Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 207-1: Hoa tàn liễu bại (1)




Chung Thái giám đối đãi với Trương Đại, Trương Ngạc rất khách khí. Ông ta nói với Trương Nguyên:

- Trương công tử, nghe nói tối hôm qua ở Phong Nhạc Lầu ngươi đã mở tiệc chiêu đãi các chư sinh rất náo nhiệt!

Phong Nhạc Lầu nằm ngay phía ngoài Dũng Kim Môn, cách Chức Tạo thự không xa. Thái giám của Chức Tạo thự vốn là giám sát địa phương, trực tiếp nhận lệnh từ triều đình, cai quản toàn bộ dân chúng trong vùng. Ở tửu lầu, việc Trương Nguyên cùng với Tiêu Nhuận Sinh, La Huyền Phụ và sĩ tử Tùng Giang bàn luận về tội ác của cha con Đổng Kỳ Xương chắc chắn không thể qua mặt Chung Công Công. Vì vậy, Trương Nguyên liền đem hai tập viết đêm qua đưa cho Chung Công Công xem. Xem xong, y liền cười nói:

- Trương Công tử đúng là dụng bút như đao, vô cùng sắc bén. Việc Trương Công tử muốn đối phó với Đổng Hàn Lâm e là chúng ta lực bất tòng tâm.

Chung Công Công sắp hồi cung, không muốn gây chuyện thị phi.
Trương Nguyên nói:

- Không cần công công phải hao tổn trí lực, chỉ cần công công biết việc này là được rồi!

Chung thái giám cười nói:

- Vậy để xem bản lĩnh lật tay thành mây, đảo tay thành mưa (xoay chuyển càn khôn) của Trương Công tử. Công tử nếu cần hỗ trợ về tiền bạc, cứ việc đề xuất!

Trương Nguyên nói:

- Đa tạ công công, trước mắt thì vẫn chưa cần, chỉ là hai ngày tới ta muốn đưa gia đình tỷ tỷ về Thanh Phổ, muốn mượn hợp bài Tiểu Khám của công công dùng một chút.

Chung Công Công nói:

- Không cần khách khí, khi nào ngươi đi cứ đến chỗ ta lấy!

Ba huynh đệ Trương Nguyên cùng với Chung Công Công đi xuống chân núi Thạch Sơn thăm quan tế viện, đập vào mắt họ là dòng chữ “Bảo Thạch sơn Chung thị dưỡng tế viện” trích trong cuốn Tiêu hoàng sở thư được khắc rõ nét trên tấm bia. Tế viện này quy mô đã lớn lại mời được thợ thủ công có tay nghề để xây dựng phòng ốc nên cảnh trí rất hài hòa ưa nhìn. Nghe Trương Nguyên, Trương Đại hết lời khen ngợi, Chung Công Công mãn nguyện ra mặt nhưng đương nhiên vẫn phải nói ra vài lời khiêm tốn.

Đã tới chân núi Bảo Thạch cũng không thể không đến chiêm ngưỡng từ đường của Chung thái giám trên đỉnh núi. Trương Ngạc nhìn bức tượng Chung Công Công đặt ngay ngắn bên trong từ đường, ghé tai Trương Nguyên nói:

- Đã là từ đường thì nên để Chung Công Công bằng xương bằng thịt này ngồi ngay ở đây mà hưởng thụ hương khói, chẳng phải tốt hơn nhiều sao, việc gì phải khắc tượng gỗ!

Trương Nguyên nín cười, nhìn vị Chung Công Công kia đang thảnh thơi đi dạo bên trong từ đường, không thể không cảm thấy cảnh tượng này rất hài hước.

Sau khi xuống Bảo Thạch sơn, Chung thái giám mở tiệc chiêu đãi ba huynh đệ Trương Nguyên ở tây lâu thuyền. Trương Nguyên không dám uống nhiều rượu, dùng cơm xong liền xin phép ra về. Sau khi sắp xếp cho các tỷ muội trở về bến thuyền, ba huynh đệ Trương Nguyên lại đến núi Nam Bình gặp các sĩ tử ở Cư Nhiên thảo đường. Hai bài hịch văn đảo Đổng này chính là muốn thông qua bọn họ để ban bố khắp bốn phương, tạo nên một trận cuồng phong!

Đến bên ngoài chùa Tịnh Từ thì gặp Tiêu Nhuận Sinh và La Huyền Phụ, La Huyền Phụ nói:

- Ba vị sao đến chậm vậy, hai người chúng ta định đi tìm, Ngụ Dung tiên sinh đã đợi sẵn mọi người tại Nam viên của Bao Phó sử.

Trương Nguyên tạ lỗi:

- Theo nhà tỷ dạo hồ nên đến trễ.

Mọi người đi vòng theo hướng tháp Lôi Phong, Tiêu Nhuận Sinh và La Huyền Phụ biết được Trương Nguyên viết hai bài hịch văn đảo Đổng suốt đêm liền vội vàng đòi xem. Họ vừa đi vừa xem, luôn miệng kêu tuyệt, Tiêu Nhuận Sinh nói:

- Hịch văn này quả thật có thể khiến Tào A Man sợ tới mức quên luôn cơn nhức đầu.

Trương Ngạc bĩu môi nói:

- Đổng Kỳ Xương sao so được với Tào Tháo, còn cách xa vạn dặm.

Tiêu Nhuận Sinh cười nói:

- Không phải so sánh Đổng Huyền Tể với Tào Tháo, mà là nói hịch văn của Trương Nguyên có thể dọa Đổng Huyền Tể toàn thân toát mồ hôi lạnh.

La Huyền Phụ nói:

- Sợ là Ngụ Dung tiên sinh sẽ không cho chúng ta lên án Đổng Huyền Tể như vậy đâu.

Tiêu Nhuận Sinh nói:

- Giờ ta sẽ đem hai bài văn này đến học đường để chư sinh sao chép lại, không dùng tên của Trương Giới Tử, chỉ lấy danh nghĩa của chư sinh Tùng Giang để tuyên truyền. Như thế ngoài mặt sẽ thể hiện học đường chúng ta không liên can đến, tránh cho Ngụ Dung tiên sinh phải khó xử.

La Huyền Phụ gật đầu nói:

- Vậy tốt quá rồi, Giới Tử huynh nghĩ thế nào?

Đây chính là hy vọng của Trương Nguyên, Tiêu Nhuận Sinh lập tức nhét hai bài văn vào tay áo rồi trở về Cư Nhiên thảo đường, còn La Huyền Phụ dẫn huynh đệ Trương Nguyên đến nam viên của Chiết Giang Bố Chính ti Phó sử Bao Hàm Sở. Hôm nay Bao Phó sử cũng ở trong viên, Bao Phó sử tên Ứng Đăng, hiệu là Hàm Sở, có giao tình với Trương Nhữ Lâm. Trông thấy ba huynh đệ Trương Nguyên, y cười nói:

- Trương thị tam tuấn kiệt cùng đến học ở Quốc Tử Giám, hiếm thấy hiếm thấy.

Hoàng Nhữ Hanh cầm kính mát trong tay, đây là cái mà hôm qua Trương Nguyên nhờ Tiêu Nhuận Sinh đem đến, Hoàng Nhữ Hanh nói:

- Trương Nguyên, mắt kính này rất tốt. Năm trước ta mua được một cặp ở Tô Châu, nhưng không bằng cặp kính của ngươi đưa.

Đột nhiên nghe thấy tiếng đồ sứ rơi vỡ giòn tan ở bậc thềm trước sảnh, mọi người quay lại thì thấy một đồng tử bưng trà đứng đó khóc mếu máo. Mấy chén trà trên khay đã rơi hết xuống đất, trên mặt đất đá xanh vương vãi những mảnh sứ vỡ cùng nước trà.

Bao Hàm Sở cau mày, định nổi giận thì chợt cười to, nói với Trương Nguyên:

- Năm ngoái, Trương Nguyên ngươi ở trước mặt Tiêu Thái sử và Ngụ Dung tiên sinh nói đồng tử này bưng trà đi qua nhiều gờ cửa thềm đá, lại chưa từng sẩy chân đánh vỡ chén trà. Hôm nay cũng cùng một người, vậy mà y lại làm rơi, việc này nên nói thế nào đây?

Hoàng Nhữ Hanh cũng bật cười ha hả.

Trương Nguyên mỉm cười nói:

- Trước kia khác bây giờ khác, đạo khó khăn như thế, nếu tưởng rằng vãn bối nay đã đắc đạo, công đức viên mãn kia là học theo Hàm Đan (học nhưng không thành), khiến cho đường cũng không đi được nữa.

Lời Trương Nguyên nói khá hay, ý vị sâu xa, Bao Hàm Sở khen ngợi:

- Có thiên cơ, không hổ là cao đệ của Tiêu Thái sử và Ngụ Dung tiên sinh.

Dứt lời, y cùng Trương Ngạc, Trương Đại nhắc đến Nam Khúc và tình hình gánh hát Khả Thực của Trương thị, Bao Hàm Sở nói:

- Ở bắc viên Phi Lai Phong Hạ của ta có một gánh hát, khi nào có thể cùng diễn với gánh Khả Thực để phân tài cao thấp?

Gánh hát của Bao Hàm Sở ở Hàng Châu cũng có tiếng, ca đồng diễn kịch, đội vũ cổ xúy đều tuyệt luân khó lường.

Trương Đại nói:

- Lần sau vãn bối lại đến võ lâm, khi ấy sẽ dẫn theo gánh Khả Thực đến thỉnh Bao Phó sứ chỉ giáo.

Hoàng Nhữ Hanh hỏi kinh nghiệm đạo thí tháng trước của Trương Nguyên, hắn liền thuật lại tường tận. Hoàng Nhữ Hanh khuyến khích ba huynh đệ cố gắng học tập ở Quốc Tử Giám, sang năm thi hương thuận lợi. Kế đến lại nhắc đến chuyện của Tông Dực Thiện, Hoàng Nhữ Hanh lấy làm bất đắc dĩ, hiển nhiên cũng tiếc cho hành vi của Đổng Kỳ Xương. Trương Nguyên kể rằng Đổng thị chèn ép Thanh Phổ Lục thị, tiến hành đủ mọi điều ác, Bao Hàm Sở cùng Hoàng Nhữ Hanh nghe rồi chỉ có nước lắc đầu. Hoàng Nhữ Hanh cảm thán:

- Đổng công mắc sai lầm vì lứa con cháu và gia nô rồi.

Trương Nguyên thầm nghĩ: “Những lời như ‘mắc sai lầm vì lứa con cháu và gia nô’ là kiêng kỵ của bậc tôn giả. Thực ra là do Đổng Kỳ Xương làm chuyện ác, chẳng phải Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường cùng các gia nô Đổng thị cậy vào thế lực của Đổng Kỳ Xương mà lộng hành đó sao? Đổng Kỳ Xương thường xuyên ra vào tri phủ nha môn Tùng Giang, chẳng qua là muốn nhờ vả để che đậy việc làm của bọn chúng.”

Bao Hàm Sở muốn giữ huynh đệ Trương Nguyên ở lại dùng bữa tối. Trương Nguyên khéo léo khước từ, còn Trương Đại vì nói chuyện hí khúc rất ăn ý với Bao Hàm Sở nên lưu lại, Trương Ngạc không thích bị gò bó trước mặt trưởng bối nên cũng theo Trương Nguyên ra về. Hai người đi đến Cư Nhiên thảo đường thì thấy đại sảnh giảng dạy cực kỳ náo nhiệt, có người đang sao chép bài “Thư họa nan vi tâm thanh luận” (Thư họa khó luận tiếng lòng) của Trương Nguyên, có người lại nghị luận Đổng Kỳ Xương sẽ kinh nộ thế nào khi thấy hai bài hịch văn này. Trông thấy Trương Nguyên và Trương Ngạc đến, trong sảnh trở nên ồn ào huyên náo hơn hẳn. Những chư sinh Tùng Giang như Kim Lang Chi, Hồng Đạo Thái vô cùng phẫn kích, tâm tình xúc động, muốn Đổng Kỳ Xương thân bại danh liệt.

Sau khi nghị luận, chư sinh quyết định sẽ tuyên truyền “Thư họa nan vi tâm thanh luận” ở khắp nơi. Còn về bài “Đổng thị ác hành lục” (ghi chép chuyện ác của Đổng thị), Trương Nguyên không muốn tuyên truyền rộng rãi ở Hàng Châu, bài văn này viết là để dân chúng bình dân xem, khá thích hợp để tuyên truyền ở Tùng Giang. Trương Ngạc nói:

- Giới Tử, năm trước chúng ta đối phó với tên Diêu cò mồi, không phải đã phái vài người thuyết thư đến các huyện lân cận kể chuyện bê bối của gã rồi sao, dùng chiêu này đối phó với Đổng Kỳ Xương cũng hữu dụng.

Trương Nguyên gật đầu nói:

- Việc này đến phủ Tùng Giang hẵng bàn.

Tiêu Nhuận Sinh nói:

- Loại việc này người thuyết thư bình thường không dám nói, ta đề cử một người, thư nhân Liễu Kính Đình bên mạn cầu Vọng Tiên trong thành Hàng Châu, người xưng Liễu mặt rỗ. Người này dám nói, nghe đâu còn biết chút võ nghệ, thời niên thiếu cũng là tên vô lại thích ẩu đả, nhà ở Giang Bắc. Hình như phạm phải án nào đó nên mai danh ẩn tích, lưu lạc giang hồ, Liễu Kính Đình không phải tên thật của y.

Trương Ngạc cười nói:

- Ta cũng nghe đại danh Liễu mặt rỗ đã lâu, năm ngoái muốn mời y đến Sơn Âm thuyết thư mà quên mất, lần này nhất định phải gặp y. Giới Tử, ngày mai chúng ta cùng đại huynh đi tìm hiểu Liễu mặt rỗ kia đi.

* Xin đính chính lại một chút, ở các chương trước tên Đổng Kỳ Hưng chính là Đổng Kỳ Xương. Từ chương này sẽ đổi lại là Đổng Kỳ Xương cho thống nhất với đầu truyện. Cảm ơn mọi người.