Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 237: Bình hoa




Trương Nguyên nói:
- Tuyệt đối không được, nhất định phải ra bạc nhập cổ, bằng không tỷ phu khó mà ăn nói với Lục bá phụ.

Trương Nhược Hi mỉm cười nói:
- Cứ để tiểu Nguyên ra một cổ đi, tục ngữ có nói, huynh đệ ruột phải tính rõ mà.
Lục Thao nghĩ cũng phải. Từ năm ngoái Lục Thị đã bị Đổng thị quấy nhiễu, hàng dệt tổn thất rất lớn, muốn phát triển thương hiệu Thịnh Mỹ phải cần có tiền. Y nói:
- Vậy được, ngày mai huynh bẩm rõ với phụ thân, ký một phần khế ước cùng Giới Tử, sau này thương hiệu Thịnh Mỹ do Lục thị và Trương thị đồng sở hữu.
Lục Thao là người rất cẩn trọng nên muốn lập khế ước, Trương Nguyên cũng thấy làm vậy là tốt nhất. Đây không phải là chuyện một, hai năm mà còn phải duy trì đến đời con cháu, quan hệ khế ước ổn định hơn so với gắn bó về mặt cảm tình.

Sau khi thương nghị một hồi chuyện cửa hiệu Thịnh Mỹ, Lục Thao và Trương Nhược Hi về phòng. Trương Nguyên tắm xong về phòng thì đêm đã canh ba, thấy Mục Chân Chân cài lại mười chiếc khóa đồng đã nạy ra, cô nói:
- Thiếu gia, khóa này còn dùng được.

Trương Nguyên cười nói:
- Không lẽ mỗi lần đều phải nạy ra, ha ha, tâm thái gì đây? Ngày mai phải sai Lai Phúc đi mua mười khóa đồng…

Mục Chân Chân đáp ứng. Sớm hôm sau liền dặn Lai Phúc đi mua mười khóa đồng khóa hết mười chiếc rương. Thấy thiếu gia muốn ra ngoài cùng đại công tử, tam công tử của Tây Trương, cô vội vàng chạy theo nói:
- Thiếu gia, đây là chìa khóa, thiếu gia giữ đi.

Trương Nguyên cười nói:
- Ta đeo một chùm chìa khóa ở đai lưng thì kỳ quặc lắm.
Trương Đại, Trương Ngạc cười ngất.

Mục Chân Chân đỏ mặt, tay xiết xâu chìa khóa, không hiểu mình sai chỗ nào.

Trương Nguyên nói:
- Chân Chân cứ giữ đi, cô là nữ quản gia của ta.

Mục Chân Chân thấy mình được thiếu gia tín nhiệm, trong lòng cực kỳ vui mừng, lại hỏi:
- Thiếu gia đi đâu vậy?

Trương Nguyên nói:
- Đến hiệu sách của Dương tú tài, cô không cần theo.

Dứt lời, hắn cùng Trương Đại và Trương Ngạc ra cửa, bên ngoài có người hầu của Dương Thạch Hương đang chờ.

Trương Ngạc quay đầu nhìn thiếu nữ kia, không khỏi hâm mộ nói:
- Giới Tử quả nhiên có vận khí tốt, có thể tìm ra một bảo bối như thế ở phố Tam Đại. Còn tỳ nữ tùy thân Lục Mai của ta, thị tỳ Tố Chi của đại huynh chỉ hữu dụng khi ở trên giường, xuống giường thì thành thứ vô dụng.

Trương Nguyên nói:
- Ừ ừ, đó gọi là bình hoa.

- Bình hoa.
Trương Ngạc khinh ngạc, sau đó lập tức cười sằng sặc, hiển nhiên đã hiểu thâm ý của “bình hoa”. (kỹ nữ; cô đầu (thời xưa chỉ kỹ nữ hoặc những thứ có liên quan đến kỹ nữ)


Cười đùa một chập thì đã đến hiệu sách của Dương Thạch Hương. Nơi này thông với hậu viên của Dương gia, nằm bên bờ sông Thanh Long, cách miếu Thủy Tiên không xa. Một dãy gồm mười gian phòng ngói lớn, Dương Thạch Hương đã đến trước cùng một vị lão sử của Huyện hộ phòng. Lão sử này đến tính toán giá trị hiệu sách của Dương gia, ông vừa nhìn vừa hỏi, định giá khá tỉ mỉ.

Thợ thuê của hiệu sách gồm có thợ viết, thợ khắc, thợ in ấn. Thợ viết một người, thợ khắc mười hai người, thợ in ấn sáu người, còn có hai người làm tạp vụ, quy mô như thế chỉ có thể xem là hiệu sách nhỏ. Dựa vào bất động sản hiệu sách Dương thị, bản khắc hiện tồn, gỗ lê mà bản khắc dùng và giấy, lão sử Huyện hộ phòng ước giá khoảng một ngàn hai trăm lượng bạc. Đây hẳn là đánh giá cao rồi, Trương Nguyên cũng không tính toán, từ Dương Thạch Hương lấy một ngàn hai trăm lượng bạc nhập cổ thư cục Hàn Xã, mười lượng bạc một cổ, tổng là một trăm hai mươi cổ. Dương Thạch Hương nói:
- Ta ra thêm tám trăm lượng bạc nữa, gom thành hai trăm cổ.


Hồng Đạo Thái cũng đã đến nơi, y ra năm trăm lượng bạc nhập cổ thư cục Hàn Xã. Cứ thế, từ mười ngàn lượng tiền vốn của thư cục Hàn Xã đã tăng thêm sáu ngàn năm trăm lượng, ba ngàn lượng trong đó là của huynh đệ Trương thị, Dương Thạch Hương hai ngàn lượng, Lục Thao một ngàn lượng, Hồng Đạo Thái năm trăm lượng, ba ngàn năm trăm lượng còn lại là của sáu xã thủ và xã phó của Hoa Đình, Thượng Hải.
Đây là do Trương Nguyên dùng thủ đoạn lôi kéo các xã thủ và xã phó, kỳ thực với tài lực hiện tại của hắn thì độc lập quản lý thư cục Hàn Xã không khó. Sở dĩ muốn kéo Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái, Hạ Doãn Di cùng nhập cổ, chính là vì cùng hưởng lợi ích.

Xong việc, Dương Thạch Hương gửi phong bì một lượng bạc phúc đáp lão sử Huyện hộ phòng. Sau khi tiễn lão sử đi, mọi người uống trà dưới tán cây bên bờ sông, Trương Nguyên nhìn thợ khắc đang khắc bản trước cửa, hỏi:
- Thạch Hương huynh, một thợ có thể khắc bao nhiêu chữ trong một ngày?

Dương Thạch Hương nói:
- Phải xem đó là thể chữ nào, nếu là thể Nhan, Liễu, Âu, Triệu thì chậm, một ngày chỉ khắc được trăm chữ. Nếu là thể chữ Tống thông thường, hay còn gọi là thể Tượng, thể chữ này tuy không đẹp mắt cho lắm, nhưng nét ngang, sổ đứng dễ hạ lực, một thợ lành nghề có thể khắc hơn hai trăm chữ mỗi ngày. Thợ của ta chỉ có thể khắc thể Tống, nếu muốn mời thợ khắc thể Khải thư giỏi thì tiền công không rẻ.

Trương Nguyên biết quyển “Một trăm hai mươi văn bát cổ do Trương Giới Tử tuyển bình” là thể Tượng, tuyển tập có chừng sáu mươi ngàn chữ, mười hai thợ khắc khoảng ba ngàn chữ mỗi ngày, vậy là cần đến hai mươi mấy ngày để hoàn thành. Hắn liền hỏi:
- Dương Thạch huynh, in chữ rời khó dùng lắm à? Tại sao đến nay hiệu sách vẫn dùng bản khắc?

Dương Thạch Hương nói:
- Phí tổn bộ chữ rời cao, hơn nữa xếp chữ cũng khó, in số lượng ít thì dùng bản khắc thuận tiện hơn.

Trương Nguyên gật đầu, bụng nghĩ:
“Bộ chữ rời không dễ dùng, bộ chữ đồng thì giá quá cao, bộ chữ chì phải tổ chức nghiên cứu, thôi thì tạm dùng bản khắc. Bản khắc in được dùng hơn một ngàn năm, mãi đến cuối thời Thanh, thời dân quốc mới bị in chì của tây phương đào thải, có thể thấy vẫn rất thuận tiện”.
Hắn nói:
- Vậy Thạch Hương huynh phải lao tâm hơn rồi. Trước tiên cần bổ sung gấp đôi số thợ khắc và thợ in của thư cục Hàn Xã, trước cuối năm lại tăng gấp đôi nữa. Chúng ta thuê hai loại thợ khắc, một là thợ khắc thể Tượng, hai là thợ khắc các thể Nhan, Liễu, Âu, Triệu. Có một vài thợ khắc thư tịch tinh phẩm, giấy dùng phải nghiên cứu một chút, thợ sách cũng cần hai người rành Khải thư, lão đồng sinh hoặc lão tú tài đều được.

Dương Thạch Hương gật đầu nói:
- Giới Tử huynh yên tâm, ta kinh doanh hiệu sách đã lâu, rất rành những việc này. Những năm trước không có sách nào in được, sợ thâm hụt tiền, hiện giờ có Hàn Xã làm hậu thuẫn, ta sẽ tận lực xử lý. Có điều ta muốn hỏi một câu, trước mắt ngoài cuốn tuyển tập Giới Tử huynh điểm bình văn bát cổ này ra thì còn sách nào in được không?

Trương Nguyên nói:
- Thạch Hương huynh đừng lo về nguồn sách, ta sẽ nghĩ cách mà. Huynh chỉ cần thu hút những tay nghề điêu khắc in ấn tinh xảo là ổn, thư cục cũng có thể tự bồi dưỡng tay nghề, thuê một ít thiếu niên thông tuệ nhà nghèo đến học, qua ba bốn năm nữa chẳng phải đã dùng được rồi sao, chúng ta phải tính kế lâu dài.

Hắn đột nhiên hỏi:
- Thạch Hương huynh có biết Tô Châu Phùng Mộng Long không?

Dương Thạch Hương nói:
- Ta từng gặp qua Phùng Mộng Long, ba huynh đệ y cũng có chút thanh danh, người ta xưng là Ngô hạ tam Phùng.

Trương Nguyên nói:
- Lần này ta phụ trách Tô Châu nên cần gặp lại Phùng Mộng Long, thỉnh y viết một vài cuốn mô phỏng tiểu thuyết thoại bản (một hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này), ắt sẽ bán chạy.

Trương Ngạc cười nói:
- Không nói cái khác, chỉ với một trăm bản “Kim Bình Mai” cũng có thể khiến thư cục Hàn Xã bận rộn suốt năm. Đợt này ta về Nam Kinh nhất định sẽ tìm ra bản “Kim Bình Mai”chép tay, sau đó khắc ấn.

Chiều hôm đó, Trương Nguyên cùng Dương Thạch Hương, Lục Thao, Hồng Đạo Thái cùng lập khế ước nhập cổ thư cục Hàn Xã. Mười hai cổ đông đều có một khoản, thư cục tạm do Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái và Lục Thao quản lý, gặp chuyện thì ba người cùng bàn, giao cho người tinh thông làm sổ Long môn và sổ Tứ cước (*) đã mướn phụ trách ghi chép thu chi của thư cục, định kỳ biên chế “bảng thu – giao” và “bảng tồn – nợ”. Hằng năm các cổ đông lớn tề tựu xét duyệt, thư cục Hàn Xã không phải là phường sách nhỏ tùy tiện, phải nhìn xa trông rộng, kết toán hàng tháng tất nhiên phải cẩn trọng.

(*) Sổ Long môn và sổ Tứ cước: là những hình thức ghi chép, tính sổ kế toán.

Dương Thạch Hương kinh doanh hiệu sách nhiều năm, tự cho mình tinh thông đạo thương nhân. Song sau khi bàn bạc với Trương Nguyên, phát hiện học thức về kinh doanh của hắn giỏi hơn y rất nhiều. Phường sách gia đình của Dương Thạch Hương chỉ có một quyển thu chi, y đã từng nghe qua “bảng thu – giao” và “bảng tồn – nợ”, chỉ có lão sử quản lý tiền lương hay nhà buôn lớn mới có bản lĩnh thuê dùng trướng sư (người chuyên tính toán, ghi chép sổ sách). Đó là cách thức tính sổ sách mới xuất hiện từ năm Vạn Lịch, không ngờ Trương Nguyên lại rành rẽ tường tận. Hắn giải thích rằng đối với mỗi khoản tiền ghi chép thì đăng ký “sổ thu”, lại đăng ký “sổ chi” để phản ánh nguồn gốc của cùng một sổ khoản, như thế thì thu chi lời lỗ của thư cục vừa xem đã hiểu.

Dương Thạch Hương thầm nhủ:
“Cái gọi là kỳ tài cao vợi, cao thâm khó lường chính là chỉ người như Trương Giới Tử rồi. Kỳ tài như thế bình sinh Dương Thạch Hương ta ít gặp, thấy hắn lập văn xã, dựng thư cục, quả là có chí lớn, văn bát cổ lại giỏi, nhân tình cũng am hiểu, người như thế không nhanh phất lên mây thì còn đợi đến khi nào nữa!”