Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 223-2: Gậy ông đập lưng ông (2)




Hoàng Quốc Đỉnh hỏi chi tiết mọi chuyện thì biết được là nữ gia quyến của Phạm thị mang thi thể của Phạm Sưởng đến trước cửa Đổng thị, cùng với hơn một nghìn dân chúng vây quanh dinh thự của Đổng Tổ Thường. Hoàng Quốc Đỉnh và Ngô Thôi Quan đầu đổ đầy mồ hôi, sự việc ngày càng lớn rồi, làm sao có thể bỏ qua được nữa?

Rõ ràng tình hình ở chỗ Đổng Tổ Thường càng bức bách hơn. Hoàng Quốc Đỉnh sai Ngô Thôi Quan đi ứng phó với Kim Lang Chi và đám chư sinh Thanh Phổ, còn ông ta mang quan Thông phán và mấy chục tên nha dịch vội vàng đi xe ngựa đến thành Tây. Chỉ thấy trên đường người đi lại tấp nập đến mức xe ngựa bị tắc lại không đi được, dân chúng đang tức giận dùng đá tảng đập cổng lớn dinh thự của Đổng Tổ Thường, còn người ở trong nhà cũng ném đá ra ngoài, nện trúng làm cho mấy người dân bị thương.

Mười mấy tên nha dịch mở thành một lối đi. Hoàng Tri phủ nhìn thấy Phùng thị - mẹ của Phạm Sưởng, bà đã qua tuổi sáu mươi, tóc bạc da mồi, run run rẩy rẩy, nước mắt tuôn đầy mặt và Cung thị - vợ của Phạm Sưởng cùng các nữ gia quyến Phạm thị đồng loạt quỳ xuống cầu xin quan phủ giải oan cho gia đình bọn họ. Phùng thị khóc lóc kể lể chuyện con mình - Phạm Sưởng hôm qua bị Đổng Tổ Thường bắt tới tra tấn, khiến cho Phạm Sưởng bị cảm nắng không được chữa trị kịp thời nên đã chết, xin quan phủ đại nhân hỏi tội Đổng Tổ Thường.

Lúc này Hoàng Quốc Đỉnh cũng chỉ có thể nói mấy lời an ủi, bảo Phùng thị về trước, khâm liệm cho Phạm Sưởng, đừng có mang thi thể Phạm Sưởng đến đây phơi nắng như vậy làm cho hồn phách người chết không được yên nghỉ. Còn về việc giải oan, Hoàng Quốc Đỉnh đồng ý sẽ nghiêm túc điều tra việc này.

Trương Ngạc kêu lên:

- Đổng Tổ Thường đang ở trong phủ, xin Quan phủ hãy vào bắt nó ra thẩm vấn.

Hoàng Quốc Đỉnh vừa mới trấn an được nữ gia quyến Phạm thị xong lại nghe thấy Trương Ngạc kêu lên như vậy, không hài lòng quay lại nhìn Trương Ngạc chằm chằm. Trương Ngạc không hề sợ hãi nhìn thẳng vào Hoàng Quốc Đỉnh. Hoàng Quốc Đỉnh thấy Trương Ngạc là một tú tài, nhíu mày hỏi:

- Ngươi có quan hệ gì với Phạm phủ?

Trương Ngạc tiến lên vái chào, nói:

- Học sinh Trương Ngạc ở Sơn Âm, căm hận Đổng thị làm nhiều việc ác, vì vậy cố ý đến đây để giúp Phạm thị giải oan.

Hoàng Quốc Đỉnh vội hỏi:

- Ngươi là người đỗ tam nguyên ở Thiệu Hưng - Trương Giới Tử?

Trương Ngạc mỉm cười, nói với Trương Nguyên ở phía sau:

- Giới Tử, danh tiếng của đệ thật là lớn, làm văn bát cổ giỏi liền nổi tiếng ngay.

Trương Nguyên tiến lên, thi lễ nói:

- Học trò là Trương Nguyên bái kiến Hoàng phủ tôn. Học sinh và Phạm tú tài là bạn tốt, nghe được tin dữ Phạm tú tài đã mất liền đặc biệt đến phúng viếng chia buồn.

Hoàng Quốc Đỉnh gật đầu, quan sát Trương Nguyên - người mà đã hai lần ra tay đánh Đổng Tổ Thường. Người thiếu niên này dung mạo tuấn tú, hào hoa phong nhã. Nếu chỉ nhìn tướng mạo bề ngoài thì thật sự là không giống một người bướng bỉnh, nhưng nhìn ánh mắt thì người này tuyệt đối là người thông minh lanh lợi, vừa có vẻ thâm thúy vừa có vẻ bình tĩnh. Hoàng Quốc Đỉnh thầm nghĩ:

“Tên Trương Nguyên này sớm không đến, muộn không đến lại chọn đúng thời điểm này đến Hoa Đình, hiện nay lại xuất hiện ngay ở cửa của Đổng phủ, bài văn “Thư họa khó luận tiếng lòng” chắc không phải là do Trương Nguyên làm chứ?

Lúc này Trương Đại, Ông Nguyên Thăng, Tưởng Sĩ Kiều lần lượt tiến lên phía trước chào hỏi Hoàng Quốc Đỉnh. Hoàng Quốc Đỉnh nói:

- Đám sĩ tử các người không phải là người làm công vụ, tụ tập lại như vậy sẽ làm rối loạn trật tự. Sự việc xảy ra với Phạm tú tài, Bản phủ và Ngô Thôi Quan sẽ cùng bàn bạc và thẩm tra xử lý. Các người là bạn của Phạm tú tài thì nên an ủi người nhà của Phạm tú tài, chứ Phạm mẫu già như vậy rồi mà lại để cho bà ấy ở đây phơi nắng, nếu không may mắc bệnh thì ai là người chịu trách nhiệm đây!

Lời nói này của Hoàng Quốc Đỉnh rất hợp tình hợp lý, lời lẽ chính nghĩa, chủ ý là muốn bảo nữ gia quyến của Phạm thị quay về, chư sinh giải tán đi. Việc này rõ ràng là muốn giải vây cho Đổng Tổ Thường. Còn về phần thẩm án như vậy cũng có thể kéo dài thêm thời gian.

Trương Nguyên đương nhiên hiểu rõ tâm tư của Hoàng Quốc Đỉnh, cất cao giọng nói:

- Có Hoàng phủ tôn làm chủ, cái chết oan của Phạm huynh chắc chắn có thể được rửa sạch rồi. Hoàng phủ tôn có thể thông cảm cho Lão phu nhân già cả, cơ thể yếu ớt, lo lắng trời nóng như thế này mà phơi nắng thì sẽ rất dễ mắc bệnh, chẳng phải là biết nỗi đau xót lớn nhất trong lúc này của Phạm lão phu nhân chính là việc con của lão phu nhân chết thảm, chừng nào nỗi oan đó chưa được giải thì Phạm lão phu nhân còn cảm thấy đau đớn hơn là phải phơi mình dưới cái nắng chói chang. Khẩn cầu Hoàng phủ tôn lập tức tra hỏi Đổng Tổ Thường để giải oan cho Phạm thị, và để an ủi nỗi đau khổ của Phạm mẫu.

Lời nói của Trương Nguyên rất sắc bén, mượn những lời nói mang tiếng là nhân nghĩa mà Hoàng Quốc Đỉnh vừa mới dùng để khuyên giải và an ủi Phạm thị, làm cho Hoàng Quốc Đỉnh không thể không lập tức thẩm tra xử lý vụ án về cái chết bất đắc kỳ tử của Phạm Sưởng. Phùng thị - mẫu thân của Phạm Sưởng sau khi nghe lời khuyên bảo của Hoàng tri phủ cũng định ra về, nhưng nghe Trương Nguyên nói vậy, liền hiểu được lúc này không thể thỏa hiệp được, nhất định phải làm tới cùng, vì thế quỳ xuống, giọng điệu buồn bã nói:

- Xin phủ tôn hãy làm chủ cho Lão phụ, nếu không hôm nay lão phụ sẽ chết trước cửa Đổng phủ.

Trương Ngạc kêu lên:

- Không bắt được Đổng Tổ Thường bọn ta tuyệt đối sẽ không về!

Lại có mấy trăm người nữa cùng hùa theo:

- Bắt Đổng Tổ Thường ra, bắt Đổng Tổ Thường.

Âm thanh như tiếng sấm, Hoàng Quốc Đỉnh cả kinh lùi lại phía sau một bước, một lát sau mới nói:

- Bản phủ tất nhiên sẽ làm theo lẽ công bằng, nhưng thẩm án cũng phải theo đúng luật lệ mà pháp luật quy định, không thể tự ý giam cầm người dân lương thiện được.

Trương Ngạc thấy Hoàng Quốc Đỉnh ở trước cổng lớn của Đổng phủ mà lại không chịu bắt giữ Đổng Tổ Thường, cả giận nói:

- Quan Tri phủ Tùng Giang không thể tùy tiện giam cầm người dân lương thiện, vậy mà Đổng Tổ Thường có thể tùy ý giam cầm và đánh đập tú tài đến chết. Chẳng lẽ Tùng Giang là thiên hạ của Đổng thị ư?

Trước mặt bao nhiêu dân chúng lời nói của Hoàng Quốc Đỉnh bị lời nói của Trương Ngạc đánh gãy, ông ta rất tức giận, quát:

- Thái tổ có viết trên văn bia là: tất cả những lợi hại của quân dân, công nông thương đều có thể nói ra, duy nhất chí có tú tài là không thể phát biểu. Ngươi đã học ở Huyện học rồi chẳng lẽ không nghe giáo quan dạy học nói qua sao?

Khi còn sống Chu Nguyên Chương khống chế những người có học thức rất nghiêm ngặt, tú tài không được bàn chuyện chính sự. Nhưng hiện nay đã là đời Hoàng Lịch rồi, bắt tú tài không được thảo luận chuyện chính sự là không thể nào, chỉ có thể để cho quân Mãn Thanh vào giết hết chư sinh ở khắp nơi thì may ra mới có thể che được miệng chư sinh. Hơn nữa với Trương Ngạc mà nói, đúng thật là y chưa từng nghe qua cái gì là văn bia này nọ cả. Cái danh tiếng tú tài của Trương Ngạc là do dùng tiền mua được chứ y có học hành gì đâu.

Trương Nguyên nói:

- Hoàng phủ tôn, sự hưng thịnh và diệt vong của quốc gia là trách nhiệm của tất cả mọi người. Văn bia của Thái tổ là để quy định cho thời đại lúc bấy giờ thôi, lúc đấy có nhiều thế lực xấu xa trung thành với triều đại trước muốn làm phản khiến cho lòng dân hỗn loạn, nên mới đưa ra cái luật này để kiềm chế lời nói của những người có học vấn. Bây giờ thiên hạ đã thái bình, cho nên thế hệ chúng ta - những người đọc sách thánh hiền phải đưa ra những kế sách để làm lợi cho dân cho nước, đó mới là tấm lòng của những trung thần nghĩa sĩ yêu nước. Huống chi, Phạm tú tài chết oan đâu có liên quan gì đến việc triều chính, chúng tú tài đây đều là bạn bè của Phạm tú tài, vì thương lão mẫu thân và vợ của Phạm Sưởng huynh và muốn giải oan cho huynh ấy, chuyện này có lý do gì mà không được nói cơ chứ!

Trương Ngạc nói thẳng hơn, kêu lên:

- Chỉ có tham quan mới sợ lời nói của mọi người. Xưa kia Chu Lệ Vương trị vì, dân chúng gặp trên đường chỉ biết đưa mắt nhìn, chẳng lẽ hôm nay sự việc này lại tái hiện lại ở Hoa Đình? (Là vị vua đời Chu, là một người hám của, bạo ngược khiến người dân oán giận. Sự cai trị của Lệ Vương rất hè khắc khiến người trong nước không ai dám nói điều gì, đi ngoài đường chỉ đưa mắt nhìn nhau. Chu Lệ Vương lấy làm đắc chí, cho rằng mọi lời phê phán của mọi người đã bị dẹp).

Trương Ngạc quả quyết dùng đến một điển cố, tỏ ra mình là người “nói có sách, mách có chứng”, cực kỳ có sức thuyết phục.

Hoàng Quốc Đỉnh tức giận đến cực điểm, nhưng lúc này thì hiển nhiên không thể bộc phát ra được, người dân đã tụ tập lại trước cửa Đổng phủ ngày càng nhiều, không thể đắc tội với dân chúng, ở đây dân chúng tụ tập nhiều như vậy rất là đáng sợ. Vì thế liền thảo luận mấy câu với quan Thông phán, quyết định trước tiên cứ bắt Đổng Tổ Thường về nha phủ để xoa dịu sự tức giận của mọi người đã.

Dinh thự của Đổng Tổ Thường và phủ đệ của Đổng Kỳ Xương chỉ cách nhau một con sông nhỏ, Đổng Kỳ Xương nghe thấy tiếng ồn ào náo nhiệt biết là dân chúng vây quanh dinh thự gây rối. Lão liền chạy qua nhà Đổng Tổ Thường từ cửa sau, nghe Đổng Tổ Thường nói đến chuyện hôm qua, Đổng Kỳ Xương nghiến răng căm hận kẻ đã khen ngợi “ Thư họa khó luận được tiếng lòng “ .