Lam Y Nữ Hiệp

Chương 26: Vào chốn thâm cung, Nữ hiệp gặp Lan Anh Hận duyên dang dở, Phàn nữ nhắn Chu lang




Nói về Chu Đức Kiệt, Lam Y và Âu Dương Bích Nữ khi từ giã anh em Hà Thiên Tường, Thiên Khánh thì cả ba cùng lẩn mình trong đám lá rừng dày đặc, theo dõi trận đấu giữa hai người và các tướng Kim Lăng. Tới phần hai anh em họ Hà tháo lui, Âu Dương Bích Nữ ngỏ ý muốn theo xem, thì Lam Y gạt đi nói rằng :

- Không cần theo cho mất công. Binh tướng Kim Lăng bị phục kích bất ngờ ở khu đồi đất nên không dám đuổi xa đâu. Lát nữa, sẽ về ra đây. Ta hãy chịu khó chờ rồi trở về Cao gia trang, kẻo mọi người mong đợi.

Chu Đức Kiệt nói :

- Lực lượng của Thuận Vương là mối lo đáng kể cho Yên Kinh. Cũng may triều đình còn binh tướng Tứ Xuyên của Hà tổng trấn và lực lượng Đương nguyên soái Mã Thành Long trên khu tam giác Cư Dung quan, Đông quan và Nhạn Môn quan.

Âu Dương Bích Nữ hỏi :

- Mã Thành Long là nhân vật thế nào?

Lam Y đáp :

- Mã nguyên soái là dòng dõi khai quốc công thần Mã Định Quốc, khi xưa dày công hãn mã theo đức Thái Tổ sáng lập Minh triều. Mã nguyên soái có mấy người con anh hùng lắm và binh tướng dưới quyền ngài rất tinh nhuệ.

- Tiểu muội ao ước có dịp ngao du miền núi non hùng vĩ ấy lắm.

Lam Y mỉm cười, vỗ vai Âu Dương Bích Nữ :

- Mộng giang hồ ấy thành đạt dễ dàng... Hiền muội cứ nhập linh dân miền Bắc với... chúng tôi, thì ước nguyện đó sẽ thành ngay...

Ba người mải chuyện trò lâu hơn thì có tiếng chân đoàn nhân mã kéo về.

Lam Y hỏi Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ :

- Chu huynh và hiền muội có muốn đoạt chiến lợi phẩm không?... Trước khi rời Kim Lăng cũng phải ghi lại chút ít kỷ niệm cho Thuận Vương chớ.

Hai người chưa hiểu ý Lam Y định nói gì, thì nàng ghé tai nói nhỏ mấy điều... Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ mỉm cười, đồng ý.

Đoàn nhân mã kéo tới nơi. Triệu Đại Bằng đi đầu, Hầu Văn Báo và Tống Võ Cường đi đợt nhì. Dư Đông Bích và Điêu Thiên Phượng đi cuối cùng đoạn hậu Trăng rằm đã lên cao non một trường ở hướng Đông.

Các tướng im lìm còn đương tức tối, về trận đấu không toại ý hồi này, thì từ đâu một bóng đen phi hành vụt qua mặt như tên bắn lẩn vào các chòm cây biến mất.

Triệu Đại Bằng ra lệnh cho đoàn quân tiến thẳng rồi tự quay ngựa lại khúc giữa hỏi Hầu, Tướng hai người :

- Có chi lạ không hả nhị vị hiền đệ.

Tống Võ Cường lẹ miệng nói trước :

- Có bóng đen như con vượn lớn phóng qua mặt chúng tôi, biến thẳng vào chòm cây bên đường.

- Ủa, ngu huynh cũng thấy như vậy, nên mới quay xuống đây hỏi. Kỳ thiệt.

Ba người đang đứng nói chuyện thì Dư, Điêu hai tướng kiệu ngựa nước nhỏ chạy tới.

Điêu Thiên Phượng hỏi :

- Ba đại ca dừng ngựa tại đây làm chi, có sự lạ phải không?

Triệu Đại Bằng nói :

- Sao hiền đệ đoán được như vậy :

- Tiểu đệ không đoán là vì việc vừa xảy ra cho chúng tôi đi đoạn hậu là sự thật. Vừa đi tới chỗ cành cây che lấp ánh trăng, thì bỗng vật gì như bóng ma phóng ngay trên đầu ngựa thành luồng gió quạt lạnh cả mặt.

Triệu Đại Bằng suy nghĩ giây lát :

- Ba hiện tượng ấy cùng xảy ra trong một lúc tại ba nơi, tất không phải là một người có thể hành động lanh lẹ như vậy được! Người hay vượn? Sao lại phi qua mặt chúng ta?... Giang hồ kiếm khách chăng?

Chợt nhớ ra điều gì, Điêu Thiên Phượng nói :

- Ba người! Hay là...

Họ Triệu vội hỏi :

- Ba tên chặn đánh ở Nam môn đấu trường cho bọn gian đạo hồi chiều chạy thoát.

Hầu Văn Báo cười lớn :

- Nếu là ba tên ấy, sao chúng không sát hại ta trong lúc vô ý, mà chỉ phi hành qua mặt thôi.

Triệu Đại Bằng xen vào :

- Thôi, bất tất phải luận bàn. Nên phòng bị và kéo quân về thành ngay cũng chẳng nên báo cáo vụ này với Vương gia, còn chi là thể diện nữa. Khinh suất có hại như thế đó. Bọn chúng cả gan, bản lãnh giỏi thiệt.

Năm tướng liền kẻ trước, người sau kéo quân về thành.

Chu Đức Kiệt, Lam Y và Âu Dương Bích Nữ về đến Cao gia trang thì mọi người đã tề tựu đông đủ trên thảo sảnh. Một thồi tiệc cũng đã được bày sẵn.

Cao Thiệu Đàm nói :

- Ba vị về phòng thay áo cho thoải mái, rồi lên dũng bữa ngay. Vừa uống rượu, vừa trò chuyện càng thú. Đói bụng lắm rồi.

Thấy vắng hai anh em Âu Dương, Quan Long và Tào Chí, Âu Dương Bích Nữ hỏi Tòng Thiện :

- Hai anh con chưa về sao.

Âu Dương Tòng Thiện đáp :

- Chúng cũng vừa về xong, xuống phòng thay áo. Đồng hành cùng Chu gia, con có đắc ý không?

- Dạ... thưa phụ thân... Chu huynh và Nữ hiệp... hành động chu đáo lắm.

Tòng Thiện vuốt râu mỉm cười :

- Thôi, con khá lắm, xuống nhà thay y phục đi. Lẹ lên kẻo mọi người chờ.

Âu Dương Bích Nữ cung kính nhìn Đức Võ Thượng Nhân ngồi kế bên Trại Mạnh Thường rồi quày quả về phòng chung cùng Lam Y.

Lát sau, ngót ba mươi vị hảo hán giang hồ quây tròn thồi tiệc ăn uống, kể lại chuyện đấu trường rất hào hứng, mới hay là Tòng Cát, Tòng Đức, Quan Long, Tào Chí bị bốn đầu đà và Bạch Mẫu Ngô Công Tần thị rượt đuổi nhau. Sau một trận ác liệt, bốn người không ham đánh, chạy lẩn vào rừng cây cối về Cao gia trang.

Tào Chí nóng ruột việc nhà, ngỏ ý xin phép hôm sau cáo từ về Dương Châu.

Âu Dương Tòng Đức cười :

- Trước kia, Tào huynh như chiếc nhạn bốn phương, nay mới biết thế nào là thể tróc tử phục nhé.

Tào Chí nói đỡ :

- Thiệt tình tiểu đệ thấy vắng Phàn biểu huynh, biểu tỉ nên muốn về Dương Châu xem tình hình ra sao đó thôi.

Quan Long cũng nói :

- Tiểu đệ cũng xin về với Tào ca. Nhân dịp kính mời quí vị anh hùng qua viếng Quan gia bảo luôn thể.

Bọn hảo hán theo Trại Mạnh Thường, Tòng Thiện có mấy người đi Dương Châu nên nhận lời cùng đi.

Lam Y nói với Quan Long :

- Tôi cũng nóng biết tin họ Phàn, nên chuyến này thế nào cũng phải đi Thái An huyện trước đã. Dịp khác rỗi rãi hơn sẽ trở lại Quan gia bảo mong Quan biểu huynh thể tình cho.

Âu Dương Bích Nữ vội hỏi Lam Y :

- Tiểu muội có ý mới nhị vị qua tệ trang bên Tô Châu.

Lam Y vỗ vai Âu Dương Bích Nữ, mỉm cười :

- Chẳng mời thì chúng tôi cũng... sẽ tới yết kiến bên quý trang, nhưng đối với Phàn muội hiện vắng mặt nơi đây, tình bằng hữu thấy không an tâm, nên phải đi Thái An huyện, xem tự sự ra sao, khi đến Tô Châu mới khỏi thắc mắc. Hay là... hay là...

Lam Y do dự im lặng.

Âu Dương Bích Nữ chờ Lam Y nói tiếp.

Ngồi kế bên em, Tòng Đức nghe chuyện liền nói :

- Tôi đỡ lời Chu hiệp muội và dàn xếp thế này, liệu có được không? Gia muội cũng quen thân với bên Phàn gia, chi bằng nếu không có sự cản trở, thì cả ba người cùng đi Thái An huyện, chừng nào xong việc cùng về Tô Châu có hơn không?

Âu Dương Bích Nữ mừng rỡ đỏ mặt, không dám nói gì.

Lam Y vui vẻ nói :

- Thì tôi cũng có ý ấy, nhưng e ngại Âu Dương bá phụ nên chưa dám phát biểu ý kiến.

Đức Võ Thượng Nhân nhìn hai cháu và Âu Dương Bích Nữ, chậm rãi nói :

- Nếu Âu Dương điệt nữ ưng thuận cùng đi với gia điệt ta sẽ xin phép lệnh phụ cho.

Dứt lời, Thượng nhân ý tứ nhìn Trại Mạnh Thường, mỉm cười.

Âu Dương Tòng Thiện vuốt râu nói :

- Được theo nhị vị Chu hiệp ngao du để học hỏi thì còn gì bằng nữa. Vả lại được sang Thái An huyện thăm dò tin tức Phàn gia cũng là nghĩa bạn. Trung, Hiếu, Tín, Nghĩa là đức căn bản phàm con người ta đầu đội trời, chân đạp đất phải có. Lẽ nào lão hủ này lại cấm đoán? Chúng ta là con nhà võ, trung tâm chánh khí thông cảm lắm. Ta bằng lòng cho Bích Nữ đi Thái An huyện, chừng nào xong việc, liệu mời nhị vị Chu hiệp cùng về Tô Châu nghỉ ngơi luôn thể, Tòng Cát, Tòng Đức có muốn cùng đi không?

Anh em Âu Dương đồng ý với nhau, thưa :

- Chúng con có việc phải về Tô Châu cùng phụ thân. Tam muội đi Thái An huyện là đủ rồi.

Từ nãy, Thiết Xích Tử vẫn im lìm uống rượu nghe chuyện mọi người bấy giờ mới lên tiếng :

- Ngày mai, Trương mỗ này cũng xin phép lên đường ngao du tới Lĩnh Nam. Trên bước giang hôm vị nào qua Võ Đang sơn, xin mời ghé Trương gia trang chơi cho gia đệ Tam Vân được dịp thù tiếp.

Đức Võ Thượng Nhân bảo Thiết Xích Tử :

- Nếu vậy, chúng ta cùng xuống Lĩnh Nam, tôi cần vào dãy La Phù sơn. Nhưng rán chờ gia điệt lên đường rồi ta sẽ đi sau vội chi?

- Xin vâng lệnh. Tâm thân hồ hải này có cần chi thời giờ.

Chu Đức Kiệt thưa với Đức Võ và Trại Mạnh Thường :

- Sáng ngày mốt, chúng ngu điệt sẽ lên đường.

Hôm sau, mọi người chia tay. Anh em Chu gia và Âu Dương ân cần mời lời Tào Chí chào Tào Mẫu và Hạ Thái Phượng. Riêng với Quan Long, Chu Đức Kiệt và Lam Y gửi lời thăm Tôn Thị và Quan Hổ. Các hảo hán mỗi toán vài người chia tay ra đi.

Đức Võ Thượng Nhân, cha con Âu Dương, Thiết Xích Tử và anh em Chu gia còn nán lại Cao gia trang.

Chập tối hôm nay, Lam Y bảo Âu Dương Bích Nữ :

- Đêm nay, hiền muội có muốn vào thăm phủ Thuận Vương cùng chúng tôi không?

- Có chớ? Đầu canh hai đi nhé.

- Đầu canh hai tuy còn sớm quá nhưng cũng được. Muốn gặp Nhạc Lan Anh, đi sớm mới hy vọng nàng còn thức, lẳng lặng đi thôi nhé. Một mình Thượng nhân biết là đủ, khỏi phải trình với bá phụ, e người ngăn cản.

Đêm mười sáu, trăng tròn vạnh dải ánh vàng soi khắp nhân gian.

Vận áo dạ hành màu sẫm, Lam Y đi đầu, Âu Dương Bích Nữ đi giữa. Chu Đức Kiệt đoạn hậu, ba người thấp thoáng như bóng ma, chạy vùn vụt đến chơn thành Kim Lăng, nhè nơi có nhiều bóng tối phi thân lên mặt thành rồi chuyền xuống nóc nhà hướng lối Vương phủ.

Thấy Âu Dương Bích Nữ theo mình sát gót như bóng với hình, Lam Y khen thầm nàng quả xứng danh môn đồ lợi hại của Thiếu Lâm tự. Hơn nữa, hôm ở Nam môn đấu trường, nàng hành động rất tĩnh trí và quả cảm theo đúng sự tính toán của Đức Kiệt, cũng đủ tỏ rằng nàng là nhân vật hữu lực hữu tài được thọ luyện môn võ chân truyền.

Tuy sáng trăng nhưng ba người trổ thuật phi hành băng qua các nóc nhà trong thành lanh lẹ không một tiếng động, chẳng bao lâu đã tới gần Vương phủ, tường cao hào sâu, quân lính canh phòng nghiêm ngặt. Chuyền lên cây cao, Âu Dương Bích Nữ bảo nhỏ Lam Y và Chu Đức Kiệt :

- Hình như quân lính canh phòng Vương phủ đông hơn hôm rồi. Chúng đứng rải rác cả trên mặt tường.

Chu Đức Kiệt nói :

- Sự đó không lạ. Vì vụ xung đột ở đấu trường nên mới có việc canh phòng nghiêm ngặt này. Vòng ra phía tả xem sao.

Ba người chuyền xuống nóc nhà, chạy lẩn vào bóng tối ra phía Tây. Cũng vậy, quân canh vẫn đi đi, lại lại trên mặt tường. Âu Dương Bích Nữ nhặt một viên gạch dưới mặt đất, chỉ lên mặt tường và hất hàm hỏi Lam Y. Hiểu ý, Lam Y gật đầu. Âu Dương Bích Nữ vung tay liệng mạnh. Viên gạch rớt cộp một tiếng trên mặt tường cao. Thấy động, mấy tên lính vội gọi nhau xúm lại một chỗ coi. Thừa dịp chúng vô ý, Lam Y phi hành tới chân tường và phi thân qua mặt tường vào phía trong. Vừa đặt chân tới đất, ba người đã lẹ làng nhảy lên cây ẩn mình vào đám lá dày.

Từ phía mặt tường tiếng quân canh bàn tán với nhau còn vọng tới chòm cây.

Một tên nói :

- Quái thật! Rõ ràng có tiếng động ở đây mà không thấy bóng người nào cả.

Tên khác nói :

- Chính vậy, tôi cũng nghe thấy rõ ràng. Không lẽ ma!

Tên thứ ba giễu :

- Thôi đi các đại ca, thần hồn nhát thần tính! Tường cao và cách xa nơi nhà dân ở có tới ngót bốn trượng, làm chi có người bén mảng tới khu này vào giờ giấc này? Có chăng là con mèo nào đó lỡ chân làm xô vậy chi ở dưới chân tường, nên các đại ca tưởng tượng ngay là bọn đạo tặc ở đấu trường hôm qua nhập thành chứ gì! Canh phòng nghiêm mật thế này trừ phi chúng tàng hình mới thoát qua mặt nổi chúng ta.

Âu Dương Bích Nữ bụm miệng cho khỏi phì cười. Lam Y vội bấm tay hai người, chỉ mái ngói cong cong gần đó.

Như én liệng, ba người đáp xuống mái, rồi từ mái nọ qua mái kia chuyền lần vào khu trung tâm, lầu các nguy nga, cách nhau bởi nhiều hoa viên rộng rãi, với những ngọn giả sơn uốn éo hữu tình. Nhiều ánh đèn còn sáng choang lọt qua cửa cuốn ra ngoài, nhưng cũng lắm khu tối om hầu như không có người ở. Ba hiệp khách ẩn hiện bất thường, nhẹ nhàng không một tiếng động nhỏ. Mỗi khi gặp toán quân, ba người đều thận trọng ngừng bước nằm rạp xuống mái ngói, chờ chúng đi khỏi mới tiếp tục tiến vào.

Lần theo đường đi vòng vèo tới dãy tường hoa mái sứ lấp lánh phản chiếu ánh trăng vàng, ba hiệp khách thận trọng nhìn quanh, rồi đáp qua mặt tường, xuống một ngọn giả sơn cao lớn nấp trong bóng tối nghe ngóng. Chợt có nhiều tiếng chân người từ góc tréo đình hoa tiến tới hoa viên um tùm cây cối, nơi có ngọn giả sơn mà ba hiệp khách đứng nấp.

Tiếng phụ nữ nói léo xéo nghe rõ lần lần. Năm người trong bóng tối đủng đỉnh đi ra chỗ mấy góc đào uốn éo, trăng rải huyền ảo lung linh.

Lan Anh đi trước, bốn nữ binh theo sau, đai nịt gọn ghẽ đeo kiếm bên lưng.

Một nữ binh nói :

- Bữa nay Vương gia say quá mà tiệc rượu chưa tàn.

Lan Anh hỏi :

- Nhị vị Thế tử thế nào?

- Trước khi đi tuần phòng, con trộm ghé nhìn lên đại khách sảnh thấy hai Thế tử đã ngà ngà, nhưng có lẽ ít say hơn chư tướng.

Lan Anh cười khanh khách :

- Đã đành, các tướng là những con trùng rượu, chớ nhị vị Thế tử tự so tửu lượng với họ có thấm tháp gì.

Tên nữ binh khác nói :

- Bẩm Quận chúa, các vị đầu đà tửu lượng cũng ghê gớm lắm. Nốc hơi một từng ly hạng đại, mà lúc ngà say còn đùa cợt bầy ca vũ nữ... trần tục quá.

- Chà! Họ đâu phải chân tu khổ luyện. Đó là những tướng trá hình cho dễ bề lưu động mỗ khi Vương giá phái họ đi công tác mật vụ đấy thôi! Cho nên ta không ưa những buổi đại tiệc đông đủ như vậy. Như đêm nay tuy có lời mời, ta cũng không tham dự :

- Thưa Quận chúa, nhất là... là...

- Là sao hả Thu Nhi.

- Là... Quận chúa cho phép con mới dám thưa.

- Ta hỏi, ngươi cứ nói đi?

- Bẩm nhất là Bạt Sơn Hổ Hầu Tướng quân và Trại Nguyên Khánh Điêu Tiên Phong cứ nhìn... Quận chúa chằm chặp không hề chớp mắt. Con để ý nhiều lần như vậy rồi.

Lan Anh phì cười, ngồi xuống ghế ở gốc đào :

- Quả thật! Hai tên sất phu ấy có thái độ hỗn xược thật! Chưa có dịp nào ta cho chúng một bài học lễ giáo, bất phân thượng hạ... Hừ! Chúng hỗn xược thật! Thôi, hết phiên canh rồi, cho các người về nghỉ, mặc ta nơi đây, chốc lát sẽ nhập cung.

- Chúng con ở lại hầu, không sao...

- Không, ta muốn một mình thưởng trăng khuya chốc lát. Cho các ngươi tùy tiện, mai còn có việc khác nữa. A, Tố Vân, pha sẵn ly sâm để nóng ở án thư trong phòng nhé.

Tố Vân vâng dạ rồi cùng Tố Muội, Thu Nhi, Thu Nguyệt lùi bước.

Cho bốn nữ binh hầu cận đi khuất, Lan Anh mới ngả đầu xuống thành ghế đá, nhìn vừng trăng bạc lơ lửng trong không trung, thở dài...

Giây lát, nàng nói nhẹ một mình:

"Ngoại trừ những năm theo thầy khổ luyện công phu, ta bị giam hãm chốn cung vàng điện ngọc này đã mười ba năm tròn. Sống giữa bầy lang thú, biết kẻ tàn ác ở nơi đâu mà chưa có dịp trả mối huyết thù!... Nghĩ thiệt thâm gan, tím ruột... Cha mẹ ơi, có linh thiêng thời giúp con mau báo hận này... Uổng thay, công phu khổ luyện có sẵn bản lãnh mà đành khoanh tay thúc thủ hết ngày nọ tháng kia... Chà, tức ơi là tức!".

Bỗng nàng vùng đứng dậy, tuốt kiếm sáng loáng lên mấy đường, chém vun vút vào khoảng không như chém bóng kẻ thù.

Lam Y ra hiệu cho Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ đứng nguyên chỗ, rồi nàng phi thân lên đỉnh ngọn giả sơn nhảy vụt ra trước mặt nàng Quận chúa u buồn.

Giật mình nhưng trấn tĩnh được ngay, Lan Anh vung kiếm vào đánh.

Lam Y lùi lại nói nhẹ :

- Nhạc tiểu thư! Chớ kinh động!

Ngạc nhiên, Lan Anh thây tay kiếm khẽ hỏi :

- Ngươi là ai? Vào đây làm chi? Không sợ bị bắt sao?

- Hãy tra kiếm vào vỏ, rối nói chuyện sau.

Nghi ngờ, Lan Anh nói :

- Gian tế lừa ta sao được! Coi kiếm đây.

Lam Y khoanh tay đứng nguyên chỗ :

- Báo động sẽ hối hận! Gian tế nào vào nổi nơi đây, nếu chẳng phải là người của Thượng Thái thiền sư nhờ tới.

Nghe nói đích danh sư phụ, Lan Anh mới dịu nét nghi ngờ, tra kiếm vào vỏ :

- Nhưng người là ai?

Lam Y buông xõng :

- Lam Y nữ hiệp! Thế đã đủ chưa?

- A! Lam Y nữ hiệp! Người đã đánh Kim Cương tự, diệt trừ Sơn Phu hắc điếm, hỏa thiêu Xích Hoa viện.

Lam Y cúi đầu :

- Chính tôi. Nhưng đứng giữa ánh trăng chuyện trò không tiện, xin mời ra sang ngọn giả sơn này.

Dứt lời, Lam Y đưa tay mời và đi trước.

Nhạc Lan Anh dè dặt theo sau mấy bước.

Vừa chìm người trong bóng tối, Lam Y nói :

- Tôi còn muốn giới thiệu hai người nữa...

Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ từ khe giả sơn nhẹ nhàng bước ra, khẽ cúi đầu chào :

- Đây là gia huynh Đơn Đao Chu Đức Kiệt và bằng hữu Thiết Phiến Cô Âu Dương Bích Nữ.

Tuy càng ngạc nhiên, nhưng thấy ba nhân vật cùng lẫm liệt hiên ngang, Nhạc Lan Anh cũng lễ phép cúi chào lại :

- Phải chăng ba vị hiệp khách đây là người đã đại náo Nam môn đấu trường hôm rồi. Ngọn gió nào đưa người tới chốn cầm địa này, hân hạnh cho tôi biết ngần nào.

Lam Y tiến lại gần mỉm cười :

- Tiểu thơ quá khen... Hành động bữa đó chẳng qua là thiên chức của anh em chúng tôi... Hẳn tiểu thơ còn nhớ Đức Võ Thượng Nhân, người đã cùng lệnh sư phụ đưa tiểu thơ năm nọ từ Long Sơn tự về Kim Lăng.

Lan Anh gật đầu.

- Thượng nhân là gia thúc, còn Âu Dương muội đây là hảo đồ của lệnh sư bá Chiêu Đức thiền sư bên Thiếu Lâm tự.

- Chao ôi, té ra chúng ra là người nhà cả mà... Xin mời ngồi tạm xuống phiến đá này hàn huyên cho tiện.

Khi bốn người đã an tọa, Lam Y nói :

- Nhạc tiểu thơ, chúng tôi...

Lam Y vội ngắt lời :

- Chúng ta tuy sơ giao nhưng thiệt ra là người một nhà cả, nếu hiền tỉ xưng hô như vậy, ngu muội lấy làm áy náy vô cùng.

Lam Y cười xòa :

- Được bà Quận chúa làm em thì còn chi hay bằng... Gia thúc có đem tiểu sử của Nhạc muội lược thuật cho nghe, nếu nhân dịp qua Kim Lăng, tôi muốn tiện cơ hội làm quen, bởi vậy mới mạo hiểm vào đây giao bái, phòng sau này cần phải liên lạc với nhau để dễ bề tìm kiếm. Chẳng hay hiền muội nghĩ thế nào?

Cảm động, Nhạc Lan Anh đáp :

- Ý kiến của Chu tỉ thiệt đa hảo. Ngu muội đang lo rầu bị cô thế chốn thâm cung. Khi hạ sơn, sư phụ Thượng thái có dạy rằng ngu muội có nhiệm vụ giúp đỡ các vị anh hùng bất cứ trong trường hợp nào liên can tới nơi Vương phủ được phòng vệ nghiêm cẩn này. Từ nay, mỗi khi cần tới, hiền tỉ cứ ghi cho vài lời lên giấy, dắt trong kẽ đá trên đỉnh ngọn giả sơn này, ngu muội sẽ hoàn toàn xin lãnh ý. Không sợ thất lạc đâu thường ngày tiểu muội ra đây mặc tưởng.

Suy nghĩ giây lát, Lam Y hỏi :

- Chí hướng phản triều đình của Thuận Vương, phần đông các tay giang hồ kiếm khách đều biết. Theo ý hiền muội, cuộc tạo phản đó đã sắp thành hình chưa?

- Hiện thời, binh tướng đã khá đầy đủ, cơ sở đồng bọn Thuận Vương rải rác hầu khắp chốn Giang Nam, nhưng ngày quật khởi còn trong vòng bí mật.

- Thiết tưởng các vị hào hiệp, gót giang hồ đặt khắp đó đây, cùng nên tìm phương kế báo cáo cho nhà vua hay. Hình như tại Yên Kinh, Hoàng đế bị gian thần lung lạc nên không am tường hành động của vị Vương gia nguy hiểm này chút nào cả, phải thế không Chu tỷ.

Lam Y gật đầu :

- Quả thế. Hiền muội dự đoán không sai. Có lẽ chúng tôi phải lên Yên Kinh một phen. May quá, đêm nay ngẫu nhiên tương phùng hiền muội nơi đây, đỡ tốn công mạo hiểm tìm kiếm rất nhiều!... Thôi khuya rồi, ta nên chia tay kẻo hiền muội ở lâu nơi đây bất tiện.

Dứt lời, Lam Y, Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ đứng cả dậy.

Chợt nhớ ra điều gì, Nhạc Lan Anh hỏi :

- À, quên khuấy đi mất, hai vị hảo hán dự thí ở đấu trường bữa nọ đều thoát hiểm cả chớ.

Nhìn thẳng vào mắt Lan Anh, Lam Y đáp :

- Họ về Tứ Xuyên rồi. Đó là hai vị công tử con quan Hà tổng trấn ở Thành Đô. Hiền muội quen họ sao.

Lan Anh ngập ngừng :

- Vò võ cô đơn trong chốn Tử Cấm Thành này thì còn quen biết được ai! Thấy họ bị hại nên muốn biết cơ sự ra sao đó thôi.

Bọn Lam Y cáo từ.

Lan Anh tha thiết cầm tay Lam Y và Âu Dương Bích Nữ dùng dằng chẳng muốn rời.

Lam Y mỉm cười, vỗ vai Lan Anh :

- Non xanh chẳng đổi, nước biếc còn dài, chị em mình có ngày tái ngộ mà.

Nói đoạn, nàng ra hiệu cùng Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ phi thân lên ngọn giả sơn, chuyền qua mặt tường hoa biến mất. Ngơ ngẩn nhìn theo, Nhạc Lan Anh tần ngần giây lát mới thong thả trở về phòng.

Ba hiệp khách lên tới nóc lầu cao, theo đường cũ phi hành trở ra. Khi gần tới ngoài, chợt trông thấy cây cột cờ, Lam Y kéo Âu Dương Bích Nữ ngừng lại, trong khi Chu Đức Kiệt phóng mình đứng lên ngọn cột treo lủng lẳng một bọc nhỏ, rồi trở lại chỗ cũ cùng hai bạn đồng hành chạy riết, băng qua tường cao ra ngoài trở về Cao gia trang, thì đêm vừa đúng canh ba.

Hôm sau anh em Chu gia đem việc Nhạc Lan Anh thuật lại cho Đức Võ Thượng Nhân.

Đức Võ nói :

- Ở Lĩnh Nam về, ta qua Yên Kinh, và sẽ tùy cơ nhập Hoàng cung, các con khỏi lo việc đó. Hôm nay chúng ta lên đường trước, các con nên hoãn cuộc hành trình đi Thái An huyện tới sáng mai, kẻo phí sức không ích lợi gì.

Sang đầu giờ Thìn hôm ấy, Đức Võ và Thiết Xích Tử từ tạ mọi người xuống Nam. Tới gần trưa, Trại Mạnh Thường và Tòng Cát, Tòng Thiện cùng trở về Tô Châu.

Sáng hôm sau, Chu Đức Kiệt, Lam Y, Âu Dương Bích Nữ chỉnh tề hành lý, từ tạ Cao Thiệu Đàm lên ngựa thẳng đường đi Thái An huyện.

Nói về trong Vương phủ Kim Lăng, thường lệ, Thuận Vương dậy sớm tuy đêm hôm trước thết tiệc chư tướng say sưa. Lúc đang dùng trà độc ẩm ở tư thất thì có quân hầu từ ngoài cổng đường xin vào ra mắt. Thuận Vương truyền cho vào.

Viên bộ tướng gác phiên ngày hôm đó bước vào thưa :

- Bẩm Vương gia, trong lúc treo cờ sáng nay, hạ tướng thấy có vật này treo nơi trên ngọn cột cờ, nên đem vào trình Vương gia định đoạt.

Nói đoạn, y kính cẩn dâng bọc nhỏ để lên án thư trước mặt Thuận Vương. Ngạc nhiên, Thuận Vương tiếp lấy chiếc bọc mở dây ra thất mảnh vải màu lam. Mở tung mảnh vải, bên trong chỉ vỏn vẹn có ba cái ngù bông mà các tướng vẫn gài trên mũ.

Cau mặt, Thuận Vương nói :

- Thế này là nghĩa lý gì! Có dấu vết gì lạ không.

Viên bộ tướng sợ xanh mặt :

- Bẩm không. Mạt tướng đã tra xét rất kỹ càng, tuyệt nhiên không hề có dấu tích gì cả.

Chợt nhận ra trên góc vuông vải có mấy hàng chữ nhỏ viết bằng vôi đề "Lam Y Nữ Hiệp".

Đập mạnh tay xuống án thư, Thuận Vương gắt :

- Chà! Lại Lam Y nữ hiệp.

Viên bộ tướng tái mặt không hiểu.

- Ngươi cầm lệnh tiễn này ra mời ngay quan Nguyên soái và chư hổ tướng khắc họp tại công đường, truyền họ đai nịt mũ, giáp gọn ghẽ, nghe!

Viên bộ tướng vội vàng dạ lớn, lùi bước.

Đêm trước quá chén say mèm, nay bỗng được lệnh triệu tập cấp tốc, các tướng không hiểu vì lẽ gì, vội vàng chỉnh tề mũ, giáp tề tựu trên công đường. Lúc tới đông đủ thì Thuận Vương đã ngồi sẵn đó rồi, nét mặt lạnh lùng. Chào bái xong, mọi người ngồi thành dãy hai bên án.

Thuận Vương lẳng lặng nhận xét rồi đưa bọc ngù cho Hoàng Bách Thắng :

- Nguyên soái thử coi tướng nào mất các vật này thì trả lại họ giùm Cô gia.

Đưa mắt nghiêm nghị nhìn các tướng một lượt nữa, Thuận Vương dằn từng tiếng :

- Đó là một món bảo vật do Lam Y nữ hiệp gởi tặng. Người đó đích thân vào tận Vương phủ treo bọc quà này trên ngọn cột cờ.

Hoàng nguyên soái vội mở vải thấy ba chiếc ngù mũ trận, và khi đọc thấy hàng chữ trắng thì tái hẳn mặt.

Chỉ mấy chiếc ngù bông trên án, Hoàng Bách Thắng hỏi năm tướng.

Triệu Đại Bằng, Tống Võ Cường và Điêu Thiên Phượng đứng cả dậy :

- Ngù đó của mũ chúng tôi.

- Ba hiền đệ hành động thế nào mà đến nỗi ngù mũ lọt vào tay Lam Y nữ hiệp, kẻ thù bất cộng đái thiên của toàn thể phủ thành này? Và cũng không thấy báo cáo. Tại sao vậy?

Triệu, Tống, Điêu nhìn nhau, chợt nhớ ra chặp tối hôm nọ khi đuổi theo anh em họ hà trở về thời có ba bóng đen phóng mình qua đầu ngựa... Bấy giờ mới hiểu ra là Lam Y và đồng bọn đã nhân dịp ấy bứt mất chiếc ngù trên mũ của ba tướng.

Triệu Đại Bằng bèn thuật lại chuyện ấy cho Thuận Vương và Hoàng Bách Thắng nghe và lại nói thêm :

- Vừa tối trời lại vừa bất ngờ nên không nhận xét được gian tế.

Thuận Vương lắc đầu thở dài :

- Tổ chức canh phòng nghiêm ngặt thế mà Lam Y còn ra vào nơi đây dễ dàng như kẻ đi dạo vậy, ngạo nghễ trả lại mất chiếc ngù, coi rẻ binh hùng tướng mạnh Kim Lăng.

- Quả thiệt, chúng đã đánh một đòn gió vào mặt Cô gia! Mới sơ sơ cũng đã như vậy rồi, Cô gia đâu dám nghĩ tới chuyện giành thiên hạ với Yên Kinh nữa. Đối lập với ta, có nhiều nhân vật tài tình ưu tú thật! Cứ trông như hôm rồi, chúng đại náo Nam môn đấu trường cũng đủ biết ta kém họ xa về lực cũng như về tài nghệ! Đáng buồn!

Bị Thuận Vương chửi mát, các tướng tái mặt cúi đầu im lìm.

Hồi lâu, Hoàng Bách Thắng mới cất tiếng :

- Tâu Vương gia, kẻ hạ thần nhận xét thấy hôm đại hội kỵ mã, ta không ngờ rằng chính con Hà tổng trấn có ghi tên dự thí, và cũng không ngờ tới việc bọn giang hồ kiếm khách Lam Y giúp họ. Sự thiếu sót sơ hở này phần lớn do ban Mật báo, nếu không thì hạ thần đã điều khiển binh tướng theo lối khác, họ có tài giỏi như thiên binh, thần tướng, ít nhất cũng phải để vài xác chết lại Kim Lăng. Còn việc mấy cái ngù mũ kia thì một bên chúng đánh trộm kẻ vô tình biết thế nào mà phòng ngừa cho được? Dù sao cũng là lỗi của bọn hạ thần lần này bất cẩn trước đòn giang hồ của đối phương. Sau này trên chiến trường tướng đấu tướng, mã giao mã, thanh thiên bạch nhựt, Vương gia sẽ nhận xét tấm lòng trung thành phục vụ nếu phải da ngựa bọc xương, bọn hạ thần cũng chẳng quản ngại phò Vương gia đến kỳ cùng.

Tự xét thấy mình quá gắt gao với các chư tướng trong khi còn cần đến tài sức của họ nhiều về sau này, Thuận Vương giảng giải :

- Cô gia chỉ buồn phiền vì Lam Y nữ hiệp coi thường chúng ta quá. Chư tướng là tay chân của Cô gia mà bị con nữ tặc đó giỡn cợt khinh rẻ, lẽ cố nhiên tổn tới lòng tự ái của Cô gai và toàn thể Kim Lăng. Danh tiếng Ngũ Hồ, Tiên Phong vô địch còn gì!

Sắc mặt biến từ tái ra tím lịm, các tướng bị nói khích đều hờn giận, căm gan tím ruột, mong được gặp Lam Y và đồng bọn ngay để quyết liệt một mất một còn, moi tim nhắm rượu mới hả giận.

Biết mức độ căm hờn của các tướng đối với Lam Y đã lên tới cực điểm, Thuận Vương dịu giọng.

Không ai học hết được chữ ngờ, việc xảy ra đã qua, chẳng nên nhắc tới nữa. Tuy vậy nên lấy đó làm gương, cẩn thận hơn. Âu đó cũng là bài học quý giá cho ta khỏi kiêu ngạo trước một đối thủ lợi hại về một phương diện như bọn Lam Y! Thôi, tan họp Cô gia về nghỉ, rượu uống đêm qua hãy còn say... Hà... hà.

° ° °

Trong khi các anh hùng hảo hán kéo tới Kim Lăng xem kỵ mã hội thì ở Thái An huyện đã xảy ra một việc chẳng ngờ. Anh em Phàn Thế Hùng, Phàn Mộng Liên sau thời gian giúp việc nhà cô mẫu là Hà Thái Thái xong xuôi, còn ở lại bên Tào gia trang chơi ít lâu rồi mới lên đường về nhà. Hai anh em ghé lại Trấn Giang hai ngày mua mấy thứ đồ vặt tải về Thái An huyện.

Ngày thứ hai, trong khi Phàn Thế Hùng đi thăm mấy người quen thuộc trong trấn, Mộng Liên ra phố mua sắm một mình. Đang la cà xem hàng hóa, nàng chợt thấy một đầu đà, một đạo sĩ trẻ tuổi, nét mặt lầm lì cùng đi với một đạo cô đôi mắt trai lơ sắc như dao, ba người từ đầu phố đi tới. Đạo sĩ và đạo cô nhìn Mộng Liên không chớp mắt. Trái lại đầu đà đội chiếc nón tre đan lớn tìm hụp che mắt quá nửa mặt, nhìn ra hướng khác chờ không nhìn chăm chú Mộng Liên như hai bạn đồng hành. Thoạt đầu, Mộng Liên thấy khó chịu về cái nhìn của đạo sĩ, hễ gặp gái đẹp thì tánh háo sắc bốc lên choán hết cả lương tri. La cà mua các hàng xong, mướn người quảy về Như ý tửu quán nơi giáp với cửa Đông thành Trấn Giang.

Lát sau, Phàn Thế Hùng cũng về tới quán trọ :

- Ngu huynh mướn xong ngựa thồ của tên mã phu ở xóm chợ rồi, tám lượng bạc công. Khi trở về chắc thế nào y cũng còn có khách nữa vị chi là mười sáu lượng. Phải giá đó chứ hả.

Mộng Liên xếp hàng vào túi vải :

- Ngu muội có được đi xa bao giờ đâu mà thuộc giá mã phu!

Phàn Thế Hùng cười ha hả :

- À nhỉ, quên khuấy đi mất, ngu huynh cứ yên trí là hiền muội tháo vát như Lam Y nữ hiệp và Âu Dương Bích Nữ. Bản lãnh họ đặc biệt quá khiến khách tu mi cũng khó bì kịp.

Nhắc tới tên các bạn mới gặp gỡ mà đã trở nên thân thiết vô cùng, Mộng Liên bỗng cảm thấy nao nao tấc dạ, mong nhớ một sự gì đó. Bất giác nàng thở dài...

Phàn Thế Hùng nhìn em ngạc nhiên :

- Xin lỗi, ngu huynh đã vô tình khiến hiền muội u sầu.

Tươi hẳn nét mặt lên, Mộng Liên cười khanh khách dòn dã như họa mi :

- Hiền huynh lầm rồi! Tiểu muội đâu có buồn vô lý như vậy? Chẳng qua đang nghĩ tới hai nhân vật ấy mang tiếng hồng quần, mà thiệt rất anh hùng lỗi lạc, ai ai cũng phải quý mến. Tài ấy, sắc ấy, khách lãng tử nào trông thấy mà không mê luyến? Mỗi người một vẻ, Lam Y hai mươi mấy tuổi rồi mà trẻ măng, mơ mơ như thiếu nữ đôi chín. Sức mạnh hơn cọp, ghê thật!

Phàn Thế Hùng vẫn nhìn em dò la :

- Hiền muội nói phải lắm. Có đi xa mới biết trong thiên hạ quả lắm người tài giỏi xuất chúng. Như Đơn Đao Chu Đức Kiệt chẳng hạn, nhân vật rất hoàn toàn đủ phương diện, đáng kính và cũng đáng... yêu!

Mộng Liên kín đáo buột miệng túi vải lại :

- Anh em Chu gia vui làm nghĩa, quên cả việc lập gia đình. Trên đời mỗi người một chí hướng chẳng ai giống ai. A, mai giờ nào lên đường? Chắc mẫu thân và tẩu tẩu mong lắm nhỉ?

Phàn Thế Hùng gật đầu :

- Đúng vậy, ngu huynh cũng thấy nóng ruột tệ hại, chỉ muốn có đôi cánh bay mau về tới nhà thôi.

- Ở nhà được vài ngày là lại đi Kim Lăng rồi.

Suy nghĩ giây lát, Phàn Mộng Liên nói :

- Không! Hiền huynh đi Kim Lăng một mình. Có lẽ ngu muội không cùng đi đâu. Lúc này tiểu muội thấy nhớ mẫu thân và hiền tẩu hơn là nhớ bạn.

- Hừ! Tụ họp nhau ở Kim Lăng được vài bữa rồi lại chia tay mỗi người một nơi, ghi thêm trong ký ức một kỷ niệm nữa để làm gì? Đua đòi sao được với những chiếc nhạn phương trời ấy!...

- Chừng nào gặp sẽ hay, công đâu theo đuổi bóng khách giang hồ? Người ta một thuyền viên vạn bến, còn ta là gió nhẹ một chiều!... Theo sao nổi.

Phàn Thế Hùng kinh ngạc :

- Ủa! Sao bữa nay hiền muội đa cảm đa sầu? Ngu huynh không phải là người rong chơi chẳng màng tới việc nhà!...

Mỉm cười kín đáo, Phàn Mộng Liên đáp :

- Tiểu muội đâu có nghĩ thế? Hiền huynh là khách tu mi chí ở bốn phương, còn tiểu muội thuyền quyên nhi nữ, hẳn quan niệm phải khác nhau rồi.

- Hiền muội quên hẳn cây đao, yên ngựa nên so bì chuyện khăn áo với mày râu đó chăng?

Mộng Liên lẳng lặng đặt mấy túi bàng vào góc phòng.

Thế Hùng thắc mắc :

- Có điều chi buồn bực không? Cứ nói thật mong ra ngu huynh có thể giải quyết giùm được phần nào.

Lắc đầu, Mộng Liên mỉm cười :

- Không tiểu muội nhớ mẫu thân, giờ đây chỉ muốn mai lẹ hồi hương thôi... Chiều rồi, xuống tiệm dùng bữa chớ.

- Dưới tiệm đông người xô bồ lắm. Ngu huynh đã nhắn tửu bảo hầu cơm trên phòng này rồi.

Chiều tối hôm ấy, anh em Phàn gia dùng cơm xong, đang ngồi hàn huyên thì tiểu nhị lên phòng báo :

- Thưa khách quan, có mã phu xin yết kiến. Hiện đang chờ dưới đường.

- Được rồi, người bảo y chờ đó, ta sẽ xuống ngay.

Tên tửu bảo đi khỏi, Phàn Thế Hùng đẩy ghế đứng lên bảo Mộng Liên :

- Hiền muội liệu đi nghỉ trước kẻo mệt. Ngu huynh xuống đường xem tên đó hỏi điều gì.

Xuống tới nơi, Phàn Thế Hùng thấy tên mã phu mướn lúc ban trưa đang đứng dưới bóng cây với một người lạ mặt, y phục kiểu đồng nghề.

Hai người đó cúi chào.

Phàn Thế Hùng vui vẻ hỏi :

- Có điều chi muốn nói vậy?

Tên mã phu đáp :

- Thưa khách quan, mới đây vợ tôi bỗng dưng bị đau nên đến cáo lỗi cùng người, mai tôi không thồ hàng đi Thái An huyện được. Sợ khách quan mất thì giờ tìm kiếm, nên tiện đây có A Tam, bạn đồng nghiệp, có việc đi lối ấy nên xin giới thiệu với khách quan. Nhất cử lưỡng tiện, tùy người định liệu.

Phàn Thế Hùng nhìn qua thấy A Tam diện mạo không được hiền lành như tên mã phu trước, mặt bụi bặm lem luốc, khăn quấn tóc đen bịt đến ngang mi, lưng đeo nón lá, liền hỏi :

- A Tam mới tới Trấn Giang à?

- Thưa tôi mới thồ quanh ngoại thành về. Người an tâm, tôi rất thuộc nghề và chịu khó lắm. Nhân tiện có việc về quê bên Lịch huyện, đàng nào cũng phải qua Thái An huyện, nên đây là dịp kiếm thêm chút ít.

Đáng lẽ Thế Hùng không chịu vì diện mạo A Tam không được thuần. Nhưng Mộng Liên gấp muốn về nhà, nếu chần chờ thêm một ngày nữa e nàng buồn, nên đành ưng thuê tên mã phu mới vậy. Vả lại, A Tam dù có dã tâm cũng chẳng làm chi được anh em chàng. Từ Trấn Giang đi Thái An huyện có ngày rưỡi đường :

- Được, ta ưng thuận. Sáng mai, đầu giờ thìn khởi hành. A Tam liệu đến sớm cho kịp điểm tâm trước giờ đó nhé.

A Tam vui mừng nhanh nhảu :

- Người khỏi quan tâm. Tôi ăn trước ở ngoài chợ, hễ đến là đi ngay...! A, khách quan có mấy thồ hàng?

- Có bốn bọc tất cả vật dụng thường trong nhà. Nhẹ thôi!

- Dạ, nặng nhẹ không là vấn đề, hỏi cho biết để còn tính số dây cần thiết chằng buộc.

Dứt lời, hai mã phu vái chào ra về.

Phàn Thế Hùng nhân lúc qua quầy hàng trả tiền trước rồi lên thẳng phòng.

Mộng Liên đã buông xong hai chiếc mùng :

- Có việc gì thế, hiền huynh.

Thế Hùng đem việc mã phu nói lại cho em nghe. Mộng Liên cũng đồng ý là sự thay đổi ấy vô phạt.

Sáng hôm sau, A Tam đến chờ ở Như Ý quán. Thế Hùng để ý thấy y thồ bốn túi hàng hóa lên ngựa rất lành nghề.

- A Tam sao trùm khăn đến tận cằm thế.

Lom khom buộc hàng, A Tam đáp :

- Dạ, làm sao lao động dầm nắng đội mưa, đêm qua trái gió nên bị nóng lạnh, nhưng không sao. Lát nữa đi đường vận động chảy mồ hôi là khỏi ngay, khách quan an tâm, năm nay sương nhiều, tiết trời độc lắm. Ở Trấn Giang năm nào nhiều sương mù cũng có nhiều người đau ốm.

A Tam hắt hơi luôn mấy tiếng, rút ve dầu quất thần ra bôi lên mũi, càng tang cổ, rồi thở phào ra vẻ ưa hơi dầu đó lắm.

Phàn Mộng Liên đai nịch gọn gàng xem A Tam cột hàng hóa, mỉm cười nhìn anh :

- Đi chớ!

- Ờ, nào đi!

Chủ quán theo ra chào :

- Chúc mừng nhị vị hảo hành, chừng nào lên Trấn Giang, xin quá bộ lại tệ quán nhé.

Anh em Phàn gia chào lại rồi lên ngựa đi trước.

A Tam dắt cương ngựa, tay xách cây gậy tre, nhấn bước theo sau, khỏi thành.

Đường Trấn Giang - Thái An huyện bằng phẳng dễ đi.

Trừ buổi sáng sớm, còn từ giờ Tỵ trở đi, khách thương từ các huyện lên cân qua lại luôn luôn.

A Tam đi phía sau hông ngựa của Phàn Thế Hùng :

- Con lộ này tốt lắm, thỉnh thoảng còn gặp xóm làng, quán rượu chó không hiu quạnh như các nơi khác, cướp giặc như rưới.

Thế Hùng hỏi :

- A Tam đi nhiều nơi lắm, sao mà biết như vậy?

- Dạ, nghề mã phu này ai mướn cũng đi, khu nào dữ thì khách thương họp thành đoàn nhờ tiêu sư bảo vệ. Nhờ đó tôi có dịp được mục kích các trận đánh đấu giữa tiêu sư và đạo tặc. Đẹp mắt lắm nhưng cũng nhiều phen kinh sợ.

- Đi đường trường thế này, A Tam còn vác tre làm gì cho thêm nhọc xác? Sao không dùng đoản khí có tiện hơn không?

- Nhờ được gần gũi các tiêu sư nên tôi học lỏm được năm ba ngọn giáo, vì thế mới thường đem gậy theo. Gậy này bằng tre đặc nên chắc lắm, gánh hàng và phòng thân luôn thể.

Suốt ngày hôm đó, A Tam thi hành phận sự rất lanh lẹ đắc lực, song lẽ vẫn trùm khăn tùm hụ kêu sợ bị nhiễm gió. Tới hai bữa ăn cũng vậy, y không chịu cùng ăn nhường anh em Phàn gia ăn trước, trông nom ba con ngựa rất chu đáo rồi mới vào góc quán ăn qua loa tô mì, chờ lệnh là sẵn sàng lên đường ngay.

Phàn Thế Hùng nói riêng với Mộng Liên :

- A Tam đắc lực quản thế mà chiều hôm qua, ngu huynh định không mướn hắn.

- Tại sao thế?

- Coi diện mạo y không được thuần như tên mã phu trước. Thời buổi này đi đường trường phải tiểu tâm.

- Khúc đường này làm chi có giặc cướp, hiền huynh cẩn đắc quá.

Đến tối nghỉ lại quán trọ bên đường, Thế Hùng thương tình mướn cho A Tam căn phòng riêng nhỏ.

A Tam từ chối, đem đồ lễ xuống bếp nằm chung với bọn tiểu nhị :

- Sáng mai tôi thức sớm đỡ làm mất giấc của nhị vị.

Thế Hùng cũng mặc không ép nữa. Hôm sau, ba người ra đi từ lúc tờ mờ sáng. Trên đường vắng vẻ, hai bên bờ cỏ còn đọng sương đêm. Tới lúc trời sáng bạch, đi đến chỗ có khúc đường nhỏ bên tả rẽ thẳng ra khu đồi cây thưa thớt phía xa xa, bỗng con ngựa thồ giở chứng giật dây cương chạy buột ra mé đó.

A Tam vội đuổi theo, vừa chạy vừa om sòm :

- A! Con súc sanh này muốn chết, tự nhiên bứt chạy thục mạng. Ta sẽ bán mày đi mới được.

A Tam cố chạy theo không kịp.

Phàn Mộng Liên rủ Thế Hùng :

- Tội nghiệp, chúng ta rượt bắt giùm y đi.

Thế Hùng khen phải, cả hai cùng thúc ngựa đuổi theo.

Lúc chạy qua chỗ A Tam, Thế Hùng nói lớn :

- A Tam, đừng chạy nữa! Để tôi bắt ngựa hộ cho.

Chạy được một quãng đường dài, con ngựa thồ ngừng lại, cúi đầu ăn cỏ. Anh em Phàn gia phóng ngựa tới. Thế Hùng với dây cương định dắt quay lại thì từ bên gốc cây lớn có hai người, một nam, một nữ cầm thiền trượng và song kiếm nhảy xổ ra.

Phàn Mộng Liên nói lớn :

- A! Hắc Đầu Đà!

Cùng lúc ấy, Mộng Liên nhận ra đạo cô có cặp mắt trai lơ sắc như dao gặp bữa qua ở Trấn Giang, trong lúc đi mua hàng.

Cầm ngang thiền trượng, Hắc Đầu Đà quát :

- Phải, chính ta đây. Oan gia phòng oan gia! Báo thù cho Thiết sư huynh, bữa nay các ngươi có chạy đàng trời!

Phàn Mộng Liên tức mình, áp ngựa lại rút phắt song đao nhằm Hắc Đầu Đà chém mạnh.

Cười ha hả, Hắc Đầu Đà vung đầu trượng gạt ram quật luôn mấy ngọn nhằm đùi Phàn Mộng Liên.

Thế Hùng rút đao định áp ngựa tới đánh giúp nhưng đạo cô thét vang :

- Mỹ nam tử, có giỏi đấu với ta một trận chơi nào!... Hay là theo phắt... ta đi nơi khác cho vui...

Thấy đạo cô thốt ra lời khinh bạc, Thế Hùng nổi giận mắng :

- Tu hành như bọn bây, đáng đem trầm hà cho rồi! Không biết nhục sao!

Dứt lời, chàng phóng ngựa vào chém nhầu. Đạo cô vung song kiếm vùn vụt đánh lại, thế kiếm khá hùng dũng :

- Đồ súc sanh non nớt không biết sống. Muốn đánh thì coi kiếm của bản cô nương đây.

Bốn người vừa bộ, vừa mã, diễn ra trận đấu ác liệt, bên nào cũng quyết thắng. Khí giới va vào nhau chí chát rợn tai. Kể ra thì sức đấu ngang tay, nhưng anh em Phàn gia ngồi ngựa đấu với kẻ địch đánh bộ võ nghệ đồng đều, nên có bề kém lanh lợi xoay trở không được như ý muốn. Hơn nữa, vừa giữ người lại thêm giữ ngựa mất sức gấp đôi.

Về thuật kỵ mã, hai người lại không chuyên luyện xuất chúng được nhu bọn Chu gia và Âu Dương, người ngựa hợp nhất như một gia dĩ có thể dùng rõ lực áp đảo đối phương đứng thấp hơn mình. Cho nên, trong nghề võ đã tập bộ phải luyện mã, nếu không chuyên mã tất phải đấu bộ. Chớ khinh thường đánh ẩu, gặp kẻ địch ngang tay thì bất lợi là sự kiện cố nhiên phải xảy ra.

Nhận thấy như vậy, anh em Phàn gia nhiều lúc muốn rời ngựa để đánh bộ, nhưng Hắc Đầu Đà và đạo cô ra đòn tới tấn vụt trên, quật dưới khiến đối phương phải nhận hai ba thế tấn công mới trả được lại một.

Đấu pháp này nếu chúng gặp phải Lam Y, Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ thì không áp dụng nổi vì ba nhân vật ấy chuyên luyện theo cả hai mặt mã, bộ áp dụng được cả chiến pháp dung hòa "kỵ mã kháng bộ", biểu hiện như thần khiến đối phương không kịp trở tay. Tuy vậy, với sự cố gắng, anh em Phàn gia vẫn giữ được thăng bằng trận đấu, nhưng khá tốn công.

Hắc Đầu Đà đảo bộ vừa đánh vừa lồng lên như lão hổm, thiên trượng giáng xuống nặng nề :

- Bữa nay không có con Lam Y, bọn bây hết nghề phô tài võ nghệ hả!

Phàn Mộng Liên rán sức gạt đòn, đánh lại.

Bỗng một tiếng thét vọng lên từ phía sau :

- Đánh thế này, bao giờ trả thù được cho Phi Không sư phụ ta. Coi đây! Hãy bắt con này đã rồi hạ tên kia sau.

Phàn Mộng Liên giật mừng quay lại nhác nhận ra tên mã phu A Tam đã bỏ hẳn khăn nón trùm mặt, và chính là thanh niên đạo sĩ gặp cùng đi với Hắc Đầu Đà, đạo cô ở Trấn Giang. Đồng thời, nàng thấy chói đau ở vai tả. Mũi phi tiêu do đạo sĩ giả dạng A Tam phóng ra cắm phập trúng bắp vai Mộng Liên. Nàng vội quay ngựa chạy dài. Kinh hoảng, Phàn Thế Hùng cũng không dám ham đánh, quay ngựa chạy theo phía sau. Bọn Hắc Đầu Đà dùng thuật phi hành cố đuổi. Thế Hùng nhằm đạo sĩ mã phu phóng lại một phi đao trúng ngực.

Đạo sĩ đau quá, mấy đà, té lộn mấy vòng trên mặt cỏ. Tên đạo cô vội ngừng bước săn sóc. Riêng Hắc Đầu Đà vẫn đuổi theo như gió. Thế Hùng phóng luôn một đao nữa. Hắc Đầu Đà gạt được, nhưng ngọn phi đao thứ hai đã bay vù tới, Hắc Đầu Đà né kịp. Mũi đao phóng lướt qua mang tai. Thấy Thế Hùng phóng đao nguy hiểm, Hắc Đầu Đà cũng bỏ luôn không đuổi nữa...

Nói về Phàn Mộng Liên trúng thương, kịp gài song đao vào vỏ, gục xuống ôm sát cổ ngựa phi thiệt lẹ được một quãng dài.

Phàn Thế Hùng chặn hậu thấy Hắc Đầu Đà bỏ không đuổi theo nữa mới thúc ngựa chạy lên thì vừa tới con đường chính.

Hai anh em cho ngựa chạy chậm lại.

- Buốt vai lắm, hiền huynh à.

- May thay, vừa khi ấy có đoàn khách thường vừa ngựa thồ, vừa xe đi ngang qua đó thấy vậy, liềm xúm lại hỏi han.

Thế Hùng nói :

- Chúng tôi đi sớm gặp tặc đạo đón ở khúc này, chẳng mau gia muội trúng thương, yêu cầu quí vị cho đi nhờ xe, có được không?

Bỗng người chủ đoàn tiến tới Lam Y :

- Kìa, Phàn đại ca, không nhận ra tôi sao? Tôi thồ hàng về huyện nhà đây.

Lúc bấy giờ, Thế Hùng mới nhận ra Trương Trung một thương gia ở Thái An huyện.

- Trong khi hoảng hốt không kịp nhận ra Trương huynh, xin lỗi nhé. Tôi muốn mượn một chiếc xe cho gia muội nằm để về Thái An.

- Được, được! Có chăn đệm tử tế, để tôi trải ra cho cô nương nằm đỡ đau. Có cả thuốc rịt tạm vết thương, về tới nhà sẽ hay.

Trương Trung gọi xa phu đánh xe lại, lấy chăn đệm trải ra gọn gàng.

Từ nãy, Phàn Mộng Liên vẫn ngồi trên ngựa, ôm vai đau đớn. Thế Hùng bèn đỡ em xuống ngựa rồi trèo vào trong xe. Dùng dao găm, chàng rạch vai áo Mộng Liên xem xét vết thương. Mũi tên cắm không sâu lắm, Thế Hùng rút phắt ra bọc vào khăn nhỏ. Mộng Liên đau buốt, nhưng cắn răng chịu đựng. Máu từ vết thương rỉ rỉ chảy ra. Thế Hùng lấy rượu của đoàn khách thương thấm vào khăn, lau chùi sạch sẽ, rắc thuốc bột chuyên chữa các vết thương lên chỗ đau rồi xé vải băng bó tạm thời. Rên khừ khừ, Mộng Liên kêu rét. Thế Hùng kéo chăn đắp cho nàng và ngồi luôn trong xe săn sóc. Đoàn khách thương thấy nói có cướp thì giục mã phu cho ngựa thồ lẹ bước.

Trương Trung bảo các bạn đồng hành :

- Trên con đường này mà nay có đạo tặc thì còn Trời nào nữa. Trông đó, anh em Phàn gia có bản lãnh hẳn hoi, mà Phàn cô nương còn bị thương nặng. Chuyến hàng sau tất phải mướn tiêu sư bảo vệ mới an tâm.

Mọi người đồng ý.

Trương Trung nói thêm :

- Bị phi tiêu vào bắp vai cũng không lấy gì là nặng mà kỳ thay, Phàn cô nương có vẻ đau nhiều!... Phải thúc mã phu đi lẹ hơn nữa mới về được. Về Thái An sớm khắc nào hay khắc ấy!... Tội nghiệp Phàn cô nương.

Đúng ngọ hôm ấy, đoàn người ngựa về đến huyện. Trương Trung cho đồng bọn tải hàn về tiệm buôn, còn tự mình theo xe đưa anh em Phan gia về nhà ở phía huyện gần bờ sông. Phàn mẫu nghe nói con về mừng rỡ lập cập ra đón. Trang thị, vợ Thế Hùng, cùng người nhà cũng chạy theo ra ngoài cổng. Mộng Liên sốt li bì. Thế Hùng phải bế vào trước sự kinh ngạc lo âu của mọi người. Đặt em lên giường trong phòng riêng, Thế Hùng kể lại việc đã xảy ra hồi sang cho mẹ và vợ nghe.

Phàn mẫu xem xét con gái thấy mặt nàng tái mét, cặp môi thường ngày đỏ mọng nay đượm màu thâm.

Nước mắt chảy ròng ròng, Phàn mẫu nói :

- Lạ quá! Nóng sốt nhiều mà sắc mặt tái lại, đôi môi sạm hẳn lại. Gấp mời Tô tiên sinh chẩn mạch cho Liên nhi nhé.

Thế Hùng nói :

- Con cho mời ngay rồi, cũng sắp tới đó.

Lát sau, lương y Tô Tử Yêm tới. Đó là một lão y sĩ tóc bạc như cước, da vẻ hồng hào khỏe mạnh. Tiên sinh chẩn mạch bệnh nhân rồi xem vết thương trên bắp vai tím bầm hằn lại bằng bàn tay. Tô y sĩ lấy nước nóng rửa thuốc cũ đi, cạy miệng vết thương đắp thuốc mới lên trên, rồi ra ngoài kê đơn bốc thuốc. Y sĩ đưa cho Trang Thị hai hoàn thuốc bảo ngâm nước, cạy miệng đổ cho Mộng Liên uống.

Sau đó, họ Tô mới nói riêng với Phàn mẫu và Thế Hùng :

- Mũi phi tiêu có tẩm thuốc độc. Thuốc tuy đã lợt phần nào rồi nhưng để tiêu cắm trong thịt lâu quá nên cũng đủ sức ngấm khá nhiều.

- Uống thuốc này, lát nữa, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Thoát cơn mê đó, Phàn cô nương sẽ nôn mọc mới hòng thoát được. Hiện nay, tôi không dám nói chắc gì cả.

- Thứ thuốc độc ngâm phi tiêu này có chất nọc độc xà, nên nơi vết thương và da dẻ bầm lại. Độc dược đã ngấm vào máu.

Phàn mẫu ôm mặt khóc òa lên, rồi chạy vào phòng với Mộng Liên.

Thế Hùng nói chuyện với Tô y sĩ :

- Thường ra phi đao hay phi tiêu ít khi có tẩm thuốc độc, trừ phi kẻ địch muốn hạ sát một cách hèn hạ người thù! Bọn khốn kiếp đó ghê gớm thật! Nếu gia muội mệnh hệ nào, thù này quyết phải trả.

Tô y sĩ nhìn quanh, nói riêng với Thế Hùng :

- Tôi muốn nói riêng với Phàn hiền điệt việc này.

Lo lắng, Thế Hùng hỏi :

- Tiên sinh cứ dạy!

- Hồi nãy, tôi không dám nói thật e Phàn thái thái lo buồn. Nọc độc xà ngấm nhiều và lâu quá rồi, nhị cô khó bề thoát chết. Nếu thuốc độc đó không lợt thì nạn nhân đã chết tại chỗ rồi... Tôi đã cho uống hoàn hồi sanh và thuốc sắc khử độc. Dù sao cũng xin tận tâm chữa đến cùng, còn nước còn tát, nhưng quả thật tôi không hy vọng chút này. Xin nói trước kẻo hiền điệt sẽ trách tôi không rõ căn bệnh.

Người nhà sắc thuốc xong, bưng lên cho Phàn mẫu và Trang thị đỡ cho Mộng Liên uống.

Nàng vẫn li bì gần như bất tỉnh. Thế Hùng cáo lỗi với y sĩ, vào tư phòng của Mộng Liên.

Phàn mẫu rưng rưng nước mắt mếu máo :

- Biết thế này không bao giờ mẹ cho các con đi xa như vầy. Ngờ đâu mua oán chuốc thù đến nông nổi này.

Trang thị cũng thương em chồng, khóc sướt mướt. Thế Hùng cúi im mặt xuống đất im lặng. Chàng căm hờn đến cực độ, nhưng muốn bắt được kẻ thù moi gan lấy ruột mới hả lòng. Bỗng Mộng Liên cựa quật nhẹ.

Trang thị mừng quá, gọi khẽ :

- Nhị cô ơi, lai tỉnh, lai tỉnh!

Phàn mẫu cũng gọi con qua dòng lệ :

- Liên nhi con ơi! Mẹ đây mà, tỉnh mau.

Người hiền mẫu đó vừa gọi vừa xoa nắn cánh tay không đau của con :

- Tội tình chi mà gặp nông nổi này. Nếu số mệnh con chẳng may sao mẹ cũng đến chết mất thôi... Liên nhi ơi, lai tỉnh, mẹ đây mà.

Mộng Liên từ từ mở mắt nhìn láo liên.

Phàn mẫu vội khẽ gọi :

- Liên nhi! Mẹ đây mà. Con đã về nhà rồi. Mẹ đây con nhận ra không.

Mộng Liên rên nhẹ :

- Đây là đâu? Mẫu thân ơi... xa nhà con mong về... với mẫu thân quá... Thương nhớ mẫu thân quá...

Người nhà kéo lên đứng cả trong phòng. Nô tì vẫn hầu hạ Mộng Liên đứng sát chân giường. Người nào cũng lệ chảy ròng ròng.

Phàn mẫu gạt lệ gọi :

- Liên nhi, mẹ ngồi bên con đây mà... Lai tỉnh, con!

Nàng mở mắt lờ đờ nhìn quanh, sắc mặt vẫn tím ngắt :

- ... Thương nhớ mẫu thân quá... Mua quà về cho mẫu thân... cho tẩu tẩu... Đâu rồi? Quà đó đâu rồi?

- Mẹ đây con...

- A! Bọn tặc đạo... bây hèn mạt!... Coi ta đánh đây.

Nàng co chân như muốn đạp giường nhưng không nổi, yếu quá lại duỗi xa.

Phàn mẫu lo sợ bóp chấn Mộng Liên thấy lạnh, lo sợ :

- Sao chân lạnh nhiều thế này.

Trang thị và nô tì lấy dầu thoa nắn chân cho em chồng.

Mộng Liên lại mở bừng mắt nhìn mọi người, miệng ú ớ :

- Mẫu thân... hiền huynh tẩu tẩu... A, mẫu thân đây rồi.

Nàng quơ tay định ôm mẹ.

Phàn mẫu cúi rạp xuống áp má vào mặt con :

- Liên nhi ơi, mẹ đây, mẹ ngồi bên con từ lâu rồi, con tỉnh hẳn chưa? Mau khỏe cho mẹ đỡ buồn... Thương con quá, mẹ có một con là gái, nuôi con từ tấm bé, Liên nhi con.

Mộng Liên lờ đờ nhìn mẹ :

- Thương mẫu thân quá... nhưng con chết mất, chết mất mẫu thân ơi, sao con... khó chịu, thế này...

Phàn mẫu và mọi người khóc rưng rức. Thế Hùng gạt nước mắt căm hờn.

Tô y sĩ cầm cổ tay Mộng Liên, chẩn mạch rồi lại ra góc phòng mở bọc lấy hai hoàn thuốc nữa đưa cho Thế Hùng hòa nước cho Mộng Liên uống.

Thiếp đi, lát sau Mộng Liên tỉnh lại mắt nhắm nghiền, miệng lắp bắp mấy tiếng :

- Chu lang... hỡi Chu... lang! Lúc này ta... chẳng được... thấy... nhau...

Phàn thái thái ngạc nhiên nhìn Thế Hùng không hiểu.

Thế Hùng đưa tay lên miệng ra hiệu bảo mẹ im lặng.

Mộng Liên vẫn mơ màng :

- ... Chàng hỡi chàng... ngờ đâu thiếp... cùng chàng... dang dở... Thấy mặt chàng, dù thác cũng cam tâm... Chu lang!

Mộng Liên nói tiếng sau trong một hơi thở phào, rồi thiêm thiếp nằm im.

Tô y sĩ chẩn mạch, bảo mọi người đứng khóc :

- Mạch chưa đến nỗi nào. Phàn cô nương mệt quá ngủ đó thôi. Mạch chưa loạn còn hy vọng. Tôi kê một đơn nữa, cắt luôn. Cần yên tĩnh cho nàng nghỉ ngơi mới được. Nọc độc xà trên mũi tiêu rất ít, may ra thoát, nhưng tôi không dám cam đoan. Phước chủ lộc thầy, còn nhờ phần âm đức nữa mới được.

Thế Hùng nói với Tô Tử Yêm :

- Gia muội trọng bệnh, nhờ tiên sinh ở luôn đây cho tiện việc trông nom, ngu điệt xin hậu tạ sau.

- Ủa, sao hiền điệt nói vậy, tôi với cố lệnh phụ là chỗ thâm giao, vây trông nom cho Mộng Liên là bổn phận của tôi. Tôi xin ngày đêm ở lại săn sóc lệnh muội. Chỉ cần bảo qua cho bên nhà biết để khỏi tiếp khách nữa.

Suốt nửa ngày trời như vậy, bệnh Mộng Liên lúc thuyên giảm, mê sảng luôn luôn, nhưng không thổ được lần nào cả. Bởi vậy, Tô Tử Yêm mới lo ngại.

Thế Hùng kể lại cho mẹ và vợ nghe việc gặp anh em Chu gia trên Trấn Giang, rồi cùng đi Dương Châu và mọi việc đã xảy ra tại đây, ác chiến Kim Cương tự nên thành mối thù với bọn ác đầu đà.

Phàn mẫu tặc lưỡi tiếc :

- Em con cũng lớn rồi, mẹ vẫn ước mong nó gặp người chồng xứng đáng, bỏ công mẹ nuôi dạy nó từ thuở còn thơ. Trời Phật thương phù hộ cho Liên nhi sống, mẹ cũng may ra được rể hiền anh hùng xuất chúng. Đó cũng là ước nguyện của cha con lúc sanh thời. Ước gì họ Chu tới đây, em con được gặp mặt may ra bớt bệnh chăng. Mẹ không câu nệ đâu, miễn là đường đường chánh chánh. Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng là lẽ tự nhiên... Anh em Chu gia ở đâu, con có biết không?

- Đáng lẽ nhị muội không gặp hoạn nạn này, thì chúng con đã đi Kim Lăng xem kỵ mã hội cùng các nhân vật từ hôm mới về nhà rồi. Họ Chu có hẹn về Thái An huyện chơi và bái kiến mẫu thân, nhưng họ là hiệp khách giang hồ cánh nhạn phương trời, không dám thế nào nói chắc được.

- Mẹ hỏi con có mời họ Chu về nhà không?

- Kể từ hôm đại hội Kim Lăng đến bây giờ cũng đã mười mấy ngày trời rồi. Họ Chu có lẽ đã phiêu bạt nơi khác hoặc trừ phi Trời Phật ban phép lạ xui khiến họ tới đây... Tìm kiếm chắc không nổi, mẹ à!

Sự tin tưởng hiện trên nét mặt, Phàn mẫu chắp tay lên ngực :

- Vợ con ngày ngày theo lệnh mẹ đi lễ cầu xin, riêng phần mẹ đêm ngày tâm niệm đức Cao xanh ban phép lành...

Chợt Tranh Thị hớt hải chạy vào nói với chồng :

- Có ba người lạ mặt cỡi ngựa, võ trang đầy đủ, y phục đầy bụi có lẽ từ xa đến... đòi gặp phu quân... Một trai, hai gái nghiêm trang oai dũng lẫm liệt...

Thế Hùng đứng phắt dậy nói với mẹ :

- Mẫu thân ơi, anh em Chu gia đã tới, lòng thành kính của mẫu thân đã đạt tới Trời xanh...

Quay lại nói với Trang thị :

- Hiền thê liệu sửa soạn phòng ốc cho bằng hữu nghỉ ngơi.

Dứt lời, Thế Hùng ra thẳng ngoài cổng đón khách. Phàn mẫu vội sang phòng Mộng Liên, còn Trang thị thì hối thúc nô tì dọn dẹp mấy căn phòng. Phàn Thế Hùng chạy vội ra cổng. Quả nhiên, Chu Đức Kiệt, Lam Y và Âu Dương Bích Nữ tới, xuống ngựa đứng chờ.

- Chao ôi, quý vị đến Thái An vừa đúng lúc.

Thấy Thế Hùng xanh xao, gầy ốm, ba người kinh ngạc nhìn nhau. Chu Đức Kiệt vội hỏi :

- Phàn đại ca đau hay sao vậy?

Vào nhà đã, nói chuyện sau, dài lắm.

Lam Y hỏi ngay :

- Mộng Liên đâu?

- Gia muội đau nặng, nằm trong nhà, mong và nói tới các vị luôn.

Lam Y thở phào, bớt được vẻ lo sợ đè nén tâm nàng từ bao lâu rồi. Vào tới nhà, ba người thấy một lão phụ nét mặt dịu hiền đứng trong cùng phòng trà, thì đoán ra là Phàn mẫu. Thế Hùng giới thiệu mẹ và vợ.

Ba người liền tới quỳ lạy. Phàn mẫu vội vàng đỡ dậy :

- Quý vị hiền điệt bỏ đại lễ. Lão được nghe Thế Hùng nói đến rất nhiều nên vẫn mong mỏi được gặp. Liên nhi đau nặng cũng thường trong cơn mê sảng nhắc tới tên các hiền điệt. Gặp nhau đây chắc nó mừng lắm.

Phàn mẫu nhìn kỹ Chu Đức Kiệt, thầm khen tốt tướng. Thi lễ cùng Trang thị, Lam Y chú ý nhìn, thấy nàng hiền đức xứng đôi với Thế Hùng. Phàn mẫu mời ba người ngồi cùng dùng trà, hối gia nhân lấy nước rửa mặt.

Lam Y thưa :

- Chúng cháu rửa tay qua loa rồi, xin phép bá mẫu cho vào thăm ngay Phàn muội kẻo nóng ruột lắm.

Phàn mẫu gật đầu, rưng rưng nước mắt cảm động :

- Liên nhi gần đất xa trời, chỉ mong chờ có quý vị hiền điệt. Gia đình lão vô phúc quá!

Thế Hùng giới thiệu Tô y sĩ với mọi người.

Sau nhiều ngày đau ốm, Mộng Liên gầy guộc sút người. Hai má hóp lại, mắt như lờ đờ, sắc diện tím bầm.

Ba hiệp khách vội rảo bước tới bên giường.

Nhận ra Chu Đức Kiệt, Lam Y, Âu Dương Bích Nữ, Mộng Liên như muốn chống tay ngồi dậy, nhưng nàng run lẩy bẩy rất đáng thương...

Lam Y, Âu Dương Bích Nữ mỗi người ngồi xuống một bên giường cầm tay Mộng Liên rưng rưng hạt lệ.

Vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán Mộng Liên, Lam Y nói :

- Ngay từ lúc còn ở Kim Lăng, thấy nóng ruột lắm rồi, ngờ đâu ra cơ sự này.

Lúc bấy giờ, Mộng Liên mới lắp bắp nói được mấy tiếng :

- Cám ơn... nhị vị... và Chu huynh thương đến kẻ hèn này nhiều.

Lam Y lắc đầu, bảo Âu Dương Bích Nữ đỡ Mộng Liên nghiêng một bên, xem vết thương và gọi Chu Đức Kiệt nhìn. Thịt bắp vai lạnh giá, tím lại, miệng vết thương đọng dính nước vàng, không liền tuy có rắc thuốc. Lam Y đưa mắt nhìn Đức Kiệt có ý hỏi. Đức Kiệt kéo áo che vai cho Mộng Liên cẩn thận rồi ý tứ vẫy Lam Y, Âu Dương Bích Nữ và Phàn mẫu, Thế Hùng ra ngoài nhà.

Trước khi ra, chàng bảo Mộng Liên :

- Ngu huynh ra pha thuốc mang theo đây cho hiền muội dùng nhé!

Sung sướng, Mộng Liên mấp máy đôi môi như muốn nói gì...

Ra tới phòng khách nơi còn để các bọc hành trang, Chu Đức Kiệt nói với Phàn mẫu và Thế Hùng cho xem mũi phi tiêu.

Để nguyên mũi phi tiêu trên tấm khăn, chàng lật đi lật lại nhìn kỹ, lát sau chậm rãi nói :

- Tiêu này đầy chất độc chớ không phải đã lợt thuốc như Tô tiên sinh đã dạy. Lỗi không ở tiên sinh nhưng vì người không rành về các môn độc dược của giới giang hồ đắc đạo. Tiêu này tẩm nọc độc của thứ rắn Thiết Xà ở cùng Hà Bắc. Nọc rắn độc này khi ngấm vào máu có tánh chất làm tiêu hao kẻ trúng thương cho đến chết, chớ không làm táng mạng ngay như mấy thứ độc xà khác. Có thuốc mang theo đây, nhưng chỉ chữa nổi trong vòng mười ngày. Độc chất ngấm nhiều nên Phàn muội da dẻ bị tím bầm lại là vì thế. Lam Y hiền muội lấy bọc thuốc ra đây, cho Phàn muội uống và bôi lên vết thương, nhưng e nổi đã quá cử rồi.

Phàn mẫu thở dài, rưng rưng lệ.

Âu Dương Bích Nữ vội móc túi trong lấy ra một gói thuốc chọn lấy hai hoàn bọc sáp màu vàng đưa cho Đức Kiệt :

- Có phải thứ Tẩy Thiết Xà Độc hoàn này không? Bên Thiếu Lâm tự gia sư Chiêu Đức cũng đã luyện sẵn.

Đức Kiệt đón lấy hai hoàn nhìn qua chữ đề ngoài, bóp vỡ ra ngửi hai hoàn thuốc màu đỏ sẫm.

- Phải rồi chính thuốc này đây, nhờ nhị vị hiền muội cho Mộng Liên uống một hoàn, còn một hòa nước đặng bôi lên vết thương, sau khi đã chùi sạch sẽ. Phàn mẫu đăm đăm nhìn Đức Kiệt. Mọi người trở vào phòng Mộng Liên.

Lam Y và Âu Dương Bích Nữ lau vết thương đã sạch, bôi lớp thuốc thiệt dày, rồi phủ áo lại.

Những lúc cho uống thuốc, Mộng Liên cứ lắc đầu, miệng lắp bắp :

- ... Vô ích... trễ rồi... đừng có thử nữa... gặp nhau lúc này ngu muội toại ý rồi.

Lam Y suy nghĩ, đưa ly thuốc cho Đức Kiệt :

- Đã biết gọi trúng bệnh, hiền huynh ắt phải biết cho bệnh nhân uống thuốc!

Đoạn nàng đứng lên nhường chỗ bên giường cho anh.

Đức Kiệt ngồi thế vào đó, cùng Âu Dương Bích Nữ ngồi phía bên kia nhẹ tay dỗ Mộng Liên :

- Phàn muội! Chịu khó uống thuốc đi cho bá mẫu và bọn huynh khỏi buồn.

Giọng trầm trầm ấm áp có hiệu lực như một liều thần dược, khiến Mộng Liên mở choàng cặp mắt nhung đen láy lờ đờ nhìn Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ.

Âu Dương Bích Nữ nói nhẹ :

- Chịu khó uống đi Phàn tỷ.

Mộng Liên hé miệng, Đức Kiệt kéo mền nhẹ nhàng đắp lên ngực cho nàng.

Chờ Mộng Liên thiêm thiếp ngủ yên, để Trang Thị ở lại săn sóc, mọi người ra cả ngoài phòng khách, Phàn mẫu dẫn Lam Y và Âu Dương Bích Nữ về phòng riêng. Trong khi Thế Hùng cùng Đức Kiệt chuyển các bộ hành trang về phòng của ba người, chàng nói :

- Gia phụ khi xưa cũng là môn đồ của Thiếu Lâm, tiếc rằng đến lượt anh em tôi không được theo dõi đến nơi đến chốn sơ thiền nhiều, nay mới thấy tiếc.

Chu Đức Kiệt an ủi :

- Việc gì trên đời này cũng có số mệnh, tiếc sao được. Hiền đệ khác giữ mũi tên gian ác sau này cần tới. Còn điều này nữa, trong nhà đang có chuyện buồn, hiền điệt nói với lão mẫu chẳng nên bày vẽ cơm, rượu lôi thôi. Chúng tôi không có lòng dạ nào ăn uống đâu nhé!

Chập tối hôm đó, Mộng Liên thổ ra mấy cục huyết đen như mực, nhưng mệt nhiều.

Tô Tử Yêm chẩn mạch :

- Nhược mạch! Cho uống nhân sâm ninh với nước thịt được không?

Đức Kiệt gật đầu đưa cho y sĩ một liều nhỏ thuốc bột :

- Nước đó hòa với thuốc này. Nhưng tôi muốn nói riêng với tiên sinh một điều. Môn thuốc trừ độc của võ phái chúng tôi chỉ có thể hiệu nghiệm khi nạn nhân mới bị thương trong vòng mười ngày. Trường hợp của Mộng Liên tôi e lắm. Độc ngấm vào máu nhiều nơi. Thật ra đường mạch thế nào?

Tô y sĩ lắc đầu :

- Yếu quá rồi, khó lòng lắm, trừ phi có thánh dược.

Tối hôm ấy lúc tới phiên Đức Kiệt ngồi bên cạnh bệnh nhân, chàng mượn bộ Tính Dược của Tô Tử Yêm đọc.

Mộng Liên mở bừng cặp mắt ra, thều thào đòi uống nước.

Đức Kiệt rót nước sâm cho nàng uống.

- Tay ngu muội lạnh quá. Chu huynh hãy giữ lấy một lát cho ấm đi.

Đức Kiệt chiều ý.

- Sức nóng của hiền huynh truyền sang dễ chịu quá. Nếu nhờ nguồn sinh lực của hiền huynh mà khỏi được bệnh, hiền huynh có cho không?

Vuốt mấy sợi tóc mai lòa xòa trên má Mộng Liên, chàng nói :

- Hiền muội chịu khó uống thuốc cho khỏe đi, ngu huynh sẽ xin phép bá mẫu cho đi chơi đây đó một phen.

Nụ cười chát chúa nở trên cặp môi nhạt :

- Khỏe à, chắc không thể được nữa. Ngu muội biết mình lắm. Hồng nhan bạc mệnh, gần được hiền huynh ngày nào là hạnh phúc ngày nấy. Có chết cũng cam.

- Hiền muội có thương ngu huynh thì nên tĩnh dưỡng, tin tưởng, hy vọng ngày gần đây khỏi bệnh. Nếu vừa rồi cùng đi Kim Lăng, thì đâu xảy ra nông nổi này? Mấy ngày ở Kim Lăng, ngu huynh nóng ruột nên mới đi gấp ngày đêm về Thái An huyện đó.

- Nghe lời vàng ngọc ấy, bây giờ có mệnh nào, ngu muội cũng ngậm cười nơi chín suối...

Đức Kiệt khuyên nhủ :

- Hiền muội nên nghĩ ngợi, nói nhiều quá mệt, hại thần trí. Nên nghe lời ngu huynh khỏi lo buồn.

Đưa cặp mắt huyền, Mộng Liên nhìn Đức Kiệt rồi nhắm mắt lại thiêm thiếp ngủ.

Bệnh trạng Mộng Liên lúc tăng lúc giảm tới bốn hôm sau, nàng biết mình khó sống, cho mời tất cả mọi người vào. Nàng tỉnh táo hơn lúc nào hết, nhìn khắp mọi người. Phàn mẫu và Trang thị ngồi hai bên đầu giường, cầm đôi tay gầy guộc xoa bóp cho nàng. Người nào cũng rưng rưng nước mắt.

Nhìn mẹ, Mộng Liên nói qua hơi thở :

- Mẫu thân ơi, đứa con mệnh bạc này không có phúc được thần hôn tĩnh định sớm hôm, đau xót cho con biết chừng nào!

Phàn mẫu ôm mặt khóc ngất, Lam Y phải vực ra ngoài. Nhìn Trang thị, Mộng Liên nhắn nhủ :

- Hiền tẩu và hiền huynh liệu thay ngu muội phụng dưỡng mẹ già. Bao lâu những mong có cháu bế mà chẳng được như nguyện.

Trang thị bưng miệng khóc đứng dậy. Lam Y vội ngồi xuống ghế áp má vào trán Mộng Liên :

- Hiền muội bi quan thế! Phải tĩnh dưỡng mới được.

Khẽ lắc đầu, Mộng Liên chua chát :

- Lúc này ngu muội phải nói, tiếc rằng chị em chúng ta chung sống chưa được bao ngày, mới hồi nào được theo hiền tỷ vào thăm dinh Tổng Trấn Giang, nào đánh Kim Cương tự, ngu muội tưởng được theo đòi học hỏi hơn nữa... ngờ đâu chỉ vì vụng tính sai đường nên đến nỗi này! Trên bước giang hồ gởi lời hiền tỷ thăm vợ chồng Tào Chí. Ngu muội sẽ phù hộ trên đường du hiệp. Dù thác cũng không quên nhau. Yêu cầu hiền tỷ một điều: Báo thù cho ngu muội, moi gan móc ruột nó mới hả lòng.

Lam Y nghiêm nét mặt :

- Lam Y này xin hứa cùng hiền muội điều đó, trước giờ phút thiêng liêng này.

Dứt lời nàng đứng phắt dậy như chợt thấy bọn Hắc Đầu Đà trước mặt.

Gọi tất cả các gia nhân đến trước mặt, Mộng Liên nhắn :

- Hãy hầu bà, hầu đại huynh, đại tẩu cho hết lòng nhé, tôi sẽ phù hộ cho.

Sau khi cảm ơn Tô Tử Yêm, Mộng Liên quay đầu sang phía hữu giường ngó Âu Dương Bích Nữ :

- Hiền tỷ kêu hiền huynh ngồi xuống bên này. Tình bạn ngờ đâu giữa đường đứt gánh!

Đức Kiệt nhón nhén ngồi xuống bên.

Đưa hai tay gầy guộc run rẩy, Mộng Liên cầm tay Âu Dương Bích Nữ và Đức Kiệt kép áp vào nhau, lờ đờ nhìn hai người :

- Âu Dương hiền tỷ hãy chăm nom chu đáo Chu huynh, đừng bao giờ xa chàng, Chu lang hỡi! Mộng Liên đi đây...