Linh Phi Kinh

Quyển 3 - Chương 14-4: Ấn Thần Cổ Mộ (4)




– Không sai! – Xung đại sư mỉm cười nhìn Nhạc Chi Dương: – Xin mượn sự sắc bén của “Chân Cương” để mở thạch tháp này xem thử vậy.

Tịch Ứng Chân thở dài:

– Đại hòa thượng, ngươi hà tất phải quấy nhiễu đến anh linh người đã khuất…

Xung đại sư mỉm cười:

– Việc đã đến nước này, tòa tháp không mở không được, nhưng nếu ép ta dùng quyền, e rằng uy lực gây ra sẽ quá lớn.

Cửa tháp được sắt đúc thành, khe cửa được trét kín bằng đồng nung. Xung đại sư nếu không thể đánh vỡ được cửa sắt, đương nhiên sẽ khiến cho thạch tháp vỡ vụn, tạo ra một mớ hỗn độn.

Tịch Ứng Chân bất đắc dĩ đành liếc nhìn Nhạc Chi Dương, thầm gật đầu. Thiếu niên rút kiếm khỏi vỏ, nhẹ vẫy tay một cái, chỉ nghe mấy tiếng leng keng vang lên, cửa sắt mở ra rơi loảng xoảng xuống đất. Mọi người đưa mắt nhìn vào, sau cánh cửa lớp ngớp màn trướng, trên chiếc khám dưới tháp có một người đàn ông đang ngồi, tầm vóc cao to, mặt vuông râu dài, hai mắt khép lim dim, hàng mày rậm vắt chếch lên cao.

Mọi người không hẹn mà cùng lùi lại một bước, tròn mắt nhìn người trong tháp, trong lòng ai nấy đều không khỏi kinh sợ, như thể người nọ bất cứ lúc nào cũng có thể mở mắt xông ra ngoài.

Nhưng sau một lúc, người nọ vẫn ngồi im trong tư thế xếp bằng, hai tay đặt ngay ngắn trên đầu gối, tay trái miết chặt một cành hoa sen bằng ngọc bích, tay phải nâng một chiếc hộp bằng ngọc mỡ dê lấp lóa rực rỡ.

– A Di Đà Phật! – Tịch Ứng Chân có vẻ xúc động, chắp mười ngón tay xá: – Kỳ diệu thay, một thân thể bất hoại, xem ra Thích tiền bối đã ngộ được chân như, chứng nhập đạo vô thượng.

Từ xưa đến nay có không ít cao tăng Phật môn sau khi chết đi thân thể vẫn không bị tổn hại. Ví như nhục thân của đức Lục Tổ Thiền Tông là Huệ Năng (*), ngài giáng thế vào thời Đường Sơ, nhục thân sau khi tạ thế được lưu giữ tại phật tháp huyện Thiều Quan cho bá tánh chiêm ngưỡng. Vì cớ gì kim thân bất hoại? Đã có rất nhiều giả thuyết đưa ra, đa số tín đồ đều dựa theo cách giải thích vì ngài đã đắc đạo thành Phật. Hiện tại, Thích Ấn Thần trong tháp đã mất được hơn năm trăm năm nhưng diện mạo vẫn như thuở sinh thời, đủ thấy ông cũng như Lục Tổ đã chứng được một thân kim cương bất hoại.

(ND chú: Huệ Năng, (638-713), đắc đạo lúc chưa xuất gia, là vị Tổ thứ sáu của Thiền tông, môn đệ và pháp tự của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Trước Huệ Năng, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng Ấn Độ nhưng đến đời Sư, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Vì vậy mà có người cho rằng sư mới thật sự là người Tổ khai sáng dòng Thiền tại đây. Nhục thân của thiền sư Huệ Năng đặt tại chùa Hoa Nam huyện Thiều Quang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc – trích Wiki)

Tịch Ứng Chân đang say sưa nhìn ngắm kỳ tích, cõi lòng rung động, chẳng ngờ gió mạnh nổi lên, ba luồng kình lực bất ngờ đổ ập đến.

Lão đạo sĩ ba hướng thọ địch, tuy hết sức bất ngờ nhưng quan sát thế công của đối phương cũng đủ biết ba kẻ này đã sớm có trao đổi. Suy cho cùng, chỉ có Tịch Ứng Chân ở đây được xem như cường địch mạnh nhất với bọn chúng, quật ngã được ông rồi thì Nhạc Chi Dương và Diệp Linh Tô cũng chẳng còn đáng ngại nữa.

Giữa lúc nguy cấp, tay trái Tịch Ứng Chân giở một chiêu “Phất Ảnh Thủ” hư hư thực thực đỡ lấy chiêu “Thiên Nhận” từ Trúc Nhân Phong. Giữ nắm đấm trong ống tay phải, ông tung ra một chiêu “Lục Dương Mai Hoa Quyền”, một quyền chia sáu biến, ngăn cản “Bích Hải Kinh Đào Chưởng” của Minh Đấu, dùng nhu khắc cương, lấy cương chế âm, trong khoảnh khắc đã triệt tiêu đi sạch sẽ nguồn chưởng lực như sóng to gió lớn kia.

“Phất Ảnh Thủ” chuyên tấn công, Trúc Nhân Phong hoa mắt rối loạn, không ứng phó nổi. “Mai Hoa Quyền” chuyên phòng thủ, Minh Đấu không cách nào tận dụng được cơ hội, chưởng lực ngược lại còn bị khống chế. Chỉ có Xung đại sư không bị cản trở, một quyền này của y góc độ cực hiểm, thời cơ cực mùi, theo tình thế mà phát động, hầu như không thể trật đi đâu được.

Bất chợt, bước chân Tịch Ứng Chân xoay chuyển, một quyền của Xung đại sư rơi vào khoảng không, trái tim y chùng hẳn xuống, nhớ ngay tới một việc. Thì ra, Xung đại sư chỉ chú ý đến công phu quyền cước của lão đạo sĩ mà quên mất chiêu “Tử Vi Đẩu Bộ” của ông. Tịch Ứng Chân đặt thân theo tử vi, xoay chuyển như Bắc Đẩu, bên trái dẫn theo “Phất Ảnh Thủ” lả lướt hợp lực cùng quyền kình của “Mai Hoa Quyền”, hóa thành một con sóng dữ ầm ầm công kích về phía Xung đại sư.

Vừa nãy ứng phó với hai tên Minh-Trúc, bộ đôi chiêu thức này đã tích đầy kình lực, lúc này phát ra quả nhiên không phải dạng vừa. Xung đại sư không dám đỡ thẳng, bèn nhảy về phía sau. Hai tên Minh-Trúc thấy vậy, thừa cơ xông lên tấn công trái phải, nào ngờ bước chân Tịch Ứng Chân lại dịch chuyển, hai tay bất chợt chia ra: “Phất Ảnh Thủ” đối phó với Minh Đấu còn “Mai Hoa Quyền” chuyển sang đánh vào ngực Trúc Nhân Phong.

“Xoạc xoạc” hai tiếng, Minh Đấu bật lùi về sau vài bước, mặt mày tím tái. Trúc Nhân Phong thì phải bổ nhào ra đằng sau, chỉ thấy một luồng khí nóng chạy nhốn nháo trong lồng ngực, nội thương của hắn bị kích thích, máu huyết được dịp sôi trào ùng ục.

Đôi tay của Tịch Ứng Chân thoắt khép thoắt mở đẩy lùi ba đại cao thủ, chợt thấy bóng trắng nháng lên, Xung đại sư xông đến trước tháp, toan ra tay chộp về phía chiếc hộp ngọc kia. Lão đạo sĩ quát to một tiếng, tung chưởng phành phạch về phía hòa thượng. Xung đại sư cũng biết chưởng đang đến gần, đành phải quay người lại ứng phó, tiếc thay đã chậm mất một nhịp, mũi tay Tịch Ứng Chân quét qua cái đầu trọc của y để lại trên đó một vết thương tóe máu, nóng rát vô cùng.

Minh Đấu thấy tình hình không ổn bèn bật người nhảy đến, huơ chưởng giáng vào giữa lưng của Tịch Ứng Chân, lão đạo sĩ trở tay đón tiếp, quyền cước rào rạt như mưa. Xung đại sư thừa cơ hội cũng bổ nhào đến tạo gọng kìm, ba người quay cuồng như chớp lóe, tiền lùi như gió giật, công thủ nhanh đến mức người khác không kịp quan sát.

Tịch Ứng Chân tuy trước sau đều có kẻ địch nhưng không hề rơi xuống thế yếu. Trúc Nhân Phong đứng xem mà quýnh quáng, định xông lên trợ trận, bỗng đâu hàn quang lóe sáng, kiếm Thanh Li ở bên cạnh vùn vụt đâm đến.

Trúc Nhân Phong rít lên một tiếng, lách người né khỏi, lục tục tung ra sáu chưởng đáp trả. Chưởng phong như đao, nhuệ khí ngập tràn, ép cho Diệp Linh Tô không kịp né tránh. Hắn đang định một hơi đánh ngã thiếu nữ, chẳng ngờ dư kình của “Mai Hoa Quyền” vẫn còn dai dẳng, máu huyết trong cơ thể chưa kịp bình phục, màn đánh phủ đầu hiện tại gây tác động vào thể nội, khiến cho khí tức không thông suốt, chiêu thức phát sinh sơ hở. Diệp Linh Tô nhìn ra vấn đề, người nương theo kiếm, làm dấy lên một màn ráng xanh, khiến cho Trúc Nhân Phong loay hoay đón đỡ không biết đâu mà lần.

Xung đại sư thầm kêu khổ, cả y và Trúc Nhân Phong đều trúng thương, đối mặt giáp chiến hầu như không có cửa thắng, càng khỏi phải nói đến chuyện đoạt lấy hộp ngọc trong tay Thích Ấn Thần. Y cảm giác bên trong chiếc hộp này có cất giấu bí mật, nói không chừng tuyệt học cả đời của Thích Ấn Thần đều ở trong đấy.

Nhạc Chi Dương ở một bên chứng kiến, không khỏi lo lắng sốt ruột, nhưng không ngờ sau mấy hiệp phe mình lại chiếm thế thượng phong, gã bấy giờ mới tạm thời thở phào, nhìn sang chiếc hộp ngọc kia nghĩ thầm: “Tên lừa trọc muốn cướp chiếc hộp, bên trong đó chứa đựng thứ gì nhỉ?”

Đang lúc gã nghĩ ngợi thì ở bên kia, cánh tay trái Minh Đấu bỗng trúng một đòn “Phất Ảnh Thủ”, lão gầm khẽ một tiếng lùi vài bước. Xung đại sư dùng cách “vây Ngụy cứu Triệu”, tấn công dồn dập ở sau lưng Tịch Ứng Chân. Tịch Ứng Chân xoay người né khỏi, một chiêu “Tinh Trì Lưu Điện” đá trúng ống quyển chân trái của Xung đại sư. Hòa thượng lảo đảo bước lui, chạm vào thạch tháp sau lưng, thân tháp khẽ chấn động, “Cộp” một tiếng, hộp ngọc từ trên tay kim thân Thích Ấn Thần rơi xuống đất.

Xương ống chân của Xung đại sư như muốn gãy đôi, cả người khập khà khập khiễng. Tịch Ứng Chân bước lên trước, huơ chưởng giáng xuống. Xung đại sư giơ tay đón đỡ, “Ầm” một tiếng, hai lực va chạm, hòa thượng rúm người lại, một dòng máu nóng chực trào ngược ra khỏi cổ họng.

Đúng lúc này, tay trái của y chợt nhẹ nhõm, áp lực biến mất không tăm tích, đối thủ hệt như một quả bóng da chẳng rõ vì sao bị xì hơi. Xung đại sư chẳng kịp nghĩ nhiều, hất tay thoát ra, Tịch Ứng Chân lảo đảo thân thể, bước thấp bước cao lùi về sau.

Thoát chết trong gang tấc, hòa thượng hết sức kinh ngạc, giương mắt nhìn lại chỉ thấy đối thủ mặt mày đỏ ké, nhãn thần mờ mịt, bước chân khập khiểng bất định, hệt như đột nhiên mắc phải bệnh nặng.

Xung đại sư thoáng giây ngẫm nghĩ bỗng nhiên vỡ lẽ ra mọi chuyện. Điểm mấu chốt ở đây chính là “Nghịch Dương Chỉ” cuối cùng đã phát tác. Hòa thượng vui mừng khôn xiết, thầm reo “Trời giúp ta rồi”, đoạn bay người lên trước tung ra một quyền. Tịch Ứng Chân cố nén cơn khó chịu, giơ tay phải định gạt cú đấm kia, nào ngờ vừa chạm đến bàn tay y, khí cơ trong thân thể bỗng chạy tán loạn hệt như một con rắn độc. Nội khí trong người lão đạo sĩ đột nhiên tiêu tán, cú đấm của Xung đại sư một đường nện thẳng vào giữa ngực Tịch Ứng Chân.

Tịch Ứng Chân hệt như một cánh diều đứt dây, bay vèo đi xa cả mấy trượng, va mạnh vào vách hang, nhất thời không thể gượng dậy nổi.

Xung đại sư một khi đã hành động, quyết không ngơi tay, lập tức tung người xông đến toan hạ sát thủ. Chợt đâu kiếm quang lóe lên, Nhạc Chi Dương ở một bên đâm đến. Y không kịp nghĩ nhiều, huơ chưởng quét lại, chưởng lực còn chưa kịp tống ra, Nhạc Chi Dương đã thu hồi bảo kiếm, bước chân xoay chuyển, lại đâm về phía sống lưng của y.

Một kiếm này tuy không phải là quá nhanh nhưng lại đẹp mắt chuẩn xác, hậu chiêu vô hạn. Xung đại sư phát giác ra kiếm khí dày đặc, mặt lưng đã bị kiếm Chân Cương bao phủ, đành phải gạt đi ý muốn truy kích, thân tạo tư thế chim hạc, quay đầu lại đấm ra một quyền về phía mũi kiếm đang lao đến.

Nhạc Chi Dương vốn không đủ nội lực, lại bị nghịch khí cản trở, lúc xuất chiêu cả sức mạnh lẫn tốc độ đều không bằng trước đây, đối mặt với một cao thủ như Xung đại sư thật giống như lấy trứng chọi đá. Nhưng kể cũng lạ, tình hình càng ở thế bất lợi, tâm thần lại càng tập trung cao độ, lúc này gã dùng “Tử Vi Đấu Bộ” tránh va chạm trực tiếp với đối thủ, kiếm pháp dựa theo đạo lý trong “Tổng Cương”, giương đông kích tây, chiếm lấy tiên cơ, mang chữ “Dịch” dung nhập vào kiếm pháp, nếu bảo tỷ võ xem ra nói là đấu trí thì đúng hơn. Áp dụng chiến thuật “Tránh nguy hiểm, công yếu điểm”, gã liên tục tránh né thế công của Xung đại sư và tìm kiếm sơ hở của y.

Xung đại sư chẳng những tung hụt mấy quyền liên tiếp vào không khí, ngược lại còn bị Nhạc Chi Dương ra tay trước, kiếm phong ngắm vào những nơi sơ hở trên cơ thể. Xung đại sư không biết rằng tên tiểu tử này đã mất đi nội lực, lúc này chỉ giả bộ phô trương thanh thế, vả lại y cũng có phần ngán ngại kiếm Chân Cương nên cho dù Nhạc Chi Dương có xuất kiếm hay không y cũng không dám lỗ mãng, xoay người né tránh khỏi lưỡi kiếm nhanh như chớp, tạm thời lúc này không có thời gian làm hại đến Tịch Ứng Chân.

Nhạc Chi Dương đang bận bịu với Xung đại sư nên chẳng quản được Minh Đấu, kẻ nọ không ai ngăn cản, vội tung người xông đến bên lão đạo sĩ. Tịch Ứng Chân dựa vào vách đá, trong cơ thể đang nhộn nhạo nghiêng trời lệch đất, mắt thấy kẻ địch đến gần nhưng lại không sao vận nổi một tia khí lực. Đúng lúc này, Diệp Linh Tô bất chợt xoay eo lượn khỏi Trúc Nhân Phong, tung một chiêu “Nguyệt Ảnh Không Lai” về phía Minh Đấu.

Một kiếm này chính là sát chiêu trong “Phi Ảnh Thần Kiếm”, lung linh tựa thủy nguyệt, hờ hững như có như không. Minh Đấu thầm biết lợi hại, đành phải bỏ qua lão đạo sĩ, xoay người đón đỡ. Hai bên chưởng qua kiếm lại, trong phút chốc đã trao đổi mấy chiêu. Trúc Nhân Phong thấy sau lưng thiếu nữ trống không, vội vàng nhảy lên vươn ngón tay điểm vào huyệt Chí Dương của cô.

Diệp Linh Tô chật vật chống đỡ với Minh Đấu, thầm biết sau lưng bị đánh lén thế nhưng cũng không tài nào tránh được. Đang lúc hoảng hốt, Nhạc Chi Dương chợt tiến bước sang bên trái, nửa vô tình nửa cố ý, trường kiếm thoăn thoắt lướt ngang, quét về phía eo lưng Trúc Nhân Phong, thời điểm hết sức trùng hợp, như thể tự thân Trúc Nhân Phong lao vào mũi kiếm vậy.

Trúc Nhân Phong kinh ngạc, rít lên một tiếng, trở tay chụp về phía Nhạc Chi Dương. Lúc này Xung đại sư cũng tung quyền đánh đến, Nhạc Chi Dương dẫu có bộ pháp diệu kỳ đến đâu cũng khó lòng chống đỡ nổi hai đại cao thủ cùng hợp sức ra đòn, chỉ thấy kình phong áp đến thân thể, máu huyết khắp người sôi sục. Chợt gã nghe một tiếng quát êm tai, Diệp Linh Tô chẳng quản đối thủ, đâm liên tiếp hai kiếm, chia ra nhằm vào hai tên Xung-Trúc, chiêu thức hiểm hóc quyết liệt khiến cho hai tên nọ đành phải bỏ qua Nhạc Chi Dương mà vội vã quay sang hóa giải kiếm chiêu.

Minh Đấu thừa cơ sấn đến, huơ chưởng vỗ vào lưng Diệp Linh Tô, nào ngờ chưởng lực còn chưa xuất ra đã thấy kiếm quang nháng lên, kiếm Chân Cương xuyên qua đám đông, ngắm chuẩn vào lòng bàn tay của lão. Minh Đấu mà không thu tay về nhất định một chưởng này sẽ vỗ thẳng vào mũi kiếm chẳng sai.

Minh Đấu dẫu có thần công cũng không dám xem nhẹ độ sắc bén của Chân Cương, lão bất đắc dĩ đành thu tay, đang định biến chiêu thì Diệp Linh Tô đã kịp quay lại xuất kiếm, Thanh Li cùng với Chân Cương đồng loạt đâm về phía lão. Hai thanh thần kiếm toát ra khí lạnh thấu trời, Minh Đấu chỉ cảm giác kiếm quang lóa mắt, theo ý thức không dám đón đỡ, tung người nhảy ra sau cả trượng.

Hai người Nhạc-Diệp một lòng đối địch, ban đầu cũng không suy nghĩ nhiều, nào ngờ song kiếm cùng nhau thi triển lại liên tục ép lui ba đại cường địch. Đến lúc này, bọn họ ngước mắt nhìn nhau, trong lòng vô cùng sửng sốt. Chưa kịp suy nghĩ, Xung đại sư và Trúc Nhân Phong lại xông đến, hai người đành gác cơn bối rối, dốc toàn lực chống địch. Diệp Linh Tô vung kiếm như gió táp mưa sa, đâm hết người này đến kẻ nọ. Nhạc Chi Dương thì lại nhắm bên đông đánh bên tây, tùy cơ ứng biến. Hai người, kẻ như đại quân dũng mãnh, kẻ tựa kỳ binh tập kích, vừa vặn kết hợp với nhau tạo ra biến hóa vô hạn, cộng thêm hai thanh thần kiếm chém sắt như bùn kia, cùng hai tên đại cường địch giao tranh quả là cân tài cân sức.

Minh Đấu xem mà ngứa ngáy, lòng nảy sinh ác ý, lập tức nhảy đến hợp sức cùng hai tên Xung-Trúc, định bụng giết hai đứa nhóc này trước rồi sẽ trị lão đạo sĩ sau.

Lần này đúng là họa vô đơn chí, Diệp Linh Tô còn có thể miễn cưỡng chống đỡ, Nhạc Chi Dương lại cảm giác áp lực đè nặng như núi, chật vật thở dốc, kiếm Chân Cương hệt như một phiến lá rơi, trôi nổi bồng bềnh trong cơn kình phong, gần như không tài nào nắm bắt được.

Gã lúc này đã xuống sức, không thể phát huy uy lực của từ “Kiếm”, đành phải vắt hết tinh hoa của hai từ “Dịch” – “Tinh”, đồng thời trong “Tử Vi Đẩu Bộ” lại dung nhập “Linh Vũ” vào, bước chân thêm rối rắm, thân hình thêm biến ảo. Ý chính của “Linh Vũ” chính là dựa vào tám chữ “Thiên Hạ Độc Bộ, Bàng Nhược Vô Nhân”, chẳng những liên tục quan sát đối thủ mà còn phải quan tâm đến toàn cục, điều này cùng với tổng cương trong “Dịch Tinh Kiếm” lại vừa vặn trùng khớp.

Nhạc Chi Dương đã lĩnh ngộ ra điều này, gã lưu ý địa thế, tầm mắt mở to, xem hầm mộ trở thành bàn cờ, đem đối thủ trở thành quân cờ, bản thân nắm rõ toàn cục, nước cờ nào đã qua không để tâm đến nữa, chỉ muốn giành lấy lợi thế. Thỉnh thoảng xen lẫn trong chiêu kiếm của Diệp Linh Tô, gã lại ngẫu nhiên đâm ra một chiêu, vừa khớp như vẽ rồng điểm mắt. Ba tên địch thủ kia cứ mỗi khi chuẩn bị đánh trúng thì kiếm Chân Cương luôn luôn đâm đến đúng lúc, nhắm ngay vào chỗ hiểm của bọn chúng, thời điểm hết sức trùng hợp cứ như đã mai phục sẵn ở đó, chỉ đợi ba tên ác nhân lao vào tròng. Ba tên nọ hết sức kinh ngạc, dần dà bị bức lui lại. Cứ như vậy, sức ép lên Diệp Linh Tô cũng giảm nhẹ đi đáng kể, khoái kiếm của cô một khi được sử dụng thuận tay liền hóa thành một tấm lá chắn khổng lồ che mưa đón gió cho Nhạc Chi Dương, giúp cho gã thoải mái nghiên cứu kiếm pháp.

Hai người trước nay chưa từng hợp kiếm đối địch, lần đầu chung tay không ngờ lại kín bưng không kẽ hở, càng về sau càng hiểu ý nhau, như cá gặp nước mặc sức tung hoành. Kiếm pháp cả hai tuy có phong cách trái ngược nhưng lại có thể lấy thừa bù thiếu, liên miên như sông dài, sáng tạo như âm dương, chiêu thức ảo diệu nhiều không kể xiết.

Bất tri bất giác đã đấu qua hơn năm mươi chiêu, nhóm ba tên của Xung đại sư kết hợp lại vẫn không thể khống chế được hai người, trong lòng quả thật là muôn vàn cảm xúc lẫn lộn: vừa bực, vừa thẹn, vừa bối rối, lại vừa kinh ngạc, không hiểu bằng cách nào mà hai thiếu niên nam nữ này lại một bước lên mây, luyện thành thần kỹ như vậy? Ngay cả Tịch Ứng Chân cũng quên khuấy đi mất cơn đau của “Nghịch Dương Chỉ”, hai mắt trợn tròn, ngây ra nhìn hai người.

Lại đấu thêm vài hiệp, Nhạc Chi Dương không dám vận dụng nội lực, dần dần bắt đầu đuối sức, xuất kiếm có phần chậm chạp, tức thì hai người liên tiếp gặp phải nguy hiểm. Nhạc Chi Dương thầm hiểu rằng nếu cứ như vậy nhất định sẽ thất bại, gã tu luyện “Linh Vũ”, có thể trong lúc giao đấu mà phân tâm nhìn ngó xung quanh, lúc này lập tức rảo mắt bốn phía, chợt thấy hộp ngọc đang nằm dưới đất. Chiếc hộp này ban nãy rơi xuống từ trên tay Thích Ấn Thần, mọi người bận mải miết ẩu đả, nhất thời chẳng ai quan tâm đến nó.

Nhạc Chi Dương lùi về sau vài bước đến bên cạnh hộp ngọc, gã canh chuẩn phía cửa mộ, bất thần giơ chân đá mạnh vào chiếc hộp ấy. Hộp ngọc hóa thành một luồng sáng nhạt, bay vèo ra ngoài cửa nhanh như sao xẹt.