Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 142: Lễ hỏi A Cúc




Cha thấy Nguyễn bá đến thì vui mừng ra chào, rồi vừa đi ra chuồng heo vừa hỏi thăm chuyện nhà cửa, mùa màng. Vĩnh ca cũng vừa về tới, Mai kéo tay a Vĩnh đi theo sau. Cha thấy cũng không nói gì. Lẽ ra con gái như cô là không được nghe mấy chuyện lai giống này nọ đâu. Nhưng mà từ ngày đi rừng về đến nay, cả nhà luôn “thầm lặng” chiều chuộng cô hơn. Mai cũng vui vẻ nhận sự chăm sóc này, nó có nghĩa là cô có thêm đặc quyền làm vài chuyện hơi bất thường một chút. Chẳng hạn như chuyện này, ha ha.

Nguyễn bá coi kỹ con heo cò và con heo bông định để nái, coi nó bao nhiêu vú, chân có đủ khỏe không, hông có đủ rộng không. Lúc coi xong, vào nhà trên Nguyễn bá nói:

– Giống heo bông này đẻ say lắm, lứa nào cũng gần chục con. Chỉ là thịt nó mỡ nhiều, nhẹ cân hơn heo cò. Hai con này để nái cũng được. Còn con heo cò đực này sao? Nhà đệ bán Tết này hay để lại.

– Đệ tính để qua tháng hai thì làm tiệc đãi khách trong Lễ Vu Qui của con gái lớn. Lúc đó chắc cũng hơn trăm cân, thịt vừa ngon.

– Ha ha, vậy là tiệc lớn rồi! Đúng là lúc đó thịt heo vừa ngon.

Nguyễn bá cười sảng khoái nói. Đúng là không nghĩ tới mới đây mà nhà Lê tứ đã nuôi heo lớn làm thịt đãi khách cả con rồi. Những nhà nông dân khi đãi khách dù là Lễ thành thân con cái cũng ít dám quá xa xỉ, như nhà phú hộ thì sung túc không nói. Nhà ông ngoại năm rồi cũng chỉ mua cỡ một phần con heo làm tiệc.

Lê tứ không phải là người khoe khoang, nghe Nguyễn nhị nói vậy thì hơi cười, từ tốn nói.

– Bây giờ bán thì tiếc, mà để lại đến Tết năm sau thì con heo cũng già rồi, tính tới lui mới làm vậy. Nguyễn huynh chê cười rồi.

– Ta đâu có trêu chọc, nhà đệ chí thú làm ăn, vất vả cả năm nay ai cũng thấy. Mấy nhà trong làng đều khen đệ ngày tối cực nhọc. Chúng ta còn muốn theo học đây. Mình cực nhọc đổ mồi hôi kiếm ăn thì đệ lo ngại cái gì. Ta cùng tam đệ vừa lên giồng trồng khoai đậu mấy ngày nay. Còn phải tạ ơn đệ chỉ dẫn đó.

– Đệ không dám, đúng là nơi đây là đất lành. Từ ngày vào đây nhà đệ nhờ vả Lưu huynh, Nguyễn huynh rồi mọi người trong làng nữa, kiếm đủ lúa đầy bồ, quả thật mãn nguyện.

Thấy Nguyễn nhị thật lòng, Lê tứ cũng cảm thán tâm sự. Hơn năm nay ông không dám hở tay, ngày tối trên đồng, trong xưởng. Đổi lại năm nay lúa đầy bồ, nhà cha nương ở làng chài cũng không cần mua gạo từng tháng. Qua giêng gả con gái cũng có heo có gà làm tiệc đãi khách. Ông quả thật thấy thỏa mãn, vất vả hơn cũng được.

Nói chuyện một lát thì trời đã chiều, cha mời Nguyễn bá ở lại uống mấy chén rượu. Nguyễn bá nói để ông về đưa tiền cho người nhà rồi qua.

– Vậy huynh mời Nguyễn tam huynh đến luôn. Đệ chạy đi mời Lưu huynh bên kia nữa.

– Được, tắt nắng huynh đệ ta đến.

“Gầy” xong chầu nhậu tối nay, hai người chào nhau lo mấy việc còn lại trong ngày. Lê tứ mỗi ngày sau khi dứt việc ở xưởng ghe, đều đi một vòng coi sóc chỗ ủ phân, rảo quanh giồng khoai đậu, chuồng heo gà vịt. Xong xuôi thì ông mới yên tâm tắm rửa rồi cơm nước, kết thúc một ngày làm việc.

Tối hôm đó, bốn người lớn có thêm Vinh ca, Hân ca cùng ngồi bàn tròn ngoài sân lai rai nói chuyện. Đống lửa cháy lốp bốp, lập lòe. Bình ca đem cái chạc ba và bình đất đựng vỏ trái mù u ra cho mọi người xem.

– Cái này được, để dành làm đuốc cũng tốt. Dọc sông rạch hay thấy cây này, vậy mà mình không biết trái nó đốt được. Ta tranh thủ lúc chờ khách hái về xài.

Lưu bá thấy vỏ trái mù u mới à ra nói. Đúng là khi có người nào đó làm trước rồi, mình mới “à” ra, sao nó dễ vậy mà mình không biết!

Mai rủ a Phúc theo nương qua nhà Lưu bá chơi. Lưu bá mẫu ở cử, không ra ngoài nên sanh buồn chán. Thấy nương qua thì vui vẻ tiếp chuyện.

– Thím chuẩn bị xong Lễ hỏi chưa? Còn thiếu cái gì không?

Tiếp đó là hai người bắt đầu chủ đề yêu thích nhất là chuyện Lễ hỏi sắp tới của Cúc tỷ. Mai nhìn nhóc con được quấn tả đang ngủ ngon không khỏi mỉm cười. Mọi người đều gọi nhóc là tiểu Tương. Chưa gì là bị đem ra so sánh với đại Tương huynh rồi.

Tương huynh bây giờ rất được mọi người khen ngợi. Huynh ấy buôn bán ở Chợ Sông Lớn với tam Mi tỷ, làm lái đò, rồi đi chành với nhà ngoại nữa. Hai đợt đi chành trong năm nay huynh ấy mua bán giống khoai đậu, đã có tiếng tăm lắm. Bây giờ huynh ấy bận rộn thu mua đặc sản ở vùng này mang đi bán ở Long Hồ dịp Tết. Gần cuối tháng huynh ấy sẽ dông ghe lên đó.

Mai nhìn hai bộ ván nhà trên đã chất giỏ lớn, giỏ nhỏ đủ các loại khô cá, khô mực.

Thấy Mai qua, tứ Mi dừng tay sắp xếp ngoắc cô lại gần.

– Tỷ chỉ muội cách tính tiền đi, sao muội thấy giống như tính sai.

Abbott & Mosley Cream CarraraNhững người lớn, dù không học cách tính toán bài bản nhưng cũng đếm được tiền, đương nhiên là chậm và dễ sai sót. Với lại họ chỉ tính toán đơn giản vài con số cộng, trừ. Tứ Mi cũng biết được một ít, nhưng mà để tính được hết số tiền của mấy món đồ trên hai bộ ván này thì không dễ. Mình không ghi ra, rất dễ sai.

Thành ra Mai phải dùng que tre để hướng dẫn tứ Mi tính và nhớ.

– Muội qua nhà tỷ đi, tỷ sẽ chỉ cách dùng bàn tính gỗ. Để Hân ca rảnh, tỷ sẽ nhờ ca ấy làm cho muội và tam Mi tỷ một cái.

Tứ Mi nghe vậy thì vui mừng gật đầu, nhưng mà sau có tam tỷ trong này; cũng không phải tam tỷ học. Mai hơi mỉm cười tứ Mi con nít. Nếu không nói là tam Mi tỷ cần, Hân ca sẽ sốt sắng làm nhanh sao?

Lần này Cúc tỷ gả đi rồi, Lưu bá mẫu xong thời gian ở cữ chắc sẽ nôn nóng tìm mối cho tam Mi tỷ. Không biết Hân ca tính sao đây, chưa nghe nói huynh ấy có hành động gì hết, còn chờ cơ hội sao?

– Nhị ca muội đâu?

– Nhị ca chống ghe đi giăng câu rồi.

Trăng hạ tuần mới lên, đêm nay mặt trăng vẫn còn tròn, chỉ là trăng già nên ánh sáng vàng vọt buồn tênh. Mai bước ra sân nhìn bốn phía. Gió mát thổi lồng lộng. Vũng Đông Hồ như dát vàng lấp lánh. Có mấy ngọn đèn của ghe xuồng giăng câu trên vũng. Không biết ghe nào là của Tương huynh, là chiếc ghe có ngọn đèn leo lét phía xa kia, một mình giữa mặt vũng mênh mông sao? Vài ngày nữa là Từ tiểu thơ vu quy xuất giá rồi!

Đâu có ai đem chim sáo sang sông,

Mà sao sáo vẫn sổ lồng bay xa!

Hình như văng vẳng có tiếng gió thổi qua bụi tre vi vu nghe như tiếng sáo nỉ non, nghe như tiếng ai thở dài!

Ngày mười chín tháng mười một đúng là ngày tốt. Nắng sớm nhẹ nhàng, gió nhẹ thổi lay mấy tàu lá dừa hai bên bờ rạch. Đàng trai rộn ràng, quần áo đủ màu theo còn đường nhỏ tiến về nhà Mai.

Lúc sáng sớm, đám rước dâu trong làng đã đốt phong pháo lúc lên ghe. Tiếng pháo nổ làm nhà nhà đều vui vẻ hân hoan. Giờ lại thêm từng đoàn người chia nhau về các nhà có đám. Con nít chạy theo nhìn ngó, rồi ù chạy về nhà mình báo tin. Nước trên ruộng đã rút, dấu chân chim cò chen nhau trên đất, đoàn người La gia làm một đám cò trắng trên ruộng giựt mình ngóng cổ kêu ran, rồi rủ nhau vút lên trời cao.

Nhà nội Mai đã vào từ sáng hôm qua, bàn tiệc đãi khách đã sẵn sàng, cau trầu, rượu đã tề chỉnh. Mai chạy vào phòng a Cúc nói:

– Tới rồi, tới rồi.

Cô cũng không nhìn phản ứng của a Cúc mà vội ra ngoài nghe ngũ cô dặn dò gì đó. Ai nấy đều có vẻ bận rộn, ngó nghiêng.

Ông cố của cô, tức là cha của ông nội là người từ miệt trong lánh ra làng chài mấy chục năm trước. Ông cố chỉ có ông nội đi theo nên ông nội là trưởng họ của mình luôn rồi. La gia cũng tương tự vậy, bà nội La là lớn nhất trong họ, thành ra người đại diện La gia mời là trưởng làng Bình San họ Trần thay mặt đàng trai. Dương ông trưởng làng thì bận dự Lễ thành thân nhà trong làng, thành ra Lễ hỏi a Cúc cũng không nhiều người ngoài. Có Lưu bá, Lưu tam bá, Nguyễn bá đến dự.

Đàng trai cũng chỉ hơn mười người. Ngoài sáu thiếu niên bưng quả, mấy người La gia thì còn vài vị trung niên, chắc là hàng xóm hoặc nhóm thợ săn bằng hữu của La bá.

Không khí như vậy lại rất thân thiết, vui vẻ.

Lần đi rừng gặp không ít nguy hiểm, cha không khỏi áy náy với La gia chuyện mình đưa La Hùng vào nguy hiểm. Cha càng hài lòng và coi trọng tư cách Hùng huynh. Nên lần đi cùng cậu đến La gia cha đã tạ ơn rồi sau đó xin cho hai trẻ được thành thân sớm. Đây cũng coi là một cách đáp tạ ơn nghĩa. La Hùng đương nhiên là hớn hở. La gia cũng mong mau sớm có dâu có cháu, thế là mọi việc cứ thế mà nhờ Đỗ bà mai thu xếp.

Tuy là thời gian gấp gáp, Lễ La gia mang đến không qua loa mà rất chu đáo. Các mâm lễ trầu cau, rượu, bánh và hoa quả đều đủ. Phần quà cưới cho cô dâu là đôi bông tai bạc có đính đá màu đỏ nhỏ, là gia truyền của nương Hùng huynh để lại.

Xong phần lễ hai họ thì bàn chuyện lễ thành thân sắp tới. Bà nội cũng nói của hồi môn nhà gái cho cô dâu mang theo gồm 6 bộ quần áo mới và hai mươi quan tiền. Chuyện của hồi môn cho Cúc tỷ cũng không cần bàn bạc nhiều. Lúc trước La gia đã xin tặng lễ hai mươi quan, nhà mình cũng giống như vậy là được.