Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 30: Nhà ngoại phương xa




Ba mẹ con đang ngồi hong tóc bên cửa sổ thì trước nhà có tiếng ai đang gọi. Nhà Mai hình như chưa có khách đến. A Phúc đang ngồi chơi xếp hình trên sạp tre chạy ra trước. Lát sau nghe nhóc gọi lớn:

– Nương ơi, có nhị cửu tìm nương

Nhị cửu là ai a? Nhìn a Phúc gương mặt mờ mịt như Mai. Hắn cũng không biết nhị cửu là ai, chỉ nghe người đó xưng là nhị cửu rồi hỏi nương có ở nhà không.

Nương nghe thoáng giật mình, vội búi tóc rồi bước lên nhà trên.

– Ca, ca, sao ca đến đây được?

Mai và Cúc tỷ chạy lên thấy có ba người đứng ngoài cửa. Người đàn ông trung niên dáng dong dỏng cao, da trắng, gương mặt thon dài đang nhìn nương chăm chú. Giọng nói vừa nghiêm túc vừa đùa, đôi mắt đen sáng nhấp nháy niềm vui.

– Không mời ca vào nhà sao? Lâu quá không gặp quên nhị ca ta rồi?

Nương nghẹn ngào chưa hết xúc động, không nói lời nào.

– Chàng sao, tìm nhà cô ba hơi lâu, nếu không chiều hôm qua đã tới rồi.

Người đàn bà đi phía sau cười nói với nương, dáng bà thấp, gương mặt tròn, da cũng trắng sáng. Ngườu thứ ba là thiếu niên cỡ tuổi Vinh ca, khăn quấn đầu xanh nhạt rất sáng sủa; vai đeo túi vải lớn.

Một lúc sau khi mọi người ổn định thì câu chuyện cũng rõ hơn. Phiên chợ ngày nương gặp dì Lan xong mấy hôm sau dì Lan về thăm nhà mẹ đẻ dịp Tết Đoan Ngọ. Dì ấy đến nhà ngoại kể chuyện nhà Mai ra ở riêng ở Đông Hồ. Ông bà ngoại và nhị cửu lo lắng nhưng đang mùa sạ lúa, đành gác lại. Khi sạ lúa xong thì cậu mợ cùng Sinh ca hỏi thăm đường đến đây.

À, hôm đó gương mặt nương dàu dàu mấy ngày chắc là gặp dì Lan người cùng làng, nói chuyện ở nhà ngoại nên nương xúc động.

Mai không nhớ rõ người nhà ngoại, chỉ nghe kể là cậu hai rất thương cô, một phần là cậu hai không có con gái, một phần Mai rất giống cậu, đôi mắt hạnh, mũi thon, trán cao, dù gương mặt cô tròn trịa hơn nhưng từ các nét và thần thái rất giống. Cậu hai có bốn con trai, Sinh ca là lớn nhất, nghe nói đã đính hôn, sắp thành hôn rồi.

Từ lúc vào nhà, cậu hai đã kêu cô đến ngồi gần bên cậu, vừa nói chuyện vừa vuốt đầu tóc buộc vội lúc nãy. Cha và mấy ca ca đi theo a Phúc vào nhà chào hỏi cậu mợ.

– Cha nương đều khoẻ, ruộng cũng sạ lúa xong rồi. Trong đó mưa sớm hơn ở đây mấy ngày.

Mợ lấy trong túi vải hai xấp vải xanh, một xấp vải đen; còn có mấy gói bánh, mứt.

– Nương còn dặn mua ít thịt, gạo mang đến mà ta sợ tìm nhà cô dượng lâu, thịt hư. Gần đây có chợ không? Ra đó mua về cho mấy đứa nhỏ ăn.

Nương ôm ba xấp vải nghẹn ngào. Mợ hai nói tiếp:

– Hơn hai năm cô không về, dịp lễ tết nương không nói gì nhưng hay thở dài. Cô út thì hai ba tháng đến thăm một lần, nương cũng được an ủi.

Dì Út nhỏ tuổi hơn nương nhiều, mới lấy chồng hai năm trước. Dượng Út là người Tàu, làm nghề buôn bán khắp nơi miệt trong, miệt ngoài. Mai lẽ ra có thêm cậu tư em nương nhưng đã mất năm mười tuổi

Cha đã đóng xong bàn tre đặt nhà trên để dành tiếp khách, cha định dọn cơm trưa mời cậu ở bàn này nhưng cậu không chịu, nói:

– Người trong nhà không cần khách sáo, ngồi ăn chung đi. Ta ngồi ăn chung a Mai nhà ta.

A Phúc bĩu môi phụng phịu chạy đến gần Mai, cậu hai nhìn nhóc rồi cười nói:

– Còn a Phúc nhà ta nữa,

A Phúc lúc này mặt mày hớn hở, trời nhóc này ganh tỵ. Cả nhà cười trêu ghẹo nhóc. Ở nhà nội a Phúc được cưng nhất, nhưng mà ở nhà ngoại thì tình hình lại khác. Bà ngoại thương Cúc tỷ, còn cậu thương Mai làm hắn hơi ganh tỵ.

Bữa cơm trưa hôm nay có gỏi ngó sen tôm, cá sặc chiên giòn, cá lóc nấu canh khoai mỡ, cá rô kho tộ. Cậu mợ thấy món khoai mỡ, cá chiên dầu đều hỏi, còn hỏi vụ nương bán đường thốt nốt. Bà ngoại nghe nói nhà Mai tự làm đường cũng lo sợ, nên mới hối thúc cậu đến đây xem thế nào.

Nhà cậu nghe kể xong thì cũng đỡ lo.

– Dầu này ăn cũng được, muội bán thử xem, Nếu được thì bớt lấy nước thốt nốt, mùa mưa gió lớn cũng nguy hiểm, phải cẩn thận mới được.

– Ta biết, ca yên tâm.

Cha trả lời rồi kêu Bình ca ăn xong vào trong làng mua bình rượu gạo chiều nay mời cậu hai uống.

– Sáng mai đi chợ sớm rồi, ta không uống đâu, lỡ việc của ngươi.

– Mai ca ở nhà, ta mượn ghe ca chở nương a Cúc đi là được.

– Vậy cũng được, ta coi ruộng cho.

Nhà ngoại làm nông từ mấy chục năm nay, kinh nghiệm truyền mấy đời nên cậu nói chuyện làm ruộng rất rự tin.

Từ nhà Mai sẽ đi đò lên chợ như lần trước, giờ có ghe của cậu thì tốt hơn rồi, đỡ mấy đoạn đi bộ, chờ đò nên đường ngắn hơn. Lần này Mai nhờ phuu1c cậu rồ, không phải dậy sớm đi bộ như An ca hôm trước.

Hôm nay không ai ngủ trưa mà nghe cậu mợ nói chuyện nhà ngoại, chuyện trong phố. Nương và mợ hai nhỏ giọng nói ít chuyện nhà, thỉnh thoảng cũng nghe cậu nói mấy chuyện bên ngoài.

Nhà ngoại cách Trấn Giang (1) không xa, đi ghe gần một canh giờ là tới. Trấn Giang là nơi mua bán sầm uất nhất miệt trong. Mấy năm nay không còn loạn lạc, người đến người đi đông đúc. Cậu nói năm rồi có mấy nhà phú hộ ở Trấn Biên xuống xây nhà lớn mười mấy gian, bán vải vóc tơ lụa, nhà có xe ngựa rất to.

Còn có binh biến ở Cù Lao Phố (2) đã yên, người bại người thắng đều yên tĩnh, lui về ẩn dật nên dân đen như họ cũng yên ổn làm ăn.

Lần nữa nghe chuyện ở Trấn Biên làm Mai thêm chú ý, biết đâu có tin từ Gia Định. Mai muốn nghe kể về chuyện Gia Định Sài Gòn để thỏa nỗi nhớ trong lòng.

– Nghe dượng năm nói trên đó mấy năm này sẽ mua lúa gạo nhiều, giá gạo sẽ lên. Nhà dượng mua một ít cất giữ, cũng may giờ dượng có ruộng đỡ lo hơn rồi.

Cậu hai nói tiếp tình hình, còn nhắc cha chú ý giá gạo. Nương cất tiếng hỏi:

– Dượng năm chuyển sang bán gạo sao?

– Không, vẫn bán mấy món gia vị, trang sức. Nhưng người nhà bá bá của dượng ấy đi chành Trấn Biên. Một năm đi ba bốn chuyến, tin tức linh thông hơn chúng ta.

______________________________________________________________

(1): Trấn Giang là tên gọi trước đây của vùng Cần Thơ

(2): Cù Lao Phố là tên gọi trước đây của cù lao gần Biên Hòa