Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 31: Nhà sư và rắn hổ




Đang nói chuyện thì Bình ca cầm bình rượu đi nhanh vào.

– Cha, ở hào sen có người bị rắn cắn, là rắn hổ.

– Hả, có sao không? Người nhà ai?

– Con không biết, đang tìm trưởng làng cứu.

– Ta qua đó xem có giúp được gì không.

Cha nói xong mang giày đi nhanh về phía hào sen. Sáng nay a An, a Vĩnh đã đến đó hái ngó sen và đài sen, cũng may là không sao. Nghe rắn hổ, mấy đứa nhỏ vừa sợ hãi vừa muốn đến xem. Thấy người lớn trong nhà đi, tụi nhỏ đánh bạo đi theo, ra đường thấy phía nhà Lưu bá cũng đi ra.

Chỗ hào sen đã có một nhóm người ở đó vây quanh một cậu bé cỡ tuổi a An nằm trên đất dựa vào gốc cây, mắt nhắm chặt, thân thể hơi run rẩy chắc do sợ. Bên cạnh cậu có hai vị sư mặc cà sa nâu. Vị sư lớn tuổi hơn đang cúi người trên vết cắn trên đầu gối. Ống quần bị cắt rách, phía trên vết cắn có khăn vải buột lại.

– Ta nặn độc ra, sẽ hơi đau, tiểu thí chủ cố gắng chịu đựng

Vị sư nói chưa hết câu đã dùng mũi dao rạch lên vết cắn, dùng tay nặn máu xung quanh ra.

– Đừng cử động, thả lỏng chân, sẽ không sao đâu.

Cậu bé vẫn run rẩy, mở miệng muốn nói không ra lời, quơ quơ tay. Người đàn ông bên cạnh bắt lấy tay cậu, an ủi.

– Không sao, Tùng nhi đừng sợ. Sư ông sẽ nặn độc ra, đừng sợ.

An ủi cậu nhưng gương mặt ông cũng lo lắng, chân tay dính đầy bùn. Máu đen ở vết thương được nặn từng chút một, khi máu trở lại màu đỏ thì sư ông ngừng. Vị sư trẻ hơn mới đưa bã lá cây do ông lấy cán dao nghiền nhỏ đắp vào vết cắn, nước nghiền đưa cho người đàn ông.

– Cho tiểu thí chủ uống.

– Rắn này rất độc, thí chủ làm cán khiêng vào trong tịnh xá tạm trước. Khi lang y đến khám, bốc thuốc rồi về nhà.

– Dạ, dạ. Tạ ơn sư ông.

Mọi người nghe sư ông nói thì tản ra cùng nhau chặt cây làm cán. A Vĩnh kéo tay Mai chỉ mô đất phía cuối ao sen.

– Thấy không? Con rắn đó.

Ôi trời!

Mai hít sâu run run, con rắn to, khoanh đen khoanh trắng, bị đập dập xương sống nằm vặn vẹo trên đất, cái đầu vẫn còn bị cục đá đập lên, chắc sau khi bị đánh gãy xương sống thì bị đập đầu. Mấy đứa nhỏ lấm lét nhìn con rắn, lúc nó mổ Tùng ca chắc dễ sợ lắm.

Khuất sau lùm cây lớn là gò đất cao, là tịnh xá của sư ông. Tịnh xá là gian nhà tường gạch cũ kỹ. (đọc chương mới nhất tại dienvan.space) Mấy cây cột gỗ rất to, đen bóng loáng. Sư ông đi trước dẫn người khiêng cán vào sân sau có hai gian nhà, gian ngoài là phòng khách nhỏ có cái sạp tre mới, còn thơm mùi tre tươi.

– Hôm qua sự đệ ta ở Lũng Kỳ đến tá túc mấy ngày.

Sư ông giới thiệu vị sư trẻ tuổi hơn người Chân Lạp. Vị sư trẻ hơn nghe sư ông nói thì chắp tay hướng mọi người nói A Di Đà Phật.

– Đặt tiểu thí chủ xuống đây.

Thấy sư ông sắp xếp ổn rồi nên mọi người chào ra về. Trên đường về nương kéo tay Mai dặn:

– Sau này không được ra hào sen nữa,

– Cũng may có Nguyễn huynh đi cùng, nếu một mình a Tùng đi sẽ không kịp cứu.

Mai nghĩ sư ông biết y thuật, xử lý vết thương rất tốt.

– Cha, thuốc đắp vết cắn là cây gì vậy? Gần đây có không?

A Vĩnh hỏi cha.

– Ta nhìn trong sân sau tịnh xá có mấy cây cỏ nghể, chắc là dùng nó, còn phải uống thêm hai ngày nữa mới mong khỏi.

Cậu hai nghe Vĩnh ca hỏi thì xoay sang trả lời. “Cậu cũng có kinh nghiệm trị rắn cắn, chút về nhà hỏi kỹ mới được” Mai nghĩ bụng.

Chuyện a Tùng và con rắn hổ làm mấy đứa nhỏ quấn theo cậu hai đòi nghe kể chuyện.

– Con rắn đó là rắn hổ đất, nó sống trong hang ở mấy gò đất cao, thích nhất ăn chuột đồng. Bị nó cắn trong mấy canh giờ là không thở được, nói mê. Có người trị được nhưng cũng bị liệt một bên mặt, miệng méo rất khó coi.

Nghe cậu nói mấy đứa nhỏ đều sợ. Cậu nói tiếp:

– Nó cũng sợ người mình lắm, đừng lại gần nó quá. Nhớ là không lấy đòn gánh dẹp đánh nó, nó sẽ luồn theo mổ mình; phải dùng cây tròn quất ngay cổ xương sống nó.

Cậu kể thêm chuyện nghe được ở miệt trong khi nước nổi. Có năm nước dâng cao gần đến nóc nhà, nhà nào không có ghe phải trèo lên nóc tránh. Rắn cũng trốn lên đó tìm chỗ tránh, người và rắn ở chung mấy ngày đêm.

Cậu nói người Chân Lạp biết cách dạy rắn, có nơi người ta nuôi rắn trong nhà, cung cấp chuột ếch cho chúng ăn. Họ tin tưởng rắn mang đến may mắn, sự sống và là thần bảo vệ cho họ.

Mai nhìn gương mặt thon dài của cậu, tóc búi cao lộ ra vầng trán cao, cậu kiên nhẫn kể chuyện cho mấy đứa nhỏ, giọng trầm trầm chậm rãi, đôi khi dùng tay minh hoạ con rắn chọt nách a Phúc làm hắn ré lên.

– Chàng kể nữa tối nay mấy đứa ngủ mớ cho coi.

Mợ cùng nương canh bếp dầu chen vào nhắc, gương mặt bà tròn rất phúc hậu, hiền hòa. Mai để ý cậu mợ rất hài hòa, mợ luôn để ý chăm sóc cho cậu.

Chờ mát trời cậu và Sinh ca theo cha ra ruộng. Lúa đã lên xanh mướt, dập dờn theo ngọn gió, như mang theo niềm vui của người nông dân. Cậu nói cha nghe mấy chuyện cần chú ý.

– Để ý đuổi chim chuột, phát hết cỏ gần bờ.

Lưu bá mẫu ôm ngũ Mi sang chơi, trò chuyện một chút rồi về, mợ gói mấy cái bánh, mứt để ngũ Mi cầm về. Có loại bánh bột gạo giống như bánh in ở hiện đại, ngọt ngọt làm mấy đứa con nít rất thích.

Hôm trước nhà Mai cũng chỉ cách làm dầu dừa và dặn bá mẫu không nói ra ngoài, chỉ nói là dầu thực vật. Thực vật là từ mới Mai nói với người nhà, ý chỉ là cây xanh có thể ăn được, nghe từ mới cả nhà cũng thấy lạ nên nói theo.