Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 13




PHẦN CUỐI CÂU CHUYỆN VỀ CÔ GÁI CHĂN CỪU MARXÊLA CÙNG NHỮNG SỰ VIỆC TIẾP DIỄN

Mặt trời vừa ló đằng Đông, năm trong số sáu người chăn cừu đã trở dậy; họ đánh thức Đôn Kihôtê và bảo chàng nếu còn có ý định đi dự đám tang Grixôxtômô thì họ sẽ đưa đi. Thích quá, Đôn Kihôtê dậy ngay và bảo Xantrô chuẩn bị lừa ngựa. Bác giám mã tức tốc thi hành rồi cả đám người hối hả lên đường. Mới đi được một đoạn, đến ngã tư, thấy có một toán sáu người chăn cừu đi lại, mình khoác áo da cừu đen, đầu mang những vòng lá trắc bá và trúc đào, tay cầm gậy ô rô. Sau họ còn có hai nhà quý tộc cưỡi ngựa, mặc quần áo đi đường rất sang trọng, cùng ba người hầu đi bộ. Khi hai toán gặp nhau, mọi người lễ phép chào nhau và hỏi nhau đi đâu. Khi biết là cùng tới đám tang, họ nhập làm một và tiếp tục đi. Hai nhà quý tộc cưỡi ngựa chuyện trò với nhau; một người nói:

- Ngài Vivalđô, tôi nghĩ rằng ta có bị chậm một ngày vì đi dự đám tang này cũng bõ thôi. Theo lời kể của các bác chăn cừu đây, đám tang này khác thường lắm và câu chuyện về anh chàng chăn cừu quá cố cùng cô gái chăn cừu sát nhân kia cũng thật ly kỳ.

- Tôi cũng thấy thế, Vivalđô đáp. Đừng nói gì một ngày, dù có phải chậm bốn ngày, tôi cũng vui lòng để được dự đám tang.

Đôn Kihôtê thấy vậy bèn hỏi họ đã nghe được những chuyện gì về Marxêla và Grixôxtômô. Một trong hai nhà quý tộc đáp là sáng sớm nay, họ đã gặp đám chăn cừu mặc quần áo tang nói trên; họ bèn hỏi nguyên nhân tại sao thì một người trong bọn họ kể cho nghe về sắc đẹp và tính nết lạ lùng của một cô gái chăn cừu tên là Marxêla, về những anh chàng si tình theo đuổi cô ta, về cái chết của Grixôxtômô, và còn nói thêm là họ đi dự đám tang anh chăn cừu xấu số. Tóm lại, nội dung cũng giống như câu chuyện Pêđrô đã kể cho Đôn Kihôtê nghe.

Từ chuyện nọ sang chuyện kia, nhà quý tộc mang tên Vivalđô hỏi Đôn Kihôtê lý do gì khiến chàng đi đường phải vũ trang như vậy trong lúc thiên hạ đang thái bình.

Đôn Kihôtê đáp:

- Nghề nghiệp của tôi không muốn và cũng không cho phép tôi làm khác. Cuộc sống thoải mái, phè phỡn và nhàn hạ dành cho những kẻ bạc nhược trong triều đình, còn những khó khăn gian khổ và vũ khí dành riêng cho những người mà ta gọi là hiệp sĩ giang hồ. Tôi là một trong số đó, mặc dù là người kém cỏi nhất.

Nghe Đôn Kihôtê nói, mọi người đều cho là điên. Để thẩm tra chắc chắn và xác định xem chàng thuộc loại điên nào, Vivalđô lại hỏi thế nào là hiệp sĩ giang hồ.

- Vậy ra các ngài không đọc sử sách Anh-cát-lợi nói về những chiến công hiển hách của vua Arturô mà trong những bản tình ca ta vẫn thường gọi là vua Artux sao? Theo truyền thuyết được phổ biến trong cả nước Anh-cát-lợi, ông vua đó không chết mà bị yêu thuật biến thành một con quạ, và rồi có ngày ông ta sẽ trở lại ngôi báu. Chính vì thế nên từ thời đó tới nay, người Anh không giết quạ. Dưới triều đại của ông vua anh minh Arturô, giới hiệp sĩ Bàn Tròn đã được thiết lập và đã nảy ra câu chuyện tình duyên giữa Đôn Lanxarôtê đel Lagô và hoàng hậu Hinêbra do bà bảo mẫu Kintanhôna đáng kính đứng ra mối lái. Từ đấy mới có bài tình ca nổi tiếng mà dân Tây Ban Nha ta rất thích: "Chưa có một hiệp sĩ nào được những người đẹp chăm sóc chu đáo như Lanxarôtê khi chàng từ đất Anh-cát-lợi tới đây...", tiếp theo là những lời ca ngợi cuộc tình duyên và những chiến công lừng lẫy của chàng. Rồi hiệp sĩ đạo dần dần phát triển khắp nơi trên thế giới, với những công tích nổi tiếng của hiệp sĩ anh dũng Amađix nước Gôlơ và con cháu năm đời của chàng, của Phêlixmartê đê Ircania dũng cảm, của Tirantê el Blancô mà ta không đủ lời ca ngợi, và gần đây của hiệp sĩ vô địch Đôn Bêlianix nước Hy Lạp mà chúng ta đều được trông, nghe và biết. Thưa các ngài, hiệp sĩ giang hồ là thế và hiệp sĩ đạo cũng là thế. Và như tôi đã nói, mặc dù tài hèn sức mọn, tôi cũng đi làm cái nghề của các hiệp sĩ giang hồ nói trên. Tôi đến những nơi hoang vu vắng vẻ tìm kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm, sẵn sàng dốc sức lực và hy sinh cả cuộc đời trước những khó khăn nguy hiểm nhất đang chờ đợi mình để cứu vớt những kẻ khốn cùng.

Nghe Đôn Kihôtê nói, mọi người đều kết luận là chàng mất trí và biết được loại bệnh điên của chàng. Cũng như những người khác gặp chàng lần đầu tiên, họ đều lấy làm ngạc nhiên lắm. Vivalđô vốn láu lỉnh và tinh nghịch, muốn giải trí trên quãng đường đi tới nơi chôn cất Grixôxtômô, bèn tìm cách kích Đôn Kihôtê để cho chàng nói nữa.

- Thưa ngài hiệp sĩ giang hồ, Vivalđô nói, có lẽ ngài làm một trong những nghề khắc khổ nhất trên trái đất này, và tôi cho rằng ngay nghề nghiệp của các nhà tu kín cũng không khổ hạnh bằng.

- Cái nghề đó cũng có thể là khổ hạnh đấy, chàng Đôn Kihôtê của chúng ta đáp, nhưng tôi không tin rằng nó cũng cần thiết cho đời. Bởi vì, thật ra mà nói, một người lính chấp hành lệnh của một đại úy phải làm không kém gì viên đại úy đã ra lệnh. Tôi muốn nói rằng những nhà tu hành ngồi một chỗ thảnh thơi, an nhàn, cầu Trời ban phúc cho nhân loại. Còn những người lính và những hiệp sĩ chúng tôi dùng cánh tay và lưỡi gươm của mình để thực hiện những lời cầu nguyện của các nhà tu hành; chúng tôi không ngồi một nơi êm ấm mà phải xông pha dưới nắng gắt mùa hè cũng như dưới tuyết lạnh mùa đông. Chúng tôi là những sứ giả của Chúa trên trái đất, là những cánh tay thực hiện ý Người. Đã nói tới việc binh đao là phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cho nên chắc chắn những người làm việc đó vất vả hơn những ai ngồi một chỗ thảnh thơi, êm ả cầu Chúa ban phúc cho kẻ nghèo hèn. Tôi không muốn nói và cũng không hề nghĩ rằng người hiệp sĩ giang hồ sống trong sạch lành mạnh hơn một nhà tu hành tĩnh tại. Vì bản thân đã từng chịu đựng, tôi muốn nói rằng chắc chắn làm hiệp sĩ vất vả, cực nhọc hơn, phải ăn đói, mặc rách, chịu khát, chịu khổ. Những nhà hiệp sĩ giang hồ trước đây đã phải sống một cuộc đời ba chìm bảy nổi, cho nên nếu có ai trở thành hoàng đế bằng cánh tay dũng mãnh của mình thì phải nói rằng họ đã tốn không ít mồ hôi xương máu; và một khi đã trở nên vinh hiển, nếu họ không được các pháp sư phù trợ thì rồi bao nhiêu mong ước hy vọng của họ cũng có thể tan ra mây khói.

- Tôi đồng ý với ngài về điều đó, Vivalđô đáp; nhưng một trong những điều tôi thấy rất dở là mỗi khi các nhà hiệp sĩ giang hồ định làm một chuyện phiêu lưu mạo hiểm to lớn và nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng, không bao giờ họ nghĩ đến việc cầu Chúa như mỗi tín đồ Ki-tô giáo phải làm khi gặp nguy nan; trái lại, họ đi kêu cầu tình nhân của họ một cách hết sức khẩn thiết và thành kính như thể những bà này là Chúa của họ vậy. Theo tôi, điều đó không được chính thống lắm.

- Thưa ngài, Đôn Kihôtê nói, họ không thể làm khác được, và ai làm khác sẽ bị chê trách. Theo tục lệ của giới hiệp sĩ giang hồ, mỗi khi lâm trận, người hiệp sĩ tưởng tượng thấy người yêu của mình ở trước mặt; chàng ngước đôi mắt thiết tha tình tứ nhìn nàng như thể cầu xin nàng giúp đỡ che chở trong phút gian nguy; và mặc dù không ai nghe thấy, chàng ta cũng phải lẩm nhẩm trong mồm mấy câu cầu nguyện thành kính. Về điều này, sử sách có ghi rất nhiều ví dụ. Điều đó không có nghĩa là các hiệp sĩ giang hồ không kêu cầu Chúa; trong khi tiến hành cuộc phiêu lưu, tùy nơi tùy lúc họ sẽ làm.

- Mặc dù vậy, tôi vẫn còn thắc mắc một điều, người bạn đồng hành của Đôn Kihôtê nói. Tôi đọc sách thấy có nhiều trường hợp hai hiệp sĩ giang hồ gặp nhau, rồi lời qua tiếng lại, đôi bên đều nổi nóng kéo nhau ra một bãi rộng, và không một chút chần chừ, họ phi ngựa xông vào nhau, mồm cầu cứu người đẹp của họ. Điều thường xảy ra trong những cuộc chạm trán này là một bên bị ngọn giáo của đối phương xuyên qua người nằm vật dưới đất, còn một bên cũng sẽ ngã nốt nếu không nắm được bờm ngựa. Vậy trong khoảnh khắc đó, anh chàng hiệp sĩ bị chết kia làm thế nào cầu nguyện Chúa được. Anh ta không nên cầu nguyện người đẹp mà phải cầu nguyện như một giáo đồ Ki-tô mới đúng. Vả chăng, theo chỗ tôi biết, không phải hiệp sĩ giang hồ nào cũng có tình nhân để cầu nguyện vì cũng có người không yêu ai cả.

- Không thể như thế được, Đôn Kihôtê đáp; tôi xin nói là không thể nào có một hiệp sĩ giang hồ thiếu tình nương được. Đối với họ yêu đương là lẽ tự nhiên cũng như trên trời có những ngôi sao vậy. Chắc chắn là chưa thấy có truyện nào trong đó hiệp sĩ giang hồ lại không có tình yêu. Và nếu quả thật có trường hợp như vậy thì kẻ đó không được coi là một hiệp sĩ chân chính; y chỉ là một tên mất gốc đã gia nhập hàng ngũ hiệp sĩ không phải bằng cửa chính mà bằng cách trèo tường như những tên đạo tặc.

- Tuy nhiên, Vivalđô nói, nếu tôi không nhớ nhầm, hình như Đôn Galaor, anh của hiệp sĩ anh dũng Amađix nước Gôlơ, không hề có người yêu để cầu nguyện; mặc dù vậy, chàng ta không bị ai chê trách và vẫn là một hiệp sĩ dũng cảm nổi tiếng.

Nghe thấy vậy, chàng Đôn Kihôtê của chúng ta bèn đáp:

- Thưa ngài, một con chim én không mang lại mùa xuân. Vả chăng, tôi biết rằng hiệp sĩ này cũng có yêu nhưng rất kín đáo, và dù chàng ta có yêu bao nhiêu lần chăng nữa, điều đó cũng là lẽ tự nhiên thôi, chẳng ai ngăn cản nổi. Tuy nhiên, người ta biết đích xác rằng chàng chỉ có một người yêu và thường cầu nguyện rất kín đáo vì chàng vẫn tự khoe là một hiệp sĩ kín đáo.

- Nếu như hiệp sĩ giang hồ nào cũng có người yêu, tôi dám nghĩ rằng ngài cũng có, vì ngài làm nghề đó. Và nếu ngài không tự coi mình cũng kín đáo như Đôn Galaor, tôi xin nhân danh mọi người có mặt ở đây và cá nhân tôi khẩn cầu ngài giới thiệu tên tuổi, quê quán, chức tước và nhan sắc của nàng. Chắc nàng sẽ vui lòng vì bàn dân thiên hạ biết rằng nàng có một trang hiệp sĩ như ngài thờ phụng.

Đôn Kihôtê thở dài thườn thượt đáp:

- Tôi không dám nói chắc rằng kẻ thù dịu hiền của tôi có muốn cho thiên hạ biết tôi phụng sự nàng hay không. Nhưng để đáp lại lời thỉnh cầu rất lịch sự của ngài, xin thưa: tên nàng là Đulxinêa, sinh trưởng tại làng Tôbôxô xứ Mantra; chức tước của nàng ít nhất cũng phải là công chúa, bởi chưng nàng là bà hoàng và tình nương của tôi; nhan sắc của nàng siêu phàm vì tất cả những danh từ mô tả sắc đẹp, không có trong thực tế, mà các thi sĩ thường dành cho người đẹp của họ, đối với nàng đều trở thành sự thật. Tóc nàng là vàng, vầng trán của nàng là một vườn hoa trên thượng giới, đôi mày uốn cong như đôi cầu vồng, mắt sáng như mặt trời, má hây hây như những bông hồng, môi đỏ như san hô, hàm răng là những viên ngọc, cổ nàng là ngọc trắng, bộ ngực là cẩm thạch, đôi tay là ngà và da trắng như tuyết; còn đối với những bộ phận khác không tiện để lộ ra, theo tôi nghĩ và hiểu, phải có một sự nhận xét tinh tế mới đánh giá được, ngoài ra không có gì so sánh nổi.

- Chúng tôi muốn được biết dòng dõi, nguồn gốc gia đình của nàng, Vivalđô hỏi tiếp.

- Nàng không thuộc dòng dõi các gia đình La Mã cổ như Curxiô, Gayô, Xipiôn hay kim như Côlôna, Urxin; cũng không phải dòng dõi các họ Môncađa và Rêkêxên ở Catalunha, hay Rêbêia và Viianôva ở Valenxia, các họ Palaphốc, Nuxa, Rôxaberti, Côrêia, Luna, Alagôn, Urêa, Phốc và Gurêa ở Aragôn, các nhà Xerđa, Manrikê, Menđôxa và Gudơman ở Caxtiia, hoặc Alencaxtrô, Paia và Mênêx ở Bồ Đào Nha 1. Nàng sinh trưởng trong một gia đình ở làng Tôbôxô xứ Mantra, một dòng họ tuy mới mẻ nhưng có thể nảy sinh ra những giống nòi danh tiếng nhất trong những thế kỷ tới. Thôi, xin đừng lục vấn tôi nữa trừ phi ngài nhận những điều kiện mà Xervinô ghi dưới đống chiến lợi phẩm, vũ khí của Orlanđô:

"Xin ai chớ đụng vào đây

Nếu không ắt sẽ có ngày tan xương".

- Tôi tuy thuộc dòng họ Cachôpin đê Larêđô, Vivalđô nói, nhưng tôi cũng không dám sánh với dòng họ Tôbôxô xứ Mantra tuy rằng xin thú thực, từ trước tới giờ tôi chưa hề nghe thấy tên tuổi nào như vậy.

- Sao lại chưa hề nghe thấy là thế nào! Đôn Kihôtê kêu lên.

Đám người cùng đi vẫn chú ý nghe hai người nói chuyện, và ngay cả những bác chăn dê và chăn cừu đều thấy chàng Đôn Kihôtê của chúng ta quá đỗi rồ dại. Riêng Xantrô Panxa coi tất cả những điều chủ mình nói là đúng vì bác biết rất rõ Đôn Kihôtê từ khi chàng mới lọt lòng mẹ. Duy có một điều bác còn ngờ ngợ là câu chuyện về nàng Đulxinêa xinh đẹp ở Tôbôxô vì bác chưa hề thấy có một cái tên nào và một nàng công chúa nào như vậy mặc dù bác ở rất gần làng Tôbôxô. Giữa lúc đó, cả đoàn trông thấy một toán khoảng hai mươi người chăn cừu từ một cái khe nằm giữa hai quả núi cao đi xuống. Họ khoác áo nỉ đen, đầu tết những vòng lá thủy tùng và trắc bá. Có sáu người khiêng một bộ đòn phủ đầy hoa và cành cây. Một người chăn dê trông thấy bèn nói:

- Đám người này khiêng thi hài của Grixôxtômô, và chân ngọn núi kia là nơi chàng yêu cầu được chôn cất.

Mọi người rảo bước đi tới vừa lúc những người khiêng đòn đặt bộ đòn xuống đất, rồi bốn người trong bọn họ dùng cuốc nhọn đào huyệt dưới chân một hòn núi đá.

Sau khi đôi bên lễ phép chào hỏi nhau, Đôn Kihôtê và những người bạn đồng hành đưa mắt nhìn bộ đòn trên có một thi hài mặc quần áo chăn cừu, tuổi trạc ba mươi, phủ đầy hoa. Nhìn xác chết, có thể đoán được rằng lúc sống, người đó có bộ mặt xinh xắn và phong thái tao nhã. Trên bộ đòn, xung quanh thi hài còn thấy có vài quyển sách và nhiều trang giấy, trang mở, trang gấp. Tất cả mọi người, cả những người đào huyệt cũng như những người đứng xung quanh đều giữ hết sức yên lặng. Rồi một trong những người đã khiêng thi hài nói với một người khác:

- Ambrôxiô, anh muốn thực hiện thật đúng những điều ghi trong chúc thư của Grixôxtômô. Vậy anh hãy nhìn kỹ chỗ này xem có đúng là nơi chàng yêu cầu không?

- Đúng đấy, Ambrôxiô đáp. Chính tại nơi đây, người bạn xấu số của tôi đã nhiều lần kể cho nghe về câu chuyện bất hạnh của anh ta. Tại đây, anh ta đã kể với tôi rằng lần đầu tiên anh đã gặp con bé đó, kẻ thù không đội trời chung của loài người, và cũng tại đây, lần đầu tiên anh đã thổ lộ tấm tình chân thành; tại đây, lần cuối cùng Marxêla đã làm anh thất vọng và tỏ thái độ khinh miệt anh, khiến anh đã phải kết liễu cuộc đời bi thảm của mình; và để kỷ niệm những nỗi bất hạnh đó, anh muốn được chôn cất trong lòng của sự lãng quên vĩnh cửu.

Ambrôxiô quay về phía Đôn Kihôtê và những người bạn của chàng, nói tiếp:

- Thưa các ngài, thi hài này mà các ngài đang nhìn bằng những con mắt thương xót, chứa đựng một linh hồn đã được Thượng đế ban cho rất nhiều đức tính. Đó là thi hài của Grixôxtômô, một con người khôn ngoan, lịch thiệp, phong nhã tuyệt vời, một người bạn rất tốt, một con người vô cùng cao quý, nghiêm túc mà không tự phụ, vui vẻ mà không thô tục, tóm lại, một con người có một về mặt đức tính nhưng không hai về mặt bất hạnh. Anh yêu tha thiết và đã bị ghét bỏ, anh thờ phụng tình yêu và đã bị hắt hủi, anh cầu khẩn một con thú dữ, anh van xin một trái tim bằng đá, anh đuổi theo gió, anh nói giữa bãi sa mạc, anh phụng sự một kẻ vong ân bội nghĩa, để rồi cuối cùng được kẻ đó đền đáp bằng cách cắt ngang cuộc đời giữa tuổi thanh xuân. Đó là một con bé chăn cừu mà anh muốn làm cho hình ảnh sống mãi trong ký ức người đời. Những trang thơ trước mắt các ngài có thể chứng minh điều đó nếu như anh không trối trăng lại rằng phải đốt hết cả đi khi trao hình hài anh cho lòng đất.

- Nếu ngài làm như vậy chẳng hóa ra còn nhẫn tâm hơn cả tác giả những trang thơ này sao, Vivalđô nói. Thực hiện một ý muốn không hợp lý là một việc không nên làm. Và Aoguxtô Xêdar sẽ bị chê trách nếu để cho người ta thực hiện những điều Mantuanô dặn dò trong chúc thư. Bởi vậy, thưa ngài Ambrôxiô, nếu ngài gửi gắm hình hài của bạn ngài cho lòng đất, xin đừng để bút tích của chàng rơi vào lãng quên. Chàng đã yêu cầu như vậy trong lúc đang buồn phiền; nếu ta làm theo lời chàng là sai. Hãy giữ những trang thơ này lại để luôn luôn nhắc nhở sự độc ác của Marxêla, để cho người đời trông gương đó mà tránh xa không bị rơi xuống những vực thẳm tương tự. Bọn chúng tôi tới đây đều biết câu chuyện về người bạn thất tình của ngài, về tình cảm của ngài đối với chàng, về cái chết của chàng, về những lời trối trăng của chàng trước khi kết liễu đời mình. Qua câu chuyện buồn thảm này, ta có thể nhìn thấy sự độc ác của Marxêla, mối tình của Grixôxtômô, tình bạn của ngài, cũng như số phận của những kẻ mù quáng đi vào con đường tình ái. Tối qua, chúng tôi nghe tin Grixôxtômô chết và biết chàng sẽ được an táng tại đây. Phần vì thương tiếc, phần cũng muốn dự, chúng tôi đã tạm ngừng cuộc hành trình tới đây để được nhìn tận mắt những điều đã làm chúng tôi động lòng khi nghe kể lại. Để cho nỗi xót thương của chúng tôi vợi đi đôi chút, hỡi ngài Ambrôxiô sáng suốt, tất cả chúng tôi và riêng tôi van ngài chớ đốt những trang thơ đó và hãy cho phép tôi giữ một vài bài.

Rồi không chờ chàng chăn cừu đáp, Vivalđô cầm ngay lấy mấy trang thơ ở gần mình nhất. Thấy vậy, Ambrôxiô nói:

- Theo phép lịch sự, tôi xin để ngài giữ những bài thơ ngài vừa lấy. Nhưng chớ nên nghĩ rằng tôi sẽ không đốt những trang thơ còn lại.

Nóng lòng muốn biết nội dung những bài thơ, Vivalđô vội giở một trang ra xem, thấy đề: "Bài ca tuyệt vọng". Ambrôxiô giới thiệu:

- Đây là bài thơ cuối cùng của người xấu số; để hiểu được nỗi bất hạnh của chàng, xin ngài hãy đọc to cho mọi người cùng nghe. Ta còn đủ thời giờ trong lúc chờ đào xong huyệt.

- Tôi xin vui lòng làm việc đó, Vivalđô nói.

Mọi người cũng đều muốn biết, và họ xúm quanh Vivalđô nghe chàng cất cao giọng đọc.