Giải Mật

Chương 2-9




Một ngày đầu mùa thu năm 1950, trời mưa như trút nước bắt đầu từ chập tối hôm qua, mưa không ngớt, giọt mưa lớn như hạt đỗ rơi lên đống gạch ngói vụn, phát ra những tiếng kêu lộp bộp, có cảm giác ngôi nhà trong mưa như một con sâu nhiều chân đang điên cuồng bỏ chạy. Âm thanh thay đổi là vì gió, lúc gió nổi lên tiếng mưa rào rào cùng với tiếng động của cánh cửa sổ sắp hỏng. Vì những âm thanh ấy, ông Lily suốt đêm không ngủ, mất ngủ khiến ông đau đầu, mắt cay như sưng lên. Ông nằm trong tối nghe tiếng gió, tiếng mưa, vừa rất tỉnh táo nghĩ, cái nhà và mình đã già. Trời gần sáng, ông ngủ thiếp nhưng cũng chỉ ngủ được một chút, hình như có gì đó đánh thức ông. Bà vợ bảo, tiếng còi ô tô làm ông tỉnh giấc.

“Hình như ô tô dừng ở dưới kia.” Bà vợ nói. “Nhưng nó lại chạy ngay.”

Ông Lily biết không thể nào ngủ lại được, nhưng ông vẫn đi nằm, cho đến sáng hẳn, ông dậy, như một ông lão, lần mò, động tác nhẹ không để phát ra tiếng động, giống như một cái bóng. Ông ngủ dậy, không đi nhà vệ sinh, cứ một mình đi thẳng xuống nhà, lặng lẽ mở cửa. Cửa có hai cánh, một cánh mở vào trong, cánh kia là cửa lưới, mở ra ngoài. Nhưng cửa lưới hình như bị cái gì đó chặn ở ngoài, chỉ có thể mở một góc ba mươi độ. Đã sang hè, bắt đầu dùng cửa lưới, cho nên trên cửa lưới có treo một tấm rèm vải, cao ngang tầm mắt. Ông Lily không trông thấy vật gì chắn ở ngoài, đành phải nghiêng người nhìn qua khe, trông thấy có hai cái thùng giấy, một cái chặn ở cửa, cái kia bị nước mưa làm ướt. Ông Lily muốn kéo cái thùng giấy vào vị trí tránh mưa, ông kéo nhưng không nổi, cảm thấy còn nặng hơn một tảng đá, ông đành vào nhà, tìm một mảnh vải nhựa đậy lên. Đậy xong, ông phát hiện trên cái thùng giấy có một phong thư, phong thư được chặn bằng hòn đá mà ông vẫn để chặn cửa.

Ông Lily lấy bức thư, thư của ông Hinsh để lại.

Ông Hinsh viết như thế này.

Ông Hiệu trưởng kính mến,

Tôi đi, không muốn làm phiền đến ai, chỉ để lại lời từ biệt, mong được thứ lỗi.

Vì tôi có những suy tính đối với Kim Trân, không nói ra cảm thấy không vui, đành phải nói. Đầu tiên, mong cậu ấy chóng bình phục, thật ra tôi mong ông có sự xếp đặt đúng đắn cho tương lai cậu ta, để chúng ta (nhân loại) có thể hiểu đầy đủ và sử dụng tài năng của cậu ta.

Nói thẳng ra, với tư chất tự nhiên của Kim Trân, tôi nghĩ, để cậu ta chuyên nghiên cứu sâu lí thuyết toán học là thích hợp hơn cả. Nhưng như vậy cũng có vấn đề. Vấn đề là, thế giới thay đổi, con người chỉ lo mối lợi trước mắt, muốn có lợi ích ngay bên cạnh mình, không hứng thú với những gì thuần lí thuyết. Đấy là chuyện rất hoang đường, hoang đường đến độ không kém việc chúng ta chỉ chú ý đến khoái lạc thể xác mà xem nhẹ niềm vui trong tâm hồn. Nhưng chúng ta không thể thay đổi, giống như chúng ta không thể xua đuổi bóng ma chiến tranh. Dẫu vậy, tôi nghĩ, có thể để cậu ta đào sâu vào một đề tài khó thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng, như vậy thiết thực và có ích hơn. Chú ý đến lợi ích của hiện thực có điểm tốt là, ông có thể có được sức mạnh từ trong hiện thực, sẽ có người thúc đẩy ông, đưa lại cho ông sự hấp dẫn và thoả mãn trong đời thường. Chỗ không tốt là, sau khi ông đã thành công, ông không có cách nào quản lí cậu ấy theo ý nguyện và cách thức của mình, cậu ấy có thể tạo phúc cho đời, cũng có thể để hoạ cho đời, mà hoạ hay phúc ông đều không thể kì vọng, chỉ có thể ngắm nhìn bằng cặp mắt bàng quan. Nghe nói, Robert Oppenheimer bây giờ rất hối hận vì đã tìm ra bom nguyên tử, muốn phong tỏa phát minh của mình. Nếu phát minh của ông ta có thể tiêu huỷ như bức tượng của ông ta, tôi nghĩ, ông ta chỉ dùng một lần rồi tiêu huỷ. Nhưng có thể thế được không? Niêm phong lại cũng không thể được.

Nếu ông quyết định cho cậu ta thử lĩnh vực khoa học ứng dụng, tôi có một đề tài, ấy là thăm dò bí mật kết cấu não bộ con người. Tìm được bí mật ấy, chúng ta có thể làm được não người, từ đấy có thể nghiên cứu chế tạo một con người, con người không máu thịt. Hiện tại khoa học đã làm ra nhiều bộ phận trong cơ thể người, mắt, mũi, tai, thậm chí cánh tay cũng đã làm được, vậy có thể làm bộ não người được không? Sự thật thì, việc làm ra máy tính tức là tái tạo bộ óc người, là một phần bộ óc con người, bộ phận có thể tính toán cực nhanh và đưa ra những điều kì diệu. Tuy chúng ta đã làm ra được bộ phận ấy, nghĩ rằng các bộ phận khác không xa chúng ta lắm. Ông thử nghĩ xem, nếu một khi chúng ta có thể có con người không máu thịt, người sắt, người máy, người điện tử, tính ứng dụng của nó sẽ rất rộng rãi và sâu xa. cần nói rằng, ấn tượng về chiến tranh rất sâu sắc đối với thế hệ chúng ta, không đầy nửa thế kỷ phải chứng kiến hai cuộc đại chiến thế giới, hơn nữa tôi có dự cảm (đã có những bằng chứng nhất định) chúng ta còn phải chứng kiến một lần chiến tranh nữa, quả là điều vô cùng bất hạnh! Đối với chiến tranh, tôi có suy nghĩ thế này, loài người có khả năng làm cho nó thêm ác liệt, thêm đáng sợ, thêm đau thương, làm cho người chết nhiều hơn trong một cuộc chiến tranh, chết trong một ngày, chết trong một khoảnh khắc, chết trong cùng một tiếng nổ, nhưng sẽ không bao giờ có khả năng thoát khỏi nó, ước muốn thoát khỏi nó là điều ước muốn mãi mãi. Những thảm hoạ như vậy còn rất nhiều, ví dụ lao dịch, ví dụ thám hiểm, ví dụ... nhân loại không có cách nào thoát ra khỏi cái vòng quái dị không thể hiểu nổi ấy.

Cho nên, tôi nghĩ, nếu khoa học làm ra con người nhân tạo, người sắt, người máy, người điện tử, người không máu thịt, để chúng thay chúng ta làm những việc phi nhân (thoả mãn dục vọng biến thái của chúng ta), nghĩ rằng nhân loại không ai phản đối. Tức là, một khi ngành khoa học này ra đời, ứng dụng của nó vô cùng sâu rộng. Nhưng, bước thứ nhất là phải khám phá bộ óc con người, chỉ có như thế mới làm ra bộ óc người nhân tạo, công việc tạo ra con người nhân tạo mới có hi vọng. Tôi đã từng có một kế hoạch dùng nửa cuộc đời còn lại của mình để đánh cược vào khoa học giải mật bộ óc con người, không ngờ, công việc vừa bắt đầu buộc phải bỏ lại. Tại sao phải bỏ lại, đấy là bí mật của tôi, tóm lại tôi bỏ lại không phải vì khó khăn hoặc sợ hãi điều gì, mà vì nguyện vọng cấp thiết của chủng tộc (Do Thái). Khỏi phải nói, mấy năm gần đây tôi vì đồng bào của tôi mà làm một việc vô cùng cấp thiết và bí mật, khó khăn và nguyện vọng của đồng bào tôi đã gây xúc động đối với tôi, buộc tôi phải từ bỏ lí tưởng. Nếu ông có hứng thú thử nghiệm việc này, đấy là mục đích để tôi phải nói nhiều như vậy.

Nhưng tôi xin lưu ý ông, không có Kim Trân ông sẽ không thành công. Tôi muốn nói, nếu Kim Trân không qua khỏi, ông cũng đừng nghĩ đến chuyện kia, vì tuổi tác của ông không thể nào làm nổi. Nhưng có Kim Trân, tuổi của ông còn có thể trông thấy bí mật của con người - bí mật của bộ óc con người. Hãy tin ở tôi, Kim Trân đúng là con người lí tưởng nhất trong số những người có thể tìm ra bí mật ấy, tóm lại ông trời đã tạo ra, là điều thượng đế đã định đoạt. Chúng ta vẫn thường nói, giấc mơ là một bộ phận bí ẩn khó biết nhất của tinh thần con người, mà trong những năm tuổi thơ của cậu ta vẫn thường bắt gặp, lâu ngày trở thành thuật giải mộng. Nói một cách khác, cậu ta từ ngày hiểu biết đã chuẩn bị một cách không ý thức việc tìm ra bí mật bộ não con người. Cậu ta sinh ra và lớn lên vì chuyện này.

Cuối cùng, tôi muốn nói, nếu thượng đế và ông đều muốn Kim Trân đi vào môn khoa học khám phá bí mật bộ óc con người, vậy những sách này sẽ có tác dụng, nếu không, nếu thượng đế hoặc ông không cho phép Kim Trân làm việc ấy, vậy hãy tặng lại thư viện nhà trường những sách này, coi như đấy là bằng chứng và kỉ niệm của tôi suốt mười hai năm ở trường này.

Cầu chúc cho Kim Trân sớm bình phục.

L. Hinsh, đêm trước từ biệt.

Ông Lily ngồi trên thùng sách đọc một mạch hết bức thư, gió lay động những trang giấy, gió thỉnh thoảng đưa những giọt mưa rơi trên trang giấy, tưởng như gió mưa đang đọc trộm những dòng chữ trong thư. Không biết có phải vì mất ngủ hay vì nội dung bức thư khiến ông xúc động, ông đọc xong thư nhưng vẫn ngồi hồi lâu, ngồi ngay ngắn, ánh mắt ngẩn ngơ nhìn khoảng không. Một lúc lâu sau ông mới bừng tỉnh, nói vọng vào làn mưa mù mịt:

“Ông Hinsh, chúc ông bình an.”

(Ghi theo lời kể của thầy Dung)

Ông Hinsh quyết định ra đi, cuộc ra đi có liên quan đến việc bố vợ của ông bị đàn áp.

Như đã biết, cơ hội ra đi của ông Hinsh luôn đặt ra trước mắt ông, nhất là sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của phương Tây mong ông hợp tác, thư mời cùng với thiếp chúc mừng gửi đến để đầy một bàn. Nhưng qua nhiều sự việc tôi thấy ông không có ý định ra đi, ví dụ ông đem những thùng sách đến, về sau ông mua lại khuôn viên vốn ông thuê trong ngõ Tam Nguyên, thậm chí ông cố gắng học thật tốt tiếng Trung Quốc, cũng có lúc ông nghĩ đến việc xin nhập quốc tịch Trung Quốc. Nghe nói, chuyện này có liên quan nhiều đến nhạc phụ. Nhạc phụ của ông là hậu duệ của một vị cử nhân, rất giàu có, là vị thổ hào độc nhất vô nhị ở vùng ấy, đối với chàng rể Tây này ông ta không hề đồng ý, bất đắc dĩ phải đồng ý nhưng đưa ra những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, ví dụ không được đưa con gái của ông ta đi, không được li hôn, phải học tiếng Trung Quốc, con phải sống với mẹ, vân vân. Điều ấy chứng tỏ vị thổ hào này không phải là một nhân sĩ cởi mở, đại khái thuộc loại người không nhượng bộ ai điều gì, con người nhỏ nhen, con người như vậy là một thổ hào không khỏi gây nên tội ác, tích tụ oán thù, thêm vào đấy, trong thời kì chính phủ nguỵ thân Nhật, ông ta còn gánh vác những chức vụ quan trọng trong chính quyền huyện, đi lại thân thiết với giặc Nhật, sau ngày giải phóng, chính quyền nhân dân coi ông là đối tượng trọng điểm cần trấn áp, qua xét xử, toà kết án tử hình, tống giam, chờ ngày ra pháp trường.

Trước khi thi hành án, ông Hinsh tìm đến nhiều vị giáo sư, sinh viên cũ, gồm cả cha tôi và tôi, những mong cùng kí vào một lá đơn xin chính phủ ân xá cho bố vợ, nhưng không ai hưởng ứng. Việc ấy nhất định đã làm ông Hinsh buồn, nhưng chúng tôi cũng không có cách nào. Nói thật, không phải chúng tôi không muốn giúp, mà là giúp không nổi, lúc ấy không thể chỉ một vài lời kêu gọi hay có một hành động nào đấy có thể thay đổi nổi tình thế. Cha vì chuyện này mà đã đến gặp ông thị trưởng, câu trả lời là:

“Chỉ có Mao Chủ tịch mới cứu nổi!”

Tức là, không một ai cứu nổi.

Thực tế là thế, một địa chủ ác bá bị dân chúng căm phẫn và để lại nhiều vết nhơ, lúc bấy giờ nhất loạt là đối tượng trấn áp của chính quyền nhân dân. Đó là thời thế và tình hình đất nước, không ai có thể thay đổi. Ông Hinsh không hiểu nổi những điều ấy, ông ta quá ấu trĩ, chúng tôi không có cách nào, chỉ biết thương hại cho ông.

Nhưng, không ai ngờ, ông Hinsh thông qua nước X, đã cứu được ông bố vợ khỏi mũi súng. Đúng là điều không thể ngờ, nhất là lúc bấy giờ nước X với nước ta đang trong quan hệ đối địch, làm được việc này quả là một khó khăn không thể tưởng tượng nổi. Nghe nói, nước X vì chuyện này mà phải cử quan chức ngoại giao đến Bắc Kinh, tiến hành đàm phán với chính phủ ta. Sự việc cuối cùng làm kinh động đến Mao Chủ tịch, có người nói là Thủ tướng Chu Ân Lai, dù sao thì đấy là một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, thật sự không thể tưởng tượng nổi.

Kết quả đàm phán là họ đã cho nhạc phụ của ông Hinsh đi, chúng ta đưa được hai nhà khoa học bị nước X nghiêm cấm về nước, cảm giác vị thổ hào đáng chết kia là vật quốc bảo của nước X. Tất nhiên, vị thổ hào kia không là gì đối với nước X, trong đó ông Hinsh có vai trò quan trọng. Nói khác đi, để đáp ứng nguyện vọng của ông Hinsh, nước X đã không tiếc gì. Vấn đề ở chỗ, tại sao nước X lại tốt với ông Hinsh như vậy? Phải chăng chỉ vì ông là một nhà toán học nổi tiếng thế giới? Chắc chắn trong đó có nguyên nhân rất đặc biệt, nhưng cuối cùng là gì, cho đến lúc này tôi cũng không biết.

Cứu được ông bố vợ, ông Hinsh đưa cả gia đình cùng thân quyến sang nước X.

Lúc ông Hinsh đi, Kim Trân còn nằm trong bệnh viện, nhưng đã qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh viện tính đến khoản viện phí ngày một nhiều, thể theo yêu cầu của bệnh nhân, đồng ý để cậu ngoại trú. Lúc xuất viện, thầy Dung và mẹ đến đón, bác sĩ tưởng một trong hai vị này là mẹ Trân. Nhưng nhìn tuổi của hai người, để là mẹ của bệnh nhân thì một người quá già, một người lại quá trẻ, cho nên mạo muội hỏi:

“Hai người ai là mẹ của người bệnh?”

Thầy Dung định giải thích, bà mẹ đã trả lời một cách dứt khoát:

“Tôi.”

Bác sĩ căn dặn bà, bệnh tình của người bệnh đã ổn định, nhưng cần được chữa trị triệt để, ít nhất phải tiếp tục chữa trị trong thời gian một năm. “Trong một năm đó, bà phải nuôi dưỡng cậu ta như tôm trứng, phải nuôi dưỡng như nuôi thai mười tháng, nếu không bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành công toi.”

Qua những lời dặn dò của thầy thuốc, bà Lily cảm thấy bác sĩ không quá lời, cụ thể có thể nhấn mạnh ba điều:

1. Ăn uống phải kiêng khem;

2. Về đêm, phải định kì gọi dậy đi giải;

3. Hàng ngày phải uống thuốc đều đặn, kể cả tiêm.

Bà Lily đeo kính lên, ghi lại đầy đủ những lời bác sĩ dặn, rồi đọc lại, bà bảo con gái đến trường lấy bảng và phấn về, viết những lời dặn của bác sĩ lên bảng, treo ở cửa cầu thang, nơi hàng ngày lên xuống đều có thể trông thấy. Để gọi Kim Trân đúng giờ dậy đi giải, bà và chồng ngủ riêng, trên đầu giường để sẵn hai cái đồng hồ báo thức, một cái để chuông lúc nửa đêm, một cái khác để chuông lúc gần sáng. Sau lần đi giải buổi sáng, Kim Trân lại tiếp tục ngủ, bà Lily đi chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong số năm bữa ăn trong ngày. Nấu ăn tuy là sở trường của bà, nhưng lúc này trở thành việc khó khăn và không còn tự tin, để so sánh, vì bà biết khâu vá, để học cách tiêm không phải là chuyện khó đối với người già, có điều vài hôm đầu bà hơi căng thẳng và phải làm đi làm lại vài lần. Nhưng việc nấu ăn, nấu nhạt cho ngon làm bà phải đau đầu. Về lí thuyết, muối đối với Kim Trân lúc này có một yêu cầu nghiêm ngặt và phức tạp, đấy là sợi chỉ sinh mệnh bí ẩn và chân thực của cậu ta, nếu nhiều một chút rất có thể trở thành công không, ít lại ảnh hưởng đến sự bình phục. Bác sĩ dặn thế này: thời kì người bệnh đang điều trị, lượng muối yêu cầu phải từ rất ít và sẽ được tăng dần mỗi ngày.

Tất nhiên, nếu nói với một người hàng ngày cần một lượng muối ăn giống như cần một lượng lương thực, vậy thì vấn đề rất dễ giải quyết, chỉ cần cân chính xác là được. Vấn đề hiện tại không dễ như thế, bà Lily không tìm đâu ra một tiêu chuẩn chính xác, tưởng như chỉ dựa vào sự kiên nhẫn và yêu thương để mò mẫm, cuối cùng bà đem những loại thức ăn mặn nhạt khác nhau vào bệnh viện, nhờ bác sĩ điều trị thử hộ. Trước đấy, bà phải đếm từng hạt muối cho vào thức ăn, rồi ghi chép tỉ mỉ, sau khi được bác sĩ xác nhận tiêu chuẩn, mỗi ngày bà lại đeo kính lên, coi từng hạt muối trắng như thuốc, đếm từng hạt cho vào sự sống của Kim Trân.

Rất thận trọng cho muối vào thức ăn.

Thận trọng như làm một thí nghiệm.

Cứ như vậy, ngày lại ngày, đêm lại đêm, tháng lại tháng, mức độ chăm chỉ và kiên trì vượt quá cả nuôi tôm trứng, cũng không còn là mang thai. Có lúc, bà Lily trong khi vất vả, cố tình lấy bức huyết thư của Kim Trân để xem. Bức thư vốn là bí mật của Kim Trân, bà vô tình phát hiện, không hiểu tại sao lại cất giữ nó, tức là, bức huyết thư không biết viết hồi nào, trở thành bí mật của hai người, mà cũng là ám hiệu chứng minh sự gắn kết của hai trái tim. Cứ mỗi lần bà Lily đọc nó, càng khẳng định những gì mình làm là rất xứng đáng, bởi thế bà càng tiếp tục làm, lòng đầy kích động. Điều ấy chừng như sẽ có ngày Kim Trân bình phục. Qua Tết, Kim Trân xuất hiện trở lại với lớp học sau một thời gian vắng mặt.