Kẻ Trộm Sách

Chương 10




š TÓM TẮT NHỮNG XUNG ĐỘT GIỮA ›HANS HUBERMANN VÀ CON TRAI ÔNG

Theo Hans Con, bố gã là một phần của một nước Đức già nua, đổ nát – một đất nước cho phép bất cứ ai đi nhờ xe trong khi con dân của chính nó lại phải gánh chịu hậu quả. Lớn lên, gã nhận thức được rằng cha mình bị gọi là “der Juden Maler” – thợ sơn Do Thái – vì đã dám sơn nhà cho những người Do Thái.

Sau đó đã xảy ra một sự cố mà tôi sẽ trình bày đầy đủ với bạn sớm thôi – ngày mà Hans bùng nổ, khi gã chuẩn bị gia nhập đảng Quốc xã. Ai cũng biết là bạn không nên sơn che đi những câu nói xấu được viết lên mặt tiền của một cửa hàng Do Thái, và nó không tốt cho những người làm việc ấy.

“Vậy họ đã cho phép bố chưa?” Hans Con lại tiếp tục câu chuyện dang dở của họ từ hồi Giáng Sinh.

“Vào cái gì?”

“Đoán đi xem nào – vào Đảng ấy.”

“Chưa, bố nghĩ là họ đã quên trường hợp của bố rồi.”

“Thậm chí bố còn đâu có thèm thử đi đăng ký lại phải không? Bố không thể cứ ngồi đó và chờ thế giới mới đến đón bố theo cùng được. Bố phải đi ra ngoài kia và trở thành một phần của nó – mặc dù bố đã mắc phải những sai lầm trong quá khứ.”

Bố nhìn lên. “Sai lầm ư? Bố đã mắc phải sai lầm trong đời mình, nhưng việc không gia nhập vào Đảng Quốc xã không phải là một trong những chúng. Họ vẫn giữ đơn của bố - con biết điều đó mà – nhưng bố không thể quay lại đó và hỏi thăm được. Bố chỉ...”

Đó là lúc một cơn gió lạnh buốt da kéo đến.

Gió lùa mơn man dạo qua ô cửa sổ. Có thể là cơn gió lạnh buốt của Đệ tam Quốc xã, đang thu thập một nguồn sức mạnh thậm chí còn lớn hơn. Hoặc có thể nó chỉ là châu Âu đang thở. Dù thế nào đi nữa, nó cũng đã thổi ngang qua khi những cặp mắt kim loại của hai người va vào nhau loảng xoảng như đám chai lọ trong nhà bếp.

“Bố chẳng bao giờ quan tâm đến đất nước này.” Hans Con nói. “Dù thế nào thì cũng không đủ.”

Ánh mắt của Bố bắt đầu ruỗng ra. Điều này không ngăn được Hans Con. Vì một lý do nào đó mà gã ta nhìn vào đứa bé gái. Với ba quyển sách dựng đứng trên mặt bàn, như thể đang trò chuyện, Liesel đang im lặng đọc một quyển sách trong số đó. “Còn con ranh này đang đọc cái thứ rác rưởi gì vậy? Lẽ ra nó phải đang đọc cuốn Mein Kampf mới phải.”

Liesel ngước lên.

“Đừng lo Liesel,” Bố nói. “Cứ đọc tiếp đi. Nó không biết mình đang nói gì đâu.”

Nhưng Hans Con vẫn chưa chịu thôi. Gã bước đến gần hơn và nói “Hoặc mày tuân theo Quốc trưởng, hoặc chống lại ngài – và tao có thể thấy là mày chống lại ngài. Mày đã luôn như thế rồi.” Liesel nhìn gương mặt của Hans Con, mắt nó ngừng lại nơi đôi môi của gã, và đường nét lởm chởm của hàm răng dưới của gã. “Thật đáng thương hại – khi một người đàn ông chỉ biết đứng đó và chẳng làm gì cả, trong khi cả nước đang dọn dẹp rác rưởi và làm cho đất nước này trở nên vĩ đại.”

Trudy và Mẹ ngồi chết điếng ở đó, đầy sợ hãi, và Liesel cũng vậy. Có mùi của súp đậu, cái gì đó đang cháy, và mùi của sự đối đầu.

Tất cả đều chờ đợi những từ ngữ tiếp theo.

Chúng được phát ra từ miệng gã con trai. Chỉ có hai từ mà thôi.

“Đồ hèn.” Gã ném thẳng câu này vào mặt Bố mình, rồi lập tức rời khỏi căn bếp, và rời khỏi nhà.

Trong vô vọng, Bố bước về phía cổng vào và gọi với theo con trai mình. “Đồ hèn ư? Tao là đồ hèn ư?!” Sau đó ông lao ra cổng và chạy theo gã với vẻ nài xin. Mẹ chạy vội đến chỗ cửa, gạt lá cờ sang một bên, và mở cửa sổ ra. Bà, Trudy và Liesel đứng túm tụm lại cùng nhau, nhìn một người cha bắt kịp con trai ông và giữ chặt lấy gã, nài nỉ gã hãy ngừng lại. Họ không nghe được gì cả, nhưng cách mà Hans Con vùng thoát ra đã đủ lớn tiếng lắm rồi. Cái khung cảnh Bố nhìn gã ta bước đi cứ như đang gầm thét với họ từ phía cuối đường.

“Hansie!” Sau cùng Mẹ cùng kêu lên. Cả Trudy lẫn Liesel đều chùn bước trước giọng của bà. “Hãy quay lại đây!”

Gã con trai đã đi rồi.

Phải, gã con trai đã đi rồi, và tôi ước sao có thể nói với các bạn rằng mọi việc đã ổn cả với chàng Hans Hubermann trẻ tuổi ấy, nhưng không phải như thế.

Khi gã ta biến mất khỏi phố Thiên Đàng ngày hôm ấy, nhân danh Quốc trưởng, gã sẽ lăn lóc qua nhiều sự kiện của một câu chuyện khác, mỗi bước đi đều dẫn dắt gã một cách đầy bi kịch đến Nga.

Đến Stalingrad.

š VÀI THÔNG TIN VỀ STALINGRAD ›

1. Vào năm 1942 và đầu năm 43, ở thành phố ấy, mỗi sáng bầu trời đều trắng tinh như tấm vải trải giường đã được giặt tẩy.

2. Suốt cả ngày, khi tôi mang những linh hồn đi ngang qua nó, tấm vải trải giường ấy tung tóe máu, cho đến khi nó đã nhuốm đầy máu và chìm dần xuống đất.

3. Vào buổi tối, nó sẽ được trải ra và tẩy lại lần nữa, sẵn sàng chờ đón bình minh sắp đến.

4. Và khi ấy việc đánh nhau chỉ xảy ra vào ban ngày mà thôi.

Khi gã con trai đã đi khỏi rồi, Hans Hubermann vẫn đứng nán lại thêm một lúc nữa. Con đường trông mới mênh mang làm sao.

Khi ông xuất hiện lại bên trong nhà, Mẹ nhìn ông chằm chằm, nhưng không có lời nào được nói ra giữa hai người cả. Bà không chửi mắng ông chút nào, mà điều này, như bạn đã biết, là vô cùng bất thường. Có thể bà ta quyết định rằng ông đã chịu đủ tổn thương rồi, khi bị chính con trai mình mắng là đồ hèn.

Một lúc lâu sau, ông vẫn ngồi lặng thinh nơi bàn ăn khi bữa ăn đã kết thúc. Liệu ông có thực sự là một thằng hèn, như con trai ông đã chỉ ra một cách phũ phàng như thế không? Chắc rồi, trong cuộc Thế chiến đầu tiên, ông coi mình là một gã như thế. Ông quy cho việc mình sống sót là nhờ sự hèn nhát. Nhưng sau đó, liệu có phải là hèn nhát hay không khi ông nhận thức được nỗi sợ hãi? Có sự hèn nhát nào trong việc cảm thấy vui mừng vì bạn đã sống sót hay không?

Những suy nghĩ của ông như cắt chằng chịt trên mặt bàn, khi ông nhìn chằm chằm vào nó.

“Bố ơi!” Liesel hỏi, nhưng ông không nhìn nó. “Anh ta nói gì vậy? Anh ta có ý gì khi nói...”

“Không gì hết.” Bố trả lời. Ông nói, một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh, với cái bàn. “Không có gì đâu. Hãy quên hắn ta đi, Liesel.” Phải mất chừng một phút sau ông mới nói tiếp được. “Không phải là con sẽ tham gia vào một đêm đốt lửa sao?”

“Vâng thưa Bố.”

Kẻ trộm sách đi thay bộ đồng phục Thiếu niên Hitler vào, và một tiếng rưỡi đồng hồ sau, họ rời khỏi nhà, đi về phía trụ sở BDM. Từ đó, bọn trẻ con sẽ được đưa đến quảng trường thành phố theo nhóm của chúng.

Những bài diễn văn sẽ được đọc.

Một đống lửa sẽ được nhen lên.

Một quyển sách sẽ bị lấy trộm.

MỒ HÔI ĐỨC THUẦN CHỦNG

Người ta xếp hàng trên đường khi tuổi trẻ nước Đức diễu hành về phía tòa thị chính và quảng trường. Có vài lần, Liesel như quên khuấy đi mất chuyện về mẹ nó và bất cứ rắc rối nào mà nó đang gặp phải. Ngực nó rung lên khi mọi người cứ không ngừng vỗ tay. Có vài đứa trẻ vẫy tay với bố mẹ chúng, nhưng chỉ trong phút chốc thôi – vì người ta đã hướng dẫn chúng rất rõ ràng là phải diễu hành thẳng hàng và không được nhìn hay vẫy tay với đám đông.

Khi nhóm của Rudy tiến vào quảng trường và được hướng dẫn ngừng lại, đã có một trường hợp cá biệt. Tommy Muller. Cả trung đoàn đều đứng lại còn riêng Tommy thì đâm thẳng vào thằng bé đứng trước nó.

“Đồ ngốc”, thằng này buột miệng chửi, trước khi quay lên.

“Tớ xin lỗi,” Tommy nói, tay xòe ra để bày tỏ sự ăn năn của mình. Các cơ mặt của nó tự xô vào nhau. “Tớ không nghe thấy hiệu lệnh.” Đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng cũng là một điềm báo trước cho những rắc rối sắp sửa xảy đến. Với Tommy. Với Rudy.

Vào cuối buổi diễu hành, các sư đoàn Thiếu niên Hitler được phép giải tán. Việc giữ chúng tập trung lại với nhau trong khi đống lửa nhảy nhót trong mắt chúng và làm chúng phấn khích là một việc làm gần như bất khả thi. Chúng đồng thanh hô vang một tiếng Hitler Vạn tuế rồi được phép tự do đi lòng vòng khắp nơi. Liesel đưa mắt tìm Rudy, nhưng một khi đám đông trẻ nít ấy đã túa ra, thì con bé thấy ngay là mình đã rơi tõm vào giữa một đống đồng phục lộn xộn và những từ ngữ chói lói. Bọn trẻ đang réo gọi nhau.

***

Vào lúc bốn giờ rưỡi, bầu không khí đã mát dịu đi đáng kể.

Người ta đùa với nhau là họ cần phải làm ấm người lên “Đó là tất cả những gì có ích mà đống rác này có thể mang lại.” Những xe đẩy được trưng dụng để dồn chúng vào thành một đống. Cái đống ấy được dựng lên giữa quảng trường thị trấn, và được rưới lên bởi thứ gì đấy thật ngọt ngào. Những quyển sách, giấy má và những thứ khác cứ chực rơi ra hay đổ nhào xuống, chỉ để được ném vào một đống khác. Từ đằng xa, cái đống ấy trông như một ngọn núi lửa sắp phun trào. Hay cái gì đó thật kỳ cục và lạ lẫm, mà bằng một phép thần kỳ nào đó đã hạ cánh xuống ngay chính giữa quảng trường thị trấn và cần phải được dẹp biến đi, và dẹp đi thật nhanh.

Mùi của thứ được rưới lên bay về phía đám đông, lúc này họ đang đứng ở một khoảng cách khá xa. Đám đông có đến hơn một nghìn người, họ đứng trên mặt đất, trên những bậc cấp dẫn lên tòa thị chính, trên những nóc nhà quanh quảng trường.

Khi Liesel cố gắng len lỏi qua đám đông, một âm thanh lách tách khiến con bé nghĩ rằng đám lửa đã được nhóm lên rồi. Nhưng vẫn chưa, tiếng ồn đó là của những con người không động đậy, dòng người đang trôi đi, đang nóng dần lên.

Họ đã bắt đầu mà không có tôi!

Dù có điều gì đó sâu thăm bên trong bảo với con bé rằng đây là một tội ác – xét cho cùng, ba quyển sách của nó là những thứ quý giá nhất mà con bé sở hữu – thì nó vẫn buộc phải thấy đống lửa được nhóm lên. Nó không dừng được. Tôi đoán loài người luôn muốn thấy một chút gì đó bị phá hủy. Những lâu đài cát, những ngôi nhà được xây bằng lá bài, đó là nơi mà họ bắt đầu. Họ có một kỹ nâng tuyệt vời là khiến cho mọi thứ ngày càng leo thang để rồi đổ sụp.

Cái ý nghĩ sẽ bỏ lỡ cảnh tượng ấy của con bé nguôi ngoai phần nào khi nó tìm thấy một kẻ hở giữa những thân người, và nhìn thấy đống tội lỗi kia, khi đó vẫn còn nguyên vẹn. Cái đống ấy bị người ta chọc vào, tưới xăng vào, thậm chí còn bị nhổ bọt vào nữa. Cảnh tượng đó khiến con bé nhớ đến một đứa bé rách rưới khổ ải, đau đớn và hoang mang, vô vọng trước số phận mà nó không có quyền lựa chọn. Không ai ưa nó cả. Đầu nó cúi gằm. Hai tay nó đút túi. Vĩnh viễn. Amen.

Những mảnh những miếng vẫn tiếp tục rơi lả tả xuống cái đống ấy, trong khi Liesel dáo dác khắp nơi tìm Rudy. Cái đồ lợn ấy đang ở đâu cơ chứ?

Khi con bé nhìn lên, thì bầu trời đang sa xuống.

Một đường chân trời toàn những lá cờ và đồng phục Quốc xã hiện lên, che chắn tầm nhìn của nó mỗi khi nó cố gắng kiếm tìm một mái đầu trẻ con. Việc này chả có ích gì cả. Đám đông chính là đám đông. Không thể thống trị được nó. Chen lấn nó hay tranh luận với nó. Bạn phải hít thở cùng nó và hát bài hát của nó. Bạn phải chờ đám cháy của nó.

Một người đàn ông đứng lên bục và yêu cầu mọi người im lặng. Đồng phục hắn ta có màu nâu lấp lánh. Vẫn còn những nếp ủi hằn trên đó. Sự im lặng bắt đầu.

Câu đầu tiên của gã là: “Hitler vạn tuế!!!”

Hành động đầu tiên của gã là: giơ tay chào mừng Quốc trưởng.

“Hôm nay là một ngày thật đẹp,” gã nói tiếp. “Hôm nay không chỉ là ngày sinh nhật của Quốc trưởng vĩ đại của chúng ta, mà một lần nữa chúng ta đã làm kẻ thù phải ngừng bước. Ta đã ngăn không cho chúng xâm chiếm tâm trí của chúng ta…”

Liesel vẫn cố gắng len lỏi qua đám đông.

“Chúng ta đặt dấu chấm hết cho một căn bệnh đã lây lan trên toàn nước Đức trong suốt hai mươi năm qua, nếu không muốn nói là từ lâu hơn như thế nữa!” Giờ thì gã này đang thực hiện một nghi thức gọi là Schreierei – một sự bày tỏ tột bực của tiếng la thét đầy đam mê – nó cảnh báo đám đông hãy chú ý, hãy thận trọng, hãy tìm kiếm và tiêu diệt những âm mưu quỷ dữ đang muốn làm đất mẹ nhiễm bệnh bằng những phương cách tồi tệ. “Lũ đồi bại! Lũ Cộng sản!” Lại là cái từ đấy. Cái từ cũ rích ấy. Những căn phòng tối om om. Những người đàn ông mặc com lê. “Die Juden – Bọn Do Thái!”

Đến giữa bài phát biểu đó, Liesel đầu hàng. Khi từ “cộng sản” tóm lấy nó, thì phần còn lại của buổi độc diễn Quốc xã tràn qua, từ cả hai bên, mấy hút đâu đó giữa những cái chân Đức xung quanh nó. Những dòng thác của ngôn từ. Một đứa bé gái đang bược đi trên nước. Con bé lại nghĩ đến từ đó một lần nữa. Cộng sản.

Cho đến lúc này, ở DBM, bọn nó được bảo rằng người Đức là nòi giống thượng đẳng, nhưng không còn ai khác được nói đến một cách cụ thể cả. Dĩ nhiên, ai cũng biết về những người Do Thái, khi bọn họ là những kẻ phá hoại chính lý tưởng của nước Đức. Dù vậy, cho đến hôm nay, chưa lần nào những người cộng sản được nhắc đến.

Con bé phải thoát ra.

Trước mặt nó, một cái đầu với mái tóc màu vàng thưa thớt và loăn xoăn như đuôi lợn đứng yên trên đôi vai. Nhìn chằm chằm vào cái đầu ấy, Liesel như quay lại những căn phòng tối om trong quá khứ, và mẹ nó đang trả lời những câu hỏi được tạo nên bởi một từ.

Con bé nhìn thấy tất cả rất rõ ràng.

Người mẹ đói rách của nó, người cha mất tích của nó.

Đứa em trai đã chết của nó.

“Và bây giờ, chúng ta nói lời vĩnh biệt, với thứ rác rưởi này, với chất độc hại này.”

Ngay trước khi Liesel kinh tởm quay người đi để thoát ra khỏi đám đông, sinh vật bận áo màu nâu óng ả ấy ssi về phía chiếc bục. Gã ta nhận lấy một ngọn đuốc từ đồng bọn và nhóm lửa vào cái đống đã làm hắn có vẻ như nhỏ lại trong mọi sự tội lỗi của nó. “Hitler vạn tuế!”

Một nhóm người bước lên từ một nền đất và vây quanh cái đống đó, châm lửa đốt cháy nó, trong sự hò hét ủng hộ của những người còn lại. Những giọng nói trèo lổn nhổn qua vai người ta và mùi của mồ hôi nước Đức thuần chủng dội đến đầu tiên, sau đó loang ra ngoài. Nó bao phủ hết con phố này đến con phố khác, cho đến khi tất cả đều ngụp lặn trong nó. Những từ ngữ, mồ hôi. Và tiếng cười. Đừng quên tiếng cười.

˜™

Tiếp theo là rất nhiều lời nói vui vẻ, cũng như một tràng dữ dội những tiếng Hitler vạn tuế khác. Bạn biết đấy, việc này đã thực sự khiến tôi tự hỏi xem liệu có ai đó đã từng mất một con mắt hay bị thương tay, hay bị trặc cổ tay trong cái đám hỗn độn này hay chưa. Bạn chỉ cần phải quay sang một nơi không phù hợp trong một thời điểm không thích hợp thôi, hay đứng quá gần một người nào đó. Có thể người ta đã bị thương thật. Phần tôi, tôi chỉ có thể nói với bạn là đã không có ai chết trong nó, hay ít nhất, là không chết về mặt thế xác. Dĩ nhiên, có một vấn đề là tôi đã phải thu nhặt bốn mươi triệu người vào lúc mà mọi chuyện qua đi, nhưng điều này đang trở thành toàn là phép ẩn dụ thôi. Hãy cho phép tôi đưa chúng ta quay lại với đống lửa.

Những ngọn lửa màu cam vẫy tay chào đám đông khi giấy tờ và chữ nghĩa tan rã trong chúng. Những từ ngữ bốc cháy bị tách rời ra khỏi những câu văn chứa chấp chúng.

Ở bên kia, ngoài cái nóng mờ mịt ấy, có thể nhìn thấy nhưng cái áo màu nâu và chữ thập ngoặc đang xiết chặt tay nhau. Bạn không thể nhìn thấy những con người, chỉ có những bộ đồng phục và ký hiệu mà thôi.

Chim lượn nhiều vòng trên bầu trời.

Trong nỗ lực cố gắng thoát ra của Liesel, một giọng nói tìm đến tai con bé.

“Liesel!”

Giọng nói ấy len lỏi qua đám đông và con bé đã nhận ra nó. Không phải là giọng nói của Rudy, nhưng con bé biết giọng nói đó.

Con bé vùng thoát khỏi đám đông và lần theo để tìm ra gương mặt dính chặt vào giọng nói ấy. Ôi, không. Ludwig Schmeikl. Như con bé nghĩ, thằng kia không chế nhạo, đùa cợt hay nói câu nào với nó cả. Tất cả những gì mà thằng này có thể làm là kéo con bé về phía nó và chỉ vào mắt cá chân của mình. Nó đã bị giẫm đạp lên bởi sự phấn khích và đang chảy máu, dòng máu tối tăm đáng ngại đã kịp thấm qua tất của nó. Gương mặt nó toát lên một vẻ vô vọng bên dưới mái tóc vàng rối mù. Một con thú. Không phải là một con hươu trong ánh sáng. Không có gì quá điển hình hay đặc biệt. Nó chỉ là một con thú bị tổn thương giữa đám đông loại lộn xộn của mình, sẽ sớm bị chà đạp bởi đồng loại của mình.

Làm thế nào đó, con bé đã giúp nó đứng dậy rồi kéo nó ra đằng sau đám đông, về phía không khí trong lành.

Chúng loạng choạng bước cùng nhau về phía những bậc cấp bên cạnh nhà thờ. Có vài chỗ trống ở đó để chúng nghỉ chân, cả hai đều thở phào nhẹ nhõm.

Hơi thở hồng hộc cứ túa ra chạy vào nơi miệng của Schmeikl. Khí trườn xuống, qua họng thằng bé. Nó tìm cách nói chuyện.

Thằng bé ngồi xuống, nắm lấy mắt cá của mình và tìm thấy gương mặt của Liesel Meminger. “Cảm ơn”, nó nói, như nói với miệng của con bé hơn là nhìn vào mắt con bé. Thêm vài ngụm thở nữa. “Và...” Cả hai đều hình dung ra nhỡn ảnh của những trò lố bịch và một trận đánh nhau trên sân trường. “Tớ xin lỗi vì chuyện đó – cậu biết mà.”

Liesel lại nghe thấy từ đó.

Cộng sản.

Dù vậy, con bé chọn cách tập trung vào Ludwig Schmeikl. “Tớ cũng vậy.”

Sau đó cả hai đều tập trung vào việc hít thở, vì không còn gì để nói và làm với nhau nữa. Mọi mắc mớ của chúng đã chấm dứt rồi.

Máu loang ra trên mắt cá của Ludwig Schmeikl.

Một từ duy nhất dựa vào đứa bé gái.

Bên trái chúng, những ngọn lửa và những quyển sách bị đốt cháy được reo hò, hoan hô như những người anh hùng.