Hàn Môn Trạng Nguyên

Chương 2: Thừng quấn cổ, dùi đâm chân




Chu thị nói bằng giọng điệu cứng rắn và mạnh mẽ, nhưng thực tế, nàng đã nhượng bộ rồi.

Đại bá mẫu lạnh lùng liếc Chu thị một cái, không mặn cũng chẳng lạnh nhạt nói: - Coi em dâu nói kìa, người một nhà mà sao như người ngoài vậy, chỉ là đại lang nhà chị học hành khắc khổ quá mà ngay cả hạch đào với đậu hũ để bổ não cũng không đủ tiền mua... Ôi, cuộc sống gian khổ này biết bao giờ mới chấm dứt đây?

Chu thị nghe Vương thị than vãn lại muốn nổi cơn tam bành, nhưng bị Thẩm Khê lôi kéo ống tay áo, mới chỉ đành buông một tiếng hừ lạnh, rồi không thèm để ý tới Vương thị nữa, khom người thu dọn phòng ốc.

Vương thị là thê tử của Thẩm Minh Văn, trưởng tử nhà họ Thẩm, bởi vì trượng phu ả là một tú tài, xem như một chân bước vào giai tầng thân sĩ, cho nên ngày thường thích nhất là làm dáng, phách lối, huống hồ lão thái thái chưởng quản cả đại gia đình, nắm quyền to nhất cũng luôn thiên vị có thừa đối với chi trưởng.

Thẩm gia có tất cả năm người con, đều là do chính lão thái thái mang nặng đẻ đau, lẽ ra không nên nặng bên này nhẹ bên kia, tuy nhiên bà lại nhất mực che chở và quan tâm, săn sóc đến trưởng tử và trưởng tôn, trong khi cả nhà quanh năm suốt tháng chỉ sống qua ngày bằng rau dại và hoa màu, duy có Đại bá Thẩm Minh Văn là được đối xử khác biệt, được hưởng vị thức ăn mặn, bếp nhỏ nhà y chẳng bao giờ lạnh, nhờ đó mà Vương thị cùng với ba đứa con của ả đều được thơm lây.

Lại nói, Thẩm gia hết thảy bảy đứa cháu đích tôn, coi như là hương khói thịnh vượng, trong đó Thẩm Khê là nhỏ tuổi nhất. Không chỉ hắn nhỏ nhất, mà cha hắn Thẩm Minh Quân cũng giống hắn đứng hàng nhỏ nhất, chính bởi hoàn cảnh như vậy mà chẳng mấy ai thèm để tâm đến cử chỉ ngôn hành của hắn. May thay, cũng nhờ đó hắn mới được ngẫu nhiên phóng túng một chút, thả lỏng tâm tình buồn bực đè nén.

Trong năm người con Thẩm gia, lão Nhị, lão Tam, lão Tứ đều là dân nuôi tằm trong thôn, lão Ngũ cha Thẩm Khê, Thẩm Minh Quân thì làm đứa ở cho nhà họ Vương, một đại địa chủ ở huyện.

Lão đại Thẩm Minh Văn trước khi chưa đỗ Tú tài đều là dựa dẫm vào sự chu cấp của các huynh đệ, đọc sách hao phí tiền của rất nhiều, tất cả gánh nặng đều đặt trên người mấy đệ đệ, quãng thời gian đó cuộc sống rất khốn khó, eo hẹp. Tận đến khi Thẩm Minh Văn không phụ sự mong đợi của mọi người thi đậu Tú tài, trở thành lẫm sinh của huyện, mỗi tháng được sáu đấu gạo và hàng năm được bốn lượng bạc, bấy giờ cuộc sống mới được cải thiện phần nào.

Do bởi lão thái thái là đương gia, đối xử với mọi người tương đối công chính, cho nên cả nhà Thẩm gia ngoài vấn đề ăn mặc quá mức tằn tiện thì quan hệ giữa các phòng cũng coi như hòa hợp.

Trong số mấy đứa cháu đích tôn Thẩm gia, chỉ mỗi mình đại lang Thẩm Vĩnh Trác nhà lão Đại là được quyền đến tư thục trên trấn học hành, vì lẽ con kế nghiệp cha, đây là quyết định độc đoán của lão thái thái. Mặc dù các phòng khác đều có sự bất mãn, tuy nhiên tốt xấu đều là người một nhà, tất cả đều kỳ vọng trong nhà sẽ cho ra được một vị Cử nhân lão gia, chờ khi Thẩm Minh Văn phất lên, gia đạo sẽ được phục hưng, do vậy họ cũng chỉ ngầm lằn nhằn đôi chút rồi thôi chứ không có biểu hiện oán giận ra mặt đối với lão thái thái.

Tuy sống chung một nhà, nhưng Thẩm Khê không mấy qua lại với các tỷ muội huynh đệ khác, nhất là kể từ năm ngoái khi hắn chiếm cứ thân thể này, vì sợ bị bại lộ thân phận cho nên luôn khước từ không tham gia chơi đùa với bọn trẻ, mấy trò chơi như nghịch bùn, bắt bọ rầy... hắn đều xin miễn, dần dà, mấy anh em họ cũng thôi, không tìm hắn chơi cùng nữa.

Lại quay về Vương thị, ả nhìn thoáng qua Thẩm Khê đang gấp gáp nuốt trứng mà lắc đầu cười mỉa, thế nhưng vẫn trù trừ chưa chịu rời đi, có vẻ ngập ngừng như muốn nói gì đó.

- Em dâu, chị tới tìm em không phải vì chuyện trứng gà, thật ra là chị có việc muốn nhờ em. Sau một hồi lâu do dự, Vương thị quyết định lên tiếng.

Thẩm Khê nghe vậy, liền thầm cười bất đắc dĩ, nhưng không dám nói câu nào.

Chu thị khẽ hừ một tiếng: - Không lẽ chị dâu sang đây để vay tiền? Chị dâu à, chị tha cho em đi, cả gia đình này lắm người như vậy, sao chị chỉ mượn của mỗi nhà em vậy, hơn nữa mượn rồi lại không trả... Lần trước cho chị vay năm mươi văn tiền, tiểu lang nhà em suốt hai tháng trời không được miếng thịt vào bụng.

Thẩm gia tuy không có chia nhà, nhưng mỗi phòng đều có bếp riêng, đây cũng là lão thái thái ngầm cho phép. Thẩm Khê cảm thấy hành vi của Đại bá mẫu có phần quá quắt, ngày thường luôn ỷ vào trượng phu mình là Tú tài mà không thèm coi cha mẹ mình ra gì.

Từ ngày Thẩm Minh Văn đỗ Tú tài, Vương thị bắt đầu bỏ bê công việc nhà, cả ngày chỉ chây lười trong nhà, số lương thực và ngân lượng mà Đại bá được cấp thì giữ làm riêng một phần, hai vợ chồng họ quang minh chính đại mở bếp nhỏ, mỗi lúc tiền tiêu hết lại chạy sang mượn Chu thị, người chỉ có chút tiền dư nhờ chồng ra ngoài làm công cho người ta.

Chớ thấy Chu thị dữ dằn, thật ra nàng là điển hình của mẫu người khẩu xà tâm Phật, miệng mồm chua ngoa nhưng tấm lòng mềm nhũn như đậu hũ, chỉ cần bị Vương thị dụ dỗ mấy câu là lập tức đem tiền ra cho vay ngay, chính vì vậy mà số tiền nợ nhà Đại bá vay mượn nhà Thẩm Khê tích lũy cho đến bây giờ là nhiều nhất, mỗi lần mượn là ba năm mươi văn, hiện giờ gộp lại ít nhất cũng phải hai ba lượng bạc rồi.

Nếu nhà Đại bá thật sự túng quẫn, Thẩm Khê sẽ không lý do gì phản đối, tuy nhiên thực tế cuộc sống nhà người ta còn tốt hơn nhà mình nhiều lắm, mình ăn quả trứng gà thôi mà phải lén la lén lút, nhà hắn tiền ăn cả tháng cũng chỉ một lượng mà thôi, nhà người ta sống mới gọi là sung sướng, mới hôm trước Thẩm Khê còn thấy đại lang Thẩm Vĩnh Trác ôm đùi gà nhai ngấu nghiến, làm hắn thèm đến nỗi nước miếng ròng ròng!

Thẩm gia vốn là gia tộc thư hương, thế nhưng hai đời trước con cháu chẳng chí tiến thủ, dẫn đến gia đạo sa sút, huynh đệ trong nhà lại bất hòa, cuối cùng phân chia gia sản, tổ phụ của Thẩm Khê chính là một trong số đó.

Tòa đại trạch tam tiến này cũng chính là tổ nghiệp của Thẩm gia, trong thôn còn có mấy chục mẫu đất vườn, tuy nhiên số sản nghiệp này đối với Thẩm gia năm đó chỉ là hạt cát trong sa mạc, từ đó có thể thấy nhất mạch này của Thẩm Khê rất không được chào đón.

Tổ phụ sau khi qua đời, gia đạo Thẩm gia ngày càng xuống dốc, vốn trong nhà còn có mấy đứa ở, nhưng vì Thẩm gia không có tiền để phát lương, cho nên bọn nó đều tự động rời đi.

Mặc dù trên gia phả ba đời Thẩm gia từng một thời huy hoàng - Thái gia gia của Thẩm Khê đã làm lên đến chức vụ Đồng tri nhất phủ giai chính ngũ phẩm, đáng tiếc cảnh ngộ ngày hôm nay lại sa sút đến nông nỗi không bằng một nhà thân hào nông thôn tầm thường. Thế sự vô thường khiến người ta phải cảm thán.

Di nguyện của lão thái gia trước khi lâm chung là không cho phép con cháu chia nhà, cho nên bây giờ cả năm cặp vợ chồng cùng với đám con cái của mình túm tụm sống chung trong một căn nhà.

Duy có một ngoại lệ, mười năm trước khi Đại bá thi đỗ Tú tài, lão tổ mẫu vì quá hưng phấn, đã đem mọi kỳ vọng chấn hưng gia tộc ký thác trên người Đại bá, từ đấy về sau bắt đầu mọi sự bất công, gần như đến nông nỗi trăm sự trăm thuận.

Cũng bởi do vậy nên mới có tình huống mẫu thân Thẩm Khê - Chu thị cảm thấy đuối lý khi bị bắt quả tang lén lút cho Thẩm Khê thức ăn, dẫu sao trong lòng mọi người đã xác định rằng Đại bá là Tú tài lão gia, theo tình hình trước mắt đích thực chỉ có Đại bá thi đỗ Cử nhân, làm rạng rỡ tổ tông, thì Thẩm gia mới có hy vọng phục hưng gia đạo.

Tuy nhiên, Thẩm Khê trong thâm tâm lại hết sức hoài nghi nếu có một ngày Đại bá thật sự trúng cử làm quan, liệu có cho gia đình hắn được ích lợi thực tế nào hay không.

Bị Vương thị bám dính nài nỉ ỉ ôi, Chu thị quả nhiên nhanh chóng tước vũ khí đầu hàng, đem chút tiền riêng còn dư trong nhà cống nạp ra hết.

Dõi theo bóng lưng Vương thị rời đi, Thẩm Khê rất là bất mãn hừ một tiếng: - Mẹ, sao mẹ lại cho Đại bá mẫu mượn tiền? Mẹ không biết mọi ngày Đại bá mẫu ăn sung mặc sướng cỡ nào, chúng ta lại làm sao, ngày nào cũng chỉ ăn rau dại gốc cỏ, chút chất béo cũng không có, con sắp đói thành khỉ con rồi...

Đang oán trách nửa chừng, Thẩm Khê mới sực nhớ ra hiện giờ mình đang là một đứa bé sáu bảy tuổi, con nít tuổi này vốn không nên quan tâm đến những chuyện như vậy, chỉ có điều lời đã thốt ra miệng, nước đổ khó hốt.

Chu thị lại không lấy làm ngạc nhiên, một năm qua con trai tính tình trở nên linh hoạt, nghe hắn nói vậy chỉ tưởng là hắn thấy trưởng tôn phòng trưởng được đọc sách, còn được ăn ngon uống bổ, nên sinh lòng ghen tị mà thôi.

- Tiểu tử thối, con nghĩ mẹ muốn vậy lắm sao? Chỉ là bây giờ Đại bá của con đã là Tú tài, chỉ cần tiến thêm bước nữa là Cử nhân rồi... Tuy Đại bá của con liên tục thi rớt hai lần, nhưng Đại bá con còn trẻ, về sau vẫn còn cơ hội để trúng cử. Trúng Cử nhân rồi sẽ được làm quan. Tiểu tử ngốc, con có biết làm quan là cái gì không? Đại bá con làm quan, ít nhiều cũng sẽ giúp đỡ lót đường cho chúng ta, đến lúc đấy, chỉ cần một câu của Đại bá thôi, cả nhà ta sẽ được sống khá giả lên rồi, không phải sao?

Thẩm Khê nghe mẹ mình nói vậy, chỉ đành ngầm than vắn thở dài: “Quả nhiên là thời đại tất cả đều hạ đẳng, duy có đọc sách là cao nhất!” Nói chính xác hơn chính là, “Tất cả đều hạ đẳng, duy có quan cao nhất”. Giữa dân và quan, chênh lệch địa vị đâu chỉ nghìn vạn dặm?

Chu thị bắt gặp Thẩm Khê ngẩn người, đột nhiên hỏi: - Tiểu tử, có phải con cũng muốn đi học không?

Mặc dù biết mình biểu hiện ra nguyện vọng được đi học, nhất định sẽ mang đến áp lực cực lớn cho cha và mẹ, thế nhưng hắn vẫn cắn răng gật đầu thật mạnh.

Chu thị ngồi xổm xuống, cẩn thận quan sát Thẩm Khê, khi đã có được câu trả lời chắc chắn từ đôi đồng tử linh động, trí tuệ của hắn, nàng trầm tư hồi lâu mới quyết định:

- Bé con, không phải mẹ nhẫn tâm không cho con đọc sách, mà là chúng ta... Nhà chúng ta thực sự không lấy đâu ra tiền để chi trả học phí. Thế nhưng không sao, chờ Đại bá mẫu của con lần sau đến vay tiền, mẹ sẽ cầu bà ấy, xin Đại bá của con dành chút thời gian đến dạy con học hành...

- Nhưng mà bé con à, nếu chuyện này bất thành, con cũng đừng nghĩ đến đi học nữa, chưa nói đến chuyện khác, chỉ riêng mấy người thúc bá thím của con chắc chắn sẽ không tán thành rồi, chúng ta hãy an phận cày ruộng sinh sống là rất tốt rồi.

Thẩm Khê nhìn vào ánh mắt quan tâm của mẫu thân mà lòng tự trách, ngoài mặt lại gắng gượng làm bộ như không hề chi: - Không sao đâu mẹ, cho dù con trai về sau không được nổi bật, vẫn nhất định sẽ hiếu thuận với cha và mẹ.

Thấy Thẩm Khê ngoan ngoãn hiểu chuyện, Chu thị mỉm cười, hồi phục lại dáng vẻ mạnh mẽ ngày thường của mình: - Đi đi đi, ranh con, suốt ngày chỉ biết chọc cho lão nương tức giận.

Thẩm Khê vui vẻ cười ha ha, vừa chạy ra khỏi phòng, vừa hét to: - Mẹ ơi, con đi chơi đây!

...

...

Vừa ra khỏi sân, đã nghe thấy từ Đông sương phòng nơi Đại bá cư ngụ ở nhị tiến viện truyền đến những tiếng hô hét khiếp hãi.

Nhà Thẩm gia được xây dựng theo kiến trúc tam tiến viện truyền thống, bước qua cửa là tiến vào ngay thạch đình viện, tường phía Bắc của đình viện được xây làm bình phong ở cổng, bên sườn đông là giác viện Đông Nam. Mặt Bắc của giác viện Đông Nam thông đến nhà xí và nhĩ phòng của nhị tiến viện, còn mặt Nam ngày trước là phòng đặt kiệu xe, bây giờ cả hai gian phòng được đổi làm khách phòng.

Phía Tây thạch đình viện là cổng vòm, từ cổng vào đi vào tiền viện. Bốn gian đảo tọa phòng trước kia là chỗ ở của đứa ở, bây giờ thì được khai thông thành chuồng heo, chuồng gà. Phía Tây tiền viện có cổng Nguyệt Lượng, qua cổng là đến giác viện Tây Nam.

Mặt Bắc giác viện Tây Nam cũng tương tự, ăn thông với nhà xí và nhĩ phòng của nhị tiến viện, ba gian phòng ở mặt Nam vốn là Nam thư phòng để tiếp đãi khách nhân thời Thẩm gia còn thịnh vượng, nay đã trở thành chỗ cư ngụ của cả nhà họ Thẩm.

Hướng Bắc tiền viện thông đến chính viện qua cổng Thùy Hoa, sáu gian sương phòng phía Đông chính viện toàn bộ đều dành cho lão đại Thẩm Minh Văn. Thẩm Minh Văn cùng Vương thị có một trai hai gái, đại lang Thẩm Vĩnh Trác năm nay mười lăm tuổi, hiện đang đi học ở một trường tư thục trên trấn, hai cô con gái theo thứ tự là đại nữ - Thẩm Thiên mười ba tuổi và tứ nữ - Thẩm Mạn bảy tuổi. Cả nhà năm miệng ăn được sáu gian phòng, sống dư sức, một gian dư ra lấy làm phòng tiếp đãi khách khứa của Thẩm Minh Văn.

Còn sáu gian phòng ở Tây sương thì phân ra cho lão Nhị và lão Tam, mỗi nhà ba gian.

Lão Nhị - Thẩm Minh Hữu và thê tử Tiền thị dưới gối có bốn người con: nhị lang Thẩm Vĩnh Phúc mười bốn tuổi, tam lang Thẩm Vĩnh Thụy mười hai tuổi, tam nữ Thẩm Đình Đình mười tuổi, và ngũ lang Thẩm Vĩnh Kỳ tám tuổi.

Còn con cái nhà lão Tam - Thẩm Minh Đường và thê tử Tôn thị là nhị nữ Thẩm Tú Tú mười một tuổi và tứ lang Thẩm Thiện mười tuổi.

Ba gian chính phòng mặt Bắc, ở giữa là sảnh chính để tiếp đãi khách khứa và tế bái tổ tông, lão thái thái sống ở gian phòng phía Đông sảnh chính, gian còn lại ở phía Tây là chỗ dùng cơm của một nhà già trẻ lớn bé.

Hai bên chính phòng lần lượt là nhĩ phòng Đông và Tây, Đông nhĩ phòng có tạo hình rất đặc thù, là một lầu gác ba tầng trông như ống đồng, Thẩm Khê nghĩ mãi vẫn chưa rõ tác dụng của nó. Còn Tây nhĩ phòng trước kia là thư phòng của gia chủ Thẩm gia, hiện giờ trên các giá sách đã chẳng còn bao nhiêu sách vở, hầu hết được dùng để chất đống vật dụng lẫn lộn.

Ngoài sườn của nhĩ phòng Đông và Tây đều nối kết với cổng Nguyệt Lượng và hậu viện.

Hậu viện có tám gian phòng, trong đó phòng bếp nằm ở góc Tây Bắc, bảy gian còn lại vốn là chỗ ở của người hầu, bây giờ được chia ba gian cho lão Tứ, còn lại thì để chất củi.

Lão Tứ - Thẩm Minh Tân và thê tử Phùng thị có một nam một nữ: lục lang Thẩm Nguyên bảy tuổi và ngũ nữ **** năm tuổi. Thẩm Nguyên từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, rất được lão thái thái yêu thích.

Sau hậu viện vốn còn một hoa viên, tuy nhiên từ ngày gia đạo Thẩm gia sa sút đã trở thành vườn rau, trồng đủ loại rau dưa, rau trồng trong vườn không phải để trong nhà ăn, mà hầu hết đều đem lên trấn trên đổi lấy tiền và lương thực.

Tiếng động truyền đến từ Đông sương phòng của chủ viện, nơi ở của lão đại Thẩm Minh Văn, ngày càng trở nên huyên náo, Thẩm Khê không khỏi giật mình, lập tức nện bước cấp tốc chạy đến trước cửa nhà Đại bá, bắt gặp Đại bá không ngừng giãy giụa trước sự dìu đỡ của Tam bá và Tứ bá.

Thẩm Khê nhất thời bối rối, chợt phát hiện ra ánh mắt lạnh băng của lão thái thái từ xa phóng tới, bèn tiến lên cúi đầu vấn an: - Con chào Tổ mẫu!

Lão thái thái cả đầu tóc bạc phơ, tay nắm quải trượng, thấy Thẩm Khê bước lên chào hỏi chỉ hời hợt gật đầu một cái, không để ý đến hắn nữa mà quay sang nhìn Đại bá, thân thiết và tràn đầy tình cảm nói:

- Con ơi, không phải mẫu thân nhẫn tâm, mà là... Ôi, bây giờ tuy phải chịu khổ cực, nhưng con phải dụng tâm để thi đỗ Cử nhân, an ủi linh hồn cha con trên trời có thiêng.

Thẩm Khê thành thành thật thật đứng yên một bên, cái đầu nhỏ quan sát tình cảnh đang diễn ra trước mắt với vẻ bàng hoàng.

Đại bá vẫn còn rất trẻ, năm nay mới ba mươi tư, cho nên Thẩm gia vẫn nhất mực ký thác hy vọng chấn hưng trên người y. Lúc này y đang không ngừng giãy giụa, giọng điệu sợ hãi van nài:

- Nương thân, là con trai không chí tiến thủ, con xin hứa sau này tuyệt sẽ không lơi lỏng dù chỉ một chút, nương thân, con van người, đừng mang con đến lầu gác, con không muốn đến đó...

Lão thái thái thở dài thườn thượt, giọng có chút không nỡ: - Đại lang, mẫu thân là bất đắc dĩ. Con hãy yên tâm, chỉ cần chịu đựng hai năm rưỡi thôi, hai năm rưỡi sau con nhất định sẽ trúng cử! Đại lang à, con chịu khổ, nương thân cũng đau lòng lắm. Còn đừng kêu la nữa, lần trước chẳng phải con ở lầu gác học hành một năm thôi, vừa ra đã thuận lợi thi đỗ Tú tài rồi sao?

- Chờ khi kỳ thi Hương lần sau bắt đầu, con nhất định sẽ đỗ trúng Cử nhân, làm rạng rỡ tổ tông, tiến bước lên quan lộ. Thanh âm lão thái thái ngày càng trở nên nóng bỏng.

Thẩm Minh Văn ngửa mặt lên trời thét dài, tròng mắt dâng trào nước mắt, khiếp sợ hô hoán: - Nương thân, người quên rồi ư, lần trước con đã suýt chết trong căn lầu gác đó, con không muốn đến lầu gác, con không muốn...

Lão thái thái nhìn dáng vẻ thê thảm của Thẩm Minh Văn mà buồn bã thở dài, chỉ tiếc rèn sắt không thành thép: - Đại lang, thanh xuân dễ trôi, thi Hương ba năm mới mở một lần, năm nay con đã ba mươi tư rồi, đời người được bao cái ba năm đây con? Chỉ cần hai năm rưỡi, hai năm rưỡi thôi con à. Sau khi con tiến vào lầu gác, nương thân sẽ cho người đúng giờ đưa đồ ăn thức uống đến cho con, và mỗi khi con phiền muộn, thì cứ hướng ra ngoài cửa sổ hướng Đông hét to để giải tỏa tâm tình.

Cuối cùng, Thẩm Minh Văn tuyệt vọng, cúi gằm đầu với sắc mặt xám ngoét, mặc cho Tam bá và Tứ bá đưa y lên lầu gác.

Thẩm Khê cũng rón rén đi theo sau.

Thẩm Minh Văn bị đưa vào trong lầu gác, lão thái thái đứng ngoài dõi theo, buồn bã thở than hồi lâu, chừng như đã già thêm vài tuổi, sau đó được Nhị bá dìu, quay người đi.

Thẩm Khê nghiền ngẫm đánh giá cái kiến trúc trông như ống đồng trước mặt mình, thâm tâm không rét mà run.

Ở Thẩm gia, địa vị của lầu gác có thể sánh với từ đường tổ tông. Gọi là lầu gác, nhưng hình dạng lại như đèn pin cầm tay, xung quanh khép kín, chỉ có mỗi mặt Đông là có một cánh cửa sắt nho nhỏ. Thẩm Khê dám chắc, cho dù là giữa ban ngày, vẫn phải đốt đèn mới nhìn thấy đường được.

Đương lúc Thẩm Khê thất thần, bỗng nhiên từ song sắt nhỏ kia vọng ra một tiếng “chát” lanh lảnh, vô cùng có quy luật, theo mỗi tiếng vang, truyền đến tiếng kêu la thống khổ của Thẩm Minh Văn, cùng với âm thanh nghiến răng nghiến lợi khiến người kinh hồn tán đảm.

Chát!

- Cho ngươi cái tội thay đổi thất thường!

Chát!

- Cho ngươi cái tội không chuyên tâm!

Chát!

- Cho ngươi cái tội không chí tiến thủ!

Chát!

- Cho ngươi cái tội không học hành đàng hoàng!

Chát!

- Cho ngươi cái tội quên lãng sự giáo huấn của vong phụ!

Chát!

- Cho ngươi cái tội thấp thỏm, không yên!

Chát!

- Cho ngươi cái tội biếng nhác, hời hợt!

Sau bảy loạt tiếng vang, bên trong lầu gác trở về sự tĩnh lặng.

Thẩm Khê ngây ngốc nhìn theo cánh cửa đóng chặt của ống đồng, hồi lâu sau mới lấy lại tinh thần, hắn rùng mình, trong lầu gác rõ ràng chỉ có một mình Đại bá thôi mà!

Rất lâu về sau, Thẩm Khê mới biết, hóa ra lầu gác là một kiến trúc đặc thù được truyền lại qua các đời Thẩm gia, con cháu trong nhà nếu không đỗ đạt, sẽ bị cưỡng ép đưa tới lầu gác này, cấm bế để tự suy ngẫm. Sau khi tiến vào, nhất định phải dùng thước tự quất chính mình bảy lần, hơn nữa mỗi đòn đều phải đánh đến toác thịt chảy máu, bằng không sẽ không được tính, và phải lặp lại cả bảy lần.