt lóng lánh, trông oai nghi vô cùng và đáp:

- Nếu Hoa thí chủ nói như vậy thì bần tăng cũng xin nhận lời. Muốn đấu như thế nào thí chủ cứ nói cả ra. Phật đã dạy “Nếu ta không vào địa ngục thì còn ai vào đấy nữa”. Bần tăng đành phải vì chúng sinh mà xả thân vào địa ngục vậy.

Nói xong, Đại sư lớn tiếng cả cười một hồi, Thẩm Thượng Cửu cũng cười theo và nói:

- Hai vị hà tất phải nói đấu đến chí tử làm gì. Chúng ta sao không nói những trận đấu đó chỉ là để nghiên cứu võ học với nhau thôi.

Từ xưa tà chính vẫn không đứng ngang nhau được, nếu ngày hôm nay cả hai cùng chịu hòa thì sau này cũng có ngày nổ bùng, chi bằng giải quyết ngay đi thì hơn.

Nhất Nguyên cư sĩ Hồ Cương tiếp lời:

- Dù có nói gì đi chăng nữa thì câu chuyện đó vẫn nguyên như cũ. Họ Thẩm kia, có phải ngươi tự nhận là nhân vật của tà phái không?

Thẩm Thượng Cửu sầm nét mặt đáp:

- Tà chính, hai tiếng ấy không có giới hạn gì để phân biệt rõ rệt cả. Chỉ xem tính người mà định thôi. Bây giờ chúng ta không cần lý luận việc đó làm gì. Thẩm mỗ có kế hoạch này, hiện giờ Cái Bang đang chia rẽ Nam Bắc.

Vào ngày mồng ba tháng ba có cuộc đấu võ trên Thượng Nhân Phong tại núi Thái Sơn.

Nếu bên nào thắng thì được nắm quyền trông coi cả thiên hạ. Các vị lão sư sao không nhân cơ hội đó mà phân định thắng bại. Thẩm mỗ lúc ấy cũng được thưởng thứ tài nghệ của các anh hùng thiên hạ, như vậy có hơn không?

Hồ Cương cả cười một hồi liền đáp:

- Tên nhãi này giỏi thật, định rủ chúng ta đến đó để bắt cá cả lưới phải không? Nhưng khi nào lại để cho ngươi được toại nguyện. Dù sao lão đây thể nào cũng tới Thái Sơn dự đại hội để xem ngươi còn giở trò quỷ gì? Hiện giờ vấn đề chúng ta cần giải quyết là cuốn chưởng kinh.

Sắc mặt Thẩm Thượng Cửu không thay đổi, cũng với nụ cười gian xảo nói:

- Đại hội Thái Sơn hoàn toàn do tâm ý của Hoa đại hiệp, còn tâm ý các vị có đi hay không thì tùy tiện. Cuốn chưởng kinh này bây giờ tạm thời đưa cho Hoa đại hiệp bảo quản.

Pháp Nhất đại sư nóng lòng muốn lấy lại cuốn chưởng kinh đó thì ngày mai mời đại sư giá lâm Ngọc Toàn Sơn, Hoa đại hiệp sẽ đợi chờ ở đó.

Pháp Nhất đại sư liền trả lời:

- Bần tăng sẽ tới.

Nói xong Đại sư quay mình đi liền.

Thế rồi, bốn tăng và bảy đạo sĩ liền lần lượt xuống lầu đi ngay.

Lúc ấy thanh niên cầm chén lên, lớn tiếng ngâm nga:

Ngày tháng vốn dài dằng dặc,

Chỉ có kẻ ngu mới chẳng thấy cửu trường...

Giọng ngâm nga của chàng rất du dương, nhưng khi lọt vào tai quần hùng lại tựa như tiếng chuông vang lừng vậy, nên ai nấy đều cảm thích vô cùng.

Kim Nguyệt Tôn Giả vừa rồi mới vào chỗ ngồi, đã thấy ba con ong bay tới nhằm ba yếu huyệt ở phía sau mà đốt. Y kinh hoảng đến mất hết hồn vía nên mới nhảy lên như thế.

Rồi y cảm thấy người tê buốt vô cùng, không sao chịu đựng nổi. Tới khi y ngồi về nguyên chỗ, vẫn cảm thấy mình mẩy khó chịu hết sức. Một lát lâu, y mới thấy như thường, liền tự nghĩ:

- Bình sinh ta có bệnh kỳ lạ ấy đâu? Tại sao ngày hôm nay lại thất thường như thế? Hay là con ma Bảo Đàm điểm trúng Thiên Phù huyệt của ta rồi lâu ngày tích tụ máu cản trở khí huyết nên mới sinh ra chứng bệnh này chăng?

Nghĩ tới đây, y lại sực nghĩ tiếp:

- Không có lẽ, ta tạm bế Thiên Phù huyệt lại, ngoài công lực của ta không thể luyện tới mức đạt đến thập nhị tầng lầu ra thì không có cái gì là có hại cả. Tại sao tích huyết ấy lại chạy tới ba yếu huyệt ở đằng sau ta được? Sao Ngân Nguyệt và Minh Nguyệt lại không mắc phải chứng bệnh ấy? Hay là có người ra tay hại ngầm chăng?

Càng nghĩ y càng sinh nghi, liền quay lại phía sau. Y trông thấy một thiếu niên xấu xí đang ngồi một mình cạnh chiếc bàn con đang nhoẻn miệng cười. Y không xác nhận là thiếu niên đó đã ra tay, vả lại lên tiếng lúc này thì mất hết sĩ diện của mình ngay. Vì vậy y mới làm thinh là thế.

Lúc này y bỗng thấy thiếu niên ấy ngâm nga hai câu thơ bao hàm thiền cơ rất sâu sắc, âm lượng tuy không nặng lắm, nhưng tiếng ngâm đó lọt vào tai y thấy như bị kim châm, hiển nhiên thiếu niên ấy nội công đã tới mức thượng thừa rồi. Nên y mới gọi Thẩm Thượng Cửu vừa nhìn thiếu niên kia cười thầm.

Thấy sắc mặt của Thẩm Thượng Cửu, thiếu nữ diễm lệ biết ngay tên ác sư gia thế nào cũng có hành động bất lợi cho thiếu niên mặt xấu xí kia, tuy nàng không ưa gì thiếu niên ấy nhưng nàng không ghét chàng như tên ác sư gia nọ. Hồ Cương trông thấy thần sắc của con gái như vậy, biết ngay nàng sắp ra tay phá bĩnh cái gì đây, nhưng vẫn tỏ ra điềm nhiên để xem con gái mình sẽ làm trò gì?

Quí vị nên rõ, Nhất Nguyên cư sĩ Hồ Cương với Đồ Long cư sĩ Tưởng Thái Hư hai người nổi danh từ bốn mươi năm về trước, nhưng chỉ đi lại ngoài bãi hoang thôi, chớ hai người không hề vào Trung Nguyên bao giờ.

Nhưng một năm sau, không hiểu tại sao Hồ Cương, một mình xông lên trên núi Côn Luân ba lần, cùng Côn Luân Tứ Kỳ đấu ba ngày ba đêm. Bề ngoài hai bên tuy không ai hơn thua, nhưng sự thật Nhất Nguyên cư sĩ đã suýt làm đảo lộn cả núi ấy đi. Trải qua trận chiến, tiếng tăm của Hồ Cương đã chấn động cả võ lâm ở Trung Nguyên.

Hồ Cương với Tưởng Thái Hư tuy cùng ở một nơi, nhưng người nào cũng thích đơn độc hành động nên không ai can thiệp đến chuyện của ai cả.

Võ lâm đồng đạo đều công nhận võ công của Hồ, Tưởng hai người đã tới mức thượng thừa rồi. Hiện giờ trong võ lâm chỉ có mấy tay cao thủ là ngang tay với hai người đó thôi.

Ba mươi năm trước đây, Tưởng Thái Hư thường lộ mặt trên giang hồ, Hồ Cương thì ẩn tích từ đó. Trong võ lâm đồng đạo phao tin đồn là Hồ Cương bị kích thích một việc gì, chán nản sự đời, đã ẩn vào trong thâm sơn để tu hành rồi.

Nhưng các đồng đạo trong võ lâm có ai biết Hồ Cương mới lấy vợ, khi nào nhàn rỗi là hai vợ chồng y đi du ngoạn sơn thủy. Sau đó hai vợ chồng lại dọn nhà tới Bách Hạnh Lãnh bên bờ sông Dương Nghịch, không cho người bạn thân như anh em ruột là Thái Hư hay, nên giang hồ mới đồn đại như trên là thế.

Hai vợ chồng Hồ Cương rất thương yêu nhau, nhưng cảnh đẹp bất trường tồn. Sau một lần tiểu sản, vợ y lại bị băng huyết, chữa mãi nhưng không khỏi. Hồ Cương phải dùng hết tất cả các phương pháp mới bảo toàn tính mạng của vợ nhưng từ đó trở đi, vợ y cứ nằm liệt trên giường, không hề bước chân đi đâu được.

Hồ Cương đau lòng hết sức, vì dòng dõi nhà y đời nào cũng con một, y chỉ mong làm sao sinh được đứa con trai để nối dòng. Ngờ đâu vợ y có thai được ba tháng lại bị tiểu sản như vậy, nên y chán nản vô cùng.

Từ đó trở đi, hai vợ chồng Hồ Cương rầu rĩ vô cùng, suốt ngày chỉ than ngắn thở dài.

Sau đó có người bạn cho y một cái toa thuốc, nhưng có mười mấy vị thuốc trong toa phải đi sâu vào trong thâm sơn đại trạch mới kiếm ra được. Y liền kiếm một vú già để hầu hạ người vợ rồi y mới hạ sơn đi khắp mọi nơi để kiếm cho ra những vị thuốc đó đem về sắc cho vợ uống.

Sau khi uống thuốc vợ Hồ Cương ngày càng mạnh dần, đi lại như thường. Hai năm sau, vợ Hồ Cương lại mang thai. Lần này y mừng rỡ vô cùng. Không ngờ đến ngày sanh, vợ y lại sinh ra một gái, y nửa mừng nửa thất vọng. Vì trong thâm tâm, y mong vợ sanh cho y một con trai, nhưng sau y nghĩ lại, trai hay gái gì cũng là con mình, có còn hơn là không.

Hai năm trôi qua, vợ Hồ Cương vì sức yếu nên đã lìa trần. Hồ Cương phải dừng gót giang hồ để ở nhà nuôi con.

Con gái y lớn dần theo thời gian, khôn mặt đẹp như hoa nở và thông minh tuyệt đỉnh.

Y đặt tên cho con gái là Cốc Lan và truyền hết võ nghệ cho nàng. Muốn kiếm người con rể vừa lòng, Hồ Cương liền đem con gái xuống núi.

Vào một hôm, cha con Hồ Cương đi tới Hán Châu ở Lục Kiều Thiên Trúc, gặp Nhan Hồi Lão Nhân của phái Hoàng Sơn. Hai người trò chuyện đến đại sự của võ lâm, có nói tới phái Thiếu Lâm mất cuốn Vô Tướng Kim Cương Chưởng Kinh. Nhan Hồi nói nội trong nay mai sẽ đi vào trong kinh và rủ cha con Hồ Cương đi chơi cùng một thể.

Chuyến đi này với mục đích kén rể, cho nên khi nghe Nhan Hồi rủ đi như vậy, liền vui lòng nhận ngay. Vì vậy ngày hôm nay y có mặt tại Thanh Phong Lầu là thế.

Riêng chỉ có Nhan Hồi biết là Nhất Nguyên cư sĩ thôi, chớ quần hùng không ai biết, vì vậy không ai để ý đến y mà chỉ để ý đến con gái y là Hồ Cốc Lan. Hồ cô nương được cha nuông chiều từ nhỏ, cho nên không biết nghi kỵ và giữ gìn gì cả, hễ thích gì thì nói nấy.

Nàng trò chuyện với Nhan Hồi một cách quá tự nhiên, hình như coi chung quanh không có người nào cả.

Cốc Lan thấy các cao nhân kỳ sĩ đa số là ông già hay tăng ni đạo sĩ cả, còn các thanh niên kia cũng đều tầm thường nên nàng thất vọng vô cùng. Nàng lại ghét thiếu niên xấu xí kia hơn hết nên nàng nghĩ:

- Sao thiếu niên đó lại xấu xí như thế, cô nương không tin trên thế gian này lại có người xấu xí như vậy!

Cũng vì vậy mà nàng liếc nhìn mặt chàng kia luôn luôn. Mặc dầu ánh sáng trên lầu không tỏ lắm nhưng nàng nhìn vài lần thấy da cổ của chàng ta khác hẳn da mặt và nơi bàn tay chàng lại trắng nõn nà nữa cho nên nàng mới sinh nghi nhưng vẫn không sao đoán ra được.

Lúc này nàng thấy thần sắc của Thẩm Thượng Cửu có điều bất lợi cho thiếu niên kia nên nàng lẻn tới trước mặt thiếu niên nọ.

Thẩm Thượng Cửu thấy thân pháp của Hồ cô nương nhanh nhẹn như vậy cũng ngẩn người ngạc nhiên giây lát, y cười gian giảo tiếp:

- Cô nương, thiếu niên này có phải là bạn của cô nương không?

Hồ cô nương hai má đỏ bừng lắc đầu tỏ vẻ không phải, Thẩm Thượng Cửu sầm nét mặt lại tiếp:

- Nếu không phải là bạn của cô nương thì cô nương hãy tránh ra để Thẩm mỗ hỏi rõ lai lịch của tên này.

Hồ cô nương cười khúc khích và đáp:

- Ông có quyền thế gì mà xét hỏi lai lịch của người ta?

Thượng Cửu bị Hồ cô nương hỏi như vậy suýt không trả lời được nhưng y xưa nay là một tên lão luyện, không muốn vì một việc nhỏ mọn này mà gây nên tai họa và y cũng biết

Nhất Nguyên cư sĩ tái xuất thể nào cũng có mục đích gì đây, y vội nén lòng tức giận xuống mỉm cười đáp:

- Đây là có người nhờ vả Thẩm mỗ làm như vậy cho nên mỗ phải ra tay khám xét đó thôi, cô nương lý sự như vậy hơi quá một chút đấy.

Hồ cô nương vẫn vênh mặt nói:

- Nếu bảo cô nương quá lý sự thì cô nương cứ lý sự đấy.

Cao Ly Cống Sơn Tứ Lão thấy vậy cau mày lại, Đại Ma Hoa Hồng liền nói:

- Thẩm lão đệ tranh chấp với con nhỏ làm gì, chúng ta cần phải đi, lát nữa thương lượng đại sự cần hơn hết.

Nói xong y liền đứng dậy, bọn Tần Trung Song Quái cũng đứng dậy theo.

Nhân dịp đó Thẩm Thượng Cửu liền xoay chiều ngay, liền vừa cười vừa nói:

- Cô nương quả thật là con gái quý của Hồ lão sư có khác, can đảm hơn người nhiều.

Nói xong y liền theo chân Tần Trung Song Quái đi luôn. Trước khi rời khỏi Thanh Phong Lầu, Kim Nguyệt Tôn Giả hậm hực nhìn thiếu niên xấu xí một cái rồi nói:

- Tiểu tử, sãi gia ngày mai ở trên núi Ngọc Toàn chờ mi.

Nói xong y liền rảo bước đi ngay.

Thoạt tiên quần hùng thấy Hồ Cốc Lan gây sự với Thẩm Thượng Cửu thì nghĩ thế nào cũng có một cuộc đấu rất hay ho nên họ ở lại định xem, không ngờ cớ sự lại xảy ra âm thầm như vậy nên ai nấy đều rời đi. Lúc ấy Mục Hành Dị tiến lên chào Hồ Cương và nói:

- Mục mỗ không ngờ Hồ lão sư cũng hứng thú tới đây, có điều chi thất lễ xin tha thứ cho, bao giờ lão sư có rảnh xin mời đến tệ bảo một phen thì Mục mỗ thật hân hạnh vô cùng.

Hồ Cương cũng đứng dậy ha hả cười đáp:

- Mục lão sư hà tất phải khách khí như vậy làm gì, nếu khi nào có rảnh tại hạ sẽ đến bảo trang ngay, bây giờ Mục lão sư có chuyện thì xin cứ tự tiện.

Mục Hành Dị chắp tay vái chào rồi quay mình xuống lầu liền.

Lâm Mông mặt đỏ bừng cũng cúi đầu đi theo sau. Hồ cô nương nhìn theo tỏ vẻ tức giận vô cùng.

Một lát sau quần hùng đã đi hết, trên Thanh Phong Lầu chỉ còn bốn người là cha con Hồ Cương, Nhan Hồi Lão Nhân và thiếu niên xấu xí kia.

Từ đầu chí cuối thanh niên xấu xí vẫn ung dung nhậu nhẹt một mình như thường. Hồ cô nương tỏ vẻ tức giận giậm chân xuống ván lầu một cái rồi hờn giận nói:

- Người này lạ thật, cô nương giải vây hộ mà không thèm cảm tạ một lời nào hết.

Thiếu niên xấu nọ ha hả cả cười đứng dậy cúi đầu sát đất và đáp:

- Nếu vậy tiểu sinh xin cảm tạ cô nương.

Hồ cô nương vội né mình tránh ra khúc khích cười và đáp:

- Ai thèm nhận cảm tạ nào.

Hồ Cương cũng cả cười nói:

- Lan nhi, con lo ngại cho người ta như thế là thừa, sự thực người ta có sợ gì Thẩm Thượng Cửu đâu.

Thiếu niên xấu xí có vẻ ngượng liền đáp:

- Thần mục của lão tiền bối quả thật như điện, nếu tiểu sinh không được cô nương kịp thời can thiệp thì có lẽ tiểu sinh bị đả thương bởi họ Thẩm rồi.

Hồ Cương lại ha hả cả cười đáp:

- Cứ xem thủ đoạn của lão đệ vừa rồi sử dụng với Xa Hà Bảo Chủ cũng đủ hiểu là thế nào rồi, lão đệ hà tất phải giấu giếm làm gì.

Nói đến đây y ngừng giây lát rồi tiếp:

- Lão xin giới thiệu vị này là Hoàng Sơn Nhan Hồi Lão Nhân.

Thiếu niên xấu xí nói vài câu khách sáo xong, Hồ Cương vừa cười vừa nói tiếp:

- Lão đang ở trọ tại Tam Nguyên khách sạn nếu lão đệ rỗi rảnh xin mời sang chơi.

Thiếu niên nọ đang định từ chối thì chàng đã nghe thấy tiếng oanh thỏ thẻ bên tai, thì ra Hồ cô nương đã lên tiếng nói:

- Cha xem người này quái dị lắm, từ cổ trở xuống màu da khác hẳn màu da của bộ mặt.

Hồ Cương khẽ quát mắng:

- Lan nhi, con không được vô lễ như vậy.

Tuy vậy y cũng biết con gái y đã xét thấy điều gì khả nghi rồi nên liếc nhìn vào cổ thanh niên nọ, quả nhiên thấy đúng như lời của Cốc Lan nói.

Lúc ấy thiếu niên mặt xấu xí lại mỉm cười:

- Không dám giấu giếm với lão tiền bối, quả thật tại hạ có đeo cái mặt nạ da người, điều này tại hạ có nỗi khổ tâm vô cùng nhưng không thể nào nói ra được. Việc phải đến chừng đó lão tiền bối sẽ biết ngay.

Hồ Cương và Nhan Hồi Lão Nhân kinh ngạc vô cùng, rồi đột nhiên Nhan Hồi Lão Nhân ha hả cả cười nói:

- Thời buổi này những người tuổi trẻ tiến bộ lắm, chúng ta bọn già nua lạc hậu phải đào thải mới được.

Nói xong lão hiệp thở dài tỏ vẻ cảm khái vô cùng. Hồ cô nương ngẩn người ra bỗng hỏi:

- Tại sao không cởi mặt nạ ra cho người ta xem.

Sự thật thì nàng muốn xem cái mặt nạ đó ra sao chứ không phải nàng muốn xem mặt của thiếu niên đó.

Thiếu niên kia vừa cười vừa đáp:

- Cô nương, không phải tôi không muốn cởi mặt nạ ra đâu nhưng vì cường địch dòm ngó xung quanh rất nhiều hễ sơ hở một tí thì mang họa vào thân ngay, xin cô nương thông cảm cho.

Hồ cô nương dùng giọng mũi hừ một tiếng chẫu môi đáp:

- Có cha tôi ở đây anh còn sợ người ta hà hiếp hay sao?

Hồ Cương lại mắng:

- Nói bậy nào, cha của con là cái quái gì, vừa rồi bọn Tần Trung Song Quái và Cao Ly

Cống Sơn ai mà không hơn cha. Con nhải này chỉ thích mang họa vào thân thôi.

Nói xong y quay lại nói với thiếu niên xấu xí nọ:

- Lão đi trước một bước, nếu có rảnh thì xin mời lão đệ đến khách sạn chơi.

Thiếu niên xấu xí liền đáp:

- Thế nào tại hạ cũng đến bái kiến.

Chàng chờ bọn Hồ Cương xuống lầu, rồi mới thở dài một tiếng thầm nghĩ:

- Hồ cô nương cũng điêu ngoa như Nghệ cô nương ở Kim Hoa vậy. Mà hai người cùng tên là Lan, nhưng cô nương này dù có điêu ngoa cũng không mất vẻ ngây thơ, một vẻ giận hờn của nàng trông rất nhu mì, chứ không như Nghệ cô nương làm ra điều ta đây, khiến ai nấy cũng không ưa chút nào.

Nhưng chàng sực nghĩ đến lúc chữa bệnh cho Nghệ cô nương và tiếng rên la thê thảm của nàng, chàng cảm thấy ăn năn vô cùng.

Chàng lại sực nghĩ đến Phó Thanh, tuy được Pháp Nhất đại sư cứu đi nhưng không biết hiện giờ y đang làm gì và ở đâu, chàng định ngày mai lên nói Ngọc Toàn hỏi Pháp Nhất xem

Phó Thanh hiện giờ ở đâu, nếu y được Đại sư nhận làm môn đệ của Thiếu Lâm thì mình yên tâm vô cùng.

Chàng lại nghĩ tới nghĩa huynh Thương Tỷ và Lôi Tiếu Thiên hai người. Thành Bắc Kinh to lớn như vậy mà không thấy một đệ tử nào của Cái Bang cả, làm sao tìm kiếm hai người đó.

Còn vấn đề của mình bây giờ không thể để kẻ địch nghi ngờ được. Mồng ba tháng ba này ở

Thượng Nhân Phong trên núi Thái Sơn có cuộc đấu của Nam Bắc Cái Môn thì lúc ấy hai nghĩa huynh thể nào cũng tới, ta sẽ được gặp mặt, bây giờ hà tất ta phải nóng lòng sốt ruột như vậy.

Nghĩ đoạn chàng liền rảo cẳng xuống lầu. Lúc ấy trời đã đến cuối giờ thân, hai bên phố đã bắt đầu thắp đèn.

Chàng đi đến khách sạn Cát Tường ở bên khách sạn Tam Nguyên thuê phòng ngủ trọ.

Chàng nằm trên giường không bao lâu đã ngủ thiếp đi, khi chàng tỉnh dậy ánh sáng đã rọi vào cửa sổ, chàng thức dậy gọi phổ ky đem nước vào cho chàng rửa mặt, dùng chút điểm tâm rồi chàng đi thẳng về hướng thành Tây Trực.

Ra khỏi Tây Trực Môn đã thấy vườn Viễn Minh. Vườn này xưa kia vua Ung Chính lúc chưa lên ngôi đã dùng nơi đây làm chỗ ở. Trong có Quan Minh Điện kiến trúc nguy nga.

Tới triều vua Càn Long, sau khi du Giang Nam về hạ chỉ cho kiến trúc đúng các danh thắng của thiên hạ để làm cảnh trí nhưng chỉ tiếc rằng nơi đây nghiêm cấm quần chúng vào du ngoạn, cho tới cuối nhà Thanh, Tây Thái Hậu cho trùng tu lại cảnh trí đúng các danh thắng của Tây Hồ, trong có hai mươi bốn cầu và bảy mươi hai đình thật tráng lệ chỉ tiếc bọn quyền phỉ gây rối loạn nên liên quân của tám nước vào đóng trong Bắc Kinh, thế là vườn này bị phá huỷ, rốibao nhiêu cổ vật châu báu đều mất hết. Vườn bị đốt cháy ba ngày ba đêm mà cũng chưa tắt ngọn lửa, thật là tai hại cho nước Trung Hoa.

Hãy nói thiếu niên xấu xí tiến thẳng lên núi Ngọc Toàn, chàng quay đầu lại trông xuống bên dưới thấy Vạn Thọ Sơn, Tử Cấm Thành, vườn Viên Minh và vườn Di Hòa rõ hết. Chàng lại tiếp tục đi lên tới Lưu Ly.

Trên đỉnh núi thấy bốn bề yên lặng không có một bóng người nào hết, chàng nghĩ:

- Có lẽ họ sắp tới đây rồi, sao ta không lên trên tháp chờ đợi. Đứng trên cao nhìn xuống thì nhất cử nhất động của họ không còn tránh đâu được nữa.

Nghĩ đoạn chàng lên thẳng tầng trên cùng của tháp Lưu Ly.

Tháp Lưu Ly này có lẽ kiến trúc từ đời vương triều Lưu, Kim. Cao tám mươi trượng có tất cả bảy tầng, tầng nào cũng có bậc thang đá. Tầng trên cùng lại có một tượng Phật bằng đồng cao hơn trượng trông rất uy nghi.

Trên núi Ngọc Toàn có một nguồn suối rất trong, nước pha chè uống mát rượi. Ngọc Toàn Sơn cũng là một trong tám cảnh của Yến Kinh.

Đang lúc ngắm cảnh thì bên dưới đột nhiên có tiếng rú vọng lên, chàng nhìn xuống thấy trên sườn núi có mấy bóng đen phi nhanh lên, khinh công của họ nhanh vô cùng, chàng chưa hề thấy ai có khinh công mà có tốc độ nhanh như vậy, không bao lâu chàng đã thấy họ đến chân tháp rồi.

Chàng nhìn kỹ mới hay những người nọ là Cao Ly Cống Sơn và Thiên Ngoại Tam Tôn Giả. Bọn Cao Ly Cống Sơn vừa ngừng lại thì Nhị Ma Hoa Vũ đã lên tiếng nói:

- Lão đại, bốn tên lừa sói kia chắc không dám tới đây đâu.

Y vừa dứt lời đã nghe thấy tiếng Nam Mô A di đà Phật vang lên cách đó không xa.

Thì ra các vị cao tăng đã ngồi xếp bằng tròn ở sau đống tuyết từ lâu nhưng vì các vị cao tăng ấy ăn mặc màu áo xám nhạt, râu tóc đều bạc nên thoạt nhìn thì không nhận ra được.

Bốn vị sư liền đứng dậy vái chào, không thấy nhún mình chút nào cả mà bốn vị ấy đã đến trước mặt Tứ Ma rồi. Pháp Nhất đại sư chắp tay nói:

- Anh em bần tăng ở đây chờ đã lâu, xin thứ lỗi đã không ra nghênh tiếp.

Nói đến đây Đại sư ngừng giây lát lại lên tiếng nói tiếp:

- Việc này bần tăng cũng đã nghĩ kỹ rồi, anh em bần tăng đã nhảy ra ngoài tam giới không còn ở trong ngũ hành, hà tất phải nhảy vào vòng tranh chấp làm gì. Anh em Hoa thí chủ võ học đã siêu tuyệt như vậy có ai bì kịp được, anh em bần tăng xin chịu thua. Hoa thí chủ chỉ cần cho chúng tôi xin lại cuốn chưởng kinh đó để thành toàn đạo nghĩa cho võ lâm. Hoa Vũ nhếch mép cười đáp:

- Nếu quí vị chịu nhận thua như thế thì lúc đầu hà tất phải bảo liên hiệp cửu đại môn phái đuổi bọn tà ma ngoại đạo ra khỏi võ lâm?

Pháp Nhất đại sư lắc đầu đáp:

- Bần tăng có khi nào ra những lời ấy đâu có lẽ Hoa thí chủ nghe nhầm đấy.

Đại Ma Hoa Vũ nhìn thẳng vào mặt Pháp Nhất giây lát rồi mỉm cười nói:

- Cuốn chưởng kinh đó Hoa mỗ đã giữ và cũng có giở ra đọc qua một lần nhưng không thấy có gì là lạ cả. Những võ công trong đó chỉ có thể đối phó với những người tầm thường chớ đối phó với Hoa mỗ thì vô dụng.

Thiếu Lâm Tứ Tăng trong bụng cười thầm và nghĩ:

- Cuốn Kinh đó ý nghĩa rất sâu sắc, bọn tà ma này thì làm sao mà hiểu được.

Tuy vậy Tứ Tăng không để lộ ra nét mặt, Đại Ma Hoa Vũ lại tiếp:

- Tuy Hoa mỗ không thèm cuốn chưởng kinh đó nhưng lúc này không thể nào trả lại cho quí vị được, vì còn phải đưa qua các đồng đạo quyết nghị, nhân ngày thượng tỵ cử hành đại hội ở Thượng Nhân Phong trên núi Thái Sơn thi đua võ nghệ đề cử ra một người võ công đệ nhất thiên hạ, Hoa mỗ cũng biết cuốn chưởng kinh này có liên can đến danh dự môn phái Thiếu Lâm rất lớn, như vậy bắt buộc quí vị phải ra tranh đấu, Hoa mỗ cam đoan sau cuộc thi tài ấy, Hoa mỗ sẽ trả lại cuốn chưởng kinh ngay cho quí vị.

Pháp Nhất đại sư cau mày lại đáp:

- Người trong phái Thiếu Lâm của chúng tôi đều tu hành cả, không ai muốn tranh cường luận thắng với ai làm gì, nếu phái Thiếu Lâm không dự đại hội Thái Sơn chẳng hay Hoa thí chủ có cho chúng tôi xin lại chăng?

Hoa mỗ ngẩng mặt lên trời cả cười một hồi rồi đáp:

- Pháp Nhất đại sư nói như vậy tại hạ không tin một chút nào. Đại sư đã biết cuốn chưởng kinh ở trong tay chúng tôi thì dù hy sinh đến đâu quí vị cũng phải đem cuốn chưởng kinh về cho Thiếu Lâm chứ?

Pháp Nhất đại sư sắc mặt lạnh lùng đáp:

- Tuy cuốn kinh đó nó có liên can đến danh dự của môn phái Thiếu Lâm thật, nhưng theo sự nhận xét của bần tăng thì chưa chắc các đại môn phái đã chịu tham dự đại hội này đâu, như vậy buổi đại hội của Hoa thí chủ họp không thành và mất công thôi?

Hoa Vũ liền đáp:

- Hoa mỗ sẽ có cách để các đại môn phái đến dự, quí vị chờ xem. Bây giờ xin mời quí vị trở về Thiếu Lâm Tự đã.

Pháp Nhất đại sư chưa trả lời thì một cao tăng đứng bên cạnh đã lên tiếng:

- Tam sư huynh, cuốn chưởng kinh đang ở trong tay của Hoa thí chủ, chúng ta giải quyết ngay nơi đây có hơn không, lại còn chờ đi đâu nữa.

Đại Ma Hoa Vũ đôi mắt lóng lánh cười ồ một hồi rồi đáp:

- Pháp Năng nói khoác lác thật, dù Chưởng môn của quí phái Bạch Mi thiền sư thân hành đến đây cũng chưa chắc đã giải quyết được một cách dễ dàng như vậy.

Pháp Năng đại sư liền phẩy tay áo mấy cái rồi múa chưởng nhằm ngực trái của Đại Ma Hoa Vũ điểm tới tức thì.

Thiếu niên xấu xí ở trên đỉnh trông rất rõ, chàng thấy thủ pháp của Pháp Năng đại sư giống như thủ pháp của Pháp Hoa đã đấu thử với chàng ở Kim Hoa. Chàng biết những cao thủ đấu với nhau ai cũng muốn ra tay trước để giữ thế thắng, hễ ai ra tay chậm thì chỉ chịu đòn và chống đỡ thôi.

Chàng đoán Đại Ma thể nào cũng vượt ra phía sau Pháp Năng mà tấn công lại chớ không chịu chống đỡ đâu. Quả nhiên đúng y như dự đoán của chàng, Đại Ma đã lẻn ra phía sau Pháp Năng đại sư giơ chưởng ra tấn công tám miếng cùng một lúc.

Thế công của Pháp Năng đại sư nguyên là thế hư, đại sư biết công lực của tên Đại Ma này tất không tầm thường, không để cho y ra chưởng tấn công trước được cho nên khi công xong một thế rồi chờ cho Hoa Vũ công trở lại thì Pháp Năng nhảy chéo xa hơn trượng rồi quay lại múa hai tay áo rộng tấn công liền.

Hoa Vũ cũng biết sức mạnh ở tay áo của Pháp Năng rất lợi hại, y không dám chống đỡ thẳng vì sợ chân khí hao tổn nhiều vì thế y nhảy ra xa tránh rồi xông lại tấn công luôn, không để cho địch thủ đủ thời giờ nghỉ tay. Y biến chưởng thành thế chỉ, hai tay nhắm hai yếu huyệt của Pháp Năng điểm tới, thủ pháp trông quái dị vô cùng.

Pháp Năng đại sư là một trong Tứ Đại Hộ Pháp của phái Thiếu Lâm, công lực rất tinh thâm nên lão tăng cũng biết thủ pháp của đối phương rất tuyệt độc.

Thì ra lúc ấy Hoa Vũ đã tiến tới trước mặt đại sư chừng bốn thước, Pháp Năng nhận thấy dù có hóa giải được tay trái của đối phương thì chưa chắc đã tránh khỏi tay phải của địch, liền lùi lại phía sau năm thước không chống đỡ nữa. Đại Ma thế đó chỉ mong cho Pháp

Năng lùi lại, giờ thấy đại sư lùi lại thật y mừng thầm vì đã nắm được thế công rồi, nên ra tay tấn công lia lịa, khiến Pháp Năng đại sư không dịp nào phản công lại được nữa.

Pháp Năng đại sư bị dồn vào thế bị động bắt buộc phải giở Đạt Ma Thập Tam Thức ra, nhưng cũng chỉ có thể chống đỡ thôi chứ không thể nào phản công lại được, đủ thấy cao thủ đấu với nhau chỉ sai một ly thì đi một dặm.

Thiếu niên nọ thấy vậy liền nghĩ:

- Cứ như tình cảnh này mà đánh nữa, Pháp Năng đại sư thế nào cũng thua.

Pháp Nhất đại sư liền cau mày lại.

Từ khi vua Ung Chính hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn đến giờ, phái Thiếu Lâm hay đóng cửa tự hào và vì tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm thì quá nhiều mà không ai được học hết cả, mỗi người chỉ học được một môn thôi, vì tôn chỉ của phái Thiếu Lâm là đành để những kiếm quyền phổ phủ đầy mạng nhện trong La Hán Đường chứ không đem ra dạy bừa bãi cho các môn hạ.

Thật ra chính sách đó rất hay vì phái Thiếu Lâm càng ngày suy bại, nên khó lòng tìm được một người cân cốt thượng thừa mà truyền thụ cho tất cả các môn. Vì dù có kiếm được một người đệ tử nào có căn bản đến thế đi chăng nữa thì các người lại không biết những tuyệt nghệ đó mà giảng dạy cho.

Nếu cứ để cho đệ tử học hỏi lấy thì làm sao mà biết được những tinh hoa trong các cuốn kiếm quyền phổ đó. Cho nên phái Thiếu Lâm ngày càng xuống dốc là thế.

Hãy nói Pháp Năng đại sư đấu với Đại Ma Hoa Vũ đã được trên năm hiệp, quả đúng như lời dự đoán của thiếu niên xấu xí kia, Pháp Năng đại sư đã dần dần thấy tay chân chậm chạp hẳn đi. Rồi đột nhiên Đại Ma nhún mình nhảy phắt lên trên cao dùng tay trái đánh mạnh xuống đầu Pháp Năng đại sư, nếu Thiếu Lâm hòa thượng để cho Đại Ma đánh trúng thì sẽ vỡ óc chết ngay tại chỗ.

Đồng thời tay phải của Đại Ma lại nhằm hai yếu huyệt của đối thủ điểm xuống, hai chân thì nhằm Nội Âm huyệt của Pháp Năng đá tới. Mấy thế công của Đại Ma cùng đánh tới một lúc, không thể nào Pháp Năng thoát chết được.

Pháp Năng đại sư dù tài có giỏi đến đâu cũng không thể tránh khỏi song chưởng và hai chân tấn công cùng một lúc như vậy.

Xưa nay Cao Ly Cống Sơn Tứ Ma đối địch với ai cũng vậy, không ra tay thì thôi, hễ ra tay đối địch thì người đó phải chết dưới tay của họ. Trong võ lâm ai ai cũng biết lệ luật của Tứ Ma như vậy.

Pháp Nhất đại sư khi nào để cho sư đệ chết dưới tay của Đại Ma, định giơ tay đẩy lùi

Đại Ma để cứu sư đệ mình. Đang lúc gay cấn hết sức, đột nhiên trên đỉnh tháp có một tiếng thét thanh thoát, rồi có một bóng đen phi xuống theo đó thoát ra một cương khí mạnh vô cùng đẩy lùi Đại Ma và Pháp Năng hai người ra hai thước. Nhờ đó Pháp Năng thoát được cái chết.

Thiếu niên xấu xí rùng mình kinh hãi vì chàng không ngờ chỗ mình ẩn nấp trên đỉnh tháp mà phía sau pho tượng trên ấy lại có người đang ẩn núp ở đấy nữa.

Thủ pháp của Đại Ma đối phó với Pháp Năng toàn dùng Mảnh Huyền Âm nên y chắc chắn Pháp Năng thế nào cũng chết dưới tay y rồi. Thình lình nghe thấy có tiếng hét kinh hồn động phách rồi có một sức mạnh ngầm nhưng mạnh hơn sức của y nhiều đang đẩy tới. Y rùng mình kinh hãi vội tránh ra hai thước và không dám hạ thủ Pháp Năng nữa.

Nhờ người đó mà Pháp Năng đại sư mới thoát chết, trong lòng Pháp Năng thầm cảm ơn vị đó vô cùng. Mọi người nhìn kỹ mới hay vị đó là một cụ bà mặc áo đen, tóc đã bạc trắng, tuổi trạc sáu mươi nhưng mặt vẫn còn thoa phấn, đôi mắt sắc rất đẹp. Nếu không có tóc bạc trên đầu thì mọi người đều nghĩ bà ta chừng ba mươi tuổi.

Đại Ma Hoa Vũ thấy sắp hạ được đối thủ, đột nhiên có một người đàn bà đến phá bĩnh, tức giận vô cùng, y liền trợn mắt nhìn người nọ, nhưng bà ta chỉ mỉm cười rồi với giọng ỏn ẻn nói:

- Ủa, làm gì trợn mắt nhìn người ta như thế? Cũng may chúng ta không là bạn mà cũng không là thù, không thì người đã chết dưới chưởng của ta rồi.

Tiếng nói của nàng tựa như tiếng chim hoàng anh kêu vậy. Đại Ma Hoa Vũ nghe nàng nói như vậy rùng mình kinh hãi, y đưa hai mắt ngơ ngác nhìn bà ta.

Không những y mà cả Tam Ma kia và Thiên Ngoại Tam Tôn Giả cũng hoài nghi nốt. Thiếu Lâm Tứ Tăng cố nghĩ mãi mà cũng không nghĩ ra thiếu phụ đó là ai.

Thiếu phụ liếc nhìn các người một hồi rồi nói:

- Các ngươi không nghĩ ra ta là ai thì ta cũng không nói ra làm gì cho mất công.

Đại Ma Hoa Vũ cười một cách đểu giả và nói:

- Ngươi không chịu nói thì Hoa mỗ đây cũng hỏi tội vì sao lúc nãy ra tay cản trở như vậy.

Thiếu phụ sầm nét mặt lại, vẻ mặt nàng lúc này trông như sát quỷ dữ tợn chớ không vui tươi như lúc đầu. Nàng ha hả cả cười một hồi rồi đáp:

- Cao Ly Cống Sơn Tứ Ma là cái quái gì. Các ngươi chưa phải là địch thủ của lão bà đâu. Nếu các ngươi không tin thì để lát nữa thử xem. Bây giờ để lão hỏi rõ chuyện này đã.

Nói đến đây thiếu phụ quay ra nhìn Pháp Nhất đại sư. Bộ mặt đang hung ác đổi sang tươi cười ngay, nụ cười có vẻ hiền lành, nàng tiếp:

- Pháp Nhất, ta hãy hỏi ngươi, những người kia bắt con cái của Cung Môn Nhị Kiệt đem đi đâu thế?

Pháp Nhất giật mình kinh hãi vội đáp:

- Bần tăng là người tu hành không bao giờ làm những việc vô pháp vô thiên như thế. Xin nữ thí chủ chớ đổ lỗi cho bần tăng như vậy. Cung Môn tuy là phản đồ của phái Thiếu Lâm thật nhưng bần tăng đã được pháp dụ của Chưởng môn Phương Trượng, bất cứ sao trong một năm thế nào cũng phải đem chúng về Tung Sơn ngay để trị tội phản môn, nhưng tội của chúng đâu liên can đến vợ con chúng. Bần tăng đâu dám làm càn như vậy.

Pháp Nhất tuy không biết thiếu phụ ấy là ai nhưng xem thần sắc của bà ta cũng biết được bà ta là một ma đầu võ công tuyệt thế. Thậm chí tuổi tác của nàng còn hơn mình nên lão hòa thượng mới nói một cách lễ phép như thế.

Thiếu phụ đưa mắt nhìn Đại sư một hồi rồi đáp:

- Lời nói của lão hòa thượng, lão bà đây cũng có thể tin được vì các người là danh môn chính phái xuất thân chắc không nói dối bao giờ. Như vậy người bắt con cái của Cung Môn chắc là người khác. Khi nào về nói hỏi thăm Lả Quân Bình cho lão bà một tiếng, và nói với y có bạn hữu Thương Gia hỏi thăm đấy.

Pháp Nhất nghe xong giật mình kinh hãi, lùi lại một bước lên tiếng hỏi:

- Nếu vậy lão tiền bối là Miêu Lãnh Song... Tiên phải không?

Pháp Nhất đại sư nói tới đó Cao Ly Cống Sơn Tứ Ma đều giật mình kinh hãi.

Thì ra thiếu phụ này tên là Ân Huyền Vi biệt hiệu là Hắc Y Huyền Nữ, là vợ của Miêu Lãnh Kim Pháp Tản Nhân Thương U. Người ta thường hay gọi hai vợ chồng họ là Miêu Lãnh Song Yêu. Một trăm năm trước đây hai vợ chồng y đã danh trấn hải nội, võ công của hai người kiêm cả chính tà hai phái, nhưng không một ai hay biết lai lịch của hai người ra sao cả, mà hai người cũng không cho ai hay họ là đệ tử của lão tiền bối nào.

Họ hành sự rất độc ác, chỉ hơi thù hằn một chút thôi thì họ ra tay trừng trị kẻ thù liền. Bất cứ kẻ thù là chính hay tà, họ làm cho tan xương nát thịt mới thôi. Võ học của hai người lúc bấy giờ cao siêu đến mức không ai tưởng được, nên người võ lâm thấy họ thì tránh xa liền, sợ hãi hai người còn hơn là hổ báo nữa, vì hai vợ chồng làm đảo lộn cả võ lâm.

Lúc ấy trong chính phái có một nhân tài rất xuất chúng xuất hiện, người đó là Kỳ Liên Dị Tú, võ công thông huyền. Người đó thề độc là phải thu phục cho được Miêu Lãnh Song

Yêu mới thôi. Miêu Lãnh Song Yêu không biết Kỳ Liên Dị Tú là ai, vì Dị Tú xưa nay không hề lộ diện giang hồ bao giờ. Song Yêu cứ tưởng Dị Tú là một người điên cuồng thôi nên không thèm để ý tới. Không ngờ trong ba năm liền môn đồ của Song Yêu lần lượt bị giết chết gần hết.

Lúc ấy Song Yêu mới tìm đến núi Kỳ Liên đấu với Dị Tú một trận chí tử. Đánh liền hai ngày một đêm, Dị Tú bị hai vợ chồng đánh trúng ba chưởng, trái lại Thương U bị gãy chân còn Huyền Vi bị đánh trúng mười chưởng suýt toi mạng ở trên núi Kỳ Liên. Cũng may Huyền Vi khôn ngoan cắp Thương U chạy thoát khỏi miệng hùm.

Trận đấu ấy người trong võ lâm tuy không ai được mục kích nhưng nghe lời đồn cũng biết được một vài điều.

Kỳ Liên Dị Tú ngày thường không lộ diện ở giang hồ, sau khi bị thương lại ẩn dật vào một nơi hẻo lánh nên sống chết ra sao không ai biết được.

Huyền Vi cùng chồng chạy về tới núi, Thượng U vì vết thương quá nặng lại lộ buồn, hai năm sau chết liền, còn Huyền Vi vẫn tiếp tục tu luyện và dùng phương pháp thổ nạp để chữa vết thương của mình.

Người ta nghe nói nàng bị tẩu hỏa nhập ma, từ đó trở đi trên giang hồ không còn nghe cái tên Miêu Lãnh Song Yêu nữa. Bây giờ mọi người nghe nàng lại tái xuất sơn ai mà không kinh hãi.

Lả Quân Bình tức là tên tục của Bạch Mi thiền sư trong phái Thiếu Lâm. Năm xưa Miêu Lãnh Song Yêu luận võ với phái Thiếu Lâm thì Lả Quân Bình còn là một chú tiểu trạc mười một mười hai.

Huyền Vi ha hả cả cười rồi hỏi:

- Miêu Lãnh Song Tiên là cái thá gì? Lão bà xưa nay không cần ai gọi là Song Tiên cả. Không ngờ Lả Quân Bình còn nhớ lão bà như thế.

Nói tới đây nàng bỗng đổi giọng nói tiếp:

- Cung Môn Nhị Kiệt là đệ tử ký danh của lão. Con cái của y cũng là đồ tôn ký danh của lão bà này. Lão bà tuy tuổi đã quá trăm nhưng nhờ phương pháp trụ nhan nên mới trẻ như thế này. Nhưng trên đời không ai có thể khỏi chết được, lão bà chỉ e võ công tuyệt học sẽ bị chôn vùi dưới đất thì đáng tiếc vô cùng, cho nên trong lúc chưa chết lão bà đem hết tuyệt học của mình truyền lại cho con của Cung Môn Nhị Kiệt để chúng phát dương tuyệt học của Miêu Lãnh.

Pháp Nhất đại sư chắp tay kính cẩn vái một cái rồi nói:

- Ân lão tiền bối vì việc này mà hạ sơn phải không?

Huyền Vi mỉm cười đáp:

- Người thường nói những con lừa sói rất thông minh, quả thật không sai, các người yên trí, lão bà hạ sơn không phải kiếm các người sinh sự đâu, nhưng nếu ai làm phiền hay hà hiếp Cung Môn Nhị Kiệt thì đừng trách lão nhẫn tâm.

Pháp Nhất đại sư toát mồ hôi nghĩ thầm:

- Hèn chi Cung Môn Nhị Kiệt coi thường phái Thiếu Lâm chúng ta như thế. Thì ra chúng thị có người đỡ đầu cho.

Huyền Vi lại tiếp:

- Phong thanh trong võ lâm có một người là Quái Thủ Thư Sinh Dư Vân mới xuất hiện, lòng háo thắng thúc đẩy khiến lão bà muốn gặp người đó một phen.

Pháp Nhất lại nghĩ:

- Chắc Cung Môn Nhị Kiệt viết thơ mời mụ này ra cũng nên.

Huyền Vi bỗng biến sắc vỗ đùi một cái nhảy lên cao mười trượng rồi hạ chân xuống tầng thứ hai của tháp Lưu Ly.