Duyên

Quyển 5 - Chương 6: Hoa trong gương trăng dưới nước, chớp mắt thành không




Ký sinh thảo

Không phải ta không phải người,

Theo ai nhưng chẳng biết là ai?

Tha hồ đi lại không vướng mắc,

Vui vẻ hão huyền thôi cũng mặc.

Thân sơ ai có kể làm chi!

Trước đây lận đận bởi duyên gì?

Bây giờ nghĩ lại thật vô vị!

Tào Tuyết Cần

Mỗi con người quá bộ đến trần gian, đều để trải qua nạn kiếp, mà trần duyên chính là số phận. Bất luận sinh vào nhà giàu có hay nghèo khổ, cuộc đời dài hay ngắn, nhân quả luân hồi, đều không tránh được tai

kiếp. Có những người thanh khiết như sương như hoa, có người lại như bụi trần trôi dạt, dù hoa lệ hay mộc mạc, cuối cùng đều tan biến không tăm tích. Nhìn làn khói xanh lững lờ bốc lên trên lò hương, bỗng nhiên nhớ đến một người - Giả Bảo Ngọc, cái tên nhà nhà đều biết. Giả Bảo Ngọc là nhân vật chính trong tiểu thuyết "Hồng Lâu Mộng", hiệu Di Hồng công tử, Giáng Động Hoa chủ, Phú quý nhàn nhân.

Thực ra trên đời vốn không có người như vậy, chỉ tại mọi người đã bàn luận quá lâu, nên tưởng là thực. Nhân vật bị niêm phong trong trang sách này, đã bước ra khỏi sách tự khi nào, cùng chúng ta ngâm mình trong khói lửa, sản sinh ra câu chuyện thuộc về cậu ta, có thật giả, thiện ác và xấu tốt. Một nhân vật quen thuộc như vậy, tuy sống ở thời đại khác, trong một gia đình danh gia vọng tộc, song hình ảnh sống động của cậu ta, dường như luôn quanh quẩn cạnh chúng ta. Có lúc, chúng ta có thể quan sát cậu ta ở rất gần, một vị công tử đa tình chân bước trên mây, lại chịu nhìn xuống sự bình phàm của nhân gian.

Giả Bảo Ngọc đến nhân gian với một sắc thái truyền kỳ, cậu ta do Thần Anh thị giả thoát thai mà thành, có ơn tưới tắm cho cỏ tiên Giáng Châu, bởi vậy mới có câu chuyện trả nợ bằng nước mắt. Lúc ra đời trong miệng ngậm một viên ngọc, viên ngọc ấy đã đi theo suốt cuộc đời thật thật giả giả của cậu ta. Giả Bảo Ngọc vốn đến từ giấc mộng hư vô, nên cuối cùng lại vứt bỏ trần gian, lựa chọn xuất gia, trở về cảnh hư vô mù mịt. Trước đây, chẳng ai ngờ được, một công tử hầu môn, sở hữu vinh hoa không ai bì kịp cùng tiền đồ gấm vóc ngàn dặm, lại có thể kết thúc bằng tịch diệt. Cậu ta cũng giống như sương hoa, người khác còn chưa kịp thưởng thức vẻ mỹ lệ, thì đóa hoa ấy đã như vinh hoa một độ, chớp mắt tiêu tan. Còn để lại cho chúng ta, chỉ là hồi ức như giọt lệ, cùng tiếng thở than bất lực.

Luôn cảm thấy một nhân vật lưu luyến tình ái thế gian như vậy, đáng lẽ không thể rời bỏ trần thế đã đem đến cho cậu ta vô hạn phồn hoa. Lại chẳng biết rằng, sâu trong lòng Giả Bảo Ngọc, luôn bị nỗi cô độc xâm chiếm, bản tính phản nghịch quật cường khiến cậu ta chán ghét công danh, thực ra, đó chính là nỗi thất vọng trước phàm trần phù hoa như mộng. Bởi vậy Vương phu nhân, mẹ ruột Bảo Ngọc mới gọi cậu ta là "ma vương trong nhà", "gốc nghiệt mầm họa". Dường như cậu ta sinh ra là để đòi nợ, đòi lại món nợ duyên, nợ tình kiếp trước, còn công danh lợi lộc kiếp này, cậu ta gạt bỏ hoàn toàn. Trong nhà họ Giả, biết bao người gửi gắm hy vọng vào cậu ta, song cậu ta đều lờ đi, thậm chí còn căm ghét xuất thân của mình, lại ái mộ và thân thiết với những người xuất thân nghèo hèn, địa vị thấp kém. Sở nguyện của cậu ta chỉ là được sống cuộc đời tiêu dao tự tại, chọi cỏ cài hoa, ngâm vịnh xướng ca với đám con gái trong vườn Đại Quan. Thực ra, lòng cậu ta luôn nhảy nhót trong giấc mộng mông lung, trốn tránh hiện thực như vậy, là bởi cậu ta sợ tổn thương.

Giả Bảo Ngọc từng nói: "Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy." Tất cả những điều này là bởi sự ôn nhu của phụ nữ đã đem đến cho cậu ta cảm giác thanh tịnh và an nhàn. Còn những người đàn ông thô lỗ kia, phần nhiều là phường mua danh chuốc tiếng, hạng quỷ ăn lộc giặc bán nước, theo đuổi những thứ đó, ắt sẽ có tranh đấu, với sự yếu đuối của mình, Giả Bảo Ngọc nhất định sẽ bị bỏng bởi ngọn lửa lợi danh. Cậu ta mang món nợ tình mà đến nhân gian, suốt kiếp này chỉ vướng mắc giữa trần duyên, còn như hưng suy của gia đình và đất nước cùng vinh nhục cá nhân, đều chẳng đáng nhắc đến.

Một kẻ chẳng mặn mà với công danh, lòng hẳn sẽ thanh tịnh, cậu ta ôm theo một nỗi hư vô đầy thương cảm, sống trong vườn Đại Quan. Ở đó, cậu ta gặp được tri kỷ Lâm Đại Ngọc, chính là cỏ tiên Giáng Châu kiếp trước chịu ơn tưới tắm của cậu ta, cô gái lấy nước mắt hoàn trả trong kiếp này. Lâm Đại Ngọc không thèm đếm xỉa tới quy phạm đạo đức phong kiến "con gái bất tài chính là đức", ham thích thơ văn, tài hoa xuất chúng. Hai linh hồn phản nghịch tìm đến với nhau, tâm đầu ý hợp, trong lòng mỗi người đều đã bén rễ tình. Cùng đọc những sách cấm như "Tây Sương ký" và "Mẫu Đơn đình", đều cảm động trước quyết tâm của nam nữ chính trong sách, dám rũ bỏ mọi trói buộc của lễ giáo phong kiến, theo đuổi tình yêu tự do. Chính vì yêu quá sâu đậm, mộng quá say sưa, nên khi giấc mơ đẹp bị hiện thực tàn nhẫn đập tan, vở kịch ấy cũng khép lại trong đau xót. Giả Bảo Ngọc từ bỏ trần thế, quy y cửa Phật, là số mệnh đã định. Cậu ta căm ghét công danh, phản nghịch phong kiến, thực ra chính là một dạng lánh đời. Tu Phật không phải là ý nghĩ tiêu cực, mà bởi đã phát hiện ra một nơi khiến con người ta khát khao hướng đến còn hơn trần gian nhơ bẩn. Nơi ấy non nước thanh tịnh, hương sen lan tràn, chẳng phân sang hèn, không can ly hợp. Bất luận là tìm kiếm mà đến, hay lầm bước bến mê, đều sẽ bị cảnh giới khoáng đạt kia cảm nhiễm, cam lòng bỏ hết quá khứ trước kia, từ nay thanh tịnh tự tại dưới đài sen.

Trong "Hồng Lâu Mộng", Giả Bảo Ngọc đã mấy lần nói muốn xuất gia làm hòa thượng, đều bị các cô gái bên cạnh ngăn trở. Trong tâm tưởng cậu ta, hòa thượng hẳn không có tình ái, chỉ tụng kinh gõ chuông ở ngôi chùa trong núi mà thôi. Thực ra bên cạnh cậu ta cũng có một ni cô để tóc tu hành - là Diệu Ngọc, nhưng ni cô xuất trần thoát tục này cũng chưa thể hoàn toàn dứt bỏ ái tình, cuối cùng sa xuống bùn nhơ. Lần đầu tiên Bảo Ngọc ngộ được thiền lý là vào sinh nhật Bảo Thoa, Bảo Thoa chấm vở "Sơn môn[1]", còn giới thiệu với Bảo Ngọc khúc "Ký sinh thảo" trong vở ấy. Bảo Ngọc nghe xong, mừng rỡ vỗ gối khen hay, sau khi trở về, bèn viết một bài kệ, lại đề một khúc "Ký sinh thảo - Giải kệ" như sau: [1] Chỉ tích Lỗ Trí Thâm say rượu làm rộn ở núi Ngũ Đài.

"Không phải ta không phải người,

Theo ai nhưng chẳng biết là ai?

Tha hồ đi lại không vướng mắc,

Vui vẻ hão huyền thôi cũng mặc.

Thân sơ ai có kể làm chi!

Trước đây lận đận bởi duyên gì?

Bây giờ nghĩ lại thật vô vị!"

Giả Bảo Ngọc cảm thán cõi đời mờ mịt, quá khứ long đong, song lại không biết vì sao. Nói cái gì xa gần thân sơ, buồn vui mừng giận, chẳng qua chỉ như mây đi mây đến, ngoái đầu nghĩ lại mọi chuyện, thấy thật vô vị. Bài "Ký sinh thảo" này là nền tảng cho sự giác ngộ thiền lý của cậu ta, để đến ngày sau dứt bỏ hồng trần. Sở dĩ Bảo Ngọc lưu luyến hồng trần, chẳng phải là tiếc rẻ gia tài ức vạn, mà là không buông bỏ được tình ái trong lòng. Khi cậu ta mất đi nàng tiên nga ngoài cõi tục giữa rừng tịch mịch, chỉ còn trơ bậc cao sĩ trong núi sâu tuyết phủ trắng trời, tâm tư cũng không cách nào bình lặng nữa. Lại thêm phủ Giả cực thịnh một thời, nhà cao cửa rộng một sớm đều nghiêng ngả, Giả Bảo Ngọc rơi vào kết cục "bần cùng khó nén nỗi thê lương". Cậu ta không còn là thiếu niên phong lưu bao bọc trong phồn hoa nữa, đó gọi là "Dày vò hoa cũng thế thôi, xuân mời hoa đến thu mời hoa đi, tử sinh lẽ ấy đem suy, dù ai muốn trốn, trốn chi được mà?"

Xuyên suốt "Hồng Lâu Mộng", nơi nơi tràn thiền cơ, rải rác đầy Phật lý. Mấy trăm năm sau, còn có bao người tham thấu được huyền cơ bên trong? Như tác giả đã viết, "Đừng cho tác giả là ngây, ai hay ý vị chứa đầy ở trong?" Ý vị ở đây là vị thiền, vị đời, hay vị tình? Giả Bảo Ngọc cuối cùng đầu nhập Phật môn, thực ra không phải kết thúc bằng bi kịch, chỉ là cắt đứt trần duyên, trả sạch nợ nần, chọn lấy một con đường thư thái mà thôi. Lâm Đại Ngọc qua đời, cậu ta cũng dập tắt hết thiều hoa, kiếm tìm một chốn về sau khi tỉnh mộng. Đi đến cùng đường, không buông được cũng phải buông, không bỏ nổi cũng phải bỏ.

"Khôn thì vào cửa Không này,

Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.

Như chim khi đã hết mồi,

Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành."

Nhân thế phù hoa cũng như một giấc mộng lầu hồng, như hoa trong gương trăng dưới nước, chớp mắt thành không.