Hội Chợ Phù Hoa

Chương 2




SHARP VÀ AMELIA CHUẨN BỊ MỞ CUỘC TẤN CÔNG

Lúc đã thực hiện xong hành động dũng cảm vừa nói trong

- Cho đáng kiếp cuốn từ điển. Lạy chúa; thật may mà mình thoát khỏi Chiswick.

Trước hành vi khiêu khích vừa qua, cô Jemima bị xúc động mạnh thế nào thì cô Sedley hầu như cũng bị xúc động như vậy; ta cứ nghĩ xem, cô vừa mới rời khỏi nhà trường được có một phút, mà mới trong một phút thì làm sao bao nhiêu kỷ niệm ghi lại qua suốt sáu năm trời đã mất ngay được. Không những thế, đối với một số người thì những nỗi lo âu sợ hãi của tuổi hoa niên cứ vĩnh viễn tồn tại. Thí dụ, tôi có quen một ông già đáng kính đã sáu mươi tám tuổi; một buổi sáng, cùng ngồi ăn với nhau, ông cụ dáng điệu rất bồi hồi xúc động nói với tôi rằng:

- Ông ạ, đêm qua, tôi nằm mê thấy bị ông giáo Raine đánh cho một trận đòn.

Thì ra đêm hôm ấy trí tưởng tưởng đã đem ông lão sống lùi lại quá khứ những năm mươi lăm năm. Mãi đến bây giờ, đã sáu mươi tám tuổi đầu, ông lão vẫn còn sợ ông giáo Raine và cái roi y như hồi còn bé mới mười ba tuổi. Giả sử bây giờ, lúc ông lão đã sáu mươi tám tuổi, mà ông giáo kia lại hiện lên bằng xương bằng thịt, tay cầm cây roi to tướng, mà quát ông lão với cái giọng ghê gớm thế này: “Thằng kia, chìa mông ra đây...” nhỉ. Cho nên, cô Sedley thấy cái hành vi bất phục tòng kia mà kinh hãi quá. Cô ngồi yên lặng một lúc, cuối cùng hỏi bạn:

- Rebecca, sao chị có thể làm thế được?

Rebecca cười đáp lại:

- Thế nào, chị cho rằng bà Pinkerton sẽ xuất hiện và ra lệnh cho em phải quay lại cái ngục tối ấy chăng?

- Không phải thế, nhưng...

Cô Sharp vẫn có vẻ giận dữ nói tiếp:

- Em thù ghét cả cái nhà ấy; em ước gì không bao giờ còn phải nhìn thấy nó nữa. Em cầu cho nó bị chìm xuống tận đáy sông Thames, thật đấy. Mà nếu bà Pinkerton có chết đuối dưới sông, em cũng không thèm vớt đâu. Chao ôi! Em mà được nhìn thấy bà ta nổi lềnh bềnh trên dòng sông kia kìa, đủ cả khăn áo lệ bộ và cái mũi lõ của bà ta chõ lên trời như mũi tầu ấy, thì thú vị biết mấy!

- Xuỵt! Cô Sedley vội kêu.

Cô Rebecca vừa cười, vừa nói:

- Làm sao, chị sợ thằng hầu da đen này mách lẻo à? Cho nó về thách bà Pinkerton rằng em ghét bà ấy như đào đất đổ đi: em cầu cho nó mách; em còn ước sao có dịp cho bà ấy rõ sự thù ghét của em nữa cơ. Hai năm nay, đối với em, bà ấy chỉ có một thái độ khinh miệt, sỉ nhục. Bà ấy cư xử với em còn tệ hơn đối với bất cứ một con ở nào coi việc bếp núc. Ngoài chị ra, thử hỏi có ai là người coi em như bạn, có ai nói với em một lời tử tế. Em bị phân công chăm sóc đám con gái nhỏ học lớp dưới, và chuyên tập cho bọn lớn tuổi nói tiếng Pháp, đến nỗi em thành phát ngấy tiếng mẹ đẻ. Mà này, nói tiếng Pháp với bà Pinkerton thì thật là một trò khôi hài, có phải không? Tiếng Pháp bà ấy không biết lấy một chữ bẻ làm đôi, nhưng lại kiêu ngạo không chịu thú nhận. Em tin chắc chính vì vậy mà bà ta tống cổ em đi. Thôi, cũng cảm ơn Thượng đế vì em biết tiếng Pháp. “Nước Pháp vạn tuế! Hoàng đế vạn tuế! Bonaparte vạn tuế”() .

Cô Sedley lại kêu lên:

- Kìa Rebecca, Rebecca! Nói năng mới liều lĩnh chứ!

Quả thật từ trước tới nay, chưa bao giờ Rebecca ăn nói bậy bạ đến như vậy; vì hồi ấy, ở nước Anh ai nói “Bonaparte vạn tuế” thì cũng chẳng khác gì nói “Lucifer () vạn tuế”.

- Sao chị có thể...sao chị lại dám có những ý nghĩ trả thù xấu xa như thế?

- Sự trả thù có thể là xấu xa thật đấy, nhưng cũng là điều tự nhiên thôi. Em có phải là thiên thần đâu.

Mà nói cho đúng sự thực thì quả thật cô ta không phải là thiên thần. Qua câu chuyện ngắn ngủi hai người trao đổi với nhau trong khi chiếc xe ngựa lười biếng lăn bánh dọc theo bờ sông, ta thấy rằng có hai lần Rebecca cảm tạ Chúa trời; song lần thứ nhất, là vì Chúa trời đã giúp cô thoát khỏi tay mấy kẻ cô ghét cay ghét đắng! Và lần thứ nhì, là vì Chúa trời đã giúp cô làm cho kẻ thù của cô phải phần nào bối rối, lúng túng. Cả hai điều ấy không phải là những lý do đúng đắn để cảm tạ Chúa trời; mà những con người tính tình dịu dàng hiền hòa cũng không suy nghĩ thế. Vậy thì Rebecca chẳng hiền hòa, dịu dàng một chút xíu nào hết. Cô gái chán đời trẻ măng này bảo rằng cả loài người hành hạ cô; nhưng ta có thể tin chắc rằng kẻ nào bị cả loài người đối xử không ra gì, nhất định hoàn toàn xứng đáng với cách đối đãi như vậy. Cuộc đời là một tấm gương soi, nó phản chiếu lại chính bộ mặt của bất cứ kẻ nào ngó vào. Cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt giả với ta ngay; và cười với nó, nó lại sẽ thành ngay người bạn vui tính tốt bụng của ta; các bạn thanh niên hãy xem đó mà lựa chọn. Có điều chắc chắn rằng nếu cả thế giới bỏ quên cô Sharp, thì cũng chưa hề bao giờ cô ta làm tốt điều gì cho ai. Ta cũng không thể mong có được hai mươi bốn cô thiếu nữ đều đáng yêu như nhân vật chính trong tập truyện này là cô Sedley (sở dĩ chọn cô này làm nhân vật chính, cũng vì cô tốt nết hơn cả; nếu không, có cái quái gì trên đời nào ngăn cấm chúng ta chọn cô Swartz, cô Crump hoặc cô Hopkins làm nhân vật chính?); không thể hy vọng rằng người đời ai cũng có được tính tình dịu dàng, khả ái như Amelia Sedley, ai cũng tìm mọi dịp khuất phục cái tính tàn nhẫn, hay cáu bẳn của Rebecca, và cũng biết dùng muôn vàn lời lẽ phải chăng và hành vi tốt đẹp mà vượt trên thái độ thù ghét loài người của cô này, dù là chỉ một lần.

Bố Rebecca là một họa sĩ, dạy vẽ trong trường của bà Pinkerton. Ông ta là một người thông minh, một người bạn vui vẻ, một ông vô tâm, hay mang công mắc nợ, và rất mê các tửu quán. Nốc rượu say, ông ta hay đánh vợ đánh con; rồi sớm hôm sau, đầu nhức như búa bổ, ông ta lại chửi vung lên rằng thiên hạ không biết trọng thiên tài, và xỉ vả cái bọn khốn nạn, tức là cái bọn đồng nghiệp họa sĩ của ông, một cách khá sáng suốt và nhiều khi rất là có lý. Ông ta sống một cách chật vật ở thị trấn Soho; nội một dặm quanh thị trấn này, ông ta mắc nợ tất cả mọi người. Vì vậy, ông ta bèn nghĩ rằng hoàn cảnh của mình thế này thì cưới phăng một người đàn bà Pháp trẻ tuổi làm vợ là tốt nhất; người này vốn làm nghề vũ nữ. Không bao giờ cô Sharp đả động đến cái nghề nghiệp hèn hạ của mẹ mình; trái lại, cô luôn luôn tuyên bố rằng cái bà hay “nhảy đập chân” () kia thuộc một dòng họ quý tộc vùng Gascony, và lấy làm hãnh diện hết sức vì được là con cháu dòng dõi đó.

Mà quái lạ thay, Rebecca càng lớn lên, thì các tổ tiên của cô cũng càng được tôn thêm về địa vị xã hội và về tiếng tăm.

Mẹ cô Rebecca cũng có được thụ hưởng một nền giáo dục nào đó ở đâu không biết; con gái bà nói tiếng Pháp rất đúng giọng, y như dân thành Paris vậy. Thời ấy điều này hầu như là một tài năng hiếm hoi; nhờ vậy, Rebecca được cái bà Pinkerton có tư tưởng bảo thủ kia mượn giúp việc.

Mẹ vừa chết, bố Rebecca lại bị bệnh tửu cuồng tấn công lần thứ ba; yên trí mình không thể qua khỏi được, ông ta bèn viết một bức thư lời lẽ thật thiết tha cảm động gửi cho bà Pinkerton, nhờ bà che chở cho con gái. Rồi ông ta nằm xuống mộ, sau khi đã bị hai viên mõ tòa cãi lộn nhau trên thi thể mình. Đặt chân vào Chiswick, Rebecca vừa tròn mười bảy tuổi; cô được theo chế độ lưu học sinh, được hưởng học bổng; nhiệm vụ của Rebecca là nói tiếng Pháp, như ta đã rõ; còn quyền lợi của cô là khỏi phải trả tiền; hàng năm lại được cấp thêm vài ghi-nê, và được mấy ông giáo dạy trong trường truyền thụ cho ít mảnh kiến thức.

Dáng người Rebecca bé nhỏ, mảnh mai, da tái tái, tóc màu vàng sẫm, mắt hay nhìn xuống; lúc nào Rebecca ngước nhìn lên, hai mắt thật là to, trông kỳ dị và rất hấp dẫn đến nỗi cậu công tử Crisp phải lòng cô chết mệt; cậu này vừa mới tốt nghiệp Oxford đại học đường, giữ chức mục sư dưới quyền cha xứ Chiswick là ngài Flowerdew. Một lần đến giảng đạo ở nhà thờ Chiswick, bị Rebecca ngồi dưới hàng ghế học trò liếc tình cậu Crisp trên bục giảng một cái; lập tức cậu này ngây người ra như mất hồn().

Anh chàng thanh niên si tình này thường ngồi hầu trà bà Pinkerton, vì được mẹ giới thiệu với bà. Cậu bèn nhờ mụ chột mắt bán táo làm bà tơ hồng gửi hộ “tình thơ nhất bức”, đại khái tỏ ý muốn tính cuộc trăm năm với Rebecca thì phải; bà Crisp được triệu ngay từ Buxton về; bà lập tức đưa cậu con cưng của mình đi chỗ khác. Tuy vậy, mỗi lúc nghĩ rằng cái chuồng chim bồ câu ở Chiswick này mà lại ủ ấp một con diều hâu ghê gớm đến thế, bà Pinkerton cứ thấy sốt cả ruột; giá không vì đã trót bị ràng buộc với Rebecca, bà đã tống cổ cô đi nơi khác rồi; bà cũng không thể hoàn toàn tin lời cô, mặc dầu cô một mực cãi rằng mình chưa hề trao đổi một lời nào với cậu Crisp, trừ hai lần, ngay trước mặt bà nhân khi cùng ngồi uống trà với bà và cậu ấy. Đứng cạnh nhiều cô khác trong trường có vóc người cao lớn, trông Rebecca như một đứa trẻ. Nhưng cô sớm có cái già dặn, cái từng trải đáng sợ của con nhà nghèo. Sau khi nói chuyện với Rebecca, khối bác chủ nợ của bố cô đành quay về không. Lại có vô số nhà thương gia được cô ta nịnh nọt khéo léo đâm ra vui tính lại đãi thêm một bữa ăn nữa. Thường Rebecca vẫn ngồi cạnh bố khi có khách - thấy con gái thông minh, ông bố lấy làm hãnh diện lắm - nên cô được nghe đủ mọi thứ chuyện của những vị khách “bừa bãi” này, hầu hết là những chuyện con gái không nên để lọt vào tai. Bởi thế Rebecca vẫn nói rằng mình chưa hề bao giờ là con gái, ngay khi mới lên tám tuổi đã là đàn bà rồi. Ôi chao, sao bà Pinkerton lại để cho một con chim nguy hiểm như thế lọt vào cái lồng của mình nhỉ?

Số là những khi bố Rebecca đưa cô đến Chiswick, bà giáo già yên trí cô là một thiếu nữ dịu dàng nhất thế giới, vì những bận ấy cô đóng vai một cô gái ngây thơ () khéo quá. Và chỉ mới có một năm trước ngày Rebecca được nhập trường, nhân cô vừa tròn mười sáu tuổi, bà Pinkerton bèn long trọng tặng cô một con búp bê, lại kèm theo cả một bài diễn văn ngắn. Thực ra, bà tịch thu con búp bê này của cô Swindle vì bà bắt được cô này ru trộm búp bê trong giờ học. Tối hôm ấy, sau buổi họp, hai bố con cô Rebecca tha hồ mà cười với nhau trên đường về nhà (chỉ khi nào có diễn văn thì các ông giáo trong trường mới được triệu tập tới dự đông đủ). Giá bà Pinkerton được nom thấy hình ảnh hài hước của chính bà, nghĩa là được thấy Rebecca làm cho con búp bê bắt chước dáng điệu bà như thế nào, có lẽ bà đến phát điên phát rồ lên vì tức giận mất. Becky vẫn thường giả vờ đối thoại với con búp bê; tại các phố Newman, Gerrard, và ở khu phố của Nghệ Sĩ, người ta thích thưởng thức cái trò vui ấy lắm lắm. Mấy anh chàng họa sĩ trẻ tuổi mỗi khi đến “nhậu nhẹt” với bậc đàn anh lười biếng, phóng đãng, song thông minh và vui tính của họ, lại hỏi thăm Rebecca rằng bà Pinkerton có nhà hay không; bà trở thành quen thuộc quá đối với họ, y như ông Lawrence hay Tổng thống West; khổ thân bà quá! Một lần Rebecca có hân hạnh được đến Chiswick chơi mấy ngày; lúc trở về nhà, cô đem theo cô Jemima, nghĩa là một con búp bê khác mà cô gọi là Jemy. Lúc chia tay, cái cô Jemima thực thà này đã tự tay làm và tặng Rebecca một số bánh ngọt và mứt đủ cho đến ba đứa trẻ ăn, lại cho thêm một đồng bảy siling, song tính ưa giễu cợt của Rebecca vẫn mạnh hơn lòng biết ơn; thế là cô em cũng bị hy sinh như bà chị.

Sau khi bố chết, Rebecca bị đưa về Mall ăn học. Ở đây phải phục tùng nguyên tắc cứng nhắc, cô thấy như bị nghẹt thở, bữa ăn phải cầu kinh, rồi giờ nào học, giờ nào đi chơi đều có quy định chung rõ ràng dứt khoát; cô cảm thấy hầu như không thể chịu đựng nổi nữa; cô nhớ tiếc cuộc sống trong cái xưởng vẽ ngày xưa ở Soho quá; hồi ấy tuy nghèo sơ xác nhưng thật tự do; đến nỗi tất cả mọi người, kể cả bản thân Becky nữa, đều tưởng rằng cô đang rầu rĩ gày mòn đi vì thương nhớ bố. Đêm đến, bọn đầy tớ gái thường nghe tiếng cô đi lại, khóc thút thít trong căn phòng riêng bé tý ở nhà dưới: nhưng cô khóc vì tức giận, chứ không phải vì buồn phiền. Trước kia cô cũng không khéo giả vờ lắm, nhưng bây giờ sự cô độc đã dạy cô giả dối rất tài.

Chưa bao giờ cô được gần gũi giới phụ nữ. Bố cô có nhiều tật xấu nhưng lại có tài; so với đám đàn bà con gái cô gặp ở đây thì câu chuyện của ông ta nghe thú vị hơn gấp nghìn lần. Thói phô trương trịnh trọng của bà hiệu trưởng già, tính vui vẻ nhưng ngớ ngẩn của cô em bà, những câu chuyện vớ vẩn và thói ngồi lê đôi mách của các cô học trò lớn, rồi cả cái điệu bộ đạo mạo cứng nhắc của mấy bà giáo...cô thấy khó chịu vì tất cả những chuyện ấy quá. Cô gái không may này lại cũng không có tâm hồn dịu dàng của một người mẹ, thành ra những tiếng trò chuyện ríu rít của bầy trẻ con mà cô có nhiệm vụ săn sóc cũng không thể khiến cô chú ý và an ủi được cô một phần nào. Tuy vậy cô cũng đã sống chung cùng họ hai năm trời; khi cô ra đi, chẳng một ai lấy điều đó làm phiền lòng. Riêng đối với Amelia Sedley, người thiếu nữ có tâm hồn dịu dàng kia, cô còn thấy gắn bó đôi chút; ai mà cảm thấy mình không gắn bó với Amelia cho được? Thấy các cô gái trẻ sống chung có hạnh phúc hơn mình, nhiều phen Rebecca uất lên vì ghen tức. Rebecca gièm một cô thế này: nó cậy mình là cháu ông bá tước, làm bộ làm tịch quá. Thiên hạ còng lưng xuống mà lạy con bé lai đen kia, chẳng qua vì nó có số vốn mười vạn đồng bảng? Mình còn thông minh gấp nghìn lần; lại xinh đẹp hơn nó; giầu có mà làm gì! So với cháu gái ông bá tước, mình có thua kém về mặt giáo dục đâu. Dòng với chả dõi?

Thế mà ở đây thiên hạ chả thèm để ý gì đến mình. Hồi mình còn ở nhà với bố, bọn đàn ông chẳng đã bỏ cả những cuộc hội họp khiêu vũ vui vẻ nhất cốt được gần mình một buổi tối là gì?

Thế là cô quyết định phải thoát khỏi chốn lao tù này bằng bất cứ cách nào; bây giờ phải bắt đầu hành động ngay cho quyền lợi của bản thân mình; lần đầu tiên Rebecca lập những chương trình xây dựng tương lai.

Vì vậy, cô hết sức lợi dụng những điều kiện học tập trong nhà trường; vốn đã có sẵn khả năng về môn âm nhạc và tiếng Pháp, nên cô tiến bộ rất nhanh trong khóa học ngắn ngủi thời đó coi như cần thiết cho những thiếu nữ con nhà dòng dõi. Cô tập âm nhạc rất chuyên cần. Một hôm, các bạn học đi chợ hết, riêng mình Rebecca ở lại nhà.

Nghe thấy cô chơi một bài nhạc hay quá, bà Minerva khôn ngoan tính toán ngay rằng có thể hà tiện món tiền thuê ông giáo dạy nhạc cho đám học trò bé được đấy, nên bảo bà riêng cô Sharp rằng từ nay trở đi cô sẽ dạy chúng về khoa âm nhạc.

Lần đầu tiên cô gái dám không tuân lệnh trên khiến cho bà hiệu trưởng ngạc nhiên quá. Rebecca nói thẳng:

- Bà mướn tôi để nói tiếng Pháp cho bọn trò nhỏ nghe, chứ không phải để dạy chúng âm nhạc và tiết kiệm hộ bà. Muốn tôi dạy chúng, bà trả tôi thêm tiền.

Bà Minerva đành chịu thua: dĩ nhiên từ bữa ấy, bà ghét cay ghét đắng Rebecca. Bà nói một cách rất có lý rằng: “Ba mươi lăm năm nay, lần này tôi mới có kẻ dám cưỡng lại quyền tôi ngay trong nhà này. Thì ra tôi nuôi ong tay áo” ().

Nghe bà lão đang suýt chết ngất vì ngạc nhiên nói vậy, cô Sharp đáp:

- “Nuôi ong tay áo...” lạ nhỉ? Bà nuôi tôi vì tôi được việc cho bà. Giữa bà và tôi, không làm gì có chuyện ơn huệ. Tôi thù ghét nơi này, tôi chỉ muốn đi chỗ khác. Ở đây tôi chỉ làm những việc gì tôi bắt buộc phải làm thôi.

Bà già hỏi lại cô ta rằng cô biết là đang nói với bà Pinkerton không; cũng vô ích. Rebecca cười vào giữa mặt bà lão; cái cười mỉa mai độc địa một cách đáng sợ, khiến bà hiệu trưởng suýt nữa phát điên. Cô nói:

- Bà hãy trả tiền công rồi cứ tống khứ tôi đi cũng được. Hoặc bà kiếm cho tôi một chân dạy trẻ trong một gia đình quyền quý nào đó, tùy ý bà.

Rồi cứ mỗi khi hai người cãi cọ nhau cô lại nói:

- Bà tìm việc làm cho tôi đi...tôi với bà chẳng ưa gì nhau đâu; tôi sẵn sàng rời bỏ nơi này.

Dẫu bà Pinkerton đáng kính có cái mũi La mã, lại đội cả khăn, vóc dáng to béo như một cái chum và từ xưa đến nay vẫn được coi như một bà hoàng không ai dám cưỡng lại, nhưng bà cũng không có đủ sức mạnh ý chí bằng cô gái bé nhỏ tập sự này. Chống lại cô hoặc muốn uy hiếp cô ư? Vô hiệu. Một lần bà định tâm mắng cô trước mặt mọi người, liền bị Rebecca tấn công lại bằng cách dùng tiếng Pháp trả lời; thế là bà lão thất bại to. Vậy rõ ràng muốn duy trì uy quyền của mình trong trường, nhất định phải tống cái quân phiến loạn, cái con quỷ cái, cái con rắn độc, cái quân quấy rối này đi nơi khác mới xong. Nghe nói gia đình tôn ông Pitt Crawley hồi này đang cần một người dạy trẻ, bà bèn giới thiệu ngay cô Sharp đến đảm nhiệm việc đó, mặc dầu cô là con rắn độc, là đồ quấy rối.

Bà nói:

- Quả thực, tôi không thể thấy cô Sharp có lỗi gì trong cách ăn ở, trừ đối với riêng tôi. Tôi phải công nhận rằng cô là người có tài năng đáng chú ý. Cô ta đi làm ở đâu rồi cũng sẽ gây được tín nhiệm cho phương pháp giáo dục của trường tôi.

Nhân việc giới thiệu này, bà hiệu trưởng đã làm lành với chính lương tâm mình. Thế là tờ hợp đồng bị hủy bỏ, và cô giáo tập sự được tự do. Cuộc đấu tranh vừa tả ở trên bằng một vài dòng, trong thực tế đã diễn ra suốt vài tháng trời. Cô Sedley bây giờ đã mười bảy tuổi, cũng sắp sửa ra trường; cô lại là bạn thân của Sharp. Bà Minerva vẫn nói: “Trong cách cư xử của Amelia, chỉ có mỗi điều đó là khiến bà giáo không được hài lòng”.

Trước khi Rebecca nhận nhiệm vụ dạy trẻ cho một gia đình tư nhân, cô được Amelia mời về chơi nhà một tuần.

Cuộc đời đã bắt đầu với hai cô thiếu nữ như vậy. Đối với Amelia, cuộc đời hoàn toàn mới mẻ, tươi tắn sáng sủa và vô cùng rực rỡ như hoa xuân. Đối với Rebecca cuộc đời không phải là hoàn toàn mới (Thật vậy, nếu muốn nói cho đúng sự thực về việc cậu Crisp, thì phải nghe lời mụ bán bánh quả. Mụ nói ý với người khác; người này lại cam kết với người khác nữa rằng câu chuyện giữa cậu Crisp và cô Sharp “ở trong còn lắm điều hay” chưa được công bố, rằng lá thư của cậu ấy là để trả lời một lá thư khác). Song về chuyện này, ai có thể nói cho thật đúng sự thực? Tóm lại, nếu Rebecca không phải là mới bắt đầu cuộc đời, thì cô ta đang bắt đầu lại cuộc đời vậy.

Lúc này hai cô thiếu nữ đã đi đến chỗ địa đầu thị trấn Kensington, có gióng gỗ chắn ngang. Một sĩ quan khinh vệ binh trẻ tuổi phóng ngựa qua, liếc nhìn Amelia tấm tắc khen: “Chao ôi, cô ả đẹp quá!”. Amelia nghe tiếng, tuy không quên mất bạn, nhưng cũng chấm khô nước mắt, đỏ ửng mặt lên và thấy lòng hân hoan. Trong khi xe đang lăn bánh đến công viên Russell thì hai cô đang chuyện trò tíu tít về căn phòng khách, về chuyện khi được giới thiệu với khách lạ, các cô thiếu nữ có nên đánh phấn và mặc váy phồng hay không, và không biết Amelia có cái vinh dự lớn lao ấy không: cô biết rằng mình sẽ được đến dự buổi dạ hội ở nhà viên thị trưởng.

Xe về đến nhà, Sambo đỡ Amelia Sedley nhảy xuống, trông cô vui sướng và xinh đẹp như bất cứ một cô thiếu nữ nào của thành phố Luân đôn rộng lớn này. Sambo và bác xà ích, cả hai đồng ý với nhau về điểm trên; cha mẹ cô cùng toàn thể gia nhân trong nhà cũng thấy như vậy. Họ đứng trong căn phòng lớn, người mỉm cười cúi rạp xuống, người nghiêng đầu chào cô tiểu chủ của họ.

Xin các bạn cứ yên trí rằng Amelia đã dẫn Rebecca đi xem tất cả các gian phòng trong nhà, lại mở mọi ngăn kéo riêng ra cho cô xem đồ vật đựng ở trong, rồi khoe với bạn nào là sách, đàn dương cầm, quần áo, vòng cổ, ghim băng, dây ăng ten và đủ các thứ lặt vặt khác nữa; cô cứ nài Rebecca phải nhận bằng được mấy cái nhẫn bằng bạch mã não và bằng ngọc Thổ-nhĩ-kỳ, cả một tấm áo bằng “voan” mỏng rất đẹp, lấy cớ rằng tấm áo này bây giờ cô mặc hơi chật mà bạn cô mặc thì vừa xinh; cô lại định tâm xin mẹ cho phép được khoe với bạn tấm khăn san bằng lụa Cashmere trắng của cô, vẫn để dành rất cẩn thận; Joseph anh trai cô đã mua từ Ấn Độ về cho em đã nói rất thành thực rằng: “Có một ông anh trai thực là thú vị”. Cô Amelia có tâm hồn hiền hậu dịu dàng thấy Rebecca côi cút trơ trọi giữa cuộc đời, không thân thích không bè bạn, lấy làm động tâm vô cùng, Amelia nói:

- Không sợ trơ trọi đâu, Rebecca ạ. Em sẽ là bạn của chị mãi mãi, em sẽ yêu quý chị như chị em ruột, thật đấy.

- À, nhưng chị có hai bác giầu có nuông chiều chị, muốn gì được nấy; hai bác yêu thương chị, điều này quý báu hơn cả. Ngày trước, cha em chả có gì cho em: suốt đời em chỉ có hai cái áo để mặc thay đổi. Chị lại còn một ông anh, một ông anh thân mến. Chắc chị quý anh ấy lắm nhỉ!

Amelia cười, không đáp.

- Thế nào, chị không quý anh ấy à? Chị bảo rằng ai chị cũng quý cơ mà?

- Dĩ nhiên, có chứ...nhưng...

- Nhưng sao?

- Nhưng hình như anh Joseph không chú ý lắm đến chuyện em có quý anh ấy hay không thì phải. Sau mười năm xa cách, gặp lại nhau, anh ấy chìa hai ngón tay cho em bắt! Anh ấy tốt lắm, nhưng ít khi chuyện trò với em. Có lẽ anh ấy quý cái tẩu của anh ấy hơn cả...

Amelia vội ngừng lại, vì cô nghĩ sao mình lại nói xấu anh mình nhỉ? Rồi tiếp:

- Hồi em còn bé anh ấy đối với em dịu dàng lắm. Khi anh ấy ra đi, em mới lên năm tuổi.

Rebecca hỏi:

- Anh ấy có giầu lắm không? Họ đồn rằng những ông Nabobb() ở Ấn Độ lắm của lắm.

- Chắc anh ấy thu hoạch đồng niên cũng lớn.

- Thế chị dâu của chị có đẹp không?

Amelia lại cười đáp:

- Ô, anh Joseph đã lấy vợ đâu.

Hình như cô đã nói chuyện này với Rebecca rồi, nhưng cô bạn trẻ tuổi có vẻ không nhớ ra. Cô nhất định cãi rằng lần này mình đã định bụng đến xem mặt các cháu giai, cháu gái thân yêu của Amelia. Anh Joseph chưa vợ, thế thì cô bực mình quá, vì cô yên trí rằng Amelia hơi ngạc nhiên thấy tính tình bạn đột nhiên dịu dàng hẳn đi; cô nói:

- Em cứ tưởng chị đã chán ngấy trẻ con hồi ở Chiswick rồi?

Kể ra thì mấy hôm nay cô Sharp chẳng nên tỏ bày những ý kiến mà người ta rất dễ dàng thấy là giả dối thì mới phải. Song ta nên nhớ rằng cô mới mười chín tuổi, chưa quen với nghệ thuật dối trá, con người ngây thơ đáng thương thay! Cô còn đang lấy bản thân mình ra để rút kinh nghiệm trong cuộc sống. Tất cả những câu hỏi tò mò trên, trong thâm tâm cô gái tinh quái này, chỉ có ý nghĩa đơn giản như sau: “Nếu anh Joseph Sedley giầu, lại chưa có vợ, sao mình không lấy quách anh ấy? Mình chỉ ở đây có nửa tháng thật, nhưng cứ thử một tý cũng chẳng sao cơ mà”. Thế là trong thâm tâm cô quyết định sẽ thực hiện việc thử thách quý hóa này. Cô bèn ra sức vuốt ve Amelia hơn, khi đeo chiếc vòng hồng mã não, cô hôn nó, thề rằng sẽ không bao giờ, không bao giờ rời bỏ nó. Chuông điểm giờ ăn, cô vòng tay ôm lưng bạn bước xuống thang gác, hệt kiểu những cô thiếu nữ con nhà quyền quý. Đến cửa phòng khách, cô bồi hồi quá, đến nỗi gần như không đủ can đảm bước vào. Cô bảo bạn:

- Chị thân yêu ơi, hãy sờ ngực em xem, sao tim đập mạnh thế này?

Amelia đáp:

- Không, có đập mạnh đâu. Cứ vào đi, đừng sợ. Ba em quý chị lắm.