Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 206: Một miếng tươi ngon, ăn cả ngày




Bát canh hạt sen ngân nhĩ không đường tỏa hương thơm mát. Lúc mới ăn có vị hơi đắng. Trương Nguyên dùng chiếc thìa canh bằng sứ trắng, từ tốn xúc từng thìa từng thìa một. Mục Chân Chân ngồi bên cạnh, nhìn không chớp mắt.

Trương Nguyên nghiêng đầu cười hỏi:

- Thật sự không phải là đang thèm nhỏ dãi đấy chứ?

Mục Chân Chân đỏ bừng cả mặt, ra sức lắc đầu, nói:

- Tiểu nữ sợ không bỏ đường, thiếu gia không ăn được.

Trương Nguyên nói:

- Không sao, hiện giờ ta phải hạn chế ăn đồ ngọt.

Hắn vốn muốn đem nửa bát canh này cho Mục Chân Chân nhưng đắn đo mãi lại thôi. Vì vậy, Trương Nguyên nhanh chóng uống hết rồi để Mục Chân Chân đi rửa bát. Sau đó, hắn tiếp tục viết “Đổng Hoạn ác hành lục”.

Lúc trước trong buổi tiệc rượu, khi nghe các sĩ tử Tùng Giang nói tên Đổng thị này đã làm đủ chuyện xấu xa, trong đầu Trương Nguyên đã sớm nảy ra một ý tưởng lợi hại. Từ Phong Nhạc lầu bên ngoài Dũng Kim Môn trở về chiếc thuyền nhỏ đậu ở bến sông, ý tưởng của Trương Nguyên đã được định hình rõ ràng. Hắn liền đem tất cả viết ra một cách chân thực nhất. Tuy độ dài tương đối lớn, ước chừng tới năm nghìn từ. Nhưng tốc độ viết của Trương Nguyên rất nhanh, chưa đầy hai canh giờ, hơn mười trang giấy Tùng Giang đã kín chữ, mỗi một chương đều hết sức mạch lạc dễ hiểu.

Trương Nguyên đặt bút xuống, xoa xoa ngón tay đã mỏi nhừ, ngước mắt lên định tìm Mục Chân Chân để trò chuyện nhưng đã thấy nàng ngủ từ lúc nào, vẫn giữ tư thế ngồi xổm, tựa đầu vào cánh cửa gỗ, hai tay đặt trên đùi, hàng mi dài khép chặt, thỉnh thoảng khẽ lay động, trên môi vẫn giữ nét cười giống như đang trong một giấc mộng đẹp.

Lúc này trống điểm bốn canh, trời đã sắp sáng rồi. Trương Nguyên không muốn quấy rầy giấc ngủ của Mục Chân Chân nhưng để nàng ngủ trong tư thế này cũng không thoải mái lắm. Hắn vừa toan đứng lên thì nàng tỉnh dậy, vội vàng chỉnh lại tư thế, thẹn thùng kêu lên một tiếng

- Thiếu gia.

Sau đó đi tới thu dọn bút và nghiên mực, nhưng Trương Nguyên liền nói:

- Không cần thu dọn nữa, mau ngủ sớm đi, ta cũng mệt rồi, ngại rửa mặt!

Mục Chân Chân nói:

- Nhanh thôi ạ, thiếu gia chờ một lát!

Sau đó nàng nhanh chóng đi ra ngoài, bưng một chậu nước đã chuẩn bị sẵn trở vào. Trương Nguyên súc miệng rửa tay xong, ngả đầu nằm xuống. Mục Chân Chân sau khi đã dọn sạch bút nghiên mới quay trở lại, đóng cửa, thổi tắt đèn trên tường, nằm xuống phía bên trái Trương Nguyên. Nàng trước đó đã ngủ rồi, giờ không buồn ngủ nữa, nằm yên tĩnh lắng nghe nhưng dường như lại không nghe thấy được tiếng thở của người nằm bên cạnh, chắc hẳn thiếu gia vẫn chưa ngủ.

Hai tập trường văn đã viết xong, tinh thần phấn chấn, nghĩ đến lúc bắt đầu thực hiện kế hoạch, trong lòng Trương Nguyên lại ngổn ngang nhiều cảm xúc. Lúc này cũng đã quá giấc rồi, muốn ngủ cũng không ngủ được nữa. Hơn nữa, vai phải của hắn có chút đau nhức, nâng cao cổ tay viết suốt ba canh giờ, là ai cũng không khỏi mệt mỏi. Nghĩ rằng Mục Chân Chân cũng không ngủ, hắn liền lên tiếng:

- Chân Chân, ngươi bóp vai giúp ta một chút được không?

Mục Chân Chân “dạ” một tiếng rồi đến ngồi bên cạnh Trương Nguyên. Lúc này mới là rạng sáng, trời vẫn còn lờ mờ tối. Mục Chân Chân giống như người mù, giơ tay quờ quạng, qua lớp vải mỏng lại cảm thấy chạm vào phần da thịt vô cùng rắn chắc, chỉ nghe thấy thiếu gia khẽ bật cười. Mục Chân Chân thoáng chốc đỏ bừng mặt. Thiếu gia đang nằm sấp, chỗ mà nàng chạm vào chính là phần hông của hắn. Nàng vội dời tay lên phía trên, nhẹ nhàng xoa bóp bả vai thiếu gia nhưng nhịp tim vẫn còn đập gấp gáp. Mặc dù nàng đã hầu hạ bên cạnh Trương Nguyên hơn một năm rồi, nhưng rất hiếm khi có tiếp xúc thân mật, vậy mà vừa nãy Trương Nguyên lại nhờ nàng bóp vai, nàng còn bất cẩn chạm vào hông hắn. Quả thật Mục Chân Chân chỉ muốn tìm cái lỗ nào mà chui xuống. Bỗng nhiên, nàng nghe thấy có tiếng người ở đuôi thuyền hạ giọng nói chuyện, chắc hẳn là vợ chồng bác chèo thuyền đã dậy rồi. Thuyền nương kia nói:

- Nước sông ở đây không sạch lắm, qua dòng suối nhỏ bên kia gánh nước về đây đi. Trời vẫn chưa sáng đâu!

Sau khi thuyền phu khẽ ừ một tiếng thì Mục Chân Chân lại nghe thấy tiếng của phụ thân nàng:

- Vương ca, ca nghỉ ngơi đi, để ta đi lấy nước!

Lúc này sắc trời đã sáng hơn, bình minh hé rạng rồi. Mục Chân Chân nghe rõ tiếng phụ thân nàng mang thùng nước nhảy lên bờ.

Thị trấn nhỏ ven sông sau một đêm ngủ say đã thức dậy, mọi thanh âm đều huyên náo trở lại. Trương Nguyên trong tư thế nằm sấp đã ngáy khe khẽ. Mục Chân Chân xoa bóp rất dễ chịu, cơn buồn ngủ bỗng dưng kéo đến, không thể cưỡng lại được, ý thức của Trương Nguyên dần trở nên mơ hồ, mặc cho ánh bình minh đang xuyên qua những khe hở trên mui thuyền, làm cho cả không gian bên trong bừng sáng. Mục Chân Chân ngồi xổm, nhìn thiếu gia đang ngủ say, trong lòng vui sướng. Nàng quay về chỗ ngủ của mình, cũng bắt chước thiếu gia nằm sấp nhưng cảm giác không thoải mái lắm, trước ngực có chút chật chội. Mục Chân Chân cố sức quay đầu ra sau nhìn phần lưng hông của mình, từ lưng đến eo tạo thành một đường cong, ép sát vào mặt sàn, đến mông lại nhô hẳn lên. Mục Chân Chân đưa tay ra sau, tự chạm vào hông mình, nhưng chẳng có cảm giác gì đặc biệt, nếu như… đổi lại là tay của thiếu gia thì sẽ như thế nào nhỉ?

Tưởng tượng như vậy, Mục Chân Chân chợt cảm thấy nóng ran cả người, thầm tự mắng mình:

- Mục Chân Chân, ngươi thật không biết xấu hổ, đang nghĩ lung tung cái gì vậy!

Nghe thấy tiếng phụ thân đã xách nước trở về, nàng nhanh chóng đứng dậy.

Lúc Trương Nguyên tỉnh dạy thì mặt trời đã lên cao rồi, là do Trương Ngạc đánh thức hắn. Trương Ngạc thấy hắn tỉnh dạy liền hạ thấp giọng nói:

- Giới Tử, đêm qua đệ và Mục Chân Chân chiến đấu ba hiệp rồi hả? Mệt phờ rổi hả?

- Nói xằng bậy!

Trương Nguyên cười cười ngồi dạy, nói:

- Huynh mau lại xem đêm qua đệ đã làm được những việc gì!

Hắn liền sai Mục Chân Chân đem một chồng giấy Tùng Giang đưa cho Trương Ngạc xem.

Trương Ngạc vừa xem “Đổng hoạn ác hành lục” vừa nói:

- Quả thật đã viết không ít, rất tốt, những câu này rất đúng với tên ác bá Đổng Tổ Thường, một chữ bẻ đôi cũng không biết, ỷ vào gia thế, tàn ác khó dung…Hay, chửi hay lắm!

Trương Đại lúc này cũng đã tới, nhìn bài viết liền “Thư họa khó luận lòng người” vỗ tay khen ngợi:

- Đợi lúc mang đến thảo đường nhất định sẽ khiến cho chư sinh thấy được bộ mặt thật của y.

Trương Đại, Trương Ngạc đều chăm chú xem hai bài hịch văn đảo Đổng. Trương Ngạc cười nói:

- Cái này giống với thủ đoạn đối phó với Diêu Tụng Côn năm trước, đầu tiên là bôi nhọ thanh danh của Đổng Kỳ Hưng, Giới Tử, đệ có vẻ nghèo nàn ý tưởng nhỉ, mãi vẫn chỉ có chiêu này!

Trương Ngạc trước giờ nói chuyện thường thích châm chọc, Trương Nguyên đáp lời:

- Một miếng tươi ngon có thể ăn cả ngày (một chiêu hữu dụng có thể bắn trúng nhiều đích), dùng được là được!

Trương Đại nói:

- Đổng Kỳ Hưng là đại danh sĩ, thanh danh bại hoại thì sống không bằng chết.

Trương Ngạc nói:

- Dựa vào hai bài này mà chỉ làm bại hoại danh tiếng, không trị được tội ác của cha con Đổng Thị một cách thích đáng, thì chưa thể hả giận được!

Trương Nguyên nói:

- Phải đi từng bước một, trước hết phải làm cho thư họa của Đổng Kỳ Hưng không thể bán được!

Trương Đại nói:

- Theo hiểu biết của ta, thư họa của Trần Mi Công ở Hoa Đình thật ra trên Đổng Kỳ Hưng một bậc. Tranh của Đổng thị thường ôn nhu, nhưng Trần Mi Công thì trong nhu có cương, đáng tiếc địa vị của ông ta không bằng Đổng Kỳ Hưng. Trần Mi Công chỉ nổi danh ở Giang Nam còn danh tiếng của Đổng Kỳ Hưng đã vang khắp Nam Giang Bắc Giang.

Trương Nguyên hỏi:

- Có phải chính là cái vị Trần Mi Công đánh Thu Phong ở Huyện Tiền Đường không?

Trương Đại cười nói:

- Lúc đó ta mới tám tuổi, chưa biết gì, hay bày trò nghịch ngợm. Nhưng tổ phụ rất kính trọng nhân phẩm của Trần Mi Công.

Vũ Lăng đứng ở cửa thăm dò hỏi:

- Thiếu gia, Chung Công Công phái Tiểu Cao Công công đến mời thiếu gia đi du hồ.

Trương Ngạc nhân tiện nói:

- Giới Tử, Chung Công Công đối đãi với đệ tốt như vậy phải chăng muốn mời đệ vào cung làm lão sư?

Trương Nguyên nói:

- Kết quả học tập của đệ xếp loại ưu, sẽ không ai cho đệ đi đâu, các kỳ thi của tam huynh ở Quốc Tử Giám toàn xếp thứ bét, tiến cung may ra có hi vọng.

Hai huynh đệ bọn họ vừa đi vừa trêu ghẹo lẫn nhau, đến mui thuyền đã thấy Tiểu Cao – con nuôi của Chung thái giám đứng ở trên bờ khom người nói:

- Chung Công Công mời ba vị công tử, tỷ tỷ và cháu ngoại của Trương Giới Tử cùng đi du hồ, đã chuẩn bị lâu thuyền của Nhã Khiết, người không có phận sự sẽ không quấy rầy!

Trương Nguyên liền đi báo cho tỷ tỷ Trương Nhược Hi. Trương Nhược Hi biết đệ đệ Trương Nguyên muốn ở lại Hàng Châu nghỉ ngơi mấy ngày. Đêm qua đã phải vất vả viết hai bài để giúp Thanh Phổ Lục thị đối phó Tùng Giang Đổng thị. Tâm trạng Trương Nhược Hi đang rất vui vẻ, nghĩ rằng đến Hàng Châu mà không đi du ngoạn Tây Hồ thì thật đáng tiếc, liền nhân tiện nói:

- Tốt lắm, dẫn theo Tiểu Khiết để cho nó được chiêm ngưỡng cảnh đẹp Tây Hồ, mở mang tầm mắt.

Chức Tạo thự phái ba cỗ xe ngựa tới đón bọn người Trương Nguyên, ngoài thuyền viên, tất cả người hầu đều được đi theo. Hai chiếc du thuyền đã đậu sẵn hai bên bờ Bạch Đê, Chung Công Công cũng ở trên một chiếc thuyền. Ba người huynh đệ Trương Nguyên cùng lên chung thuyền với Chung thái giám. Hai mẹ con Trương Nhược Hi, Chu mụ và hai tỳ nữ, cùng với Mục Chân Chân, còn có tỳ nữ của Trương Đại và Trương Ngạc lên một chiếc thuyền khác. Những người chèo thuyền trên đó đều là thuyền nương do Chung Công Công sắp xếp, vốn thường để tiếp đãi nữ quyến của các quan viên đi du hồ.