Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 216-1: Điên cuồng (1)




Đang lúc uống rượu, Lục Đại Hữu vội vàng chạy đến bẩm báo, nói là Vương huyện lệnh đã thả tám tên lưu manh đánh thuê kia ra rồi, bị nô bộc của Lục thị chặn lại tại bến tàu ở thành Nam, đến tiếp ứng cho tám tên lưu manh đó còn có bốn tên đánh thuê của Hoa Đình. Trên bến tàu diễn ra một cuộc ẩu đả, một nô bộc của Lục thị bị tên đánh thuê dùng dao đâm trọng thương, may mà Mục Kính Nham đến kịp, mười hai tên đánh thuê có sáu tên lên thuyền trốn thoát, sáu tên còn lại đã bị bắt.

Trương Ngạc nổi giận mắng:

- Con chó kia còn dám thả người sao. Y là con chó của Đổng Kỳ Xương nuôi!

Trương Nguyên nói:

- Lập tức triệu tập chư sinh Thanh Phổ đến huyện nha, để xem Vương huyện lệnh giải đáp như thế nào.

Những sinh đồ như Hồng Đạo Thái, Kim Bá Tông

nghe tin liền vội vàng chạy tới, cùng với Lục Thao, Dương Thạch Hương và ba huynh đệ Trương Nguyên đến huyện nha đòi công bằng. Nô bộc của Lục thị áp giải sáu tên lưu manh đến. Nô bộc Lục thị bị đâm trọng thương đã được đại phu cấp cứu khẩn cấp, đã cầm máu, tính mạng đã được bảo toàn, lúc này mới được khiêng đến nha môn.

Hai ngày nay dân chúng ở huyện thành Thanh Phổ nghe Liễu Kính Đình kể chuyện, đúng vào thời điểm lòng đầy căm phẫn đối với hành vi ác độc của Đổng thị ở Hoa Đình. Nghe nói Vương huyện lệnh đã thả mấy tên đánh thuê thì lập tức kêu ca sôi sục, rầm rập đi theo đoàn người Lục thị đến huyện nha chờ lệnh...

Vào lúc chạng vạng ngày mười sáu, huyện lệnh Thanh Phổ Vương Thiện Kế đã nhận được thư viết tay của Hoàng tri phủ. Trong thư Hoàng tri phủ hỏi về việc môn khách Đổng thị là Bặc Thế Trình bị đánh ngày hôm qua. Vương Thiện Kế đã viết một bức thư thật dài giải thích cho Hoàng tri phủ, nói rằng Lục thị Thanh Phổ bắt được tám tên đánh thuê người Hoa Đình giải đến, xin Hoàng tri phủ chỉ thị phương án xử lý?

Vương Thiện Kế viết xong thư liền sai người suốt đêm đem thư đến phủ nha ở Tùng Giang. Trước trưa ngày mười bảy, Hoàng tri phủ phái người đến bảo Vương Thiện Kế thả tám tên lưu manh đó ra. Vương Thiện Kế liền nhân cơ hội trời tối thả tám tên đó ra, trong lòng có hơi buồn phiền. Lúc trống canh hai nghe thấy tiếng huyên náo trước huyện nha liền biết là không ổn, tức tốc sai người mời huyện thừa và chủ bộ đến. Ra bên ngoài Nhật Kiến đường nhìn thì đầu người nhấp nhô dưới ánh trăng, có khoảng vài trăm người, sáu tên đánh thuê mặt mũi bầm dập đang quỳ ở phía trước mặt, mọi người liên tục nhổ nước bọt vào sáu tên này. Lục Thao bước lên trước thi lễ với Vương Thiện Kế, chất vấn Vương huyện lệnh tại sao tự ý thả người để cho chúng lại hành hung trên bến tàu, đâm trọng thương một nô bộc của y?

Vương Thiện Kế không thể phản bác. Dân chúng bên ngoài đánh trống reo hò, có người nấp ở phía sau nhân lúc náo loạn đã chửi Vương Thiện Kế, sai dịch lớn tiếng quát cũng không thể đàn áp. Vương Thiện Kế vừa xấu hổ vừa tức giận nói:

- Tám phạm nhân đó là người Hoa Đình, tất nhiên phải được áp giải đến Hoa Đình thẩm vấn.

Trương Nguyên nói:

- Vương huyện tôn là quan phụ mẫu của Thanh Phổ phải yêu thương bảo vệ dân lành trong huyện, nếu mấy tên lưu manh này đánh người Thanh Phổ bị thương ở Hoa Đình thì đương nhiên phải do huyện nha Hoa Đình xử trí. Nhưng tám tên này lại quấy rầy làm nhục người dân Thanh Phổ ngay trong địa phận Thanh Phổ, sao huyện Thanh Phổ không lo mà phải giao cho huyện khác xử lý? Hơn nữa tám tên này vốn không phải được giải đến Hoa Đình để thẩm vấn, nếu là áp giải thì tại sao không thấy quan sai?

Trương Ngạc giận dữ quát:

- Đây rõ ràng là đã nhận hối lộ của Hoa Đình Đổng thị , bao che hung phạm, hoàn toàn không để ý đến sự sống chết của người dân Thanh Phổ.

Dân chúng ở bên ngoài đồng loạt lên tiếng trách mắng. Vương Thiện Kế tím mặt, không chịu nổi áp lực quá lớn này bèn nói:

- Là phủ tôn đại nhân muốn bổn huyện thả người, các ngươi hãy đi mà nói lý với phủ tôn.

Huyện thừa và chủ bộ Thanh Phổ vội vàng chạy đến nghe thấy Vương huyện lệnh nói thế thì bốn mắt nhìn nhau, thầm nghĩ: “Tên Vương Thiện Kế này đúng là một bao cỏ, một tên thư sinh vô dụng”.

Trương Nguyên nói:

- Nói như thế thì bách tính Thanh Phổ bị oan ức, huyện tôn đại nhân không thể đứng ra làm chủ giải oan cho dân chúng, vậy thì sáu tên lưu manh bị bắt về đây nên xử thí như thế nào, xin huyện tôn đại nhân lên tiếng, có phải là bảo tôi phải đợi suốt đêm áp giải sáu tên này đến phủ nha hay không?

Huyện lệnh Thanh Phổ Vương Thiện Kế tiến thoái lưỡng nan, vô cùng bối rối.

Một sinh đồ đơn độc thì không dám hỗn xược trước mặt quan địa phương nhưng một nhóm sinh đồ thì khác, hơn nữa phía sau nhóm sinh đồ này còn có rất nhiều dân chúng, thế thì tình hình này lại càng khác to. Dân chúng người này một câu người kia một câu, càng nói càng phẫn nộ. Hai người huyện thừa và chủ bộ vì nhiều năm làm phó quan nên đầu tiên là lạnh băng xem trò cười Vương huyện lệnh, nhưng thấy dân tình hung hăng, liên tục chửi bới loạn xạ, nếu không áp chế e rằng sẽ thành cục diện không thể cứu vãn. Hai người bèn thảo luận với Vương Thiện Kế. Vương Thiện Kế không biết phải làm gì đành phải hứa hẹn lại tống giam sáu tên lưu manh kia, đồng thời khéo léo trấn an Lục Thao và đám sinh đồ, cam đoan sẽ nghiêm túc điều tra kẻ chủ sự đứng sau sáu tên này. Đã đạt được mục đích, Lục Thao, Trương Nguyên cũng biết chừng mực mà dừng lại, nếu không khiến cho đám dân chúng ở phía sau náo động rồi đập phá nha huyện, đánh Vương huyện lệnh, sảng khoái thì sảng khoái thật nhưng về sau truy cứu ra thì họ cũng khó mà thoát tội. Lực lượng dân chúng như hồng thủy như hỏa hoạn, nếu dẫn dắt không tốt thì mình sẽ phải chịu trận trước, hơn nữa mục tiêu của Trương Nguyên không phải ở Thanh Phổ, một Vương huyện lệnh bé con gõ một tí là xong, không có gì là quá đáng. Bởi vậy hắn cùng với tỷ phu Lục Thao và đám Dương Thạch Hương đều giúp khuyên giải dân chúng giải tán, mãi đến trống canh ba huyện nha Thanh Phổ mới khôi phục lại sự yên tĩnh.

Vương Thiện Kế giữ huyện thừa, chủ bộ, hình phòng điển sử và giáo quan huyện học ở lại cùng bàn bạc, quyết định bẩm báo sự việc vừa rồi lên Hoàng tri phủ và Án Sát phân ti. Sáu tên lưu manh đánh thuê Hoa Đình kia tạm giam giữ lại, xem Án Sát phân ti trả lời thế nào, là sung quân hay là áp giải đến Tùng Giang để thẩm vấn. Tất cả đều phải xử lý theo luật pháp, không thể vì một bức thư riêng của Hoàng tri phủ mà phóng thích phạm nhân một cách vô tội vạ.

Sáu tên đánh thuê trốn thoát tại bến tàu ở Thanh Phổ kia đi suốt đêm quay trở về Hoa Đình, vội vã đi gặp Ngô Long kẻ cầm đầu bọn lưu manh ở Tùng Giang. Tên Ngô Long này có hơn hai trăm tên đánh thuê, cấu kết với Đổng Tổ Thường mở sòng bạc, chứa chấp mại dâm, áp bức người lương thiện, lấy mạnh hiếp yếu, không có chuyện ác nào là không làm. Mấy tên lưu manh này đến nha môn là chuyện thường, cũng không sợ bị đánh nhưng vì làm việc cho Đổng thị mà bị đánh thì đây là lần đầu tiên. Hơn nữa nội trong ba ngày mà bị đánh tới hai lần, còn có sáu tên bị bắt nhốt ở nhà giam huyện Thanh Phổ không được thả, việc này khiến Ngô Long vừa sợ vừa tức giận. Ngô Long hơn ba mươi tuổi, tướng mạo cũng không được cao to tuấn tú cho lắm nhưng lại cường tráng khỏe mạnh, quyền cước thương bổng rất thành thạo, vốn có nghề dạy võ, sau khi tụ tập được một nhóm đệ tử liền thành lập đám người đi đánh thuê báo thù cho chủ thuê, trộm cắp lừa gạt, bày trò hãm hại người khác để cướp của v.v…, ngoài ra còn chịu đánh thay cho người khác. Bởi vì quan phủ yêu cầu thuế cấp bách, có một số hộ không đóng thuế đủ phải chịu đánh nhưng lại có thể thuê người chịu đánh. Đây đúng là chuyện kỳ quặc, những kẻ đánh thuê kiếm tiền cũng thật là vất vả nhưng kể từ khi kết giao với con trai Đổng Hàn Lâm thì đám đánh thuê này đã sớm không còn phải đi làm cái nghề đê tiện là chịu đánh thay người khác nữa, mà là chuyên trách việc đánh người.

Thuộc hạ của Ngô Long có một tên võ nghệ xuất chúng tên là Uông Đại Chuy, tên này giận dữ nói:

- Đại ca, dứt khoát phải gọi các huynh đệ xông đến Thanh Phổ, phá tan Lục gia để cho người Thanh Phổ thấy được sự lợi hại của bang đánh thuê Hoa Đình ta.

Bây giờ Ngô Long cũng đã là ông chủ giàu có rồi, không giống như mấy tên lưu manh lỗ mãng liều mạng bình thường nữa, y nói:

- Đừng vội, bây giờ đã là đêm khuya, ngày mai ta sẽ cùng bàn với Đổng nhị công tử, mối thù của các huynh đệ nhất định phải báo, nếu không thì sau này những người hành nghề đánh thuê như chúng ta sao có thể sống yên ổn ở Tùng Giang chứ.

Sáng sớm ngày hôm sau Ngô Long liền đến dinh thự hào nhoáng của Đổng thị để gặp Đổng Tổ Thường. Đổng Tổ Thường vừa nghe nổi giận đùng đùng, cũng không kịp báo lại chuyện này với phụ thân Đổng Kỳ Xương mà đã tự mình đến gặp tri phủ Tùng Giang Hoàng Quốc Đỉnh. Hoàng Quốc Đỉnh lúc này cũng đã nhận được thư của huyện lệnh Thanh Phổ Vương Thiện Kế gửi đến ngay trong đêm, đang cảm thấy sự việc này thật khó có thể giải quyết, đã thế Đổng Tổ Thường còn kêu la phải nghiêm trị Lục thị ở Thanh Phổ, phải bắt giữ Trương Nguyên, việc này khiến Hoàng Quốc Đỉnh không vui chút nào. Y liền đưa cho Đổng Tổ Thường một tờ giấy hơi bị nhàu nát đã được gấp lại trên bàn nói:

-Thế huynh, hãy mau đưa cho thầy Đổng xem cái này, việc này không phải nhỏ, là do nha dịch vừa mới lấy xuống từ trên Thân Minh đình đó.

Đổng Tổ Thường thấy Hoàng tri phủ tránh không nói đến việc trừng trị Lục thị mà lại đưa cho mình một tờ giấy rách, trong lòng cảm thấy rất tức giận, nói:

- Tờ giấy này đợi lát nữa ta sẽ đưa cho gia phụ xem nhưng Lục Thao và Trương Nguyên sai người đánh bị thương môn khách của Đổng thị ta, còn bắt người đi, phủ tôn đại nhân nếu không nghiêm phạt thì e rằng sẽ khó làm phục lòng dân chúng.