Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 35: Có tiền vốn rồi!




Tam Mi tỷ ôm rổ tre băng ruộng qua đây đưa cho nương.

– Ông nội cháu gửi vô mấy con mực, cá. Nương kêu mang cho thím, xào mực tươi ăn.

– Được, nói thím cám ơn nương, sáng mai nhà thím đổ bánh xèo, nương cháu qua phụ một tay. Cha cháu thì để Lê thúc cháu mời.

– Dạ, cảm ơn thím, con về nấu cơm chiều.

– Con về đi.

Trong rổ là hai con mực lớn cỡ hai bàn tay mới bắt được tối qua, nan còn chưa lấy ra, thân mực dày gần bằng lóng tay, con mực này làm món gì cũng ngon.

Bên kia rừng trời dần tối, mây đen kéo đến, mong trời mưa nhỏ, lâm râm thôi nếu không mấy cây lúa vừa dặm sẽ trôi gốc hết, mất công làm cả buổi chiều.

Mai vừa nghĩ bụng vừa chạy, cái gì gọi là bị mưa đuổi chứ! Mưa từ phía rừng ào đến, a Phúc vừa chạy vừa cười hắc hắc khoái chí. Mấy con chim, cò cũng cất cánh bay vút đi. Mấy hôm mưa chiều chưa kịp lấy nước thốt nốt là cha cằn nhằn ông trời. Trời tối nương không cho cha đi leo cây thốt nốt, lỡ trượt chân nguy hiểm.

Bên ngoài trời mưa lạnh lẽo, trong nhà bếp lửa reo tí tách, không nấu đường thì nấu dầu dừa, tuy là sáng nay bán không hết nhưng món ăn lạ cần để người ta ăn thử từ từ mới có nhiều người mua. Cậu nói làm nhiều nhiều cậu mang về ngoại bán giúp, bán được sẽ nhắn người vào lấy thêm. Đường cũng vậy, mấy ngày này làm bao nhiêu cậu sẽ mang đi bấy nhiêu.

Sáng hôm sau, cha qua nhà Lưu bá mời cả nhà qua ăn trưa là bánh xèo nhưng tôm thịt. Bột gạo, đậu xanh ngâm qua đêm đã mềm, bột gạo giã nhuyễn lọc qua vải thêm ít bột nghệ, muối, đường làm vỏ bánh; nhưng bánh là đậu xanh hạt đã nấu chín, thịt cắt lát mỏng, tôm; ăn với rau rừng và mấy ngọn cóc non chua chua.

– Hôm trước nhà ngoại a Tương qua hỏi nhà ta có muốn đi chành Long Hồ không, haiz,… để chàng đi thì trong nhà không có nam nhân, để a Tương đi thì vất vả quá.

Nhà ngoại Tương huynh phía trong làng, đi chợ ngang qua Vĩnh ca có chỉ Mai thấy. Chính vì vậy khi Lưu bá ra ở riêng thì chuyển vào đây có người giúp đỡ. Nhà ngoại Tương huynh có ghe lớn hay vận chuyển lương thực đi các nơi bán, có khi là chở thuê nên cần người khoẻ mạnh theo khuân vác, chèo ghe. Nghe nói mỗi chuyến đi cũng kiếm được nhiều tiền. Tương huynh mười bảy tuổi, khoẻ mạnh nhanh nhẹn, làm việc gọn gàng.

– Mấy đứa nhỏ sắp lớn, cần tiền cưới vợ, gả con, mua sắm trong nhà. A Sinh đám hỏi rồi?

Lưu bá mẫu than thở xong quay qua hỏi mợ hai.

– Phải, ra giêng là coi ngày làm lễ cưới.

– Ta hỏi không phải chứ, hao tốn nhiều không tẩu?

– Nhà gái là chỗ thâm giao với ông nội a Sinh, đã hứa hôn từ nhỏ nên không đòi sính lễ, làm theo lễ là được. (đọc chương mới tại dienvan.space)

– Vậy mới phải lẽ, nương ta nói con gái phú hộ làng trong đòi sính lễ rất trọng, xung quanh đây làm gì có nhà nào ứng được. Nghe nói là nhờ người mai mối ở Trấn Giang hay Trấn Biên lận.

Nghe Lưu bá mẫu nói Mai cũng hứng thú muốn hóng tiếp, mợ hai ở gần Trấn Giang nghe được nhiều chuyện mới lạ, bá mẫu thì nghe chuyện từ nhà mẹ đẻ nên có nhiều tin tức lý thú. Nào là cô nương nhà nông nào đó gả vào nhà chợ bị nhà chồng chê không biết nấu nướng đuổi về; nhà trai kia cưới cô chị nhưng kiệu hoa lại là cô em.

Bàn đàn ông nhà trên hôm nay có An ca, Vĩnh ca và A Phúc nữa, nhưng chỉ có ba người lớn và Sinh ca được uống rượu. Bàn nhà dưới dọn ở sạp tre, các món ăn đã bày ra, bánh xèo là món chính, còn có tôm chiên, cá chiên, canh xương nấu măng tươi. Măng này là nhà bá mẫu mang qua, bụi tre sau nhà bên đó măng đã nhú. Hôm trước Vĩnh ca ra xem mấy bụi tre trên đất mới nhú, chưa ăn được. Nương vẫn nấu nồi cơm, cha và cậu hai luôn ăn cơm dằn bụng mỗi bữa, Lưu bá cũng vậy.

Bánh xèo lớn hơn cái đĩa, vàng rợm, ngũ Mi đang ăn rìa bánh giòn được tam Mi lấy vào chén. Tay kia của bé là con tôm đất lột vỏ đỏ tươi, miệng bóng loáng dầu mỡ. Ba người lớn khách sáo mời qua lại rồi cùng động đũa. Đông người ăn, câu chuyện vui vẻ làm bữa ăn kéo dài hơn, qua giờ ngọ mới xong. Bàn trên cậu hai chỉ uống ba bốn chung rượu rồi ngưng.

– Sáng mai ta về nhà sớm, không uống được nữa.

– Nguyễn huynh không ở thêm mấy ngày sao?

– Đi về cũng gần mười ngày rồi, ở nhà cha nương chắc trông lắm. Biết ở đây rồi lúc khác ta lại đến thăm. Đệ nếu đi chành Trấn Giang hỏi thăm làng Nam Ai nhà ta.

– Được, có dịp đệ sẽ đến.

Lưu bá và cha uống thêm hai chung cũng thôi. Nhà nông không biết lúc nào nhàn, luôn có việc trên ruộng, trên vườn. Nhà Mai tranh thủ hôm nay nấu đường, nấu dầu cho cậu mang theo nên ăn trưa, dọn dẹp xong cũng bắt đầu làm việc. Sinh ca chèo một vòng ra mấy cồn nhỏ vũng Đông Hồ và dọc theo con rạch lớn hái hết dừa khô xuống, mang lên nhà rồi dọn rửa ghe, sẵn sàng khuya mai đi về.

Mai nói cha cách đóng thùng tre chứa ống tre dầu giống như mấy thùng nước ngọt hiện đại, có từng ngăn không sợ chúng nghiêng đổ. Cậu hai nhìn cái thùng ha ha cười xoa đầu Mai, từ trong ngực áo lấy ra túi nhỏ kêu leng keng.

– Cái này là tiền lì xì hai năm, nay gom lại đó.

Mỗi đứa từ Cúc tỷ tới a Phúc đều được 10 văn, mấy đứa vui mừng nhưng chưa dám nhận mà nhìn cha nương.

– Nhìn cái gì, trong nhà này cậu là lớn nhất đó,

– Cậu hai cho thì nhận đi, còn không cám ơn,

Nương cười nhắc.

– Cảm ơn cậu.

Cậu cười ha ha rồi đưa Mai cái túi:

– A Mai lấy cái túi này cất tiền đi.

Mai nhận cái túi phát hiện trong đó còn tiền, cậu hai nháy nháy mắt nhìn cô, Mai hiểu ra cười hớn hở, màn này không thoát khỏi mắt mọi người.

– Nương, tiền này của con phải không?

Mai nhấn mạnh tiếng ‘của con’, cô cần có tiền riêng, ở hiện đại đứa trẻ nào cũng có ống heo cất tiền lì xì, tiền người lớn cho coi như là tiền riêng muốn mua gì thì mua. Từ hôm đến đây, Mai biết nhà nghèo không có tiền, cha nương lúc ở nhà nội cũng không có tiền, ở riêng mới được giữ tiền.

– Là tiền của con, thiệt là.

Mấy đứa nhỏ nghe thế đều vui vẻ, tuổi nhỏ như a Phúc cũng hiểu, cười hớn hở tìm túi đựng tiền.

– A Mai, để ta đếm lại tiền của muội xem phải mười văn không? Sợ cậu hai nhầm,

Vĩnh ca vọt nhanh lại gần Mai, như thật sự muốn đếm, cả nhà cười vang.

– Chàng thiệt là,

Mợ hai lắc đầu cười. Cậu chỉ ha ha ôm Mai đang trốn sau lưng.

– Sau này ta chỉ nhờ a Mai hiếu thảo thôi, bốn đứa con trai cũng không cần đâu.

Cậu hai không ngờ là số tiền này làm vốn cho mấy chị em Mai sinh lời, đương nhiên sau này mấy chị em hiếu thảo chăm sóc cậu chu đáo, xa gần đều biết, làm cậu luôn miệng nói cậu có phúc nhất!