Giang Đông Song Bích

Chương 40: Ngoại truyện 2




Editor: Vện

Núi tuyết trải dài, dãy núi trắng xóa màu trời, cột băng ven đường như những bức tượng điêu khắc, từng cột điện bị phủ băng vun vút qua cửa sổ xe.

Ánh nắng rất dịu, êm ái đến mức người ta không nỡ mở mắt. Chu Du đeo kính râm, dựa cửa ngắm cảnh, Tôn Sách đang tiêu diệt một bao đồ ăn vặt. Triệu Vân phía trước vừa nghe nhạc vừa lái xe, Lữ Bố kế bên chơi PSP. Tôn Sách bất cẩn phun một họng đồ ăn lên đầu Lữ Bố y như thiên nữ rải hoa.

“Ê!” Lữ Bố nổi nóng.

“Suỵt.” Tôn Sách vội chỉ Chu Du, nói, “Đang ngủ, đừng ồn.”

Chu Du tháo kính, nhìn Tôn Sách.

“Ủa, không có ngủ á ha ha ha!” Tôn Sách nói.

Lữ Bố giận dữ hét, “Ngủ cái đầu chú chứ ngủ!”

Lữ Bố ở ghế trước chồm xuống vật lộn với Tôn Sách.

Triệu Vân lớn tiếng nói, “Đang lái xe! Đừng đánh nhau!”

Lữ Bố và Tôn Sách lao vào hỗn chiến, Triệu Vân vội tách hai người ra, Lữ Bố không ngẩng đầu, cả giận nói, “Chu Du, chú về lộn phe rồi!”

Chu Du, “…”

Sắp đến kỳ nghỉ đông, các hoạt động trên biển kết thúc, sân trường vắng hoe. Mẹ ra nước ngoài thăm người thân, tết Nguyên đán Chu Du không có chỗ đi. Tôn Sách muốn dẫn Chu Du về nhà, Chu Du không đồng ý. Cuối cùng, Tôn Sách bàn với Lữ Bố, dẫn các đội viên không về nhà đến phương Bắc trượt tuyết, tắm suối nước nóng.

Đầu tiên là ngồi máy bay hơn ba tiếng, xuống phải đi taxi thêm tám tiếng, Chu Du sắp đi tong nửa cái mạng. Nhưng từ nhỏ chỉ sống ở phương Nam ấm áp, cho nên thấy trời tuyết thì không nhịn được phải thán phục.

“Cậu ngủ lát đi.” Tôn Sách nói.

Chu Du hơi say xe. Đường rất khó chạy, may mà kỹ thuật lái xe của Triệu Vân rất tốt nên hắn không bị ói.

“Quê tôi vốn ở phía Bắc.” Triệu Vân nói, “Còn xa hơn nơi này, đông về thì lạnh đến âm 25 độ.”

“Đẹp quá.” Hai mắt Chu Du mở tròn xoe, hứng thú dạt dào.

“Một người phương Bắc…” Lữ Bố vỗ vai Triệu Vân, cười nói, “Lại xuống phương Nam lướt sóng, thú vị.”

Triệu Vân cười trừ, mở nhạc lớn hơn, xe việt dã hất tung tuyết bám trên đường, chạy như bay.

Nhưng mà, hai tiếng sau, trời tối dần, cánh đồng tuyết tắm nắng chiều, đỏ như màu máu.

Lữ Bố vẻ mặt bực bội, nói, “Đây là quê cậu mà!”

“Xin lỗi xin lỗi.” Triệu Vân và Tôn Sách bắt đầu dò GPS.

“Tôi cảm thấy quẹo vô đường vừa nãy là sai rồi.” Tôn Sách đối chiếu bản đồ.

Triệu Vân nói, “Không sai đâu, chắc chắn là bên này.”

Chu Du đứng trước cánh đồng tuyết, đột nhiên có ham muốn mãnh liệt chạy đến ụp mặt vào lớp tuyết trắng mịn. Ba giây sau, Tôn Sách vừa la vừa chạy tới, phi thân lên phía trước, để lại một vết lõm hình người trên tuyết.

Chu Du thầm nghĩ: Thần kinh!

Tôn Sách vò một quả cầu tuyết, chạy đến chụp xuống đầu Chu Du.

“Cậu!”

Chu Du nhảy vào vật lộn với Tôn Sách, cuối cùng, theo lẽ thường là Tôn Sách xin khoan hồng. Hai người chạy ra sau xe, Chu Du không chút nể tình nhấn y xuống tuyết.

Tôn Sách đập đập bên cạnh, nói, “Đến đây.”

Chu Du hồn nhiên bước tới nằm xuống, Triệu Vân đang dò đường, hô với bọn họ, “Cẩn thận cảm lạnh!”

Hai người nằm song song trên nền tuyết, tia nắng cuối ngày từ núi cao hạ xuống cánh đồng tuyết, lặng lẽ vụt tắt trên đỉnh đầu Chu Du. Ánh sáng đỏ rực nhuộm thắm đất tuyết, như lửa từ dòng sông nào lan ra đốt trụi đồng cỏ, lại như vạn chiếc đèn hoa thắp sáng thành đô.

“Nè.” Tôn Sách vỗ tay Chu Du, hỏi, “Lần trước cậu nói con người có kiếp trước, tức là sao?”

“Không có gì.” Chu Du thờ ơ nói, “Chỉ là thường xuyên nằm mơ, từng tập đứt quãng y như phim truyền hình.”

“Hở?” Tôn Sách không hiểu ra sao, “Phim dạng gì?”

“Phim cổ trang não tàn.” Chu Du thuận miệng nói, “Cái loại mà thích gì mắng đó ấy.”

Tôn Sách nghe vậy liền nổi máu tò mò, quấn lấy Chu Du bắt hắn kể, may mà Lữ Bố ở trước xe hô, “Đi nè! Lên xe!”

Bốn chàng trai một chiếc xe, lần này đổi thành Tôn Sách lái xe, xăng đã đổ đầy. Mùa đông phương Bắc tối rất nhanh, vừa chạy được vài km trời đã đen kịt. Chu Du ngồi ghế trước, cầm điện thoại mở GPS chỉ đường cho Tôn Sách.

“Túm lại là có biết đường không?” Lữ Bố hỏi.

“Biết chứ.” Chu Du cười, xỏ Tôn Sách, “Không biết cũng phải biết.”

“Này!” Tôn Sách bị chọc nổi nóng, nói, “Câm hết đê! Phải tin vào tài năng của tôi chứ!”

Triệu Vân nói, “Cảm giác về phương hướng của Tôn Sách tốt lắm, tin cậu ta đi.”

“Nửa tiếng nữa.” Tôn Sách ném tấm thảm cho Lữ Bố, nói, “Anh ngủ dậy là tới!”

Lữ Bố cao mét chín, ngồi trong xe y như bị nhét vào hộp cá mòi, muốn duỗi người cũng không được, không thể làm gì khác là nằm lên đùi Triệu Vân ngủ. Chu Du phía trước bắt đầu quáng, cảnh tối lửa tắt đèn, Tôn Sách chạy loạn xạ.

Lúc Lữ Bố thức dậy đã là hai tiếng sau.

“Mấy giờ rồi.” Lữ Bố hỏi, “Chưa tới nửa tiếng nữa hả?”

Triệu Vân, “…”

Tôn Sách xạm mặt, nhắm mắt nói, “Sắp đến rồi.”

“Đến cái quần!” Lữ Bố quát, “Cút ra! Để anh lái!”

Lữ Bố vừa cầm lái, chưa tới năm phút, bánh xe sụp hố, mọi người không thể làm gì khác là xuống đẩy xe. Đêm xuống, nhiệt độ giảm mạnh, gió rét thổi cho ba người run cầm cập, Chu Du trong xe gạt cần, nói, “Tôi khởi động máy thử xem.” Nói rồi mở radio.

Tôn Sách hít nước mũi, nghe radio thông báo thời tiết.

“Tối nay sẽ có bão tuyết trên diện rộng, xin mọi người chuẩn bị công tác chống rét…”

Ba người bên ngoài sợ đến mức hồn phi phách tán, xe đã nổ máy, Lữ Bố té nhào, ăn một họng tuyết.

“Chờ anh với!” Lữ Bố hô.

Xe dừng, Lữ Bố chui lên xe, Chu Du kéo cần, tăng ga, chuyển từ đường nhỏ sang hướng dãy núi âm u.

“Đi đâu thế?” Tôn Sách hỏi.

“Bớt nói nhảm.” Chu Du hững hờ nói.

Xe việt dã chạy như bay trên mặt đường đóng băng. Tuyết ngoài trời ngày càng lớn, Triệu Vân nói, “Hay là qua đêm trên xe luôn?”

“Vừa lái vừa bật sưởi hao xăng dữ lắm.” Chu Du nói, “Vừa rồi lúc mấy người đẩy xe, tôi thấy bên kia núi có ánh sáng, chắc có người ở.”

“Lỡ đó là ánh sao thì sao?” Tôn Sách hỏi.

“Thì ôm nó một đêm cho ấm.” Chu Du dở khóc dở cười.

Tôn Sách nói, “Ý kiến không tồi.”

Mọi người, “…”

Cần gạt kính xẹt qua xẹt lại, Tôn Sách lau cửa sổ, quả nhiên thấy đằng xa có ánh đèn, tất cả thở phào nhẹ nhõm, được cứu rồi.

Dưới chân núi có một ngôi nhà nhỏ, phía trước có sân, ngoài sân có cây cột điện, ánh sáng phát ra từ đèn trên cột điện, Chu Du dừng xe, nói, “Xin nghỉ lại đây một đêm đi.”

Lời còn chưa dứt, ánh đèn chớp nhá mấy cái rồi cháy bóng.

Xung quanh tối om, trong nhà không hề có ánh sáng, gió tuyết rít gào sau lưng, chỉ thấy tuyết lông ngỗng chao lượn được đèn xe rọi sáng, thế giới hoàn toàn yên tĩnh, ngôi nhà ba tầng kia chẳng khác gì nhà ma.

Bốn người xô xô đẩy đẩy, cuối cùng Triệu Vân đi gõ cửa.

“Có ai không?” Triệu Vân hỏi.

“Chưa ăn cơm hả!” Tôn Sách nói, “La lớn lên!”

Tôn Sách trốn sau lưng Chu Du, Triệu Vân lại gõ cửa, gọi, “Có ai không?”

Không nghe tiếng chó sủa, Triệu Vân nói, “Không có người? Không đến nỗi đó chứ, vừa nãy đèn còn sáng mà.”

Lữ Bố nói, “Hay là bỏ đi, kiếm nhà khác.”

“Trong mười dặm quanh đây chỉ có một cái nhà này.” Chu Du nói, “Không ngủ ở đây chỉ còn nước lên núi ngủ.”

Lữ Bố gào lên, “CÓ AI HÔNG!”

Cửa đột ngột bật mở, hiện ra một gương mặt già nua, bốn người hoảng hồn la lên. Tôn Sách vừa rồi còn sợ nơm nớp trốn phía sau Chu Du, vội vàng kéo Chu Du ra sau lưng che chắn.

Một ông lão đeo bịt tai bằng bông, hai tay giấu trong áo, ánh mắt lờ đờ. Ông ta đi vài bước, lướt qua bốn người đứng cứng ngắc như tượng, đến chỗ cột điện, chậm rãi đưa tay ra, bàn tay không ngừng run rẩy.

Mọi người, “…”

Ngón tay ông lão vươn ra như đang co giật, bốn người bị hành động quái dị kia dọa mất hồn, Lữ Bố ra hiệu mọi người đừng sợ, gã lại không nhịn được lùi về phía sau.

“Này… ông ơi.” Triệu Vân gọi.

Ông lão quay lưng về phía bốn người, vẫn giữ tư thế cứng còng, chừng một phút sau, ông ta như bắt được cái gì trong không khí, kéo một cái, tiếng “canh cách” vang lên.

“ÁAAAAAA—” Tôn Sách Lữ Bố cùng la lên.

Ông lão lại kéo lần nữa, lại “canh cách” một tiếng, đèn trên cột điện sáng trở lại.

Là đèn dây thừng, Chu Du suýt bị hù đứng tim.

Ông lão xoay người, trắng mắt liếc bọn họ, hỏi, “Chuyện gì?”

“Cho cho cho… ngủ nhờ.” Triệu Vân nói.

Có đèn, khung cảnh biến về bình thường.

Lữ Bố đi đỗ xe, ba người theo ông lão vào nhà, trong sân có một tấm biển đã bung ốc, bên cạnh là gạch vụn ngói vỡ. Triệu Vân cầm đèn pin, lia trái lia phải, theo ông lão ra sân sau.

Ông lão đẩy cửa, mở ra hành lang tối đen như mực, nói, “Mấy người? Lấy chứng minh thư đi đăng ký.”

Chu Du nhìn mà hãi, bắt đầu hối hận.

“Có hệ thống sưởi không?” Tôn Sách hỏi.

“Có lò nấu rượu.” Ông lão đáp, “Vào mà xem.”

Tôn Sách lấy chìa khóa phòng lầu ba, cùng Chu Du, Triệu Vân lên lầu.

“301.” Tôn Sách hỏi, “Các anh thì sao?”

Triệu Vân nói, “Bọn tôi phòng 316.”

Một phòng nằm tuốt phía Đông, một phòng tận cùng phía Tây, nằm ở hai đầu hành lang.

Chu Du, “…”

“Vào thôi vào thôi.” Tôn Sách nói, “Chờ gì nữa.”

Hai người đẩy cửa vào, căn phòng rất sạch sẽ, chỉ có một cái giường lớn, Chu Du lười thay đồ, hắn kiệt sức nằm sấp xuống bàn.

“Lữ Bố!” Triệu Vân trong hành lang gọi.

Tôn Sách đột nhiên nhớ ra, đúng rồi! Lữ Bố đâu! Đi đâu đỗ xe?

“Lữ Bố!”

“Lữ Bố đâu?”

“Tôi không biết, chẳng phải đi đỗ xe à?”

Tôn Sách cùng Triệu Vân hai mặt nhìn nhau. Chu Du lập tức xuống lầu, ra lan can lầu hai nhìn một vòng, chỉ thấy xe đã đỗ ngoài sân, không thấy bóng Lữ Bố.

“LỮ BỐ—” Triệu Vân hét lớn.

“Tôi ở đây…”

Tiếng Lữ Bố rất nhỏ, Triệu Vân thở phào, Tôn Sách hỏi, “Ở đâu?”

Lữ Bố đột ngột im lặng, một giây đó, Chu Du dựng tóc gáy, sau lưng lạnh toát. Trong nháy mắt, dưới cầu thang vang lên tiếng kêu của Lữ Bố, sau đó là tiếng đồ vật đập vào đầu, Triệu Vân lao xuống.

“Ở đâu?” Ba người đứng dưới giếng trời, lưng tựa lưng, nhìn bốn phía.

Nhưng đáp lại bọn họ chỉ có tiếng tuyết lớn rơi sột soạt.

“Suỵt.” Chu Du ra hiệu im lặng, sân sau vang tiếng bước chân đạp trên tuyết, ba người không hẹn mà cùng nghĩ tới cảnh giết người chặt xác chôn quanh núi. Dây thần kinh của Triệu Vân căng đến mức cực hạn, vơ lấy cái xẻng, vọt vào sân sau.

“Triệu Vân, mấy đứa ở đâu…” Giọng Lữ Bố vô cùng yếu ớt, sau đó là tiếng vật bằng sắt kéo lê dưới đất.

Ba tầng lầu tối đến mức giơ tay không thấy ngón, Triệu Vân cầm đèn rọi xung quanh, góc tường được đèn chiếu tới, hiện ra một bức hình màu trắng loang lổ.

“ÁAAAA—” Tôn Sách hét lớn.

“Lữ Bố!”

Lữ Bố từ phòng bên cạnh xông ra, hồn còn chưa về, lại hét thêm một tiếng.

Bốn người rối loạn, Chu Du hô, “Bình tĩnh!”

“Anh anh anh…” Lữ Bố thở hổn hển, “Mấy đứa có sao không?”

“Anh không bị thương?” Chu Du hỏi.

“Anh bất cẩn đá đổ cái thùng.” Lữ Bố nói, “Trong góc hành lang kia kìa.”

Chu Du, “…”

Triệu Vân hỏi, “Sao giọng cậu lúc lớn lúc nhỏ vậy?”

“Ai biết đâu.” Lữ Bố nói.

Chu Du thử vào hành lang, cất giọng gọi, “Lữ Bố.”

Tiếng vang: Lữ Bố Lữ Bố Lữ Bố…

Chu Du bảo Tôn Sách đứng ở ngoài nghe, quả nhiên không nghe thấy.

Hiệu quả cách âm ở hành lang cũng tốt quá thể rồi…

Vừa rồi Lữ Bố ló đầu ra gọi bọn họ mới nghe, lúc qua hành lang thì âm thanh nhỏ lại.

Sợ bóng sợ gió một hồi. Mọi người suýt bị Lữ Bố hù chết, thay phiên nhau sỉ vả Lữ Bố, Lữ Bố cúi đầu, một câu cũng không dám cãi.

Đúng lúc này, Tôn Sách chợt phát hiện có người ở góc rẽ cầu thang, lại hoảng hồn hét lên.

“Đủ rồi!” Chu Du nói, “Đừng có nghi thần nghi quỷ nữa!”

“Lớn tiếng thế làm gì?” Ông lão nói.

“Không… không có gì ạ.” Triệu Vân đỡ trán.

“Có cơm không ông?” Tôn Sách bình tĩnh lại.

“Đang nấu.” Ông lão nói, “Lát nhớ xuống ăn.”

Từng người về phòng, nhìn đồng hồ, chín giờ tối. Lữ Bố đứng cuối hành lang nói, “Chờ ở đây luôn được không.”

“Không được!” Triệu Vân tóm Lữ Bố, kéo vào phòng.

Trong phòng ấm dần lên, Tôn Sách nhìn ra từ cửa sổ sát đất, nói, “Cuộc sống nhà nông như vầy cũng không tệ.”

“Ông ấy đang làm gì vậy?” Chu Du ló đầu nhìn, thấy ông lão đang lúi cúi trong lò nấu rượu, mở đèn phòng ăn.

Nửa tiếng sau, Lữ Bố qua gõ cửa, nói, “Điện thoại nói cơm ăn được rồi.”

Bốn người xuống phòng ăn, trong phòng mở đèn ấm áp, bàn trải khăn ăn, bốn mặn một canh, cơm trong nồi cơm điện. Bốn người như được đại xá, ngồi xuống ăn ngấu nghiến. Lữ Bố thấy trong tủ có bia, liền khui một lon.

“Chỗ này có phải sơn trang vừa được trùng tu để trượt tuyết không.” Triệu Vân nói, “Nãy tôi thấy sau phòng nồi hơi có một nhà kho, trong kho để ván trượt tuyết với mấy bộ đồ chống rét.”

Lữ Bố gắp đồ ăn, nói, “Chứ không phải là của khách trọ trước kia bị thịt để lại hả.”

Mọi người, “…”

Lữ Bố lập tức nói, “Anh không nói nữa.”

“Đồ ăn cũng không tệ.” Chu Du nói, “Còn ngon hơn đồ ăn trong trường.”

Tôn Sách nói, “Mấy người đoán coi, đây là thịt gì?”

Mọi người rốt cuộc chịu hết nổi, đồng loạt quát Tôn Sách, “Có câm cái miệng được không!”

Tôn Sách đành phải kéo khóa miệng, tiếp tục ăn, thầm nghĩ mình thật sự muốn biết đây là thịt gì mà.

Ăn được một nửa, đèn nhà ăn bắt đầu chớp tắt, gió lạnh lùa vào khe cửa, bóng đèn đung đưa ken két.

Động tác bốn người cứng đơ, ngẩng đầu nhìn đèn.

Ba giây sau, đèn tắt, thế giới chìm vào bóng đêm.

“Cúp điện hả?” Triệu Vân nói.

Đột nhiên, trên bàn ăn nghe “cạch” một tiếng, sau đó là tiếng kêu đau đớn của Tôn Sách.

Chu Du vội kêu, “Tôn Sách!”

Cổ họng Tôn Sách phát ra âm thanh kỳ quái, Lữ Bố đứng bật dậy, hất đổ ghế.

Triệu Vân quát, “Bình tĩnh!”

Lữ Bố cầm đèn rọi vào mặt Tôn Sách, chỉ thấy gương mặt y méo mó dữ tợn, sợ hết hồn hét ầm lên.

Chu Du nói, “Nghẹn! Nghẹn cơm!”

Lữ Bố, “…”

Một phút sau, Triệu Vân tìm được đèn cầy trong ngăn kéo. Tôn Sách uống nước, nuốt cơm xuống, cười hề hề.

Chu Du không còn gì để nói.

Mọi người đốt đèn cầy, ăn tiếp.

Tôn Sách nói, “Ăn tối dưới ánh nến cũng không tệ.”

“Không tệ con khỉ!” Chu Du giận dữ hét.

Ông lão đến nói, “Cắt điện rồi, chắc đường dây cao thế bị tuyết đè đứt, ráng chịu đi.”

Tối đó, Chu Du đốt đèn cầy trong phòng, may mà hơi ấm vẫn còn.

Tôn Sách nương ánh nến mà tắm, nước rất ấm. Lát sau, Lữ Bố gõ cửa nói, “Đèn cầy phòng anh đốt bao nhiêu tắt bấy nhiêu, sao giờ?”

Chu Du, “…”

“Triệu Vân đâu?” Chu Du hỏi.

“Đang tắm.” Lữ Bố sợ quắn quéo mà ngoài mặt tỏ vẻ không sao cả, nói, “Cậu cậu cậu… qua xem giúp anh đi.”

“Đừng đi mà!” Tôn Sách cuống cuồng la hét, “Đừng bỏ tôi một mình trong phòng.”

Chu Du không quan tâm y, đi qua nhìn, nói với Lữ Bố, “Gió từ cửa sổ thổi tắt!”

“À à.” Lữ Bố dời đèn cầy sang chỗ khác, châm lửa.

Không lâu sau, Tôn Sách tắm xong chạy qua.

Phòng của Triệu Vân Lữ Bố có hai cái giường. Tôn Sách nói, “Tối nay mọi người ngủ chung đi, đừng đánh lẻ.”

“Đúng đấy đúng đấy.” Lữ Bố lập tức phụ họa.

Chu Du dở khóc dở cười, Triệu Vân nói, “Cậu vào tắm phòng tôi nè, nước còn nóng.”

“Đánh bài đi.”

Tôn Sách để chân trần, chiếm một cái giường, ngồi sát Chu Du. Lữ Bố nằm giường còn lại, Triệu Vân ngồi bên giường, kéo ghế lại đánh bài.

“Thua một ván kể một chuyện ma.” Tôn Sách đề nghị.

“Tự đi mà kể!” Chu Du nổi nóng.

“Vậy tôi kể… đừng đi mà, không kể không kể, giỡn thôi mà.” Tôn Sách nói, “Sao tôi cứ thấy lạnh lạnh…”

“Cửa sổ chưa đóng kín.” Triệu Vân kiểm tra cửa sổ, gió lọt vào từ khe cửa, bên ngoài tuyết quá lớn.

“Không chơi hả?” Tôn Sách hỏi Chu Du.

Bốn chàng trai lần lượt đi tắm.

Chu Du dựa vào đầu giường, nhìn gương mặt nghiêng của Tôn Sách đến xuất thần.

“Kể giấc mơ của cậu đi.” Tôn Sách trêu Chu Du.

“Mơ gì?” Triệu Vân lần đầu nghe nói.

Chu Du mang vẻ mặt “Tôi không quen mấy người”, miễn cưỡng nói, “Quên đi, không muốn kể.”

Lữ Bố hỏi, “Dạo này ngủ không ngon hả?”

Chu Du nhìn Lữ Bố, đột nhiên nói, “Anh biết gì không? Kiếp trước anh là sư phụ của Tôn Sách đấy.”

“Hả?” Lữ Bố chẳng hiểu gì cả, “Là sao?”

Tôn Sách nổi điên, “Không thể nào!”

Chu Du mỉm cười, bắt đầu kể giấc mơ của mình. Bão tuyết ngoài trời nhỏ dần, hóa thành cơn mưa tuyết lông ngỗng. Triệu Vân, Tôn Sách, Lữ Bố vừa đánh bài, vừa nghe giấc mơ của Chu Du.

Hồ Sào mênh mang, xanh ngắt màu trời, Lạc Dương hừng hực lửa dữ khói đen, huyện Ngô thiên quân vạn mã… nghe rồi nghe, ba người bất tri bất giác đắm chìm vào mạch ký ức.

Hoa đào mùa xuân nở đầy núi, cánh hoa trôi trên mặt hồ, xoay vòng theo từng gợn sóng, bất chợt hóa thành nghìn vạn chiến thuyền chặn ngang Xích Bích, khuấy đảo lòng sông, lửa đỏ bùng lên.

Trong đêm đông ấy, bọn họ được Chu Du dẫn về quá khứ đã phủ bụi nghìn năm.

“Sau đó tôi mơ thấy…” Chu Du thản nhiên nói, “Tôi ngồi chờ trong phòng, đạo sĩ ấy đưa cho tôi hai lá bùa, tôi siết chúng trong tay.”

Kể đến đây, trong phòng bừng sáng.

“A.” Lữ Bố cười nói, “Có điện rồi.”

“Có điện.” Triệu Vân cười.

“Có điện rồi.” Tôn Sách vô cùng hứng thú, đẩy Chu Du, nói, “Kể tiếp đi.”

Giấc mộng dài cuối cùng cũng tỉnh, Chu Du thản nhiên nói, “Hết rồi, nói cũng kỳ, những người xuất hiện trong mơ đều mang gương mặt của mấy người.”

“Đùa hả.” Triệu Vân nói, “Không thể nào, không lẽ mới sáu tuổi cậu đã biết tôi rồi?”

Lữ Bố lật bài, nói, “Kiếp trước Tôn Sách nợ cậu.”

Chu Du không giải thích, chỉ cười. Xung quanh sáng trưng, điện về, sơn trang ấm lên không ít.

“Về ngủ thôi!” Tôn Sách nói, ôm ngang Chu Du bắt về phòng.

Sáng hôm sau, Chu Du bị Tôn Sách lay tỉnh, nắng chiếu vào cửa sổ, bên ngoài là thế giới băng tuyết đẹp như mơ.

Bông tuyết li ti rơi xuống, bầu không khí khủng bố đêm qua hoàn toàn biến mất. Tôn Sách nói, “Nhìn kìa!”

Sau lưng sơn trang chính là làng du lịch mà Lữ Bố và Tôn Sách muốn đến, đằng xa là khu trượt tuyết, cáp treo di chuyển từ trên núi xuống. Chu Du dở khóc dở cười, hóa ra đã đến nơi rồi, chỉ sai hướng thôi.

“Này!” Lữ Bố đứng dưới lầu gọi hai người, “Sân sau có suối nước nóng đó! Bọn anh đi trượt tuyết trước nha!”

Tôn Sách đáp một tiếng, cùng Chu Du đi tắm suối.

Bông tuyết tan chảy trong nước suối, rơi xuống mái tóc ngắn cũn của Tôn Sách, kết thành băng.

“Nè.” Tôn Sách ngồi xổm trong suối, nhìn Chu Du, hỏi, “Tối qua đó, cậu nhớ không?”

“Làm sao?” Chu Du chẳng hiểu gì cả.

“Hai người kia nói kiếp trước tôi nợ cậu.” Tôn Sách nói.

Chu Du, “…”

Tôn Sách lại nói, “Tôi có chuyện này, từ cái ngày cậu bước vào phòng ký túc xá tôi đã muốn nói với cậu.”

“Chuyện gì?” Chu Du hỏi.

Tôn Sách nói, “Trước kia tôi cũng từng mơ một giấc mơ.”

Chu Du ngẩn ra, Tôn Sách nhìn Chu Du, cười nói, “Khi còn bé, có một thằng nhỏ bị tôi đạp xuống nước…”

Bông tuyết lả tả, lượn quanh bờ suối, bay vào đất trời bao la. Bên rừng thông vang lên tiếng của Chu Du, “Thì sao? Không, tôi không có ý đó! Này! Thằng khỉ! Bỏ cái tay ra ngay!”



..

HOÀN.