Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 49: Đánh liều ra tay tương trợ




A Vĩnh nghe gọi chạy ra, hắn thấy phía trong làng có nhóm người đứng ở nhà Dương ông. A Vĩnh không đợi nhắc, chạy ù về hướng đó. Mai đang đứng trong sân phân vân không biết nên theo a Vĩnh hay không thì thấy Tương huynh chống xuồng đến.

– Nương, có người bị sấu cắn, mang đến cho lang y trị thương.

– Tương huynh nói với bá mẫu, mọi người đều giật mình hoảng sợ.

– Sấu ở đâu? Gần đây sao?

– Không, ở Giá Khê. Họ không tìm được lang y nên đến đây. Con gặp xuồng họ trên đường về.

– Bị thương sao?

– Con không rõ lắm, họ rất vội nên không nói nhiều.

Đám đông trong làng càng đông hơn, nhiều người nghe tin chạy đến.

– Chết rồi, không phải Đỗ lang y đã đi Lũng Kỳ rồi sao? Đã về chưa?

Bá mẫu giật mình la lên, chắc là lang y chưa về nên mọi người vẫn đứng trong nhà Dương ông. Mai chưa kịp nghĩ xong đã vội chạy đi, đến đó xem sao, mạng người quan trọng. Nương và bá mẫu cũng đi theo.

Gần một khắc thì đến, trong sân nhóm người đứng thành vòng tròn, có tiếng thì thầm nói chuyện và tiếng thở dài của vài người. Mai không dám chen vô mà đưa tay kéo áo Vĩnh ca, hắn quay lại thấy Mai thì lui ra ngoài.

– Thúc ấy bị sấu cắn mất chân, máu chảy nhiều đã ngất rồi, con trai thúc ấy cũng bị thương ở tay. Nghe nói là con sấu này lần trước ăn mất vợ và con gái, chiều qua xém chút cắn nhà bá kia.

A Vĩnh chỉ người đàn ông đang đứng gần Dương ông.

– Đỗ lang y đi rồi, mai mốt mới về, gần đây lại không biết lang y khác. Nếu sư ông còn ở đây thì tốt quá, ít ra còn cầm máu trị thương.

– Ca biết làm không?

Mai đột ngột hỏi làm a Vĩnh ngớ ra rồi lắp bắp:

– Ca mới biết cỏ nào cầm máu thôi, chưa trị thương bao giờ.

Không có thời gian nữa, chiều hôm qua đến giờ đã chảy hết máu rồi! Mọi người xung quanh đang bàn tính xem làm sao, mà dùng dằng hoài sao được?

Mai kéo tay Vĩnh ca đi lại gần cha nói:

– Cha, đưa thúc ấy về nhà mình đi, Vĩnh ca có học thuốc. Cần cầm máu trị thương trước chờ lang y về.

Tuy là nói với cha nhưng giọng Mai không nhỏ. Cô cố tình để người đi chung bệnh nhân nghe.

– Ca cháu biết trị thương sao?

Đúng như Mai đoán, vị bá bá này như người sắp chết đuối bắt được phao, vội hỏi cô.

– Ca ca cháu mới học một ít từ sư ông, biết cầm máu rịt vết thương.

– Vậy tốt quá, nhà cháu ở đâu? Mong cháu hết lòng cứu, ta mang ơn cháu.

Bá ấy nói chưa xong đã nhanh chóng khiêng cán lên, cha Mai kéo áo a Vĩnh hỏi:

– Con biết làm không, chuyện này hệ trọng.

A Vĩnh liếc Mai, thấy cô ra dấu thì gật đầu, quay sang nói với vị bá bá:

– Cháu không phải lang y, chỉ có thể rửa vết thương, cầm máu để chờ Đỗ lang y về.

– Ta hiểu ý cháu.

Vị bá bá nghe Vĩnh ca nói hơi khựng lại. Ông quay sang nhìn người đàn ông mê man trên cán và đứa bé trai ngồi kế bên một lát rồi gật đầu quyết định. Ông đâu còn lựa chọn nào chứ, biết đi đâu tìm lang y bây giờ.

Nhóm người đứng xung quanh lên tiếng ồn ào,

– Con trai nhà Lê tứ biết y thuật sao? Còn nhỏ thế mà?

– Ông không nghe nói sao, mới học thôi, dù sao cũng biết cầm máu, giỏi hơn chúng ta rồi.

– Đành vậy thôi, không rửa vết thương sớm, đợi lúc lang y về thì muộn quá.

Ai nói thì nói, ai phụ khiêng cán, neo ghe thì phụ, từ từ đặt cán lên ghe. Đứa bé trai vẫn yên lặng đi theo cái cán, cùng lên ghe.

– Ta chèo dẫn huynh đi, vị này theo con trai ta đi.

Cha nói với hai người đàn ông đi theo bệnh nhân, họ gật đầu. Mọi người có việc tản ra đi làm. Chỉ có Dương ông đi theo về nhà Mai. Đi qua hào sen gặp Nguyễn bá từ nhà đi ra.

– Dương thúc, có chuyện gì vậy? Cháu ở trong ruộng thấy mọi người tụ tập ở nhà thúc.

Dương ông kể sơ lại chuyện xảy ra:

– Vết thương rất nặng, không có lang y nên đưa về nhà Lê tứ. Con trai hắn có theo sư ông học ít bài thuốc, cầm máu đến mai chờ Đỗ Phương về.

Đỗ Phương chắc là tên của Đỗ lang y. Nguyễn bá nghe xong nhìn a Vĩnh làm hắn hơi e ngại cúi đầu. Đúng như cha nói, Nguyễn bá đúng là người mực thước, không nhiều lời bàn luận, chỉ nhanh chân bước cùng mọi người.

Mai về nhà thì cha còn chưa về tới, cô kéo a Vĩnh vào bếp dặn:

– Ca hái lá cầm máu, nhiều một chút, làm như sư ông chỉ là được.

– Tỷ nấu một nồi nước lớn, khăn sạch nữa.

Cô quay sang nói a Cúc đang giữ bếp. Nương mời Dương ông và Nguyễn bá vào nhà ngồi, xuống bếp nghe Mai nói thì hỏi:

– A Vĩnh đâu? Hai đứa làm được không?

– Được, nương đừng lo, ca ra vườn hái thuốc cầm máu rồi. Mình còn rượu không nương?

– Còn, cần gì nữa?

Mai nghĩ tạm thời những cái đó, còn lại xem vết thương như thế nào, cô đi ra sân trước thi thấy cha đã về. Mấy người lớn cùng nhau đưa cán lên bờ, khiêng vào bộ ván nhà trên. Người đàn ông nằm yên, không một tiếng rên, gương mặt tái mét. Ông ta đã kiệt sức và hôn mê rồi.

Mọi người đều khẩn trương, có người đi ra đi vào, lầm bầm gì đó. A Vĩnh mang cối chày gỗ nhỏ và rổ tre có mấy cây cỏ được rửa sạch, còn nguyên rễ.

– Ca giã thuốc đi,

Mai nhờ cha nâng chân bị thương của ông ấy lên, kê gối tre thấp vào. Cô nhanh nhẹn dùng kéo cắt ống quần rách qua khỏi vết thương.

Hizzzz,

Mọi người đều hít vào khi thấy vết thương, da thịt máu lẫn lộn. Khớp xương đầu gối bị bẻ đôi, giống như bị tháo khớp, cũng mai xương đùi không bị nát. Quan trọng nhất là cầm máu, tránh nhiễm trùng, hoại tử gây sốt. Mai nhanh chóng dùng nước ấm lau rửa cẩn thận vết thương. Cô nhờ cha cho thúc ấy uống nước thuốc cầm máu trước. Rồi dùng vải nhét vào giữa hai hàm răng thúc ấy.

Người đàn ông vẫn mê man không rên một tiếng làm cô rất lo ngại. Ngọn đèn được đốt lên, Mai hơ lửa mũi dao nhọn rồi từng chút rạch các vết thương cho máu bầm và thịt nát rơi ra. Mai tập trung hết mức vào vết thương không để ý xung quanh.

Xong rồi, giờ cần khâu lại để vết thương liền lại, phủ qua một phần sụn đầu gối còn lại. Cũng may là lúc cô dùng kim to hơ lửa, sợi vải ngâm rượu may lại thì ông ấy đau đớn rên rỉ. Phản ứng của thúc ấy làm cô an tâm hơn.

Mọi người im lặng nhìn cô từng mũi từng mũi khâu lại. Máu vẫn thấm ra ngoài theo vết thương đang được khép miệng. Mai cắn chặt răng, tự nhủ trong lòng ‘bình tĩnh, không được run’. A Vĩnh cũng rất chăm chú, hắn giúp Mai đắp thuốc cầm máu lên vết thương run run, mồ hôi rịn ra dưới chân tóc.

– Nương hầm gà hạt sen tẩm bổ cho bá ấy, cần thêm rượu, mấy trái dừa.

Trán Mai lấm tấm mồ hôi, chiều tháng bảy hơi oi bức. Mai dặn người đàn ông đi theo lau mình, thay quần áo sạch sẽ cho bệnh nhân lớn. Rồi cô quay lại nhìn đứa bé trai vẫn còn ngồi ở góc bộ ván. Vết thương trên tay trái hắn cần được xử lý.

Mai để Vĩnh ca làm, trước khi khâu cô đưa cho đứa bé khăn tay xếp lại, bảo hắn ngậm. Nó lắc đầu nhưng cô vẫn kiên quyết nhét vào miệng nó, ‘đùa sao, lỡ cắn đứt lưỡi lại đổ thừa cô’. Từng mũi khâu làm đứa bé run run cắn chặt hàm răng vào khăn, mồ hôi túa ra, mặt tái dần. Vĩnh ca cũng không khá hơn, lúc nãy thấy Mai làm hắn rất sợ, không nghĩ tới tự mình may còn sợ hơn.

– Ca, bình tĩnh. Ca run sẽ làm bệnh nhân đau đớn hơn.

Hai người đàn ông đi theo là anh em gọi là Trương Ân, Trương Ẩn. Người em xin phép cha đi mua mấy thứ Mai nói. Người anh ở lại cùng cha thu xếp chỗ ở. Dương ông, Nguyễn bá, Lưu bá thấy việc tạm ổn nên cũng ra về. Đứa bé trai sau một hồi chịu đựng cũng ngất đi, là do kiệt sức hay sợ đây? Cha mang hắn lên nằm kế cha hắn. Đọc chương mới tại dienvan.space

Tội nghiệp a Phúc, lúc nãy thì run run nhìn vết thương của người đàn ông. Giờ thì hắn mếu máo muốn khóc nhìn hai con gà của hắn bị làm thịt hầm hạt sen. Nương vuốt đầu nó nói:

– Bây giờ đâu có ai bán gà, thúc thúc và ca đang bệnh, cần ăn. Mai mốt nương đền cho con hai con gà khác.

Hắn gật đầu mà miệng vẫn mếu máo.