Duyên

Quyển 4 - Chương 4: Trên hồ Xuân sắc ngợp, nhà sư hưởng thú nhàn




Cảnh xuân trên hồ

Xuân sắc trên hồ đã ngập tràn,

Bên hồ dương liễu phất lan can.

Tính ra chẳng tốn tiền mua lấy,

Thỏa thích cùng sư hưởng thú nhàn.

Đạo Tế

Từ Thái Hồ quay về thì đã hoàng hôn, vầng trăng nhạt treo trên bầu trời thành thị đầy cao ốc, khi bóng chiều buông xuống, những bụi bặm vẫn bay mù mịt ban ngày cũng lắng dần, tựa như con hát tẩy hết má phấn môi son. Ánh đèn lấp loáng cũng thành ra một vẻ phong tình riêng, khiến tôi gần như quên bẵng rằng xuyên qua bối cảnh hoa lệ kia, tòa cổ thành mỹ lệ này còn ẩn giấu rất nhiều căn nhà gỗ cũ xưa cùng biết bao khung cảnh mộc mạc. Tôi trông thấy Giang Nam tản ra một làn gió phục cổ, đền miếu cổ điển, lầu gác cổ điển, phục sức cổ điển. Tựa như rất nhiều người đang tìm lại một nền văn minh đã mất cùng tập tục và phong cảnh của cả một miền đất. Có lẽ chúng ta ý thức được bản thân đã đi lạc quá xa, mò mẫm bôn ba cũng đến lúc phải quay đầu, nhìn lại một giấc mộng xưa dâu bể.

Thường có người hỏi tôi có sở thích đặc biệt gì không. Lần nào như lần nấy, tôi đều quả quyết đáp: núi sông. Đúng vậy, tôi thích núi sông thiên nhiên, núi như mực kẻ, hồ rộng mênh mông, một cánh hạc nội, một khe mây vờn, một mảnh áo tơi mưa gió. Hay nhất là ở chốn khói mây thăm thẳm có vài hộ nhà nông, bên sông cắm liễu, trước cửa trồng mai, đốn củi qua ngày, đánh cá kiếm sống. Cuộc sống được coi là chất phác hết mực khi xưa, đến giờ lại thành một dạng xa xỉ đầy ý thơ. Còn nhớ trong "Mẫu đơn đình", Đỗ Lệ Nương có nói, cả đời thích nhất là thiên nhiên. Trong vở "Du viên kinh mộng", nàng cũng hát rằng: "Trước sao hồng tía đua chen, giờ sao giếng lấp tường nghiêng thế này! Ngày xuân cảnh đẹp đã qua, niềm vui rộn rã ở nhà nào đây..." Cảnh thuyền hoa khói sóng, cầu đá trăng thanh ấy, thật khiến người ta cam lòng trả giá cả tuổi xuân, vứt bỏ hết quang âm tươi đẹp.

Chẳng ai không khao khát một cuộc sống phóng khoáng tự do như thế. Đặc biệt là những kẻ gửi thân quan trường, thương trường hay công sở, mỗi khi mệt mỏi, họ lại muốn rời xa thành thị hỗn loạn, tìm một nơi núi sông thanh tĩnh, sống những ngày bình lặng. Lần đầu tiên đọc bài "Cảnh xuân trên hồ" của Đạo Tế thiền sư, liền cảm thấy tâm tình khoáng đạt, rộng mở thấu suốt.

"Xuân sắc trên hồ đã ngập tràn,

Bên hồ dương liễu phất lan can.

Tính ra chẳng tốn tiền mua lấy,

Thỏa thích cùng sư hưởng thú nhàn."

Biết bao tiêu dao tự tại, tràn ngập thú thiền, tựa hồ sắc xuân không gì ngăn nổi ấy chợt hiển lộ ngay trước mắt, dương liễu thướt tha tung bay trước gió, mặc cho người ta thưởng ngoạn. Cảnh non nước thiên nhiên ấy, không tốn một xu một ly, bất kể người giàu sang hèn mọn thế nào, đều có thể qua lại dạo chơi thưởng lãm. Điều này khiến tôi nhớ đến một bài từ do Lục Du thi nhân yêu nước thời Nam Tống viết, trong đó có một câu: "Gương hồ vốn dĩ của kẻ nhàn, lại cần gì quan gia ban thưởng." Từ của ông cũng như thơ của Đạo Tế thiền sư, tuy khúc điệu khác nhau song sự vi diệu lại tương đồng, đều nhằm gửi gắm tình cảm với non nước, thong dong giữa núi rừng. Một người là cao tăng tay cầm quạt rách, điệu bộ khùng điên, người kia là nhà thơ lòng ôm nợ nước, nhưng lại muốn làm ngư phủ bên sông. Bọn họ đều chung một tâm hồn khoáng đạt thanh cao, chỉ muốn dựa vào núi sông mà sống cuộc sống tiêu sái bình lặng. Trên trần gian, một hòn gạch một viên ngói đều bị con người chiếm cứ, đến cỏ hoa cũng mất hết linh tính. Biết bao thắng cảnh, di tích và chùa miếu đều thu vé vào cửa và phiếu hương hoa, dán nhãn kim tiền lên phong cảnh. Phong cảnh mà Đạo Tế thiền sư và Lục Du miêu tả chính là cảnh núi sông khuất sau màn mây khói mịt mờ, cách xa cõi đời huyên náo. Có lẽ chỉ mượn đôi cánh chim, bay qua ngàn non tuyết chiều, chúng ta mới có thể tìm thấy miền tịnh thổ cuối cùng của nhân gian.

Đạo Tế thiền sư, chính là hòa thượng Tế Công, Tế Điên vẫn được dân gian xưng tụng. Ông đội nón rách, cầm quạt nát, đi giày thủng, quần áo vá víu bẩn thỉu, điệu bộ điên khùng, thoạt tiên xuất gia ở chùa Linh Ẩn Hàng Châu, về sau lại dời sang ở chùa Tịnh Từ, tính ham rượu thịt, không chịu ràng buộc bởi giới luật, cử chỉ như si như cuồng, là một bậc cao tăng đắc đạo học vấn uyên bác, hành thiện tích đức, được coi là vị tổ thứ năm mươi của Thiền Tông, đồng thời là tổ thứ sáu của phái Dương Kỳ. Vị hòa thượng không giữ thanh quy này, cả đời ngao du sơn thủy, tự tìm niềm vui, đặt chân đến đâu, thường múa bút đề thơ, ngôn từ sâu sắc. Hình tượng của ông không giống một vị cao tăng đắc đạo thiền định, mà tựa như một kẻ si cuồng đùa giỡn giữa nhân gian vậy. Cả đời ông cứu thế giúp người, rất được chúng sinh yêu mến, người đời sau tôn làm Phật sống Tế Công.

Từng có cao tăng nói với tôi rằng, Đạo Tế là một hòa thượng khai ngộ. Cao tăng khai ngộ có thiên nhãn, thông hiểu vạn sự, có thể đoán biết quá khứ vị lai. Vì khai ngộ, nên ông đội mũ rách mặc áo vá, hành tẩu giữa thế gian, mới tiêu dao khoái hoạt như vậy. Trong mắt ông chẳng hề có thanh quy giới luật, vạn vật trên đời đều tầm thường như nhau. Ông điên cuồng nô giỡn, trôi dạt giữa phố phường, thậm chí coi đời như cơn say, xem cái chết như giấc mộng, đó đều là do tính tình hào sảng phóng khoáng của ông. Tính tình con người, thực ra cũng giống như núi sông vậy, đều bắt nguồn từ thiên nhiên, chẳng cần gọt giũa, tự bản thân đã có phong vận và cái thú riêng. Chúng ta thường quy kết quả của kiếp này vào nguyên nhân kiếp trước, cho rằng hết thảy thiện ác báo ứng ở kiếp này đều do kiếp trước gieo nhân. Thậm chí cả tài năng, dung mạo, vận mệnh của một người, cũng liên quan tới nhân quả. Tất cả những điều đó, cũng giống như non xanh nước biếc, luôn khắc sâu trong linh hồn bạn, bất luận trải bao lần luân hồi, đều không biến đổi bộ dạng ban đầu.

Tây Hồ phong quang tú lệ, là thiên đường chốn nhân gian mà biết bao người hướng đến. Chúng ta đều là những người khách lạ từ trời Nam đất Bắc, bôn ba gió bụi tìm đến tòa thành cổ này, chỉ vì một gốc dương liễu tiễn biệt, một cành hoa đào đa tình. Vô hạn phong quang vốn là thứ có sẵn trong lòng muôn vàn chúng sinh, chúng ta chẳng cần phí một đồng một cắc, cũng có thể thỏa thuê thưởng lãm. Tuy sẵn có trong lòng, nhưng Tây Hồ vang danh thiên hạ lại nằm ở Hàng Châu, trải suốt nghìn năm, cảnh vật đời người có thể đã suy vi biến đổi, song Tây Hồ lại khăng khăng giữ lời thề, vẫn sừng sững vẹn nguyên như thế. Bao bậc đế vương ngưỡng mộ cảnh trí Tây Hồ, băng sông tìm đến, bọn họ thân là con cưng nhà trời, nắm cả thiên hạ, song lại chẳng thể đem theo Tây Hồ bên mình, càng không thể gom núi sông vạn khoảnh bỏ vào túi riêng, biến thành vật trần thiết trong hoàng cung được. Chỉ có trái tim, đem muôn vàn phong cảnh khắc vào tim thì bất kể đang ở đâu, cũng có thể trông thấy cảnh xuân rực rỡ, còn có thể bẻ liễu gửi tình. Một trái tim nhỏ bé yếu mềm, vậy mà có thể thu gọn cả thế giới. Chúng ta không thể làm Phật sống, không thể khai ngộ, song trong lòng vẫn có thể nhìn rõ bản thể chân thực của mình. Có lẽ chúng ta không thể bói được quá khứ, càng không cách nào dự liệu tương lai, song hết thảy những gì ở hiện tại, đều bao hàm quá khứ lẫn vị lai cả rồi. Làm một người khoáng đạt, học ghép mây trong núi, gieo trăng dưới sông, giữa đất trời chật hẹp thì cởi mở phóng khoáng, ở hồng trần loạn thế tự giữ lấy thanh cao.

Mỗi khi bị thế tục dồn ép, lại mở bức họa Đạo Tế thiền sư ra xem, tuy quần áo ông rách rưới, nhưng nụ cười khoáng đạt điên cuồng cùng dáng vẻ hào sảng tự nhiên trong từng cái nhấc chân phẩy quạt ấy, lại khiến tâm tính chúng ta thư thái hẳn. Thực ra, chúng ta là những kẻ thoải mái đến đi giữa hồng trần, chìm nổi giữa khói lửa mịt mùng, lại có thể rong chơi giữa núi non linh thiêng mà nhàn hạ. Đến ngày nào đó, qua hết ngàn cánh buồm nhân thế, thì chọn một căn nhà tranh ở ẩn, một cây sào tre, một sợi tơ dài, thanh nhàn câu lấy trăng thu. Để hết thảy bèo nước tương phùng trong quá khứ đều trở thành mây khói trong gương. Để tất cả ký ức hằn sâu từ từ tiêu tan trong cơn gió thời gian dằng dặc.