Ly Rượu Pha Vội

Chương 25




Tôi để xe ở một ngã ba rộng và đi bộ xuống phố 193 trong trạng thái mê mụ, cố nghĩ cách thoát khỏi thảm họa này. Tôi gặp Mike ở lối vào phía nam công viên, cách xa nơi các sếp đặt Trung tâm chỉ huy trên phố Jerome.

Tôi không thể không chú ý đến nửa tá xe lấy tin đỗ dọc phố. Hay thật. Công chúng có quyền được biết. Lẽ ra tôi phải hỏi: Tại sao lại thế?

- Có ai chú ý đến việc tôi vắng mặt không? - Tôi hỏi Mike thay lời chào.

Vẻ mặt anh phiền muộn:

- Tin xấu đây, Lauren. Cảnh sát trưởng đã đến cách đây mươi phút, mọi người rất bất bình vì không biết cô ở đâu.

Bụng tôi đau thắt.

- Nhưng cô biết tôi rồi, - Mike nói. - Tôi chỉ cố vỗ về ông ta và nói chuyện rồi đưa ông ta về xe đặc chủng, chỗ của ông ta.

Tôi đấm vào cánh tay người cộng sự luôn luôn thông minh của tôi. Trên thực tế, quan hệ của chúng tôi rất tốt.

- Tôi rất cảm kích, - tôi nói. Mike không hình dung nó đáng giá biết chừng nào.

Mưa vẫn rơi đều đều lúc chúng tôi đến các căn nhà trên đại lộ Creston ở phía đông công viên. Nếu như hai sân bóng ném bằng bê tông rộng rãi, những vòng bóng rổ han gỉ và những cây đu cho trẻ em có thể coi là một công viên.

Tôi không biết James có phải là thần hộ mệnh hay không, nhưng tôi có linh cảm khác thường: những ngôi nhà cổ quanh công viên không phải là nơi bán cần sa, côcain và hêrôin. Tuy nhiên, căn cứ vào vẻ mặt của những thanh niên buồn chán, mũ trùm đầu sùm sụp dưới mái hiên bằng nhựa đỏ ở tiệm rượu góc phố, sự có mặt của chúng tôi làm việc mua bán chậm đi nhiều.

- Cho tôi biết những tin tức anh thu thập được, Sarge, - Mike nói với một cảnh sát da đen chắc nịch đang điền vào báo cáo trong cửa một xe cảnh sát mở rộng.

Anh ta ngước nhìn, bộ mặt chán ngán. Tốt, tôi nghĩ, thất vọng thế kia là ổn rồi.

- Chúng tôi tìm ra Amelia Phelps, một bà già Mỹ gốc Phi tám mươi tuổi sống trong cái nhà cà khổ đằng kia kìa, - viên trung sĩ nói và chỉ một căn nhà sườn che vải nhựa ở góc phố. – Bà ta nói đã nhìn thấy một cái ôtô đỗ gần đường dành cho xe của bà ấy, - viên trung sĩ tiếp tục, - và một người đàn ông vác một thứ gì đó ra khỏi xe.

- Là da trắng, da đen hay Tây Ban Nha? - Mike hỏi. Chợt một tiếng quát to ngắt lời anh:

- ĐẤY LÀ THỨ CHÚNG MÀY VỚT ĐƯỢC!

Đó là một trong những tên đội mũ trùm xám trước tiệm rượu. Cánh tay và bàn tay gã dang rộng.

- TỶ SỐ 5-0 CUỐI CÙNG ĐÃ ĐẾN VỚI HỌ! - Gã lại gào lên. - LÚC VẬT LỘN!

Mike lao ra đường phố có quán rượu nhanh đến mức tôi phải lóc cóc chạy theo mới kịp.

- Thế là gì hả? - Anh nói và lấy tay bịt tai lúc chúi xuống dưới sợi dây chăng quanh hiện trường rồi len vào giữa đám người trước cửa hàng.

Hầu hết những người mua, bán ở St. James đã khôn ngoan tản vào các khối nhà, nhưng kẻ kích động, một gã Tây Ban Nha gày gò, mắt xanh, da trắng không hiểu sao vẫn đứng trơ trơ tại chỗ. Gã trạc hai mươi tuổi.

- Gì hả? Các người không muốn nghe sự thật à? - Gã nói lúc hếch cái đầu của một võ sĩ hạng gà vào Mike. - Nào, làm gì thì làm đi, thằng ngu.

Mike nhấc bổng cái thùng rác bằng kim loại ở góc phố, nâng bằng cả hai tay và ném vào gã kia như ném bóng rổ. Mép bằng thép đập thẳng vào lưng gã rồi bắn vào rãnh nước. Mike nhấc cái thùng lên và đổ ụp xuống, vùi gã kia vào đống rác rưởi.

- Hắn là đồ vô dụng, - tôi thì thầm vào thái dương anh sau khi bắt kịp. - Anh muốn mắc kẹt vào cái chuyện đáng nản này à? Hãy mở mắt ra, Mike. Các sếp ở khắp nơi kìa.

Mike xoa xoa mạch máu đập rộn ở thái dương lúc anh để tôi lôi đi.

- Cô nói đúng. Cô nói đúng, đồng sự ạ, - anh lẩm bẩm, đầu cúi gục. - Xin lỗi, tôi sai rồi.

Đấy là lúc tôi nhớ ra.

Mike là một cảnh sát thế hệ thứ hai, cha anh đã bị giết trong lúc thực thi nhiệm vụ. Cha của Mike là cảnh sát giao thông, ông bị bắn vào mặt khi bước vào một ôtô dưới đường hầm đang diễn ra vụ cưỡng hiếp. Đấy là một trong rất ít vụ giết cảnh sát trong lịch sử của NYPD chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Vì thế, chỉ có một thứ làm người cộng sự điềm đạm của tôi nổi điên, tôi nghĩ lúc kéo anh tới nhà nhân chứng.

Đó là việc một cảnh sát bị giết.

Sự việc tiến triển mỗi lúc một hay hơn đây.