Hỡi Người Tình

Chương 12




Hàn Đinh ấn định thời gian buổi gặp thứ hai với Long Tiểu Vũ vào buổi chiều hai ngày sau đó. Trước buổi gặp ấy, Lâm ghé qua Bình Lĩnh trên đường đi tàu tới Thượng Hải. Ông ta ở lại Bình Lĩnh một đêm như đã hẹn với Hàn Đinh. Sập tối, Hàn Đinh tới ga tàu đón Lâm. Sau đấy, anh kể với Lâm diễn biến trong hai ngày qua, nhất là tâm trạng của La Tinh Tinh. Anh nói với Lâm:

- La Tinh Tinh và Long Tiểu Vũ trước đây khá mặn nồng, nên cô ấy không tin hắn ta giết người. Mà kể cả tin, cũng vẫn không muốn hắn ta chết. Điều ấy cũng dễ hiểu.

Lâm nói:

- Nhưng cũng có phải do cậu bắt hắn ta chết đâu. Hắn ta đã phạm phải tội chết, thì muốn sống cũng chẳng được.

Hàn Đinh cúi đầu nói:

- Em chỉ mong La Tinh Tinh đừng có đau buồn quá. Mong cô ấy tỉnh táo đối mặt với hiện thực này. Em cảm tưởng như, bây giờ, trong lòng cô ấy, Long Tiểu Vũ đã trở thành một nhân vật được nhào nặn bằng những ảo giác huyễn hoặc. Cũng có thể, từng ưu điểm của Long Tiểu Vũ, từng kỷ niệm ngọt ngào trước đây với hắn đã choán hết trí óc cô ấy, rồi sản sinh ra một Long Tiểu Vũ như bây giờ trong lòng cô ấy.

Lâm nghĩ ngợi giây lát, rồi nói:

- Tốt thôi. Cậu hãy nói với cô ấy những gì cậu đã đọc được trong hồ sơ của hắn! Cậu hãy bảo cô ấy rằng, người mà cô ấy đắm đuối chẳng qua chỉ là một ảo giác không chân thực, chỉ là cái vỏ hào nhoáng bên ngoài con người hắn. Cậu hãy bảo cô ấy rằng, đằng sau cái vỏ hào nhoáng ấy che giấu một trái tim tàn nhẫn. Cậu hãy hỏi La Tinh Tinh, rằng cô ấy có biết rằng, trong khi thề non hẹn biển với cô ấy, hắn ta lại đang tâm cưỡng bức Tứ Bình làm cái chuyện ấy cùng hắn! Cậu phải phơi bày sự thật. Phải nói hết với cô ấy tâm lý bệnh hoạn và bộ mặt thật xấu xa của Long Tiểu Vũ. Kẻo cô ấy cứ đinh ninh rằng, thằng ranh ấy bị oan uổng!

Phải. Có thể Lâm đã nói đúng. Chỉ có lật đổ triệt để hình ảnh của Long Tiểu Vũ trong lòng La Tinh Tinh mới là cách duy nhất để cứu nàng. Thế nhưng, buổi tối hôm ấy, khi Hàn Đinh dẫn La Tinh Tinh đi ăn tối cùng Lâm, anh không vội vạch trần ngay hành vi xấu xa của Long Tiểu Vũ. Anh muốn nhân lúc Lâm ở đây, để Lâm nói chuyện với La Tinh Tinh, để nàng tỉnh táo nhìn nhận và xử lý kết cục - mà rốt cuộc, có thể xảy ra trong vụ án này. Với La Tinh Tinh, Lâm là người bề trên, lại là người ngoài cuộc. Những lời Lâm nói có thể được xem là khách quan, công bằng.

Bởi vậy, trong lúc ba người uống trà sau bữa ăn, Hàn Đinh mượn hình thức báo cáo công việc với Lâm, nói vắn tắt về một loạt chứng cứ anh đã xem trong hồ sơ vụ án ngay trước mặt La Tinh Tinh. Lâm vừa nghe, vừa gật đầu, vẻ mặt rất nghiêm túc, vừa phát biểu một hai câu bình luận và phán đoán. Hai người kẻ xướng, người họa, phối hợp với nhau rất tự nhiên, nhịp nhàng. Cả hai đều để ý quan sát phản ứng của La Tinh Tinh, xem nàng có chấp nhận sự ám chỉ của mình không. Nhưng thái độ của La Tinh Tinh khiến hai người hơi thất vọng. Nàng không những không mảy may có một biểu lộ xả giận, mà ngược lại, còn khăng khăng rằng, nàng tin vào phán đoán của mình, rằng Long Tiểu Vũ chắc chắn đã bị oan! Có thể, nàng đã quá tin vào phán đoán của mình, đến mức mê tín. Nhưng cũng có thể, từ lâu, nàng đã nản lòng, nhưng vẫn làm ra vẻ như thế, để đốc thúc Hàn Đinh, không để anh chùn bước. Sau khi nghe Hàn Đinh kể lể một loạt những chứng cứ, câu đầu tiên nàng nói là: Bản thân Long Tiểu Vũ có thừa nhận không? Hàn Đinh chỉ có thể thật thà trả lời là không. Nhưng anh bổ sung thêm: Anh ấy không thừa nhận, nhưng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh chắc chắn mình đã không gây án. Nếu chỉ phủ nhận, mà không đưa ra được bằng chứng, thì cũng vô ích! Bất chợt, La Tinh Tinh hỏi một câu rất nghề - giống như một chuyên gia về luật vậy: Có rất nhiều người bị oan đều không thể tìm được bằng chứng để giải thoát cho mình. Chẳng lẽ, nếu không tìm thấy chứng cứ, anh ấy cứ phải nhận với tòa rằng mình có tội sao?

Hàn Đinh và Lâm đều ngẩn tò te. Sự cố chấp của La Tinh Tinh khiến Hàn Đinh càng thêm thấm thía nhận xét của Trình Dao: Con trai thiên về lý trí, còn con gái thiên về cảm tính. Con gái thường quyết định lập trường của mình xuất phát từ cảm tính. Thậm chí, lấy cảm tính thay cho lý trí.

Sự tắc tị của Hàn Đinh không chỉ bởi sự cố chấp của La Tinh Tinh, mà còn vì câu nói vừa xong của La Tinh Tinh vô tình đã nhắc đến một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng. Lâm cũng đã ý thức được điều đó. Ông ta giải thích:

- La Tinh Tinh này, câu hỏi của em rất hay. Thực ra, nó chính là một vấn đề mang tính pháp lý. Rằng: rốt cuộc là bên nguyên hay bên bị có trách nhiệm cung cấp bằng chứng. Căn cứ nguyên tắc về kết luận vô tội và không đủ bằng chứng không kết tội trong luật hiện hành, ngoại trừ một số ít tội danh như tội có tài sản lớn không rõ nguồn gốc, đại đa số tội danh đều do bên nguyên có trách nhiệm cung cấp bằng chứng, còn bên bị không có trách nhiệm cung cấp bằng chứng. Chỉ cần chứng cứ của bên nguyên không đủ thuyết phục để khẳng định một cách chắc chắn rằng bên bị có tội, thì kể cả khi bên bị không thể đưa ra chứng cứ chứng minh mình vô tội, tòa cũng không thể xử bên bị có tội. Ý em có phải như thế không?

Thấy La Tinh Tinh gật đầu, Lâm mỉm cười, nói luôn:

- Thực ra, việc Long Tiểu Vũ không tìm thấy chứng cứ chứng minh mình vô tội không phải là mấu chốt của vấn đề. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ, bên nguyên, ở đây là Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bình Lĩnh, đã đưa ra đầy đủ chứng cứ để có thể chứng minh Long Tiểu Vũ có tội. Trong luật hiện hành của ta cũng có một điều, rằng: khẩu cung của bị cáo không phải là điều kiện bắt buộc phải có để định tội. Điều 46 Luật tố tụng hình sự nước ta quy định: Trường hợp không có lời khai của bị cáo, nhưng có chứng cứ đầy đủ, xác thực, thì có thể kết luận bị cáo có tội và xử phạt hình sự.

May mà những lời ấy do Lâm nói ra, nên sự tranh cãi đương nhiên không đến mức diễn biến thành một cuộc cãi vã. Nhưng suốt buổi tối hôm ấy, tâm trạng La Tinh Tinh trở nên rất nặng nề. Hàn Đinh muốn lấy lại tinh thần cho nàng, nên sau khi tiễn Lâm về khách sạn, trên đường về Làng mới công nhân, Hàn Đinh nói với La Tinh Tinh rằng sáng sớm mai sẽ lại đến Viện kiểm sát xem hồ sơ. Anh bảo, anh sẽ photocopy một số tài liệu mang về nhà nghiên cứu. Khi ấy, La Tinh Tinh mới dần tươi tắn trở lại. Nàng ôm lấy Hàn Đinh, ngay trên đường phố. Trước đây, hai người thường ôm nhau rất tự nhiên ở chỗ đông người. Nhưng kể từ sau khi Long Tiểu Vũ xuất hiện, đây là lần đầu tiên. La Tinh Tinh ôm chầm lấy Hàn Đinh, rồi rất nhanh, nàng buông tay ra. Nàng nói:

- Anh đừng bỏ cuộc, anh nhé. Coi như vì em.

Hàn Đinh cố nuốt cục giận, buột miệng: - Ừ.

Sáng sớm hôm sau Hàn Đinh tới ga tàu tiễn Lâm, sau đấy, đến thẳng Viện kiểm sát. Ở lại đấy đến trước bữa trưa mới về đến nhà. Quả nhiên, anh mang về rất nhiều tài liệu đã được photocopy. Không phải toàn bộ mà chỉ là một phần được Viện kiểm sát cho phép mang về nhà. Những tài liệu ấy giúp La Tinh Tinh biết được thái độ và trách nhiệm nghề nghiệp của anh. Sau bữa trưa đạm bạc, La Tinh Tinh đưa Hàn Đinh tới trại giam. Hàn Đinh đã hẹn với Long Tiểu Vũ buổi chiều hôm đó tới trại giam gặp hắn. Lần trước gặp nhau, Diêu Đại Duy lái xe đưa Hàn Đinh tới trại giam, nên La Tinh Tinh không tiện đi cùng. Lần này không có Diêu Đại Duy, La Tinh Tinh nằng nặc đòi đưa anh đi. Trên đường từ Làng mới công nhân ra bến xe buýt, Hàn Đinh tranh thủ lúc sắc mặt La Tinh Tinh còn đang sáng sủa, nói qua với nàng về sách lược biện hộ của mình cũng như phương hướng điều tra, thu thập chứng cứ sắp tới. Thực ra là để ám chỉ và thuyết phục La Tinh Tinh có sự chuẩn bị sẵn về tâm lý để chấp nhận một khả năng có thể xảy ra, là Long Tiểu Vũ có tội. Nếu như tỷ lệ thành công của việc bào chữa để Long Tiểu Vũ vô tội chỉ bằng một phần trăm, thậm chí còn ít hơn thế, thì chẳng thà nghĩ cách khác để giúp anh ta. Anh nói với La Tinh Tinh:

- Em từng bảo rằng, anh ấy có phẩm chất đạo đức rất tốt, rất chịu khó và cầu tiến. Vậy chúng ta hãy tìm một vài bằng chứng để chứng minh rằng trước đây anh ấy là một người rất tuyệt vời, rằng hành vi phạm tội của anh ấy chỉ là sự bộc phát nhất thời, hết sức ngẫu nhiên. Có thể, sự biện hộ như thế sẽ khiến cho quan tòa có được một sự cảm thông. Biết đâu, nhờ đó, tòa sẽ hoãn thi hành án. Như thế, vẫn có thể tạm giữ được tính mạng anh ấy. Cách này khả thi hơn nhiều so với việc cứ khăng khăng rằng anh ấy vô tội, tốn công nhọc sức vô ích, để rồi cuối cùng bỏ lỡ cơ hội sống - dù rằng rất mong manh - của anh ấy.

La Tinh Tinh không nói gì. Đủ thấy nàng không cam tâm chấp nhận kế hoạch biện hộ nhận tội để đổi lấy tính mạng mà Hàn Đinh đưa ra. Nhưng nàng không đưa ra được lý do để phản đối, cũng không nghĩ ra được cách nào hay hơn. Sự im lặng của nàng, trên thực tế, giống như một sự chấp nhận bất đắc dĩ.

La Tinh Tinh đưa Hàn Đinh tới tận trước chiếc cổng sắt chạy điện của trại giam Sở công anh thành phố Bình Lĩnh, nhìn Hàn Đinh trao đổi với nhân viên phòng thường trực, rồi được người khác dẫn vào phía trong cánh cổng sắt đang từ từ mở ra. Hàn Đinh ngoái đầu lại. Lúc chiếc cổng sắt chuẩn bị đóng sập, anh thấy La Tinh Tinh vẫn đứng bất động ngoài cổng, mắt dõi theo bóng anh như đóng đinh.

Hàn Đinh quay đầu, đi vào trong. Anh não ruột khi nghe tiếng cánh cửa sắt đóng sầm một tiếng sau lưng. Anh biết rất rõ, rằng La Tinh Tinh đến đây không phải để tiễn anh. Nàng muốn mượn bóng anh bước vào cổng sắt để hướng ánh mắt tưởng tượng về phía tên tử tù Long Tiểu Vũ mà lát nữa đây anh sẽ phải đối mặt.

Hàn Đinh tới Văn phòng Trại giam, điền vào tờ đăng ký gặp đối tượng bị giam. Viên cảnh sát trực văn phòng nhận ra anh chính là vị luật sư trẻ tuổi mà đội trưởng đội trinh sát hình sự Diêu Đại Duy đưa đến hai hôm trước, nên vẫn rất khách khí. Cũng giống hai hôm trước, Hàn Đinh băng qua lối đi dài hun hút và vô số những lần cửa sắt, rồi lại ngồi đối diện với Long Tiểu Vũ qua một chiếc bàn dài trong phòng nói chuyện có ánh sáng tờ mờ. Vẫn là viên cảnh sát đã dẫn Hàn Đinh tới đây hai hôm trước. Nhưng lần này, anh ta không nán lại bàn nghe cuộc nói chuyện giữa Hàn Đinh và Long Tiểu Vũ như lần trước, mà đứng ở hành lang ngoài cửa, hút thuốc nói chuyện với một viên cảnh sát khác.

Do vừa đả thông tư tưởng cho La Tinh Tinh xong, nên Hàn Đinh bắt đầu cuộc nói chuyện nhẹ nhõm hẳn. Sau khi ngồi xuống bàn, câu đầu tiên của anh là:

- Anh có ngủ được không?

Trong giọng nói của anh có sự thân mật mà lần gặp mặt đầu tiên không hề có. Nhưng thái độ của Long Tiểu Vũ dường như vẫn giống hai hôm trước. Trong chán nản có chút gì đấy rụt rè. Trong rụt rè lại ẩn chứa chút gì đấy âu lo. Hắn ta gật đầu lấy lệ:

- Dạ, cũng được.

- Vậy chúng ta bắt đầu nhé.

Hàn Đinh khẽ xê dịch cơ thể để ngồi được thoải mái hơn. Anh nói:

- Hôm nay, chúng ta sẽ nói về quá khứ của anh, cuộc sống trước đây của anh và gia đình anh. Anh cứ nói thoải mái, chuyện gì cũng được.

Anh mỉm cười nhìn Long Tiểu Vũ, như để động viên hắn ta hãy thoải mái tinh thần. Nhưng có lẽ, thân phận tử tù đã khiến Long Tiểu Vũ không thể thoải mái được chỉ nhờ vào mấy câu nói cố làm ra vẻ thoải mái của Hàn Đinh. Hắn ta hơi nhếch mép, như để đáp lại bằng một nụ cười, nhưng vẫn rụt rè:

- Anh muốn biết chuyện gì ạ?

- Chuyện gì cũng được!

Ngừng giây lát, Hàn Đinh chủ động gợi ý:

- Anh hãy kể về quê anh trước đi. Anh sống ở thị trấn Thạch Cầu, thành phố Thiệu Hưng, đúng không?

Nhắc đến quê hương, ánh mắt Long Tiểu Vũ dịu lại, có một chút sinh khí. Hắn chậm rãi:

- Quê tôi, người ta thường nói là quê hương của non xanh nước biếc, cái nôi của lịch sử văn vật, đất của danh nhân hội tụ, có hai ngàn năm trăm năm lịch sử, sản sinh ra vô số tao nhân mặc khách.

- Anh đang nói về Thiệu Hưng hay Thạch Cầu?

- Đương nhiên là Thiệu Hưng. Thạch Cầu quê tôi trực thuộc Thiệu Hưng. Tôi học đại học ở Thiệu Hưng, Học viện kinh tế Thiệu Hưng. Tôi học hai năm chuyên ngành quản lý kinh tế.

- Bố mẹ anh làm nghề gì?

- Trước đây, bố tôi làm công nhân cho một nhà máy sản xuất đồ thiếc. Ngày trước, cứ vào dịp năm hết tết đến, người Thiệu Hưng lại làm lễ rất to để cúng tế tổ tiên, thần linh. Đồ tế lễ như đài nến, lư hương, bình rượu, hũ rượu... đều làm bằng thiếc. Nhưng sau đó, chẳng còn mấy ai cúng tế như thế nữa, ngoại trừ một số ít các cụ. Nhà máy thiếc làm ăn ngày càng khó khăn, buộc phải cắt giảm biên chế. Bố tôi không làm nữa. Bố tôi mê kịch Thiệu Hưng từ bé. Ông hát kịch cũng rất hay. Sau khi thôi làm ở nhà máy thiếc, ông cùng vài người bạn góp tiền mở một gánh kịch Thiệu Hưng. Người Thiệu Hưng đều thích kịch. Lỗ Tấn từng có tiểu thuyết rất nổi tiếng viết về kịch Thiệu Hưng.

Hàn Đinh cười:

- Ái chà, hóa ra bố anh còn là một nghệ sĩ nữa cơ đấy. Thú vị thật.

Long Tiểu Vũ không cười, nói tiếp:

- Ông ấy mê kịch thì diễn thôi, chứ có nghệ sĩ nghệ xiếc gì đâu. Nghệ sĩ đều diễn kịch trong rạp. Còn kịch Thiệu Hưng quê tôi, người ta đều về nông thôn, diễn trên sân khấu dựng ngoài trời. Phải gân cổ lên mà hát, nếu không, những người đứng phía sau không nghe thấy. Thành ra, luyện được chất giọng khỏe. Người Thiệu Hưng thậm chí còn xem thường cánh nghệ sĩ biểu diễn trong rạp. Bố tôi bảo, ngày xưa, kịch Thiệu Hưng nổi tiếng nhất là giọng thép Trần Hạc Cao và giọng vàng Uông Du Khôi. Họ mà hát thì người trong phạm vi vài dặm đều nghe thấy. Trước đây làm gì có loa khuếch âm như bây giờ.

- Đúng, hát kịch phải trường hơi, giọng khỏe. - Hàn Đinh phụ họa một câu, rồi hỏi tiếp: - Còn mẹ anh, bà có thích nghệ thuật không?

- Bố mẹ tôi bỏ nhau từ lâu rồi. Hồi tôi sáu tuổi, mẹ tôi quen một người đàn ông giàu có, rồi bỏ bố con tôi đi theo ông ta vào một ngày mưa, chẳng mang theo thứ gì. Kể từ đó, bặt vô âm tín. Nhưng bao năm qua, bố tôi vẫn luôn nhớ nhung bà. Lúc ra đi, mẹ tôi để lại chiếc vòng tay ngọc trai bà vẫn đeo thường ngày. Sau này, bố tôi đeo khư khư chiếc vòng ấy. Kể cả lúc tắm, khi ngủ, cũng không cởi ra. Tôi chẳng có ấn tượng gì về dáng hình mẹ tôi, nhưng tôi cũng luôn rất nhớ bà. Có lẽ bởi ai cũng đều cảm thấy mình cần phải có một người mẹ.

Hàn Đinh im lặng giây lát như để cảm thông, rồi mới hỏi tiếp:

- Bố anh với anh thế nào? Ông ấy không lấy cho anh một người mẹ kế à?

Long Tiểu Vũ lắc đầu:

- Không. Bố tôi không lấy ai. Ông sợ mẹ kế sẽ hắt hủi tôi. Thế nên, bao năm qua, bố tôi vừa làm chức phận của người cha, vừa đảm đương chức phận của người mẹ. Vất vả lắm. Hồi nhỏ, tôi đi theo bố tôi đến khắp thôn xã biểu diễn. Tôi học tiểu học ngay tại gánh kịch. Bố tôi tới hiệu sách, mua sách giáo khoa tiểu học và dạy tôi. Đến cấp hai, tôi mới vào học ở trường Trung học Thạch Cầu. Bởi thế, kiến thức học cơ bản của tôi không được tốt lắm.

- Bố anh không muốn anh nối nghiệp hát kịch à? Hồi nhỏ, anh theo gánh kịch ròng rã khắp nơi, chẳng lẽ, không thích kịch một tí nào?

- Hồi nhỏ, tôi đã từng hát kịch. Hát kịch Thiệu Hưng đã lắm. Nhất là lúc diễn cảnh uống rượu. Khán giả ở dưới cứ gọi là phê. Quê tôi là xứ sở của rượu, nên ai cũng thích uống rượu. Trên sân khấu, diễn viên diễn cảnh say rượu, thân hình lảo đảo, lắc lư, xiêu vẹo. Dưới sân khấu, khán giả cũng lảo đảo, lắc lư, xiêu vẹo theo. Say vì kịch. Thật sự là rất đã. Nhưng cũng không hiểu vì sao, mặc dù bố tôi là người mê kịch, nhưng ông lại kiên quyết không muốn tôi học kịch. Hồi nhỏ, một anh trong gánh kịch dạy tôi chiêu nhào lộn. Bố tôi biết, đánh cho tôi một trận. Người trong gánh kịch đều biết tính bố tôi, nên không ai dám dạy tôi nữa. Anh xem, bố tôi mặc dù mê kịch là thế đấy. Nhưng trong tâm tâm, ông vẫn cảm thấy hát kịch không phải là một công việc nghiêm chỉnh, không có tương lai. Ông muốn tôi đi học, tốt nhất là học tiếng Anh hay vi tính, đại loại thế. Theo ông, phải học những thứ ấy, sau này mới làm được việc lớn. Thế nên, khi tôi vừa mười hai tuổi, ông kiên quyết không cho tôi ở trong gánh kịch, mà bắt tôi phải tới trường học hành hẳn hoi. Sau khi tôi tốt nghiệp cấp ba và thi đỗ đại học, ông vay mượn tiền nong chu cấp cho tôi học đại học. Lúc nhận giấy báo trúng tuyển của Học viện kinh tế Thiệu Hưng, tôi còn chưa kịp có phản ứng gì, bố tôi đã òa lên khóc.

Hàn Đinh gật gù:

- Công cha như núi Thái Sơn.

Long Tiểu Vũ cười nhạt, nói:

- Tôi học quản lý kinh tế. Bố tôi bảo, thế giới trong tương lai sẽ là thế giới của kinh tế. Những người am hiểu về kinh tế-tài chính sẽ là những chủ nhân trong tương lai. Bố tôi mong tôi sau này làm việc cho một công ty lớn. Ông bảo, đấy mới là công việc nghiêm chỉnh. Tiếc rằng, tôi mới học được hai năm, bố tôi bạo bệnh qua đời. Ông bị tai biến mạch máu não, cũng không hiểu vì sao ông lại bị căn bệnh quái ác ấy. Bố tôi qua đời, tôi không có tiền học tiếp đại học. Để chu cấp cho tôi học đại học, bố tôi đã vay mượn rất nhiều tiền. Tôi phải bán nhà, bán hết đồ đạc trong nhà, trừ chiếc vòng ngọc trai, để trả nợ. Chiếc vòng ấy mẹ tôi để lại cho bố tôi khi bà bỏ đi. Bố tôi luôn đeo nó, coi nó như kỷ vật quý giá, nên tôi không thể bán nó. Đây cũng là kỷ vật bố tôi để lại cho tôi, nên tôi luôn đeo nó. Đeo nó, tôi mới có cảm giác rằng tôi đã từng có bố mẹ, những người luôn hết mực thương yêu tôi. Sau khi trả xong nợ nần, còn lại hai trăm tệ. Tôi thuê một chiếc thuyền mui của một người họ hàng xa trên thị trấn, hàng ngày chèo thuyền chở người và hàng hóa kiếm tiền sống qua ngày. Quê tôi vùng sông nước. Bốn bề làng mạc, thị trấn là nước. Ranh giới làng này với làng kia là nước. Làng mạc xếp nối nhau trên nước. Trước đây, ở thành phố Thiệu Hưng, sông mương cũng nhiều như đường xá. Nhiều người coi thuyền là đôi chân, đi lại rất tiện lợi. Anh đã trông thấy thuyền có mui chưa? Ở quê tôi, loại thuyền ấy phải chèo bằng cả chân và tay. Phải luyện một thời gian, mới chèo được.

Hàn Đinh yên lặng lắng nghe. Giọng Long Tiểu Vũ cứ đều đều, kể về thân thế của mình. Có lúc, hắn như sống lại kỷ niệm cũ, trầm tư giây lát. Những lúc như thế, hắn cơ hồ quên phắt mình là kẻ tử tù đang phải đeo còng. Dường như, hắn coi Hàn Đinh đang ngồi phía đối diện như cái bóng của mình. Cái bóng có thể giao lưu tâm hồn, cái bóng có thể tâm sự với hắn, hoặc giả, coi anh như một người bạn có thể trút bầu tâm sự, một người bạn sẵn sàng ngồi lại, cùng hắn ôn lại quá khứ sau bao sóng gió hắn đã trải qua.

Lúc này, cảm giác của Hàn Đinh với Long Tiểu Vũ cũng có một chút thay đổi. Anh bất giác rơi vào chuỗi tưởng tượng có hình hài. Sự tưởng tượng đưa anh đến thăm gánh kịch vùng quê Giang Nam và đứa trẻ phiêu bạt khắp nơi, cả người cha yêu con bằng tình yêu người mẹ với biết bao kỳ vọng vào con trai mình... Cuộc đời của một chàng trai trẻ như Long Tiểu Vũ không ngờ lại đầy rẫy những bất hạnh như thế: bố mất, bỏ học, từ nhỏ đã không có mẹ, hai mươi tuổi thành kẻ vô gia cư. Câu chuyện ngắn gọn mà giản dị bất giác khơi dậy trong Hàn Đinh lòng cảm thông. Con người, ai cũng có lòng cảm thông. Chính bởi cảm thông, Hàn Đinh bỗng có chút thiện cảm và thấy thương cảm cho người đồng trang lứa dáng vẻ đứng đắn, thật thà đang ngồi trước mặt anh.

Nhưng nhu cầu công việc mách bảo anh đã đến lúc phải chuyển đề tài. Nhân lúc Long Tiểu Vũ dừng lại, anh nói chêm vào, dẫn câu chuyện sang hướng khác. Anh hỏi:

- Tứ Bình cũng là người Thạch Cầu à? Anh và cô ấy quen nhau khi nào?

- Tứ Bình ư? Cô ấy không phải người Thạch Cầu. Nhà cô ấy ở thành phố Thiệu Hưng. Bố mẹ cô ấy vốn là công nhân nhà máy giấy. Mẹ Tứ Bình bị bệnh phong thấp nặng, đến mức không xuống được giường. Ở Thạch Cầu có một ông lang chữa bệnh phong thấp rất nổi tiếng. Tứ Bình đưa mẹ đến khám bệnh. Khám bệnh xong, cô ấy và mẹ đi thuyền của tôi về thành phố. Lần đầu tiên đi thuyền của tôi, Tứ Bình mặc chiếc áo len màu đỏ, rất bắt mắt. Ở chỗ chúng tôi, con gái như Tứ Bình được xem là sắc nước hương trời. Cô ấy đưa mẹ đi khám bệnh, mấy lần đều đi thuyền của tôi. Cô ấy chỉ đi thuyền của tôi. Chúng tôi quen nhau như thế. Tứ Bình làm việc cho một nhà máy rượu ở Đông Phố, Thiệu Hưng. Nhà máy làm ăn khấm khá. Tứ Bình bảo tôi tới đó xin việc, thu nhập cao hơn chèo thuyền, mà cũng ổn định. Tôi liền nghe theo.

Đây thực ra là một tình huống tình cờ rất hay gặp trong cuộc sống. Nhưng khi nghe xong, Hàn Đinh bất giác liên tưởng đến miền quê của chị Tường Lâm trong bộ phim “Chúc Phúc”. Sự tình cờ ấy đã biến thành một câu chuyện tình cảm động. Dưới dãy núi xanh ngắt trùng điệp, trên con sông chảy qua đồng quê, trong mưa phùn lâm thâm vùng Giang Nam, trong tiếng bì bõm cổ xưa của con thuyền mui, chàng trai chèo thuyền đội mũ dạ đen và cô gái đi thuyền mặc áo len đỏ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Quả là một câu chuyện đẹp. Hàn Đinh có vẻ thật sự thích thú. Anh hỏi tiếp theo mạch chuyện:

- Anh tới nhà máy rượu làm, rồi sao nữa?

Giọng Long Tiểu Vũ vẫn đều đều:

- Chỗ chúng tôi có rất nhiều nhà máy rượu. Anh có biết rượu hoàng tửu Thiệu Hưng không? Nổi tiếng lắm. Người Giang Nam ai cũng thích rượu này. Trước đây, mọi người đều nói: Hoàng tửu trong thiên hạ có từ Thiệu Hưng/ Hoàng tửu Thiệu Hưng có từ Đông Phố. Bởi Đông Phố ở vùng Tam Khúc, Kim Hồ. Chất nước ở đó thích hợp nhất để làm rượu. Ở Đông Phố, đến ngay cả không khí cũng đượm mùi rượu. Tứ Bình làm ở nhà máy rượu “Bách niên hồng”. Nhà máy này có từ một trăm năm trước. Vào những năm năm mươi của thế kỷ trước, nhà máy bị đóng cửa. Đến những năm tám mươi, thế hệ sau của “Bách niên hồng” mở lại nhà máy, vẫn dùng cách cất rượu truyền thống. Anh đã uống hoàng tửu Thiệu Hưng bao giờ chưa? Rượu ấy còn gọi là rượu cơm. Lúc đầu uống thấy êm, nhưng sau rất say. Người miền Bắc các anh thường uống không quen thứ rượu ấy.

- Tứ Bình làm công việc gì ở nhà máy rượu? - Hàn Đinh hỏi.

- Cô ấy làm thống kê ở văn phòng.

- Thế còn anh, anh làm gì ở nhà máy?

- Tôi ấy à? Làm rượu. “Bách niên hồng” là một nhà máy nhỏ. Không giống với các nhà máy lớn, “Bách niên hồng” không chia ra thành các xưởng, các công đoạn. Chúng tôi làm tất tật từ đầu chí cuối, công đoạn nào cũng phải làm. Tôi là lính mới, không biết gì về kỹ thuật, toàn phải làm những việc nặng nhọc, nên vất vả lắm.

- Anh là sinh viên. Gì thì gì cũng đã học hai năm quản lý kinh tế. Dù chưa tốt nghiệp, nhưng cũng nên làm những công việc liên quan đến quản lý. Sao anh lại chấp nhận làm những công việc thuần túy tay chân như thế?

Long Tiểu Vũ cười:

- Chỗ chúng tôi, tìm việc khó khăn lắm. Tôi lại chẳng quen biết gì. Nhà máy chỉ cần lao động chân tay. Tôi xin vào, đương nhiên phải làm việc nặng nhọc. Nhưng học cất rượu cũng thú lắm. Cất rượu là một thứ văn hóa.

Hàn Đinh cũng cười theo. Có thể, đơn giản chỉ vì tôn trọng câu “cất rượu cũng là một thứ văn hóa”, nên anh mới hỏi tiếp một câu:

- Rượu cất thế nào?

Nói đến cất rượu, sắc mặt Long Tiểu Vũ có phần nghiêm trang. Dường như, đó là sắc thái tình cảm cần phải có khi nói đến hai chữ “văn hóa”. Có thể, vì hắn ta ngỡ Hàn Đinh thích thú tìm hiểu về việc cất rượu thật, nên kể lể một thôi một hồi:

- Cất rượu, đầu tiên phải làm men. Anh có biết men rượu không? Đó chính là chất gây men của rượu. Chỗ chúng tôi, men rượu còn được gọi là “thuốc rượu”, “bánh rượu”. Nguyên liệu làm men gồm bột gạo, đường cát, cho thêm một ít thảo dược hoặc cỏ lạt liễu. Sau đó, trộn thêm cái gây men, để trong một môi trường nhiệt độ nhất định, thời gian nhất định. Men rượu có vị ngọt và thơm. Rất nhiều nhà máy rượu lớn bây giờ sử dụng loại men công nghiệp được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Nhưng thực ra, rượu làm bằng loại men này không thể ngon bằng loại rượu chưng cất bằng phương pháp cổ truyền của chúng tôi.

Nghe Long Tiểu Vũ giới thiệu, Hàn Đinh thấy phức tạp quá. Đúng là nghề nào cũng có cái khó, vất vả riêng. Anh hỏi:

- Thế có phải, đổ men vào nước, là thành rượu à?

Long Tiểu Vũ lắc đầu:

- Không. Làm men chỉ là bước đầu tiên của quy trình cất rượu. Bước thứ hai là “ngâm cơm”. Người ta hấp gạo nếp thành cơm, rồi xới vào hũ. - Do tay bị còng, nên Long Tiểu Vũ buộc phải dùng cả hai tay vẽ một vòng tròn trước ngực mô phỏng kích cỡ to nhỏ của hũ rượu: - Mỗi hũ rượu đựng già năm cân cơm nếp, rồi trộn men rượu vào để cơm lên men. Chỗ chúng tôi còn gọi cơm ngâm là “rượu mẹ”. Ý nói cơm ngâm trong hũ sau khi lên men sẽ giống như rượu mẹ, có thể đẻ ra rượu.

- Bây giờ, chắc đã đến công đoạn đổ nước vào rồi chứ hả?

Long Tiểu Vũ cuối cùng cũng gật đầu:

- Phải. Lúc này, người ta lấy nước ở hồ Giám, đổ vào hũ chứa “mẹ rượu”, trộn đều, đậy nắp. Công đoạn này gọi là “nấu cơm” hay “bày cơm”, coi như công đoạn ủ rượu chính thức bắt đầu. Làm hoàng tửu rất coi trọng yếu tố thời tiết, khí hậu. Thời gian rượu lên men dài ngắn liên quan mật thiết đến thời tiết. Thời gian tốt nhất để “ngâm cơm” là trước tiết tiểu tuyết(6) theo lịch âm. Thời gian tốt nhất để “nấu cơm” là vào độ tiết đại tuyết(7). Bởi khi ủ rượu bằng nước vào dịp tiết đại tuyết, rượu sẽ khó bị biến chất, tiện cho việc cất giữ, bảo quản sau này.

Hàn Đinh có phần nôn nóng, muốn kết thúc ngay đề tài này:

- Đổ nước vào là thành rượu, đúng không?

Long Tiểu Vũ lại lắc đầu:

- Sau khi “bày cơm”, còn phải đợi chín mươi ngày nữa. Đến tầm tháng Hai, tháng Ba âm lịch năm sau lại phải làm công đoạn cuối cùng, gọi là “ép-nấu”. Lọc bã rượu xong, rót nước vào trong một cái nồi lớn đun. Đun xong, lại rót vào hũ, khi ấy mới thành rượu. Nhưng sau khi rót vào hũ, rượu vẫn chưa uống ngay, mà phải lấy đất sét gắn nắp lại. Đợi vài ba năm sau mới mang ra để uống. Thời gian để càng lâu càng tốt. Rượu để chưa đủ ba đến năm năm vẫn chưa ngấu hẳn. Thế nên mới có câu, rượu càng cũ càng ngon.

Hàn Đinh đột ngột chuyển đề tài. Đến ngay cả anh cũng không hiểu vì sao mình lại nói ra một câu cay nghiệt như thế. Để đến nỗi Long Tiểu Vũ đang từ chỗ say sưa với câu chuyện về cất, ủ rượu chợt chuyển sang tâm trạng bối rối đến bẽ bàng:

- Phải, rượu càng cũ càng ngon. Nhưng cũng có câu: gái càng mới càng giòn. Anh và Tứ Bình thân mật với nhau bao lâu?

Câu chuyện rõ ràng đã chuyển hướng quá bất ngờ. Long Tiểu Vũ đăm đăm nhìn Hàn Đinh. Rồi rất nhanh, hắn chỉnh lại giọng điệu, ngoan ngoãn trả lời như một tên tội phạm đang cung khai:

- Dạ, được chừng hai năm.

- Anh theo đuổi cô ấy, hay cô ấy theo đuổi anh?

- Tôi nghĩ, có lẽ cô ấy đã theo đuổi tôi. Vâng. Cô ấy theo đuổi tôi.

- Ý anh là, thực ra, anh không hề thích cô ấy, phải không?

Khẩu khí của Hàn Đinh lộ rõ hoài nghi, cả một chút khinh bỉ:

- Anh đã không thích Tứ Bình, tại sao còn quan hệ yêu đương với cô ấy? Phải chăng, vì khi ấy, điều kiện của cô ấy tốt hơn anh, hay vì anh có việc phải cầu cạnh, nhờ vả cô ấy?

Long Tiểu Vũ lặng thinh. Sự lặng thinh của hắn rõ ràng không phải vì hắn cứng họng, mà vì hắn đang phản kháng. Rất lâu sau, hắn mới chậm rãi:

- Tôi chẳng có việc gì phải cầu cạnh, nhờ vả cô ấy cả.

- Vậy, anh có thích cô ấy không?

Hàn Đinh trước sau muốn làm rõ một điều, rằng quan hệ giữa Long Tiểu Vũ và Chúc Tứ Bình đã khởi đầu như thế nào, quan hệ ra sao, để rồi cuối cùng Long Tiểu Vũ lại giết Tứ Bình. Bởi thế, anh bám chặt chủ đề này, cương quyết hỏi đến cùng.

Long Tiểu Vũ vẫn im lặng, lát sau, mới chậm rãi:

- Tôi không phải người vô tâm. Người nào đối xử tốt với tôi, tôi sẽ báo đáp người ấy. Từ nhỏ, bố tôi đã dạy tôi như thế. Hồi còn bé, tôi đi theo bố tôi suốt, sống vất vả, phiêu bạt vô định. Bất cứ nơi đâu, hễ có người đối xử tốt với chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi đều rất cảm kích, muốn làm một việc gì đó để đền đáp người ấy. Bố tôi là người như thế.

- Tứ Bình có đối xử tốt với anh không?

- Có. Lúc tôi vừa chân ướt chân ráo đến Đông Phố, lạ nước lạ cái, sống trong một gian kho trong nhà xưởng, ban ngày làm việc, ban đêm trông kho. Hồi ấy là mùa đông, chăn tôi mang theo rất ít, Tứ Bình bèn lấy chiếc đệm và lò sưởi của nhà mang cho tôi. Cô ấy còn mang cho tôi cả món thịt xào măng do cô ấy làm. Cô ấy rất tốt với tôi. Trên đời này, tôi chẳng còn ai thân thích, nên khi ấy, cảm giác cô ấy giống như người thân của tôi.

Hàn Đinh chăm chú nhìn Long Tiểu Vũ. Anh không đọc được một mảy may xảo quyệt trong giọng nói bình thản của hắn. Hắn kể về tuổi thơ, về người cha, về niềm vui và khó khăn đã trải qua, về cô gái theo đuổi hắn, về quan niệm đối nhân xử thế của hắn... Tất cả, dường như đều rất thật. Hàn Đinh không phát hiện thấy sự hư cấu, dối trá, dù chỉ một câu. Ấn tượng, cảm nhận Hàn Đinh có được qua những câu chuyện của Long Tiểu Vũ cơ hồ như có một khoảng cách rất khó để vượt qua, một nghi vấn không thể giải thích và một mâu thuẫn không thể thống nhất với hành vi bạo lực rùng rợn mà Long Tiểu Vũ gây ra cho Tứ Bình. Bất giác, Hàn Đinh muốn ngắm thật kĩ kẻ trạc tuổi mình đang ngồi phía đối diện. Liệu hắn có giết người? Liệu hắn có thể đang tâm giết một người con gái từng yêu hắn, giúp đỡ hắn, sưởi ấm hắn trong lúc hắn khó khăn nhất? Liệu hắn có thể là một kẻ điên rồ tàn nhẫn, dám làm những chuyện đâm chém, hãm hiếp, giết người? Nếu câu trả lời là đúng, thì rốt cuộc, nguyên nhân gì đã khiến cho hắn và Tứ Bình từ hai kẻ đang yêu thành hai kẻ thâm thù? Buổi nói chuyện sắp kết thúc. Hàn Đinh chợt nhận ra, bản thân anh chưa hề tìm ra một mạch dẫn hợp lô-gíc cho động cơ giết người của Long Tiểu Vũ. Mà ngược lại, dường như, anh ngày càng lún sâu vào mớ rối rắm này. Thực sự, anh rất muốn hỏi thẳng một câu: “Tứ Bình đối xử tốt với anh như thế, sao anh lại muốn giết cô ấy. Phải chăng vì La Tinh Tinh?”. Nhưng anh không hỏi, bởi anh biết, làm thế chỉ vô ích. Trước bao nhiêu chứng cứ không thể chối cãi, Long Tiểu Vũ vẫn một mực ngoan cố, cương quyết không nhận tội. Chẳng lẽ, anh còn mơ mộng hão huyền, rằng hắn ta sẽ buột miệng nói ra động cơ gây án của mình chỉ vì một câu truy vấn phẫn nộ của anh? Hàn Đinh không muốn làm một thí nghiệm ấu trĩ như thế.

Buổi tối hôm có cuộc nói chuyện thứ hai với Long Tiểu Vũ, Hàn Đinh đã nói chuyện điện thoại rất lâu với Lâm. Khi ấy Lâm đã tới Thượng Hải và đang ở khách sạn. Hàn Đinh tâm sự với Lâm về mâu thuẫn và ngờ vực trong lòng. Những mâu thuẫn, ngờ vực ấy khiến anh có một chút không tin tưởng, rằng Long Tiểu Vũ sao lại có thể là một kẻ sát nhân được miêu tả bằng ngần ấy chứng cứ trong trong hồ sơ vụ án. Anh bảo Lâm, trực giác của anh đối lập và xung đột mạnh mẽ với những chứng cứ mà anh đã xem. Dù rằng, bởi mối quan hệ giữa anh và La Tinh Tinh, nên anh không hề thiện cảm với Long Tiểu Vũ. Theo bản năng, lẽ ra, anh phải rất rất bài xích hắn ta, thế nhưng, trực giác ấy vẫn cứ nảy sinh. Anh nói với Lâm về trực giác của mình. Trực giác ấy làm anh thấp thỏm, âu lo. Anh bảo, không biết lần sau gặp Long Tiểu Vũ nên hỏi hắn ta những gì.

Lâm sâu sắc hơn Hàn Đinh vẫn tưởng. Chỉ bằng một câu, ông ta đã “đọc vị” Hàn Đinh:

- Cậu đang lung lay về phương án bào chữa lúc đầu, đúng không?

Hàn Đinh sững người, không biết nói sao. Quả thực, Lâm đã nói ra điều mà Hàn Đinh chưa ý thức được rõ ràng. Nhưng nếu cứ để trực giác dẫn đi, anh tất sẽ đi tới kết luận ấy. Phải. Lúc này đây, trong thâm tâm anh, phương án lúc đầu đang mâu thuẫn với trực giác của anh. Phương án ban đầu của anh, Lâm biết và cũng tán đồng. Đó là: lấy động cơ phạm tội làm trọng điểm biện hộ, tìm chứng cứ giúp giảm nhẹ tội cho Long Tiểu Vũ, chứ không phải để chứng minh hắn vô tội. Phương án này đương nhiên ổn thỏa. Ưu điểm lớn nhất của nó là: tránh phải đối kháng chính diện với một loạt chứng cứ vững vàng, nhưng lại thu được thắng lợi ở một mặt trận khác. Khuyết điểm lớn nhất của nó là: cả quá trình biện hộ chắc chắn không có gì gay cấn, bất ngờ. Luật sư chỉ biện hộ lấy lệ, còn với bị cáo, anh ta chắc chắn sẽ phải chết!

Lâm nói đúng. Hàn Đinh đã lung lay. Trực giác mách bảo anh rằng rất có thể Long Tiểu Vũ đã bị oan. Dẫu rằng, người làm trong ngành luật không quan tâm lắm đến trực giác. Trực giác rốt cuộc chỉ là thứ hư vô. Trước những chứng cứ thực tế, trực giác không đáng một xu. Trừ phi, trực giác có thể tìm thấy một kẽ hở trong một loạt những chứng cứ trông có vẻ rất vững vàng kia để từ đó anh khai thác, mở rộng nó. Lâm hỏi Hàn Đinh:

- Cậu có thể tìm thấy kẽ hở không? Một loạt những chứng cứ giống như một sợi xích hoàn chỉnh. Mỗi chứng cứ đều là một mắt xích không thể thiếu. Cậu có thể tìm được khuyết tật trong một mắt xích nào đó không? Cậu có thể gỡ mắt xích có tật ấy ra để làm đứt cả sợi xích không?

Hàn Đinh ngẫm nghĩ hồi lâu. Trong điện thoại, Lâm nghe thấy hơi thở nặng nề của anh. Sau đấy, lại nghe thấy giọng nói hơi có phần do dự của anh:

- Hồ sơ của bên công an nói rằng, trong lúc cưỡng bức Tứ Bình, Long Tiểu Vũ bị cô ta chống cự, nên mới nảy ý giết người. Nhưng theo em biết, khi ấy, Long Tiểu Vũ đã yêu La Tinh Tinh. Đàn ông một khi đã yêu người đàn bà khác, thường không còn thích người tình cũ. Em không hiểu lắm, nhưng em có cảm giác, rằng đàn ông là như thế.

Lâm sốt sắng:

- Đúng, thường là như vậy. Thế ra Tứ Bình trước đây có đi lại với Long Tiểu Vũ à? Quan hệ giữa họ là như thế nào?

- Long Tiểu Vũ bảo, Tứ Bình là bạn gái cũ của hắn. Hai người quen nhau hồi ở quê.

- Đã quan hệ tình dục với nhau chưa?

- Rồi ạ. Nhiều lần.

Lâm đã có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông ta hùng hồn:

- Đàn ông khi đã có tình mới, thường lạnh nhạt với tình cũ. Tình cảm với người cũ chưa hẳn đã giảm đi, nhưng chắc chắn không còn quá ham muốn xác thịt. Đây là quy luật. Vấn đề cậu đưa ra rất hay. Long Tiểu Vũ và Tứ Bình đã là già nhân ngãi, non vợ chồng, thì việc gì hắn ta phải đòi cưỡng bức cô ấy cho bằng được. Động cơ giết người mà bên công an đưa ra chắc chắn là có vấn đề!

Hàn Đinh nói:

- Trong hồ sơ của bên công an, lời khai của các nhân chứng đều cho rằng, Long Tiểu Vũ và Tứ Bình không có quan hệ yêu đương. Đến ngay cả những người đồng hương với Tứ Bình ở Bình Lĩnh và bố mẹ cô ấy cũng đều xác nhận rằng, Tứ Bình và Long Tiểu Vũ chưa hề yêu nhau. Nhưng chính Long Tiểu Vũ thừa nhận với em rằng, Tứ Bình là bạn gái cũ của hắn. Chỉ có điều, bây giờ, hắn không còn yêu cô ấy nữa.

Lâm trầm ngâm giây lát, rồi đột nhiên phấn khích hẳn lên. Giọng ông ta giống như một chỉ thị, một quyết định, một mệnh lệnh:

- Tốt rồi. Cậu hãy tìm đột phá từ chính tình tiết này! Chỉ cần chứng minh được rằng, Long Tiểu Vũ và Tứ Bình trước đây quả thực đã yêu nhau, quả thực đã có quan hệ tình dục. Đương nhiên, số lần quan hệ càng nhiều càng tốt, thời gian duy trì mối quan hệ ấy càng lâu càng tốt. Chỉ cần có được những chứng cứ chứng minh điều đó, có thể khẳng định, động cơ phạm tội mà bên công an nhận định lúc đầu rõ ràng là quá gượng ép. Quan trọng hơn, khi đã có được những chứng cứ như thế, ta còn có thể chứng minh được rằng, những nhân chứng mà bên công an đã lấy lời khai, kể cả người đồng hương, kể cả bố mẹ Tứ Bình, đều đã khai man để che giấu chân tướng sự việc! Thế thì vụ án này hay ra trò đấy. Ít nhất, chúng ta có thể chất vấn tòa rằng, tại sao các nhân chứng lại đồng thanh nói dối? Tại sao lại che giấu quá khứ giữa bị cáo và người bị hại? Che giấu như vậy, những người đứng ra làm chứng, rốt cuộc, có lợi gì?